Tháng Tám hàng năm là mốc thời gian chuyển sang tuổi mới của Mẹ, tuổi 100. Có lẽ thế gian này người ta chỉ mới biết đến sinh nhật, tức là ngày sinh. Riêng Mẹ, cuộc vui kéo dài cả tháng. Thế mà Mẹ vẫn bình thản như mọi ngày, lần giở mớ quần áo của mình, hết dỡ ra rồi gấp lại, vuốt vuốt… Thỉnh thoảng Mẹ nói vài câu vu vơ, không hiểu câu chuyện đặt vào thời điểm nào cho hợp lý. Chỉ khi Mẹ nhắc mọi người đóng cửa kẻo trộm vào thì mới biết là Mẹ vẫn tỉnh táo đấy!
Mẹ nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng năm 2012 |
Nhà Mẹ nghèo, đến lo ăn còn chưa xong, nhớ sao được ngày sinh tháng đẻ. Mãi đến khi lập hồ sơ lý lịch công chức, người ta mới xác định được năm sinh của Mẹ. Thế rồi các văn bản giấy tờ cần ghi đủ cả ngày, tháng… Người ghi hồ sơ nhanh trí điền số 8 vào mục tháng vì thời đại ấy mặc định rằng Cách mạng mùa Thu đã sinh ra thế hệ các cụ. Như thế là các loại giấy tờ quan trọng như Chứng minh thư Nhân dân, Thẻ Đảng chỉ ghi vào mục “Ngày sinh” là tháng 8 năm 1921 (không ghi ngày). Mấy lần, các con xin phép tổ chức sinh nhật cho Mẹ nhưng bị từ chối. Mẹ bảo chúng mày làm tế sống tao à! Thực ra Mẹ không muốn con cái tốn kém vào những bữa ăn, hoa hoét, quà tặng. Cả một đời Mẹ sống vì những người khác. Đến những bữa ăn gia đình, Mẹ còn nhấp nhổm không yên, chạy ra chạy vào sắp xếp chỗ ngồi cho cả nhà. Các con cứ hay nói đùa: Cụ còn lo giờ này nhân dân Liên Xô ăn cơm chưa?
Buổi
chiều, chờ Mẹ ăn xong, tôi ngồi xuống bên cạnh. Mẹ đưa bàn tay gân guốc như bàn
tay của lão nông sang sờ nắn cánh tay tôi. Cầm lấy bàn tay, Mẹ nắm chặt rồi lắc
lắc kiểu như các chính khách bắt tay nhau mà không nói một lời.
*
* *
Mẹ là người phụ nữ của gia đình truyền thống Việt Nam, mẫu người "luôn chân luôn tay", “hay lam hay làm”. Nhắc đến Mẹ hiện ra dáng hình người phụ nữ tất tả vội vã vì một việc gì đó. Nhớ lại thời gian ở Đường Thành, lúc Mẹ đang còn làm việc ở cơ quan Thương nghiệp,
một ngày vận hành cứ như một guồng máy. Sáng sớm vội vã đi chợ, đạp xe lên phố Tôn
Đản, rồi vòng về đầu Ngô Quyền mua gạo hoặc bánh mì. Về đến nhà, cất đồ đi chợ, dặn dò
mấy thằng con giai đang ngái ngủ, rồi đi ngay đến cơ quan. Buổi trưa, tong tả
về đến nhà lao ngay vào cơm nước. Thỉnh thoảng, bọn con giai, nếu không đi học
thì đã nấu xong cơm và luộc rau, mẹ chuẩn bị thức ăn mặn. Ăn cơm xong, đốc thúc
các con rửa dọn, mẹ tôi lại chuẩn bị bữa chiều như vo gạo, nhặt rau, rửa rau,
nhồi bếp… Xong bằng ấy việc, lại hấp tấp đạp xe đến cơ quan. Chiều về lại tiếp
tục lao vào bữa ăn, chuẩn bị gạo nước cho bữa sáng mai. Trong khi bọn con vừa
rửa bát vừa tán phét dưới bể nước thì mẹ tôi lại xoay trần ra xách nước, lau
nhà… cho đến mệt lả thì đi ngủ để sáng sớm mai lại lao vào vòng xoáy của
công việc.
Mọi việc trong nhà tưởng như đơn giản, nhưng với Mẹ, chúng đều có
những tiêu chuẩn ngặt nghèo. Ví như chuyện lấy nước, nước phải lấy từ vòi chảy
ra mới được dùng để nấu ăn. Đang hứng nước, có người ghé ca, bát vào miệng vòi “xin một tý”… lập tức
nước được phân loại: chỉ để lau nhà. Nước xách lên nhà phải leo qua hơn 20 bậc
cầu thang, rồi đổ vào tất cả các loại thau chậu để la liệt ngoài ban công.
Riêng nước “ăn” thì để vào cái xô nhôm có đậy điệm cẩn thận. Góc ban công có
một cái thùng gỗ to, loại đựng mỡ bò viện trợ trong chiến tranh, có thể chứa
được khoảng 200 lít nước, chuyên để dự trữ “chiến lược”, phòng khi thiếu. Nước trong thùng không được dùng đến
hàng ngày, đến nỗi lâu lâu phải thau rửa rong rêu, rác bụi…
Lau nhà thì kỹ càng vô cùng. Ngày nào cũng lau, tối thiểu phải ba
nước, khi nào nước lau nhà trong như nước lấy ra từ vòi mới đạt yêu cầu. Mà
ngày ấy lau nhà phải trực tiếp bằng giẻ lau, cứ lê la khắp nhà, vẹo vọ cả
người. Sau này, có con dâu, đứa nào có “vinh dự” được mẹ tôi sai lau nhà thì
chỉ có việc… lau thôi. Còn mọi việc mẹ tôi chỉ đạo hết: lau chỗ này, chỗ kia...
Rồi đưa khăn ra để mẹ tôi giặt, riêng việc này, con dâu không được làm.
Do làm lụng lao lực vất vả, năm 1967, mẹ tôi đã phải cắt bỏ một phần dạ dày, được chính bác sĩ Tôn Thất Tùng ra tay. Sau khi mổ, mẹ tôi được đi
nghỉ tại Hungary một thời gian khoảng 1 tháng (hồi đó tôi theo học trường Văn hóa Quân đội ở Quế Lâm nên không
biết cụ thể mọi việc thế nào). Thời gian sau này, mẹ tôi vẫn cường độ công việc
như thế, chả giữ gìn như lời bác sĩ dặn, bởi vì nếu không làm thì ai làm cho?
Thời gian về nhà 97 được 4 năm thì mẹ tôi nghỉ hưu. Ngoài việc chợ búa, bếp núc, lau nhà, mẹ tôi còn tham gia việc phố phường, làm bí thư chi bộ mấy khóa… Hình ảnh mà dân phố còn nhớ mãi là một bà cụ gày gò, lưng còng, sáng sớm ra quét sạch cái vỉa hè rộng trước nhà. Bà làm cái việc đó nhẹ như không, chả cần ai hô hào, vận động hay phân công công việc. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của anh Trần Thắng kể khi Mẹ tôi vào ở với anh ấy trong Nam: sáng sáng bà bắc cái ghế ngồi ngoài cửa nhà. Không phải để ngắm phố phường gì cả, mà chỉ là theo dõi cái đèn đường trước cửa. Thường thì có người trông nom, đi qua tắt cái công tắc ở chân cột lúc 6g00 sáng. Nhưng có hôm trời sáng quá rồi, ánh nắng chiếu loang loáng trên mặt đường, mà đèn vẫn sáng. Bà ngồi không yên, nhấp nhổm liên tục. Đợi lúc vãn xe cộ, bà vụt băng qua đường, với tay tắt bằng được cái công tắc trên cao. Trong sân nhà 97 có cây kim giao của ông Độ cất công đem vè từ rừng Cúc Phương năm 1974. Lá cây kim giao to và dày, mùa thu rụng lả tả. Bà vừa quét sân vừa nhặt lá kim giao rụng. Thỉnh thoảng lại một, hai cái lá rơi xuống. Bà ngó lên cành cây, rồi ra ôm gốc cây kim giao, ra sức rung lắc để còn cái lá nào sắp rụng thì rơi mau để bà quét. Thế rồi thời buổi nuôi lợn phát triển, mẹ tôi cũng nuôi lấy vài lứa, ngày ngày rong ruổi xe đạp đi khắp phố phường nhặt đầu mẩu rau già, héo và nước gạo mang về, nấu cám nuôi lợn.
Những năm về lại nhà 97 xây mới, Mẹ tôi ở một nửa tầng 8, diện tích hơn 150 mét vuông. Dù đã gần tuổi 90 nhưng bà vẫn sống một mình, các con, các cháu chỉ thỉnh thoảng ngó qua. Hàng ngày, buổi sáng bà vẫn đi chợ. Thức ăn chỉ mua mớ rau, bìa đậu và thỉnh thoảng có chút thịt cá. Rau thì bà có thể ăn rau muống luộc quanh năm suốt tháng được. Riêng về món đậu phụ, bà kiên nhẫn chờ cô bé bán đậu mang dưới Thanh Trì lên khi gần 9g00 sáng. Bà ngồi dưới chân cột điện ngay đầu cửa chợ Tức Mặc, dáng vẻ lầm lũi nhẫn nại. Vậy mà, có thằng cu Tây ba-lô đi ngang qua, thương tình, dúi cho bà tờ 5 nghìn.
Đi chợ về rồi lại lủi thủi làm bếp. Bữa ăn rất đúng giờ, sáng thì
vào lúc 10g30, chiều đến 5g00 thì cơm nước xong xuôi cả. Nhớ lúc ở nhà anh Trần
Thắng ra, bà kể trong đó bà không được làm gì cả, cứ ngồi bó gối cả ngày trên
ghế, bứt rứt lắm, cho nên được hơn một năm bà đòi ra. Hôm bà ra Hà Nội, buổi
sáng đầu tiên ra chợ Tức Mặc, cả chợ đứng dậy xôn xao “bà còng, bà còng” làm bà
sung sướng ngất ngây. Biết tính bà, chúng tôi cứ kệ cho bà tự do đi lại, làm
lụng không ngăn cản, chỉ giám sát từ xa thôi. Vậy mà, có những lần anh Trần
Thắng ra Hà Nội, bà còn băng qua đường phố, sang tận ngõ Vạn Kiếp mua thức ăn
sáng. Lần ấy, bà chuẩn bị đi chợ thì gặp tôi, bà dặn: Đi đâu khóa chặt cửa,
không thằng kia – vừa nói bà vừa chỉ anh Trần Thắng, lúc đó gần 70 tuổi, đang
nằm trên võng – nằm chả để ý gì đâu! Cứ như cái thời các con bà mới năm bảy
tuổi đầu…
Mãi đến năm 95 tuổi, đột ngột cái chỏm cầu khớp đùi phải rời ra,
bác sĩ bảo xương của bà tự mủn ra thôi chứ không phải bị gãy. Bác sĩ có gợi ý
mổ để thay khớp háng bị gãy nhưng chúng tôi xin thôi, cứ để như vậy cho lành.
Hơn nữa, di chuyển khó khăn, bà bớt đi lại, làm lụng, gặp nhiều rủi ro bất trắc
hơn. Lúc này, chúng tôi mới tìm người chăm sóc cho bà. May thay, cô Thiệp,
người giúp việc cho nhà Trần Điền từ những năm 1980 nhận trông và ở với bà cho
đến tận ngày hôm nay. Khi về nơi ở mới, gần bệnh viện, chúng tôi có điều kiện
chăm sóc sức khỏe cho bà tốt hơn, để rồi bà nhẹ nhàng vượt qua tuổi 100.
Tháng Sáu năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét