Bắt đầu câu chuyện từ một lễ tang, đó là lễ tang của Cha
tôi. Người được tổ chức phân công làm Trưởng ban Tang lễ là anh Vũ Mão. Dù vậy,
tôi cũng chưa được gặp anh lần nào cho đến ngày tổ chức Lễ tang.
Ảnh tư liệu của Quốc hội |
Thời gian lùi dần, mọi chuyện như đã trở lại bình thường. Nhớ
đến Cha không thể quên được không khí căng thẳng của buổi lễ ấy. Và đương
nhiên, không thể nào không nhớ đến anh. Năm 2013, tôi tập hợp các tác phẩm, bài viết, bài báo... của nhiều tác giả viết về Cha tôi để xuất
bản cuốn Nhớ Nhà Văn Trần Độ (Nhà xuất
bản Văn Học, 2013). Trong quá trình sưu tầm và biên tập cuốn sách, tôi có tìm
thấy một bức thư gửi cho Cha tôi của anh Vũ Mão. Bức thư đặc biệt ở chỗ đây là
lời của một bài hát do anh cảm hứng sáng tác và trình bày ngay trong buổi lễ
Chính Phủ trao tặng Huân chương cho Cha tôi ngày 16/02/1993. Chính vì thế,
trong bản thảo, tôi đưa lá thư này vào. Tất nhiên, trong gia đình và bạn bè có
nhiều ý kiến. Nhưng tôi giữ nguyên bản thảo khi xuất bản, sách ra vào cuối năm
2013 có bài: Bài ca tặng anh Trần Độ của Vũ Mão.
Có sách, tôi mang gửi tặng tận tay các tác giả và tìm cách gửi
tặng anh Vũ Mão như một món quà kỷ niệm. Nhiều người khi nghe ý định ấy đều nhiệt
tình nhận chuyển giúp. Lúc đó, tôi quyết định sẽ mang đến giao tận tay anh như
một lời cảm ơn những tình cảm của anh với Cha tôi với những lý do mà nhiều lần
tôi đã chia sẻ với gia đình và thuyết phục những người thân, bạn bè: Tặng sách
cho tất cả những người có tình cảm quý mến Cha tôi cũng như những anh em bè bạn,
những người đã giúp đỡ Cha tôi, giúp đỡ gia đình trong những hoàn cảnh khác
nhau và những người có liên quan đến nội dung cuốn sách. Những ý kiến phân vân,
thậm chí phản đối vì anh liên quan đến đám tang của Cha, tôi lý giải thế này:
Thứ nhất, việc tang của Cha tôi là việc của tổ chức mà gia
đình đã chấp nhận, anh Vũ Mão chỉ là người chịu trách nhiệm thi hành chức trách
của anh ấy thôi, không thể trách anh ấy được.
Thứ hai, việc chọn người đứng ra chịu trách nhiệm điều hành
lễ tang rất phức tạp, thậm chí nhiều người ngại không dám nhận. Việc tổ chức
đám tang sẽ như thế nào nếu người tổ chức chỉ làm theo chức phận hoặc làm qua
loa đại khái cho xong việc. Khi anh Vũ Mão đảm đương việc này, ngoài chức trách
nhiệm vụ, chắc chắn là có phần tình cảm quý mến với Cha tôi nữa. Diễn biến của
lễ tang bị đẩy đến một tình thế không kiểm soát được, nguy cơ lộn xộn, náo động
ảnh hưởng lớn đến việc hành lễ. Thời điểm ấy, nếu anh bỏ mặc (rất dễ có thể xảy
ra) thì mọi việc sẽ trở nên khó lường, không biết diễn biến sẽ đi đến đâu... có
thể ảnh hưởng đến việc lớn của gia đình. Nhưng mọi việc sau đó suôn sẻ mà gia
đình chấp nhận được, trong đó có vai trò quan trọng của anh. Vậy thì phải biết
ơn anh Vũ Mão chứ!
Qua thông tin của nhiều người quen biết gia đình tôi có nói
chuyện về nỗi day dứt của anh sau lễ tang của Cha tôi qua một số bài viết, qua
lời tâm sự và lời chia sẻ của anh nên tôi nhận thấy cũng cần có những cử chỉ
giúp anh dịu bớt dù là rất nhỏ. Mà việc này chỉ có những người trong cuộc mới
làm được.
Và để làm việc ấy, tôi đã tìm đến anh, trao tặng cuốn Nhớ Nhà Văn Trần Độ mà trong đó có bài
ca của anh viết tặng Cha tôi. Anh cũng chia sẻ nhưng nỗi buồn của anh sau đám
tang cha tôi. Anh kể: Về nhà, chị cũng khóc, ôm lấy anh mà than: Anh ơi, sao
anh khổ thế! Về chuyện này, anh đã gửi cho tôi và gia đình một số bài viết rất
chi tiết về việc tổ chức lễ tang mà anh bị bắt buộc phải làm những điều trái với
đạo lý, trái với lòng mình.
Lúc đó, tôi cũng chỉ biết thay mặt gia đình cảm ơn những
tình cảm của anh đối với Cha tôi từ trước đến giờ và qua anh để nói với chị là
gia đình tôi thông cảm với hoàn cảnh ấy và không trách móc gì anh. Sau đó, tôi
và anh vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi sách vở với nhau như những người bạn.
Trong buổi gặp mặt ra mắt cuốn sách mới của anh: Một thời Đông Bắc, tôi được anh trân trọng
mời dự. Chào anh xong, tôi lại chào và nói chuyện với Nhà văn Ma Văn Kháng về lời
tựa của Nhà văn trong một cuốn sách viết về Cha tôi của Nhà văn Võ Bá Cường. Hội
trường gặp mặt toàn những bạn bè của anh trong giới nghệ thuật, các tướng lĩnh,
quan chức... Ban Tổ chức giới thiệu khách mời xong, anh đứng lên giới thiệu tôi
với mọi người. Tôi cũng có chức phận, nhưng lại được anh giới thiệu theo thân
thế... Anh từng là Thiếu sinh quân thời đánh Pháp thì tôi cũng là Thiếu sinh quân
thời đánh Mỹ chứ bộ. Vậy mà khi tôi đứng lên được cả khán phòng vỗ tay hồi lâu.
Tôi nhớ là mình đã phải đứng lên đáp lễ đến hai lần. Tôi biết là họ vỗ tay
không chỉ biểu lộ sự quý mến, kính trọng với Cha tôi mà chính là họ mừng vui cho
anh và ca ngợi sự hòa giải, lòng bao dung, cảm thông chia sẻ của những con người.
Ngày 06/7/2019
Rất cảm động về sự hiểu biết và lòng bao dung của người con trai vị Tướng nhà văn Trần Đô đối với một người mà lúc nào đó đã gây bất bình dữ dội với gia đình anh !
Trả lờiXóaCảm ơn bạn! Có lẽ vào tình huống này, mọi người sẽ ứng xử thế thôi! Khi mà anh ta đã biết lỗi lầm và vạch mặt những kẻ phía sau. Xem thêm bài này: https://trandotacpham.blogspot.com/2014/01/nghi-si-ong-vai-nghe-si-bat-ac-di.html
Trả lờiXóa