Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Anh bộ đội


   Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân 22-12-1958.

       Tháng 12 là tháng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội, cũng là tháng kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, ngày đánh dấu và mở đầu một chiến công lịch sử của quân đội ta. Nhân dịp này, mọi người không thể nào không nghĩ đến sức mạnh của Quân đội, nghĩ đến những kỷ niệm hoặc thắm thiết, xúc động, hoặc vinh quang hùng dũng của Quân đội và nhất là nghĩ đến những “anh bộ đội” - những con người của bộ đội.

 Vì vậy, lòng tôi cũng tự nhiên, tràn ngập lên những điều muốn nói. Đó là những điều muốn trân trọng kính mến thưa gửi cùng các bậc mẹ cha của một người con tự thấy mình được trưởng thành. Đó cũng là những điều tâm sự rất ân cần, rất sâu kín và sôi nổi của một bạn thanh niên đã sống một thời thanh xuân sôi nổi, với các bạn thanh niên khác đang băn khoăn định hướng cho tương lai của mình, với những bạn nữ thanh niên đang “khó nói” ra những điều chọn lựa “khó nói” của mình. Đó cũng là những điều phải nói lên với tất cả những ai chú ý đến những con người.
Thật thế, thưa các bạn, tại sao một dân tộc tay không tấc sắt, chiến thắng được một đế quốc hùng cường có đủ quân đội và vũ khí tối tân. Tại sao ta lại có được Quân đội, Quân đội ta lại có thể chiến thắng. Ta thường nói ta lấy yếu đánh mạnh. Đó là cách nói để chỉ về mặt trang bị, tổ chức và trình độ kỹ thuật của ta. Nhưng thường thường mà nói, yếu không thể thắng mạnh, ta phải mạnh hơn kẻ địch mới thắng được - Vậy thì ta đã mạnh hơn địch. Nhưng sức mạnh ấy ở chỗ nào? Nó là cái gì mà kẻ địch của chúng ta không thể nào hiểu được. Và chính vì vậy kẻ địch không thể đánh bại được chúng ta, một khi chúng ta đã có sức mạnh đó. Chúng ta có nhiều điều kiện để thấy được sức mạnh của ta hơn. Nhưng không phải ai cũng thấy ngay được. Có người chẳng thấy được. Có người thấy mà không hiểu. Có người thấy một cách khó khăn. Vì vậy lòng tin trong chúng ta không phải ai cũng giống ai. Sức mạnh của chúng ta có lẽ nó nằm gọn ngay trong những chữ “Chiến tranh nhân dân” và “Quân đội nhân dân”, cũng có lẽ nó gồm nhiều yếu tố, nhưng có một điều chắc chắn nhất là sức mạnh của Quân đội nằm trong mỗi một con người bộ đội, nó ở ngay trong từng “Anh bộ đội”.

Chiến trường miền đông Nam bộ (1965-1974)
“Anh bộ đội” - Cái tiếng nhiều ý nghĩa kỳ diệu, có một nội dung chính trị, nghệ thuật và xã hội. Nó ra đời với cách mạng Tháng 8, với chính quyền của nhân dân, các bạn hãy theo dõi nó, các bạn sẽ thấy rất thú vị. Một đồng chí ngoài 40 tuổi tóc đã hoa râm, xem báo đã phải giương mục kỉnh, mặc thường phục thì đã có người gọi bằng cụ, nhưng nếu mặc bộ quân phục, thì mọi người vẫn gọi là “Anh bộ đội”. Nhiều đồng chí bộ đội về phép sau khi xa vợ con 4, 5 năm, gặp con nhỏ đang nhớn lên, chúng sẽ gọi là “Anh bộ đội”. Thậm chí có chị đã phải giới thiệu, mà đứa trẻ vẫn không nhận là bố, chỉ gọi là “Anh bộ đội” và rất âu yếm, gần gũi. Tiếng “anh” trong ngôn ngữ Việt Nam, cũng là tiếng của cha mẹ gọi một người con trai đã lớn, tiếng vợ gọi chồng, thiếu nữ gọi người yêu, bạn thân gọi nhau, tiếng của em bé gọi anh lớn. Tiếng “Anh bộ đội” ra đời là biểu hiện một sự kiện mới trong lịch sử của nhân dân ta, là hình ảnh một con người mới đáng yêu, đáng mến, được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh xã hội mới. Nó là một sự đối lập rất chói lọi với cái danh từ tủi hổ “nguỵ binh” mà bản thân người mang cái tên đó, dù có được lừa phỉnh đến thế nào, khoác đến bao danh từ mỹ miều cũng không thể bì được, không dám bì một chút nào với cái danh hiệu anh hùng mà giản dị, thân mật mà đáng yêu: “Anh bộ đội”.
Từ Hoà bình lập lại đến nay, đã có bao nhiêu là biến chuyển trong đời sống xã hội. Hình ảnh “Anh bộ đội” cũng đã thay đổi rất nhiều. Nhân dân ta vừa kinh ngạc, vừa sung sướng, cảm động, náo nức đón chờ những cuộc duyệt binh. Ở đấy không phải những anh bộ đội “súng trường, bao gạo, chân đất” nữa, mà là những anh bộ đội tề chỉnh uy nghi, bước chân rầm rập theo tiếng kèn vừa hùng tráng phấn khởi, vừa rộn rã tươi vui. Ở đấy người ta được nghe giới thiệu và thấy anh bộ đội pháo binh, anh bộ đội cao xạ, anh bộ đội lục quân, anh bộ đội công binh, anh bộ đội thông tin, anh bộ đội cơ giới, v.v... Và năm nay người ta còn thấy cả anh bộ đội Hải quân. Nhân dân ta cũng đã quen với những binh chủng, quân chủng mới và gắn hết tên những binh chủng, quân chủng mới thành một hình dung từ liền với “Anh bộ đội”.
Cũng năm nay, nhân dân còn nô nức đi xem trang phục chính quy, xem bộ đội thụ phong quân hàm, và thực sự chứng kiến thấy quân đội của mình không còn là một tổ chức vũ trang đơn giản như trước nữa, mà đã nghiễm nhiên thành một quân đội tổ chức chặt chẽ, lớn mạnh, có trang bị ngày càng hiện đại, có truyền thống vẻ vang, trình độ năng lực ngày một nâng cao, ý chí chiến đấu ngày càng vững chắc, càng thấy rõ quân đội không phải chỉ đơn giản là những anh bộ đội “súng trường, chân đất” nữa, mà đã có những cán bộ, những sĩ quan đi sâu vào nghệ thuật quân sự, lĩnh nhiệm vụ nắm chắc trong tay vũ khí và trang bị kỹ thuật hiện đại sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân ta còn liên tiếp được nghe hoặc thấy hoạt động mọi mặt của quân đội từ đội bóng đá quân đội đến các đội văn công quân đội, từ những tin tức học tập bắn súng, đâm lê đến các cuộc diễn tập, từ những hoạt động giúp dân chống bão, chống lụt đến những nông trường quân đội mỗi ngày càng thêm một thành tích ngạc nhiên, từ tờ báo Quân đội nhân dân phong phú đến tờ tạp chí Văn nghệ quân đội lành mạnh và hấp dẫn, v.v... Càng ngày trong đời sống phong phú, hình ảnh anh bộ đội, hoạt động của anh bộ đội càng to lớn, càng khẩn trương, nhân dân càng vui mừng với sự trưởng thành của quân đội, quân đội càng tự thấy cần thiết phải hoà nhịp với bước tiến chung của xã hội.
Nhưng quân đội lúc này không phải chỉ có những biến chuyển về hình thức và hoạt động, mà đang có những biến chuyển về chất. Vì vậy “Anh bộ đội” cũng đang có những biến chuyển lớn lao về nội dung, về bản chất. Anh bộ đội không phải chỉ có khoẻ mạnh hơn, lành lặn hơn, chỉnh tề hơn, mà tâm hồn, tư tưởng “Anh bộ đội” cũng đang có những phát triển mới. Và đó mới là điều trọng yếu.
Cả xã hội ta ở miền Bắc cũng đang có những biến chuyển lớn mạnh. Cuộc sống đang không ngừng xuất hiện những hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. Nhận thức của con người cũng đang còn bỡ ngỡ với nhiều sự việc mới mẻ. Tình hình đó không tránh khỏi làm nảy sinh ra những mâu thuẫn trong nhận thức con người. Vậy thì ngay chung quanh việc anh bộ đội đang biến chuyển ra sao cũng không phải là không có gì đáng nói. Chỉ ví dụ những điểm giản đơn phổ biến, ta cũng thấy có những vấn đề như sau :
Trong đời sống hoà bình này, có cần phải có bộ đội hay không? Lý luận sách vở đọc khá nhiều, nhưng trong tâm tư tình cảm người ta thì có nhiều cách trả lời mập mờ, hỗn độn và trái ngược. Rất dễ thấy là tâm trạng một số người nào đó, khi say sưa hò hét chào mừng đoàn quân duyệt binh, cũng khác hẳn tâm trạng lúc ân cần tiếp đón những anh bộ đội chiến thắng trở về, hoặc chuẩn bị đi chiến dịch hoặc hành quân qua làng. Trước đây, mỗi lần người chiến sĩ hành quân qua là mỗi lần hình ảnh anh được in sâu trong lòng mọi người. Người mẹ già thao thức thương những đứa con lặn lội gió sương, xông pha tên đạn, người mẹ thấy những đứa con đó gắn chặt với sinh mệnh của bà, mẹ cầu mong cho con mẹ thắng lợi, đồng thời cũng là cầu mong cho cuộc sống yên hoà. Người thiếu nữ cũng thấy lòng vấn vương và rất nhiều cô đã thấy hầu như một lẽ tất nhiên trong đời là: người “bạn trăm năm” của mình phải là một trong những chiến sĩ bộ đội. Những người con trai đến tuổi cũng vạch sẵn cho mình một con đường giản đơn và thẳng tắp: “Đủ tuổi, đi bộ đội!”. Các em bé cũng tự nhiên trả lời người lớn: “Lớn lên, đi bộ đội!”.
Nhưng bây giờ tâm trạng mọi người có chiều khác: người ta say sưa xúc động trước sự lớn mạnh của quân đội, nhớ công lao quân đội, tán thưởng truyền thống vinh quang của quân đội. Tất cả tình cảm ấy cũng bồng bột, chân thành, sôi nổi. Nhưng rồi cũng có các bà mẹ còn bận sản xuất, yên chí quân đội lúc này ăn tập đã có Chính phủ nuôi, mẹ không cần lo lắng cho các con nữa. Các cô thiếu nữ, cũng có người cân nhắc đời mình nên gắn bó với ai. Thanh niên bây giờ có học sinh, sinh viên, có công nhân, nhân viên, cán bộ ai là người ý hợp tâm đầu? Anh bộ đội có lúc trở thành một người anh từng trải, dày dạn đáng mến, đáng kính mà thôi. Các em bé không nhất định đã trả lời lớn lên đi bộ đội như trước. Đó không phải là một cái gì gọi là giật lùi hay sút kém. Đó chỉ là vì có những sự vật mới, cuộc sống mới phong phú nhiều hơn chưa được nhận thức đầy đủ, đó chỉ là dấu hiệu của một sự mở rộng và vươn cao lên của sự sống.
Điều này ngay bản thân anh bộ đội cũng có thay đổi. Một vài anh nào đó, tuy nhận thức được khá rõ vai trò của quân đội, nhưng anh lại cảm thấy không cần có mình. “Anh bộ đội” nói chung và “Anh bộ đội” cụ thể hình như không còn nhất trí trong nhận thức, tư tưởng và tình cảm mọi người. Nhiệm vụ của bộ đội nói chung : chiến đấu, huấn luyện, lao động và nhiệm vụ cụ thể của anh bộ đội hàng ngày cũng hình như sinh ra mâu thuẫn trong nhận thức tư tưởng, tình cảm mọi người. Đó chẳng qua là mọi người chưa cảm thấy được một nhiệm vụ đấu tranh rất gay go ngay kề bên cạnh, mọi người chưa thể hiểu biết - hiểu cho thấm sâu đến tình cảm - mỗi sự việc, hành động và sinh hoạt hàng ngày bây giờ còn nặng đầy ý nghĩa đấu tranh và cách mạng đối với nhiệm vụ thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lại ví dụ một vấn đề khác: thế thì trong hoà bình bộ đội làm gì? Việc ấy cần có hay không? Có gay go, anh dũng không?
Ngày xưa, ai cũng từng thấy bộ đội chiến đấu, hành quân và không lúc nào ngớt nghe chuyện bộ đội chiến đấu. Mỗi “Anh bộ đội” đều là hiện thân của một lịch sử chiến đấu, hiện thân của xông pha khói lửa, tiêu diệt quân thù. Người ta bắt cả chú bé liên lạc hoặc đồng chí đánh máy, thông tin kể chuyện chiến đấu, và người ta sẵn sàng suy tôn những người không trực tiếp chiến đấu lên thành anh hùng trực tiếp chiến đấu. Nhưng ngày nay không phải ai cũng trông thấy bộ đội luyện tập và làm việc, lại càng không hết ý nghĩa những công việc mà anh bộ đội làm. Thấy anh bộ đội “ngày ngày ăn học”, một cậu học sinh nói với tôi: “Các anh khi có giặc thì đánh, còn không thì nghỉ ngơi thôi, chứ thầy giáo em phải nói suốt ngày”... Đối với một số người, hầu như cuộc đời bộ đội “chỉ ăn rồi tập” thành ra một hình ảnh nhàn hạ, đơn điệu không cần nhắc đến.
Kể cũng không có gì lạ! Vẻ sống mới của cuộc đời chưa được nhận thức đó mà thôi.
Mỗi sự việc mới mẻ xuất hiện không thể nào được nhận thức đầy đủ ngay được. Bề ngoài được nhận thức mau hơn. Nhưng chính qua cái vẻ sống bên ngoài tưởng chừng như giản đơn kia, ta phải tìm ra bản chất của sự việc, một bản chất vĩ đại, phong phú vô cùng.
Lại ví dụ nữa, như vấn đề: con người bộ đội, cuộc sống bộ đội trong hoà bình có gì xúc động và phong phú nữa không?
Từ chỗ nhận thức hành động và nhiệm vụ của quân đội đến chỗ nhận thức con người bộ đội, ý kiến người ta đi một dòng xuôi. Còn đâu nữa những dũng sĩ lao mình trong khói lửa, tuốt lưỡi lê sáng chói, băng mình trong tiếng nổ đất long trời sụp; còn đâu nữa những cuộc từ biệt bên cầu ao, gốc gạo, những buổi tiễn đưa đằm thắm thiết tha, v.v... Bao nhiêu hùng dũng, bi tráng, thiết tha hầu như qua mất rồi, đáng tiếc biết bao?! Bây giờ gặp anh bộ đội trên thao trường ư? Anh đang tập ngắm, tập tính, tập đâm lê vào bù nhìn, tập đi, chạy, thỉnh thoảng anh lại nghỉ chơi. Gặp anh trong lớp học ư? Anh đang học văn hoá, chính trị. Gặp anh ở bàn giấy, anh cũng ngồi nghiêm chỉnh suy nghĩ bình thản. Gặp anh ở ngoài phố, anh đang ung dung mua bánh xà phòng, thước vải, hoặc có anh dắt con đi chơi. Gặp anh ở ruộng vườn thì anh cũng đang cuốc, đang xới như mọi người. Anh đi chợ bằng cái xe, có anh thì vẫn đòn gánh trên vai, có anh lại chuyên chở bằng ô tô, v.v... Cuộc đời của anh bộ đội bây giờ có lẽ phẳng lặng, tuần tự, máy móc rồi chăng? Cũng chẳng phải có cái gì sút kém. Chẳng qua cũng vẫn là sự việc mới, cuộc sống mới chưa được nhận thức mà thôi. Từ cái chung đến cái cụ thể còn có mâu thuẫn, mâu thuẫn trong nhận thức, trong tư tưởng, trong tình cảm.
Thưa các bạn! Có lẽ nào, ta chỉ thấy quân đội ta hơn trước ở chỗ có xe tăng, pháo lớn, có cấp hiệu phù hiệu, có duyệt binh ư? Chẳng lẽ quân đội ta - những anh bộ đội hiền lành và dũng cảm đáng yêu kia - lại biến chuyển thành những con người máy móc, gò bó, tuần tự khô khan? Chẳng lẽ trong cuộc sống phong phú mới mẻ này, con người bộ đội cứng queo lại, nghèo nàn thêm đi?
Không đâu! Thực tế trái hẳn lại. Trong người anh bộ đội không phải chỉ có cái dĩ vãng hùng dũng, mà còn có cái hiện tại sôi nổi chứa đựng rất nhiều tương lai. “Anh bộ đội”, một con người cụ thể nào đó không phải là cái gì là thần thánh, bí hiểm hoặc cao siêu. Sở dĩ anh thành ra “Anh bộ đội” là bởi vì anh có một “cuộc sống” của “Anh bộ đội”. Cuộc sống ấy có một mục đích nhất định và muôn nghìn hoạt động, suy nghĩ hàng ngày là nhằm để thực hiện cái mục đích nhất định ấy. Riêng cái điều bao quát ấy cũng làm ta phải suy nghĩ. Tôi so sánh giản đơn thế này : mời bạn hãy nhìn một người đi ngoài đường: một người vẻ mặt thư thái, sung sướng, tươi cười nhìn mọi người, chau mày trước lá rụng, giơ tay chào chim reo, gương mắt đón ánh sáng, v.v… Có lẽ bạn nghĩ rằng hẳn người đó có tâm hồn phong phú. Mời bạn nhìn người khác: anh chàng bước đi chăm chỉ, hầu như ít để ý đến sự vật chung quanh, vấp phải ai, anh khẽ xin lỗi, gặp em bé anh âu yếm tránh đường, rồi lại xăm xăm tiến bước. Có lẽ bạn sẽ phật lòng với người thứ hai này? Bạn sẽ cho là anh ta khô khan chăng?
Chưa hẳn là đúng! Mời bạn hãy đi theo, mời bạn hãy theo dõi hoặc hỏi chuyện, bạn sẽ thấy anh chàng thứ nhất chỉ nghĩ đến một điều: bản thân anh ta. Anh chàng thứ hai thì đang mơ ước một ngày mai náo nhiệt, anh đang mong mang lại cho mỗi người thân yêu một cái gì vui sướng mới.
Thí dụ của tôi có lẽ không rõ ràng gì cả. Tôi chỉ muốn nói: ai chăm làm thì người đó chăm nghĩ. Người có mục đích rõ ràng thì nghĩ càng rõ ràng, nghĩ nhiều có khi sai, nhưng cuối cùng mọi suy nghĩ đều bổ ích cho việc thực hiện mục đích của cuộc đời cả. Anh bộ đội không phải chỉ là người khói lửa. Trước khi là người khói lửa, anh là người lao động bình thường. Anh chiến đấu, chính cũng chỉ là thực hiện một nhiệm vụ lao động mà thôi. Anh bộ đội không phải là thần thánh, mà là anh làm những nhiệm vụ lao động “thần thánh”, anh có mục đích “thần thánh” của cuộc sống. Khi anh rời bỏ mục đích cuộc sống và nhiệm vụ lao động của anh, thì anh cũng rời luôn cả cái chất “Anh bộ đội”. Ta yêu anh bộ đội trước hết là vì ta yêu mục đích cuộc sống của anh, và nhiệm vụ lao động của anh. Ta hiểu anh bộ đội cũng là hiểu từ đó trở đi, nếu không thì ta sẽ đi vào một sự thần bí, tự ta mâu thuẫn với ta hoặc ta không hiểu nổi anh bộ đội, hoặc ta hiểu sai lệch.
Tôi nhớ không kỹ, nhưng hình như những bức tranh vẽ bộ đội trong phòng triển lãm năm nay thường hút vào mấy đề tài : “hùng” (chiến đấu, gian khổ, anh dũng như kéo pháo, hành quân, v.v…) “đẹp” (đứng gác đêm trăng, hành quân dưới trăng) và “tươi” (như mặc quần áo có quân hàm). Muốn lấy những nét hình thức ấy làm điểm xuất phát để tìm tứ thơ, cảm hứng, xúc động trong con người bộ đội thì quả là rất mau cạn. Tôi đã được thấy nhiều thiếu nữ yêu cái hùng, cái đẹp của anh bộ đội, đã đi tới vỡ mộng vì chính cô ta đã tự lừa dối mình, vì cô hiểu cái hùng, cái đẹp theo kiểu của cô, mà không phải xuất phát từ những điểm đúng đắn. Tôi lại cũng đã thấy một số nhà văn nghệ “thưởng thức” anh bộ đội, thường chỉ thưởng thức cái lá nguỵ trang nhảy trên lưng, thưởng thức những câu nói chất phác, ngây thơ của bộ đội, thưởng thức cái thông minh, cái “chính trị cao” của bộ đội, thưởng thức những động tác của bộ đội. Nhiều lúc cái thưởng thức ấy đã tỏ ra rất ích kỷ.
Anh bộ đội của chúng ta đang sống một cuộc sống mới. Anh đang lớn lên, lớn lên trong những sự việc rất bình thường mà rất vĩ đại. Anh cũng đang gặp nhiều mâu thuẫn trong nhận thức, tư tưởng. Nhưng chính là nhờ vượt qua những mâu thuẫn đó mà anh lớn lên. Trước đây anh dũng cảm trong chiến đấu bao nhiêu thì ngày nay anh cũng chân thành và dũng cảm trên mặt trận tư tưởng bấy nhiêu và do đó anh trưởng thành lên một cách giản dị, bình thường, nhìn qua không thể thấy được.
Tôi muốn nói lên cái “cảm thấy” của tôi một cách rõ ràng, dứt khoát mà không sao làm được. Tôi rất chú ý tới những hình ảnh thật bình thường, giản dị mà sâu sắc không bao giờ quên được.
Một hôm tôi đi qua một bến đò, bên bến đò đám đông bà con nông dân đi gánh thóc thuế. Mọi người đang xôn xao về vấn đề có nên nấu nước nữa hay không. Có hai chị rất trẻ vui cười tranh cãi nhau về vấn đề đó. Nhưng cả hai chị đều không ai chịu đi nấu nước cả. Trong lúc ấy có một thanh niên khệ nệ bưng một nồi nước lã đến, vui vẻ kêu gọi các chị lấy củi dóm bếp để nấu nước. Và trong khi anh cặm cụi xếp bếp, thu vén củi rác thì các chị vừa nói trêu anh, lại vừa múc nước lã uống. Các chị khác, rồi các anh khác cũng đến múc theo. Khi anh xếp xong bếp thì nồi nước đã hết, anh thanh niên lại thản nhiên xách nồi đi lấy nước nữa, vừa đi vừa nói: “Không nên uống nước lã, các anh các chị ơi! Nhiều vi trùng lắm đấy!”. Vẻ người anh thanh niên nhanh nhẹn làm tôi chú ý. Tôi thấy có ngay cảm tình với thái độ hòa nhã, kiên nhẫn của anh, và lấy làm ngạc nhiên trước những hành động già dặn, bình tĩnh của anh. Mãi sau qua câu chuyện trêu nhau của các anh các chị, tôi biết đó là một anh bộ đội về nghỉ phép đi gánh thóc thuế cho gia đình.
Tôi được gặp một chiến sĩ “anh nuôi”. Anh là “anh nuôi” năm năm nay. Anh còn rất trẻ. Anh có một chuyện gay: mấy lần hành quân qua nhà, anh gánh nồi gặp vợ, vợ rất lạnh nhạt; gặp mẹ, mẹ không vui lòng, mẹ anh kể chuyện những bạn anh bây giờ làm giáo học, viên chức để đi tới chỗ chê công việc anh làm. Anh về đơn vị muốn xin đổi công tác, nhưng về đến nơi thì công việc lại lôi cuốn anh, anh lại không nỡ. Một kỳ về phép, anh phải mất nhiều thì giờ để thuyết phục vợ và mẹ. Anh phải dùng hành động thực tế, nghĩa là anh trổ hết tài lao động của anh – mà trước đây ở nhà anh chưa làm – làm cho mẹ và vợ ngạc nhiên, và do đó anh thuyết phục được cả gia đình, làm cho gia đình còn hiểu rõ được cả giá trị và ý nghĩa công việc “anh nuôi” của anh nữa. Anh trở lại đơn vị với niềm phấn khởi và anh đã là chiến sĩ thi đua của đơn vị.
Tôi có dịp tiếp xúc với những cán bộ đã đứng tuổi. Các anh xuất thân từ nông dân, trình độ văn hoá rất thấp. Buổi tối đã khuya, anh rời phòng họp vươn vai mấy cái, vội vã xách cái đèn bão ngồi vào một góc phòng, xếp chân bằng tròn bên một cái hòm đạn và mấy quyển sách toán, anh chăm chỉ làm bài tập. Anh thường nói rõ nỗi lo lắng của anh: “Không học thì không làm tròn được nhiệm vụ, mà bây giờ học văn hoá vất vả hơn chỉ huy chiến đấu trước đây. Có tuổi rồi học khó vào lắm!”. Kể ra cũng có những anh còn trẻ măng học thêm văn hoá để được “lao động trí óc”, mong thoát khỏi “lao động chân tay”. Nhưng chính các anh cũng vẫn cảm thấy học là một nhiệm vụ, và càng ngày càng rõ ra ý nghĩa cách mạng của việc học tập, thì tinh thần học tập càng hăng say, càng kiên định như ý chí chiến đấu trước đây.
Tôi được nghe nói một đồng chí cán bộ trước đây được nổ phát súng trong trận đánh đầu tiên bảo vệ Tổ quốc, nay đi nông trường sản xuất, đã phấn khởi khoe cùng các bạn: “Đời tôi có hai vinh dự, một là được nổ súng trận đầu bảo vệ Tổ quốc, hai là được đi trong hàng ngũ tiên phong tiến vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Không phải anh nói để làm văn. Anh nói và rất tự hào đi vào việc làm.
Nhiều anh gặp khó khăn trong tình duyên, có anh hỏi vợ nhiều lần không được, có anh vợ không thông cứ đòi về nhà mẹ đẻ ở để đòi anh phục viên, có anh vợ chê, có anh đã nhiều tuổi chưa có con, v.v… Tôi đã gặp một anh trẻ tuổi vừa thất tình – mũ anh còn viết cả tên anh và tên người yêu – Anh hồn nhiên nói: “Có đêm không ngủ được, đồng chí ạ! Hút mất mấy điếu thuốc lá, buồn lắm”. Nhưng tôi theo anh ra bãi tập, tôi cũng không thể biết được trong bụng anh vui hay buồn, anh say sưa tập như người khác.
Tôi hỏi anh có vợ bỏ về quê mẹ rằng: “Đồng chí tính sao?”.
“Tính thế nào nữa! Viết thư về giáo dục thôi. Không được thì đến kỳ về phép sẽ giải quyết tiếp hoặc nhờ chi bộ địa phương giúp đỡ”.
Tưởng như giọng nói của một người vô tình lạnh nhạt. Nhưng không, đồng chí kể lể thêm, đọc lại cả một đoạn thư của vợ cho tôi nghe và chau mày suy nghĩ rất lung. Tôi hỏi nghĩ gì? Đồng chí ấy trả lời: nghĩ cách thuyết phục vợ trong thư và khi về phép; rồi đồng chí ấy nói tiếp nặng nề nhưng tin tưởng: “Tôi chắc rồi cô ấy cũng phải giác ngộ chứ!”. Thế rồi anh lại đi tập và tăng gia sản xuất như người khác.
Tôi hỏi đùa một đồng chí tân binh: “Vào bộ đội thấy có cái gì hơn ở nhà?”. Đồng chí đó trả lời luôn một mạch: “Hơn nhiều chứ! Sống có tổ chức, có trật tự, lao động có nề nếp, có kế hoạch. Ở nhà gặp đâu hay đấy, bố lếu bố láo ấy mà!”.
Tôi hỏi một đồng chí khác: “Ở với cựu binh có thích không?”. Đồng chí trả lời: “Thích lắm! Ở với các anh cựu binh thích hơn cả ở với anh ruột mình. Các anh ấy làm khoẻ, hay nhường nhịn lại hay giúp đỡ”.
Bất cứ ai, ít lao động chân tay (như một vài đồng chí trí thức, chuyên môn: văn nghệ, văn công) chỉ cần ở với bộ đội một buổi, một ngày, đều cảm thấy phải học hỏi nhiều về những người lao động ưu tú này.
Mơ ước của bộ đội cũng rất bay bổng, vĩ đại và thiết thực. Có đồng chí đang mơ ước viết thư chỉ đạo gia đình làm ruộng thí nghiệm để đạt năng suất cao nhất. Có đồng chí mơ ước về làm tổ trưởng đổi công, xây dựng hợp tác xã. Có đồng chí mơ ước đặt thuỷ điện nhỏ ở xã mình vì xã mình có suối. Có đồng chí muốn được học cơ giới để vừa tiến lên chính quy hiện đại, lại vừa đi vào khoa học kỹ thuật. Các đồng chí trong các binh chủng kỹ thuật đều mơ ước có những sáng chế phát minh. Tôi đã gặp liền một lúc mấy đồng chí cán bộ pháo binh chế thước bắn. Rất nhiều đồng chí đang viết truyện ngắn, làm thơ, viết truyện dài; có đồng chí cặm cụi làm một mình mà không ai biết.
Mỗi ý nghĩ, mơ ước và thái độ của các anh đều không tách khỏi những ý nghĩ tự hào về danh hiệu “Quân nhân cách mạng”, không tách rời một ý nghĩ sâu sắc “Phục vụ nhân dân”, không tách rời khỏi ý niệm “Quân đội ta là Quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo”, v.v…
Những lời thề của quân đội, tinh thần “quyết chiến quyết thắng” của quân đội, đã trở thành tiềm thức của mỗi người. Có anh lúc bực bội nói vung lên cho hả miệng, nhưng nếu có yếu tố gì đẩy anh thụt lùi một bước nhỏ đến chỗ xấu xa, lập tức sẽ bị anh gạt phăng và không ngần ngại vứt bỏ đi tất cả để làm tròn danh tiết và nghĩa vụ “phục vụ nhân dân”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Miền Bắc đã hòa bình nhưng nửa nước – miền Nam – còn trong tay quân giặc. Chúng đang biến miền Nam thành căn cứ quân sự, chúng còn nhòm ngó cả nước ta với âm mưu “Bắc tiến” cho nên phải đâu “Anh bộ đội” của ta chỉ có việc luyện tập và lao động mà thôi?
Nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã nặng nề. Nhiệm vụ đối với mục tiêu cách mạng cả nước lại còn nặng nề hơn. Anh bộ đội vẫn phải luôn sẵn sàng ở tư thế chiến đấu, sẵn sàng khẩu súng bao gạo lên đường, sẵn sàng với những cuộc hành quân thần tốc thâu đêm và nhất là lại sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc cả sinh mệnh của mình, hiến dâng cho cách mạng những giọt máu hồng nóng bỏng.
Cho nên trong hòa bình, hình ảnh anh bộ đội vẫn phải là hình ảnh của tư thế tiến công với tinh thần xả thân vì nước. Có anh tuổi đã nhiều, canh cánh trong lòng với ý nghĩ hạnh phúc gia đình, tình nghĩa vợ chồng, nóng ruột muốn xin về. Nhưng nghĩ tới trách nhiệm, tới nhiệm vụ chỉ cần thấy đồng chí tân binh chưa đủ sức thay thế mình thì tất cả tâm tư lại dồn vào việc củng cố, nâng cao chất lượng đơn vị, bảo đảm đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Rất nhiều mối dây tình cảm trong sạch mãnh liệt ràng buộc con người anh bộ đội, làm cho đời sống nội tâm của anh rất phong phú, nhiều màu sắc, sôi nổi.
Thật đáng tiếc là tất cả những biến đổi đẹp đẽ của con người bộ đội chỉ mới được nói lên như những nhận định và những phân tích khô khan, và tôi càng nói ra, càng tự giận thay cho vốn ngôn ngữ quá nghèo nàn của tôi.
Anh bộ đội có những suy nghĩ về tất cả các vấn đề xã hội, gia đình và hạnh phúc cá nhân. Có những suy nghĩ còn mang theo quan điểm cũ, nhưng rất nhiều suy nghĩ mới, trong sáng, đẹp đẽ, đấu tranh vươn lên thắng thế. Điều đó càng làm cho sự suy nghĩ của anh phong phú một cách thú vị.
Anh bộ đội trong kháng chiến có nhiều cái vĩ đại, nhưng bây giờ anh còn có thể rộng rãi hơn, có nhiều mặt vĩ đại hơn. Trước kia anh vĩ đại ở chỗ anh không chịu làm nô lệ, không chịu làm dân mất nước, vùng lên chiến đấu giải phóng Tổ quốc. Tất cả những hình ảnh âu yếm đẹp đẽ và sâu sắc của đất nước tràn ngập lòng anh, chí khí anh hùng, trả thù rửa hận cháy bỏng tâm can anh. Tâm hồn anh là một tâm hồn gân guốc, trung dũng, kiệt liệt, một tâm hồn chiến đấu. Tâm hồn ấy toả nhiều vẻ đẹp rực rỡ dễ thấy.
Những lúc đó sự suy nghĩ chỉ tập trung vào một sự việc chiến đấu, tiêu diệt quân thù, mọi sinh hoạt và hoạt động khác cũng đều xoay quanh một cách trực tiếp nhiệm vụ chiến đấu. Và chính những lúc đó, hành động của anh bộ đội đã tỏ ra rất phi thường.
Ngày nay, sự suy nghĩ của anh đang toả rộng trên nhiều vấn đề mà trước đây anh chưa có dịp nghĩ tới hoặc mới phát sinh ra trong hoàn cảnh mới. Tâm hồn yêu nước kiên trung của anh vẫn là cơ sở của mọi suy nghĩ. Nhưng gặp những vấn đề mới ngoài việc chiến đấu, sự suy nghĩ của anh có lúc rơi vào nếp cũ. Thế nhưng dưới ánh sáng của tư tưởng tiền tiến chói loà, ánh sáng của lịch sử xã hội chói loà, tâm hồn chiến đấu của anh cũng mau bắt những ánh sáng mới đó mà trở nên rực rỡ đẹp đẽ hơn.
Anh bộ đội trong quan hệ với xã hội hàng ngày thường tỏ ra nghiêm chỉnh, tôn trọng các chính sách, hay tuyên truyền giải thích chính sách, luôn muốn truyền bá những điều mình biết, thích phân tích các hiện tượng, luôn có những nhận xét độc đáo, những nhận xét và phân tích lại thường được tập thể góp ý kiến và kiểm tra luôn sát nách.
Do đó đi vào bộ đội ta sẽ được thấy ngôn ngữ bộ đội phát triển một cách đặc biệt, nhiều khẩu hiệu châm ngôn được ra đời đúng lúc. Tôi tiếc không tập trung sưu tầm vấn đề này. Một mặt khác, anh bộ đội hăng hái tham gia lao động, thích được tham gia các công tác thực hiện chính sách, các công trình xây dựng xã hội, xây dựng Tổ quốc. Và trong mọi công tác, tinh thần “vươn lên hàng đầu” luôn được biểu hiện sôi nổi. Kỷ lục lao động luôn luôn bị phá. Nhiều cán bộ, chiến sĩ từ hoà bình lập lại đến nay, đã học được rất nhiều nghề: làm gạch ngói, lò rèn, thợ mộc, thợ nề, giáo viên văn hoá, lái xe, chữa máy, thợ điện, thợ chiếu bóng, v.v… Có đồng chí trước khi vào bộ đội mới là học sinh lớp bốn, nhưng khi học thợ rèn đã mua các sách về nhiệt học, cơ học, từ lớp bảy đến lớp mười để nghiên cứu cải tiến công tác hàng ngày. Có đồng chí từ nhỏ chỉ làm ruộng, nay biết chỉ huy công trường xây dựng nhà cửa, biết nghiên cứu về sức nén, sức ép, tính toán kỹ thuật đào móng xây tường, điều khiển “lắp xà gỗ”, v.v… một cách thành thạo.
Hiện nay cuộc sống của anh bộ đội xoay quanh “chính quy hiện đại” và “chính quy hiện đại” cũng đã khơi động được những ánh sáng tích cực trong tâm hồn anh. Nhưng không phải chỉ có thế. Trong đầu óc anh hiện nay có cả những vấn đề thuộc về cách mạng thế giới, các trào lưu tư tưởng thế giới, các vấn đề về đời sống nhân dân, về lịch sử, về văn hoá xã hội, nghệ thuật khoa học. Cả một vũ trụ quan mới mẻ đang chiếm lĩnh đầu óc anh, đang được xây dựng trên một nhiệt tình chiến đấu cách mạng sôi nổi. Cả một nhân sinh quan mới, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa đang được nảy nở và ngày càng hình thành rõ rệt trong đầu óc anh.
Những người mơ mộng trong xã hội cũ ngày xưa thường tưởng tượng ra một hay một số người lý tưởng có đủ các đức tính tốt đẹp hoặc là trọng nghĩa khinh tài, hoặc hào hiệp phóng túng, hoặc là rất hùng, nói giỏi học rộng, tài hoa, v.v… Nhưng chẳng qua đó chỉ là một sự tưởng tượng rỗng tuếch để cho một số người “hăng máu vịt” bắt chước được nửa vời và trở nên gàn dở ngây ngô mà thôi.
Bây giờ chúng ta chả cần phải tưởng tượng. Chúng ta cũng không có những người hùng siêu nhân. Chúng ta có những người bạn rất hiền lành, chân thật; trong quan hệ xã hội rộng rãi có khi còn vụng về, không thành thạo, thế nhưng khi gặp các vấn đề phải giải quyết về học tập, về lao động, về tình duyên, về bạn bè, về công tác, v.v… thì các anh đều cư xử khác hẳn nền nếp cũ, các anh đều cư xử tương tự giống nhau với một phong cách riêng, dũng cảm, thẳng thắn, dứt khoát mà ôn hoà, lịch sự. Đời sống bộ đội là một đời sống nền nếp, có tổ chức, trật tự, kỷ luật lao động chặt chẽ nghiêm khắc, ngay cả tư tưởng, tâm hồn cũng tuân theo một sự rèn luyện nhất định. Tất cả những hành động, ý nghĩ của cá nhân đều có liên quan đến một tập thể nhất định, đều được tập thể nhiệt tình giúp đỡ, xây đắp hướng dẫn cho tư tưởng tránh lệch lạc, cho hành động càng thêm đúng đắn. Chính nhờ có qua sự rèn luyện, tổ chức, qua lao động gian khổ ấy, tâm hồn bộ đội mới phong phú lên, lớn mạnh lên.
Hiện nay “Anh bộ đội” còn đang phát triển. Sắp tới đây, ta có những anh bộ đội nghĩa vụ và những sĩ quan. Sau này tất cả những nguyện vọng tha thiết hoặc những phân vân của thanh niên sẽ được giải quyết dứt khoát. Tất cả những ai mong ước trở thành bộ đội sẽ đạt được mong ước của mình. Tất cả những ai phân vân: “Không biết hoà bình rồi, có cần thiết phải “đi bộ đội” nữa không?”, sẽ thấy đó là một sự cần thiết dứt khoát quy thành nghĩa vụ. Cuộc đời bộ đội càng trở nên gắn bó chặt chẽ với tất cả mọi hoạt động sản xuất và xã hội. “Anh bộ đội” sẽ không phải là một lớp người nào đặc biệt mà tất cả mọi người đều được làm nghĩa vụ “Anh bộ đội”. Các thiếu nữ sẽ không cần phải thắc mắc lựa chọn. “Đời sống bộ đội” sẽ không phải là một đời sống riêng biệt, cứng nhắc, khô khan hoặc phi thường như một số người tưởng tượng. Nó sẽ là đời sống bình thường của tất cả mọi thanh niên và của tất cả mọi gia đình, mọi lớp người. Các sĩ quan của chúng ta sau này thì cũng chẳng phải ai xa lạ. Đó chính là những “Anh bộ đội” và những anh cán bộ của chúng ta trước kia và bây giờ. Các anh cũng chỉ là những người “chiến sĩ cách mạng” mà thôi. Ngày nay trách nhiệm của các anh càng rõ rệt. Cách mạng yêu cầu anh ngày càng phải đi sâu nắm vững, để thành thạo và nâng cao thêm nghiệp vụ của mình, gánh lấy trách nhiệm chủ yếu trong việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lao động sản xuất. Anh sẽ phải lo những cái lo của anh. Anh phải lo tổ chức những cuộc chiến đấu trong hoà bình. Anh phải lo xây dựng đơn vị đáp ứng yêu cầu giải phóng miền Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Anh phải lo làm cho tất cả những thanh niên hiền lành, trong trắng trở thành những chiến sĩ yêu nước thiết tha, dũng cảm, trung thành, đầy đủ bản lĩnh chiến đấu và lao động, giàu tư tưởng xã hội chủ nghĩa, vững vàng ý thức tổ chức kỷ luật. Một giai đoạn lịch sử mới bắt đầu. Tất cả mọi thành viên của xã hội đều đổi mới : học sinh, nông dân tập thể, công nhân xã hội chủ nghĩa. Tất cả mọi hoạt động của xã hội đang bừng bừng một sức sống mới, đang đượm một luồng gió mới trong lành phấn khởi. Chúng ta đang xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, đang sôi nổi đẩy mạnh sản xuất Đông Xuân, đang mở mang thêm nhà máy, đang xây dựng thêm thành phố. Và cũng không một phút nào chúng ta lãng quên một nửa nước thân yêu vẫn chưa được giải phóng; ở đó hàng ngày hàng giờ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang kéo lê máy chém, đàn áp khốc liệt đồng bào miền Nam của chúng ta. Do đó tất cả náo nức như muốn sôi lên sùng sục và bay vút lên cao. Giữa không khí ấy, giữa luồng gió ấy, các phong trào tiến nhanh, phong trào vượt mức trong bộ đội cũng bùng cháy lên rực rỡ và mãnh liệt. Ngọn lửa ý chí vì “Thống nhất đất nước” vì “chủ nghĩa xã hội” thật là say sưa và mãnh liệt, nó bắt đầu kiên quyết thiêu cháy những xấu xa của các tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, của các quan điểm tư sản thối nát. Khắp nơi hình ảnh “Anh bộ đội” cũng sinh động, tươi vui, khỏe mạnh. Anh bộ đội gánh phân làm ruộng, anh bộ đội xây nhà, anh bộ đội làm đường, đào mương, anh bộ đội chống hạn, anh bộ đội đi Bắc – Hưng – Hải, các ruộng thí nghiệm của bộ đội mọc ra, các tổ đổi công, hợp tác xã có bộ đội đỡ đầu càng nhiều và tiến bộ,… Trong doanh trại, anh bộ đội thi đua tiến nhanh rút ngắn thời gian huấn luyện hoàn thành vượt mức mọi kế hoạch chương trình, cán bộ xuống cùng với chiến sĩ, chiến sĩ làm chủ công tác và nhiệm vụ của mình. Ai nấy đều muốn nuốt chửng thời gian, không bỏ lỡ thời cơ, khẩn trương tới tấp.
Dùng lời lẽ bình thường không nói nổi nữa rồi.
“Anh bộ đội” với cả một lịch sử, truyền thống “Quân đội nhân dân anh hùng” đang bắt đầu cuộc sống “xã hội chủ nghĩa” của mình mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn trong điều kiện miền Bắc đã được giải phóng đang tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng nửa nước – miền Nam – vẫn còn sống trong nanh vuốt quân thù.
Trước đây anh đã hết sức vinh quang trong chiến đấu cũng như trong công tác và trong lao động. Bây giờ và sau này anh sẽ lại tiếp tục vinh quang cao hơn nữa trong vị trí chiến đấu mới mà Đảng và nhân dân giao phó cho anh. Anh sẽ quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ nghĩa xã hội miền Bắc và giải phóng miền Nam thân yêu; mãi mãi là đội quân bách chiến bách thắng, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân cả nước.

       (Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)

1 nhận xét: