Đồng chí
Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhận định trong Báo cáo
chính trị tại Đại hội IV của Đảng:
“Thắng lợi
của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân
tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn
gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đội tiên
phong dày dạn của giai cấp công nhân Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam, người kết
hợp nhuần nhuyễn và thành công khoa học cách mạng của giai cấp công nhân là chủ
nghĩa Mác – Lê-nin với nghị lực chiến đấu phi thường và sức sáng tạo vô tận của
nhân dân ta, với những tinh hoa trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc Việt
Nam ta”.
Lời tổng
kết sâu sắc đó đã đánh giá cao vai trò của truyền thống dân tộc trong cuộc đấu
tranh giành độc lập của nhân dân ta.
Đúng như
vậy, nhân dân Việt Nam vừa thoát khỏi cảnh đời nô lệ hàng hơn trăm năm với một
nền kinh tế lạc hậu lại có thể “có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng
đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong
trào giải phóng dân tộc” (Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đặc biệt,
trong 21 năm chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm
lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất và dã man nhất
từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã nói trong những năm chống Mỹ ác liệt: “nhân tố dân tộc
trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước là một nhân tố quyết định của thắng lợi. Rõ
ràng cuộc chống Mỹ cứu nước hiện nay đang động viên tất cả sức mạnh của dân tộc…”, “chúng ta không chỉ động viên lực lượng của dân tộc đã phát huy trong mấy
chục năm qua mà động viên tất cả lực lượng dân tộc từ nghìn năm xưa… bốn nghìn
năm lịch sử đứng lên chống Mỹ đúng như thế”. (Phạm Văn Đồng. Tổ quốc ta, nhân
dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969, tr.125).
Bốn nghìn năm lịch sử, đó cũng là bốn
nghìn năm thể hiện ý thức độc lập tự chủ rất cao, lòng yêu nước căm thù bọn xâm
lược sâu sắc.
Di sản văn hoá
hay là truyền thống của một dân tộc là những giá trị tinh thần hình thành lên
qua quá trình lịch sử của dân tộc đó. Những giá trị tinh thần này tồn tại trong
nếp sống, nếp nghĩ, nếp tình cảm của dân tộc, tồn tại trong nếp đạo đức, quan
hệ của người và người, tồn tại trong các phong tục tập quán, trong các giá trị
văn học nghệ thuật, tồn tại trong cả những cơ sở vật chất : kiến trúc, phong
cảnh, phục trang, các tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt. Nó trở thành tài
sản của nhân dân, nó là những tài sản yêu quý của mọi người, nó tác động vào
thế giới tinh thần mọi người ngay từ khi mới lọt lòng, được nghe những lời ru
của mẹ, những lời kể chuyện của ông, bà, những lời khuyên răn của cha, chú, anh
em. Nó được bảo tồn bằng cách lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Di sản văn hoá Việt Nam nổi bật nhất ở lòng yêu nước, yêu quê
hương, nhớ ơn tổ tiên. Những khái niệm “tổ quốc”, “non sông”, “quê cha, đất tổ”,
“quê mẹ” hết sức tha thiết và sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam. Một di sản
khác không kém phần quý giá và sâu sắc là tính nhân đạo và dân chủ, thể hiện ở
tình thương gắn bó con người Việt Nam với nhau, củng cố lòng yêu nước thương nòi,
những huyền thoại về nguồn gốc dân tộc như chuyện Lạc Long Quân, truyện Quả bầu
có ý nghĩa lớn đối với người Việt Nam, những thành ngữ “yêu nước thương nòi”, “đồng
bào đồng chủng” tồn tại như những khái niệm đạo đức bình thường, như lẽ sống tất
yếu. Những câu ca dao bất hủ:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau
cùng”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một
giàn”
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Đó là những hình ảnh đơn giản mà sâu
sắc, nói lên tinh thần cộng đồng dân tộc được hun đúc từ xưa và là vẻ đẹp tâm hồn
của người Việt Nam.
Thêm vào đó, những câu ca dao khác như:
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Và những thành ngữ: “Thương người như
thể thương thân” càng làm nổi bật tinh thần cộng đồng dân chủ và nhân đạo.
Khi Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức
và vận động nhân dân đoàn kết chiến đấu giành độc lập dân tộc, đã khai thác triệt
để những giá trị tinh thần của cha ông trong công tác của mình, thu hút mạnh mẽ
quần chúng, đã tạo ra một hình ảnh người cộng sản là người yêu nước nhất (Chủ tịch
Hồ Chí Minh lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) để đánh bạt sự xuyên tạc thô bỉ của đế
quốc: “Cộng sản là vô Tổ quốc, vô gia đình”. Sự kiện rõ rệt nhất là Đảng công
bố Đề cương văn hoá năm 1943 với 3 khẩu hiệu: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Khẩu
hiệu Dân tộc đã xúc động nhiều trí thức, đặc biệt là các tri thức nghệ thuật. Nó
vừa là lời kêu gọi khẩu hiệu tập hợp tổ chức, vừa là phương hướng vận động và
phát triển văn hoá mà mọi người hưởng ứng và hoan nghênh; khẩu hiệu đó đáp ứng
lòng yêu nước âm ỉ trong mỗi người trí thức và do đó nó tác động đến đông đảo
quần chúng.
Ba khẩu hiệu đó của Đề cương văn hoá
trở thành 3 phương châm vận động và xây dựng văn hoá.
Văn hoá có tính dân tộc có nghĩa là văn
hoá đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình và tôn trọng độc lập, tự do của
các dân tộc khác trên thế giới, chống mọi thế lực áp bức, xâm lược bất cứ từ đâu
lại, chống mọi tư tưởng yếu đuối, ỷ lại, thiếu tự tin, chống lại tính chất nô dịch,
thuộc địa đầy rẫy trong văn hoá Việt Nam cũ. Văn hoá Việt Nam bao gồm những đặc điểm và đức tính cổ
truyền của dân tộc. Song đồng thời nó sẵn sàng hấp thụ những cái hay, cái đẹp,
cái tiến bộ của văn hoá nước ngoài. Nó không bài ngoại và vị chủng.
Văn hoá có tính chất khoa học có nghĩa
là đem khoa học phổ biến trong nhân dân, truyền bá những tư tưởng khoa học và
triết học mác-xít, chống những thành kiến, quan điểm lạc hậu, phản đối mê tín
quàng xiên, chống tư tưởng duy tâm, thần bí, chống tính chất lạc hậu, hủ bại
phong kiến còn rơi rớt lại trong văn hoá Việt Nam, đả phá những gì ngăn cản bước
tiến của dân tộc.
Văn hoá có tính chất đại chúng có nghĩa
là văn hoá phục vụ nhân dân, phục vụ số rất đông người. Nó phải đi sát quần chúng,
nâng cao trình độ quần chúng, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong quần
chúng, không theo đuôi quần chúng nhưng học hỏi quần chúng. Văn hoá phục vụ đại
chúng phải trung thành phản ánh nguyện vọng và ý chí của nhân dân đang chiến đấu.
Ba tính chất ấy phải đồng thời tồn tại
và gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời nhau.
Dưới ánh sáng của những khẩu hiệu đó,
các vốn văn nghệ cổ truyền, kể cả văn học dân gian và văn học viết bằng chữ Hán
và Nôm đều được sưu tầm, nghiên cứu, các vốn nghệ thuật sân khấu cổ truyền cùng
với âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc cũng được phục hồi và nâng cao phát triển. Các
tác phẩm văn học nghệ thuật suốt thời kỳ này đều là những tác phẩm rất đậm đà màu
sắc và hương vị của tâm hồn dân tộc, vừa chứa đựng một nội dung yêu nước sâu sắc
và sôi nổi, vừa chứa đựng tinh thần nhân đạo và dân chủ rất rõ rệt.
Một đặc điểm quan trọng là Đảng Cộng
sản Việt Nam (trước là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã
giương cao hai ngọn cờ dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Cho nên tinh thần yêu nước
Việt Nam là yêu nước xã hội chủ nghĩa. Vì nó
mang theo truyền thống cổ truyền của nó, tinh thần nhân đạo và dân chủ, nên nó đã
rất ăn nhập với tinh thần xã hội chủ nghĩa.
Bọn đế quốc, cả thực dân cũ và thực dân
mới cũng hết sức tranh chấp với đảng Cộng sản về tinh thần dân tộc. Chúng cũng
ra sức đề cao duy trì và lợi dụng những di sản văn hoá dân tộc, những sự kiện lịch
sử chống ngoại xâm, những văn học yêu nước, tiến bộ, những di tích lịch sử, những
di sản nghệ thuật. Nhưng để phục vụ cho mục đích xâm lược và nô dịch nên chúng đã
xuyên tạc trắng trợn những nội dung của tinh thần yêu nước. Chúng cho cộng sản
là ngoại lai, cộng sản là xâm lược, chúng nêu cao tinh thần dân tộc nhưng là một
thứ “nguỵ dân tộc” rất phản động. Hơn nữa, chúng lợi dụng triệt để mọi yếu tố lạc
hậu trong những di sản văn hoá như mê tín dị đoan, như những phong tục lạc hậu, hủ bại, v.v… để mê hoặc nhân
dân và thanh niên. Chúng đề cao di sản văn hoá để nhằm đẩy nhân dân Việt Nam
lùi lại hàng thế kỷ sống trong những tình trạng lạc hậu, man rợ lỗi thời, để
chứng minh cho sứ mệnh khai hoá của thực dân. Cho nên thái độ đối với di sản
văn hoá của bọn nguỵ quyền tay sai, theo sự chỉ huy của những tên quan thầy
thực dân là việc xuyên tạc toàn bộ di sản văn hoá của dân tộc, tạo ra một tinh
thần “nguỵ dân tộc”, vừa khai thác lợi dụng triệt để những yếu tố lạc hậu phản
động trong các di sản văn hoá.
Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một thái độ hết sức khoa học đối
với những di sản văn hoá của dân tộc. Đảng Cộng sản đã phân biệt rõ những yếu tố
tiến bộ, nhân đạo và dân chủ của các di sản, với các yếu tố lạc hậu phản động. Đảng
đã phân biệt rõ trong di sản văn hoá Việt Nam gồm có hai thành phần, một phần là
sản phẩm tinh thần của nhân dân lao động luôn luôn đấu tranh cho quyền lợi của
người lao động trong quá trình lịch sử và những cái gọi là “di sản văn hoá” của
giai cấp phong kiến thống trị tạo ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tập trung
sáng chói nhất những di sản văn hoá tiến bộ của dân tộc Việt Nam. Người vừa tiêu biểu cho tinh thần yêu
nước sâu sắc, tốt đẹp, vừa tiêu biểu cho một tình thương trong tinh thần cộng động,
đầy tính nhân đạo và dân chủ. Người đã nêu cao ý chí “thà chết không làm nô lệ”,
“dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được độc lập”. Người đã
nói những câu nói nổi tiếng : “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta
phải cùng nhau giữ nước”. Những câu nói xúc động hàng triệu trái tim người Việt
Nam mà đặc biệt là thanh niên Việt Nam. Người lại nêu cao một chân lý của
thời đại : “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Suốt cuộc sống của Người, Người
bày tỏ tình thương yêu sâu xa với toàn dân tộc, với từng lớp người : phụ nữ, phụ
lão, thanh niên và đặc biệt với các dân tộc thiểu số, với các thiếu niên nhi đồng.
Và khi Người “đi xa”, Người còn di chúc “để lại muôn vàn tình thương yêu” cho
nhân dân Việt Nam. Lời kêu gọi thống thiết của Người :
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết ; thành công, thành công, đại thành công”
mang theo âm hưởng hào hùng của lời hô “Sát Thát” trong Hội nghị Diên Hồng thời
Trần. Khi đất nước còn bị chia cắt, Người đặt tay vào ngực và nói : “Miền Nam
luôn ở trong trái tim tôi” làm nhiều người không cầm được nước mắt. Nhiều người
Việt Nam kể cả các cụ già bằng tuổi và hơn tuổi
Người đã gọi Người một cách cung kính: “Cha già dân tộc”. Người xưng “Bác” một
cách thân tình với mọi người từ các đồng chí Trung ương uỷ viên của Đảng, đến các
cháu thiếu niên, nhi đồng.
Tinh thần yêu nước cách mạng ấy, lòng
thương yêu cao cả ấy, tinh thần nhân đạo và dân chủ trong tác phong, trong quan
hệ của Người luôn luôn như một ánh sáng kỳ diệu cổ vũ mọi người, sưởi ấm mọi người.
Chính những điều đó, những tinh hoa của các di sản văn hoá Việt Nam đã tạo nên
cho toàn dân Việt Nam một tinh thần anh hùng cách mạng kiên cường bất khuất, ai
nấy đều quyết tâm hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giành cho được độc lập và
thống nhất nước nhà, đã đoàn kết nhân dân Việt Nam triệu người như một làm nên
một sức chiến đấu vô địch “Kẻ thù nào cũng đánh thắng” – Phát huy truyền thống,
dân tộc Việt Nam đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược vào loại mạnh nhất một thời: đánh bại quân Nguyên thế kỷ XIII, đánh bại quân Minh thế kỷ XV và quân Thanh
thế kỷ XVIII. Điều đó dấy lên trong tâm hồn người Việt Nam một niềm tự hào cao cả, nâng cao thêm
sức mạnh để chiến thắng đế quốc Mỹ, kẻ xâm lược mạnh nhất thế giới trong thế kỷ
này.
Tất cả những
điều trên được thể hiện ở phẩm chất và hình ảnh cao đẹp của quân đội nhân dân
Việt Nam mà Chủ tịch Hồ
Chí Minh đích thân xây dựng, chỉ huy và giáo dục. Đội quân vô địch này được
nhân dân tặng danh hiệu thân yêu: “Bộ đội Cụ Hồ” và mỗi cán bộ và chiến sĩ
được coi là “anh bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi người dân nhận được những lợi ích của cách
mạng đem lại đều nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh : bát cơm Cụ Hồ, hạt muối Cụ Hồ,
viên thuốc Cụ Hồ,…
Quân đội nhân dân Việt Nam là một đội
quân mà “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng
đánh thắng”, là một đội quân cán bộ, chiến sĩ thương yêu nhau như anh em ruột
thịt, vừa chiến đấu dũng cảm chống quân thù, vừa xả thân để cứu tính mạng, tài
sản của nhân dân.
Sống trong nhân dân như con em mọi nhà,
đội quân ấy là trường học tốt đẹp cho mỗi thanh niên, có lòng nhân đạo cao cả,
biết khoan nhượng rất mực đối với những kẻ thù đã bị bắt và xin hàng. Đội quân ấy
gắn bó với các lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng bán vũ trang (dân quân
tự vệ) cùng nhau đoàn kết chiến đấu, vừa là đội quân tuyên truyền đường lối chính
sách của Đảng trong nhân dân, vừa mang ánh sáng văn hoá (chống nạn mù chữ, hoạt
động văn nghệ) đến các vùng khác nhau của đất nước.
Tình đoàn kết thương yêu của nhân dân
cả nước là một bước phát triển tốt đẹp của truyền thống tình thương trong dân tộc
Việt Nam. Các dân tộc thiểu số cùng với dân tộc
Việt sống trong đại gia đình Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, cả nước
nô nức hưởng ứng lời kêu gọi “Bát gạo khao quân” của Bác Hồ để nuôi bộ đội đánh
giặc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân miền Nam luôn hướng về
Trung ương và Bác Hồ ở miền Bắc, luôn hăng hái thi đua chiến đấu lập công để dâng
lên Bác, để hưởng ứng lời kêu gọi của Bác để Bác sống lâu, Bác vui lòng, như một
đàn con ở xa luôn nghĩ về người cha thân yêu trong một gia đình. Nhân dân miền
Bắc suốt những năm đánh Mỹ luôn nghĩ đến “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền
Nam ruột thịt” và vì miền Nam, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một
người” – hàng ngày, hàng giờ tăng thêm sản phẩm “vì miền Nam” sẵn sàng đổ máu để
“chia lửa” với đồng bào miền Nam, bảo đảm đường tiếp tế cho miền Nam với khẩu
hiệu khảng khái và thiết thực: “xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Tất cả không khí đoàn kết thương yêu
nhau trong kháng chiến đều là tiếp tục những tinh thần cao đẹp trong các câu ca
dao có từ xưa: “lá lành đùm lá rách”, “sẻ cơm, nhường áo”, “chị ngã, em nâng”,… và mang những ý nghĩa cách mạng hết sức rực rỡ.
Chúng ta có hai khái niệm:
Truyền thống dân tộc để nói về các
truyền thống được truyền lại từ nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Truyền thống cách mạng để nói về các
giá trị tinh thần mới được phát huy cao lên trong thời đại có Đảng Cộng sản lãnh
đạo.
Truyền thống cách mạng nối tiếp truyền thống dân tộc, phát huy và nâng cao truyền thống dân tộc. Truyền thống cách mạng đã qua và tạo nên những giá trị tinh thần mới vừa đậm đà màu sắc Việt Nam vừa mang ý nghĩa thời đại mới. Những giá trị tinh thần ấy cũng tạo nên bản chất của nền văn hoá Việt Nam hiện nay đang phát triển.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Truyền thống cách mạng nối tiếp truyền thống dân tộc, phát huy và nâng cao truyền thống dân tộc. Truyền thống cách mạng đã qua và tạo nên những giá trị tinh thần mới vừa đậm đà màu sắc Việt Nam vừa mang ý nghĩa thời đại mới. Những giá trị tinh thần ấy cũng tạo nên bản chất của nền văn hoá Việt Nam hiện nay đang phát triển.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét