Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Phấn đấu để nền văn nghệ ta phát triển mạnh mẽ


Thời gian gần đây, giới văn học nghệ thuật có những cuộc trao đổi ý kiến, thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề: Phấn đấu thế nào để có tác phẩm tốt, góp phần phát triển nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa nước nhà? 


Thành tựu và nhược điểm của các sáng tác văn học, nghệ thuật trong năm năm gần đây? Việc phát triển, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ những người làm công tác văn học, nghệ thuật đang có những thuận lợi và khó khăn gì? trước những chuyển biến lớn lao của cách mạng, trước những đòi hỏi của nhân dân ngày một nâng cao trình độ thưởng thức văn học, nghệ thuật, người nghệ sĩ phải nắm bắt cuộc sống nhạy bén như thế nào để có những tác phẩm mang tính thời đại, góp phần cùng các hoạt động khác của xã hội đẩy mạnh cuộc cách mạng tiến lên và xây dựng những mẫu người mới xã hội chủ nghĩa?
Những cuộc trao đổi ý kiến, thảo luận gợi ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ
Chúng ta còn tiếp tục bàn bạc, trao đổi ý kiến về các vấn đề đang đặt ra để nhanh chóng tạo một chuyển biến lớn trong hoạt động, đi tới những kết quả thiết thực, có được nhiều tác phẩm văn nghệ “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người mới, việc mới” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Sản phẩm của người nghệ sĩ đóng góp cho xã hội là tác phẩm nghệ thuật. Lý tưởng, đường lối của Đảng và hiện thực cách mạng là chỗ đứng, tầm nhìn, nơi xuất phát, nơi nảy sinh và cũng là nơi gặt hái của người nghệ sĩ cách mạng. Mọi sự mệnh danh “tìm tòi”, “sáng tạo” vượt ra ngoài hoặc chệch ra ngoài điểm xuất phát đó đều chỉ dẫn những sản phẩm không có giá trị, thậm chí nguy hại ngay cho người nghệ sĩ và sẽ gặp phải phản ứng của lực lượng đông đảo những người thưởng thức văn nghệ. Họ không chấp nhận những cái đó là của họ.
Hoặc ngược lại, những sự “bó chặt”, “loanh quanh” trong bốn bức tường, không dám ló cổ nhìn ra những cái mới của thời đại, để sức sáng tạo của người nghệ sĩ được phát triển mạnh mẽ, mang những lấp lánh của những trí tuệ và tâm hồn con người mới xã hội chủ nghĩa, thì rõ ràng trở thành một lực cản, một sức ì, một sự “chết”, trong ý nghĩa của công việc lao động đầy tính sáng tạo.
Ba mươi nhăm năm qua, kể từ khi Đảng giành được chính quyền và xây dựng chế độ mới trên đất nước ta, nền văn nghệ cách mạng của chúng ta đã được xây dựng và phát triển trên một chặng đường dài tươi sáng “xứng đáng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” như Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đánh giá. Thành tựu rực rỡ của hơn ba mươi năm văn nghệ cách mạng là một chứng minh hùng hồn cho sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối văn nghệ của Đảng ta. Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài viết, bài phát biểu của anh chị em làm công tác văn học, nghệ thuật của đông đảo những người quan tâm, yêu mến văn học, nghệ thuật đã khẳng định, chứng minh và hoàn toàn nhất trí với sự đánh giá của Đảng.
Song gần đây có một vấn đề mới được nêu ra: phải chăng trong vài năm qua, hoạt động văn hoá của chúng ta như có sự “sa sút”, có sự “dẫm chân tại chỗ” hoặc có khuynh hướng đi lệch? Điều băn khoăn đó cần được lý giải, bởi lẽ nó xuất phát từ một ý định tốt, đầy nhiệt tình, mong muốn có được nhiều “công trình và tác phẩm nghệ thuật có tầm vóc lớn, có trình độ khái quát cao về chiến công và kỳ tích của những con người Việt Nam…” như Đảng đã yêu cầu. Song, để lý giải băn khoăn đó, rất cần tính khoa học.
Điều trước tiên, sáng tạo văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực cực kỳ tinh tế và khó khăn, phức tạp. Có được những công trình và tác phẩm nghệ thuật mang tầm vóc lớn, có trình độ khái quát cao, tương xứng với tầm vóc dân tộc, tầm vóc thời đại, không phải bất kỳ ở đâu và bất kỳ ở thời nào cũng có thể có ngay được. Lịch sử văn học nghệ thuật của thế giới và của dân tộc ta đã chứng minh điều đó. Ví như trong sự nghiệp chống quân xâm lược nhà Minh, chúng ta có tác phẩm mang tầm vóc lớn “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Nhưng trước đấy là ba lần đuổi giặc Nguyên và sau đó, Quang Trung đại phá quân Thanh, vì sao văn học của ta thiếu những tác phẩm cỡ “Đại cáo Bình Ngô”?
Đến thời đại có Đảng lãnh đạo, chúng ta có thể và cần phải sáng tạo được những tác phẩm như Đảng đã yêu cầu, nhân dân mong muốn. Những đỉnh cao của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã có chưa? Rõ ràng trên suốt chặng đường mấy chục năm qua, chúng ta tự hào có thơ Hồ Chủ tịch, thơ Tố Hữu… gây chấn động lớn hàng chục triệu trái tim con người trong nước và trên thế giới. Đó là những đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam. Chưa kể chúng ta có nhiều tác giả, từ nhiều loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật, đã đi vào lòng bạn đọc Việt Nam và thế giới như những tên tuổi đáng tự hào.
Có thể một số người quan niệm tầm vóc lớn của tác phẩm nghiêng về phía quy mô, hình thức. Thật ra, cái lớn của tác phẩm trước hết là ở chiều sâu cao đẹp của tâm hồn, của tư tưởng và ở phạm vi rộng lớn của hiện thực lịch sử, xu thế của thời đại mà tác phẩm biểu hiện và tái tạo. Đương nhiên, thông thường một tác phẩm lớn cần có một quy mô biểu hiện thích hợp. Song ở đây không có nghịch lý: tác phẩm dàn ra trên một quy mô lớn chưa chắc đã là tác phẩm lớn.
Trở lại vấn đề nêu ở trên, chúng ta phải nói rằng: mới có hơn ba chục năm xây dựng và phát triển một nền văn nghệ cách mạng mà chúng ta đã có những thành tựu to lớn, những đỉnh cao tầm cỡ thế giới như vậy là điều rất đáng tự hào. Nền văn nghệ cách mạng nước ta đang ở thời kỳ sung sức, đang độ phát triển. Nếu chỉ khoanh lại một vài năm tách riêng ra và đánh giá, e rằng hơi vội vã và thiếu khoa học chăng? Vì với một độ dài thời gian ba năm, năm năm, chưa đủ cơ sở để kết luận. Chúng ta hãy thử nêu một giả định có tính cực đoan : trong vài năm vừa qua, chẳng hạn từ 1975 trở lại đây, chúng ta hoàn toàn chỉ có những tác phẩm văn nghệ dở, cực kỳ dở thì nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa của chúng ta có vì vậy mà biến chất đi không? Thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được có vì thế mà mất đi không? Rõ ràng không một ai có thể kết luận như vậy. Ngược lại, trong thực tế mấy năm vừa qua, đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta gồm nhiều thế hệ vẫn tiếp tục sáng tạo. Nhiều và rất nhiều tác phẩm đủ các loại hình và thể loại đã ra đời. Nhiều cuộc thi thơ, văn, sân khấu, âm nhạc, nhiều hội diễn, liên hoan phim, triển lãm, mỹ thuật, … được tổ chức mang tính quốc gia cùng với các cuộc thi tổ chức ở địa phương đã chọn được không ít những tác phẩm và tác giả xứng đáng. Trên trường quốc tế, nhiều tác phẩm của Việt Nam đã đoạt giải trong các cuộc thi tài của các nước. vậy thì văn nghệ của ta có “chững lại”, có “dẫm chân tại chỗ” hoặc “thụt lùi” không?
Chúng ta không có lý do gì để bi quan về tình hình nền văn nghệ nước nhà. Có thể chúng ta chưa bằng lòng một cách chính đáng vì chúng ta chưa có nhiều “đỉnh cao”, chưa có nhiều tác phẩm gây chấn động lớn trong phạm vi cả nước và thế giới. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều và chắc chắn là mãi mãi mỗi người chúng ta sẽ không bao giờ tự bằng lòng với những công trình sáng tạo của mình. Song chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp có ích của mình cho Đảng, cho nhân dân; có quyền tự hào về phẩm chất tốt đẹp của người nghệ sĩ cách mạng được Đảng và nhân dân giáo dục, rèn luyện trong sự nghiệp đấu tranh rực lửa anh hùng của dân tộc, của giai cấp tiên phong.
Có Đảng lãnh đạo, có hiện thực cách mạng phong phú, cao đẹp là yếu tố hàng đầu để sản sinh một nền văn nghệ cách mạng. Nền văn nghệ cách mạng của chúng ta không thể phát triển và lớn mạnh nếu như Đảng trong mấy chục năm qua không đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ văn nghệ sĩ lành mạnh như hiện nay, một nền văn nghệ “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” như Đảng đã đánh giá. Chỉ có thể được xây dựng bởi một đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng tiên tiến, dưới sự giáo dục của Đảng và sự nuôi dưỡng của nhân dân. Không nên và không thể căn cứ vào biểu hiện sai lầm hoặc lệch lạc nhất thời của một vài sáng tác hoặc bài nghiên cứu nào đó để đánh giá lập trường, tư tưởng, phẩm chất của toàn bộ đội ngũ chúng ta - một đội ngũ đã và đang vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội mà phục vụ, được sự tin yêu, chăm sóc của Đảng, của nhân dân.
Trong giai đoạn mới này của sự nghiệp cách mạng, trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, đều có những vấn đề mới đặt ra. Những vấn đề mới đặt ra trong hoạt động văn nghệ chỉ là một mặt của tình hình văn nghệ mà thôi. Các hoạt động văn nghệ, các văn nghệ sĩ vẫn đang phát triển, đang trưởng thành trong một xu hướng chung là lành mạnh. Nó là nét cơ bản của tình hình, có những vấn đề mới đặt ra, mọi người đều có ý thức về những vấn đề mới đó, đều có nguyện vọng lành mạnh để giải quyết những vấn đề đó thì nhất định ta sẽ giải quyết được. Lịch sử đấu tranh cách mạng của ta đã từng trải qua nhiều bước đi như vậy. Chúng ta có thể khẳng định tình hình văn nghệ của chúng ta không có gì gọi là “chựng lại” hoặc “sa sút” cả.
Tất nhiên, khẳng định phẩm chất lành mạnh của đội ngũ không có nghĩa là chúng ta xem thường những sai lầm, thiết sót đã biểu hiện trong một số sáng tác văn nghệ và bài nghiên cứu xuất hiện rải rác gần đây. Các cuộc trao đổi ý kiến, thảo luận trong giới văn nghệ về các vấn đề đã nêu ở trên trong thời gian qua là việc làm có tính thường xuyên trong nội dung sinh hoạt học thuật, nhằm giúp nhau uốn nắn một số biểu hiện bối rối, lệch lạc trong cách nhìn, trong nhận thức trước hiện thực đang biến đổi lớn lao của đất nước, của thời đại về chức năng của nền văn nghệ và nhiệm vụ của người nghệ sĩ.
Vì khi trong lòng có những bối rối, là bởi vì nhiều người nghệ sĩ đã thiếu gắn bó với sự phát triển mạnh mẽ của hiện thực cách mạng, với đời sống của nhân dân, ít nhiều thiếu hụt trong trang bị tầm nhìn và tầm nghĩ của Đảng. Đồng chí Lê Duẩn đã từng chỉ rõ: “Nói nghệ thuật tức là nói quy luật riêng của tình cảm” (Nhiều tác giả: Bàn về văn hoá văn nghệ, Nxb Văn hoá, 1964). Khi tình cảm còn ít nhiều bối rối phân vân thì rõ ràng sáng tác sẽ mang đầy đủ ảnh hưởng đó và chất lượng tác phẩm sút kém. Lâu nay, Đảng đã hết sức chăm sóc và thông cảm với đặc trưng lao động của người nghệ sĩ, đã tạo nhiều điều kiện cho người nghệ sĩ vươn tới; vừa nghiêm khắc trước những sai lầm nhất thời, hết sức chăm lo tạo điều kiện cho người nghệ sĩ sống hết mình trong cuộc cách mạng để sáng tác nghệ thuật.
Chúng ta không thể có một chút nào mơ hồ về những âm mưu của các loại kẻ địch đang câu kết với nhau nhằm vào những sơ hở, những chỗ yếu và khuyết điểm của ta để tìm cách phá hoại, khoét sâu hòng làm cho ta rối loạn và nội bộ ta suy yếu đi. Kẻ địch đặc biệt chú trọng mặt trận tư tưởng và văn hoá, trong đó văn nghệ là một vũ khí rất lợi hại đối với ta cũng như đối với địch.
Vì vậy, Đảng ta luôn luôn nhắc nhở mọi người nâng cao cảnh giác trên tất cả mọi lĩnh vực để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống của nhân dân ta. Đảng cũng luôn luôn ân cần giúp đỡ các văn nghệ sĩ nhận rõ tình hình, nhận rõ mọi mặt các hiện thực cách mạng, đồng thời nhận rõ âm mưu xảo quyệt của địch, để luôn xứng đáng với danh hiệu những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn nghệ.
Trên tinh thần đó, chúng ta luôn luôn cần phân biệt những động dao, bối rối trước tình hình mới, những lệch lạc nhất thời trong lúc tìm cách giải quyết các vấn đề mới với những hiện tượng kẻ địch lợi dụng tình hình đưa những âm mưu thâm độc của chúng vào mọi mặt hoạt động của ta, tỉnh táo, kịp thời vạch trần và đánh trả những âm mưu đó.
Cũng trên tinh thần đó, chúng ta cùng nhau thảo luận, phân tích tình hình văn nghệ với tư cách những người đồng chí chung một trận tuyến, tin cậy và thân ái cùng nhau khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm và nhiệt tình cách mạng để phát triển sự nghiệp.
Với lòng chân thành yêu thương cuộc sống cách mạng với truyền thống xả thân vì sự nghiệp cao cả của Đảng đã biểu hiện ở nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nước ta, với tấm lòng sẵn sàng gánh vác mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó, với sự chăm sóc của Đảng, với ước mơ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa, chắc chắn các văn nghệ sĩ của chúng ta sẽ có những bước tiến mới đáp ứng với đòi hỏi của Đảng và của nhân dân.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

1 nhận xét: