Nhà văn Phạm Đình Trọng
…
Khi thiếu tướng Trần Độ làm chính ủy
quân khu Tả Ngạn thì tôi còn là học trò trung học ở thành phố Hải Phòng thuộc
lãnh thổ quân khu Tả Ngạn.
Bài viết “Anh Bộ Đội” của ông đăng trên các báo, đọc
trên đài phát thanh ngày ấy đã tạo nên một đợt thảo luận sôi nổi kéo dài trong
thanh niên học sinh về cuộc sống đẹp đẽ của anh bộ đội, về môi trường giáo dục,
rèn luyện cho tuổi trẻ như một trường đại học, trường đại học quân đội, mang
lại một lý tưởng thẩm mĩ cao cả, mở ra một hướng vào đời rộng rãi cho tuổi trẻ.
Khi tướng Trần Độ là Phó Chính ủy quân
Giải phóng miền Nam thì tôi là sĩ quan
thông tin ở mặt trận Tây Nguyên. Những bài chính luận quân sự của Cửu Long (sau
này tôi mới biết Cửu Long chính là Trần Độ), phân tích thế và lực của ta và
địch, thế tất thắng của chiến tranh cách mạng được giọng hào sảng của phát
thanh viên Việt Khoa đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội đã làm
nức lòng hết thảy đám lính tráng sốt rét và đói ăn dưới tán lá rừng già vùng
ngã ba biên giới Việt – Miên – Lào. Với những sĩ quan đã có vốn hiểu biết về
quân sự và thực tế chiến tranh thì những bài viết của Cửu Long – Trần Độ là lý
luận của niềm tin chiến thắng.
Khi trung tướng Trần Độ là Phó Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị, rồi Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương thì tôi cùng 22
sĩ quan từ khắp các đơn vị trong quân đội được Tổng cục Chính trị gọi về cử đi
học khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du - lần đầu tiên có hệ đại học. Tôi vẫn nhớ
lần ông đến trường Viết Văn Nguyễn Du gặp chúng tôi, ông nói rất ngắn: Văn nghệ
không có tự do thì không thể sáng tạo, chỉ là văn nghệ tuyên truyền, văn nghệ
diễn ca nghị quyết đảng. Rồi ông dành cả buổi lắng nghe và ghi chép những điều
chúng tôi giãi bày về khó khăn, cản trở trong công việc viết lách.
Khi tướng Trần Độ, chính khách Trần Độ
rời chính trường thì tôi cũng rời quân ngũ, vào miền Nam làm báo dân sự.
Tóm lại thời tôi làm lính là thời Trần Độ làm tướng, là thời lừng lẫy của danh
tướng Trần Độ. Tôi là lính ở mặt trận phía Nam thì ông là tướng chỉ huy cả mặt
trận miền Nam. Tôi là lính văn nghệ thì ông là tướng văn nghệ. Dù mang cấp hàm
tướng suốt mấy chục năm trời nhưng những lần gặp ông ngoài đời, tôi chỉ thấy
ông mặc đồ dân sự xuềnh xoàng.
Là một người lính, hôm nay tôi nhìn lên
ảnh vị danh tướng trong bộ đồ dân sự bình dị không sao, không vạch, không cành
nguyệt tuế, không huân chương, huy chương, tưởng nhớ đến vị tướng của tôi, vị
tướng Nam chinh Bắc chiến, người chỉ huy đội quân cách mạng đi từ trận đánh của
trung đoàn Thủ đô 60 ngày đêm cầm cự giữ chân quân Pháp trong lòng đường phố Hà
Nội để Chính phủ kháng chiến rút lui an toàn về đất căn cứ Việt Bắc, đến trận
đánh của những sư đoàn lớn mạnh 56 ngày đêm dội bão lửa xuống lòng chảo Mường
Thanh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đi từ trận chống càn Junction City đầu
mùa mưa năm 1967, từ vị Tư lệnh đến anh lính nuôi quân của Bộ Chỉ huy quân Giải
phóng miền Nam đều phải cầm súng AK, súng B40, chống trả đánh lui hết đợt càn
quét này đến trận đột kích khác của hơn 30 ngàn quân Mỹ cùng xe tăng, xe bọc
thép nhiều như lá rừng, ròng rã suốt 53 ngày đêm, bảo toàn cơ quan lãnh đạo
kháng chiến miền Nam, đến trận đánh cuối cùng, đại quân từ bốn hướng ào ào tiến
vào Sài Gòn mùa xuân 1975.
Hơn cả những chiến công trên mặt trận quân sự,
Trần Độ còn là vị tướng từng trải, lịch lãm của đội quân chữ nghĩa, vị tướng
nhân văn, gần gũi của đội quân văn nghệ sĩ, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với
cái đẹp, với cái mới.
(*) Đầu đề của blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét