Ông Nguyễn Sơn có vóc người vạm
vỡ rắn chắc khuôn mặt vuông, tóc quăn và rậm, da bánh mật. Ngày tôi biết ông
ấy, không rõ ông đã bao nhiêu tuổi nhưng mặt đã có nếp nhăn.
Tôi thấy ngay rằng
ông là bậc đàn anh, một đàn anh có tham dự cuộc Trường chinh bên Trung Quốc.
Còn ông thì xem xét cái này cái kia, không nói gì, song qua thái độ biểu hiện
xem chừng ông có ý xem thường. Ông cũng hỏi dăm ba câu như: “Cậu năm nay bao
nhiêu tuổi, ở Hà Nội thì đi bộ đội được bao nhiêu! Bộ đội ở những đâu, thành
phần trong các đơn vị như thế nào?”. Loanh quanh những vấn đề tương tự như
thế. Phần tôi trong lần gặp ấy có ấn tượng được gặp vị mà cụ Hồ thường bảo “thân
kinh bách chiến”, nghĩa là một vị tướng chỉ huy cực kỳ dày dạn chiến trận ở nơi
nổi tiếng là ác liệt. Tôi lưu ý đến ông cũng là điểm ấy. Cho đến ngày ông làm
Tư lệnh Quân khu IV, ông là người có sáng kiến tổ chức đại hội tập, sau đấy các
quân khu bắt chước tổ chức theo.
Đại hội đầu tiên tổ chức ở Thanh
Hóa. Núi Nưa là nơi diễn tập các môn. Tôi và Thanh dẫn đầu một đoàn cán bộ văn
nghệ sĩ như các ông Nguyễn Xuân Khoát, Mai Văn Hiến, Nguyễn Công Hoan. Nói là
đi vào khu IV công tác nhưng dụng ý của lãnh đạo là sơ tán anh em khỏi Việt
Bắc, tránh trận càn của địch lên Việt Bắc vào gần cuối năm 1947. Khi tôi tới
trình giấy tờ, ông Sơn thấy danh sách có tên mấy nhà văn, liền hẹn mời đích
danh các ông, còn cán bộ chính trị, ông không nhắc tới.
Tôi liền dẫn mấy ông nhà văn vào
phòng khách, là gian đầu của cái nhà tranh vách đất, có bộ ghế mây cũng tươm
tất. Tôi kéo ghế ngồi lại. Ông Sơn chào khách:
- Hôm nay thấy có các anh văn
nghệ sĩ, tôi mời các anh lại nói chuyện văn nghệ chơi.
Nhìn thấy tôi cũng ngồi lại, ông
chỉ vào mặt bảo:
- Mày ngồi đây làm gì? Mày thì
biết chó gì văn nghệ.
Ông bổ báng
như vậy, nhưng tôi cũng hiểu là lời nói thân tình theo phong cách của ông. Hơn
nữa ông ấy cũng nói một sự thật – tức là tôi mới là học trò đi bộ đội thì chưa
biết gì nhiều thật. Còn các vị kia đều là người có tên tuổi, đều có tác phẩm,
ông ấy muốn nói chuyện với họ. Tôi đáp:
- Tôi muốn
ngồi nghe các anh nói chuyện để học tập!
Ông ấy liền
bảo:
- Ừ, thì cứ
ngồi đấy.
Rồi ông ấy
bắt đầu câu chuyện. Ông bình luận trên trời dưới đất. Phải thừa nhận là nhờ ông
mà tôi mới đọc được chữ Trung Quốc và cũng như mới biết được tên một số tác giả
lớn của nước Nga như Mácxim Gorki, Erenbua, Phađêép và các ông Lécmôntôp, Trécnưsepski,
Gôgôn.
Hôm ấy ông
ta nhắc đến hết, làm tôi hoang mang thật sự. Tìm đâu được Gôgôn để đọc mà ông ấy
ca ngợi đến thế. Lần đầu tiên tôi được nghe đến tên tác giả “Những linh hồn
chết”. Mà ông ấy thì thông kim bác cổ. Tôi hỏi ông, đọc Gôgôn bằng tiếng gì? Ông
nói bằng tiếng Trung Quốc – không lẽ Trung Quốc đã dịch Gôgôn từ thời ấy? Vừa
trò chuyện, ông đưa cả rượu và kẹo ra mời khách, thật sự là một cuộc tiếp xúc
rất là văn nghệ, không có công tác công tiếc gì cả.
Thời ấy,
dân văn nghệ tập trung ở khu IV khá đông. Ông Nguyễn Tuân biết có ông Nguyễn
Công Hoan vào thì nhắn mời đi uống cà phê một chầu. Tôi là trưởng đoàn nên cứ
các ông ấy đi đâu thì tôi cũng có thể đi theo. Tôi biết hai ông này mà gặp nhau
ắt có lắm chuyện thú vị nên tôi đi cùng. Tôi rất sung sướng được ngồi với hai
nhà văn lớn mà thời đi học đã bò ra đọc các tác phẩm của các vị. Tôi ngồi hóng
chuyện và quả là lý thú thật. Ông Nguyễn Công Hoan là người rất vui tính thích hài hước. Ông đã khởi
đầu bằng một câu chuyện hài về ăn uống làm chúng tôi cười nôn ruột, tiếc là lâu
ngày nên tôi quên nội dung. Ông Nguyễn Tuân hưởng ứng đáp lễ, dí dỏm kể chuyện
đi ăn mỳ, thật khó mà tái hiện đầy đủ cái chất Nguyễn Tuân ngất ngưởng. Ông rủ
rỉ tả cái tiệm mì của một Hoa kiều. Ông vào gọi một bát mì, ngồi mãi không thấy
gì mới giục:
- Sao lâu thế?
- Dạ xin xong ngay đây ạ.
Tay chạy bàn đem ngay bát nước mắm
để trên bàn. Mình yên chí ngồi đợi với hy vọng có ăn ngay. Nhưng đã lâu lắm vẫn
không thấy bưng mỳ lên. Mình lại giục, nó lại giòn giã cao giọng bảo:
- Dạ. Có ngay đây!
Một đĩa rau thơm lại tiếp lời dạ
theo ra bên bát nước mắm. Và không còn gì hơn nữa đến hàng chục phút. Bụng như
sôi lên. Lần thứ ba này mình không thèm giục mà quát thẳng thừng. Thêm được đủ
bộ cái bát con, đôi đũa và cái thìa. Và chỉ có thế! Lại đành bấm bụng ngồi đợi… đợi… đến gần phát khùng thật sự thì nó mới bưng bát mỳ ra. Một bát mỳ khói
bốc nghi ngút. Nguyễn Tuân đến lúc này cũng đói mềm, tính ăn ngay. Chỉ sự chờ
chực đã làm mỳ quá ngon rồi. Nhưng vốn tính thận trọng hay quan sát trước khi
ăn và thấy bát mỳ có một con ruồi chết trong đó. Đang đói meo nhưng vì bực quá
quên cả đói, mình mới gọi bồi lại:
- Lại, lại lại đây!
Nguyễn Tuân
tự nghĩ mình là trí thức nên đắn đo giữ cử chỉ hành động như thế nào cho tế nhị
chứ không muốn trở thành thô lỗ như kẻ phàm ăn khác.
Tên bồi lại gần hỏi: “Thưa cái
gì ạ?”
Tớ không thèm nói mà chỉ tay vào
bát mỳ có dụng ý trách nó là bát mỳ có ruồi chết. Nó nhìn và trả lời thật thản
nhiên:
- Ờ... bát mỳ, thưa bát mỳ đấy
mà!
Tức lộn ruột mà vẫn phải giữ tư
thế trí thức, mình chỉ vào con ruồi. Hình như nó vẫn chưa nhìn ra, nó lại bảo:
- Ờ... bát mỳ đấy mà!
Đến nước này cứ trí thức lịch sự
không xong mình mới bảo:
- Nhưng mà có một con ruồi!
Nó chăm chú nhìn con ruồi, ngẩng
lên bảo:
- Ờ con ruồi nó chết đấy mà.
Tức quá mình quát to:
- Nhưng ruồi nó chết trong bát
mỳ!
Nó bình thản đáp lại:
- Ờ, tại mỳ nóng quá đấy mà!
Thế là
Nguyễn Tuân bụng đói cồn cào phải đứng lên trả tiền bát mỳ đi ra không dám ăn,
cũng không dám không trả tiền vì phải giữ tư thế của... vị trí thức. Câu
chuyện là thế, nhưng cái chất Nguyễn Tuân làm cho nó rất mực bi hài.
Lại một lần không biết đi
đâu đấy, Quân khu đưa xe díp đón cả đoàn. Bảy tên lên xe đi hơn chục cây số.
Thế là sau đó ông Nguyễn Công Hoan hễ đi bộ là than thở: “Úi giời, mình đi xe díp
nó quen rồi, giờ đi bộ sao ngại quá!”. Chục cây số đi xe tai hại thế làm
Nguyễn Công Hoan muốn quên thói quen đi bộ. Đi với các vị thì cứ như vậy,
chuyện không đâu cũng được các ông chế biến, làm cả đoàn vui cười dọc đường.
Sau đó, chúng tôi gặp lại ông
Nguyễn Sơn ở đại hội. Vẫn thói quen mặc bộ pijama lụa, lụa nâu hay lụa đà, đạp
xe đua đi chơi phố. Ông ấy rất bình dân và dân chúng ở đây đều biết Nguyễn Sơn.
Có buổi văn công biểu diễn văn nghệ nhưng chuẩn bị chưa kịp để mở màn thì ông
ra... diễn thuyết. Một buổi diễn thuyết không chủ đề, không có dàn bài gì cả.
Ông kể hết chuyện nọ đến chuyện kia, chuyện các làng đánh du kích thiên biến
vạn hóa. Ta chiến thắng ra sao! Kháng chiến nhất định thắng lợi vì sao! Cách
nói của ông thật nôm na và không kém hài hước làm cho người nghe cười tức bụng. Nhiều lúc khán thính giả rộ lên vỗ tay nhiệt liệt.
Nói một thôi, ông lại vạch màn ngó vào trong hỏi: “Xong chưa?” Rồi ông lại
đóng màn quay ra bảo: “Văn công vẫn chưa chuẩn bị xong, tôi xin phép lại nói
tiếp nhé”. Cứ thế đến ba lần. Mỗi lần trở lại, ông vẫn tiếp tục câu chuyện vừa
dừng lại và đám đông lại vui cười như sấm. Lần ấy, tôi trú ở nhà một chị độ ba
mươi tuổi, đã có con và cũng rất ham xem văn công. Ở nông thôn kháng chiến hễ
có buổi văn công biểu diễn là không một ai bỏ qua. Thấy chị, tôi hỏi cảm tưởng:
“Chị thấy văn nghệ thế nào?” – “Hay, hay lắm, vui lắm!” – “Thế tiết mục nào
chị thích nhất?” – “Thích nhất tiết mục ông Sơn”. Với chị, ông Sơn đã thành là
tiết mục văn nghệ hay nhất! Tôi cứ nhớ mãi lời nhận xét đánh giá đó.
Đúng là ông Nguyễn Sơn rất được
quần chúng ưa mến. Còn giới trí thức thì đánh giá ông là nhà hùng biện. Người
ta đồn nhiều và tỏ rõ sự thán phục ông trong việc nói truyện Kiều, điều này tôi
không được biết. Còn thỉnh thoảng nghe ông nói về văn nghệ thì tôi bái phục sự
hiểu biết của ông ấy, kể cả về văn học thế giới. Hồi ông ấy mới về nước, tôi
thừa nhận ông có nhiều điều bất bình, như khi phong ông là thiếu tướng thì định
không nhận. Mọi người đến mừng thì ông đã vặc lại: “Chúc mừng cái đ. gì! Tao
thừa tướng chứ thiếu ... sao!” Đợt phong đầu tiên năm ấy có mấy ông: ông Văn đại
tướng. Ông Nguyễn Bình trung tướng, rồi các ông Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn... Điều
đó cho ta thấy rõ là ông không bằng lòng cách sử dụng ông và cấp bậc phong.
Thoạt đầu tiên ông làm Tư lệnh quân khu V hay là chỉ huy
mặt trận trong đó thì tôi không nắm chắc, chỉ biết là lúc đó ông có viết một
bài phân tích kinh nghiệm trận đánh, tên bài là “Trận Phú Phong”, còn ông đánh
đấm ra sao tôi không rõ. Sau đó ông ấy ra làm tư lệnh khu IV, ông ra ngay tờ
báo mang tên “Tiền Phong” hay gì đó, ông viết nhiều bài trong đó, chủ yếu là về
quân sự. Ông phê bình chế độ chính ủy tối hậu quyết định mà ông không tán
thành. Chắc là ông có những ý kiến đụng các ông khác. Thế rồi ông xin trở lại
Trung Quốc và Bác Hồ đồng ý.
Cũng dịp này tôi được phái sang
Trung Quốc chuẩn bị việc đưa quân sang huấn luyện. Ông Nguyễn Sơn được tổ chức
ghép vào cùng đi với chúng tôi. Đến biên giới thì có xe GMC đón đi Nam Ninh. Cả
đoàn phấn khởi vui sướng lắm. Yên vị trên xe, ông Nguyễn Sơn bảo:
- Thế là tao cùng đi với chúng
mày!
Tôi đáp:
- Được đi cùng anh vui lắm.
Dọc đường tôi có hỏi:
- Tại sao anh đòi trở lại Trung
Quốc như vậy?
- Trung Quốc mới là Tổ quốc của
tao.
- Thế về Trung Quốc anh định làm
gì?
- Tao có ý định lập một đoàn
kinh kịch! Tao sẽ làm trưởng đoàn dẫn quân đi diễn khắp các nước trên thế
giới.
Tôi hỏi:
- Thế liệu anh có về Việt Nam diễn không?
- Đi các nước thì đi, chứ không
thèm về Việt Nam.
Trên đường đi, ông ấy giải thích
để tôi hiểu kinh kịch. Đường đi từ Tĩnh Tây đến Nam Ninh thì mấy trăm cây số
phải qua một vùng không an toàn còn nhiều thổ phỉ và tàn quân Tưởng Giới Thạch,
qua cái đèo gọi là Ma Thiên Lĩnh. Ông Nguyễn Sơn giải thích Ma Thiên Lĩnh là
núi chọc trời, ở Trung Quốc thì có nhiều. Ngày trước tôi đọc chuyện Tàu có tên
này, nay được đi qua thấy vừa thích thú vừa phiêu lưu. Bộ phận quân sự ở Tĩnh
Tây ngày đó tôi không biết là cấp gì những đã lưu chúng tôi lại, nói để tổ chức
chuyến đi cho chu đáo. Lúc lên xe họ đưa tôi và ông Sơn lên chiếc có chữ “đặc
đẳng an toàn”. Ông Sơn bảo: “Xe này tốt lắm
đây. Bên này có mấy cấp an toàn, đi loại xe này là thuộc cấp an toàn cao nhất,
lái xe là loại rất giỏi, là những người lái một thời gian dài không để xe va
quệt, không để xảy ra tai nạn thì được phong là “đặc đẳng an toàn”. Có quý
chúng mình lắm thì mới bố trí như thế này”. Tay lái này
quả thực là giỏi. Anh là đại đội trưởng chỉ huy đại đội, tuyên bố:
- Dọc đường đi xin đồng chí Hồng
Thủy làm chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ huy. Chúng tôi nhất nhất tuân lệnh đồng
chí!
Ông Nguyễn Sơn thời ở Trung Quốc
lấy tên là Hồng Thủy, là Đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông từ chối, nói:
- Không được. Tao là khách. Việc
chỉ huy là ở chúng mày. Quân đội chúng mày sao tao lại chỉ huy?
Tay kia nhất định không chịu. Thế
là ông Sơn buộc
phải nhận chỉ huy. Đi qua Ma Thiên Lĩnh còn thấy xác xe hàng bị cướp đổ nghiêng
hai bên lề đường, đồ đạc quần áo vương vãi xung quanh mấy xác xe, tuyệt không
thấy người. Tay đại đội trưởng báo cáo ông Sơn kế hoạch đi tiếp. Cả đoàn xe có đến cả
chục chiếc tạm thời dừng lại. Phái một trung đội đi lên trước chiếm lấy một
điểm cao có thể khống chế được một vùng với đường kính vừa tầm đạn. Đoàn xe
tiến lên phía sau và cứ thế cuốn chiếu qua quãng đường dài mấy chục cây số. Tay lái chiếc xe tôi ngồi phóng ghê
lắm. Đặc biệt là cậu ta cứ đổ dốc là tắt máy, là lối đi rất mạo hiểm, xe lao
như tảng đá lăn dốc. Không thuộc đường, tay lái không nhạy, không chắc thì
không thể tránh nổi tai nạn. Ông Nguyễn Sơn cũng lạnh gáy, ông ấy nói riêng với
tôi: “Tao ghê thằng này quá! Tao không sợ trời, không sợ đất mà sợ thằng lái
này”. Sau, ông phải bảo tay đại đội trưởng nhắc tay lái kìm hãm bớt lối đi quá
mạo hiểm. Từ đó, khi đổ dốc xe vẫn giữ máy nhưng máu hăng của lái xe vẫn không
giảm. Đoạn đường vun vút qua mắt, vòng cua này bẻ cua kia cứ lẹ làng như cỗ máy
tự động điều khiển, xe cứ trôi đều êm ru. Phải thừa nhận tay này lái hay như
một nghệ nhân điều khiển xe, làm người ngồi vừa sợ vừa thú vị. Chuyến đi kéo
dài hai ba ngày. Thường đến đêm thì đoàn xe dừng lại ở một thị trấn để xả hơi,
là dịp ông Sơn rủ tôi đi uống rượu: “Phải làm chén rượu! Mày đi với tao!”
Tôi nhận lời nhưng giao hẹn trước: “Tôi đi nhưng không biết uống ruợu. Tôi
ngồi chơi với anh, còn anh uống nhé!” Ông nhất định không nghe, buộc tôi nhất
quyết phải uống. Đến là khổ sở. Đến Nam Ninh hai chúng tôi được đón vào một cái
biệt thự. Người đầu tiên đến thăm là bí thư Trương. Ông tới thăm Hồng Thủy chứ
không phải để thăm tôi. Hai ông gặp nhau mừng ra mặt, chuyện trò rôm rả. Còn
tôi thì chầu rìa. Mãi đến phút cuối cùng ông ấy mới bảo tôi rằng mai vào Quân
khu mà gặp đồng chí tư lệnh Quân khu nắm tình hình. Chỉ thế thôi ! Ông Trương
từng cùng ông Sơn dự cuộc Trường chinh nên nay gặp nhau tay bắt mặt mừng là
phải, ông Trương còn mời ông Sơn xem buổi kinh kịch ở Nam Ninh. Ông Sơn bảo tôi: “Mấy hôm nữa mày đi xem với tao. Tao sẽ giải thích thêm để mày hiểu thế nào
là kinh kịch”. Hôm sau tôi định vào làm việc với Quân khu. Tôi phàn nàn với ông
Sơn: “Tôi không biết tiếng Trung Quốc mà
phiên dịch thì không có!”. Ông Sơn liền bảo:
- Tao sẽ
phiên dịch cho mày nhưng mày định bàn những gì với Quân khu? Nói trước cho tao
nghe, tao sẽ dịch cho.
Tôi cho ông
hay là phải bàn định ngày giờ đưa bộ đội sang, chỗ ăn ngủ của bộ đội, chế độ ăn
uống, cung cấp như thế nào? Việc lĩnh vũ khí, chương trình huấn luyện ra sao?
Nghe tôi nói xong ông ấy bảo:
- Ờ, thế thì được rồi.
Khi tới nơi, ông gặp ông Lý
Thiên Hữu, cũng lại là bạn thân cũ. Các ông đón chào nhau cực kỳ niềm nở, còn
với tôi thì nhạt nhẽo và trong câu chuyện tôi lại giữ vai trò ngồi chầu rìa.
Ông Sơn bắt đầu câu chuyện của chúng tôi với ông Lý. Nửa giờ trôi qua, ông Sơn
nói với tôi:
- Thôi xong rồi, đi về.
Rồi ông ấy lại nói:
- Thôi thế này nhá! Mày lấy sổ
ra ghi. Tao đã thảo luận với ông Lý rồi. Ông ấy đồng ý những điểm này rồi:
ngày giờ sang này, quân trang quân dụng này, chế độ ăn, chế độ tiêu vặt như thế
này, cán bộ, chuyên gia huấn luyện, cố vấn bao giờ tới và đón tiếp ra sao, ba
tháng học bắt đầu từ ngày nào và kết thúc lúc nào... Thôi, tao đã bàn đủ các
vấn đề đó, mày cứ thế mà làm. Xong nhé! Đi về! Thật đúng là phiên dịch “bố”!
Ông ấy bảo mình thông báo trước rồi căn cứ vào đó ông ta bàn bạc hết. Phần tôi
đúng là chầu rìa vì suốt buổi không phải nói một câu, không được hỏi lấy một
lần. Nhưng nghĩ lại thì ông ấy làm thế cũng phải vì hiểu biết của ông ta bao
trùm lên những chuyện mình cần đưa ra. Hơn nữa, tiếng tăm ông ấy thông thạo như
tiếng mẹ đẻ. Chuyện để dịch từng câu nói chỉ thêm lủng củng, phiền hà mất thì
giờ vô ích. Những điều phải xử lý ông ấy làm chính xác hơn là có mình tham gia.
Tôi thừa nhận cung cách của ông vừa gọn, lại đạt mọi yêu cầu nên cũng chẳng tự
ái gì cả, cảm thấy nhẹ mình. Đến bữa đi xem chiếu bóng. Xảy ra chuyện “ông” cần
vụ của tôi thú vị quá cứ ồ à như ở chỗ không người. Trước khi đi xem, anh thư
ký cẩn thận nhắc tôi: “Anh phải dặn tay cần vụ đi thì giữ im lặng mà xem, cứ
rống lên làm anh em xấu hổ lây”. Trước khi lên xe, tôi căn dặn: “Này xem thấy
gì hay không được la tướng lên, người ta cười đấy”. Thế mà đến cảnh con trâu đi
lại nó lại hét to: “Trâu bước!”. Đến cảnh em bé trèo cưỡi trâu thổi sáo thì
cậu ta thật sự quên mình đang ở đâu, nói cười như vừa có một khám phá vĩ đại.
Ngượng quá tôi cấu đùi nó khá đau mà nó cứ như không hay biết.
Hôm đi xem kinh kịch là đi cùng
ông Trương và cả ông Lý. Lúc chờ mở màn, tôi thấy ông Trương bảo ông Hồng Thủy
lên nói chuyện. Tôi tò mò hỏi: “Ông ấy bảo nói cái gì đấy?”. Ông Sơn cười rồi
nói: “Ông ấy bảo tao lên nói chuyện ngày xưa đi Trường Chinh với bộ đội giải
phóng. Thời ấy cứ đến buổi xem văn nghệ, khoảng thời gian đầu chờ màn mở thì
lại thượng tao lên nói chuyện với khán giả. Nhưng mà bây giờ ở đây nói thế nào
được”. Ông kia cứ giục: “Hồng Thủy lên nói đi”. Sau đó ngồi xem buổi diễn kinh
kịch, ông Sơn giải thích cho tôi hiểu từng động tác của diễn viên dụng ý miêu
tả cái gì. Phải thừa nhận ông hiểu rất sành sỏi và có cách thưởng thức thật
tinh tế.
Nhiệm vụ hoàn thành, tôi trở về
nước, còn ông Sơn tiếp tục đi. Tỉnh Nam Ninh tổ chức bữa tiệc tiễn đưa tôi,
đồng thời cũng tiễn đưa ông Sơn lên đường, mà cũng là cách để ông Sơn tiễn tôi
trở về. Tiệc thì có rượu, người được tiễn phải uống rượu đáp lại thịnh tình của
chủ bữa tiệc. Đó là chuyện cực hình đối với tôi. Tôi không uống được rượu, đến
bia cũng làm tôi khó chịu. Từ hôm đến đến giờ, bạn bày rượu ra uống, tôi cứ cầm
lên đặt xuống hoài. Hôm nay tướng Sơn ngồi bên cứ dọa:
- Này, người ta mời mà không cố
gắng uống thì chẳng há là khinh người ta sao? Mình đang muốn nhờ vả thì phải
ráng làm vui lòng người ta chứ!
Nghĩ lời ông cũng có lý, tôi
không dám từ chốí. Tướng Sơn lại ép:
- Mày uống mà không cạn chén là
không được đâu! Có uống cạn với thái độ sởi lởi thì mới làm người ta vui lòng.
Tan tiệc, tôi phải bám chặt tay
vịn cầu thang nơi lết nổi về tới phòng ngủ. Sáng hôm sau, ông ấy vui vẻ hỏi
thăm: “Thế nào đêm qua về thấy thế nào?”
Nhìn ông thấy lộ vẻ thích thú
như đã thực hiện được một trò đùa. Lúc chia tay, tôi rất bùi ngùi, nghĩ bụng:
Một con người đất nước đang cần mà lại bỏ ra đi! Ông lưu lại nơi tôi một sự
luyến tiếc day dứt. Suốt cả chặng đường ông đã đối xử với tôi rất thân tình và
đầy cá tính Nguyễn Sơn.
Sau này tôi
có nghe người ta nói lại là ở Trung Quốc ông làm Cục trưởng Cục điều lệnh mà
cấp là thiếu tướng hay trung tướng gì đó. Về sau bị đau ốm, ông đoán mình không
qua nổi, có nguyện vọng muốn chết ở Việt Nam nên đã đưa
ông về điều trị ở bệnh viện Việt Xô. Ông Nguyễn Sơn mất năm 1956.
Ông sinh năm 1908, thọ được 49 tuổi. Ra đi quyết không trở lại, mà khi chết lại
tha thiết muốn về nước! Đó là cái uẩn khúc của tâm linh con người!
Ngày 31/12/1993, Hội Khoa học
lịch sử Việt Nam tổ chức một cuộc sinh hoạt
tưởng niệm tướng Nguyễn Sơn lần thứ 85 ngày sinh, có rất nhiều bài viết hay.
1995
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét