“Văn nghệ là một lĩnh vực rất quan trọng và rất phức tạp
trong văn hoá và trong đời sống xã hội…” (Nghị quyết Đại hội V). Nó phức tạp vì
nó là sự “hiểu biết, khám phá và sáng tạo” (Phạm Văn Đồng), là “quy luật của tình
cảm” (Lê Duẩn). Nó bao gồm nhiều yếu tố và liên quan đến nhiều yếu tố trong cuộc
sống, nó tinh vi, tế nhị. Nó có nhiệm vụ nặng nề, có vai trò lớn lao trong đời
sống xã hội, đối với mỗi một con người.
Nó là vũ khí đấu tranh, là công cụ giáo dục và nguồn bồi
dưỡng đạo đức, tình cảm cho con người. Tôi cho rằng khi nhận thức văn nghệ phức
tạp là như vậy, chứ không nên hiểu “phức tạp” như một số người đời hiểu nó “lôm
côm”, “lộn xộn”, hay xỏ xiên, hay phá rối. Vì vai trò quan trọng của nó, cho nên
nó là một khâu xung yếu trong mặt trận tư tưởng. Đối với cách mạng, nó là vũ khí
sắc bén, đối với kẻ thù của cách mạng, nó là chỗ dựa để bọn phản cách mạng lợi
dụng, xen vào nhiều âm mưu xảo quyệt và thâm độc.
Sáng tác văn nghệ phức tạp như vậy, phê bình văn nghệ
lại càng khó khăn phức tạp hơn. “Phê bình văn học, nghệ thuật có vai trò thúc đẩy
to lớn đối với sự sáng tạo, phê bình là hướng dẫn dư luận, là phát huy tác dụng
chỉ đạo của lý luận đối với hoạt động sáng tác, là hướng dẫn và nâng cao thị hiếu
thẩm mỹ lành mạnh trong quần chúng. Bệnh giản đơn, sơ lược, đối với người sáng
tác đã là nguy hiểm, đối với giới phê bình lại càng nguy hiểm hơn” (Lê Đức Thọ
- Những nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng – 1981 – tr.100). Tôi không đủ
khả năng và không có tham vọng bàn thêm gì về ý nghĩa quan trọng của phê bình văn
nghệ. Nhưng cũng phải ghi lại ở đây là: Phê bình văn nghệ là mối quan tâm lớn
của nhiều người, từ những cơ quan lãnh đạo cao nhất đến các cán bộ lãnh đạo các
cấp, các nhà lý luận và các văn nghệ sĩ. Khi bàn đến phê bình văn nghệ, người
ta nói về tầm quan trọng của nó, nói về tình hình phê bình, nói về các lối phê
bình và đề ra những yêu cầu, những tiêu chuẩn cho việc phê bình. Tôi đã được
nghe nhiều cán bộ lãnh đạo văn nghệ của các nước anh em nói về công tác phê bình
văn nghệ với tinh thần là: tự thấy còn nhiều yếu kém, chưa được thực sự hài lòng.
Ở Liên Xô, năm 1972, Trung ương Đảng Cộng sản đã phải có một Nghị quyết riêng về
vấn đề phê bình văn học. Vừa rồi, trên Tạp chí Văn học số 3-1982 của ta có bài
Thông báo về tình hình 10 năm chấp hành Nghị quyết đó ở Liên Xô. Sau khi kê ra
một loạt công việc đã làm, trong đó phải kể đến hàng chục công trình lớn của các
nhà khoa học xô-viết về lý luận phê bình, bản thông báo nhận xét là công việc
phê bình văn học ở Liên Xô “chưa đạt tới mức yêu cầu” của Nghị quyết Trung ương
Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tuy vậy, trong đời sống hình như có tình hình trái ngược.
Tôi nghe một giáo sư Liên Xô nói một câu gần như tục ngữ: “Cái bất hạnh của văn
nghệ là ở chỗ tất cả mọi người đều “sành” văn nghệ”.
Ở ta, có một số nhà phê bình tỏ ra không muốn phê bình
(vì chẳng được lợi ích gì, không có hào hứng gì) hoặc không dám phê bình (vì sợ
bị đụng chạm, đụng chạm với tác giả, đụng chạm với dư luận, nhỡ ra có cái gì không
vừa lòng tác giả, hoặc không vừa lòng một loại dư luận nào đó); hoặc không thèm
phê bình (vì cho rằng chưa có tác phẩm nào có những vấn đề đáng cho các nhà phê
bình nghiên cứu và phát biểu ý kiến). Trong khi đó, nhiều tác giả lại có tâm trạng
lo ngay ngáy về những điều mình viết ra không biết có được chấp nhận không, không
biết có bị ai “đánh” không. Không. Các cơ quan biên tập các nhà xuất bản, các Hội
đồng nghệ thuật, các nhà hát có lúc bị coi là những cơ quan kiểm duyệt quá ngặt
nghèo, những nơi móc ngoặc cửa quyền hoặc là những cơ quan dốt nát, không phân
biệt được giá trị của tác phẩm.
Thật ra, sự phê bình văn nghệ vẫn diễn ra hàng ngày và
bất cứ ở đâu, nghĩa là luôn luôn có những ý kiến đánh giá khen chê, tán thưởng,
bình luận đối với tác phẩm. Mỗi người tiếp xúc với bất cứ một loại tác phẩm văn
nghệ nào đều có ý kiến, có thái độ. Sự phê bình văn nghệ thường được tiến hành
một cách tự phát, phân tán như vậy.
Những sự đánh giá khác nhau, có khi xuất phát từ những
nhận thức, quan điểm khác nhau về văn nghệ, hoặc về một thể loại văn nghệ riêng
nào đó, nhưng cũng có khi chỉ xuất phát từ những ý kiến rất cảm tính và ngẫu hứng
mà thôi. Vì vậy mới xảy ra những trường hợp rất khó xử: có tác phẩm (tiết mục)
đã được cơ quan ở Trung ương khen ngợi nhưng khi về địa phương thì có nơi lại
không hoan nghênh. Có tác phẩm (tiết mục) được hoan nghênh ở một địa phương nào
đó, nhưng khi sang địa phương khác thì lại bị chê là dở. Có những trường hợp một
tác phẩm hoặc một tiết mục, một phong cách biểu diễn được báo này khen, nhưng báo
khác lại chê.
Như vậy, ta thấy rõ là phê bình văn nghệ là một công
việc hết sức khó khăn vì nó đòi hỏi trình độ hiểu biết, năng khiếu thưởng thức,
phải công phu và công tâm, nhưng đồng thời nó cũng lại là công việc dường như
chẳng có gì khó khăn, ai cũng có thể có ý kiến phê bình đối với bất cứ tác phẩm
nào, bất cứ thể loại nghệ thuật nào.
Qua sự quan sát hàng ngày, tôi suy nghĩ là có thể phân
chia sự phê bình văn nghệ ra làm mấy loại như sau :
Một là: Loại phê bình của công chúng nói chung, tức là
của những người đọc, người xem, người nghe. Sự phê bình này nói chung được bộc
lộ một cách hồn nhiên và vô tư, thích thì khen, không thích thì chê, không dè dặt
và cũng rất chân tình, trung thực. Có nhiều trường hợp ý kiến của họ là sáng suốt
nhất, là những “trọng tài cao nhất” đối với một tác phẩm văn nghệ. Có một đồng
chí lãnh đạo điện ảnh nước ngoài nói: “Đối với các tác phẩm điện ảnh, chúng tôi
chờ sự đánh giá bằng cách bỏ phiếu bằng chân của khán giả” (ý nói là tác phẩm
hay thì tự nhiên có nhiều người đi xem).
Nhưng đó cũng chỉ là một mặt nào đó của chân lý. Trong
thực tế, nhiều khi (không phải là tất cả) những tác phẩm được nhiều người đón
nhận, tán thưởng, những tác phẩm “ăn khách” lại không phải là những tác phẩm mà
ta mong muốn. Trong công chúng cũng chia ra nhiều loại. Mỗi loại công chúng có
thị hiếu của mình và những thị hiếu đó lại có sức mạnh nhào nặn ra một loại nghệ
thuật cho họ. Những người “sáng tạo” không vững vàng có khi bị tước vũ khí và
trở thành tù binh của những công chúng ấy. Và rõ ràng ta đã có một số tác giả, đạo
diễn chạy theo sự “ăn khách”, đã bắt đầu cho ló ra một thứ văn nghệ bị dư luận
chân chính và sáng suốt lên án là văn nghệ thương mại. Nếu thứ văn nghệ này cứ
tiếp tục phát triển thì nó sẽ đầu độc các loại công chúng khác. Hiện nay thứ văn
nghệ này đã bắt đầu ló ra, nhưng theo tôi, nó chưa thể chiếm lĩnh được phần lớn
các vị trí của mặt trận văn nghệ, nó đang bị phê phán và đẩy lùi. Vì trong công
chúng có rất nhiều ý kiến lành mạnh đúng đắn, đặc biệt công chúng Việt Nam là một công chúng được rèn luyện và đã trưởng thành về
ý thức chính trị.
Thực tế đã có những trường hợp yếu tố độc hại trong văn
nghệ lại do công chúng phát hiện trước các cơ quan có trách nhiệm. Cái đáng quý
và sức mạnh để bảo đảm cho văn nghệ ta phát triển đúng đắn là ở chỗ đó. Đường lối
văn nghệ của Đảng ta hoàn toàn phù hợp với những nguyện vọng lành mạnh của công
chúng lành mạnh.
Hai là: loại phê bình của các nhà nghiên cứu, các nhà
lý luận. Loại phê bình này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt, nó
cũng là một bộ phận hữu cơ của toàn bộ thành tựu văn nghệ. Nó vừa có tác dụng hướng
dẫn sự sáng tạo, vừa có tác dụng hướng dẫn
sự hưởng thụ, thưởng thức, rèn luyện và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công
chúng. Nó chính là sự cụ thể hoá một cách sắc bén, linh hoạt những chủ trương
và yêu cầu của Đảng đối với sự phát triển văn nghệ. Chúng ta sung sướng bao
nhiêu khi có những tác phẩm văn nghệ hay, chúng ta cũng sung sướng bấy nhiêu
(nếu không nói là sung sướng hơn) khi có những công trình phê bình thích đáng và
sâu sắc, vừa đúng vừa hay. Nếu chúng ta đã đọc Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ
Xuân Hương, thơ Hồ Chủ tịch, thơ Tố Hữu, v.v… mà chúng ta được đọc những bài phê
bình sáng sủa đẹp đẽ của Hoài Thanh, Xuân Diệu, v.v… thì không khác gì ta được
thưởng thức những tác phẩm của các tác giả nói trên lần thứ hai, thú vị hơn, thấm
thía hơn. Các nhà phê bình giúp ta khám phá những điều hay, những vẻ đẹp, làm
ta thấy nó rực rỡ hơn, phong phú hơn. Tâm hồn tình cảm ta được bồi dưỡng thêm,
nhận thức của ta được trang bị thêm để có khả năng mới thưởng thức những tác phẩm
khác.
Nhưng hình như hiện nay những công trình nghiên cứu phê
bình của ta còn đi chậm hơn tình hình sáng tác. Cho đến nay, chúng ta đã có được
những công trình nghiên cứu phê bình một vài tác phẩm và tác giả cổ điển. Chúng
ta còn ít những công trình nghiên cứu đánh giá như thế những tác phẩm và tác giả
đương đại. Đối với các tác phẩm và tác giả đương đại, thường chỉ có những ý kiến
có tính chất thông báo, giới thiệu, mà ít tính chất nghiên cứu công phu, nghiêm
túc, sâu sắc (Riêng hai tác giả Hồ Chí Minh, Tố Hữu đã được nghiên cứu khá toàn
diện). Cho nên, lắm lúc thấy đối với các tác phẩm khác nhau, mà có những bài giới
thiệu lại gần giống nhau (khen một ít, chê một ít, nêu ra một vài phương hướng
“phải …”, “nếu mà …” một cách chung chung). Những bài ấy thường là của những người
biết nhiều thứ quá (nhiều chuyên môn nghệ thuật quá) mà lại không chuyên sâu một
thứ nào. Thậm chí có cơ quan lại giao việc này cho những cán bộ tập sự hoặc cộng
tác viên loại hai, loại ba.
Nhiều cơ quan tổ chức những hội thảo mang tính chất phê
bình, nghiên cứu, nhưng thông thường các cuộc hội thảo không được chuẩn bị và điều
khiển tốt, nên ít có hiệu quả rõ rệt. Tất nhiên trong thời gian vừa qua cũng có
một số bài phê bình có tính chất nghiên cứu, chứa đựng những kiến thức tốt và
nhiều ý kiến xác đáng, gây được nhiều sự chú ý. Nhưng những bài đó chưa nhiều.
Những nhà phê bình nghiên cứu có cái mạnh là kiến thức
của họ có hệ thống : hệ thống mỹ học mác-xít, về lý luận nghệ thuật, về lịch sử
và đặc trưng ngôn ngữ của một hoặc một số loại hình nghệ thuật. Họ tiếp xúc nhiều
với các văn kiện của Đảng ta về văn nghệ. Nhưng nhiều nhà phê bình lại có nhược
điểm là ít vốn sống, ít có quan hệ với cuộc sống sôi nổi phong phú và phức tạp
của xã hội, ít biết đến những xu hướng, những thị hiếu thẩm mỹ, những nguyện vọng,
yêu cầu văn hoá của các loại công chúng, ít theo dõi được sự phát triển, sự biến
động, các loại tác động qua lại của những yếu tố ấy trong tâm lý, tư tưởng, tình
cảm của các loại công chúng. Chính vì vậy, có khi các nhà phê bình đó chê bai một
cách bất công, oan uổng đối với một số thói quen, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng
còn thiếu điều kiện để trang bị những kiến thức nghệ thuật cần thiết; cũng có
lúc có những đòi hỏi, áp đặt một cách chủ quan những yêu cầu thưởng thức các tác
phẩm nghệ thuật phức tạp cho công chúng.
Cũng phải nhận rằng trong thực tiễn có những loại hình
nghệ thuật, những tác phẩm chỉ khi nào công chúng được tiếp xúc nhiều mới quen
dần và nâng dần khả năng thưởng thức lên và biết thích thú nó. Mác nói về điều
này như sau :
“Sản xuất không những chỉ đem lại những vật liệu cho các
nhu cầu, mà cũng đem lại cả nhu cầu cho các vật liệu nữa… Tác phẩm nghệ thuật
– và mọi sản phẩm khác cũng thế - đều tạo ra một thứ công chúng sính nghệ thuật
và có khả năng thưởng thức cái đẹp. Như vậy là sản xuất không những chỉ sản
sinh ra một đối tượng chủ thể mà còn sản sinh ra một chủ thể cho đối tượng (Mác
– Ăng-ghen – Lê-nin: Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977,
tr.96). Chính tác phẩm đã tạo ra công chúng của mình. Muốn có một công chúng hiểu
biết nghệ thuật, đòi hỏi một quá trình bồi dưỡng, giáo dục tốn nhiều công sức và
thời gian. Những nhà phê bình cần phải biết điều ấy để phân tích, bình luận, giới
thiệu tác phẩm thì sự phê bình mới có lợi ích thiết thực và có tác dụng lớn.
Trong bài nói của đồng chí Lê Đức Thọ cũng có câu: “Người phê bình phải vững vàng
về chính trị, có hiểu biết rất rộng, rất gắn bó với cuộc sống của xã hội, hiểu
sâu sắc tâm lý công chúng, v.v… (Tài liệu đã dẫn, tr.101).
Mặt khác, có thể nêu nhận xét các
loại phê bình theo một bình diện khác.
Có loại phê bình vô tư, công bằng
và có loại phê bình theo định kiến, thành kiến, thiếu vô tư và có nhiều động cơ
khác nhau. Hai loại phê bình này có cả trong sự phê bình của công chúng và trong sự phê bình của các nhà lý luận phê
bình.
Cũng trong bài nói chuyện của đồng chí Lê Đức Thọ đã có
những đoạn nói về vấn đề này như sau:
“Thái độ phê bình phải khách quan công bằng, lành mạnh,
tránh động cơ cá nhân, châm chọc, chụp mũ và càng không được vùi dập thô bạo, làm
cho người sáng tác không cầm bút được nữa…” và “muốn phê bình một tác phẩm, người
phê bình phải hiểu sâu sắc điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mà tác phẩm ra đời, hiểu
cuộc sống, sự suy nghĩ của người viết ra tác phẩm đó và tốt nhất là trước khi
phê bình nên trực tiếp gặp tác giả (có những trường hợp không gặp được hoặc đối
với tác phẩm của người đã mất thì phải để công phu tìm hiểu cuộc đời của tác giả,
bối cảnh tác phẩm ra đời, v.v…) để hiểu cho đúng tác giả, còn phê bình, đánh giá
như thế nào, đó là thuộc về người phê bình”.
Chùa Cô Tiên, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Trần Độ. |
Từ năm 1962, đồng chí Phạm Văn Đồng, trong bài nói
chuyện với văn nghệ sĩ, cũng đã nói một ý kiến quan trọng: “Người phê bình có
quyền theo sở thích của mình, ưa hay không ưa mà khen chê. Đó là sở thích riêng
của mình thì không sao. Nhưng nếu đem sở thích riêng của mình mà ép người khác
phải theo thì không được. Lê-nin đã dạy chúng ta không nên đem cái ưa và không ưa
của mình về nghệ thuật mà ép thiên hạ”.
Tôi muốn nhắc lại những ý kiến quan trọng đó để bàn luận
ít nhiều về mấy loại phê bình mà tôi vừa đề cập. Muốn nói đến phê bình, tôi cho
là phải nói đến công chúng. Muốn phân biệt được công chúng một cách căn cứ, cần
phải có những công trình điều tra xã hội học chu đáo. Ở đây chỉ có thể nêu lên
những nhận xét cảm tính nhưng tôi tin rằng nó không đến nỗi sai lạc lắm. Thực tế
thì ở đâu công chúng cũng có nhiều loại, tuỳ theo điều kiện đời sống kinh tế,
nghề nghiệp, lứa tuổi, địa phương, dân tộc mà có nhiều thị hiếu khác nhau. Nhưng
cũng có thể có những nét chung cho toàn bộ công chúng Việt Nam và những nét chung này cũng chỉ có thể tiêu biểu cho
những công chúng “trung bình”. Vì rằng tất cả có thể có những loại công chúng
“không trung bình”, thậm chí đặc biệt, có những nét “kỳ quặc” riêng. Nếu nhận xét
nét chung nhất của công chúng “trung bình” Việt Nam, ta có thể thấy đại thể là công chúng Việt Nam có sự nhạy cảm cao về ý thức chính trị và thị hiếu thẩm
mỹ hết sức tinh tế, thích những gì dịu dàng đằm thắm, kín đáo, thích những nét đôn
hậu, tế nhị. Tất nhiên thị hiếu thẩm mỹ đang có những biến đổi và phát triển.
Những sự biến đổi và phát triển cũng rất khác nhau trong các lớp công chúng khác
nhau. Các nhà lý luận phê bình cần phải có những công trình khảo sát về điểm này
một cách công phu và chính xác, vì tôi nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ quan
trọng của các nhà lý luận phê bình là thể hiện được trung thành và sâu sắc nguyện
vọng chân chính của công chúng, đồng thời dựa vào những nguyện vọng chân chính
của công chúng, chân chính để hướng dẫn và uốn nắn các loại thị hiếu không lành
mạnh của những bộ phận công chúng nào đó. Điều mà tôi thấy cần phải nói nhiều hơn
ở đây là sự phê bình xuất phát từ những định kiến, thiên kiến, có ít nhiều gây
ra những khó khăn giả tạo trong công việc sáng tạo và đánh giá tác phẩm. Những
sự phê bình thiên kiến cũng thường nhân danh nguyện vọng của công chúng.
Nhà văn lớn Công hoà Dân chủ Đức Jô-han-nét R. Bê-sơ
(Johannes R. Becher) phân biệt ba hạng người cảm thụ nghệ thuật: “Hạng thứ nhất
thưởng thức mà không phán đoán gì cả, hạng thứ ba phán đoán mà không thưởng thức,
hạng giữa phán đoán trong khi thưởng thức và thưởng thức trong khi phán đoán, hạng
người này thật ra tái hiện tác phẩm trên một cơ sở mới”.
Phải chăng ta có thể thấy hạng thứ nhất của Bê-sơ là công
chúng vô tư hồn nhiên, nhưng ít hiểu biết về đặc trưng ngôn ngữ các loại nghệ
thuật, hạng thứ ba của Bê-sơ là những người có sẵn một thiên kiến để xét đoán và
hạng giữa là những nhà lý luận phê bình?
Sự phê bình thiên kiến xuất hiện ở các dạng sau đây:
1. Muốn có những khuôn sáo, những sơ đồ nhất định và yêu
cầu sự sáng tạo nghệ thuật phải theo đúng những khuôn sáo, sơ đồ đó. Những khuôn
sáo này đi tới đồng hoá nghệ thuật với chính trị, không chấp nhận sự phong phú
trong cuộc sống, trong hình tượng nghệ thuật. Ví dụ: đã là hình tượng người công
nhân, nhất thiết phải thể hiện vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Trong mọi
hoạt động đời sống nhất thiết phải có vai trò lãnh đạo của Đảng, phải có hình tượng
người đảng viên, phải có hoạt động của các tổ chức Đảng. Các cuộc đấu tranh diễn
ra nhất định phải theo sơ đồ “ta thắng địch thua”. Trong tất cả mọi trường hợp,
kẻ địch nhất định phải hèn nhát, sợ chết, ngu dốt, ta nhất định phải thông
minh, mưu trí, anh dũng, v.v…
Những người phê bình kiểu khuôn sáo thường cố đem khuôn
sáo này mà so sánh và đối chiếu với tác phẩm và phê phán tất cả những gì không
khớp với những khuôn sáo trên. Đó là sự phê bình độc đoán và cứng nhắc, không
giúp gì được cho sự phát triển sáng tạo.
2. Loại quan niệm “hiện thực” một cách thô sơ và đơn
giản, không cần tính đến những đặc trưng của hư cấu, sáng tạo nghệ thuật, đặc
trưng của hình tượng và phương pháp điển hình hoá nghệ thuật, không cần biết đến
vai trò của tưởng tượng, v.v… Loại phê bình này lúc nào cũng có thể chỉ ra các
chi tiết, các sự việc, nhân vật của tác phẩm là không “thực”, không “lô-gích”
so với cái thực, có lô-gích thường xảy ra trong đời sống. Họ chỉ lấy một tiêu
chuẩn để xét tính hiện thực của tác phẩm là cuộc sống có xảy ra đúng như vậy không,
và xuất phát từ đó yêu cầu tác phẩm phải thêm cái này, bớt cái kia, sửa cái nọ.
3. Đao to búa lớn, truy chụp, suy diễn. Đây là lối phê
bình của một số người thường cố phát hiện các thứ “khuynh hướng” quy nạp những
chi tiết của tác phẩm vào các thứ “tính” rất to lớn: tính đảng, tính giai cấp,
v.v… tìm ra những ẩn ý xấu trong các chi tiết của tác phẩm thường vượt rất xa
ra ngoài ý định của tác giả và của những đầu óc tưởng tượng bình thường. Các tác
phẩm bị phê bình thường bị kết những án rất nặng, thậm chí những tội ác kinh khủng
nữa. Loại phê bình này cũng xuất hiện nhiều ở nhiều trường hợp khác nhau:
- Có loại ý kiến phê bình xuất phát từ những đầu óc lành
mạnh vô tư và nhiệt tình, nhưng do quá “nhạy cảm” chính trị, coi nhẹ hoặc kém
hiểu biết những đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật, cho nên nhìn nhận thiên lệch,
- Có loại ý kiến phê bình xuất phát từ những động cơ cá
nhân, “lên gân” về lập trường quan điểm, cảm thấy càng phát hiện những vấn đề có
“tính giai cấp”, càng tỏ ra mình vững vàng và sâu sắc về lập trường giai cấp, càng
lớn tiếng phê phán người khác tiểu tư sản, tư sản, càng tỏ ra mình “vô sản”
cao. Rồi lại có chuyện “thế gian thường tình” do lòng đố kỵ - một tác giả có tác
phẩm không được chú ý, thấy công chúng hoan nghênh tác phẩm của tác giả khác thì
ghen tị, thế là “cao chê ngỏng, thấp chê lùn…”.
Có loại người chỉ phê bình bằng tai nghe chứ không cần
bằng mắt thấy. Những người này thường rất dễ xúc động với dư luận, chỉ vài cá
nhân khen chê đã gọi đó là “dư luận quần chúng” rồi. Và hễ đã “có ý kiến” thì tức
là “có vấn đề”, thế rồi bản thân mình cũng liền có ý kiến luôn mặc dầu chưa xem
tác phẩm gọi là “có vấn đề” đó.
Những loại ý kiến phê bình trên dễ đưa đến tình hình
những tác phẩm văn nghệ trở thành những vụ tai tiếng.
Công bằng mà nói, nhiều trường hợp, do có nhiều ý kiến
khác nhau về một tác phẩm văn nghệ, các cơ quan có trách nhiệm xét duyệt, đánh
giá có nhiều khía cạnh để cân nhắc, phân tích một cách sâu sắc, đầy đủ hơn tác
phẩm đó, sự đánh giá có nhiều căn cứ đầy đủ hơn. Nhưng cũng không ít trường hợp
có những tác phẩm không được đánh giá dứt khoát, bị bỏ lơ lửng trong sự tranh cãi
không kết thúc. Tình hình trên tác động không nhỏ đến tâm lý những người sáng tác,
ít nhất là hạn chế sự hào hứng sáng tạo ở nhiều mặt.
Sự bình giá và quyết định sử dụng tác phẩm phải tuân
theo những nguyên tắc và tư tưởng của Đảng và Nhà nước: đó là không để cho lọt
lưới đến với công chúng những tác phẩm văn nghệ phản động, đồng thời cần ngăn cấm
cả những tác phẩm mà tư tưởng - nghệ thuật làm sa đoạ đạo đức, sa đoạ nhân phẩm,
đầu độc thị hiếu.
Tuy nhiên, cần đề phòng những người vì những động cơ
khác nhau, nhân danh các nguyên tắc của Đảng để suy diễn, chụp mũ những tác phẩm
có một số chi tiết chưa thật hay về tư tưởng - nghệ thuật hoặc những tác phẩm đề
cập những vấn đề nhân đạo hạnh phúc con người nói chung chỉ có ảnh hưởng gián
tiếp đến sự giáo dục thẩm mỹ đạo đức cho công chúng, chứ không phải trực tiếp,
hiển nhiên - Điều này đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải có đầy đủ tinh thần
trách nhiệm, trình độ hiểu biết và tinh thần vô tư và sự tinh tế.
Để cho sự phê bình văn nghệ có thể tiến triển được tốt
đẹp, làm tròn nhiệm vụ của nó là hướng dẫn sự sáng tác và hướng dẫn nâng cao thị
hiếu trong công chúng, có nhiều việc phải làm. Tôi đề xuất một vài ý kiến tóm tắt như sau:
1. Cần thống nhất quan niệm về một số quan điểm của Đảng
trong việc phê bình văn nghệ. Về mặt này, có thể lấy mấy điểm trong nội dung
nghị quyết của Đại hội V:
a) Sự phê bình cần xuất phát từ quan điểm “Đảng tin tưởng
và đánh giá cao sự cống hiến của đội ngũ văn nghệ”. Như vậy là xuất phát từ cách
nhìn nhận các văn nghệ sĩ là những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Cần
có sự trân trọng đối với động cơ, ý định sáng tạo của tác giả, để nhìn nhận tác
phẩm, không nên quy kết chụp mũ một vài chỗ còn sơ xuất hoặc chưa được rõ ràng
trong tác phẩm, giúp đỡ tác giả nâng cao nhận thức để nâng cao chất lượng tác
phẩm.
Văn nghệ là mặt trận xung yếu, kẻ địch luôn có ý định
xâm nhập hoặc lợi dụng chỗ sơ hở để đầu độc tình cảm tư tưởng công chúng. Ta phải
có ý thức cảnh giác với kẻ địch, nhưng cũng không nên vì cảnh giác với kẻ địch
mà vô tình quá đề cao tác dụng của địch, làm như một ít cái xấu mà giả dụ lọt vào
được một tác phẩm nào đó là có thể lung lạc được công chúng của ta. Ta cũng có
thể tin tưởng và tự hào về công chúng của ta trước các âm
mưu dù sâu độc đến mấy của kẻ địch.
Quan điểm không rõ ràng về mặt này có thể làm giảm sút
sức chiến đấu của mặt trận văn nghệ. Đây là một vấn đề quan trọng.
b) Đảng khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo, khuyến khích
sự phát triển phong cách và tài năng nghệ thuật. Đây cũng là một quan điểm để
xem xét và đánh giá tác phẩm. Muốn khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo phải có thái
độ dứt khoát khuyến khích sự thể nghiệm. Muốn khuyến khích sự thể nghiệm phải để
cho những tác phẩm có ý định tìm tòi được tiếp xúc với công chúng, được trải
qua sự khảo nghiệm của công chúng.
Trong một tình hình phức tạp, ta có thể phải cố gắng hạn
chế những tác phẩm có những điểm chưa thật rõ ràng, để hạn chế sự xôn xao không
cần thiết và gây ra rối rắm trong tâm lý, tư tưởng công chúng. Vì thế, phải hạn
chế những tác phẩm có những nhược điểm nói trên.
Nhưng không nên vì thế mà đòi hỏi
hoạt động văn nghệ luôn trơn tru, tròn trĩnh, không có bất cứ một sự thảo luận
tranh cãi nào, vì như thế thì chỉ tạo ra sự tẻ nhạt và nghèo nàn trong văn
nghệ, chỉ ngăn chặn và làm thui chột mọi tìm tòi sáng tạo mà thôi. Cần khuyến
khích sự tìm tòi để phát hiện ra những vấn đề mới, những khả năng mới của văn
nghệ, tạo ra những phong cách nghệ thuật khác nhau. Và những sự phát triển như
vậy tất yếu thường gây ra những sự tranh cãi. Qua những cuộc tranh cãi về nghệ
thuật như vậy, ta có thể làm cho không khí sáng tạo sôi nổi, hào hứng và đạt
những kết quả tốt đẹp. Có thể có những sự tìm tòi trải qua nhiều lần thất bại
mới đi tới một thành công nào đó. Ta cần có quan điểm coi tình hình ấy là bình
thường. Vì quan điểm của Đảng là “khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo”. Những
người phê bình, những cơ quan có trách nhiệm bình giá tác phẩm cần có một thái
độ khoan dung ưu ái đối với mọi tìm tòi. Những sự tìm tòi thành công chỉ có thể
là kết quả của sự hợp tác chân thành và có hiệu quả giữa những người sáng tác,
những nhà phê bình, những cơ quan có trách nhiệm bình giá và sử dụng tác phẩm.
Những băn khoăn, trăn trở trong tìm tòi của các tác giả cần được tìm hiểu,
thông cảm cho đầy đủ. Đó cũng là yêu cầu “thái độ phê bình phải khách quan,
công bằng, lành mạnh, tránh động cơ cá nhân, châm chọc, chụp mũ và càng không
được vùi dập thô bạo…” như đồng chí Lê Đức Thọ đã nêu ra. Tôi nghĩ rằng phê
bình vừa phải có quan điểm đúng, vừa phải có thái độ đúng và phương pháp đúng
nữa. Tất nhiên phê bình phải nghiêm túc, nếu có những hiện tượng sai lầm nguy
hiểm, cũng cần có sự phân tích sâu sắc cho đến nơi đến chốn. Nhưng nghiêm túc
hoàn toàn khác với thiên kiến, truy chụp. Thái độ nghiêm túc chính là một thái
độ công bằng, khách quan và ân cần khuyến khích. Phương pháp nghiêm túc là một
phương pháp khoa học, có tình có lý, không phải là một phương pháp kiện tụng tố
cáo, vùi dập.
c) Bên cạnh hai quan điểm trên, Đảng còn đề ra yêu cầu
rất cao đối với sáng tác để bảo đảm cho văn nghệ thực sự trở thành vũ khí sắc bén
của sự nghiệp cách mạng. Đảng yêu cầu văn nghệ sĩ phải nắm vững phương pháp hiện
thực xã hội chủ nghĩa, nêu cao tính Đảng và nâng cao tinh thần trách nhiệm với
công chúng, với cách mạng. Đó thực ra cũng là nguyện vọng chân chính và sâu sắc
của những văn nghệ sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có tinh thần
trách nhiệm đầy đủ với sự nghiệp của mình. Tất nhiên ở đây cũng có vấn đề cần
nhận thức đầy đủ về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, về tính Đảng của văn
nghệ.
Cũng cần chú ý một đặc điểm của người sáng tác là chủ
quan, quá say sưa và quá tự tin. Điều này dễ dàng dẫn đến cá nhân chủ nghĩa và
cá nhân chủ nghĩa cực đoan. Và khi đã bị chủ nghĩa cá nhân chi phối thì lại càng
chủ quan nặng hơn, lệch lạc hơn. Vì vậy, giữa những người sáng tác và những người
phê bình thường nảy sinh ra những chỗ khác nhau và đi đến mâu thuẫn. Một số người
sáng tác luôn luôn chờ đợi sự đánh giá tốt đẹp, sự khen ngợi đối với tác phẩm của
mình, mà ít khi chờ đợi sự chê bai, phê phán, nhưng lại sẵn sàng chê bai, phê
phán tác phẩm của người khác, và về mặt này thì lại hay tìm thấy sự thống nhất
với một số nhà phê bình nào đó. Thế là tự nhiên xuất hiện một tình hình khó xử
cho cả những người sáng tác và những người phê bình và cả trong công chúng.
2. Cần xác định một cơ chế tổ chức có nhiệm vụ và trách
nhiệm trong việc bình giá và sử dụng các tác phẩm. Hiện nay, không phải chúng
ta không có những tổ chức như vậy, nhưng tính chất pháp lý của các tổ chức chưa
được đề cao, uy tín và quyền lực của các tổ chức chưa được khẳng định. Vì vậy,
trong nhiều trường hợp, mọi người còn cứ phải chờ đợi ý kiến “có thẩm quyền”.
Tôi cho rằng ta cần có một quan điểm dứt khoát là tin
cậy vào các tổ chức, tôn trọng ý kiến của các tổ chức đã được thừa nhận.
Văn nghệ là một lĩnh vực chuyên môn, nó đòi hỏi phải có
sự xét đoán của những người có đầy đủ ý thức chính trị và kiến thức chuyên môn.
Đảng và Nhà nước cần có những quyết định về vai trò và quy chế một hệ thống tổ
chức có nhiệm vụ bình giá và sử dụng các tác phẩm. Cần có những Hội đồng nghệ
thuật cấp quốc gia, những Hội đồng nghệ thuật của từng ngành, từng địa phương
(vùng) và Hội đồng nghệ thuật của các cơ sở. Các hội đồng này có trách nhiệm làm
tư vấn, dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để chuẩn bị thật tốt những quyết
định cho thủ trưởng phụ trách (Bộ trưởng, Giám đốc của tỉnh và Giám đốc các cơ
sở). Và những quyết định của các đồng chí thủ trưởng phụ trách phải được tôn trọng,
có tính nguyên tắc. Tất nhiên, cũng cần thực hiện một sự kiểm soát của các cấp
lãnh đạo, quản lý và xem xét cả những ý kiến và dư luận của công chúng, để uốn
nắn và hướng dẫn sự hoạt động của các cấp lãnh đạo, quản lý và xem xét cả những
ý kiến và dư luận của công chúng, để uốn nắn và hướng dẫn sự hoạt động của các
hội đồng bảo đảm cho hội đồng trung thành với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác
– Lê-nin và tinh thần các quyết định, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nếu ta tạo được một ý thức chung từ cơ quan lãnh đạo
quản lý đến cả các tác giả, cả công chúng là tôn trọng quyền hạn và trách nhiệm
của các hội đồng thì chúng ta có thể giải quyết các vấn đề tranh chấp xảy ra
trong lĩnh vực hoạt động văn nghệ, từ đó ta lại ngày càng nâng cao được tinh thần
trách nhiệm của các hội đồng và các thủ trưởng phụ trách, làm cho việc bình giá
các tác phẩm này một cách chính xác hơn, có tác dụng thúc đẩy mọi hoạt động sáng
tạo theo những chiều hướng lành mạnh và tốt đẹp, làm cho các cơ quan lãnh đạo và
quản lý bớt được những công việc sự vụ.
Tuy nhiên, các hội đồng nghệ thuật của các cơ sở xuất
bản và biểu diễn chỉ có nhiệm vụ bình giá để sử dụng tác phẩm chứ không làm
thay được toàn bộ việc phê bình và nghiên cứu. Sự bình giá để sử dụng tác phẩm
mới chỉ là một bước của sự đánh giá toàn vẹn. Sau khi tác phẩm được sử dụng, được
tiếp xúc với công chúng, còn có sự nghiên cứu, phân tích và phê bình sâu sắc hơn
của các nhà phê bình. Công việc cứ như vậy và có thể còn kéo dài mãi mãi.
Những quan điểm nhận thức và hình thức tổ chức như tôi
vừa nêu là những kinh nghiệm tích cực của nhiều nước anh em.
Tôi muốn nhắc lại một ý kiến vốn rất quen thuộc với giới
văn nghệ, ý kiến của Lê-nin bàn về tính Đảng trong văn nghệ. Ở đây tôi muốn lưu
ý hai điểm, nó là cơ sở cho cả sáng tác văn nghệ, cơ sở cho việc chỉ đạo các hoạt
động văn nghệ: “Đối với giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp văn học không
thể là công cụ kiếm lợi lộc của những cá nhân hoặc những nhóm nói chung; nó không
thể là sự nghiệp cá nhân, độc lập đối với sự nghiệp chung của giai cấp vô sản.
Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp
vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy xã hội
– dân chủ vĩ đại thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp
công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công
tác tổ chức, có kế hoạch thống nhất của Đảng xã hội – dân chủ… Không thể chối
cãi được rằng sự nghiệp văn học ít chịu nhượng bộ hơn cả đối với sự bình quân máy
móc, đối với sự san bằng, đối với việc số đông thống trị số ít. Không thể chối
cãi được rằng trong sự nghiệp đó tuyệt đối
phải đảm bảo phạm vi hết sức rộng rãi bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng,
cho hình thức và nội dung… Trong lĩnh vực này càng không thể nói tới chủ nghĩa
công thức” (Mác – Ăng-ghen – Lê-nin: Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, tr. 305
– 307).
Việc phê bình văn nghệ nhất định phải khắc phục bằng được
những non yếu hiện có và phải đóng vai trò cần thiết của nó trong việc phát triển
văn nghệ cũng như trong việc tạo nên một nếp sống lành mạnh, tốt đẹp trong hoạt
động văn nghệ của ta, như thế mới là thực hiện các nghị quyết của Đại hội một cách
tích cực và có hiệu quả.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét