Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Nhật ký 1947 - 1948

 

Thu Đông năm 1947, Pháp mở chiến dịch tấn công Việt Bắc hòng tìm diệt cơ quan đầu não của Việt Minh, thời gian bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1947.

Ông Trần Độ được cử đi vào Thanh Hóa, dẫn đầu một đoàn công tác có các văn nghệ sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, Mai Văn Hiến, Nguyễn Công Hoan,… với dụng ý là “sơ tán anh em khỏi Việt Bắc”. Hành trình chuyến đi từ ngày 03/11 năm 1947 từ Bản Vẹ đến Thanh Hóa, sau đó trở về từ ngày 19/12 năm 1947. Trên đường quay trở về, ông Trần Độ có ghé về thăm Mẹ từ ngày 03 đến 05/01 năm 1948. Và đến ngày 10/01/1948 về đến Bản Vẹ, Thái Nguyên.

Cuốn Nhật ký 1947 – 1948 hoặc còn gọi là Cuốn Nhật ký Màu Xanh mà nội dung chính là ghi chép lại hành trình và những cảm nhận của chuyến đi này.

Tính ra chuyến đi 38 ngày này, với gần 600 km, ông toàn đi bộ và có vài đoạn đi thuyền.


23/7/1947

Quyển vở này thổ phỉ của Tô Na, phóng viên nhiếp ảnh của Khu XI chuyển sang Khu II. Quyển vở giấy xanh và đẹp sẽ cố gắng ghi lấy những cảm tưởng, những hình ảnh xanh tươi hay gầy gò của một tuổi trẻ lắm điều rắc rối. Tô Na ơi, vui lòng nhé, tớ sẽ nhớ tới ống kính của đằng ấy mãi mãi.

Buổi trưa ngày đi tại Trung đoàn 80 cùng Cẩn và Hồng Kỳ.

Tháng 3/1947, ông Trần Độ lên Chiến khu Việt Bắc

25/7/1947

Đây không phải là nhật ký, không phải là cuốn sách. Đây là một bầu tâm sự, cái tâm sự xanh xanh, sáng sáng như một ánh đèn vui.

Cái bầu này là tôi. Cái bầu này lại là bạn tôi. Nó dốc ra, đổ vào nó, nó lại uống đi. A! Còn cái gì phiền phức, lôi thôi, bát nháo bằng cái tâm sự của một thằng thanh niên? Đây là trước ngày rời bỏ Khu II, nơi có những mảnh thủ đô đẹp, nhộn tản mạn về, nơi chứa đầy cái thân ái, nơi làm ta thất bại sâu cay. Mai ra đi mang theo một mối buồn bực, ai hoài. Có người bảo cái tâm sự mình “chua” – chua như cà chua hay chua như chanh? Mình không biết. Có lẽ nó chua thật. thì chua, nhưng có một mùi vị là được rồi.

Mấy hôm nay mình cười lớn, nói khỏe, quát lên, điên lên như một kẻ đau đớn, bực dọc. Trước sự lưu luyến săn sóc của những thằng thanh niên vui tính, mình càng cảm thấy mình bắt đầu đi vào bãi sa mạc.

Mình thấy thích uống rượu. Ngồi với An Zao và Cẩn, mình uống hết cả một bát rượu mật ong…

Thoạt tiên trước đây nghe dư luận về mình: hủ hóa, bất mãn, quan liêu, mình cáu quá. Sao lại có thể có những điều dựng đứng lên thư thế. Có một điều: Có người bảo là mình bất lực, không quán xuyến nổi Khu II, khi lên Khu II, đổi hết người Hà Nội vào, đẩy người Khu II ra.

Nghe những dư luận trên, mình bàng hoàng, đâm ra hoài nghi mình: không biết trong lúc vô tư mình đã hành động vụng về chăng. Mình còn tự hoài nghi nữa rằng: mình hay đùa nghịch quá đã hại tới công tác chăng?

Tuy Vi Ngọ hết sức bênh vực mình, khuyến khích mình trong những điều hoài nghi đó. Song mình không khỏi ân hận rằng: Mình đã quá “thanh niên”.

Vi Ngọ lo cho mình về sự “trù” của sừ V. Mà đáng lo thật. Sự băn khoăn dằn vặt mình cho tới bây giờ. Một điều làm cho mình thỏa mãn nhất là sự hiểu biết của anh em cán bộ Khu II và mối cảm tình lưu luyến đằm thắm của anh em Khu XI cũ. Lê Chiêu tiếc mình, tâm sự với mình những điều riêng Tây – Thật là một thanh niên tận tụy với chủ nghĩa và thành thực vô cùng.

Lê Quân cũng thế và đã tỏ ra hiểu mình rõ lắm. Hùng Thanh, Hồng Tài thủ thỉ một câu rất thấm thía: “Tuy xa anh, nhưng chúng tôi hiểu anh” – Và suốt cuộc khai hội, ai nấy đều tỏ với mình một sự hiểu biết vui vẻ. Bọn ở Khu Hà Nội buồn thỉu đi như mèo bị cắt tai, chúng nó cuống lên và viết thư cho mình tới tấp. Chúng nói thẳng: Chúng mất một người bạn vui và thân ái, mất một cái cột dựa rất tin tưởng.

Chỗ này ta có tự phụ quá không? Thôi, ai hiểu cho thì hiểu!

Đến nay ta còn hiểu rõ ta như thế này sau khi căn cứ vào sự nhận xét của những người chung quanh:

1) Hủ hóa, quan liêu, bất mãn về phó ủy viên – một chuyện thật tức cười – là một chuyện người ta nghĩ ra mà gán cho mình. Mình cho là ít ai nhũn nhặn, ít phàn nàn như mình, có nghĩa gì đâu chuyện phó với chánh. Kể ra làm chính trị ủy viên mà phải dùng bà Ba Hoán hay đối với bà ấy cho khéo thì mình chẳng những không đáng làm phó ủy viên mà còn chẳng đáng làm gì cả! Còn những công tác khác – ngoài chuyện kiểm soát quân nhu – thì có những cái cười của Lê Chiêu và những chuyện vui trong hội nghị chứng tỏ hết.

Nếu nhận (xét) như thế này thì đúng:

a) Do sự điều động Lâm Kính làm Q. Khu trưởng,

b) Chuyện bất bình giữa bà Ba và L.K.

c) Mình gắng chinh phục bà Ba, nhưng không nổi rồi mình sinh ra tiêu cực.

Việc ở Khu bộ mình không tích cực săn sóc cải thiện. Việc quân nhu tài chính không hỏi đến mà chỉ cùng với Lê Chiêu kế hoạch công tác và khai hội mà thôi.

2) Còn chuyện vui đùa thì: Không khí hăm hở, sự tiến bộ của nhân viên Khu Hà Nội chứng tỏ điều đó. Mình thấy mình không hề mất uy tín mà trái lại. Duy có điều là đôi khi mình quá trớn chút ít.

Mình là một thằng thanh niên, muốn sống cho thực, cho rõ, không muốn hạn chế những cái “tự nhiên” của tuổi trẻ.

Có bất mãn chăng là lần này. Lần này mình nói thẳng với nhiều người rồi đó. Và nhiều người cũng bất mãn hộ mình. Kể ra sự điều động mới nghe thì hợp năng lực đấy, song đã gây nhiều sự ngạc nhiên. Mình bất mãn không phải vì điều cấp chức lôi thôi, song hình như vì phải chịu đựng một sự “trù” rất vô lý và nhỏ nhặt. Ha! Mấy hôm nay uống rượu nhiều. Hủ hóa chăng? Hỡi bầu tâm sự xanh của ta!

Nhưng không! Cái cười của ta sẽ bất hủ và nó kéo dài mãi trong công tác của ta.

Ta cứ cười mãi và cũng cứ sẽ nhởn nhơ mãi với những thử thách cay chua!

31/7/1947

Sắp ngủ lại có Dũng và Đắc tới, không ngủ được.

Chà, lại thành lập lại Khu XI mà mình không được về. Thế thì là nghĩa lý gì? Còn cái tiếc nào to bằng cái tiếc này. Nếu Kiên về thì khó mà có uy tín làm nổi việc. Kể những đầu óc địa phương của tụi Khu Hà Nội thì cũng chẳng chính đáng chút nào. Song mình về Khu XI thì thật đúng quá! Từ nay bó chặt trong nghề tuyên truyền cũng là một điều hay song không được thỏa mãn lắm cho đôi cẳng trẻ trung của mình.

Gia đình vẫn vui, nhộn và ấm cúng lắm. Sống mãi ở đây thì làm gì? Lạ thật hễ nhảy ra ngoài đường thì không sao, nhưng về đến nhà mình thấy uể oải, không có hứng thú và lại chỉ muốn chuồn ngay. Ở nhà làm gì? Phiền chị, phiền vợ, lại thêm rộn rịp suốt ngày không suy nghĩ được cái gì, không làm được việc gì cả.

Ai cũng nói “Về gần nhà thì sướng bỏ mẹ đi”. Ừ, mình phản đối thì rõ ra thằng giả đạo đức. Phải, gần vợ, gần con thì ai không thích, ai không sướng. Nhưng còn Khu XI? Cái cảm tình nặng nề với các cán bộ, cái hoạt động ồn ào, cái say mê công tác… Bao giờ quên được?

Hay gì cái đầu óc địa phương? Nhưng gia đình khu XI sao mà tươi trẻ, sao mà thân ái. Đó là những người bạn tâm tình, những anh chàng chỉ biết cười và chết. Hồng Kỳ bảo mình: sẽ chết ở Khu đặc biệt và sống mãi với Khu đặc biệt. Nhưng cái thằng Độ là trùm nghịch ở Khu, từ giã Khu rồi? Hỡi những ông lính cậu ở Thủ Đô. Hỡi những đội viên láu lỉnh và bướng bỉnh ở Thủ Đô. Sao mà hợp nhau thế.

Có cái lạ là ở Hà Nội, đôi lúc mình cáu, phê bình cán bộ như tát nước vào mặt, mình tưởng chừng như bị ghét đến nơi mà sau lại thấy vẫn vui.

Chinh phục được những Trắc Vinh Nam, Quang Tuấn, B. S., v.v… kể cũng là một kỳ công của Quân Khu ủy XI.

Lại nói chuyện gần gia đình. Thật ra mình thấy ngài ngại. Còn đâu những cuộc khai hội mà các cán bộ bốn phương đem những hương vị xa lạ về hòa lại nhịp nhàng và hứng thú. Còn đâu những cuộc thăm đón xa xôi mà cảm tình lúc ấy vượt lên, rộng rãi, bao la và cảm khái. Về gia đình, cái tình cảm tuy thân mật nhưng hẹp hòi quá. Giá được một hoàn cảnh thuận tiện là thỉnh thoảng về thăm nhà đôi chút, đều đặn và ngắn ngủi không hại tới công việc thì sung sướng bao nhiêu. Chứ còn gần luôn để làm gì? Mất thì giờ lắm đấy!

Mấy ngày gần đây sẽ làm gì? Trước khi nhận công tác sao mà mình nóng ruột bứt rứt. Giá nhận ngay đi cho dứt khoát rồi bắt tay vào việc hì hục mà làm thì thích đấy…

Có phải mình không tốt với gia đình không? Chưa chắc đã đúng, nhưng còn có cái gì nó rộng rãi khoáng đạt hơn kia.

Đoàn đại biểu Thanh niên Quốc tế không sang. Một cái cụt hứng. Đại biểu Thanh niên đi dự Đại hội Quốc tế Thanh niên ở Prague đi rồi, cử xong rồi, hai cái cụt hứng. Bao giờ tầm mắt được rộng hơn một chút, bước chân được tung tăng thêm một chút, hỏi thằng thanh niên xấu số có bầu tâm sự xanh xanh này đây. Bao nhiêu ảo tưởng quan sát quân đội nước ngoài, thu hút những điều xa lạ tan rồi. Tuổi thanh niên vùn vụt đi và sẽ vùi trong cuộc kháng chiến này. Ta không phàn nàn nhưng xin ai đừng cấm những thanh niên nhớ tiếc những cái ngông cuồng xanh tươi và trong trẻo.

Điệp ơi! Mày có như tao không, không thể kìm hãm những nóng ruột của ngày xanh được. Đời to quá, chúng mình mới sống có tí tẹo mà năm tháng cứ rút dần nhưng những cây số trên quãng đường trường. Chúng mình cứ lăn đi. Đây là cây số 25 rồi, còn bao nhiêu cây nữa thì xong đường hở trời?

02/8/1947

Đi Bắc Kạn, giữa đường gặp anh Thọ. Anh Thọ mớm cho mình một chút hy vọng: Sắp có gửi học sinh đi ngoại quốc, nhưng còn 6 tháng nữa kia. Anh hứa sẽ đề nghị cho mình.

A ha “đời tươi chưa”.

Tự nhiên mình thấy hăng hẳn lên, khoái chí hẳn lên, không còn thấy luyến tiếc Khu XI vui đẹp của mình nữa. A! Đi học! Nếu quả mình đạt được ý muốn đó thì thật thỏa mãn sung sướng. Đi! đi mãi, đi nhiều, đi không cần học cũng đã là học nhiều lắm. Thế là mấy ngày liền mình chỉ nghĩ đến sửa soạn đi. Viết thư cho những ai? Đem những gì đi? Dặn Điệp những gì? Nói với mẹ ra sao? Tưởng chừng như nay mai đi đến nơi. Mê mải với những chuyện ngông nghênh ấy, mình quên hết.

Mà anh Thọ nói phải: Ôm lấy bộ đội mãi thì làm sao mà dứt ra đi được. Công tác ở Phòng Tuyên truyền sẽ chứa chan hy vọng ra đi.

Gặp ai mình cũng muốn báo ngay cái tin vĩ đại ấy và muốn khoe với mọi người ngay cái triển vọng của mình. Muốn viết thư ngay. Song hãy còn cố giữ bí mật. Nhưng không biết cái sung sướng có bị kèm chế hay không nó lại tung ra quá sớm, khi mọi người biết cả rồi, lại hóa ra mình không nước mẹ gì cả thì Ô! Hô

Tin tưởng lắm! Mình tin tưởng lắm. 30 đại biểu thanh niên là cử ở Pháp đi. Vậy thì ra chưa có ai may mắn trước ta cả. Cũng là một cái vinh dự lắm thay. Đi thì học gì đây?

Tốt nhất là được học văn hóa, nếu không, học gì cũng được: quân sự, chính trị, kỹ nghệ. Học là được rồi. Học gì cũng sẽ để hết say mê vào đó, đặt hết những gắng sức vào đó. Đây sẽ là bước rẽ của đời ta.

Nhưng 6 tháng nữa, chao ơi sao xa quá nhỉ? Mau mau lên sáu tháng ơi. Sáu tháng này phải học. Học thêm chút nào hay chút ít ấy. Không biết học mấy năm đây, khi về cuộc kháng chiến còn không hay chấm dứt. Kể ra vắng mặt trong cuộc kháng chiến cũng hơi buồn. Nhưng vũ trụ bao la, phải đi đi cái đã. Đời phấn đấu còn nhiều.

* * *

Gặp bọn văn hóa cứu quốc. Vui thay! Lại hoạt động chút nhiều về văn hóa. Lắm lúc mình thấy nghiễm nhiên hóa thành 1 nhà văn hóa. Và cánh họ tin tưởng vào mình gớm.

Cuộc kháng chiến này hiện ra bao nhiêu cái uất ức ghê gớm, bao nhiêu sự hy sinh, tinh thần quật khởi hùng vĩ của dân tộc. Thế mà chưa ai có đủ tài bầy nó ra được. Các nhà văn bị ngụp dưới cái mênh mông của dân tộc. Đang cố vẫy lên. Thật ra, mình kém cho nên cũng cảm thấy cái đuối kém của mình. Băn khoăn, thắc mắc rất nhiều, rất rối mà cấm gỡ nó ra làm sao được.

Mình thấy có “những cái ngông của thời kháng chiến” muốn nói đến. Nhưng cậu Tưởng muốn biết những căm hờn. Được sẽ viết “Mối tình khói lửa” một chuyện đã nghĩ từ lâu.

Sống lại đôi chút tưng bừng của Thủ Đô. Song cái man mác nhớ Thủ Đô còn nhường cho cái náo nức thăm hải ngoại bao la của ta.

07/8/1947

Nhận việc 2 hôm nay rồi, buồn gớm lên. Công việc đang chạy đều, song cũng như nhiều nơi, nó chạy khập khễnh, cứ phải vừa chạy theo vừa nắm. Sẽ gắng sức. Song không khí làm việc ở đây thật là không khí nước ao tù. Cảnh sống thì thơ mộng quá, tả ra chắc những ai ở xa say mất đấy: một căn nhà lá đầy bàn giấy và báo chí dựng vắt vẻo nhẹ nhàng trên một ngọn đồi cỏ non. Chung quanh có những cây mít, cây cam, bên cạnh một đồi khác cây cối um tùm, dưới chân đồi một cái giếng mát và vài hòn đá to tròn trĩnh sạch sẽ.

Ở đây chỉ thấy mùi văn, chung quanh mình toàn sách, giấy trắng và bút mực, lại có đàn, đàn guitare là thứ mình thích nhất. Nhưng khốn nạn thay, đôi tay dùi đục của mình đến bao giờ mới nắn được phím tơ hồng.

* * *

Mấy hôm nay Nguyệt nó điên. Em nó sốt quá, uống nhiều ký ninh nên nóng quá, thần kinh bị kích thích nhiều và có cái đặc biệt là thần kinh nó được phát triển một cách đặc biệt trong một thời gian rất ngắn. Vì thế nên nó nói: “Tự nhiên em thấy em thông minh lạ, những cái gì trước khó đến nay em thấy dễ lạ lùng, tự nhiên đánh được đàn. Và em thấy yêu thích tất cả mọi thứ mà trước em ghét”.

Đúng thế, đó là một lúc, tất cả các dây thần kinh làm việc nhiều nhất, thành ra đâm ra cái tình trạng như trên.

Thật giống Phan Hồ quá. Cũng là một thứ điên, song một thứ điên có thể tha thứ. Nghĩ cũng thương hại. Không ốm bao giờ mà lỵ.

Nguyệt viết rất nhiều, lấy quần áo trắng ra mặc, lấy nhẫn của L.K ra đeo. Thế là nghĩa lý gì? Buồn cười thật, đùng đùng đi may blouse, đùng đùng xuống Q.Y.V nằm cười để mình phải cưỡi ngựa đi đón suýt mất đồng hồ. Nó thờ phụng cái nghề Hồng Thập Tự cao quý và thiêng liêng. Nó yêu và rộng lượng với tất cả mọi người.

Nhưng Nguyệt ơi! Nghề nào là nghề không cao quý, không thiêng liêng, các nghề phải quan hệ với nhau, giúp đỡ nhau mới gây thành sự sống chứ. Cô em bé ghét nghề chính trị. Ô, cũng giống như ai đã ghét nghề chính trị. Phải, các cô cứ ghét đi! Tôi sung sướng lắm. Các cô còn trẻ quá, ngây thơ quá, sống trong phạm vi nhỏ hẹp quá, chưa từng nếm những cay chua mặn chát của đời, chưa gặp những éo le, những uẩn khúc, nên chỉ thích cái gì nhẹ nhàng dễ dãi, thẳng băng và trong trắng.

Nhưng đời sống đắng lắm các cô ơi!

Nguyệt viết nhiều, câu văn tuy lủng củng nhưng những cảm tưởng thật tươi mát và xinh xẻo. Nguyệt dễ tin người quá. Nhưng sau này Nguyệt sẽ học nhiều hơn. Cảm tình của Nguyệt có nhiều khi sôi nổi một cách rất thực thà dễ thương. Nếu nó cứ điên mãi thì chắc còn lắm chuyện “thiên binh”. Nó mê Quân y lắm đấy. Hôm nay viết mấy chữ thăm cô bé, mà cô bé trả lời mấy trang liên, nói lung tung. Nó điên nó chẳng biết gì cả, nó viết cả những chữ thật là tối kỵ của một cô gái 20. Ở nhà thì nó ghét thế mà bây giờ nó tử tế thế. Thế mà nó chê tất cả mọi người là điên đấy. Chà! Không biết làm sao cho nó chóng khỏi, kẻo thế này mãi gầy rạc đi thì khổ.

* * *

Những ngày ở Bản Vẹ

Có người khuyên ta đưa Điệp về ở bên cạnh để giữ tiền cho Phòng Chính trị. Thật là một mối băn khoăn lớn cho mình.

1) Mình có cảm tưởng như là mình ở Phòng Tuyên Truyền là một chuyện hết sức tạm bợ. Không biết rồi mình vọt đi đâu lúc nào.

2) Đưa về để vợ bên cạnh nó thế nào ấy mà rồi cứ đùa suốt ngày mất việc lắm. Mình cứ thấy như ai cũng có thể nói được mình, họ xa vợ, xa con làm ăn cặm cụi, mình có vợ kề bên thì hô hào họ hy sinh cái gì.

3) Đang sống nhờ vả ở gia đình chị Dzư vui vẻ và êm ấm, tự nhiên mình lên lại lôi đi, nó làm sao ấy! Để Điệp ở nhà thỉnh thoảng về thăm thú hơn!

Ai cũng cho là mình lãnh đạm với vợ con, có phải đâu? Nhưng...

14/8/1947

Hôm 09/8 xuống trường Huấn luyện Chính trị viên, giữa đường gặp anh Thọ. Anh Thọ khuyên học! Đó là điều mình đang dự định.

Thọ lại triết lý một hồi về vợ con. Kể cũng hay hay. Anh ta tâm sự: “Mỗi một lúc thấy đứt cái khuy áo hay bật đường chỉ quần mà phải cặm cụi khâu lấy thì lại thấy cô quạnh, hơi lạnh lạnh nơi lòng, muốn có ai an ủi, giúp đỡ ít nhiều”.

Phải... ý kiến anh Thọ thật hợp ý mình. Có lúc thấy cần có một người đàn bà ngay bên cạnh giúp đỡ những công việc thật đàn bà. Như thế lý thú thật. Ví dụ như mình mà có người chép hộ những cái gì mình muốn chép, thu xếp các thức lặt vặt, v.v... Nhưng khi gần nhau nhiều thì lại có những cái gì phiền phiền lộ ra, làm cho nhau khó chịu, ngay cả những cái quá săn sóc đến tủn mủn, nhấm nhắt cũng khó chịu. Tâm hồn thằng đàn ông là một cái gì rộng rãi, đại khái không vụn vặt tỉ mỉ hay thấy bị phiền. Đó là ý thứ nhất.

Vợ còn phải là một cái gì thuộc về mỹ thuật, nghĩa là phải đẹp. Đây là một điều kiện căn bản để suy ra những cái khác. Đó là một chuyện. Nhưng thực ra, cái tình yêu muốn cho đậm đà, ý nhị thì nó phải có cái dí dỏm, tình tứ ở trong. Kể ra đàn ông rất dễ tính mà rất khó tính. Mình lắm lúc thấy những cái “độc tài trẻ con” của một cô bé, hay cái hay trêu tức của cô ta thú vị lạ lùng. Giá mình có một cô vợ như vậy, mình có thể chiều được rất nhiều cái trẻ con của vợ, vì mình cũng có người nhớn đâu. Nhưng trái lại, mình phải là địa vị đàn anh, quyết định mọi việc quan hệ cho đời và cho mọi sự việc quan hệ đến đời...

Những cô vợ như trên thì lại thiếu cái tinh thần giác ngộ, yêu kính chồng, khuyến khích chồng, chịu hy sinh phần mình nhiều để giúp đỡ cho đời sống chồng, nhiệm vụ chồng. Nghĩa là thiếu hẳn cái phần “đời sống lý tưởng” với nhau. Và trái lại, khi có hiểu và trọng lý tưởng của chồng một cách thực sự, đúng mực thì người vợ lại không sao thỏa mãn được những tình cảm phức tạp, lắt léo của chồng.

Phiền thế đấy làng nước ơi!

* * *

Hôm qua tham gia bữa tiệc trà với một bọn Âu châu. Vui thật! Những bài hát Âu châu đều đặc sắc. Tính tình người Âu châu thật thẳng thắn và vui vẻ. Có đủ cả Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Tiệp, Đức, Ba Lan, Pháp. Người Đức nhiều hơn cả.

Anh chàng Crimenest rất nghịch xung phong hát, xung phong kể chuyện, hát như bò và kể chuyện như chuyện tiếu lâm.

Anh chàng Thụy Sĩ ngẩn ngơ như trẻ con. Họ cười hồn nhiên. Họ hát những bài ca cách mạng, tình tứ của Đức, Ba Lan, Nga,… Cả anh chàng Nguyễn Đản râu xồm cũng hát.

Bữa tiệc có cái accordéon vào vui hẳn lên, lại thêm Trương Chi và Thiên Thai của Vũ Văn Minh nữa.

Song có điều là Lợi và chiến sĩ đã điều khiển khéo cuộc tiệc trà nhưng lại để đi đến chỗ quá dở, hát internationale và nói nhiều chỗ ghê quá.

01/9/1947

Hôm nay lại giở nhật ký ra đọc lại. Cái bầu tâm sự xanh xanh đã dần dần chuyển biến. Hiện nay, mình thấy đã yên chí với công việc mới rồi. Mình đã thấy có đủ điều kiện để thu gọn công việc.

Cuộc khai hội các trưởng phòng ngày 29/8/1947 đã giúp cho mình nhiều. Thế là ông Đắc sang phòng huấn luyện, cơ quan ấn tách ra trực thuộc vào Cục. Mình nhẹ hẳn việc đi và có thì giờ củng cố bộ máy. Duy có một điều hơi bận là Chủ nhiệm báo có Nghị định cử… Nhưng được, ta sẽ chuyển dần công tác vào đường lối của nó.

* * *

Công việc mới bây giờ vui, vì tự nhiên mình thấy vui, thế thôi. Chả giận ai, chả bực ai. Trông ai cũng hay hay, vui vui và tốt lắm. Người ta bảo rằng mình thế là người sung sướng. Ừ có lẽ. Mình vừa viết thư cho Điệp tả những thú núi rừng của mình, nhất là sự học tập, mình bằng lòng mình lắm, nhất định phải có tiến bộ chứ.

Thằng Thắng ghẻ lở, mình cũng ghẻ lở. Bực quá, con nó bé thế nó ghẻ lở thì thật khổ lắm nhỉ. Mà Điệp cứ vò võ cả đêm cả ngày trông con nghĩ thương hại quá, không biết rồi cuối cùng giải quyết ra sao? Đem Thắng về quê chăng? Mời bà cụ lên nuôi cho chăng? Đằng nào cũng khó nghĩ cả.

Nghe chị Thương nói thì cô con gái nào chưa có chồng cũng xinh cả. Phải, các cô ấy xinh thật, dễ thương thật, nhí nhảnh thật, lúc nào cũng hồn nhiên, thẳng thắn. Các cô ấy hát như chim, cười nói ríu rít và có lúc khóc, nũng nịu như púp-pê.

Minh ân hận mãi không có em gái xinh đẹp để trêu, để chiều và săn sóc thì ở đời mình cũng gặp nhiều em gái ngoan. Cô Nguyệt, cô Trung là trong số đó. Trông các…

Rừng, 29/10/1947

Nhật ký là một cái gì thiên binh. Khi buồn hay viết được nhiều, khi vui ít khi viết. Hôm nay lại giở nó ra đây. Vì đang buồn lắm. Mưa tí tách ngoài đêm đen. Ta viết thư cho anh Dzư, cho Châu Ký, cho Mẹ.

Ta nghĩ đến chiến sự đang lan rộng các nơi, sự tíu tít đối phó của các đồng chí, sự hy sinh của các đội viên,…

Ý nghĩ bây giờ cũng nhiều, tràn đầy trong óc, nhưng viết ra không bao giờ hết cả. Ai ơi…

B.V., 03/11/1947

Họp nhân viên toàn phòng nói chuyện trước khi đi, chẳng có cảm tưởng gì cả, vui không buồn cũng không. Mình có nhận một nhược điểm của mình mà hôm qua các đồng chí phê bình: Không có thái độ thân mật, không tỉ tê trò chuyện để biết rõ từng người mà giúp đỡ giải quyết giùm họ mọi mặt. Khi vui thì vui như phá, lúc làm việc thì lại lạnh lùng, khiến mọi người e dè, không dám nói rõ điều mình muốn. Đúng lắm, điều này mình cũng mang máng nhận thấy từ lâu song nay mới được nhấn mạnh.

Thấm thoắt mình nhận công tác ở phòng đã 3 tháng rồi, kể cũng chóng mà cũng lâu. Rồi đây 3 tháng tới sẽ chóng hay lâu? Ít lâu nay ở đây nhạt nhẽo lạ, ít chuyện quá. Rồi đây đi ra nó thế nào? Chắc là chuyện sẽ đậm đà hơn, phiền phức hơn. Mình ít rung động sâu sắc thành ra chỉ có những vui đùa hời hợt rất vô tư, không thông cảm được những cái gì tinh tế linh động của sự sống. Ngoài ra về công việc, bao giờ mình cũng khái quát, ít khi chịu suy xét đắn đo.

Ở nơi này thú nhất là gần gũi dân làng như người làng, làm đường, đi gặt, quen biết cả mọi người, nhất là buổi phát thanh hôm qua thì vui thật.

Ở đây họ gặt tập đoàn nhanh lắm, mình kéo đi đông thêm, chuyện như tết lại thêm có chuyện cô Cam và cô Mai, 2 cô xinh nhất xóm.

Còn giã cốm lại tuyệt nữa, mình đã biết đi gặt lại còn giã cốm khá mới thú chứ. Cô Cam và cô Mai giã cốm trông hay thật, các cô nói năng cử chỉ đặc biệt rừng núi ngây thơ.

Lục Ba, 5/11

Hai ngày nay đi chưa có gì đặc biệt. Hôm qua khi bỏ làng ra đi qua chỗ gặt, nhìn mọi người đứng im nhìn theo và tụi mình giơ mũ vẫy vẫy cảm tưởng như bỏ quê hương thật. Hôm qua lại gặp cô Trung, trông cô bé đen đi và vẫn ngây thơ chất phác vui vẻ đáng thương như trước, cho em một cái ảnh cháu Thắng, cô bé cười lên một cách sung sướng đáng thương hơn nữa. Lại cả cô Hồi nữa, gầy đi nhiều quá và hình như chửa rồi.

Hôm nay đi hơi đau chân, mỏi đùi và nhất là đau vai mỏi lưng – qua chợ mua dao găm gửi về phòng, mua kim chỉ cho chị Dzư, mua cặp tóc cho Quyến, An. Qua cảnh hoang tàn ở Đại Từ chụp ảnh. Khoát có vẻ xúc động lắm đổi tốp quay lại tốp thứ hai với mình, Quang, Hiếu để nói chuyện. Nhìn những tàn gio nứa trắng phếu, bọn mình bảo nó như tóc là bà lão hay một dòng nước đục đang chảy quanh co, còn những mảnh tường, những cột cháy đen thui trông thảm đạm rải rác cả coi buồn buồn.

Qua Đại Từ từ lúc hơn 7 giờ để tránh máy bay nhảy dù. Thường quá, chưa có chuyện gì hay cảm tưởng gì đặc biệt. Hai giờ chiều tại một quán cơm, có thợ may, sau một giấc ngủ.

Chợ Khiêu (Phúc Yên), 10 giờ sáng, 7/11

Hôm qua đi từ chợ Cát Nê đến Phúc Thuận có chợ, ăn phở - cắt tóc – giữa đường gặp Vương Minh Phương, nhận thư của Cẩn Hải, húp một philip, hỏi dăm ba chuyện Khu XI và Khu Hai. Tìm Vi Ngọ không thấy.

Đi qua đèo Nhe – cảnh đẹp – đèo Nhe khá cao, xuống đi tuột xuống đồng Trầm. Ngủ, tắm, gặp một chị cán bộ giúp đỡ ăn uống khá, giường ngủ chật và bẩn, không có nước uống, buồn.

Sáng nay đi thoáng nghĩ đến Cách mạng Nga. Hôm nay đi được ít đường quá. Ghi chép lấy lệ đây thôi.

Ngày 8/11

Nghỉ cả ngày ở chợ Sặt, xem một lớp Bình dân học vụ khai giảng, các giáo viên trẻ vui đùa, có cả một chú bé con con hay hát và 2 chị phụ nữ. Tắm giặt xong đi ra chợ chơi, chợ đông lắm, có cô hàng nón xinh xinh, có chuối trứng quốc thơm lừng, có quýt ngọt, có dép có giầy.

Lại có anh chàng bán bún chả ngớ ngẩn, khách hàng hỏi lấy bát, trả lời: bát cho mượn, khách hàng hỏi lấy chanh, bảo hết rồi phải mua và khách trả tiền ngoài. Chả bù với anh “tờ đỏ” ở chợ Phúc Thuận. Chiều gặp bọn học sinh võ bị về có Thường và cậu Trung em chị Thanh trước. Cậu Trung ốm. Trung trẻ và hăm hở hay nói chuyện.

Ngày 9/11

Tới chợ Lồ ăn cơm, đến bến đò sang sông. Ngồi đò nửa giờ hồi hộp lắm vì sợ máy bay và ca nô. Tối muốn tìm chỗ Quang Tuần song không gặp. Ngồi đường tán gẫu các cậu võ bị chuyện thao thao.

Ngày 10/11

Tới Yên Mỹ gặp Quang Tuần, Văn Tân, Gi. Nói chuyện rất nhiều. Tối tới Hạ Lôi.

P.HN chỗ Vũ, 13/11

Ngày 11 tắm giặt ở Hạ Lôi rồi đi tìm “người nhà” gặp và nói chuyện nhiều. Nhặt được nhiều chuyện hay hay về chạy loạn rất vui và cảm động. Dân chúng đã khá quen rồi.

Ngày 12 đi xuống Quốc Oai, mua bút máy cho Hòa rồi về Cẩn Sá ngủ, muốn viết nhiều song hứng cứ thấy cụt thun lủn. Sự xúc động ngắn ngủi quá, lại bị đau mắt. Sáng nay đi sớm, súng bắn phía Mai Lĩnh nhiều quá. Thì ra chúng bắn lung tung sang So Sở, Cao Bộ ầm ầm. Có lẽ chúng nghi binh để tiến đánh ở Sơn Tây chăng? Lại một phen lắm người hoảng hốt.

Từ N.B đi về đây mình thấy cảnh đời thay đổi nhiều quá. Trên kia là một cảnh rộn ràng chuẩn bị, nhưng lẻ tẻ và hoảng hốt. Đó là cái vui vẻ đặc biệt của một địa phương mới gặp mặt trận mở rộng. Dưới này dân chúng thản nhiên làm ăn, cũng rộn rịp, cũng hoảng hốt, nhưng cảnh sống sầm uất, vui vẻ và phấn khởi, mọi người thản nhiên kể lại những trận bắn phá kinh khủng của Pháp, thản nhiên kể lại những chuyện chết hụt ly kỳ.

Và họ thản nhiên kể lại những chuyện tàn ác dã man của bọn Pháp, nghe đến uất người lên được. Chúng vào các hàng quán, ăn hết quà bánh bày bán, rồi lại đập phá, chúng vác ngai thờ ở các đình chùa ra làm ghế ngồi, chúng lấy cả quần áo đàn bà mặc vào người, lấy thắt lưng bao tượng quấn vào cổ. Chúng bắt được ai, muốn giết chúng bầy những trò rất dã man. Có một người đàn bà bị chúng mổ bụng rồi lật tấm da bụng che lên mặt để lòi ruột gan ra. Có nhiều anh bị chúng giết xong lại khoét mắt chơi. Chúng hiếp rất nhiều đàn bà con gái vùng Phúc Thọ. Bọn Tây đen còn hiếp cả trâu, hiếp cả xác chết. Có một cô bé 17 tuổi bị 3 đứa hiếp, đau quá kêu khóc. Mẹ thương con chạy lại, thằng thứ tư bắn chết ngay và cô bé đáng thương kia cũng chết. Muốn hiếp ai chúng chỉ lấy dao rạch quần áo ra cho tiện. Trời ơi! Nghe những chuyện ấy, gáy cứ lạnh lên bứt rứt khó chịu. Rất đông dân chúng ít truyền tụng những chuyện ấy, vì nó ghê tởm quá đi. Lại còn cái nạn chúng rất nhiều bệnh phong tình. Một sự căm hờn lặng lẽ chạy khắp nơi.

Còn bộ đội, chao ơi! Những sự hy sinh thật vĩ đại. Có đêm hành quân hàng 50 cây số vừa đi vừa đánh vào tận ô Cầu Giấy, lại vừa về. Quần áo rách bươm, rét mướt khổ sở, luôn luôn gai góc, chỉ thích đánh mà không muốn nghỉ. Trông đồng chí nào cũng dễ thương, họ lạnh lùng vui vẻ và lúc nào cũng coi thường gian nguy.

Vũ nói: “Đội viên họ nghiện đạn rồi”. Chả bù cho quân đội bọn Pháp, danh nhau ăn, danh nhau gái, tranh nhau tiền. Chúng chỉ có thể đi đánh để cướp bóc, hiếp tróc thôi. Chứ không có thể đi đánh để chịu gian khổ như bộ đội mình. Nếu lính Pháp bây giờ bị cấm hiếp, cấm cướp tiền thì quân đội Pháp không thể chiến đấu được nữa. Tây sẽ chết về chỗ đó.

Chà, truyện mặt trận kể sao cho xiết được.

Mấy hôm nay hơi sốt, lại thêm vào đó sựu băn khoăn rạo rực bấy lâu, nổi lên tợn trong người. Sự rạo rực băn khoăn, sự nhớ tiếc xa xôi, chen lẫn một sự ân hận mơ hồ là một tình trạng thường trực trong người mình từ lâu. Một sự tranh đấu giữa ham muốn của tình cảm và bổn phận. Thật ra thì tình cảm dễ thấy lắm. Nhưng bổn phận có những điều kiện thực tại và bên ngoài vững chãi quá. Vi Ngọ hiểu mình chỗ này, nhưng trời ơi. Bí mật. Bí mật!

Ai xem quyển sách này có nhiều đoạn chắc chẳng hiểu gì cả thì phải. Mà thật ra, viết nhật ký chỉ hay ở những lúc có cái băn khoăn nhớ tiếc, buồn buồn kia dội lên nhưng khi có nó đến thì viết ra lại ngại ngùng, ngại ngùng có người biết. Mà những người biết sẽ là những người rất có thể ác cảm với mình. Do đó, những điều muốn có những người biết cũng viết ra được, thậm chí mình cũng không nói đến nó bao giờ.

10 giờ đêm 13/11/1947

Văn La, 16/11

Về nhà ông Hoan chơi từ hôm qua. Đây là chỗ bà ấy tản cư đến, cũng là ở ven sông Đáy, quê bà ấy ở bên kia.

Hôm kia, tới Trung đoàn 48, gặp bộ đội thân yêu xưa cũ, thấy họ tiến bộ, họ hăm hở, họ vui vẻ, mình nao cả người lên. Lại nghe những chuyện anh hùng vĩ đại như chuyện An Song, chuyện Trần Thành, chuyện một đội viên khi bị Tây bắt, Tây đưa ảnh Hồ Chủ tịch cho xé, anh ta đứng nghiêm chào, mình suýt khóc. Bao nhiêu kỷ niệm dồn dập về với mình, từ những cảnh GPQ ở Hà Nội tới cảnh Hà Nội chiến đấu. Mình bồi hồi, cảm thấy mất một cái gì quý báu lắm.

Có người bảo ghét Hà Nội, không thèm nhớ tiếc vì Hà Nội là nơi tụ hội của những cái gì trụy lạc lãng mạn từ xưa. Chỉ cần thấy Hà Nội sau này của chiến đấu, của tự do độc lập. Cũng được đấy. Song Hà Nội chỉ có nghĩa với ta từ khi khởi nghĩa mà thôi, mà quãng đời ấy ở Hà Nội thì thật là ý vị cho ta bao nhiêu.

Nào những khi đạp xe long sòng sọc đi giải thích thái độ đối Tây, đối Tàu. Nào những ngày chuẩn bị, những buổi nghiên cứu, những phút tưng bừng của hội hè, những giờ êm dịu của cà phê. Hà Nội! Hà Nội là nơi thanh niên sống, sống tưng bừng vui vẻ. Rồi sau chiến đấu, Hà Nội cũng là nơi thanh niên sống mãnh liệt sống anh hùng. Không yêu sao được! Không nhớ sao được.

Thấy bộ đội tiến bộ, lập nhiều chiến công mình càm thấy một niềm sung sướng mơ hồ tự biết với mình thôi. Vì đó là những người đã sống với mình, chào mình và hay hỏi mình. Mình lại thấy một nỗi lo lắng riêng. Họ sát mặt trận, họ chiến đấu, họ tiến bộ ào ào, mình không theo sát, rồi dần dần kinh nghiệm mình lại hóa ra cổ điển, kinh sách – mình tụt kém đi.

Nói vui vẻ còn tràn ngập lên khi hôm qua vào chơi với đại đội trợ chiến trọng pháo. Họ ào ào, họ hát, họ nghịch, họ mời họ chạy – họ vui như tết. A ha cái vui chiến đấu sao mà hồn nhiên, cảm động.

Một nỗi buồn len nhè nhẹ vào ta. Một băn khoăn ám ảnh mãi mỗi khi phút sung sướng qua đi. Một hình ảnh rất đẹp vẫn theo dõi ta. Ta ấp ủ một cách rất thành kính bí mật.

Lúc này Điệp ở xa làm gì? Và nghĩ gì đến ta. Điệp đã là một đàn bà rồi. Yêu con hơn yêu chồng. Những cái nhí nhảnh, nhanh nhẹn, những cái hăng hái của một nữ chiến sĩ thấy không còn mấy. Điệp ẵm con, chăm con, thỉnh thoảng thở dài. Hỏi Điệp buồn gì? Điệp không nói. Còn buồn gì nữa? Trời ơi, xa nhà, gia đình không biết sống chết, tai nạn ra sao, nghèo nàn, tiền không có. Mà chồng, chồng thì cũng bơ vơ như ai? Tình cảm rất nhiều song sự săn sóc thực tế không có. Mình lại là một thằng rất ít chuyện với vợ. Hai tâm hồn trở thành xa lạ dần dần. Nhưng mà Điệp vẫn đáng thương, đáng kính. Mình không bao giờ nói với Điệp điều này. Điệp không hề phiền mình bao giờ. Mà mình nhiều khi hầu như quên phứt là đã có gia đình.

Mẹ ở xa, chả biết mặt cháu, không được ẵm cháu! Hỡi người mẹ già cả đời chỉ còng lưng vì đau khổ vì đơn độc. Mẹ hiểu sao được nỗi lòng phức tạp của thằng con mẹ. Gia đình mình sống rất tạm bợ, bấp bênh. Thế mà bà cụ Th. lại bảo những cấp chỉ huy đàng hoàng lắm đó. Bà chưa đi sâu vào cảnh đời đau đớn của các cán bộ cách mạng mà thôi.

Hy sinh tiền của, thân thế chưa đủ, cán bộ cách mạng còn hy sinh cả tình cảm. Còn ai nữa? Nghĩ gì về ta?

Hôm nay nắng đẹp quá, bờ sông Đáy mịn màng, những ruộng mía xanh tươi ai ơi là ai ơi!

18/11/1947

Đồng Quan

Hôm qua đến Tiểu đoàn 77 cũ. Nguyên cái tên cũng đã gợi những chiến đấu oanh liệt ở Trại Trung Uông, phố Húc trong đầu óc mình rồi. Sáng qua ra Đồng Quan. Ấy là Đồng Quan đã trải qua 3 vụ ném bom bắn phá, thế mà nhà còn san sát, người đi lại tấp nập. Người ta nói trước đây đi chen vai nhau không được.

Có phố “Đại lộ” Hồ Chí Minh, có phố Nguyễn Thái Học, có phố Trần Hưng Đạo, lại có cả số nhà. Đủ bán hàng, đủ hiệu ăn, người vui lắm. Trước đây mọi người vẫn yên trí là Đ.Q là nơi “cưng” của Tây để nó tiêu thụ hàng hóa đặng đánh hạ đồng tiền Hồ Chí Minh của mình. Nhưng nay nó đã thất bại. 80 đ HCM đổi lấy 100 đ tiền Đông Dương. Vì thế nên Đồng Quan dễ bị khủng bố lắm. Thằng K. trộ mình bảo nhiều người ở Đ.Q hỏi thăm mình lắm nhất là đàn bà. Nhưng mình tới thì có thấy ai đâu? Mà quen ai mới được? Thằng vô lý quá. Lại K. cũng bảo mình ra đó sẽ gặp những người biết mình và có chuyện. Chả thấy chuyện gì hết. Đồng Quan, một cái sản phẩm đặc biệt của thời kháng chiến gợi một nỗi nhớ Thủ Đô. Những nơi nhớ ấy ơ hờ lắm vì Đ.Q đã cháy rồi.

Hôm qua nói chuyện với Ph. một hồi thì mình tự cảm thấy mình vô lý thật, sao cứ vấn vương suy nghĩ lăng băng? Sao không nhìn vào công việc? Sao không kế hoạch công việc cho tiến bộ đã rồi nhớ tiếc gì hãy hay. Bây giờ phải gắng vào tới khu 4 hỏi Nguyễn S. kinh nghiệm t.t. (tuyên truyền) mới được.

14 giờ

Lại về Đồng Quan, hỏi mua các thứ không có, gặp Thành kính trắng, chà cái thằng thiên binh. Nó thết một bữa, nó ngắm mình. À mà hôm nay mình cũng khá lố: quần áo nâu, đội nón, đi đất, khoác blouson Mỹ, xách cái túi con. Đứng mua lưỡi dao cạo, cố vờ làm quê kệch cũng không được.

Ăn xong loanh quanh đi về, lại chuyện Hà Nội với Tấn suốt dọc đường, hứng chí đi đò chơi. Hai thằng hẹn nhau ngày đón ở Hà Nội và bâng khuâng nghĩ đến những ngày học tập đã qua.

Chợt nhớ tới cuộc nói chuyện với bộ đội hôm qua và cuộc nói chuyện hôm nay. Nghĩ thật ly kỳ. Bộ đội đây sao nó khỏe thế, cao to và nhanh nhẹn vô cùng. Câu hỏi đầu tiên của các hắn là sức khỏe Hồ Chủ tịch và các Bộ trưởng. Thì ra cái Bộ đội thủ đô nhớ và thương Hồ Chủ tịch một cách đặc biệt lắm.

Hôm nay học được nhiều ở cách tổ chức và hoạt động công tác chính trị trong một đại đội, cuộc nói chuyện giúp cho ta có một ý niệm khá rõ về cách hoạt động trong một đại đội. Công tác chính trị bây giờ phong phú và náo nhiệt không plat như ngày xưa. Nếu mình không chịu theo dõi thì hỏng to. Xem ra trình độ đội viên bây giờ tiến lắm, trong mọi mặt đối với dân, đối với địch họ có ý thức rất rõ ràng. Và trong nội bộ sự đoàn kết rất thân ái. Không bao giờ có cãi nhau, không bao giờ có xích mích. Đội viên ham học tập say mê học tập. Nạn mù chữ đang được tảo trừ ráo riết.

Ở đây sát mặt trận mà coi bộ các đội viên vẫn vui như tết và dân chúng thì rất bình tĩnh trìu mến bộ đội. Hôm qua một đoàn các cụ lão bà kháng chiến đến thăm bộ đội, chuyện trò vui đáo để. Hôm nay, cái ông chủ nhà khai hội, nào là cho ăn bưởi, nào là sum soe hỏi han săn sóc, cảm động lạ. Bộ đội vừa đi đánh về lại tiếp tục nào gặt giúp dân, nào học, nào chuẩn bị vất vả quá. Nhưng được cái có trấn thủ cả rồi. Hay!

Muốn mua một cái gì làm quà hay hay cho Đ. hay cho Đ. nhưng không có. Tấn nhắc đến chuyện cô Duyên và chuyện BP.ĐM.H mà mình tếu tự nhận làm Bí thư thì buồn cười thật. Của đáng tội, mình chả biết mặt các Hội viên ra sao.

Qua làng P.V của Nguyễn Tường Tam gặp Sơn Lộc hỏi muốn theo. Theo đi đâu?

Nay hơi lạnh, Việt Bắc chắc lạnh lắm! Trăng lưỡi liềm trong, mình nghĩ đến năm ngoái viết thư cho ai đan áo gửi người binh sĩ. Hay, hay.

21g30

Bốn tháng nay mới được ăn bát phở bò.

Bút tích

20/11

Nay lạnh quá, mình lại để quần áo ở tiểu đoàn 136. Thế có đau không? Hôm nọ quên khăn mặt ở 48, nay lại quần áo ở 136. Đi chỉ có quên là quên.

Gió nay lạnh quá, lồng lộng lên. Đêm qua nằm thuyền cũng hay hay, lúc buổi chiều cảnh trời đẹp, mình khoan khoái không nghĩ gì. Lim dim mắt ngủ, bị chiêm bao thấy mình chết và khóc mình có một ai rất quen đội khăn trắng xõa tóc khóc mình, buồn cười không?

Lúc đêm, nằm đằng gần lái trông qua cái khung cong của mui thuyền bóng đen của chị lái đò cử động rất linh hoạt đẹp đẽ. Không cần biết mặt, vì biết mặt thì thất vọng mất. Hình dáng chị ta hơi cao thon du đi du lại, uyển chuyển mềm mại nhịp với tiếng mái chèo kĩu kịt.

  Lại thêm gió phất phới, tà áo chị ta bay tung uốn éo, thêm vào đó điểm 1 điểm trắng của đôi dải yếm cuộn lên hay thật.

Chiều nay gặp Từ Hải, chà cái thằng gần như lưu manh bị hạ tầng công tác hai, ba lần nay bị tù 3 tháng lại phải vào trung đội kỷ luật. Nó để râu như bọn Ôn Như Hầu, trông thật lố bịch. Nó chạy ồn ra đón mình, ngắm mình và nói một giọng rất thểu não. Khổ! Cái thằng như thế mà không sửa đổi được, tan tác cả sự nghiệp.

Lại nhớ đến Tuấn, Kiến gặp ở Đ.Q. Chúng nó vúi lấy mình, phàn nàn, kêu cứu, nhưng làm sao được, những thanh niên chưa rèn trong những khổ sở khó chịu về tinh thần…

Nói đến công tác ở Trung đoàn này thật chán, báo cáo sai nhau lung tung. Các ông chỉ huy đi vắng cả. Càng đi sâu vào các đơn vị càng thấy công tác còn phải bổ khuyết nhiều. Phen này đi, mình cũng nhìn rộng và sâu vào được nhiều vấn đề.

21 giờ

21/11/1947

Chùa Hương

Có ai ngờ đêm nay, nằm ở chùa Thiên Trù (chùa ngoài chùa Hương), viết nhật ký trong màn dưới ánh đèn “pin”, trong khi bên ngoài ánh trăng mườn mượt đang trải lên cảnh tàn phá thảm khốc.

Hôm nay tới chùa Hương theo ý thích của phần đông anh em. 2 giờ 30 thuê đò ở bến Suối đi vào. Con đò len qua 2 dãy núi dài hơn 3 cây số thì tới bến. Gần tới có núi con voi, núi con gà, núi mâm xôi, núi cái cờ, núi ba đài. Họ đặt tên bừa thế, thật ra chỉ có núi con voi còn có hình, còn núi con gà chỉ có một cái chấm đỏ hình “con cò” hiện trên nền đá trắng mà thôi.

Gần tới chùa gặp rất nhiều người gánh than, gánh củi về làng. Vào chùa, cái cổng tam quan còn nguyên vẹn, đường đá to thênh thang trông rõ ra một nơi thắng cảnh rất hùng vĩ. Ghé qua cửa tam quan ngó vào thấy sư cụ đang nghiêng người im lặng ngắm đống gạch vụn ngổn ngang bên những khúc gỗ cháy đen sì.

Cụ người thấp bé tên hiệu là Mai Nham (hang Mai), mặc áo dài đen, chít một khăn tu hành tỏa rộng xuống vai màu nâu. Cụ ngoài 70 tuổi và trụ trì ở chùa này ngót 50 năm rồi.

Hồi nọ, Tô Na có chụp ảnh chùa này bị phá cho mình xem, nhưng xem ảnh, mình không thấy rung động mấy. Đến nay được xem tận nơi, cả một cảnh tàn phá mênh mông, mình mới thấy ghê rợn sự hung bạo của bọn Pháp, thấy căm tức uất ức. Từng lớp từng lớp nào những cung điện nguy nga, tượng Phật rất nhiều. Nào những nhà cho khách thập phương trú hai từng rất lớn. Nào nhà quan cư có hồ bán nguyệt, có vườn cảnh. Nào những nhà máy chạy điện cho chùa, v.v… Nay sập xuống, gạch vụn và gạch vụn, bước lên những lớp gạch vụn, nhìn vẻ mặt khắc khổ nhẫn nại của sư cụ, không ai không thể bùi ngùi… Giữa sân lớn có 2 con nghê đen chầu một cái đỉnh đen to lớn hơn người nhiều. Cảnh tĩnh mịch lắm, chỉ có núi chung quanh, không khí phẳng lặng cây cối vật vờ im lìm quá…

Bọn mình đi luôn chùa trong (chùa Hương) nhưng sợ tối, ngủ lại để mai đi thăm sớm.

Nói chuyện với cụ một lúc đi lên chùa Tiên chơi. Trên chùa Tiên bị phá ít, cao chót vót, đứng trên đó ngắm một cảnh núi rất lớn dưới thấp thì thật đẹp, đẹp quá. Ở đó có một chùa hang, có rất nhiều thạch nhũ đủ hình thù, màu sắc lại có mấy miếng đá chìa ra gõ vào cái thì kêu như cồng, như cái mõ, cái như trống, vui ghê.

Trên đó có đôi vợ chồng một anh tản cư lên đốn củi làm than. Giữa cảnh vắng ấy, mình không hiểu tại sao vợ chồng một anh trẻ ấy lại có thể bỏ mình một nơi thâm u buồn tẻ ấy được. Trông mặt anh ta cau có lại cũng như những cái núi chung quanh vậy.

Chiều về, sư bác Mai Hương bắt đầu tụng kinh, có một chú bé 14 tuổi đứng đánh chuông. Vừa đánh chuông, chú ta lại vừa tụng “Nam vô a di đà phật” và thỉnh thoảng co chân lên đánh muỗi.

Tiếng mõ rất đều, một điệu, điểm những tiếng chuông rất trong, càng làm cho khách vãng chùa thêm một mối cảm hoài man mác. Giọng sư bác trong và cao lắm. Sư bác tụng kinh rất thành kính và hăm hở. Âm thanh vang vang lên hầu như muốn quyến rũ kẻ chung quanh.

Sư bác rất trẻ, răng trắng, mắt một mí, hay cười. Từ trước chùa này có 50 tiểu, Sau khi Pháp tràn vào, một số sung vào Vệ Quốc quân đánh giặc, một số tản mạn đi các chùa, hoạt động trong tăng già cứu quốc. Hồi đầu, rất nhiều sư đã khóc lóc trước đống gạch vụn, một dấu vết rất đau lòng này.

Mãi đến tháng 6 ta, sư cụ mới cùng với sư bác và một chú nhỏ trở về chùa. Từ đó, bắt đầu thu dọn xếp đặt lại cảnh chùa cho gọn gàng đôi chút.

Chiều tối nói chuyện mới hay rằng sư bác Mai Hương mới 20 tuổi, đi tu từ bé. Bác người xinh xắn, nói chuyện hay cười, vẻ mặt hiền hậu như con gái. Trông bác, một thanh niên vui vẻ, nhanh nhẹn, người ta trông đợi nhiều sự hoạt động, nhưng sư bác nói: “Càng tĩnh mịch tu hành càng tốt”. Không hiểu tâm trạng anh thanh niên ấy thế nào? Giấu cả một quãng đời xanh đẹp, vui, hoạt động trong những khổ hạnh nâu sồng, có bao giờ anh thanh niên kia mơ tới một cuộc đời rộng rãi rộn ràng không nhỉ. Chả bù cho các thanh niên bây giờ, ngồi mấy ngày ở bàn giấy đã kêu rộn lên. Trong bác Mai Hương thương hại thật và cũng thấy hay hay.

Hôm qua đi qua sông Đáy, nghĩ tới con sông dài, liên tưởng tới câu thơ:

Chàng ở đầu sông Tương,

Thiếp ở cuối sông Tương,

Cùng uống nước sông Tương…

Đố biết tại sao nhỉ?

Nhìn thấy ảnh Hồ Chủ tịch luôn luôn, lại gặp mấy bộ đội đi tập. Nghĩ tới sự thành kính, mến yêu sâu sắc của Bộ đội đối với Cụ. Đi đâu, không ai bảo ai, cũng thấy câu hỏi đầu tiên của đội viên là sức khỏe của Cụ và các ông Bộ trưởng. Thì ra lúc nào họ cũng băn khoăn tới Cụ. Nhất là bộ đội Thủ đô được gặp Cụ luôn luôn thì sự nghĩ tới lại càng đậm đà nhiệt liệt. Không trách ngày xưa “Tôi trung chết vì Chúa” là một chuyện rất phổ thông vậy.

20 giờ

22/11

Thăm chùa Hương, trèo dốc hai cây số, đẹp thật! Giá mọi năm thăm chùa vào ngày lễ thì thú bao nhiêu, hở trời?

Tối về chỗ Giang.

24/11

Tại một nhà sàn người Mường.

Hôm qua nghỉ cả ngày ở chỗ Giang, đi chơi chợ gốm “văn hóa cao” được bữa tán ran như pháo tết.

Chỗ Giang ở đẹp, sông rất trong, nhiều thuyền bè (vẫn sông Đáy), lại có hiệu sách, mua được mấy cuốn sách.

Hôm nay đi sớm, trời mưa phùn, lại thêm ngót 30 cây số nữa vào chân, trèo qua mấy cái dốc bòng bong ghê gớm quá.

Đi giữa trời mưa rét sực nhớ tới có lúc nào trở về nhà ngồi trước đèn, giở pip ra nhồi thuốc chặt và ngậm nơi mồm để nhìn ai qua khói. Ngồi chờ đò trên một bến đò hoang tàn, sông vắng rộng, rất nhiều thuyền co ro dưới mưa rét, mình bâng khuâng nghĩ tới nhiều chuyện. Ngẫu nhiên lại xem cuốn “Kép Tư Bền”. Về tình cảm, mình lại thấy rất nhiều rạo rực. Và nhận xét về văn chương mình thấy văn chương kia gượng gạo và bày tỏ những việc “giả vờ” nhiều hơn là chuyện thật.

Mình nghĩ đến sự biến chuyển ở biên giới Pháp – Xiêm, nghĩ tới thủ đoạn nham hiểm của thằng Mỹ, nghĩ tới sự tranh thủ thời gian của cuộc kháng chiến ta. Và hình ảnh cuộc thắng lợi vinh quang trở về Thủ Đô yêu quý lại ám ảnh mình. Chuyện đi học, mình lo lo và có cảm giác là không thực hiện được.

Mình nghĩ đến công tác lại muốn trở về phòng ngay để tiếp tục những công việc vạch sẵn. Ông Khoát tách ra đi vào Trung trước.

Gặp bọn anh em cũ ở Khu XI, họ nhắc lại chuyện Khu XI, gửi được bút máy và ảnh Toàn Thắng cho Hòa. Hình như Trang ở Nho Quan. Được biết tin rằng Thọ làm Tuyên truyền ở Trung đoàn. Muốn đi thăm các cậu ấy một tua, nhưng đường xa quá lại không tiện đi. Tiếc quá.

25/11

Khu bộ

Viết một lô thư cho bọn 52, viết cả thư cho Thọ. Đem sách đi học và đọc, mà đọc được rất ít. Việc học mấy hôm nay hơi trễ nải. Ở đây tổ chức ngày Việt Bắc mình lại phải nói “Chiến sự V.B”. Khổ về trận diễn thuyết từ hôm nọ rồi.

Mình là một thằng ít suy nghĩ quá. Không bao giờ có vấn đề gì làm mình nghĩ nhiều cả. Chính lại khen mình hành động nhanh. Mấy hôm nay ngủ mê nhiều quá. Lắm cái mê kinh khủng, cũng lắm cái mê êm đềm. Nghĩ đến công tác, sốt ruột quá.

Gặp Lê Chiêu, Văn Phác. Cánh họ thương mình lắm đấy và nhiều chuyện tỉ tê ghê quá. Ngày nào cũng nhắc đến mình.

Gặp Thái Hy, người yêu của cô Thái, mình chuyển thư giúp cô cậu nhiều. Anh chàng thanh niên hay hay, lễ phép, thông minh. Xứng đôi lắm. Từ ngày ở Mặt trận về chưa gặp người yêu. Chà, tình yêu trong lúc còn nuôi nấng như thế sao mà êm đềm. “Đề” thuyết về vấn đề tình yêu của chiến sĩ lém quá.

Nghe những chuyện tàn bạo của Pháp đối với phụ nữ luôn luôn mà mỗi lần nghe mình vẫn có cái cảm giác rùng rợn, thương tiếc lo lắng. Trông thấy chị nào mình cũng ái ngại và sót xa lo rằng có ngày chị ấy phải bị những hình phạt kinh khủng. Mà chuyện ấy cứ được nhắc tới luôn. Bực dọc tức giận quá! Làm thế nào để ngăn ngừa? Chỉ có kháng chiến mau thành công.

Tây sắp phải rút ở Tuyên Quang đến nơi. Nó lại sắp quét Sơn Tây để bảo vệ cạnh sườn đây. Nguy hiểm thật…

Giở sách ra là bao nhiêu cảm hứng lại cụt hết rồi. Làm thế nào đào luyện lấy một nguồn xúc động dồi dào sâu sắc để có thể viết được nhiều bây giờ.

26/11

Đêm nay làm việc khuya, có thuốc lá hút, thú thật, trời lại lành lạnh. Chỗ này là một khoảng rừng bằng, um tùm, đẹp lắm! Nhưng nhiều cọp. Đêm nay trăng lại sáng òa xuống đầy rừng. Trăng hôm nay lạnh lắm. Cái pip lúc này thật đắc dụng.

Làm xong bản nhận định về công tác chính trị Khu II rồi. Sáng sớm mai kết luận. Kể ra nhận định được nhiều cái hay hay đấy, nhưng giá chịu suy nghĩ xem xét hơn nữa thì kể còn lôi ra được nhiều. Thế mà cũng mất 10 trang giấy. Sáng nay dậy sớm quá, xem truyện “Nắng đào” có Đào và Phi yêu nhau. Họ yêu nhau, họ giận nhau, họ dỗi nhau nghe thú đáo để. Mình cứ lơ tơ mơ mãi với cái cảnh nên thơ của 2 người đó. Ờ, Phi cũng ngây thơ và nhí nhảnh như… Mai lên đường vào Khu IV đây, ngủ đã.

12 giờ khuya.

27/11

Định đi lúc 2 giờ chiều thì lại có mấy ông ốm không đi được. Ở lại buồn quá. Khiếp nơi này lắm cọp thật. Đi ỉa, đi tắm cũng phải mang súng. Người yếu bóng vía đến chết khiếp.

Lại gặp bọn học sinh quân võ bị.

Chiều nay, bọn học sinh võ bị lại vòi. Mà nghĩ chúng nó khổ thật, chắc túi cạn sạch rồi, lại phải cho mỗi chú 20 đ. Thế là từ hôm nọ, nguyên chuyện “cho” đã mất ngót trăm bạc rồi, lại còn mua sắm một đôi thứ, không khéo đến khi về thiếu tiền thì “sử bò”. Mỗi ngày được cả tiền công tác phí là 13 đ, thế mà thỉnh thoảng hứng chí làm cốc cà phê là 1 bữa quà sáng gần hết tiền ăn cả ngày. Âu cũng là “kinh lý”, cũng là “kiểm tra”. Vinh dự thay những ông “quan” của thời Dân chủ Cộng hòa.

Độ này không dám Philip tràn nữa, đành phải kiếm 50 gr 2đ50 hút hàng tuần. Ấy thế mà thỉnh thoảng gặp bạn “sộp” như hôm nay phì phèo hơi Philip thì sung sướng bao nhiêu? Ngon quá! Thơm quá cái thứ thuốc lá quý báu này.

28/11

Đi đến Nho Quan, nói chuyện viết văn với ông Hoan. Đêm đi đò đi cầu Yên.

29/11

Nằm đò

30/11

Đi đò sang ca nô

31/11

Đến Hàm Rồng, đến Thanh Hóa. Gặp trường Văn hóa.

Thanh Hóa, 01/02

Nay đã tới Khu Bộ Khu IV rồi đây, gặp anh Hoan. Độ này anh hơi gầy.

Chà! Hôm nay lại qua một thị trấn nhỏ, đoàn người “lang thang” ghé vào quán Hoàng Yến. Đó là một quán của một gia đình Huế tản cư ra. Có nem Huế, có 2 cô bán hàng thật xinh, 1 cô mặc toàn đen không hề lộ mặt ra ngoài. Một cô áo trắng quần đen trông khỏe mạnh khau kháu nhưng lại thưa răng. Chao ôi, cái tiếng Huế sao mà trong, nhẹ, dịu dàng nũng nịu. Họ nói với nhau riu rít như chim, lại có cô ru cháu thỉnh thoảng cất tiếng hò Huế cao vút lanh lảnh. Nghe thú thật. Kể ra có một người vợ Huế mà ríu rít bên cạnh. Hay ít ra có một cô bạn Huế thì diễm phúc lắm đấy. Sao lại không là người Huế? Xem thế thì biết cái Huế của sông Hương núi Ngự xưa kia say đắm nhiều khách lãng mạn lắm thì phải.

Hôm nọ nằm đò, ông Hoan kể chuyện ông ấy viết văn. Ông ấy kết luận là 90% nhà văn – cũng như ông ấy, đều phải có một sức gì hấp dẫn, thúc đẩy khuyến khích để đi tới làm văn. Sức đó là “người đàn bà”. Ông ấy bảo khi viết thư cho người yêu, phân tích tâm trạng mình, phân tích tình cảm mình, tả mây, tả gió. Thế rồi điều đó quen đi làm cho khi viết văn có thể dễ dàng mô tả những tâm trạng phức tạp nhất. Lại hơn nữa, khi một cái gì của mình viết ra mà lại có một người đàn bà – một người thôi cũng được – đọc và chú ý thì nguyên một việc đó cũng đủ khuyến khích mình không biết bao nhiêu mà kể rồi. Nhất là người ấy là “bạn thân” hay người yêu và người ấy lại khuyến khích thêm, phê bình thêm nữa thì cái đà hăng lại càng lên vọt.

Nghĩ cũng đúng vì cứ suy như mình khi viết “gửi người đan áo” và “chiếc áo năm xưa” thì biết rõ ràng cái thú vị ấy. Đồng ý lắm.

Mình nói rõ cái băn khoăn và hoang mang của mình trước sự viết và kể một vài chuyện, mình cảm thấy hay mà không viết ra được hay. Ông ấy bảo sự hoạt động cách mạng, sự tù đày và 2 năm ở bộ đội đã giết chết cái gọi là “hồn thơ” của mình rồi. Kể ra thì cũng có lý lắm. Song cũng chưa hẳn là nó giản tiện như thế. Mình đang suy nghĩ và đang tự tìm mình đang suy sụp. Một cái hồn thơ thiết thực mới mẻ đang xây dựng mà lại bị nhiều cái quyến rũ của thời xưa đang lôi lại.

Thực vậy, trước đây mình chả viết những bài sôi nổi, thúc giục ở Cứu Quốc và Cờ Giải phóng bí mật là gì? Lắm lúc mình cũng thấy xúc động trước một cảnh đẹp, một cử chỉ anh hùng, một người duyên dáng, một cảnh thương tâm. Nhưng muốn ghi chép lại cho văn vẻ bóng bẩy, cho uyển chuyển rung động thì không sao được, chỉ có những câu cục cằn, ngắn ngủi, chỉ có những chữ, những thành ngữ cho hợp cho mạnh, không có cách đặt câu cho khôn khéo. Sao vậy nhỉ. Hôm nay xem mấy bài ở báo “Kháng Chiến”, cơ quan văn hóa ở Khu IV và nghe nói ông Xuân Sanh “diễn thuyết” trước một bữa cơm mà nói: “Bữa cơm hôm nay nhiều màu xanh (ý nói nhiều rau) và các ngài tới dự chắc đem lại cho ít nhiều nắng mới”. Chà, xa xôi, bóng bẩy và hơi lạ. Mình nghĩ cái cảm xúc của mình chưa chắc đó là không “thi vị”. Mình cứ nuôi cái cảm xúc ấy và vun giồng cho nó một lối khác xem sao. Nhưng khốn nỗi cái anh chàng Độ vô tư quá kia, cảm xúc đấy rồi nó vụt biến đi ngay thôi, còn anh chàng kia mải cười – và lại cả mải xếp đặt, giải quyết các việc khô khan nữa.

Nói chuyện với Chính về công việc. Mình thấy công việc thật là “tri dị, hành nan”, nhưng đã biết phải nỗ lực cải tạo.

Gặp nhiều nhà văn hóa quá. Nguyễn Tuân kể cũng là một kiện tướng trong làng “tán dóc”. Trong đầu óc bộn lên nhiều việc quá.

Mình “vô Trung” mới được nếm mấy cái nem Huế. Kể tỉnh Thanh Hóa rộng và đẹp thật. Nào Rừng Thông, nào Hàm Rồng, nào nàng Tô Thị chờ chồng. Nhưng dân cư còn an nhàn quá và sự buôn bán thì kém sầm uất ở Bắc nhiều lắm, nhất là sự rộn rịp kháng chiến. Vì ở đây ô tô chạy ù ù ban ngày, ca nô chạy cũng thế. Lại có trường Văn hóa, lại có Đại hội Thanh niên.

Mai chờ ô tô đi Đại hội Quân sự đây.

Ngại viết quá.

Ngày 05/12/1947

Tỉnh Thanh Hóa đẹp, người ta bảo đó là một tiểu Bắc Bộ đủ cả thượng du, trung du và đồng bằng.

Ngày 02/12 ở Khu Bộ nằm nghỉ, gặp anh Hoan, chị Thuần, nói chuyện cũng thú vị.

Chỉ ngủ không làm được việc gì hết tất cả. Ngày 03/12 vào ông Dực, Chủ tịch Trung Bộ ăn cơm chở được ô tô đi được có 4 thằng, tới quá Chuối thì gặp Sơn, lại trở lại Chuối gặp Tấn Dương, Việt Hùng, v.v… Vui, ngày 04/12 xem Bộ đội “cấp hành quân” chạy 10 cây số nghỉ; sáng nay đi xe đạp về đây được lái xe díp một quãng, hơi chệnh choạng.

Ở đây Thái Bình quá, cờ quạt linh đình, ô tô chạy ban ngày lu bù, cờ quạt tưng bừng, dân chúng coi vẻ vui thú lắm, chưa có mùi vị chiến tranh cả. Tụi mình mặc quần áo nâu, đội nón được coi là một sự kỳ quan.

Mấy hôm nay nói nhiều chuyện văn hóa quá nào là nguyên tắc sáng tác, sáng tác cho ai? Sơn có vẻ hiểu nhiều, ngổ ngáo. Khoát đầy vẻ băn khoăn.

Ngày 08/12/1947

Mấy hôm ở đây không làm được việc chi cả, chỉ cả ngày xem bắn, xem đá bóng, xem diễn kịch, nói chuyện văn hóa, tán láo rồi ngủ khì.

Cách làm việc ở đây lộn xộn, kiêu kỳ. Kể cuộc đại hội là một công trình vĩ đại lắm, nhưng toàn bộ tổ chức thật còn kém cỏi.

Gặp rất nhiều người mình biết, mà mình không nhớ ra ai cả. Gặp thằng Hựu, chà tội nghiệp thằng bé. Nó gặp mình nó sung sướng lắm đó. Nó nói là nó sống lại được đôi phút. Anh chàng Rạng thật lỗ mãng mà quê mùa.

Hôm qua xem bữa kịch cũng hay hay. Đoàn này nhiều tay diễn khá, nhưng các vở kịch thì dở cả, buồn lắm.

Quái, độ này mình rất hay xúc động về cảnh biệt ly của các cặp vợ chồng. Xem cảnh 2 vợ chồng ở kịch “Lửa căm hờn”, mình nao nao cả người. Đó là một tâm trạng của kẻ đang khát cảm tình hay là một triệu chứng của một cuộc phân ly, một điềm gở?

Tối hôm nay cũng diễn kịch, trống kêu ầm ầm, họ đi xem cả, mình ngồi một mình ở nhà để suy nghĩ chút chơi.

09/12/1947

Ngày mai là ngày bế mạc đại hội tập đây. Không biết mình có phải lên diễn đàn không? Lo lắm.

Sơn thật là một Khu trưởng đại tài, bộ đội mến phục lắm.

Mình mấy hôm nay cứ thấy mềm mệt, buồn buồn.

Nhớ lại hôm qua nói chuyện với ông Hoan về chuyện nhân tình và vợ chồng. Vợ chồng là “nghĩa” – khi đã ăn ở chung với nhau là tình yêu nhường bước cho một thứ tình cảm khác. Sao vậy? Phải chăng lỗi ở đàn bà? Phải chăng lỗi ở đàn ông? Mình cứ tưởng một mình mình nhận định sai lầm. Té ra ai cũng đồng ý rằng: Khi lấy chồng, người đàn bà dần dần đổi nết; hết những cái đáng yêu của thời con gái, không có những hồn nhiên nhí nhảnh, hết những sự rộng rãi khoáng đạt, đâm ra dấm dẳn với chồng, đâm ra bủn xỉn, nhỏ nhặt. Còn về phía chồng thì nghiễm nhiên coi vợ là một người của mình, phụ thuộc vào mình và gì gì nữa không biết.

Nhưng thực ra mình cho là một vấn đề xã hội, sự đào tạo người đàn bà trong xã hội mình, hoàn cảnh kinh tế xã hội mình nó làm cho người đàn bà hóa ra thế.

Làm sao cho tới trình độ vợ và nhân tình là một; vợ luôn luôn là một người yêu, một người bạn, một người em!

Hôm nay cũng phải hy sinh sự đi xem kịch để tới Trung đoàn độc lập xem xét qua loa.

11 giờ khuya

Các cán bộ ở đây già cỗi quá, không vui vẻ trẻ trung chút nào cả. May ra Sơn mới gây nổi cái không khí thanh niên.

Chà, làm sao sự nhớ nhung cứ dội lên trong người mình mãi mãi, nhất là hôm nay qua ngôi hàng có chiếc tủ kính ở giữa nhà, giống thế!

Nếu tin vào tướng số thì tay mình có hiệu ứng một sự trạng lạ, mà mình đang mong Hội nghị thanh niên miền Nam Đông Á chắc đang họp. Bây giờ mình mới hiểu chuyện ông Nhân đưa mấy chú đi “ngoài”. Sốt ruột về tin tức ông Thọ lắm!

14/12/1947

Nằm mãi mỏi mình, kéo hết 3, 4 cối thuốc, buồn quá, ngồi dậy viết nhật ký chơi.

Chà, đời lắm chuyện vô cùng, càng chung đụng các gặp gỡ càng thấy nhiều những phức tạp khó khăn. Những khó khăn con con mà rất quan hệ.

Sao hôm nay mình mỏi mỏi thế nào ấy, làm bản “Nhận xét công tác Khu IV” mãi không xong. Quên cả chữ Nho, kém quá.

Chả biết viết cái gì? Buồn lắm, hút thuốc lá vậy.

19/12

Kỷ niệm 1 năm toàn dân kháng chiến mà ở đây buồn quá, dân chúng vẫn thường. Phong trào kém quá. Lúc này chắc ở nơi xa xa, ai nấy rộn rã sửa soạn để mít tinh, diễn kịch đây. Chắc Trung đoàn 48 lại làm to lắm đây vì chính Trung đoàn ấy nhiều kỷ niệm với ngày 19 này nhất.

Đây là Rừng Thông nơi tỉnh lỵ Thanh Hóa và chợ tỉnh rời về. Kể ra so với cái tấp nập thì Rừng Thông kém Đồng Quan xa. Anh chàng Cảnh trọ ở đây tối qua bình phẩm rừng thông khi tụi mình kêu buồn về ngày kỷ niệm:

- Ở đây thì còn thấy cái gì nữa. Chỉ có những sự sa hoa, đem quần áo ra trưng bày với mùa đông mà thôi!

Trời ơi, hôm nay rét quá, có lẽ rét hơn cái hôm không ngủ được ở Việt Bắc. Đêm qua mình đã lồng cả với chăn của Ngọc Quang, mặc cả trấn thủ và blouson mà vẫn thấy rét. Đêm qua là đêm nhớ nhung nhiều, nghĩ ngợi nhiều. Nói đến nhớ nhung lại nghĩ đến bài thơ của Nguyễn Sơn. Sao mà một chùm sim lại một chùm tím?

Nghĩ đến đêm 19 năm ngoái ở Hà Nội, định viết một bài tùy bút. Song ở giữa một hàng cơm này viết làm sao.

Nhớ Hà Nội, nhớ da diết. Mà ở cái chốn này, một rừng thông xanh ngát mênh mông bát ngát, gió thổi qua nó reo lên vi vút thì cũng có thể có lắm ý nghĩ nên thơ lắm.

Những nhà cửa san sát lợi dụng thân cây thông làm cột, lẩn dưới lá thông, mái phủ lá thông khô rụng, mầu nâu nhạt êm êm.

Chờ mãi bọn Hoan, Hiếu, buồn quá.

22/12

Đêm nay ngủ ở đền Sòng, ăn xong đánh 2 ván cờ chơi. Độ này phát minh ra lối chơi cờ thú lắm. Đánh cũng có tiến bộ. Giải khuây một cách thanh tao lắm. Mấy hôm nay đi kém. 21 bắt đầu từ Rừng Thông mà chỉ tới được có Nghĩa Trang (19 cây số). Hôm nay tới đây chỉ đi được chừng 20 cây. Khoát định ở rồi lại về. Hôm nay con cò của tôi ốm quá, hay gắt ít nói. Hoan say rượu cứ trêu mãi. Hôm nó đi Cầu Bố chơi cũng gặp nhiều cái hay hay.

Phí 6 đ có bộ quân cờ bằng tam cúc, những lúc này cũng sướng lắm vậy thay. Sắp sửa ra đến Bắc rồi, nơi nhiều khói lửa vui hơn. Nghĩ đến những tin chiến sự Việt Bắc, nghĩ mà lo cho ai. Mấy hôm nay ho tợn cũng buồn. Phải ít hút thuốc lá đi và hứng vẫn cụt, cụt hoài.

26/12

Nay lên đường đi Khu III, ngủ ở một nhà tại phủ Nghĩa Hưng. Nơi này Pháp hay qua lại lắm đây thành ra phải cắt canh. Mình gác từ 1 giờ đến 2 giờ sáng. Trăng nay sáng suông, mây bàng bạc khắp trời, rất ít tiếng chó cắn. Có tiếng người tát nước ộp oạp ngoài ngõ. Họ vừa tát vừa cãi nhau và ho hắng.

Hôm qua ở chỗ Lê Quân, Nam Hải. Nam Hải độ này tiến bộ khá lắm. Quên không hỏi thăm thằng Lê Việt Hùng độ này làm gì. Hôm qua được nghe radio, tiếng nói “Miền Nam kháng chiến”. Thú quá. Hơn năm trời rồi mới lại được nghe radio. Tiếng nói tự ở xa xăm, thong thả rót lên những tin quen thuộc. Nghe cảm động thật, vì mình đang tưởng tượng tới những đồng chí đồng bào không quen biết của mình ở nơi xa xôi ấy cũng đang cần cù làm những việc như mình ở đây. Mình nghĩ tới những anh chàng dân quân Nga xô viết ngong ngóng chờ tin Mạc Tư Khoa (La voix du Moscou) ở cuốn Partisans Sovietiques. Họ cũng náo nức như mình bây giờ thì phải.

Đi qua đường xe lửa thấy những cảnh phá hoại rất thú. Đường xe lửa dùng được rất nhiều việc cho dân quê ta nhất là việc bắc cầu. Có nhiều cầu rất thần tình, khoa học. Những traverse thì làm chân cầu rất chắc và đẹp. Có những cầu cẩu thả đi chỉ sợ kẹp chân. Họ còn lấy đường tàu làm chướng ngại lũy, lấy traverse chặn lên nóc nhà cho khỏi gió, dùng dần từng miếng một về đánh dao. Có nơi bộ đội dùng luôn nó làm những cột nhà rất ngang tàng cứng cáp.

Không lúc nào quên. Viết thư đã.

1 giờ 30, 27/11, Nghĩa Hưng

27/11/1947

Hành Thiện

Hôm nay đi qua Cổ Lễ vào thăm chùa chụp ảnh. Cảnh chùa thì đồ sộ lắm nhưng chùa bây giờ đã thành một nơi cho dân tản cư hay đúng hơn là cho ăn mày ở. Bẩn thỉu quá, tượng Phật bị thiên đi nơi khác. Cái chuông hết sức đồ sộ làm chiêng ở hồ đằng sau. Hôm 18/9 âm lịch, Tây có về song không làm gì.

Chiều nay tới Hành Thiện, giữa đường gặp một người đẹp hơi giống cô Nguyệt. Đến Hành Thiện thấy rất nhiều. Khi đang ngồi chơi ở bờ sông, chợt có một người đẹp quá đi ra quanh vài vòng lại vào hút trong ngõ. Người rất trắng, mắt nhỏ và sâu, mũi dọc dừa, môi mỏng và nghiêm trang. Đôi má rất phúc hậu mà trắng một màu trắng thật ngà ngọc. Đẹp thật. Mình nghĩ đến lúc Pháp tới khủng bố.

Phố đây san sát nhà gạch và vui vẻ ấm cúng. Tụi mình khoác áo tơi đi qua, mọi người nhớn nhác nhìn theo cho là lạ lắm. Mình lững thững đi chơi một mình qua các cửa nhà đóng kín, le lói chút ánh đèn. Mình khẽ ngó vào và hơi có cái cảm giác của anh chàng không nhà trong thơ Thế Lữ.

Hôm nay gió đông lộng lên ghê gớm, đi người cứ bạt đi và làm mình đau cả mắt. Nhớ nhớ.

29/12/1947

Hành Thiện

Đêm qua ông Hoan đã đến rồi nhưng mai mới đi. Chiều qua mình ngồi uống cà phê với Hiếu ở tiệm café. Trong khi mình mải miết cùng với Hiếu xem tin tức thế giới, tin chiến sự Mường Bi ở tờ báo Cứu Quốc thì bàn bên cạnh mình 3 ông và 1 bà đang ồn ồn nói chuyện buôn lậu với những giọng rất tự nhiên và kiêu hãnh nữa. Họ hỏi giá gạo, giá giấy; họ nói chuyện với nhau đường đi lối về. Họ hút thuốc lá Philips và bảo nếu không hút Philips thì khổ lắm, nhục lắm. Nhất là con mẹ đàn bà kia. Mụ còn trẻ, bụng to, lại mặc quần trắng, trông nõn nà lắm, giọng nói cứ san sát; nói đến chuyện buôn bán một cách rất thành thạo, chú trọng đến các giá hàng một vẻ ham muốn; hỏi một cách ngấu nghiến về cách đi lại; mời mọc khách bằng những tiếng rất giòn và nhanh. Sao mình khinh bỉ chúng đến thế. Mình nhìn họ rồi bỗng nhiên mình rơi vào một suy nghĩ miên man. Mình nghĩ đến cuộc đời buôn lậu của họ, cũng nguy hiểm lắm. Có những khi họ phải băng mình qua những vị trí Pháp, có khi họ phải qua các tầm súng Pháp. Họ đi rất xa và cũng la cà đây đó. Họ buôn hàng nghìn hàng vạn, họ tiêu cũng hàng nghìn hàng vạn. Mà đó là những thanh niên xinh đẹp khỏe mạnh học thức. Được tiền họ vào tiệm ăn, họ đi tìm nhiều lạc thú cho xác thịt họ. Họ không cần nghĩ gì lôi thôi cao xa, họ chỉ xoay sao cho buôn bán được. Lợi ai thiệt ai, họ mặc. Họ cũng lăn cả vào nguy hiểm, có cả những người đàn bà hy sinh cả danh dự để buôn cho được đã.

Trí óc mình miên man nghĩ đến những người đẹp mình đã gặp hôm qua và hôm nay. Ờ những người ấy làm gì? Nếu không phải đi buôn bán. Những người ấy giao thiệp với ai. Mình nghĩ đến sự them muốn rạo rực hàng ngày nó đòi hỏi mình. Mình thấy rằng rất khó – khó vô cùng nếu không phải là không có thể - thực hiện những ham muốn của mình. Vì mình cho là những người ấy đều là những bóng dáng yêu kiều cao quý xa xôi lắm lắm… Nhưng chao ôi khi mà giặc lan tới hay khi họ cần buôn bán kiếm tiền thì dễ dàng quá. Họ vẫn là những cái gì rất mong manh rẻ rúng. Thì ra làm một thằng thanh niên bạt mạng nhiều hoàn cảnh khoái lạc – nhiều thỏa mãn vật chất lắm! Chứ còn hạng mình, một hạng đành phải chịu khô khan, đành phải chịu thiếu thốn. Chúng mình đành chịu vắng những vuốt ve dịu dàng, những ngắm nhìn âu yếm, những hờn dỗi nhí nhảnh và những gì gì nữa… Eo ôi, nhắc đến mình thấy bao nhiêu là ghen tức. Mình muốn về ngay Việt Bắc thôi. Lại đi càng nhìn thấy những cảnh khêu gợi, quyến rũ mà càng nhìn thấy, tình cảm càng đòi hỏi dữ, xác thịt cũng quằn quại, đầu óc càng rối loạn.

Sự nghiệp và lương tâm nó giằng con người mình lại, còn những ham muốn nó làm cho con người mình giẫy giụa. Tức thật, nếu cứ để nó mãi thế này thì khó chịu ghê lắm. Ừ, giá cứ ở biệt trên Việt Bắc, tầm mắt hẹp lại, công việc bận lên thì có lẽ đỡ được đi nhiều sự bứt rứt.

Khốn, nhưng những câu chuyện chạy quanh mồm, những tiểu thuyết, những hình ảnh và cả những ý nghĩ nữa không lúc nào làm ta thanh thản được. Mình luôn luôn có một sự trỗi dậy của tình cảm và ham muốn. Mình đâu có dám trách sự bao vây của bổn phận, nhưng sự giằng co nó mạnh quá.

Nói đến chuyện viết, mình thấy bây giờ không biết viết cái gì. Vì đời nhiều chuyện quá. Những sự việc xảy ra hàng ngày nó đẹp quá, vĩ đại quá, anh hùng quá. Mình không đủ lời để tả nó, không đủ tiếng để ca tụng nó nữa.

Viết tiểu thuyết ư? Công trình to tát lắm, mà làm sao cho có một cuốn tiểu thuyết đủ những sự việc phức tạp éo le của thời kháng chiến. Truyện ngắn ư?... Không! Chẳng được cái gì cả. Mình thấp bé quá, nghèo nàn quá.

Có lẽ chỉ có thể làm được cái công việc ghi chép.

01/01/1948

Năm khác rồi. Tuổi cứ nhiều lên thêm mãi. Hôm kia qua Đống Nam vui quá, vui hơn Đồng Quan tuy rằng không to bằng, nhưng đường phố rộng rãi, nhiều màu sắc, nhiều người đẹp hơn. Lại thấy nhiều đàn bà mặc quần trắng. Đó là sự lạ của thời kháng chiến, mình mới thấy ở ba nơi: Thanh Hóa, Hành Thiện và ở đây.

Đến Khu rồi, các cậu ấy đi vắng cả, mình định về thăm nhà vài hôm. Hơi tức cậu Chính, có vẻ không bằng lòng về chuyện mình về nhà. Nhưng Mẹ mình. Ôi bà mẹ tận tụy với các con!

Mình thấy cần về Việt Bắc mau mau xem công việc ở nhà ra sao?

07/01/1948

Về thăm nhà ngày 3, 4 đến ngày 5 đi.

Mẹ vẫn thế. Khỏe mạnh hơn trước một chút. Thấy ảnh cháu, mẹ mừng lắm và rất ao ước được ẵm cháu, hẹn sẽ cho cháu về.

Nhà nghèo quá. Mình trông bọn cháu mình, phải đi giã gạo, xay thóc, mình thương quá, thấy rưng rưng nước mắt. Thằng Hiệp mới lên 8 tuổi đã phải xay thóc. Sự học hành của các cháu rất chểnh mảng. Khổ quá. Bà mẹ mình làm suốt ngày. Vừa đau vừa làm gạo. Vẫn không hơn gì xưa kia. Em Xuyến làm việc trong phủ không về chơi được.

Cảnh quê thay đổi nhiều, nhất là có thêm những bụi tre, những ụ đất. Nhất là người, các cháu gái, em gái mình thì khi xưa chúng còn bé tí mà bây giờ chúng đã có chồng cả, lại có cả đứa có con nữa. Nhiều ông nói mát để mỉa mình là mình quên làng. Nhưng làng còn có nghĩa lý gì đối với mình nếu không có bà mẹ già tận tụy của mình.

Một lần ông Trần Độ về thăm Mẹ

Gặp Hạnh cũng về quê chơi, đem cả vợ về. À bọn chúng nó mới lấy vợ. Buồn cười thật, còn “si tưởng” lắm. Nào là ghen với vợ, nào là băn khoăn, giữ gìn,… Lại cả thằng Khánh mới gặp hôm qua ở Sở Th.T.T.Ư cũng thế. Hiện bây giờ chúng nó mới chỉ còn đang nghĩ tới vợ. Chúng nó chưa bước sang loại B. hay vì chúng nó có “Mariage d’amour”? Vợ! A ha! Vợ!

Hôm qua đến Trại Văn hóa gặp Lam Sơn. Hắn xem tướng cho mình nói nhiều cái đúng quá, nhất là về tính tình mình.

Nhưng có mấy điểm lo nhất là:

- Phải lấy nhiều vợ,

- Sẽ bị thương ở ngực.

Hắn nói rằng đời mình là đời conbattif, nhưng trong công việc gặp nhiều trắc trở. Mình hướng về văn chương nhiều và đời mình được đi xa. Thế là thú lắm rồi.

Phiền thật.

10/01/1948

Về đến Khu gặp ngay điện của Dũng gọi về gấp.

Tối 08/01/1948 lại vào qua Q.C rồi mới về. Sáng 09/01 lại thăm một đại đội. Hôm nay tìm một đại đội nữa thăm nhưng không gặp. Qua sông Hồng Hà trong lúc mọi người hồi hộp lo xe Tây đi. Nó vừa đi từ Hà Nội đi Nam Định hôm qua, qua đê này bị mìn chết mấy thằng. Kể cũng hơi lo và thú.

Gặp Thiệu tóc, nó cho 200 đ và đổi bút máy. Được cái bút tốt quá.

Mai qua chợ Đại phải mua chút quà gì về Việt Bắc đây.

13/01

Sáng nay ngồi ở bến chợ Cáy. Thấy một cảnh bộ đội đi, chào dân chúng. Mình ngẫu hứng thấy có thể viết một chuyện ngắn. Đại khái tả đúng cảnh bộ đội này rời một làng ra đi, xuống thuyền. Dân chúng nhìn theo, sự chào hỏi hai bên thân mật, có một thiếu nữ yêu một anh chàng, ra ngồi bờ sông từ sớm. Thái độ anh chàng được yêu. Những lời nói đùa xa xôi của các cô bạn gái bằng những câu hát khéo:

Chàng đi thiếp vẫn trông theo,

Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi…

Lại có cha mẹ mắng át đi. Có cả đứa bé con cũng nhảy nhót nhại lại câu hát đó. Một lão vào hạng dở hơi, giả vờ khóc ô ố: Ai mắng hắn bảo hắn có niềm riêng. Các bà già xì xào tỏ vẻ khinh cô kia, rồi sau lại ngả sang giọng thương hại, v.v… Cảnh đẹp thật.

Đi đến chỗ gần chợ, đồi lại có cảnh hai nữ dân quân Mường khênh một hòm lựu đạn đi tiếp tế cho bộ đội qua rừng, vừa đi vừa hát. Mình cũng thấy có thể xây dựng một chuyện ngắn tả một cô Mường như cho Mai đi chẳng hạn. Từ đầu, bộ đội đến đóng tại nhà không hiểu gì cả, sau dần quen, hiểu biết bộ đội và giác ngộ sung vào dân quân, đi tiếp tế cho bộ đội, sự hiểu biết rất giản đơn.

25/01/1948

Đi gấp về đến Phòng ngày hôm qua. Đến bản mới thấy vui vui.

Lại đánh bóng và như thường.

Hành trình chuyến đi dài gần 600 km

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét