Nhà văn Thanh Hương
Tôi
gọi chị là chị mặc dù năm nay tính theo tuổi âm chị đã tròn 90 tuổi. Tôi đã
ngoài 80, đã ở tuổi là em của chị. Hơn nữa với một người phụ nữ đi làm cách
mạng từ năm 16 tuổi như chị thì hình như – xét về mặt lý tưởng, tâm hồn, phong
cách – không có tuổi già.
Mặc dù tóc đã bạc, lưng còng gập xuống, nhưng trong ngôi nhà cao tầng khang trang, rộng rãi mới được một ngân hàng lớn đầu tư xây dựng lại sau ngày anh Trần Độ mất (hiện nay ngân hàng ấy vẫn được sử dụng 7 tầng nhà phía dưới để giao dịch, kinh doanh) hàng ngày chị vẫn nhanh nhẹn đi lại, nấu nướng, dọn dẹp, khâu vá, đọc sách báo, khi có khách đến chơi thì niềm nở ân cần tiếp khách với đôi mắt còn tự xâu kim được, với nụ cười ấm áp và một trí nhớ tinh tường hiếm có ở một phụ nữ đã trải qua những tháng ngày hoạt động đấu tranh gian khổ, đã trải qua cảnh lao tù của chế độ thực dân Pháp và hiện ở độ tuổi cao như chị. Khi tôi ngỏ ý muốn nghe chị kể về cuộc đời trước đây của chị, chị mỉn cười hiền hậu:
-
Thế cô muốn tôi kể bắt đầu từ khi nào?
-
Xin chị kể cho em nghe về tất cả điều gì mà chị còn nhớ. Bắt đầu từ tuổi thơ
của chị…
-
Thế thì ta cứ ngồi đây. Chỗ này sáng mà thoáng gió.
Chị
lại cười và kéo ghế ngồi lại gần tôi. Đã 90 tuổi đời, tai chị vẫn nghe được
nhưng tất nhiên không còn tinh lắm.
Thời thơ ấu
Chị
quê làng Liễu Khê, xã Song Liễu, làng được phong là làng Anh hùng đầu tiên, xã
là xã văn hóa, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thuở bé, nhà rất nghèo.
Bố làm tá điền đi ở cho nhà ông Lý Nghi, là lý trưởng nhưng ông này cũng là
người hiền lành. Mẹ làm hàng xáo, mùa cấy mẹ còn đi cấy khoán ngày cấy được 4,
5 sào nhưng toàn đi làm trừ nợ. Bố đi làm ngày ba bữa cơm no, bữa cơm chiều
thường cố ngậm miếng cuối cùng về mớm cho đứa con còn bé. Chị ở xóm Chùa, có bà
cô họ ở xóm Mái, lên 8 tuổi bố mẹ đã cho đi ở cho bà cô. Còn bé quắt mà sáng
dậy đã phải nấu một nồi cám to đùng, rồi vác giỏ đi cắt cỏ. Trưa thợ cày thả
trâu thì chị đi chăn trâu. Chiều lại đi lấy bèo, rồi băm bèo, giã bèo. Nhà có
bốn anh con trai, lớn lên có ba anh làm nghề lái xe, chị là con thứ tư. Chị có
một cô em gái chết năm đói bốn lăm, mới mười chín tuổi!
Bắt đầu tham gia cách mạng
Chị
kể ở quê chị, xóm Chùa là xóm kín đáo nhất. Do đó, các anh hoạt động cách mạng
hay về. Trong xóm, đã có những người được các anh bắt liên lạc và giác ngộ cho
về cách mạng. Năm 1937 chị 16 tuổi, lúc này chị không ở nhà bà cô nữa mà đã về
nhà làm hàng xáo, đi cấy, đi gặt, có lúc lại đi bán ngô ở ga Phú Thụy (xã Dương
Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Làm lụng luôn tay, vất vả là thế mà cuộc sống của
gia đình vẫn vô cùng cơ cực, bữa rau bữa cháo. Thấy chị con nhà nghèo khổ, chăm
lam chăm làm lại hiền lành, linh lợi, thông minh, các anh tìm cách giác ngộ cho
chị và bước đầu giao công tác cho chị. Các anh bảo chị cố gắng tìm thêm cho đủ
ba người, rủ họ làm thành một tổ gọi là tổ tương tế, cùng giúp đỡ nhau trong
cuộc sống hàng ngày, cùng nhau học cho biết chữ vì còn trẻ mà cầm tờ giấy không
biết đọc thì không khác gì người mù. Nghe lời các anh, chị tìm được hai người
bạn cùng xóm cũng con nhà nghèo như mình là chị Như và chị Củng. Những gì chị
biết được qua những lời nói chuyện của các anh, chị đều kể lại với hai bạn và
được hai người đồng ý họ cùng nhau lập ra tổ phụ nữ tương tế đầu tiên trong xã.
Hồi đó, các anh ở tòa báo Le Travail cũng về đóng trong xóm chị. Các anh liên
hệ với các chị, giúp các chị học chữ, giúp các chị hiểu thêm về “ba tầng áp
bức”, về những việc phải làm để thoát ra khỏi ba tầng áp bức đó, giành lại tự
do độc lập, giành lại cuộc sống no đủ cho người nông dân. Dưới sự chỉ dẫn của
các anh, các chị hoạt động rất tích cực. Đi giao liên, đi đưa đón cán bộ về
hoạt động. Tổ ba người các chị lúc này cũng không còn là tổ tương tế, tổ ái hữu
nữa, mà đã trở thành tổ phụ nữ phản đế, làm cách mạng chống đế quốc và phong
kiến.
Trong
tờ báo Le Travail có nhà báo Nguyễn Thành Diên là người rất giỏi và vui tính,
thường hướng dẫn công tác cho các chị. Một hôm anh hỏi:
-
Bây giờ trên cần người đi thoát ly làm việc cho đoàn thể, các chị có ai đi
không?
Chị
không lưỡng lự, trả lời ngay:
-
Có, em đi.
Anh
nói:
-
Đi thoát ly là phải rời xa gia đình, phải hoạt động bí mật, phải trốn tránh rất
gian khổ. Còn có thể phải chịu tù đày, hy sinh cả tính mạng của mình. Cô có sợ
không?
Chị
trả lời rất dứt khoát:
-
Không. Em không sợ.
Anh
cười:
-
Thế thì được.
Thời
gian sau, anh Mai Vy về dẫn chị đi.
Anh
Mai Vy đưa chị ra Bát Tràng, gửi ở nhà anh giáo Đản – anh Đản làm nghề dậy học.
Chị ở đó và bắt đầu làm nhiệm vụ đi liên lạc cho cơ quan Xứ ủy Bắc kỳ. Chị
thường đến làng Vân đưa giấy tờ, tài liệu. Ở làng Vân có rất nhiều cây trám, mọc thành bãi, đến bây giờ chị vẫn nhớ rõ
các bãi trám ở làng Vân ấy. Nhưng ở đó chỉ được hai tháng, lại có người
đến đưa chị đi Hà Đông, sau đó lại về làng La Cả, La Khê. La Khê là làng dệt.
Chị ở nhà anh Triết, anh Triết có máy dệt, vợ chồng anh dệt, chị quay tơ. Lúc
đó chị đã 17 tuổi nhưng người nhỏ bé, mọi người trong nhà gọi chị là “cô bé
quay tơ”. Thời ấy, làng Vạn Phúc (Hà Đông) là trụ sở chính của Xứ ủy, có nhiều
lần chị đã làm con thoi liên lạc giữa ông Hoàng Văn Thụ (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng từ tháng 4-1940; bị thực dân Pháp xử bắn ngày 24-5-1944 tại Hà Nội) và ông Trần Tử Bình, ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách liên tỉnh C (Hà Nam, Nam Định,
Thái Bình, Ninh Bình) bị giặc Pháp quản thúc ở ga Bình Lục (Hà Nam). Lúc ấy,
chị còn trẻ, đi hăng lắm, có nhiều khi đi bộ một giờ được 6 – 7 ki lô mét, mà
đi cả ngày, không thấy mệt. Đi liên lạc ở làng Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), chị đã
gặp chị Hán, sau này có tên gọi là chị Lê Minh Hiền, thứ trưởng Bộ Lao động. Chị
Hán lúc đó là con dâu trong nhà, có chồng tên anh Hiệt. Có những ngày chị đi
liên lạc từ Vạn Phúc (Hà Đông) xuống Bình Lục (Hà Nam),
đi qua Cự Đà, Khúc Thủy, đi qua làng Phú Diễn. Ở rìa làng Phú Diễn có một nhà hộ sinh là cơ sở cách mạng, có lần chị đã đưa
anh Trần Quốc Hoàn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an) đến
gặp cơ sở cách mạng đó. Cô chủ nhà tên là cô Bơn, người thành phố, rất
hăng hái tích cực và lại rất nhẹ nhàng lịch thiệp.
Đến
tháng 3 năm 1940, tổ chức phân công chị và một anh tên là Ba ra thuê một cửa
hàng bán cơm “đầu ghế” ở ga Văn Điển, dùng nơi này làm địa điểm liên lạc cho Xứ
ủy Bắc kỳ và là chỗ cán bộ của Đảng như các ông Hoàng Văn Thụ, ông Trường Chinh
(nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng), ông Hoàng
Quốc Việt (nguyên ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng,
nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) hay
đi về. Đây là một ngôi nhà ngói ba gian đối diện ga Văn Điển, đằng sau nhà là
cái ao. Chị chuyên bán cơm và chạy bàn. Cửa hàng được rất nhiều khách đến ăn,
cả bọn mật thám gần đó cũng đến ăn. Trong bọn có thằng Xinh và thằng Giao. Bọn
này hay gọi chị là “bé con” vì thấy chị bé nhỏ.
-
Bé con, đưa cơm lại đây.
-
Bé con, dọn bàn đi.
Đến tháng 10 năm 1940, cơ sở bị lộ. Anh
Trần Quốc Hoàn bảo chị lấy vài bộ quần áo chuẩn bị dời đi. Anh Hoàn còn bảo anh
Dung (lúc đó thường gọi là anh “Hoàng Mắt
Lửa”) vào gặp bà chủ nhà nói xin phép cho cô em gái, tức là chị, về quê
có việc gấp. Chị và anh Trần Quốc Hoàn ra đi
về Phú Diễn từ 3 giờ sáng. Đến 5g sáng, mật thám vây bắt, anh Dung bơi qua ao
thì bị bắt.
Sau khi trốn thoát, chị tiếp tục được tổ chức giao
làm liên lạc cho báo Giải Phóng trên tuyến Hà Đông – Bình Lục. Tháng 11 năm
1940, anh Lưu Quyên phụ trách nhà in báo Tiền Phong TN Hà Nội có trụ sở bí mật
ở số 2 Hàng Nón xin chị về và giao nhiệm vụ đi mua bán các loại vật tư cho báo
như giấy, mực in và vận chuyển, bàn giao nhiều tài liệu, truyền đơn của cách
mạng. Cơ sở lúc đó có các anh Lưu Quyên, anh Hoàng Minh Chính, Nguyễn Xuân
Thành và chị. Các anh chị ở trên gác nhà số 2 Hàng Nón, phía dưới là cửa hàng
thợ thêu. Cơ sở do anh Lưu Quyên phụ trách, anh Hoàng Minh Chính viết lách. Chị Hằng lo cơm nước và mua sắm các thứ cần dùng.
Những
ngày thử thách
Đầu
tháng 1 năm 1941, trong một lần đi rải truyền đơn trên tàu chở lính khố
đỏ vào
Nam Kỳ để vận động phản đối đàn áp nhân dân, chị và anh Thành ra khỏi ga
Hàng
Cỏ mỗi người một hướng. Chẳng may Thành bị bắt, bị tra tấn. Đến 9 giờ
tối, Thành không chịu được đòn đã dẫn bọn mật thám về số 2 Hàng Nón.
Nghe tiếng
gõ cửa, trong nhà chị tưởng các anh về, chị Hằng ra mở, gặp ngay thằng
Tây
chánh mật thám La-néc. Nó túm ngay tay chị: “Cô bé Văn Điển đây rồi”.
Nhìn
quanh không còn thấy ai, nó đẩy chị ra cửa. Chị cầm được hòn than dấu
trong tay
khi ra cửa quay lại định cố đánh dấu cho các anh biết là cơ sở đã bị vỡ.
Nó
tưởng chị định nhảy, túm chặt điệu xuống xe đem về sở mật thám. Đến nơi
đã thấy
các anh Lưu Quyên, Hoàng Minh Chính ngồi
đấy. Thì ra, lúc bọn mật thám đang khám xét trên nhà thì anh Lưu Quyên và Hoàng
Minh Chính về đến nhà, chủ nhà ra hiệu cho hai anh biết, nhưng vừa quay xe ra
thì xe đầm Cút-nít bắt luôn đưa về Sở Mật thám. Lựa lúc chúng nó sơ hở, anh Lưu
Quyên bảo chị: “Cô cứ khai là con sen đi ở nấu cơm. Có hỏi về hồi ở Văn Điển
thì cứ khai là đi ở”.
Chị
bị đưa vào xà lim Sở Mật thám. Lúc đó là đầu năm 1941. Vào đó chị thấy có anh
Trần Quốc Hoàn bị bắt trước chị. Xà lim Sở Mật thám khi đó ở chỗ trụ sở Bộ Công
an hiện nay. Bọn mật thám bắt anh Trần Quốc Hoàn nhận diện chị, anh bảo: Tôi
không biết cô này. Chúng còn đưa cả anh Hoàng Mắt Lửa từ nhà tù Sơn La về hỏi
và bắt ông bà chủ ngôi nhà ở Văn Điển trước đây các anh chị mở hàng cơm đến
nhận diện chị. Mọi người đều trả lời: chị là con ở và trước sau chị chỉ khai:
Tôi chỉ đi ở nấu cơm, bán cơm. Hỏi chị làm gì ở cơ sở Hàng Nón, chị cũng một
mực nói là đi ở nấu cơm, dọn dẹp. Thằng mật thám gầm lên: Sao lúc nào mày cũng
chỉ đi ở cho Cộng sản? Sao mày ngu thế?
Hai
tháng ở Sở Mật thám, chị ở một mình một xà lim, bị tra tấn rất dữ. Chúng lấy
kim đâm, lấy điện dí vào các chỗ kín trên cơ thể chị, chúng bắt chị cởi trần
truồng treo chân ngược lên xà nhà, đánh chị ngày này sang đêm khác, chết đi
sống lại. Khắp chân tay, khắp người của chị tím bầm, một ngón chân cái của chị
giờ đây đã thành tật. Lúc đó chị đã 18 tuổi nhưng người ngày càng bé quắt – Mỗi
ngày cố nuốt hai nắm cơm với con cá mủn. Anh Tô Quang Đẩu trước khi đi căng nhờ
người đưa đến cho chị cốc sữa và dặn: “Cố gắng chịu đựng, phải kiên trì”. Còn
anh Trần Quốc Hoàn thấy chị còn bé mà bị tra tấn dã man quá, đi ngang qua xà
lim nói nhỏ vào: Liệu có gì nhận được thì nhận đi cho đỡ đòn. Nhưng chị vẫn
gan lì chịu đựng. Gương đấu tranh của chị được các anh truyền đi khắp nhà tù,
các anh còn cho loan ra ngoài gương chịu đựng không khai báo của chị để tuyên
truyền. Sau hai tháng giam cầm tra tấn các anh chị không có kết quả, chúng lập
tòa án binh để xét xử. Bên này là bảy tên quan tòa mặc nhà binh, bên kia là các
thày cãi. Các anh đều không nhận tội, còn chị chỉ một mực: “Tôi chỉ là con sen
đi ở. Tôi chỉ biết nấu cơm”.
Hai
tên chánh mật thám người Tây là La-néc và chánh mật thám người ta là Sinh phải
thề trước tòa là người đàn bà này không khai báo nhưng nhà chức trách đã theo
dõi từ lâu nhưng chưa bắt được, nay mới bắt được. Sau đó, tòa tuyên án anh Lưu
Quyên 20 năm tù. Các anh Hoàng Minh Chính, Nguyễn Xuân Thành 15 năm tù. Chị Nguyễn
Thị Phúc Hằng 5 năm tù khổ sai – 5 năm biệt xứ.
Ở trong tù
Chị
Hằng bị dẫn vào nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) vào tháng 1 năm 1941. Năm đó chị vừa 20
tuổi, người vẫn nhỏ bé và là người ít tuổi nhất trong các chị em tù chính trị.
Cùng
ở Hỏa Lò hồi ấy với chị có các chị Hoàng Thị Ái, Hoàng Ngân, chị Ban, chị Xuân,
chị Dung “hoàng hậu”, chị Yến, chị Hoan, chị Bảo, chị Diệm (sau này chị Hoàng
Ngân, chị Hoàng Thị Ái đều trở thành bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, chị
Diệm là đại biểu Quốc hội). Chị Nguyễn Thị Quang Thái, vợ đồng chí Võ Nguyên
Giáp, lúc đó cũng bị bắt đưa vào Hỏa Lò sau khi chị Nguyễn Thị Minh Khai bị bắn
chết. Tù nữ chính trị ở Hòa Lò lúc ấy có quãng 10 người, cùng bị giam chung,
dùng chung một nhà vệ sinh cùng hơn một trăm tù kinh tế. Tù chính trị cũng chia
làm 2 loại, là tù cộng sản và tù thân Nhật. Áo mặc cũng có dấu hiệu riêng. Tù
cộng sản trên áo có đính một miếng vải chéo màu xanh, tù thân Nhật cũng vải
xanh nhưng hình quả trám và tù kinh tế thì hình chữ nhật. Tuy bị giam chung
trong một tòa nhà nhưng các chị em tù cộng sản có sinh hoạt riêng, cùng nhau tổ
chức học văn hóa, học tiếng Pháp và học chính trị. Người giỏi dạy người kém,
người biết dạy người chưa biết. Diễn giả các vấn đề thời sự, vấn đề chính trị
lúc ấy thường là các chị Trương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Quang Thái, Hoàng Ngân. Chị
Hằng chịu khó không bỏ một buổi sinh hoạt, học tập nào, được các chị lớn hơn
rất yêu mến. Chị bé người nhưng khỏe mạnh và nhanh nhẹn, được các chị bầu làm
tổ trưởng tổ y tế chăm nom thuốc men cháo lão cho các chị yếu mệt ốm đau. Chị
còn chuyên trách khênh nước vào nhà tắm cho các chị lớn tuổi. Giường ngủ của
các chị là những sạp gỗ ghép dài, kê gần sát đất và có các khe ở giữa. Tài liệu
được các chị chôn ở dưới sàn nhà. Sáng nào, tối nào con đầm lai và một con đầm
nữa tên là Tô Nô tính rất ghê gớm cũng vào đếm tù. Chúng điểm mặt từng người
rồi lấy que chọc vào các khe gỗ để xem các chị có cất giấu gì ở dưới đó không.
Một lần nó lấy que chọc vào người chị Dung “hoàng hậu” (tên gọi này lúc đầu do
anh Hoàng Văn Thụ gọi vui, sau trở thành tên thật). Chị Dung giận dữ nắm lấy
que của nó, nó vụt lên người chị lia lịa rồi bắt chị lên cùm. Mọi người tức
lắm, nhưng không làm gì được nó. Nó còn đưa vải vào bắt các chị khâu quần áo,
đưa lên vào bắt các chị đan. Chị Ban, nguyên là thợ đan áo nên đan rất giỏi,
đan phần mình xong chị còn đan hộ cho chị em khác.
Ở
trong tù bó buộc hết nằm lại ngồi, thiếu vận động, lại ăn uống quá kham khổ nên
các chị đau ốm nhiều, thuốc men không có. Chị em chỉ biết chăm sóc nhau, dựa
vào nhau mà sống. Chị Hằng không bao giờ quên được thời gian chị Nguyễn Thị
Quang Thái bị ốm, vừa là bệnh thương hàn nhiễm phổi, vừa là bệnh tim. Ốm nặng
là thế, vậy mà bọn cai ngục vẫn để cho nằm lết bết ngày này sang ngày khác bao
nhiêu lần anh chị em kiến nghị lên, chúng vẫn không cho đi bệnh viện. Mãi sau
cả tù nữ lẫn tù nam phải đấu tranh tuyệt thực, chúng mới cho đưa vào Bệnh viện
Bạch Mai. Nhưng vì bệnh đã quá nặng, vào đó được mấy hôm thì chị Nguyễn Thị
Quang Thái qua đời.
Tiếp
tục hoạt động và lập gia đình
Cho
đến tháng 3 năm 1945, mới 24 tuổi, chị Hằng đã có “thâm niên” hoạt động bốn năm
và 4 năm trong tù. Các đồng chí hoạt động bí mật hồi đó khi nhắc đến chị vẫn
trìu mến gọi chị là “cô bé”, “cô bé quay tơ”, “cô bé liên lạc”, “cô bé gan góc”
bị tra tấn dã man chết đi sống lại hai tháng trời ở xà lim Sở Mật thám mà vẫn
chỉ một mực nhận mình là đứa bé đi ở nấu cơm, vẫn không một lời cung khai. Chị
gan góc đến mức sự chai lì bất khuất của chị hồi đó được các đồng chí cùng bị
bắt truyền ra ngoài như một tấm gương và sau này khi chị lấy chồng nghĩ đến
những cực hình man rợ đối với phụ nữ mà chị đã trải qua có những anh như anh
Xuân Thủy (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đã ngậm ngùi thốt lên: “Cô ấy lấy chồng là lấy cho
vui chớ làm sao mà còn sinh đẻ được nữa”.
Ngày
9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp lập nên chính phủ Trần Trọng Kim, chị
Hằng và các tù chính trị trong nhà tù Hỏa Lò được thả. Sau hơn 4 năm mới được
thấy ánh sáng tự do.
Với
vài bộ quần áo cắp tay, từ Hỏa Lò chị đi bộ một mạch về đến ga Như Quỳnh và từ
Như Quỳnh đi cắt cánh đồng dài quãng 2 ki lô mét là đến làng Liễu Khê, quê chị.
Mẹ chị mừng quá, cứ nắm chặt cánh tay chị mà khóc. Chị vốn người nhỏ bé, lúc
này lại càng bé, càng gầy. Năm đó là năm đói, nhà chị lại càng đói, chỉ ăn
cháo, mà nào có đủ cháo mà ăn. Nồi cháo bưng ra, chỉ có bà chị dâu mới sinh con
được ăn một bát. Làng chị là làng có nhiều người đi làm Cách mạng, lại nuôi
nhiều cán bộ Cách mạng, trải qua bao hy sinh gian khổ, sau này được phong danh
hiệu Anh hùng, lại cũng là làng văn hóa mới. Nhưng vẫn là một làng nghèo, lúc
đó lại quá nghèo.
Chị
về nhà được một tháng, anh Trần Quốc Hoàn lại cử anh Mai Vi về đón chị đi lên
An toàn Khu làm công tác đội. Tình cờ, anh Xuân Thủy gặp và điều chị về làm
việc tại báo Cứu Quốc ở Tây Mỗ, huyện Từ Liêm một thời gian. Một hôm, trên
đường gánh tài liệu cho cơ quan, chị nhặt được mấy gói lá chuối tươi do một
người nhà lý trưởng của làng đánh rơi. Đem về cơ quan, mở ra, thấy toàn là bánh
cuốn, chè kho, chị chia cho anh chị em và gói một gói phần cho anh Xuân Thủy.
Sau đó ít lâu, chị được điều về công tác ở chiến khu 2 (Thái Nguyên). Hôm chị
chuyển đi, anh Xuân Thủy có đọc tặng mấy câu thơ:
“Nhớ thay bánh cuốn nhân chè,
Nhớ thay người ấy đi về nơi nao.
Nhớ ai ai nhớ ai làm,
Nước non gánh nặng biết bao nhiêu tình”.
Và
tại chiến khu 2, chị đã gặp anh Trần Độ.
Anh
Trần Độ lúc ấy làm thư ký riêng cho anh Trường Chinh, kiêm công tác Đội, lại là
Bí thư Chi bộ. Nghe tiếng chị đã lâu, nay nhìn thấy chị là một cô gái tuy dân
dã quê mùa nhưng xinh xắn, trắng trẻo, có đôi mắt to thông minh hiền hậu, anh
đã có thiện cảm. Anh bảo chị đưa giấy giới thiệu và các giấy tờ cho anh xem. Thấy
chị được anh Hoàng Quốc Việt và anh Trần Huy Liệu (nguyên là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) huấn luyện sơ qua về công tác dân vận, công tác quần chúng, anh
có vẻ hài lòng. Tuy vậy anh vẫn hỏi chị một số vấn đề về Đảng, về công tác dân
vận, thử xem trình độ của chị thế nào. Thấy chị trả lời một cách tự tin, trôi
chảy, anh cười:
-
Thôi, thế là chị đã biết nhiều thứ rồi, bây giờ cứ vừa công tác vừa học thêm
thôi.
Anh
Trần Độ quê làng Thư Điền, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Là con trai độc nhất
trong một gia đình có bốn người con. Người chị trên anh là bà Tạ Thị Câu. Bà là
đảng viên cộng sản, bí thư chi bộ, tỉnh ủy viên Thái Bình năm 1941. Sau bà bị
bắt và hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Chính bà là người đã dìu dắt anh
Trần Độ tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà. Anh tên thật là Tạ Ngọc Phách,
bố làm thông phán ở Tòa Thống sứ. Anh rất thông minh, ham đọc sách, có khả năng
lý luận, diễn thuyết rất hay. Anh đối xử với chị rất chu đáo, ân cần. Những gì
chị chưa biết hỏi anh, anh hướng dẫn tận tình. Chị cũng rất thông minh, nghe
gì, làm gì là nhớ rành rọt. Sau này chị nói : Không hiểu sao hồi ấy tôi nhớ
giỏi thế, anh hỏi gì tôi nhớ được hết. Chị nói với anh: Tôi ở tù bốn năm,
trong ấy tôi cũng được học. Một thời gian, anh đến gặp chị. Hai người ngồi nói
chuyện, anh hỏi:
-
Hằng người ở đâu?
-
Tôi người Bắc Ninh.
Anh
nói: - Tôi là em chị Câu.
Anh nói thế vì anh biết chị Hằng có biết chị Câu,
đã đi liên lạc đưa thư từ mấy lần cho chị Câu. Cũng chính chị Hằng là người
chăm sóc bà Tạ Thị Câu những ngày cuối cùng trong nhà tù Hỏa Lò năm 1944.
Một
lúc im lặng, rồi anh hỏi:
-
Đã có ai đặt vấn đề với Hằng chưa?
-
Tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy.
-
Thì cứ nghĩ đi…
Chỉ có thế. Lần gặp sau vẫn chỉ có hai người. Lúc
ấy anh đã về làm Chính uỷ Khu Hà Nội đóng ở trụ sở Bảo An binh (phố Hàng Bài,
Hà Nội ngày nay). Còn chị Hằng đang ở
Cổ Loa, huyện Đông Anh. Anh đi mô tô sang tìm gặp chị. Trò chuyện được mấy câu,
bỗng anh nói đột ngột:
-
Hằng ạ, tôi yêu Hằng. Hằng có đồng ý không?
Lúc
ấy quả thực chị cũng đã có cảm tình với anh. Nhưng một mặt chị vẫn chưa muốn
lập gia đình. Mặt khác chị cũng ít nhiều băn khoăn. Anh sinh năm 1923, chị
1921. Anh trẻ hơn chị, giỏi giang hơn chị nhiều. Hơn nữa, anh đang công tác ở
Hà Nội, hàng ngày gặp gỡ giao tiếp với bao nhiêu là nữ sinh xinh đẹp, là người
thành thị, sao anh lại muốn lấy chị là một cô gái nông thôn nghèo. Nghĩ vậy,
chị trả lời:
-
Bây giờ tôi chưa trả lời được. Tôi muốn công tác đã.
Anh
cười:
-
Sao Hằng không thể vẫn lấy chồng mà vẫn công tác. Thôi tôi không ép Hằng trả
lời ngay bây giờ, nhưng Hằng đừng để tôi phải đợi lâu câu trả lời của Hằng nhé.
Sau đó chắc là anh Trần Độ có báo cáo chuyện hai
anh chị với anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) nên anh Thọ
gặp chị, khuyên chị nên nhận lời anh Trần Độ. Được các anh chị góp ý và động
viên, chị chủ động gặp anh Trần Độ và nhận lời. Ba tháng sau ngày Tổng Khởi
nghĩa, có cuộc họp toàn thể cán bộ chiến khu 2 ở Chèm do anh Trường Chinh và
anh Lê Đức Thọ triệu tập. Sau mấy ngày hội nghị, ở cuộc liên hoan bế mạc, anh
Thọ vui vẻ đứng dậy tuyên bố:
-
Hai đồng chí Trần Độ và Nguyễn Thị Phúc Hằng cùng công tác trong một ban, sau
một thời gian tìm hiểu đã thông cảm với nhau và đặt vấn đề yêu nhau. Nhân dịp
này tôi xin tuyên bố làm hôn lễ cho hai đồng chí ấy…
Mọi
người vỗ tay hoan hỉ. Anh chị em cán bộ cách mạng từng qua các xà lim Sở Mật
thám hồi đó ai cũng biết chị Hằng đã phải trải qua các đòn tra tấn quá đỗi man
rợ ở trong xà lim Sở Mật thám, biết sự gan dạ đáng khâm phục của chị và cũng ít
ai tin là sau những ngón đòn như vậy chị Hằng còn khả năng làm mẹ. Nhưng anh
Trần Độ không quan tâm đến điều ấy. Anh yêu đôi mắt tinh anh và nhân hậu của
chị. Và thấy chị là một cô gái thông minh gan dạ và giàu nữ tính, rất quan tâm
chăm sóc mọi người. Anh tin chị sẽ là một người bạn đời chung thủy, một người
vợ, người mẹ tốt.
Chuẩn bị tổng khởi nghĩa và khởi nghĩa
Lúc
đó là quãng tháng 7 năm 1945, Mặt trận Việt Minh phát triển sâu rộng ở khắp
nơi. Một không khí phấn chấn, sôi động trong khắp các hang cùng, ngõ hẻm. Chị
đang làm liên lạc cho anh Xuân Thủy, cơ quan đóng ở làng Sấu Giá (thuộc xã Yên
Sở, Hoài Đức, Hà Tây), ngoài việc đi đưa thư từ tài liệu, chị còn làm cả việc
phát hành báo Cứu Quốc, mỗi khi báo ra lại cùng một số anh chị em khác gánh báo
đưa về các cơ sở. Có người đến nhắn anh Lê Đức Thọ gọi chị về để phân công công
tác mới. Chị lại đi bộ về Tây Mỗ, gặp anh Thọ. Anh Thọ bảo : Bây giờ tôi giới
thiệu cô về Đông Anh gặp anh Thiệp Móm (tức anh Lê Đình Thiệp (1914 – 1988),
cán bộ Ban Công tác Đội bảo vệ An toàn khu của Trung ương, sau này là Thứ
trưởng Bộ Nội vụ). Ở đó đã có anh Trần Độ, ba người chia nhau chịu trách nhiệm
đưa phong trào địa phương lên cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa, phải củng cố
các tổ chức thanh niên, phụ nữ, tổ chức nông hội, …
Theo
sự bố trí của anh Thọ, chịu trách nhiệm phong trào ở huyện Đông Anh lúc đó chỉ
có ba người là anh Thiệp, anh Độ và chị Hằng. Anh Thiệp là người chịu trách
nhiệm chính, mỗi người phụ trách một vùng. Họp phân công chị phụ trách từ Dâu,
Văn Tinh, Xuân Canh, Xuân Trạch, làng Cói Đại Đà, làng Quậy, một dọc đê ra cầu
Đuống (còn gọi là từ gốc gạo Ba Đê). Chị đi suốt đêm ngày về cơ sở, cho họp
thanh niên, phụ nữ, họp các cụ phụ lão, nói chuyện về tình hình thế giới, trong
nước, tình hình Nhật Pháp. Nơi nào chưa có tự vệ chiến đấu thì cấp tốc cho
thành lập đội tự vệ, cho tập tành đợi chớp thời cơ.
Hôm
tổng khởi nghĩa lại đúng vào dịp vỡ đê Cống Ao Cả ở Đông Anh. Nước sông to,
tràn cả bờ đê. Dân tình nhốn nháo bỏ về chạy đồ đạc. Anh Thiệp phân công chị
Hằng phụ trách huy động quân chúng trên cả chục làng chạy dài suốt từ gốc gạo
Ba Đê đến cầu Đuống sát Hà Nội. Tập trung ở huyện Đông Anh, chị cầm súng lục ở
tay cùng đi với quần chúng. Mười giờ sáng đã lên đến huyện. Huyện đường vắng
tanh, chỉ có một người thừa phái ở lại. Người này được viên tri huyện giao cho
cái tráp đựng ấn tín của huyện. Ông ta trao cả cái tráp cho Ban lãnh đạo khởi
nghĩa. Huyện đường đã lấy xong nhưng còn một toán khá đông lính Nhật đóng trong
nhà máy xe lửa. Anh Độ và chị nhận trách nhiệm cùng hai đồng chí tự vệ mang
súng trường vào thương lượng với Nhật. Anh Độ nói: Các ông cứ giao súng ống
cho chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo vệ cho các ông về đến Hà Nội an toàn. Bọn Nhật
không nghe bắn súng ra. Ta hy sinh một đồng chí là anh Môn, bí thư Chi bộ làng
Xuân Trạch. Trong nhà máy xe lửa lúc đó còn có đến 300 công nhân. Chị cầm súng
chạy vào kêu gọi anh em ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Các anh nói: “Chúng tôi cứ
theo chị, chúng tôi goi chị là chị đội trưởng”. Chị cùng anh em men đường vào
chỗ lính Nhật. Nó bắn ra thì mọi người nằm rạp xuống. Nó bắn xối xả. Phía ta
cũng có súng, nhưng không đủ đạn để bắn trả. Rồi tiếng súng thưa thớt dần. Chắc
bọn lính Nhật cũng hết đạn. Chị hô hào anh em công nhân đem rơm và dầu ném vào
chỗ toán lính Nhật cố thủ. Trận ấy cả toán lính Nhật bẩy tên đều chết, ta cũng
hy sinh 7 người. Coi như thiệt hại ngang nhau. Chính quyền huyện Đông Anh đã
hoàn toàn vào tay Cách mạng.
Khởi
nghĩa xong, anh Độ đứng lên tuyên bố thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện
Đông Anh. Nhưng anh Độ được điều đi công tác khác không tham gia ủy ban, anh Lê
Đình Thiệp được trên cử làm Chủ tịch, chị Hằng được cử làm phó Chủ tịch Ủy ban
lâm thời huyện. Sau đó các anh chị được anh Thọ gọi đến gặp. Anh Thọ rất vui,
anh cầm cái quạt gõ vào đầu anh Độ nói: Lệnh khởi nghĩa chưa có, chúng tôi
chưa có ý kiến gì mà ở nhà dám khởi nghĩa, may mà thắng lợi.
Người cán bộ liêm khiết, người vợ người mẹ
hiểu biết và tận tụy
Trái
với lời dự đoán của anh Xuân Thủy là chị Hằng “lấy chồng chỉ cho vui chứ còn
sinh nở gì”. Sau khi xây dựng với anh Trần Độ, chị Hằng sinh một cháu trai đầu
lòng vào năm 1947 đặt tên là Toàn Thắng. Sau đó vào những năm 1954, 1957, 1959
sinh liền ba cháu trai là Vinh Quang, Trần Điền và Trần Hải (quê anh Trần Độ -
làng Thư Điền, huyện Tiền Hải). Từ tháng 3 năm 1950, anh Trần Độ được Bộ Tổng
Tư lệnh điều về trung đoàn Sông Lô giữ vai trò Chính ủy, từ Chính ủy Trung đoàn,
lên Chính ủy Đại đoàn rồi sau này là Chính ủy Quân khu. Anh liên tục có mặt ở
các chiến trường. Chị Hằng ở nhà vừa tham gia công tác, vừa một mình nuôi dạy
các con khôn lớn. Hầu hết những lần chị sinh con anh đều vắng nhà. Thậm chí
trong hai lần sinh hai cháu Thắng và Quang, chị đều phải tự đỡ đẻ cho mình. Đẻ
cháu Thắng ở thị trấn chợ Chu (huyện Định Hóa, Bắc Cạn)
xong tối hôm trước thì sáng hôm sau chị đã trùm khăn ra hầm trú ẩn trước nhà
tìm chỗ có nước trong ngồi giặt quần áo cho mình và tã lót cho con. Cháu Quang
ra đời ở Thanh Cù (xã Vũ Yẻn, huyện Thanh Ba, Phú Thọ). Hồi ấy chị là cửa hàng
trưởng Cửa hàng Lương thực Thanh Cù, bán vải, thuốc, dụng cụ gia đình. Chị lần
lượt qua nhiều công tác trong ngành thương nghiệp, quyền Chủ nhiệm Công ty Bách
hóa Phú Thọ, cửa hàng trưởng Cửa hàng lương thực Gia Lâm, Cửa Bắc, Hàng Chiếu,
rồi về làm phó Chủ nhiệm Công ty Ăn uống Hà Nội. Chịu trách nhiệm về tổ chức
nhiều cửa hàng ăn uống, nhiều nhà ăn tập
thể, quản lý hàng ngàn nhân viên. Sau đó làm Bí thư Đảng ủy, Thư ký Công đoàn
ngành ở Sở Thương nghiệp Hà Nội. Suốt cả 10 năm trời trước khi về hưu, thời còn
bao cấp, làm ở ngành thương nghiệp lại là cán bộ phụ trách các cửa hàng ăn
uống, lương thực ai cũng nghĩ chị sẽ có một cuộc sống dư thừa rủng rỉnh. Trong
tay năm, sáu ngàn nhân viên thì thiếu gì kẻ đón người đưa. Vậy mà trên thực tế
cuộc sống của chị lại hoàn toàn thanh bạch, liêm khiết. Chị nhớ thời làm phó
Chủ nhiệm Công ty ăn uống Hà Nội, trụ sở ở phố Hàng Bông, đời sống chung và
riêng còn quá khó khăn, chị đã tổ chức cho nhân viên và bản thân chị cũng cùng
với anh chị em mượn xe đẩy đêm đến đi xe gạo, xe bia cho các cửa hàng để kiếm
dăm mươi đồng thêm vào đồng lương ít ỏi nuôi các con. Bốn con trai chị lúc còn
bé lần lượt được gửi nuôi ở các trại trẻ của quân đội và của Hội Phụ nữ. Nhưng
mỗi chủ nhật về nhà các chau đều được đùa vui nũng nịu quanh mẹ và được mẹ chăm
sóc chu đáo, nấu cho các món ăn tuy đạm bạc nhưng được các cháu ưa thích, khâu
lại cho từng đường may sứt chỉ, từng khuy áo bị đứt khi đùa nghịch. Lớn lên đến
tuổi đi học học, ba cháu nhỏ đi sơ tán theo
các trường khác nhau, cha thường đi vắng, lại vẫn là mẹ lo cho ăn uống
học hành, lo bảo ban dạy dỗ, tuần
tự đi thăm nom, tiếp tế. Được cái cả bốn cháu đều tự hào và biết nghe lời cha mẹ. Mỗi lần có
lỗi các cháu biết là mẹ sẽ không la rầy quở mắng mà chỉ nhỏ nhẹ bảo ban khuyên
nhủ, mặc dầu vậy các cháu đều bảo nhau cố gắng tránh không làm điều gì khiến mẹ
phải phiền lòng. Cả bốn cháu lớn lên đều thành đạt, đều có gia đình hạnh phúc
và nhất là đều là những công dân tốt và cương trực. Những ai từng làm cha làm
mẹ đều biết là trong điều kiện đất nước có chiến tranh, chồng luôn ở chiến
trường xa, một mình vừa công tác vừa nuôi dạy được bốn con, nhất lại đều là con
trai, trưởng thành tốt đẹp như chị Hằng không phải là việc dễ. Điều đó đòi hỏi
nhiều đức tính kiên trì, tận tụy, hy sinh, đòi hỏi một trình độ hiểu biết về
tâm lý, về cách giáo dục con, cách ứng xử với con của người mẹ. Đồng thời người
mẹ đó phải có một tình yêu vô hạn đối với chồng con. Gan dạ bất khuất trước kẻ
thù, kiên trì mẫu mực trong công tác, dịu hiền tận tụy với chồng con, đó chính
là những điều đã làm nên giá trị và hạnh phúc hôm nay của chị Nguyễn Thị Phúc
Hằng, người vợ hiền của anh Trần Độ, khi bước vào lứa tuổi vàng chín mươi hiếm
hoi và quý giá.
Phần kết
Tôi
có may mắn được biết chị Hằng và được đến thăm chị nhiều lần. Bao giờ chị Hằng
cũng ra đón tôi từ cửa thang máy và lúc tôi ra về gần như lần nào chị cũng
xuống tiễn tôi ra tận cổng. Lưng chị
đã còng, tóc bạc trắng nhưng nụ cười vẫn tươi vui ấm áp, đôi mắt khá tinh và đặc biệt chị có trí nhớ theo tôi là
phi thường. Chị nhớ từng tình tiết những ngày đi giao liên, đưa đón các cán bộ
cách mạng từ năm mới 16 tuổi. Chị nhớ tên từng đồng chí cùng hoạt động trong
từng vụ việc, tên các cán bộ cơ sở, tên từng tên mật thám, đặc vụ từng bắt giữ
chị, tra tấn chị. Chị kể thằng Sinh là Chánh mật thám ta, ác nhất là thằng
Chánh mật thám Tây, thằng La-néc, đến tên những tên mật thám hay đến ăn cơm
“đầu ghế” của chị hồi chị còn là cô bé cơ sở bán cơm ở ga Văn Điển, là thằng
Xinh, thằng Vi, chị vẫn còn nhớ. Rồi còn lý trưởng Lý Nghi ở xóm ngoài cùng
làng chị, con trai nó sau này cũng làm lý trưởng, tên là Lý Hào, … Kể chuyện
với tôi, chị như sống lại những ngày hoạt động khi xưa: sôi nổi và tươi tắn.
Thật khó tin năm nay chị đã tròn tuổi 90. “Chị ơi, thế những lúc các cháu đi
vắng cả, ở nhà một mình, chị làm gì?” tôi hỏi. Chị lại mỉm cười, chỉ vào chồng
sách báo để trên bàn: “Tôi đọc báo này, rồi tôi khâu, để tôi cho cô xem những
yếm áo trẻ con tôi vẫn khâu nhé”. Chị đứng dậy, còng lưng, vừa tủm tỉm cười vừa
đi vào phòng ngủ. Rồi đưa ra cho tôi xem một rổ khâu be bé đựng toàn áo trẻ sơ
sinh may bằng đủ thứ vải mới tinh nhưng có cái chắp nối bằng hai ba thứ vải
khác màu nhau, nhìn cái nào cũng xinh xinh thật đáng yêu. “Có cô làm thợ may,
cô ấy toàn đem đến cho tôi những mảnh vải thừa khi may cho khách ấy mà – chị
cầm một chiếc áo bé màu hồng dịu giơ cao lên cho tôi xem, cô nhìn có thích
không?”. Tôi cười: “Đẹp lắm chị ạ. Nhưng những chiếc áo này chị đem cho ai?”. “Ôi nhiều người xin lắm. Họ bảo xin về cho cháu mới sinh mặc lấy khước của
cụ. Khâu suốt ngày mà cũng không đủ cho người ta đâu cô ạ”. “Thế chị còn sinh
hoạt chi bộ không?” – tôi hỏi. “Tôi vẫn đi, vừa rồi chi bộ còn cử tôi lên họp
trên phường”. Chị nói, lại cười. Thật là khó tin chị Phúc Hằng đã ở tuổi 90 và
đã qua một cuộc sống khắc nghiệt, gian lao từ tấm bé. Nhìn chị, tôi có cảm giác
chị giống một bà tiên trong truyện cổ tích. Một bà tiên đã làm được bao kỳ
tích, theo tầm vóc của mình và bây giờ đã vào lúc được nghỉ ngơi vẫn muốn đem
lại thật nhiều niềm vui cho những người sống quanh mình.
8/2010
(Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ Nữ, 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét