Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Chuyện những năm tháng trong nhà tù Hỏa Lò

(Ghi lại bài nói chuyện tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 4/3/2009)

       Tôi là Nguyễn Thị Phúc Hằng, lão thành cách mạng, cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1930 – 1945.
Tôi sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em tại làng Liễu Khê, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 18 tuổi, tôi tham gia vào hoạt động của Hội Phụ nữ địa phương, kêu gọi nhân dân và chị em trong vùng tham gia ủng hộ vào các phong trào cách mạng. Sau đó, tổ chức đưa tôi đi thoát ly, ra Hà Nội hoạt động, làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc kỳ. Để tiện việc nắm tình hình, che mắt địch, làm cơ sở liên lạc cho cách mạng, tổ chức cho tôi mở một quán cơm ở trước cửa ga Văn Điển. Cuối năm 1940, tổ chức đưa tôi cùng một số anh chị em về ngôi nhà ở gác 2, số 2 phố Hàng Nón là nơi in ấn báo chí truyền đơn cho cách mạng.
Khoảng hai tháng sau, do một người cùng đi rải truyền đơn bị địch bắt và khai báo ra chỗ ở nên tôi và 2 đồng chí ở cùng đều bị địch bắt, giam và tra tấn ở Sở Mật Thám (nay ở phố Trần Bình Trọng). Bị địch giam và tra tấn hơn 2 tháng ở Sở Mật thám, tại đây tôi đã trải qua đủ mọi cực hình tra tấn của chúng như: buộc một ngón chân cái rồi treo ngược người lên xà nhà và tra tấn: dí điện vào người cho đến tê dại, đầu óc quay cuồng không biết gì nữa, v.v… Chúng tra tấn tôi liền hai tháng trời bất kể giờ giấc. Buổi sáng thường từ 9 giờ chúng gọi bà lên tra tấn đến khoảng 1, 2 giờ chiều chúng mới cho về. Buổi tối, chúng tiếp tục gọi lên tra tấn cho đến nửa đêm, đến khi không biết gì nữa thì chúng cho người khiêng về phòng giam. Được chị em tù trong phòng chăm sóc, sáng ra tỉnh lại một chút thì chúng tiếp tục đưa lên phòng giam tra tấn.
Ảnh : Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng bị bắt giam năm 1941
Sau hơn hai tháng bị giam cầm, tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, địch đưa tôi ra tòa án binh. Vì tôi không khai nhận một lời nào nên khi toà án xem trong hồ sơ thấy không có bằng chứng gì kết tội nên họ nói với Sở Mật thám là tôi không có tội. Nhưng sau đó, tên chánh mật thám Sinh thề với Tòa án rằng tôi đúng là cộng sản, rằng chính tôi là cộng sản chuyên tổ chức nhiều hoạt động chống phá lại nhà nước bảo hộ. Nghe tên chánh mật thám thề như vậy, tòa án binh liền kết tội tôi khổ sai 5 năm và 5 năm đày biệt xứ. Lúc đó, có một người tên là Phan Anh, làm việc tại tòa án binh (sau tôi biết ông ta là luật sư) bào chữa cho tôi là phụ nữ từ nông thôn ra thành thị nên không biết gì, đề nghị tòa xem xét lại. Cuối cùng tôi bị chúng kết án 5 năm tù và giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Cuộc sống trong nhà tù Hỏa Lò vô cùng hà khắc, thực dân Pháp không từ một thủ đoạn nào để bắt các đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng lâm vào cuộc sống đói rét, bệnh tật để rồi cạn kiệt sức lực, nếu còn sống cũng không còn khả năng hoạt động cách mạng : Thực phẩm như cá mè, đậu phụ thì ôi thiu, nhiều đồng chí bị chết do tê phù, kiết lỵ, thiếu chất.
Mỗi phòng giam chỉ hơn chục mét vuông mà chúng giam tới 20 chị em. Người đông, phòng chật, lại chỉ có một cửa ra vào, các chị em ở trong lúc nào cũng bị thiếu dưỡng khí, người mệt mỏi vô cùng. Chị em phải nhường cho những chị có tuổi, những chị sức khỏe yếu, khó thở được ra đứng cạnh cửa ra vào hít thở vài phút, rồi lại vào để người khác ra.
Do vậy, các chị đã tìm cách tổ chức cuộc sống để làm sao cho mỗi chị em có đủ sức khỏe chống lại bệnh tật. Các chị tổ chức ra các ban : Ban chính trị, ban cứu tế, ban ngoại giao, ban nội trợ, ban khánh tiết. Tất cả các ban đều có người lãnh đạo, đó là chị Ái, chị Sinh, chị Viếng, chị Quang Thái, chị Ban, chị Vân. Chiều chiều, khi bọn giám thị và các nhân viên Hỏa Lò về hết, còn một vài đứa ở lại trực, các chị tổ chức ca hát, tự tạo cho mình niềm vui lạc quan để sống. Bài hát lúc ấy được các chị hay hát nhất là bài “Dân anh hùng ca”.
Vào các ngày lễ lớn như ngày 8/3, ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Giỗ trận Đống Đa, ngày 1/5, các chị diễn thuyết, đóng kịch, hát, múa, nhiều khi nhìn các chị uốn éo hát múa, chị em cứ ôm bụng lăn ra cười mãi.
Bên cạnh đó, các chị lại tranh thủ tổ chức các lớp học văn hóa tùy theo trình độ từng người. Chị Quang Thái dạy chị em học tiếng Pháp. Các chị lấy sàn nhà làm giấy, những mẩu gạch non kiếm được ở ngoài sân làm bút. Mặc dù khó khăn nhưng đến giờ học rất vui, chỗ thì có vài chị bò ra làm tính đố, chỗ thì mấy chị cặm cụi ngồi viết chính tả. Nhờ chăm chỉ học tập, các chị đều tiến bộ trông thấy, càng học càng ham.
Chị Nguyễn Thị Quang Thái là nhà giáo trước khi đi hoạt động cách mạng, là người phụ nữ hiểu biết rộng rãi, tư chất thông minh, an nói nhẹ nhàng, duyên dáng và dễ hiểu, được anh chị em trong tù rất mến phục. Trong tù, chị Quang Thái là linh hồn của ban chính trị và ban ngoại giao. Với khả năng nói tiếng Pháp thành thạo, thái độ lịch sự, chị yêu cầu chúng phải cải thiện tình trạng ăn uống, đấu tranh đòi chúng phải cho thêm giờ ra ngoài sân, mỗi buổi 30 phút để có thêm thời gian lấy nước dùng, làm vệ sinh cá nhân, mùa đông khi điểm danh các chị được mang thêm áo ấm, được cử người ra trạm xá chăm nom người ốm.
Các chị tiếp tục đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực để phản đối địch cho người tù ăn gạo mục đắng, cá mốc, thịt trâu già, thịt lợn sề, rau muống ủng. Chị Quang Thái là trưởng ban ngoại giao, luôn đứng ra đấu lý với giám ngục, giám thị. Thấy chị Quang Thái cử chỉ thanh tao, lịch sự, mụ đầm giám thị còn phải nói: “Tao tưởng chúng mày chỉ politicien (chính trị), thế mà còn có cả văn hóa”. Và chúng bắt đầu kiêng nể các chị hơn.
Đặc biệt tên thông sứ người Pháp rất tôn trọng chị Quang Thái, mỗi lần đến nhà tù, hắn đều vào nơi giam chị Quang Thái đầu tiên và hỏi: Madamme Thái đâu? Biết trước vậy, nên chị em đều bàn bạc, chuẩn bị những yêu cầu để khi tên thông sứ vào là chị Thái nói luôn.
Mặc dù địch chỉ đáp ứng một số yêu cầu nhưng cũng là thắng lợi để động viên chị em tiếp tục đấu tranh.
Thời gian ấy là vào đầu xuân 1944, chị Quang Thái bị mắc bệnh thương hàn, một buổi chiều chị thấy trong người hâm hấp sốt, chị chỉ uống được vài thìa cháo loãng, chị em biết chị Thái bệnh tim, đã nhường chị nằm gần cửa, nhưng nằm gần cửa chị cũng không chịu được. Chị em đấu tranh đòi địch phải đưa chị đi nhà thương nhưng địch không cho. Chị em lại tiếp tục tuyệt thực để địch phải cho chị Thái đi chữa trị. Bên tù nam, được tin chị Thái lâm bệnh nặng, các anh cũng lên tiếng đấu tranh. Trước tinh thần của anh chị em tù nhân nổi lên như sóng cuộn, bọn cai ngục phải nhượng bộ. Chúng đưa chị Thái đi nhà thương Vọng, nhưng chị cũng chỉ được nằm ở gần nơi chúng nhốt những người điên. Ra nhà thương được mấy hôm, cơ thể chị Thái đã bị suy sụp từ lâu do những trận đòn tra tấn của kẻ thù và do chế độ sống trong tù quá khắc nghiệt, chị Thái đã hy sinh.
Tin chị Quang Thái mất được báo về trại giam nữ, chị em trào nước mắt thương chị, thương cháu Hồng Anh bé nhỏ của chị từ nay phải xa chị mãi mãi. Đến một năm sau tại một Hội nghị quân sự, tổ chức ở chiến khu, đồng chí Võ Nguyên Giáp mới được đồng chí của mình báo tin vợ mất. Nghe xong, đồng chí Võ Nguyên Giáp lặng người đi không nói được câu nào.
Chị Thái ra đi năm 1944 thì đến cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cùng toàn dân ta nhất tề đứng lên đấu tranh giành độc lập, tư do cho đất nước.

(Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ nữ, 2013)

1 nhận xét:

  1. Bà Hằng thật gan dạ, dũng cảm. Chắc vì bị tra tấn tàn ác thế mà về già cái lưng sụp xuống. Vậy mà cách đây hơn chục năm, sáng nào, bà cũng dậy sớm, ra cổng quét sạch lá rụng ở vỉa hè phần nhà 97 (là hàng xóm, đi tập thể dục sớm nên luôn chứng kiến việc làm như 1 trách nhiệm của bà). Chúc bà thật mạnh khỏe!

    Trả lờiXóa