Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

Vài ý kiến về văn hoá và cải cách giáo dục


Ngành văn hoá trong chế độ ta cũng là một hệ thống tham gia hoạt động giáo dục quốc dân. Ngành văn hoá có nhiệm vụ quán triệt các phương châm và đáp ứng những nhu cầu của cải cách giáo dục.

Chức năng giáo dục quan trọng của ngành văn hoá được thực hiện bằng những hình thức giáo dục ngoài nhà trường kết hợp với giáo dục trong nhà trường. Đi đôi với việc xây dựng một hệ thống các loại trường từ mầm non, phổ thông đến đại học của hệ thống giáo dục – xã hội mới cần phát triển một hệ thống các nhà văn hoá, câu lạc bộ, thư viện, bảo tàng, truyền thanh, nhà hát, rạp chiếu bóng, v.v… để đẩy mạnh các hoạt động văn hoá.
Đặc biệt, với khả năng truyền cảm trực tiếp của mình, văn hoá có khả năng đáp ứng những nhu cầu giáo dục tư tưởng, tình cảm cho nhân dân và nhất là cho thế hệ trẻ thông qua văn học, nghệ thuật. Đó là yêu cầu về giáo dục thẩm mỹ cho học sinh trong nhà trường. Theo tinh thần cải cách giáo dục, ngành văn hoá cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết cũng như việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ và nội dung hoạt động phong phú để thực hiện những nhiệm vụ trên đây.
Điều cần nhấn mạnh là nên quan niệm rõ mục đích chủ yếu của việc giáo dục nghệ thuật qua các bộ môn như âm nhạc, hội hoạ, v.v… trong nhà trường là xây dựng tâm hồn và tính cách cho học sinh. Qua việc trang bị một số kiến thức cơ bản và tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với những hình thức hoạt động nghệ thuật theo một chương trình có hệ thống, năng lực cảm thụ cái đẹp nghệ thuật của học sinh cũng được nâng lên. Đồng thời việc giảng dạy và chỉ đạo hoạt động cũng tạo điều kiện để phát hiện các năng khiếu nghệ thuật, chuẩn bị cho sự đào tạo những tài năng lớn cho đất nước, cho nhân dân.

Ảnh : … Thăm và làm việc ở huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng
 Trong trường phổ thông cần chú ý tăng cường chất lượng bộ môn dạy âm nhạc, nên cho học sinh được hát nhiều, nghe hát và nhạc nhiều. Qua đó, luyện cho học sinh những năng khiếu về nhạc. Trong bộ môn học cũng cho học sinh được xem nhiều các tác phẩm cổ đại và hiện đại từ những di tích văn hoá, các bảo tàng đến các triển lãm để học sinh có những ý kiến nhận xét, phê phán, giúp cho việc nâng cao trình độ thẩm mỹ và hướng dẫn những thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, mang đậm đà tính dân tộc và xác định đúng đắn hơn nhãn quan về tính hiện đại. Qua những sự cảm thụ được các điều hay, vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật, học sinh sẽ thu lượm được những điều bổ ích, nâng cao những tình cảm lành mạnh, yêu quê hương, yêu đất nước, tự hào về truyền thống dân tộc, bồi dưỡng lòng nhân đạo chân chính: đó là những điều quan trọng để tạo nên tính cách đẹp đẽ của một con người mới, phát triển toàn diện.
Muốn đáp ứng yêu cầu nói trên và góp phần trực tiếp phục vụ cuộc vận động cải cách giáo dục trong nhà trường, ngành văn hoá nên phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, tập trung sức vào các mặt công việc thiết thực sau đây:
1. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy nghệ thuật trong nhà trường.
2. Cung cấp nhạc cụ, đồ dùng học vẽ.
3. Thường xuyên giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật bằng nhiều phương tiện như đĩa, quay đĩa, băng nhạc, phim ảnh, nhà bảo tàng, di tích, triển lãm, hội hoạ, v.v…
4. Tổ chức các hoạt động nghệ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ thường xuyên cho học sinh. Qua đó, nâng cao những kiến thức nghệ thuật và trình độ thẩm mỹ cho học sinh.
5. Ngành văn hoá phối hợp với nhà trường, mời những chuyên gia giỏi tham gia ý kiến về các loại chương trình giảng dạy nghệ thuật và giúp mở các trường năng khiếu nghệ thuật.

         6. Bước đầu nghiên cứu tổ chức làm thử một số trường năng khiếu nghệ thuật để chuẩn bị nguồn cho các trường nghệ thuật có thể phát triển và đào tạo những nghệ sĩ có tài.

      (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét