Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Những câu chuyện Gia đình (3)


Những người con cụ Phán Long

Ở nhà có bà Tạ Thị Thi là con gái lớn. Năm bà 11, 12 tuổi đã biết buôn bán phụ giúp gia đình. Bà nhớ có lần cùng bà Câu, khi đó mới 7, 8 tuổi mang 10 chai rượu đi bán. Các bà tìm đến cạnh quán thịt chó nên bán hàng rất chạy. Thấy vậy, bà Thi bèn pha thêm nước lã vào để bán cho lời hơn. Bà nói nhỏ vào tai bà Câu giục bà Câu đi lấy nước lã. Bà Câu ngây thơ thật thà, hỏi lại thật to: “Lấy nước trong bể hả chị?”. Lần đó, hai bà bán được 1 đồng bạc, có thể mua được 5 thùng thóc, rất lớn. Năm bà Thi 18 tuổi, nhà Cụ Tô Luận (Cửu Luận) ở Giang Nam xin cưới bà cho con trai là Ông Tô Xuân Thạch đang làm y sĩ ở nhà thương Phủ Doãn Hà Nội. Sau đó bà Thi, lúc này gọi là Bà Thạch theo chồng lên Hà Nội sinh sống. Tới năm bà 19 tuổi thì sinh người con gái đầu lòng Tô Thị Vinh (1934), rồi Tô Bình Sơn (1936-1941), Tô Thị Ngà (1938), Tô Hiệp (1940). Tới năm 1941, Ông Thạch mất. Khoảng tháng 3/1945, do tình hình bất ổn ở Hà Nội, Bà Thạch và các con trở về ở chung với Cụ Phủng.

Chân dung Cụ Tô Thị Phủng

Năm 1954, sau Cải cách ruộng đất, Bà Thi được chia mảnh đất ở Cổ Rồng. Gia đình Bà sinh sống ở đó cho tới nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, anh Hiệp tuy là con trai duy nhất của Bà nhưng vẫn tham gia quân đội và nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Bà Thi mất năm 2005.

Bà Tạ Thị Câu là người cao lớn, trắng trẻo lại đẹp gái. Từ nhỏ Bà đã theo chị Thi đi làm phụ giúp gia đình. Lớn lên Bà có gánh hàng xén (kim, chỉ, quần, áo...), thường đi khắp nơi buôn bán và sau này kết hợp hoạt động cách mạng. Từ năm 17 tuổi Bà được giác ngộ và tham gia hoạt động Cách Mạng. Khoảng năm 1939-1940 Bà đã là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình. Cũng thời gian đó, Bà bị lộ, phải thoát ly gia đình ra đi hoạt động cho Xứ ủy tại các tỉnh Hà Đông, Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh...

Chân dung Bà Tạ Thị Câu năm 1943, khi bị giặc bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò
Bà Xuyến nhớ lại lần cuối cùng gặp Bà Câu như sau: Đó là vào khoảng cuối năm 1941, đầu năm 1942, lúc này bà lên Hà Nội giúp bà Thạch trông anh Hiệp. Một lần bế cháu ra bờ hồ Hoàn Kiếm chơi, tình cờ nhìn thấy Bà Câu đóng giả một cô mua đồng nát đang đi tới. Nhận ra em, Bà Câu vội đi vào một ngôi miếu nhỏ, bà Xuyến theo sau và gặp chị. Bà Câu nhìn em, bế vội cháu lên hôn rồi lục thắt lưng lấy 1 đồng xu dúi vào tay em. Sau đó, tất tả ra đi. Bà Xuyến đâu biết rằng đó là lần cuối cùng mình gặp người chị vô cùng yêu thương.

Năm 1943, trong một lần đi họp với bà Trương Thị Mỹ, Bà Câu đã bị giặc Pháp vây bắt. Chúng giam Bà ở nhà tù Hỏa Lò, tra tấn Bà hết sức dã man và Bà đã mất ngày 29 tháng 9 năm 1944, tức ngày 11 tháng 8 Âm lịch. Khi đó Bà mới 25 tuổi. Năm mươi sáu năm sau (12/2000), em Phách, em Xuyến, cùng con cháu dòng họ đã tìm được hài cốt của Bà và tổ chức đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tiền Hải thật trang trọng và thấm đẫm tình người.

Vậy là sau sáu mươi năm đi xa, Bà lại được trở lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, nằm cạnh người mẹ yêu thương. Con cháu Bà vẫn thường xuyên hương khói tưởng nhớ Bà.

Năm 2000, Ông Tạ Ngọc Phách cùng con cháu đưa hài cốt Bà Tạ Thị Câu về quê hương
Ông Tạ Ngọc Phách sinh ngày 23 tháng 9 năm 1923 là đời thứ 13. Hồi nhỏ, Ông được cha mẹ cho đi học tiểu học ở Đông Hướng. Vào khoảng 1937-1938, sau khi đỗ cao đẳng tiểu học (Certificat), Ông lên Hà Nội, ở nhà Bà Thạch để học trung học tại trường Duvillier tức trường Hàng Đẫy ở phố Nguyễn Thái Học bây giờ. Sớm ảnh hưởng các trào lưu tiến bộ. Ông thường tiếp xúc với Đào Duy Kỳ, Trần Mai Ninh, Thành Ngọc Quản... ở báo “Thế giới mới”. Sau đó, Ông tham gia làm báo “Người mới” với Trần Mai Ninh. Tháng 8 năm 1939, Ông bị mật thám bắt giam 24 giờ, bắt đầu bị khủng bố.

Ông phải bỏ học và trở về quê, được Bà Câu giao nhiệm vụ công tác vận động thanh niên vào “Thanh niên Phản Đế” tại xã rồi sau đó ở phủ Kiến Xương. Khoảng tháng 10 năm 1940, Ông được kết nạp vào Đảng. Lúc này Bà Câu rồi đến Ông lần lượt bị lộ, phải thoát ly gia đình ra đi và rút vào hoạt động bí mật.

Chân dung Ông Tạ Ngọc Phách khi bị Mật thám bắt năm 1939
Tháng 12 năm 1940, Ông tham gia và diễn thuyết tại cuộc mít tinh hưởng ứng Nam Kỳ khởi nghĩa tại Đông Lang. Đầu năm 1941, Ông được bầu làm Tỉnh ủy viên dự khuyết phụ trách thanh niên. Tới giữa năm 1941, trong một chuyến công tác, Ông bị bắt tại Bát Điếu. Nơi đó có một gốc cây gạo ven đường cách nhà Ông vài trăm mét.
Cây gạo trải qua bao nhiêu năm vẫn còn đó, bây giờ mỗi khi con cháu về quê, chúng thường chỉ cho nhau xem và kể về thời kỳ hoạt động đầu tiên của Ông với bao tự hào. Ông bị giam và bị tra tấn dã man tại Sở Mật thám Thái Bình. Chúng kết án Ông 15 năm tù khổ sai. Ông chống án, chúng đưa Ông lên giam tại Hỏa Lò, sau đó Tòa Thượng thẩm y án và cuối năm 1942, Ông bị đưa đi đày tại nhà tù Sơn La.

Đầu năm 1944, trên đường bị áp giải về Hà Nội để đi Côn Đảo, Ông đã phá gông xiềng trốn thoát về xuôi. Sau khi liên lạc với Tổ chức, Ông được gửi tới nghỉ ngơi, chữa bệnh một thời gian ngắn tại nhà một cơ sở cách mạng tại Hà Nội là Ông Tham biện Dzư, tức Ông Đỗ Hữu Dzư hay Hoàng Linh, sau này là Kiến trúc sư, Cục trưởng Cục Doanh trại quân đội. Bà Dzư dịu dàng, đẹp gái, rất giỏi nội trợ, quý mến Ông như em trai mình. Bà đã bỏ công đi tìm nhiều loại thuốc lá về nấu nước tắm trị ghẻ, lở cho Ông. Từ đó cho tới bây giờ, hai gia đình vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết như ruột thịt đó.

Sau đó Ông được đồng chí Trường Chinh phân công công tác tại Chiến khu I – Phú Bình, rồi làm công tác tuyên huấn, tuyên truyền ở Trung ương. Tháng 8 năm 1945, Ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại huyện Đông Anh. Sau đó, Ông được cử sang công tác quân sự làm chính trị viên khu Hà Nội, rồi Phó Chính ủy Khu II và từ đây mang bí danh Trần Độ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12 năm 1946, Ông tham gia chiến đấu trong hàng ngũ chiến sĩ Thủ Đô.

Sau khi rút khỏi Hà Nội, Ông lên Việt Bắc và làm công tác tuyên huấn tại Cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh. Trong Quân đội, Ông đã trải qua các chức vụ Chính ủy Trung đoàn Sông Lô (đầu 1950), chính ủy Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng, bắt sống tướng giặc. Năm 1955, Ông làm Chính ủy Quân khu Hữu Ngạn, năm 1958 được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, Ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Từ năm 1965-1974, Ông chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ với cương vị Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Phó Chính ủy Quân Giải phóng. Tham gia các chiến dịch Đồng Xoài, Mậu Thân 1968, chiến dịch tại Campuchia, chiến dịch Nguyễn Huệ... Sau đó Ông là Ủy viên Trung ương khóa 4, 5, 6; Trung tướng Quân đội; Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội. Do công lao đóng góp trong hơn 50 năm hoạt động, Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1993) và nhiều huân chương cao quý khác. Ông đã cống hiến cả đời mình cho dân, cho nước và đấu tranh không mệt mỏi cho những lý tưởng cao quý của loài người. Ông mất ngày 01 tháng 7 Âm lịch năm 2002. Hài cốt của Ông được an táng cạnh mộ Cụ Phủng, theo đúng di chúc của Ông. Vậy là sáu mươi năm sau, Ông lại được về nằm bên Mẹ.

Vợ Ông Phách là Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng tức Hoàng Thị Huynh, sinh năm 1921 tại Liễu Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh. Bà Hằng tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, làm giao liên cho Ông Hoàng văn Thụ. Khoảng đầu năm 1941, Bà bị giặc bắt và giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Bà nổi tiếng là gan dạ, kiên cường chịu đựng mọi cực hình tra tấn, giữ an toàn cho Xứ ủy.

Trong tù, Bà được phân công chăm sóc Bà Câu. Một sáng sớm, Bà phát hiện ra Bà Câu đã hy sinh và thông báo cho mọi người biết. Đầu năm 1945, lợi dụng hoàn cảnh lộn xộn khi Nhật đảo chính Pháp, Bà cùng các đồng chí vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động. Tháng 8-1945, Bà tham gia cướp chính quyền tại Đông Anh. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, Bà đều tham gia công tác trong ngành thương nghiệp quốc doanh. Trước khi về hưu, Bà là Thư ký Công đoàn Sở Thương nghiệp Hà Nội.

Ông Phách và Bà Hằng có 4 người con trai (đời thứ 14) là: Tạ Toàn Thắng sinh năm 1947, Tạ Vinh Quang sinh năm 1954, Tạ Điền sinh năm 1957, Tạ Hải sinh năm 1959 và một người con gái nuôi là Trần Hoàng Tâm. Do Ông mang bí danh là Trần Độ nên các con trai Ông đều mang họ Trần. Các con trai Ông đều tốt nghiệp Đại học, có 3 người tham gia quân đội, có người tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Các con dâu, rể của Ông có nhiều người đã tốt nghiệp Đại học và cao học. Ông có 8 cháu nội (đời thứ 15) và 2 cháu ngoại. Có 1 đứa cháu nội đã tốt nghiệp Đại học và 3 cháu đang học Đại học.

Vẻ viên mãn của Bà Tạ Thị Xuyến sau ngày khánh thành Nhà thờ Gia đình
Trong gia đình có người con gái út là Bà Tạ Thị Xuyến. Bà sinh năm 1930, được một ngày rưỡi thì Cụ Phán Long qua đời. Mới chào đời đã mồ côi cha, Bà chịu bao thiệt thòi về tình cảm. Các anh chị của Bà lớn lên đều đi xa, một mình Bà sớm hôm bên cạnh Mẹ, chăm lo việc nhà, nuôi dạy các con nên người và đặc biệt đã giữ gìn trọn vẹn mảnh đất Ông, Cha để lại. Một đêm mùa đông năm 1940, trời rét như cắt, Bà Xuyến lúc đó vừa 10 tuổi, đứng ôm cây cột nhà, nước mắt lưng tròng, lặng lẽ nhìn Bà Câu và Ông Phách đang chuẩn bị thoát ly gia đình rút vào hoạt động bí mật. Bà Câu, Ông Phách mỗi người mặc thêm áo sợi cho ấm, khoác áo tơi cói tránh mưa rồi dặn Mẹ ở nhà nhờ Bà Binh Quất hàng xóm bán hộ gánh hàng xén để lấy tiền chi dùng, dặn em Xuyến ở nhà chăm nom giúp Mẹ. Bà chạy vội lại cầm tay Anh xin theo. Anh vuốt tóc em nói đi vài hôm sẽ về, em ở nhà chăm nom Mẹ giúp anh. Rồi hai chị em lao vào màn đêm mịt mù mưa lạnh ra đi. Từ hôm đó, Bà chịu khó sớm hôm giúp Mẹ việc nhà, nhiều việc tưởng chừng như quá sức chịu đựng của đứa trẻ lên 10. Cách mạng cần đến Bà, các anh, các chú nhờ Bà đưa thư từ, công văn, đi liên lạc cho tổ chức. Bà tham gia hoạt động thật nhẹ nhàng, tự nguyện. Năm 1942, địch khủng bố mạnh, bà mất liên lạc với tổ chức cho tới năm 1944 mới liên lạc lại. Từ đó Bà thường hoạt động ở Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh... Năm 1945, bà tham gia cướp chính quyền ở huyện Tiền Hải. Năm 1946, Bà thoát ly và là Thường trực Hội Phụ nữ huyện. Năm 1947 đến 1950 làm Huyện Đoàn phó Thanh niên huyện Tiền Hải.

Sau đó, Ba tham gia công tác ở địa phương trong suốt thời gian chống Pháp, chống Mỹ cho tới sau ngày giải phóng miền Nam. Năm 1949, Bà lấy Ông Trần Công Hoan là người Văn Hải, Đông Phong, Tiền Hải.

Ông Hoan tham gia hoạt động thanh niên tại địa phương từ năm 1945, năm 1950 tham gia quân đội chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1974, Ông bị bệnh nặng và qua đời. Bà Xuyến và Ông Hoan có 4 người con: Trần Vinh Quang, Trần Mạnh Chung, Trần Thị Hạnh, Trần Thị Phúc. Hai con trai của Bà đều tham gia quân đội và người con trai đầu đã tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Các con Bà, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đều học và tốt nghiệp đại học và trên đại học...

Chuyện gia đình tôi sẽ còn tiếp nối, cháu con sẽ tiếp tục ghi nhớ và lưu truyền lại các đời sau.

(Trích Chuyện Xưa... Chuyện Nay, Tạ Trần Thắng, 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét