Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Đêm trăng ngoài mặt trận


(Tặng hương hồn em Trang)

Đi qua bãi tha ma và nhiều cánh đồng chúng tôi mới tới được Bộ chỉ huy của mặt trận TH.NH, chúng tôi vào một con đường ven ao nhỏ bé, gồ ghề, hai bên cỏ rậm bẩn thỉu. Con đường ấy đưa tới một cái sân gạch nhỏ rêu xanh của một căn nhà gỗ mái lá tối sầm.


Trong sân dưới rặng chuối xơ xác vật vờ, hàng chục anh đang cởi trần tắm giặt, làn da chai sạm lại trước những cơn gió lạnh như kim châm.
Chợt có tiếng gọi đến tên tôi, tôi ngó quanh tìm. Một thanh niên thấp béo, tay cầm quyển sách, tay cầm bút ở trong sàn nhà lụp sụp chạy ra. Đầu anh đội mũ nồi lại có gài lưới, lưng thắt một bao da đạn và đeo một khẩu súng ngắn. Đó là anh Th. một người cùng phố với tôi. Tôi nắm lấy anh, tôi hỏi chỗ anh Tr., Đại đội trưởng chỉ huy mặt trận này. Anh hăm hở nhanh nhẹn chỉ đường cho tôi. Qua rất nhiều ngõ hẻm đen và gồ ghề, gặp rất nhiều thanh niên nam nữ, lam lũ có; thanh lịch có, đi đi lại lại, bận rộn, hối hả…
Chúng tôi tới căn nhà có sân gạch và tường hoa vây quanh sân, nhưng đây là một cố đô đã lâu năm lắm, nên tường đã đen những rêu và sân gạch lỗ chỗ khắp cả.
Mọi người đang ồn ào trong nhà, thấy chúng tôi vào, ngạc nhiên xô ra, anh Th. đang hỏi: Anh Tr. đâu? Anh Tr. đâu? thì chúng tôi đã trông thấy V.S. một chính trị viên đại đội mới được điều động về đây. Qua một cái chào nhà binh rất vội vàng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau cuống quýt. Trong lúc này vài viên đạn súng cối đang rít qua đầu. Thì ra sự gặp gỡ trong giờ phút chiến đấu nó thiêng liêng khác thường quá. Chúng tôi tưởng chừng xa nhau lâu lắm, hay từ phương nào xa thẳm về đây tụ họp. Tôi tát vào má V.S. để gửi cả vào đấy những lời khen sôi nổi và lòng thân ái.
Chưa kịp làm gì hơn thì Tr. đã ở ngoài ao nhảy qua bức tường hoa lem nhem, hắn rú lên, nhưng cũng không quên giữ lễ nghi quân đội, hắn đứng giữa sân, cúi thân hình 1 thước 80 gập xuống 45 độ. Cái đầu trọc và nhọn trắng thêm vì đôi mắt mừng rỡ và cái miệng cười không mím lại được.
Thế là tính ra đúng mười ba ngày rồi chúng tôi mới lại gặp nhau. Nắm lấy tay nhau, vỗ vai nhau mà chúng tôi chưa thấy trao cho nhau đủ những tình luyến ái. Chưa đầy nửa phút, các đội viên quen thuộc túm lại quanh đã đến 10 người. Chúng tôi bắt tay hết lượt và tự nhiên xoay nhau thành một tụm tròn ngay vỉa hè nói chuyện. Thế là cả Đại đội trưởng, chính trị viên chen cánh cùng đội viên vây quanh tôi. Tôi nói chuyện tình hình các mặt trận khác quanh thành phố cho mọi người nghe, tôi nói  không thấy mỏi mà các anh em hỏi không tiếc lời.
Trong khi ấy, đạn súng cối của địch vẫn rít ở không trung và mấy chiếc máy bay đang hục hặc chao cánh tìm mồi.
Tr. là một thanh niên học sinh, ham chiến đấu, làm việc nhanh nhẹn, có kế hoạch nên được quân dân khắp mặt trận TH.NH. mến phục.
Khi kể chuyện, giọng nói Tr. pha lẫn chút nũng nịu nhưng kiêu căng. Các đội viên đứng chung quanh đua nhau kể chiến công oanh liệt của mình. Được một lát chúng tôi hiểu qua tình hình mặt trận. Nhờ địa hình tốt, anh em giữ thế trận rất vững. Quân địch tốn bao nhiêu đạn súng cối mà không phá nổi. Thỉnh thoảng bộ đội còn mở trận phản công làm chúng hoảng hồn và thua thiệt. Có trận anh em xung phong đuổi theo dữ quá, chúng quay lại chửi bới tục tằn:
- Người chúng mày là người gì? Súng bắn thế mà chúng mày cũng đuổi? Chúng mày không sợ chết à?…
Một số cán bộ trung đội hăng quá đã bị thương.
Mặt trận đây còn có ông lang trọc, đó là anh Th. tôi quen từ trước. Anh là thày thuốc thông minh niềm nở, vui tính và chăm chỉ vô cùng. Anh săn sóc sức khỏe các người chiến đấu hết sức tận tụy, ai cũng mến yêu. Lại có một đội viên mang biệt hiệu là hùm xám, người anh thấp, mập, mặt sần sùi đen đủi, mắt háy háy, coi đầy vẻ tinh nhanh, anh cầm cái roi da phe phẩy, người anh luôn run rẩy như nóng lòng chờ đón một cái gì. Anh mê đánh giặc như mê gái, chỉ thích đi suốt ngày đêm không biết mỏi. Anh tiến đánh rất ngang tàng, không mấy khi trúng đạn. Khi kể chiến công, tay trái anh ngoe ngoẩy cái roi, tay phải hoa lên:
- Có bận, em đang đứng với một đồng chí ở vị trí moóc-chi-ê nọ rớt như mưa, cả súng liên thanh nữa. Em cứ đứng mà không chết. Đồng chí kia vừa lóp ngóp bò lên, em chưa kịp bảo, thế là nó “phệt” cho một quả, chết ngay. Thế mà em không việc gì! Hi! Hi! Hi!…
Anh lại cười, mắt híp lại, cái thân hình nặng nề lại run rẩy đầy ranh mãnh.
Trời đã sẩm tối, chúng tôi rủ nhau đi thăm anh em nằm ngoài vị trí.
Lúc ấy trăng mười hai le lói sau những đám mây sẫm lũ lượt lướt rất mau, soi sáng lờ mờ trận tuyến kéo dài trên bờ đê.
Mới chập tối, trận tuyến tấp nập vui vẻ, cái tấp nập vui vẻ của mặt trận thật kỳ thú. Nó nửa như hội hè, nửa như chợ họp, mà mỗi hội này, phiên chợ này lại có một cái gì đầy gian hiểm, mọi người chung quanh đây đều vẻ mạo hiểm, nhơn nhơn.
Khi ra tới đê thì vừa gặp lúc một tiểu tổ quấy nhiễu bắt đầu làm việc. Một tràng liên thanh địch bắn trả sang vị trí, chúng tôi vội kéo nhau nằm rạp xuống đến hai phút mới lóp ngóp bò dậy đi. Tôi phải đứng trước một cảnh tượng lạ lùng: hàng chục lỗ chiến đấu đào ven đê, lỗ thì tối om, lỗ thì hơi le lói tý ánh sáng.
Tôi lại gần ngó vào một hố đầu tiên, hố này khoét thành một cái vòm dài chừng hai thước, sâu vào độ tám mươi phân. Chui vào phải cúi, trong hố có rải chiếu và trên tường đất có đôi chỗ khoét vào, một chỗ có mấy cái hoa dại cắm vào một cái cốc con mẻ miệng, một chỗ dán một ảnh Hồ Chủ tịch nhỏ xíu và một chỗ khác một cái tượng ngà đứng cheo leo. Thật là một phòng ngủ xinh xắn. Đồng chí ở hố này đang ngồi xem báo Cứu quốc bằng ngọn nến nhỏ, anh ngồi nhỏm dậy nhìn chúng tôi rồi liếc lại chỗ nằm một vẻ vừa sung sướng vừa thẹn thò.
Một hố khác có hai đồng chí đánh cờ người vừa cười khúc khích. Hố này thì hoa cắm vào một vỏ đạn “ca-nông vanh” của máy bay và bên cạnh hình Hồ Chủ tịch vẽ tay có hình một vệ quốc quân chạy trong đám lúa.
Tôi đang sung sướng với cái vui mặt trận thì Tr. liến thoắng nói thêm:
- Ở đây giàu chính trị lắm anh ạ! Đấy anh xem, mặt trận mà lúc nào cũng vui như tết. Tinh thần tự vệ cao lắm, trận nào cũng có chừng một trung đội đi đánh với anh em bộ đội. Sau mỗi trận đánh đột kích, các trung đội khai hội rút kinh nghiệm. Có ban âm nhạc, có bích báo, có tạp chí, có xưởng chữa súng, chữa giầy, có thợ cạo, có các chị phụ nữ nấu cơm vá quần, vá áo vui lắm. Tý nữa anh sẽ đi xem một lớp huấn luyện.
Chúng tôi còn sắp có một câu lạc bộ nữa kia.
Chúng tôi đến một vọng gác. Đồng chí gác trang nghiêm bồng súng chào. Đáp lại câu hỏi “đồng chí được bao nhiêu Tây rồi”. Đồng chí lạnh lùng trả lời: “Thưa anh, mới được có ba thằng ạ, súng em giật mạnh quá, em hãy còn 28 viên nữa”.
Thấy đồng chí có vẻ lơ đãng với câu chuyện, tôi đang bối rối, thì đồng chí ấy hầm hập nói tiếp, mắt nhìn về phía lò lợn, lửa đang phùn phụt lên: “Thưa đồng chí Đội trưởng, nhà em đang bị cháy, gác xong, xin đồng chí cho phép em đi vào tiểu tổ tập kích thứ hai ạ”.
Trang mỉm cười: “Không sợ mệt à? Lại tức vì nó đốt nhà chứ gì? Đồng chí có buồn không?”
- “Không ạ! Sao đồng chí lại hỏi em thế? Thân còn chẳng tiếc, buồn gì chuyện mất nhà! Nhưng em ức lắm…”. Rồi lại nghiêm trang…
Chúng tôi lại đi.
Vừa được mươi bước thì từ phía trong làng vọng ra tiếng rao lanh lảnh: “Ai mua nước ra mua?” – “Ai nước vối nóng đây! …” Chen lên tiếng cười khúc khích, tôi chưa kịp ngạc nhiên, Tr. đã giải thích: “Tiếp tế nước đây ạ!”.
… Một đoàn ngót chục chị phụ nữ lom khom đi ra, dưới ánh trăng suông, các chị hiện thành những bóng đen linh động.
Các chị đi tay xách nước, tay cầm bát y như những cô bán nước thật, vừa đi vừa cười rũ rượi vừa nói đùa… Bỗng tiếng gọi ran:
- Hàng nước đâu? Lại đây!
- Chỗ này mau hai bát đây!
Rồi lại cười, thì ra người ta đùa thế! Bỗng “bọp” ở xa xa. Tr. kéo tôi nằm xẹp xuống nhanh như cắt, rồi “víu … víu! đoàng!”… lại “đoàng… víu víu đoàng!”. Ba quả moóc-chi-ê liên tiếp từ phía sau làng Th. L.
Hai phút im lặng, Tr. kéo tôi dậy, thản nhiên nói: “Thế luôn đấy. Thỉnh thoảng nó lại cho vài ba quả vui vui”.
Các đội viên: “Méc-li-e đấy! Móc-luôn đấy – Mỏ chìa đấy! Các chị tiếp tế lại bắt đầu ríu rít: - “Khiếp! bác này tham thế, uống những hai bát!”.
- Thôi, bình tôi cạn rồi!
- “Sao lại cho tôi uống bát mẻ thế này?” và ha ha tiếng cười lan đi xa xa tắp, tôi dùng dằng không muốn trở lại nữa, thì Tr. kéo tôi đi thăm lớp huấn luyện.
Len lỏi qua con đường gạch nằm giữa những tường cao đầy khẩu hiệu, chúng tôi đi dưới ánh trăng lờ mờ trắng đục, có cảm tưởng vui vui, như rủ nhau đi ăn phở đêm khuya ở một phố vắng thủ đô…
Phụ trách lớp huấn luyện là anh chàng Ng. G. H bé nhỏ, láu táu, đeo kính trắng và gươm Nhật. Anh chàng này đã cận thị lại hay xách kiếm lê thê đi tập kích đêm. Một hôm tiến vào một ổ thổ phỉ mà không trông thấy, bị nó bắn suýt chết chỉ vì kiếm dài hơn người, chạm vào gạch đánh “cách”…
…Đang phiên chế một trung đội tự vệ, thấy chúng tôi, anh lạch bạch chạy ra rồi lại lạch bạch chạy vào hô to “Nghi… ê… m” rồi lại chạy ra tay trái giữ kiếm, tay phải giơ chào cứng cát.
Sau khi thăm qua lớp huấn luyện dân quân, chúng tôi lại trở về đại đội bộ.
Lúc này đã khuya lắm… Tr. rút bao thuốc lá trong người mời mọi người; đứng giữa sân đầy trăng, chúng tôi châm thuốc lá hút, V.S. bảo:
- Ở đây đánh giặc như đùa ấy, một hôm dân đuổi thổ phỉ, nó chạy ùm xuống sông. Anh em lấy gạch ném, chúng nó vừa bì bõm vừa chửi: “Tiên sư nó, lính gì mà lính đánh dai thế?”.
Tr. tiếp: “Đêm nào V. S. và tôi cũng mò lên Lò Đúc đấy. Nhưng hôm nay nghỉ ở nhà nói chuyện với anh…”.
1947
        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét