Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Bàn về vấn đề đào tạo và bồi dưỡng lực lượng văn hoá ở huyện và xã


Tình hình đội ngũ cán bộ và lực lượng hoạt động văn hoá ở các cấp, nhất là ở cấp huyện và cơ sở có thể nêu lên nhiều nhận định khác nhau. Nói chung có một nhận định khái quát như sau:

Đội ngũ làm công tác văn hoá chưa được đào tạo chính quy chưa được tiêu chuẩn hoá. Đội ngũ làm công tác giáo dục và công tác y tế được quy hoạch tốt hơn, đào tạo có nề nếp hơn và được tiêu chuẩn hoá một cách rõ rệt hơn.
Để thực hiện việc xây dựng một đội ngũ những người làm công tác văn hoá ở cấp huyện và cơ sở, nên phân tích một số tình hình để làm căn cứ:
Trước hết, công tác văn hoá ở huyện và cơ sở là một lĩnh vực công tác phức tạp và khó khăn, nó bao gồm nhiều chuyên ngành nghiệp vụ khác nhau, nó gồm nhiều thứ tổ chức có tính chất khác nhau. Có tổ chức là tổ chức hành chính, quản lý, có tổ chức sự nghiệp, có tổ chức dịch vụ, có tổ chức kinh doanh sản xuất.
Về mặt nghệ thuật, các hoạt động ở cơ sở và ở huyện chủ yếu mang tính chất nghiệp dư (quần chúng) và cũng bao gồm đủ các loại hình, bộ môn nghệ thuật khác nhau: các loại hình sân khấu, các loại hình âm nhạc, các loại hình nghệ thuật tạo hình,… Hoạt động nghệ thuật ở cơ sở đòi hỏi có những cán bộ chỉ đạo nghệ thuật am hiểu nghệ thuật và có tài động viên tổ chức cho mọi người tham gia hoạt động chứ không phải đòi hỏi nghệ sĩ sáng tác. Nhưng lại có những người sáng tác xuất thân từ những người lao động của ngành nghề sản xuất, cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ sáng tác.
Bộ máy cơ quan quản lý văn hoá cấp huyện chưa có một mô hình ổn định và chưa có những tổ chức chuyên đào tạo cán bộ văn hoá cho thích hợp với tổ chức ở huyện và đáp ứng được những yêu cầu cụ thể về phẩm chất, năng lực của loại cán bộ này. Ta đã có các ngành học và cấp học về văn hoá như đại học, trung học văn hoá quần chúng, thư viện, bảo tàng và các cấp học về nghệ thuật đào tạo nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn. Cấp đại học hoặc trung học như hiện nay thì cấp nào phù hợp với yêu cầu ở cấp huyện và cấp nào phù hợp với yêu cầu ở cấp cơ sở. Có ý kiến cho rằng ở cấp huyện yêu cầu trình độ đại học, còn ở cấp cơ sở yêu cầu trình độ trung học. Điều đó có thể chưa hoàn toàn chính xác.
Thực ra ở cấp huyện cũng có ngành (trong văn hoá) yêu cầu cán bộ bậc đại học và cũng có ngành không yêu cầu cán bộ bậc đại học. Và tuỳ trình độ văn hoá chung của dân cư trong cơ sở, có cơ sở cần cán bộ văn hoá, nghệ thuật bậc đại học, chứ không phải cứ cơ sở là chỉ cần cán bộ bậc trung cấp.
Bộ máy cơ sở cũng không thể xây dựng đồng loạt giống nhau. Bộ máy ở xã có thể khác ở phường, khác ở thị trấn và khác ở một cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nông trường hoặc một cơ sở của lực lượng vũ trang. Đối tượng phục vụ của bộ máy văn hoá ở cơ sở là nhân dân lao động nói chung, họ tham gia hoạt động văn hoá chủ yếu là ngoài giờ lao động xã hội tất yếu. Trong số này có những người tích cực tạo nên lực lượng nòng cốt hoặc hạt nhân. Số nòng cốt này lại luôn luôn biến động; phụ nữ lấy chồng có con thường giảm hoạt động, nam thanh niên đi nghĩa vụ, đi công trường, đi xây dựng vùng kinh tế mới. Vì vậy lực lượng văn hoá này luôn luôn bị hụt giảm, luôn luôn được bổ sung.
Bộ máy văn hoá ở cấp huyện và cơ sở cũng lại biến động theo sự biến động của cơ quan lãnh đạo của Đảng và cơ quan chính quyền. Mỗi lần bầu cấp uỷ, bầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đều có sự thay đổi và cơ cấu, do đó cán bộ chủ chốt của bộ máy văn hoá huyện và cơ sở lại thường thay đổi.
Cán bộ ngành văn hoá chưa thành cán bộ chuyên ngành tiêu chuẩn hoá như giáo dục, y tế để cấu tạo vào cấp uỷ Đảng và Ủy ban nhân dân mà ngược lại, sự cấu tạo của cấp uỷ và Ủy ban nhân dân quyết định nhân sự của bộ máy văn hoá – Có thể nói không quá đáng chút nào là cán bộ văn hoá là thứ cán bộ “ai làm cũng được và không làm văn hoá thì chuyển sang làm việc gì cũng được!”.
Ai nấy đều mơ ước có được một sự tiêu chuẩn hoá một cách có hệ thống các cán bộ ngành văn hoá ở cấp huyện và cấp cơ sở. Nhưng muốn như thế ta phải đi tới thống nhất được quan niệm về:
- Các loại cán bộ ở huyện và cơ sở,
- Những yêu cầu phẩm chất, kiến thức, năng lực của từng loại cán bộ ở mỗi cấp, cần có định biên hợp lý và có chế độ đãi ngộ thích đáng đối với từng loại cán bộ ở mỗi cấp.
Rồi căn cứ vào đó định ra các chương trình nội dung đào tạo và chuyên môn hoá cao độ các loại cán bộ đó để sau này sự cấu tạo của cấp uỷ Đảng và Ủy ban nhân dân được thuận lợi và ổn định. Có thể nói hệ thống đào tạo của ngành văn hoá hiện nay chưa giải đáp được những yêu cầu nói trên. Thực ra trong văn hoá, nghệ thuật cũng như trong giáo dục, y tế, có những cán bộ được đào tạo ở một cấp nào đó (đại học hoặc trung học) nhưng khi ra trường thì người được đào tạo có thể công tác ở một cơ sở, ở một cơ quan cấp huyện và cấp tỉnh hoặc ở ngay cơ quan Trung ương, ví dụ cán bộ thư viện cũng như một bác sĩ hay một thầy giáo. Nhưng có những loại cán bộ cần được đào tạo đáp ứng nhu cầu của từng cấp, ví dụ cán bộ cấp cơ sở, cán bộ cấp huyện và cán bộ cấp tỉnh.
Chỉ có thống nhất quan niệm để phân tích như vậy mới có căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo và xác định chương trình nội dung đào tạo cho từng loại cán bộ ở từng cấp.
Nhưng đó là một việc lâu dài, cơ bản, ta cần làm, nhưng không thể làm xong được trong thời gian ngắn.
Trong khi chờ đợi, ta cần xây dựng đội ngũ cán bộ ở huyện và ở cơ sở như thế nào cho thích hợp và có hiệu quả. Có thể và cần phải định ra một phương hướng như sau:
“Cần phải thực hiện bồi dưỡng thường xuyên, liên tục đội ngũ cán bộ và lực lượng nòng cốt hoạt động văn hoá ở cơ sở và cấp huyện bằng mọi hình thức linh hoạt”.
Vì sao?
Vì muốn thực hiện sự đào tạo, thì phải tiến hành có hệ thống, phải có các cơ sở đào tạo (trường học) phải có chương trình nội dung trên cơ sở việc tiêu chuẩn hoá một cách chặt chẽ. Người được đào tạo cho vị trí nào nhất định phải được bố trí vào vị trí đó. Người ở vị trí nào cần có bằng cấp gì, nhất định phải có bằng cấp ấy rồi mới được xếp vào vị trí đó.
Thế nhưng hiện nay ta chưa xây dựng được một quy hoạch để xây dựng một hệ thống đào tạo như vậy, mà công việc văn hoá ở cơ sở và ở cả mọi nơi cứ có, cứ sôi nổi, cứ phát triển, cứ phải có người chăm lo, điều hành chỉ đạo, nghĩa là cuộc sống cứ nhất định đòi hỏi phải có người làm công tác văn hoá ở cơ sở và ở cấp huyện cũng như ở các cấp khác nữa. Và vì vậy hiển nhiên ta vẫn có đủ người xếp sắp ở tất cả tổ chức văn hóa các cấp như ta đã có. Nhưng lại cũng vì vậy những người đã nhận những trách nhiệm và chức vụ làm việc hoàn toàn khác nhau. Cũng có người có khả năng thúc đẩy công việc tiến lên những bước tiến bộ tốt đẹp và nhanh chóng hoặc thấp hơn thì cũng giữ được nhịp cho công việc chạy đều, nhưng cũng có người có khả năng làm công việc trì trệ giảm sút hoặc làm cho công việc rối tung lên không ai gỡ ra được.
Trong khi sự chỉ đạo ở cấp Trung ương thì ổn định và liên tục, ở cấp tỉnh cũng tương đối ổn định và liên tục, còn ở cấp huyện và cơ sở lại luôn luôn không ổn định, lực lượng nòng cốt để hoạt động ở trong nhân dân lại thường xuyên biến động và sẽ không bao giờ ổn định được. Riêng một điểm đó của tình hình cũng đặt ra yêu cầu là phải có sự thường xuyên liên tục bồi dưỡng trình độ cho cán bộ cấp huyện và cơ sở. Bộ Văn hoá Thông tin trong những năm gần đây đã làm một việc rất hay và bổ ích là thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo văn hoá của tỉnh bằng nhiều hình thức: lớp tập huấn, hội nghị tổng kết, hội nghị chuyên đề, kiểm tra thi đua (kiểm tra chéo), thăm quan nước ngoài,… Sự bồi dưỡng này thực tế đã nâng cao trình độ cho cán bộ tạo nên một sự thống nhất trong nhận thức tư tưởng chung quanh những điểm cơ bản về lý luận văn hoá và đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với văn hoá. Bộ cũng đứng ra trực tiếp chủ trì việc bồi dưỡng cán bộ cấp huyện, nhưng còn làm được ít và chưa thường xuyên và thực tế việc này quá rộng, Bộ cũng không với xuể được. Việc cần làm và nên làm là hình thành các trung tâm tập huấn cho cán bộ huyện. Những trung tâm này bước đầu có thể là trung tâm của một vùng (gồm nhiều tỉnh) về sau nên cố gắng thu xếp sao cho mỗi tỉnh có một trung tâm. Trung tâm tập huấn cần có nhiều chương trình và nhiều mặt cần bồi dưỡng như công tác quản lý văn hoá, công tác tổ chức, công tác kế hoạch, những điều cơ bản về lý luận và đường lối chính sách văn hoá, những kiến thức cơ bản về mỹ học, nghệ thuật học, kiến thức cơ bản về các loại hình nghệ thuật, những vấn đề thời sự của văn hoá nghệ thuật, kiến thức và phương pháp tổ chức công tác văn hoá quần chúng, kiến thức về chức năng và phương pháp cụ thể của các loại hình thiết chế văn hoá ở cơ sở, v.v… Các chương trình có thể tổng hợp một số nội dung cũng có thể là chương trình chuyên đề về một nội dung. Có thể có chương trình từ một đến bảy ngày, cũng có thể có chương trình vài ba tháng. Tỉnh cần có danh sách những cán bộ huyện cần bồi dưỡng và danh mục những chương trình cần bồi dưỡng cho cán bộ và cần vạch ra một chu trình vận trù tối ưu để luân chuyển cho các cán bộ được học hết và được học đủ các nội dung cần thiết.
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em như Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức là những nước về công tác văn hoá đã có nền nếp khá lâu, cán bộ các loại được đào tạo tương đối đầy đủ. Ta đều thấy các nước anh em vẫn đặt tầm quan trọng đặc biệt cho việc thành lập các trung tâm bồi dưỡng cán bộ. Ở Liên Xô có “Trung tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn liên bang”. Ở Cộng hoà dân chủ Đức, mỗi tỉnh có một trung tâm bồi dưỡng.
Cách xếp đặt các nội dung chương trình và tổ chức các lớp học đều theo hướng như đã trình bày ở trên. Trong các trung tâm này có thể đồng thời mở nhiều lớp với nội dung khác nhau. Đội ngũ giảng viên đều bao gồm các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và giảng viên ở các trường đại học và trung cấp.
Những trung tâm như vậy sẽ hoạt động trong một số năm và qua sự hoạt động thực tiễn đó ta có thể dần dần xây dựng được chương trình đào tạo cho các loại cán bộ cần thiết ở cấp tỉnh và huyện. Và khi có chương trình hoàn chỉnh ta có thể chuyển việc học tập sang một phương thức có hệ thống, cơ bản và tập trung hơn ở các trường đào tạo: các trường đại học và trung học văn hoá. Cho đến lúc ấy, cũng vẫn cần phải có các trung tâm tập huấn để bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ về những vấn đề mới đặt ra, những kinh nghiệm mới thu nhận được.
Đó là bước đi thích hợp nhất! Còn đối với cấp cơ sở. Ở cấp cơ sở có hai loại lực lượng cần được bồi dưỡng: các cán bộ quản lý và nghiệp vụ ở cơ sở như: trưởng, phó ban văn hoá xã, phường; trưởng đài truyền thanh; đội trưởng thông tin cổ động; đội trưởng văn nghệ; phụ trách thư viện; phụ trách bảo tàng, truyền thống. Loại lực lượng khác là các hạt nhân, nòng cốt hoạt động văn nghệ nghiệp dư, các người tích cực hoạt động xã hội cho lĩnh vực văn hoá.
Đối với cả hai loại lực lượng này cũng cần thực hiện phương châm bồi dưỡng thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức. Chỗ dựa để ta thực hiện việc này là Nhà văn hoá huyện. Nhà văn hoá huyện là nơi cung cấp địa điểm, cơ sở vật chất và lực lượng tổ chức các lớp bồi dưỡng. Còn Phòng văn hoá huyện cần đặt kế hoạch và xác định nội dung, điều hành các lớp bồi dưỡng. Và công việc này mãi mãi sau này cũng là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của Nhà văn hoá huyện.
* * *
Về tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cho sự nghiệp văn hoá ở huyện và cơ sở, ta không có điều gì phải nói thêm. Nhưng về phương hướng của việc xây dựng lực lượng thì cần phải tìm tòi trên cơ sở phân tích tình hình thực tế hiện nay, dự kiến sau này, tìm ra những nhu cầu và những khả năng thiết thực để xác định cho rõ.
Có thể có một suy nghĩ chưa hiện thực lắm, chỉ thấy ở cơ sở và ở huyện cần có cán bộ được đào tạo ở cấp đại học và trung học, rồi nôn nóng muốn có ngay hoặc cho rằng ở cơ sở và cấp huyện chỉ cần có một số người có bằng đại học hoặc trung học là xong hết. Từ đó làm những tính cộng trừ đơn giản để tính ra những số liệu và chưa thấy hết ý nghĩa của những số liệu đó.
Ở đây xin nêu lên một quan niệm và một phương án. Phương án này có thể giải quyết được việc xây dựng lực lượng cho sự nghiệp văn hoá ở cơ sở và cấp huyện một cách thiết thực có hiệu quả nhanh chóng trông thấy được trong một vài năm.

                                                                                       6–1985

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét