Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Chúng tôi làm báo Vệ Quốc quân


Trước cách mạng tháng Tám, ở chiến khu, quân đội ta còn lấy tên là Quân Giải phóng, lúc đó báo quân giải phóng cũng đã ra được hai số rồi. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi tôi đến giao nhiệm vụ tiếp tục ra tờ Quân Giải phóng, và phải tiếp tục ngay số 3. 


Thẻ nhà báo Vệ Quốc Quân có chữ ký của Chủ nhiệm Báo Trần Độ
May mà trong những năm 39, 40 tôi đã hoạt động như người giúp việc cho đồng chí Nguyễn Thường Khanh (tức nhà văn, nhà báo Trần Mai Ninh) nên không đến nỗi lúng túng, dẫu công việc làm báo quả là mới mẻ đối với tôi. Báo ra bốn trang. Tên báo in chữ đỏ chói, giống như tờ báo Cờ Giải phóng của Đảng. Nhờ lực lượng tuyên truyền giỏi, nhờ những mẩu tin viết rõ ràng, ngắn gọn, kịp thời, nhờ sự lanh lẹ và linh hoạt của các chú thiếu nhi bán báo, nên tờ Quân Giải phóng bán rất chạy. Tôi rất phấn khởi.
Nhưng đến số 5 thì báo phải đổi tên. Vì sao phải đổi tên? Bác Hồ cho gọi tôi lên giải thích. Bọn Tàu Tưởng sắp bám gót quân đồng minh vào nước ta. Chúng đòi tước vũ khí quân đội. Chính phủ ta giải thích cho chúng rõ, ta chưa có quân đội, chỉ có quân khởi nghĩa, do đó quân đội ta cần phải đổi tên lại là Vệ Quốc đoàn. Chữ đoàn có nghĩa là đoàn thể, chứ không phải là quân đội. Vì vậy tờ báo không thể mang tên Quân Giải phóng.
Việc đổi tên báo quả là một vấn đề! Cầm chắc số lượng in sẽ bị hạ. Tên báo lại không được in màu đỏ như Cờ Giải phóng, tờ báo của Đảng mà nhân dân tin cậy và háo hức đọc. Chúng tôi lấy tên báo là Chiến thắng. Đúng như tôi dự đoán số lượng báo hạ hẳn, ít người mua. Dù vậy tờ báo vẫn phải ra. Mỗi tuần một kỳ, mỗi số 8 trang, có khi mười trang.
Thời kỳ này, có sự lục đục giữa bọn Quốc dân đảng và Đại Việt trong sự tranh chấp Bộ Quốc phòng. Ta dùng chính sách mềm mỏng. Bên cạnh Bộ Quốc phòng ta thành lập Quân sự ủy viên hội gọi tắt là Quân ủy hội thuộc của Chính phủ Liên hiệp, có Vũ Hồng Khanh tham gia, cũng có Cục Chính trị do đồng chí Trần Huy Liệu làm Cục trưởng, tôi làm phụ tá. Còn Bộ Quốc phòng cũng có Cục Chính trị do Trung ương Đảng ta trực tiếp chỉ đạo.
Lúc đó trong quân đội ta có hai tờ báo: tờ Sao Vàng và tờ Chiến thắng. Đồng chí Trần Huy Liệu phụ trách tờ Sao Vàng.
Kháng chiến bùng nổ tôi vẫn phải làm chính ủy khu Hà Nội. Cục Chính trị chuyển lên Việt Bắc, Bộ tham mưu lúc này gồm có nhiều cục như Cục Quân giới, Cục Chính trị... Cục Chính trị do đồng chí Văn Tiến Dũng phụ trách.
Đến lúc này tờ báo của Quân đội xuất hiện lại và lấy tên là Vệ Quốc quân. Số l ra ngày 22/3/1947. Trên tờ báo ghi rõ: “Tờ báo của Quân đội Việt Nam”.
Đến số 5, báo ra mỗi tuần hai kỳ, đến số 9 lại ra mỗi tuần một kỳ. Trên đầu tờ báo ghi thêm: “Chính trị Cục, Bộ tổng chỉ huy phát hành”.
Khi báo ra đến số 8 (19/6/1947), tôi được chính thức giao nhiệm vụ phụ trách. Nhưng đến số 2l, mới đề rõ chủ nhiệm là Trần Độ.
Lúc ấy ngoài Trung ương có tờ Quân du kích, Vui sống, Vệ quốc quân, các quân khu khác cũng đều có báo.  
Việt Bắc: Báo Quyết Thắng
Khu II: Báo Chiến Đấu
Khu III: Báo Quân Bạch Đằng
Khu IV: Báo Chiến sĩ
Khu X: Báo Vệ quốc
Khu XI: Báo Thủ đô
Khu XII: Báo Xông pha.
Ít lâu sau, tất cả các khu đều nhất loạt đổi tên thành báo Vệ Quốc quân như Vệ Quốc quân khu II, Vệ Quốc quân khu IX...
Công tác ở toà soạn Vệ Quốc quân có: Trần Độ, Tân Sắc (Thôi Hữu), Thâm Tâm, Từ Bích Hoàng, Trúc Kỳ và các họa sĩ Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên. Anh Vũ Cao cùng tham gia ban biên tập, nhưng không ghi tên. Ngoài ra, một số đồng chí cán bộ quân đội cũng tham gia vào bộ biên tập mở rộng.
Về nội dung, mấy số đầu Vệ Quốc quân mới chỉ có mấy chuyên mục chiến tranh. Các bút danh mang rõ dấu ấn quân sự như : Nguyễn Văn Bom, Liên Thanh, Ba-dô-ca, ...
Từ số 8 trở đi, báo phong phú dần lên với thơ, truyện ngắn, bút ký, phóng sự. Có cả mục “Những chuyện vui buồn” điểm bích báo các đơn vị của các khu. Tôi nhớ như số 12 có truyện ngắn Nhập vào hàng ngũ của Tuấn Vinh; số 13 có Những mẩu chuyện vui buồn của Trần Độ, số 21 (ngày 15-8-1948) có bài Lên Cấm Sơn của Tân Sắc; số 23 có bài bút ký Chiến sự Hà Nội của Tô Hoài; số 24 có Bức thư chính trị của Nguyễn Tuân.
Trần Đăng viết bút ký, phóng sự như Thất Khê, Lũng Phầy. Trận phục kích Lũng Phầy, Vũ Tú Nam cũng đăng truyện ngắn Người lính miền Tây. Có một lần báo tổ chức cuộc thi viết truyện. Truyện Vết xe hằn trên đường của Hoàng Điệp được giải khuyến khích. Không có giải nhất.
Ngoài truyện ngắn, Vệ Quốc quân cũng đăng khá nhiều thơ. Những bài Lên Côn Sơn, Viếng bạn có tiếng vang rộng rãi. Có chiến sĩ chỉ viết và đăng được một bài thơ đã hy sinh như Phạm Lương với bài thơ Chiến sĩ Lũng Vài. Thời gian này tôi cũng viết và viết khá nhiều loại như phóng sự, bút ký, truyện ngắn, bình luận, xã luận. Tôi rất hay viết và say viết.
Đặc biệt có hai số báo liên tiếp đăng tin buồn, làm mọi người bàng hoàng, xúc động.
Số 48-49 đăng tin mất Hoàng Lộc, số Xuân 50 đăng tin Trần Đăng hy sinh vào ngày 26/12/1949.
Nhớ lại Trần Đăng những ngày đầu về toà soạn báo, khoảng 1948 (trước đấy anh làm thư ký trong Tổng Bộ tham mưu). Toà soạn của chúng tôi đóng ở gần Bộ Tham mưu, nên anh thường hay qua chơi. Anh thường kể cho chúng tôi nghe những chuyện hay ở mặt trận. Chúng tôi rất quý mến anh. Anh đề nghị xin về làm phóng viên cho báo. Chúng tôi đồng ý ngay và xin với Bộ Tổng tham mưu. Bài báo đầu tiên của anh in vào số 21 ngày 15/8/1948 “Vài suy nghĩ về văn nghệ trong giai đoạn chiến lược lần thứ mười hai”.
Thâm Tâm làm thư ký toà soạn. Anh có biệt tài “bao sân”. Báo thiếu mục nào là anh lập tức có bài ngay để lấp chỗ trống. Làm nhiều, nhưng anh không hề kêu ca. Còn anh Từ Bích Hoàng thì hiền như con gái. Từ Bích Hoàng là sinh viên y khoa. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tên thật anh là Trần Hồng. Tôi vẫn nhớ như in có lần gặp anh trong bộ com-lê bằng đũi đứng gác trước doanh trại ở Hà Nội.
Mai Văn Hiến làm hoạ sĩ cho báo. Người to lớn như Tây. Rất say mê vẽ cảnh. Nhiều lần lạc đơn vị. Do mũi giống như Tây nên hay bị du kích bắt giữ lại, chúng tôi phải đến xin anh về.
Dương Bích Liên thì thâm trầm. Có lần để trình bày cho số báo kỷ niệm 19-8, anh vẽ hình một anh vệ quốc rất gầy. Chúng tôi có ý băn khoăn. Anh tranh luận với chúng tôi: Bộ đội chúng ta từ nông dân mà ra, gầy là tất nhiên. Có thế tờ tranh mới toát lên tinh thần vùng lên của những người nghèo khổ. Chúng tôi phải chiều anh.
Ảnh: Trần Độ, Chủ nhiệm báo “Vệ Quốc quân” (1947 – 1950)
 Có một chuyện khá vui. Tình hình kháng chiến đòi hỏi các cơ quan phải quân sự hóa, nghĩa là phải luôn luôn ngăn nắp, trật tự để có thể sẵn sàng di chuyển và chiến đấu. Tôi thường báo động tập hợp anh em để kiểm tra tác phong quân sự. Có lệnh báo động bất ngờ. Anh em toà soạn khẩn trương chạy ra địa điểm tập hợp với ba lô, hành trang đầy đủ. Mai Văn Hiến và Dương Bích Liên cũng có mặt kịp thời nhưng ba lô lép kẹp. Hai anh tỏ ra rất lúng túng. Tôi nghi ngờ, cho kiểm tra ngay nhà các anh ở. Chị chủ nhà tươi cười ngăn tôi lại không cho vào nhà. Tôi cứ vào. Trên chiếc chõng tre, chỗ các anh làm việc thấy lùm lùm một chiếc chiếu. Hóa ra các anh Hiến và Liên đang làm việc, đồ đạc còn lung tung. Nghe liếng còi tập hợp, các anh cuống quá, chưa biết làm thế nào thì chị chủ nhà hiến kế, các anh không kịp đắn đo, theo ngay. Tôi vừa buồn cười vừa cảm động trước tình quân dân thắm thiết và ngây thơ đó.
Phải nói rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, tình quân dân rất khăng khít. Cơ quan chúng tôi cùng với cơ quan tuyên truyền đóng chung một bản. Chúng tôi đóng ở bản Vẹ, chợ Chu, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Ngoài làm báo chúng tôi còn có nhiệm vụ tuyên truyền. Thường hình thức tuyên truyền chính là mỗi chiều phát tin bằng loa giấy. Nhờ đó mà chính sách của Đảng và tin chiến thắng ở chiến trường được thông báo kịp thời xuống tận dân bản. Ngoài việc phát tin chiến sự và các chủ trương chính sách, chúng tôi còn phát những bài viết về tình hình trong bản, nên được dân bản rất hoan nghênh. Dân thường ngóng đợi chúng tôi đến để được nghe phát thanh của Bộ đội.
Ở bản Vẹ ngày mùa có sinh hoạt giã cốm rất vui. Bộ đội chúng tôi cũng tham gia giã cốm cùng với anh em thanh niên. Nhất là những đêm trăng sáng. Tôi cũng rất thích tham gia. Dân làng rất quý trọng cán bộ. Anh Tân Sắc có làm bài thơ Mùa cốm mới. Bài thơ này anh làm để cho vui nội bộ, không có ý đăng báo. Xin trích lại đây hai đoạn:
Rồi cốm lên tàn, xanh rười rượi.
Lửa hồng củi đượm, chảo rang thơm
Đêm trăng, chày đập vang thôn bản
Phấn cốm bay bay phủ lá ngàn.
Đàn trẻ nô đùa quanh cối trăng.
Tiếng ca lay động cả đêm rừng,  
Vài anh đồng chí ngừng tay giã.
Hương cốm tình dân, thấm dạ vàng.
Bài thơ này chỉ còn tìm thấy được hai đoạn này thôi. Toàn bài có lẽ có đến sáu hay tám đoạn.
Xin nói về hội nghị văn nghệ toàn quân. Hay có thể gọi là hội nghị văn nghệ quân đội.
Hội nghị tổ chức ngày 9/4/1949. Người tham dự không phải chỉ có anh em văn nghệ sĩ trong quân đội mà còn có các anh em văn nghệ sĩ quen biết khác. Lúc ấy các văn nghệ sĩ kháng chiến có thể chia ra làm ba nhóm:
- Nhóm thứ nhất gồm anh em công tác trong Phòng Tuyên truyền bộ đội và báo Vệ Quốc quân như các anh Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Khoát, Mai Văn Hiến, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Tân Sắc, Nguyễn Công Hoan (lúc ấy đang làm giám đốc trường văn hóa quân đội),
- Nhóm thứ hai gồm các văn nghệ sĩ đi với các đơn vị, làm công tác chính trị ở các trung đoàn như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, ...
- Nhóm thứ ba gồm các anh em văn nghệ sĩ ở cơ quan văn nghệ, nhưng thường xuyên tham gia chiến dịch như: Tô Hoài, Nguyễn Tuân. Các anh ấy tuy không ở trong quân đội nhưng sinh hoạt như anh em bộ đội. Đại đoàn 308 là đơn vị kết nghĩa của các anh.
Anh Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Phạm Văn Khoa tổ chức những đội văn nghệ phục vụ hội nghị. Anh Thế Lữ chính thức tham gia đội kịch. Anh Phạm Văn Khoa cũng tham gia, nhưng không có chức danh. Anh viết kịch bản, đóng vai, lại có khi làm cả quản lý.
Hội nghị tiến hành trong bảy ngày. Có tổ chức triển lãm. Anh Võ Nguyên Giáp, anh Tố Hữu cũng đến dự (ngày 16/4/1949). Nội dung hội nghị xoay quanh những vấn đề chính sau đây:
- Văn nghệ phục vụ quân đội để chiến thắng. Phải xây dựng một nền văn nghệ mới, tiêu biểu cho thời đại mới, xứng đáng với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong nhiệm vụ phục vụ quân đội chiến đấu gom lại có mấy vấn đề chính:
+ Phong trào đầu quân;
+ Phong trào rèn luyện cán bộ và huấn luyện bộ đội;
+ Chuẩn bị các chiến dịch và vận động dân chủ;
+ Công tác địch hậu;
+ Tình đoàn kết quân dân;
+ Sự phát triển của các binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh...;
+ Công tác địch vận.
Qua nội dung những đề tài trên có thể hình dung được sự phát triển của cuộc kháng chiến. Năm 1949 quân đội ta mới ở thời kỳ thường xuyên phải chuẩn bị đối phó, đề phòng địch tấn công, nên năm nào hết mùa hè cũng có công tác chuẩn bị thu đông. Đến năm 1950, đã có chiến dịch Biên Giới, rồi đến chiến dịch Điện Biên phủ. Nội dung “chuẩn bị thu đông” lúc này lại là chuẩn bị tấn công địch ở các chiến dịch. Bên cạnh bộ binh đã có pháo binh, công binh, cao xạ...
Tôi còn nhớ như in những ngày chuẩn bị đi chiến dịch sao mà náo nức lạ lùng! Ai cũng phấn khởi. Anh em hăm hở viết bích báo, làm thơ ca, hò vè.
Cơ quan tòa soạn chúng tôi cũng có tờ bích báo, lấy tên Cù. Anh em phong cho tôi là thừa tướng của nước Cù và có một Feuilleton (Truyện nhiều kỳ) do Thâm Tâm là tác giả lấy tên là Cù Quốc chí diễn nghĩa. Rất nhiều bài có nội dung vui nhộn được đăng trên bích báo. Cũng có những bài có nội dung phê bình nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Mỗi tờ bích báo của đơn vị có thể xem là linh hồn của đơn vị ấy.
Trong kháng chiến chống Pháp các văn nghệ sĩ được nhân dân hết sức quý trọng. Lý do chính là anh em rất gần gũi, đi sát quần chúng. Tôi càng thấy rõ điều đó khi rời tờ báo về công tác tại các đơn vị.
Trong những buổi mít tinh hoặc hội họp, anh em văn nghệ sĩ thường ngâm thơ, hát hò, kể chuyện cho dân nghe. Tôi còn nhớ, mỗi lần anh Nguyễn Xuân Khoát hát hài Thằng Bờm hoặc Con Voi đều được quần chúng hoan hô nhiệt liệt. Trong những buổi sinh hoạt với anh em, tôi cũng hay kể những mẩu chuyện tôi được xem trong các sách văn học nước ngoài như Cơn bão táp, Suối thép, Đội thanh niên cận vệ... anh em rất thích.
Tuy trong thời gian ấy, hình thức văn nghệ còn quá đơn sơ, nhưng vẫn có sức hấp dẫn và có tác dụng giáo dục.
Xin nêu một ví dụ cụ thể là vở kịch Thúng thóc, lấy từ câu chuyện kể khổ của một chiến sĩ. Câu chuyện làm xúc động mọi người. Chúng tôi lấy câu chuyện đó, sáng tác tập thể thành vở kịch Thúng thóc. Vở kịch này có sức kích động rất mạnh. Ở địa điểm diễn vở, chúng tôi phải đào sẵn giao thông hào. Vì mỗi lần vở diễn đến đoạn địa chủ cướp bóc thì thế nào diễn viên đóng vai địa chủ cũng bị quần chúng ném đá tới tấp, anh ta phải vội nhảy vào giao thông hào mới khỏi bị tai nạn. Có chiến sĩ xem xong vở này, đi lang thang như người mất hồn. Có những trạm quân y phải chuẩn bị sẵn thuốc men đề phòng khi có chiến sĩ nào xúc động bị ngất hoặc có ai bị ném đá.
Tôi cũng bị một lần hú vía. Do là chính ủy, nên tôi ngồi hàng ghế đầu. Có anh rỉ tai bảo tôi nên lui vào phía sau để tránh bị đá ném. Tôi không nghe. Đang lúc say sưa xem, đến đoạn địa chủ hắt nước sôi vào anh cố nông, thì vèo vèo, hàng loạt đá bay đến. Tôi vội ngồi thụp xuống. Sân khấu bỗng vắng tanh. Anh em diễn viên chạy trốn hết. Nhưng một lúc sau, vở kịch lại được diễn tiếp, nhưng phải tiếp ngay màn thắng lợi là màn cuối cùng. Kết thúc là những tràng pháo tay nổ ran. Khi kịch diễn cảnh nông dân vùng lên đánh đổ địa chủ, mọi người hả hê ra về. Thật vui vẻ, sôi nổi. Chẳng ai còn nhớ chuyện ném đá vừa xảy ra. Bài học quan trọng rút ra ở đây là văn nghệ sĩ phải khơi đúng nguyện vọng, tâm trạng của quần chúng. Quần chúng sẽ ủng hộ nhiệt liệt.

*  *  *
Thế mà đã hơn 30 năm qua. Nhớ lại những ngày kháng chiến rất gian khổ, ăn uống sơ sài, quần áo chẳng có gì, đồ đạc cũng không, nhưng sao ấm cúng thế. Tòa soạn báo chúng tôi như một gia đình, chia sẻ với nhau từng niềm vui nỗi buồn, từng mẩu khoai, củ sắn, nhường nhịn nhau từng bát cơm, manh áo.
Đầu năm 1950, tôi được giao phụ trách Chính ủy Trung đoàn Sông Lô mà anh Lê Trọng Tấn đang làm Trung đoàn trưởng. Tôi không theo dõi được tờ báo nữa. Sau này Trung đoàn Sông Lô phát triển thành Đại đoàn 312. Tôi được chỉ định làm phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn. Tôi lại tiếp tục chỉ đạo cơ quan chính trị của Đại đoàn, ra tờ báo riêng của Đại đoàn (in đá) lấy tên là Anh Dũng. Trong khoảng 3-4 năm, tờ báo ra được khoảng trên dưới 20 số khá đều. Tôi tiếp tục viết nhiều bài xã luận cho các số báo Anh Dũng. Tôi còn tiếp tục viết bút ký, truyện ngắn, bình luận, đặc biệt là hay dịch và lược dịch các truyện chiến đấu của nhân dân Liên Xô, in và phát cho bộ đội đọc trong lúc hành quân vào chiến dịch.
         Ngoài những tác phẩm văn học đáng chú ý của các nhà văn chuyên nghiệp, những hoạt động văn học nghệ thuật của bộ đội cũng tạo nên một mạng lưới rộng rãi, góp phần đáng kể vào bức tranh chung của văn học trong kháng chiến chống Pháp. Trên đây tôi xin cung cấp ít kỷ niệm riêng để chứng minh sự kiện đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét