I
Để bàn về bất cứ một vấn đề nào có liên quan đến văn
hoá, việc cốt yếu nhất, quan trọng nhất là thống nhất quan niệm về văn hoá. Chúng
ta không nhất thiết phải đưa ra một định nghĩa về văn hoá, nhưng phải diễn giải
rõ ràng quan niệm về văn hoá.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, từ văn hoá được dùng trong nhiều trường hợp, nhiều văn
cảnh khác nhau. Từ văn hoá có khi là một danh từ: văn hoá, nền văn hoá; có
khi là một cụm từ: Văn hoá thể thao, văn hoá nghệ thuật, văn hoá báo chí, văn
hoá thương mại, v.v… Văn hoá có khi là một tính từ đi liền với một danh từ khác
như : Công tác văn hoá, hoạt động văn hoá, đời sống văn hoá, trình độ văn hoá,
giá trị văn hoá, v.v…; có khi nó được dùng như một trạng từ như: ứng xử “một
cách có văn hoá”, hoặc “một cách văn hoá”, “kém văn hoá”.
Vì vậy, cần phải có quan niệm thống nhất về văn hoá để
khi ta sử dụng từ văn hoá trong bất cứ văn cảnh nào, ý nghĩa của nó cũng không
bị nhiễu và người đọc tiếp nhận được một cách nhất quán.
Quan niệm về văn hoá có thể được biểu hiện ở một số điểm
sau đây:
Văn hoá là tổng thể các giá trị và chuẩn mực trong đời
sống tinh thần của một cộng đồng xã hội hay một dân tộc thể hiện trình độ tinh
thần của xã hội đó, trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Đó là các giá trị tư tưởng,
khoa học, thẩm mỹ, các chuẩn mực đạo đức, chính trị và pháp luật tồn tại và vận
động trong mối quan hệ giữa người và người, như là cơ chế điều chỉnh của xã hội
mà con người ấy đang sống. Những vật thể mang giá trị văn hoá là những vật thể
chứa đựng và thể hiện trình độ trí tuệ, tâm hồn trong một thời đại của một dân
tộc, một xã hội. Những giá trị này liên tục được tích tụ và lưu truyền trong lịch
sử.
Những giá trị ấy còn tập trung biểu hiện ở nhân cách,
tính cách, phẩm chất và trình độ trí tuệ tình cảm con người. Những giá trị
trong từng con người là rất bền vững trong một xã hội, một dân tộc. Nó được hình
thành trong một quá trình lâu dài của lịch sử, nó cũng biến động và phát triển
trong lịch sử. Sự biến động và phát triển này có quy luật của nó, được vận động
trong bản thân cuộc sống của nhân dân. Tiếp xúc và quan sát phong cách ứng xử một
người cụ thể, ta có thể phán đoán được nền văn hoá trong đó người cụ thể ấy đang
sống.
Vì vậy, không nên hiểu xây dựng một nền văn hoá theo
tinh thần duy ý chí và áp đặt. Đó là cách của những người tự cho mình có trách
nhiệm, tự đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể cho cuộc sống và con người rồi phát động
phong trào nhằm phấn đấu đạt tới các tiêu chuẩn đó. Thực ra những phẩm chất và
tính cách con người được hình thành lên trong quá trình vận động lịch sử, trong
đó có sự điều chỉnh tự nhiên của cuộc sống có cả những điều kiện thiên nhiên, địa
lý, con người và xã hội. Cần tiếp tục mở rộng quan niệm văn hoá khi từ văn hoá được
dùng như một tính từ.
Trước hết nói về cụm từ “công tác văn hoá”. Bất cứ một
chính thể nào cũng phải tiến hành những công tác văn hoá của mình. Công tác văn
hoá là những hoạt động do các cơ quan nhà nước tiến hành để tuyên truyền, giải
thích các chủ trương chính sách trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá và xã
hội, nhằm thuyết phục nhân dân thực hiện những chủ trương chính sách đó, tức là
chấp hành và thực hiện các chuẩn mực chính trị trong đời sống xã hội.
Ngoài công tác văn hoá của nhà nước, còn có những hoạt
động văn hoá và sinh hoạt văn hoá của nhân dân, đó là các hoạt động văn nghệ,
vui chơi giải trí, lễ hội, những phong tục tập quán, v.v… Đó là các hoạt động của
nhân dân để tự biểu hiện, tự đáp ứng nhu cầu, tự hoàn thiện, đạt tới sự thăng
hoa trong đời sống tâm lý. Không thể coi công tác văn hoá là tất cả sự vận động
và phát triển của một nền văn hoá. Có một số nước gọi các cơ quan chính phủ phụ
trách về văn hoá là Bộ công tác văn hoá (Ministère des affaires culturelles) hoặc
Cục công tác văn hoá (Agence des affaires culturelles – Agency of cultural affairs).
Chính phủ có thể quản lý và chi phối một số mặt công tác văn hoá do mình phụ trách,
chứ không thể quản lý và chi tiết toàn bộ nền văn hoá của xã hội. Một số mặt “công
tác văn hoá” do nhà nước tiến hành và chịu trách nhiệm chỉ có thể là một bộ phận
trong cái văn hoá toàn bộ của một cộng đồng xã hội, một dân tộc. Công tác Nhà nước
về văn hoá là rất quan trọng, nhất thiết phải có. Các công tác này thường có tác
động lớn đến sự vận động của văn hoá. Nó có thể thúc đẩy và làm cho sự phát triển
được mạnh mẽ và tốt đẹp. Nhưng nếu nó không phù hợp hoặc sai lầm cũng có thể cản
trở sự phát triển.
Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam cho hay là đã có nhiều thời,
các chính quyền đô hộ của nước ngoài thi hành ráo riết chính sách thực dân về văn
hoá, vừa để duy trì địa vị thống trị vừa để đồng hoá dân tộc Việt Nam theo khuôn
khổ văn hoá của mẫu quốc, nhưng kết quả xảy ra đã ngược với ý đồ xâm lược của họ.
Một nền văn hoá có một bề dày và chiều sâu lịch sử
trong đời sống của nhân dân, thì không có sự đàn áp và bạo lực của nhà nước nào
có thể đánh bật nó đi được. Một nghìn năm Bắc thuộc và hơn 100 năm Pháp thuộc,
mấy chục năm Mỹ xâm lược, mà bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam vẫn còn giữ vững
và sáng ngời, chính là như vậy.
Công tác văn hoá của nhà nước là một bộ phận của công tác
chính trị, nó phụ thuộc vào và phục tùng công tác chính trị . Vì nó chủ yếu nhằm
đáp ứng nhu cầu về an toàn xã hội, bảo đảm một đời sống trật tự trong khuôn khổ
chính trị của Nhà nước. Còn khi nói về nhu cầu văn hoá và hoạt động của nhân dân
thì lại là vấn đề khác. Nhu cầu văn hoá của nhân dân vốn rất đa dạng và phong
phú, nó có ở bất cứ chỗ nào, bất cứ ngóc ngách nào của cuộc sống con người, nó
nằm sâu trong đời sống tình cảm của nhân dân. Nhân dân vốn có nhu cầu được hướng
dẫn tinh thần và được hưởng thụ văn hoá theo một cơ chế ban phát của Nhà nước.
Nhưng nhu cầu lớn hơn nhiều, là nhu cầu được cân bằng đời sống tinh thần, được
thư giãn, được giải trí, nhu cầu về tâm linh, tức là nhu cầu tìm kiếm niềm tin
cho cuộc sống, nhu cầu sáng tạo trong hoạt động văn học nghệ thuật dân gian,
trong các nghề mỹ thuật thủ công. Từ xa xưa, khi đời sống vật chất còn rất thô
sơ thấp kém, ngay từ khi Nhà nước còn chưa xuất hiện, con người vẫn tự tạo cho
mình những điều kiện để tự đáp ứng các nhu cầu đó, và do đó lưu truyền lại kho
tàng hết sức lớn những giá trị văn hoá. Chính nhân dân mới là người quyết định
tạo nên đời sống văn hoá của chính họ và họ tạo nên phần quan trọng, phần nền tảng
của một nền văn hoá trong xã hội.
Trong toàn bộ công tác văn hoá,
một hoạt động hết sức quan trọng cần chú ý : đó là hoạt động sáng tạo, hoạt
động sáng tạo gồm sự sáng tạo thường ngày và rộng rãi của nhân dân quần chúng
và hoạt động sáng tạo của một bộ phận những nhà trí thức (thượng lưu) kết tinh
trí tuệ của một dân tộc, một xã hội. Nhân dân rộng rãi tạo những giá trị nền
tảng, mặt bằng trí tuệ chung của xã hội, bộ phận thượng lưu thường tạo những
đỉnh cao tiêu biểu cho trí tuệ chung.
Mỗi thời kỳ văn hoá thường nổi lên những tên tuổi và
những công trình hoặc tác phẩm nổi bật tiêu biểu và ghi những dấu rất đậm cho
thời đó, làm nên bộ mặt văn hoá của dân tộc trong thời kỳ đó. Hoạt động sáng tạo
yêu cầu một sự tự do, một không khí tự do. Trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản
lần thứ VI đã chỉ ra rất chính xác là “Điều chủ yếu đối với trí thức là bảo đảm
quyền được thông tin và quyền tự do sáng tạo của công dân”. Điều này đặc biệt
nhạy cảm và tha thiết đối với giới trí thức. Giới trí thức so với toàn dân thì
là một thiểu số, nhưng vai trò của thiểu số này lại đặc biệt quan trọng đối với
văn hoá một dân tộc, một xã hội như đã nói trên.
Cần có quan niệm đúng đắn và khách quan về văn hoá thì
mới có thể nhận thức đúng về lịch sử văn hoá và vai trò của văn hoá. Trên cơ sở
đó sự hoạch định các chính sách văn hoá mới có cơ sở khoa học vững chắc.
Tóm lại, công tác văn hoá do Nhà nước tiến hành, chủ yếu
là nhằm phục vụ yêu cầu quản lý xã hội của Nhà nước, nó là bộ phận nằm trong nền
văn hoá toàn bộ của một xã hội. Văn hoá toàn bộ được hình thành là xuất phát từ
nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân và do nhân dân tự tạo ra, cộng với
những kết quả hoạt động tích cực của Nhà nước. Sự hài hoà giữa hai loại hoạt động
văn hoá vừa nói tạo sức mạnh to lớn cho sự phát triển văn hoá. Sự “không hài hoà”
sẽ làm tổn thất và trở ngại của sự phát triển đó.
* * *
Văn hoá là toàn bộ đời sống tinh thần của một xã hội.
Trong xã hội đã phân chia thành những giai cấp đối lập thì văn hoá có tính giai
cấp, tính nhân dân và tính dân tộc. Tính giai cấp của văn hoá thể hiện ở chỗ
giai cấp nào thống trị xã hội thì thường tạo ra một nền văn hoá tinh thần phục
vụ cho lợi ích của giai cấp ấy và nó là nền văn hoá chính thống của xã hội.
Bên cạnh văn hoá chính thống còn có văn hoá không chính
thống do những người lao động sáng tạo ra. Dòng văn hoá dân gian ấy tồn tại và
phát triển phù hợp với quyền lợi, nhu cầu và tâm lý của nhân dân, nó không trực
tiếp phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị. Nó quan hệ với văn hoá chính thống
trong hai trường hợp :
a) Trường hợp chính quyền thống trị có những lợi ích
giai cấp thống nhất với đa số nhân dân lao động thì văn hoá không chính thống bổ
sung cho văn hoá chính thống và trở nên một bộ phận của văn hoá chính thống,
b) Trường hợp chính quyền thống trị không đại diện cho
lợi ích của đa số nhân dân lao động thì thứ văn hoá không chính thống tách rời
xa văn hoá chính thống và trở thành đối trọng của văn hoá chính thống.
Tính nhân dân của văn hoá thể hiện ở chỗ nhân dân luôn
luôn sáng tạo văn hoá để tự nâng cao đời sống và nâng cao năng lực, bản lĩnh của
mình. Những di sản văn hoá chỉ có thể tồn tại khi nhân dân chấp nhận. Những gì
nhân dân không chấp nhận sẽ phải tự mất đi.
Văn hoá bao giờ cũng gắn với dân tộc tạo nên bản sắc
riêng của dân tộc ấy. Bản sắc riêng của một dân tộc có được là nhờ ở sự tồn tại
lâu dài, trong đó rất nhiều thế hệ liên tục sáng tạo và tạo nên những nét tâm lý
đặc thù của dân tộc. Bản sắc dân tộc được thể hiện trong các giá trị văn hoá vật
chất và phi vật chất. Mỗi dân tộc đều yêu quý tôn trọng bản sắc của mình. Đó chính
là tình cảm đối với cội nguồn, biết ơn tổ tiên và tự hào về nòi giống.
Một nền văn hoá còn phải tính đến tính con người, tính
nhân loại. Con người dù thuộc giai cấp này hay giai cấp khác, dân tộc này hay dân
tộc khác, bên cạnh những nét đặc sắc riêng, vẫn có những nét của một mẫu số
chung : Đó là người, là con người. Con người ấy có cuộc sống với những giá trị
và tập quán phổ quát, những năng lực và tình cảm chung biểu hiện thông qua các
mối quan hệ trong khuôn khổ gia đình, dòng họ, láng giềng và những tình cảm vui
buồn, yêu ghét, hờn giận, đau thương trong cuộc sống chung, qua việc tiếp nhận
các giá trị tinh thần cao cả và phổ quát đối với toàn thể loài người. Con người
tách khỏi loài động vật là một sự phát triển và khi thành loài người, con người
tiếp tục phát triển và ngày càng cách xa các loài động vật. Sự phát triển đó là
sự phát triển văn hoá. Vậy văn hoá trong sự vận động và phát triển thì tính nhân
dân, tính dân tộc, tính nhân loại đậm nét và lâu dài hơn tính giai cấp.
Sự vận động và phát triển văn hoá có một số nét mang tính
quy luật như sau :
- Văn hoá vận động và phát triển trong sự đa dạng
phong phú cùng tồn tại nhiều cái văn hoá khác nhau của các tập đoàn xã hội khác
nhau,
- Văn hoá vận động và phát triển đồng thời với sự tự điều
chỉnh và chọn lọc không ngừng,
- Văn hoá phát triển liên tục, không có những đảo lộn
gãy khúc trong toàn bộ, chỉ có những đột biến trong từng bộ phận, từng lĩnh vực.
Nó vẫn vận động và phát triển bản thân nó mà không đồng nhất và đồng hoá vào những
biến động dữ dội về chính trị và quân sự,
- Văn hoá vận động và phát triển trong sự giao lưu và
kế thừa liên tục ngày càng phong phú. Sự giao lưu được thực hiện theo bề ngang
và bề rộng địa lý, sự kế thừa thực hiện theo thời đại, theo thời gian.
* * *
Theo dõi tiến trình phát triển của văn hoá Việt Nam, ta có thể nhận thấy từ thời kỳ hình thành văn hoá dân
tộc đã cùng một lúc xuất hiện và tồn tại nhiều hệ tư tưởng. Đó là hiện tượng
Tam giáo trong văn hoá Đại Việt. Tam giáo song song tồn tại và thành ra “đồng
nguyên”. Ngày nay ngoài Tam giáo : Nho, Phật, Lão, ta còn có thêm hệ tư tưởng
Thiên Chúa giáo, hệ tư tưởng Mác-xít, Xô Viết và hệ tư tưởng dân chủ Phương Tây.
Như vậy trong một nền văn hoá dân tộc thường xuyên có
nhiều dòng tư tưởng và văn hoá cùng tồn tại. Các dòng ấy thường xuyên đấu tranh
với nhau để giành vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhưng thực
tiễn Việt Nam cho thấy các dòng khác nhau có thể hoà hợp, có thể “đồng nguyên”
dựa trên các giá trị nền tảng của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân ái của văn
hoá Việt Nam. Ta thường có nhiều cái văn hoá nhỏ khác nhau của các nhóm xã hội
cùng tồn tại tạo nên sự đa dạng phong phú và không nhất thiết phải loại trừ và
triệt tiêu nhau để có sự độc tôn.
Văn hoá phát triển trong sự tự điều chỉnh của nhân dân,
trong quá trình hoạt động thực tiễn của toàn xã hội. Sức mạnh tự điều chỉnh có
nhiều nguồn, một nguồn là tinh thần hướng thiện tự nhiên của con người, tinh thần
nhân ái, nhân hậu của Việt Nam. Con người tự tạo ra những thiết chế văn hoá tinh thần
như tôn giáo tín ngưỡng, lễ thức, … để thực hiện tinh thần hướng thiện của mình.
Một nguồn khác cũng mạnh mẽ và sâu sắc nữa là ý thức và tâm lý coi trọng “cội
nguồn”. Điều này thể hiện ở tinh thần yêu nước, ở lòng yêu quý các giá trị truyền
thống dân tộc, coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, coi trọng dòng họ sùng bái các
anh hùng giữ nước và vì dân. Ý thức cội nguồn thường bùng lên mạnh mẽ khi Tổ quốc
gặp nguy cơ, khi tổ tiên và những giá trị tinh thần bị xúc phạm. Một nguồn nữa
là những giá trị chung về nhân văn của loài người được tồn tích lại và được loài
người thừa nhận. Quá trình tự điều chỉnh là quá trình chọn lọc. Ta có thể hoàn
toàn tin cậy vào tinh thần hướng thiện của nhân dân, bình tĩnh và kiên nhẫn trước
một số hiện tượng rối loạn tiêu cực tạm thời về văn hoá, vì rõ ràng là cuối cùng
thì những gì lành mạnh tốt đẹp vẫn đọng lại và được nhân dân chấp nhận, những gì
là xấu độc sẽ bị bỏ qua đi, bị lọc đi.
Hơn bất cứ lĩnh vực nào, trong văn hoá cần có sự ứng xử
khoan dung, độ lượng và kiên nhẫn. Đó là sự ứng xử không những cao cả, mà là cần
thiết, là có thể làm được. Kinh nghiệm cuộc sống đã cho ta thấy sự hẹp hòi, nóng
vội và trấn áp bao giờ cũng gặp sự phản ứng lại mạnh hơn.
Sự vận động và phát triển văn hoá bao giờ cũng liên tục,
có cội nguồn, có quá trình và có tương lai, như một dòng sông dài không thể cắt
khúc ra được. Dù muốn hay không, trong cái văn hoá hiện đại vẫn chứa dày đặc những
cái văn hoá quá khứ và nhiều mầm mống của cái văn hoá tương lai không bao giờ nên
cắt khúc, nên mong chờ sự đảo lộn và thay đổi nhanh chóng, không bao giờ nên nóng
ruột, vội vàng lẫn lộn ý muốn chủ quan của mình với quá trình khách quan của văn
hoá.
Sự vận động và phát triển văn hoá bao giờ cũng nằm
trong sự giao lưu và kế thừa. Hiện tượng giao lưu và kế thừa là hiện tượng tất
yếu, hiện tượng khách quan không thể phủ nhận và không thể đem một ý chí chủ
quan nào áp đặt sự định giá cho sự giao lưu và kế thừa để thực hiện cái gọi là
“có chọn lọc”. Sự chọn lọc sẽ được thực hiện theo sự định hướng của lực lượng lãnh
đạo và nó cũng được thực hiện theo sự định hướng của bản thân nhân dân, của bản
thân cuộc sống, nó cũng được thực hiện dưới ảnh hưởng của các sức mạnh tự điều
chỉnh như đã nói ở trên.
Như vậy sự nghiệp xây dựng văn hoá thực chất là một quá
trình xã hội nhằm chọn lọc và hình thành nên hệ thống giá trị phù hợp với nhu cầu
của thời đại. Trong quá trình này có vai trò của Nhà nước và vai trò của nhân dân.
Nhà nước có nhiệm vụ đề ra những định hướng thích hợp và xác định những chính sách
có tác dụng khuyến khích mọi tiềm năng sáng tạo trong nhân dân và đặc biệt
trong tầng lớp trí thức.
Nhân dân (trong đó có cả tầng lớp trí thức) đóng vai
trò quyết định trong việc lựa chọn và hình thành lên hệ thống giá trị văn hoá,
biến hệ thống giá trị đó thành đời sống văn hoá thực tiễn sinh động. Trong đó,
các giá trị văn hoá ngày càng nhiều, càng được bồi đắp cho cao hơn, tốt đẹp hơn.
II
“Phát triển” ta bàn ở đây, tôi hiểu là “phát triển xã
hội”, nghĩa là nói đến một sự phát triển chung bao gồm sự phát triển của từng
con người, từng nhóm xã hội. Đó là nền tảng của sự phát triển xã hội, là cơ sở
cho mọi chế định về tổ chức xã hội, về các mối quan hệ xã hội và là điều kiện
tiên quyết cho sự phát triển kinh tế và phát triển khoa học và công nghệ.
Như vậy sự phát triển xã hội không phải chỉ là sự phát
triển kinh tế, tuy rằng sự phát triển kinh tế tạo ra mọi điều kiện vật chất cho
sự phát triển của một xã hội và của mỗi con người trong xã hội đó. Chỉ riêng sự
phát triển kinh tế, dù cao đến đâu cũng chưa thể mang lại hạnh phúc cho con người
và sự tiến bộ xã hội. Sự phát triển xã hội xét đến cùng là sự phát triển văn hoá
của xã hội đó. Sự phát triển kinh tế phải được diễn ra trên một nền tảng văn hoá
nhất định. Nền tảng văn hoá một xã hội sẽ quyết định quy mô tính chất và tốc độ
phát triển của kinh tế. Có khi kinh tế phát triển mạnh mẽ, tốc độ cao nhưng lại
tổn thương đến con người và xã hội trên nhiều mặt, phá hoại môi trường thiên
nhiên vốn là môi trường sống của con người, tạo nên sự xa cách giữa con người và
thiên nhiên, làm khô cằn các mối quan hệ xã hội của con người, phá vỡ quan hệ
gia đình, vốn là cái nôi hạnh phúc của con người và các quan hệ tình cảm khác, đưa
con người vào một cảnh sống máy móc và cô đơn. Sự phát triển kinh tế như vậy sẽ
ngược lại với những ước mong và ý nguyện về hạnh phúc của con người. Tệ hại hơn
là nó (sự phát triển kinh tế ấy) tạo nên hậu quả nghiêm trọng đe doạ bản thân
cuộc sống con người : sự huỷ diệt môi trường dẫn đến sự huỷ diệt nhân loại, sự
phát minh vũ khí giết người hàng loạt tạo ra nguy cơ huỷ diệt sự sống trên trái
đất, cuộc sống buông thả đem đến những bệnh tật có nguy cơ cho cả cuộc sống của
loài người.
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trong những thập
kỷ vừa qua ở các nước phát triển đã đạt được những thành tựu kỳ diệu trong lĩnh
vực kinh tế và văn hoá, đồng thời cũng dẫn loài người đến bên bờ vực thẳm. Con
người đang phải huy động mọi thành quả, mọi sức lực, mọi tâm trí để khắc phục các
loại thảm hoạ huỷ diệt đó, đang phải trở về với đạo lý sống : con người sống hoà
hợp với thiên nhiên và với những người khác. Có thể nói đây là nỗi đau của nhân
loại và là một nghịch lý của sự phát triển.
Vì vậy cần có một sự phát triển toàn diện từng bước
mang lại hạnh phúc ngày càng cao cho xã hội và cho con người. Muốn thế phải coi
văn hoá là nền tảng và là sự định hướng cho sự phát triển kinh tế.
Quá trình phát triển văn hoá nằm ngay trong quá trình
phát triển kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế. Cái đẹp và cái có ích bây giờ
là thống nhất. Một sản phẩm càng đẹp, giá trị càng cao và càng có ích : nó vừa đáp
ứng một nhu cầu sử dụng cụ thể, vừa mang lại khoái cảm thẩm mỹ cho người sử dụng,
vì thế nó được ưa chuộng hơn, nó có thể tác động vào tâm lý người sử dụng, khêu
gợi lên những tình cảm tốt đẹp như nhân ái, bao dung làm cho người và người thương
yêu nhau nhiều hơn. Những sản phẩm có văn hoá như vậy là những giá trị có giá
trị kinh tế lớn hơn. Những giá trị ấy được tạo nên bởi những sức sáng tạo của các
con người nghệ sĩ. Những người nghệ sĩ có được là do nền giáo dục xã hội có trình
độ cao và có chất lượng tốt dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật, những nghệ sĩ và
nhưng vận động viên tài năng ngày càng cao. Bản thân cái đẹp trở thành một tài
sản vô giá, cái đẹp có bản sắc độc đáo cao giá hơn cái đẹp chung chung.
Đó là một mặt nói lên sự phát
triển kinh tế phải được tiến hành trên cơ sở một ý thức sâu sắc về văn hoá.
Người kinh doanh và quản lý giỏi phải đồng thời là người có trình độ văn hoá có
ý thức sâu sắc về văn hoá, về cái đẹp.
Mặt khác sự phát triển kinh tế phải thuận chiều với việc
giải quyết các vấn đề xã hội, ngày càng khắc phục được nhiều hơn những nhân tố
gây nên bất công, oan khuất và bất hạnh. Thành quả của kinh tế (của cải và tiền
bạc) phải được dành ngày càng nhiều cho việc giải quyết các vấn đề xã hội, dành
cho sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm lo đời sống mọi mặt, những phúc lợi công cộng,
sự khắc phục các hậu quả của thiên tai và tệ nạn xã hội. Như vậy sự phát triển
kinh tế mới lành mạnh và mới mang lại hạnh phúc cho mỗi con người và mỗi cộng đồng
người.
Mặt khác nữa, nền giáo dục bảo đảm một sự đào tạo cơ bản
và một sự truyền bá rộng rãi đạo lý làm người, những chuẩn mực đạo đức tạo nên
một môi trường sống, một môi trường tâm lý luôn có tác động tốt đẹp, tích cực đến
từng con người.
Trong thời đại hiện nay, về khách quan mà nói nền văn
minh công nghiệp đã đem lại nhiều điều kiện tốt đẹp cho cuộc sống con người. Những
nơi ở sang trọng, nhiều tiện nghi cực kỳ thuận lợi, những điều kiện tuyệt vời
cho con người di chuyển trong không gian : máy bay, đường xe lửa tốc độ cao, ô
tô buýt và ô tô con có rađiô, có cassette, có máy lạnh, v.v… những phương tiện
viễn thông hết sức thuận lợi nhanh chóng, các kỹ thuật và thuốc men chữa những
bệnh hiểm nghèo, các thức ăn ngon, các quần áo thật đẹp, v.v… Chính trong những
điều kiện như vậy, loài người mới bắt đầu nhận ra rằng sự phát triển kinh tế không
dựa trên các đạo lý nhân văn và đạo lý đối với thiên nhiên thì sẽ rơi vào nguy
cơ thảm hoạ. Con người phải vội vàng ồ ạt tìm mọi cách quay về với thiên nhiên,
phải dự đoán những tai hoạ để ngăn ngừa và khắc phục, phải quay về với đạo lý làm
người, … Sự phát triển mạnh mẽ về du lịch đã phần nào nói lên tình trạng ấy. Sự
phát triển kinh tế không thể chỉ quan tâm tới tốc độ mà điều chủ yếu là phải lấy
đạo lý nhân văn làm nền tảng và làm phương hướng và mục tiêu.
* * *
Khi ta nói sự phát triển xã hội phải được diễn ra trên
một nền tảng văn hoá. Nền văn hoá đó chính là con người. Sự phát triển xã hội
phải được thực hiện bằng sức mạnh của con người và trong thời đại hiện nay, sức
mạnh đó phần lớn hoặc chủ yếu là sức mạnh của trí tuệ. Vì vậy, sự phát triển
kinh tế phải được thực hiện bằng sự coi trọng con người. Coi trọng con người phải
bao hàm việc tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, tính độc lập độc đáo và tự do sáng
tạo trong từng con người. Cần khắc phục triệt để ý thức coi con người chỉ như là
lực lượng vật chất, là phương tiện để thực hiện các mục tiêu xã hội. Từ ý thức đó,
khẩu hiệu “sự nghiệp của quần chúng” được dùng để huy động sức lực và sự đóng góp
tiền của mọi người thực hiện những công việc theo một sự áp đặt chủ quan nào đó,
mà xem nhẹ nhu cầu, nguyện vọng sâu xa của con người.
Một mặt coi trọng con người như một lực lượng sáng tạo,
nhưng mặt khác phải tạo điều kiện và phải có chính sách tạo nên năng lực và bản
lĩnh của mỗi con người, cho họ xứng với danh hiệu “lực lượng sáng tạo”. Như vậy
con người lại trở thành mục tiêu của sự phát triển xã hội. Sự phát triển xã hội
phải nhằm vào mục tiêu chủ yếu là bồi dưỡng năng lực và bản lĩnh của từng con
người, phải làm cho mỗi con người được sống hạnh phúc, nghĩa là được sống với sự
phát triển toàn diện trong sự công bằng, tự do, an toàn và thanh thản. Làm được
như vậy chính là từng bước thực hiện những lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội,
đồng thời ta tránh được và khắc phục được những sai lầm đau đớn trong lịch sử
nhân loại, đó là những sai lầm không tôn trọng con người, chỉ coi con người như
phương tiện, mà không coi phục vụ con người là mục đích của sự phát triển xã hội.
Phát triển một dân tộc phải coi văn hoá là nền tảng với
những ý nghĩa như trên. Phát triển văn hoá phải lấy phát triển văn hoá dân tộc
làm gốc. Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng của mình. Tính dân tộc của một nền
văn hoá là linh hồn và bản sắc của nền văn hoá đó. Tính dân tộc được hình thành
và hun đúc nên trong lịch sử lâu dài của lịch sử dân tộc. Nó bao gồm tính cách,
tình cảm, tâm lý, tập quán và niềm tin, đạo lý của dân tộc. Tính dân tộc bao giờ
cũng hài hoà và bổ sung cho tính nhân loại. Cái đó phải trở thành nguồn sức mạnh
dân tộc trong sự phát triển. Nguồn sức mạnh ấy không ngừng được bồi dưỡng và nâng
cao trên cơ sở khắc phục và thanh lọc những điểm yếu kém lỗi thời trong tính cách
dân tộc của mình.
Sự phát triển của một dân tộc phải được thực hiện trên
nền tảng một nền văn hoá. Đó là cái văn hoá toàn bộ. Điều đó cũng có nghĩa là
không thể chia cắt các lĩnh vực phát triển ra nhiều mặt rồi phân các mặt ấy cho
các ngành và từng ngành chịu trách nhiệm về sự phát triển từng mặt của mình. Văn
hoá phải là nguyên tắc xuất phát của sự chỉ đạo chiến lược công cuộc phát triển.
Văn hoá không phải chỉ là một mặt hoặc một lĩnh vực riêng của sự phát triển. Tư
duy chỉ đạo chiến lược phải là tư duy có văn hoá, tức là phải trên cơ sở hiểu
biết sâu sắc và chính xác về lịch sử, về cội nguồn của dân tộc, về tính cách,
phẩm chất, tình cảm riêng biệt của những con người trong dân tộc mình, huy động
nó như một nguồn sức mạnh, chăm lo bồi dưỡng và hun đúc nó ở nhiều thế hệ. Nếu
coi việc bồi dưỡng từng con người, nâng cao trình độ, bản lĩnh của từng con người,
là việc thiết yếu cốt để tạo nên sức mạnh phát triển, tạo nên động lực mạnh mẽ
của sự phát triển thì phải coi sự nghiệp giáo dục đào tạo như là xây dựng bàn đạp
cho dân tộc phát triển mà không phải là một ngành như các ngành khác. Các ngành
giao thông vận tải, nông nghiệp hay công nghiệp có tác động quan trọng đến sự
phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Đó là những ngành có các công việc cụ
thể được tiến hành theo các định hướng chuyên môn nghiệp vụ. Còn như văn hoá –
giáo dục thì phải quan tâm đến những định hướng về triết học, đạo đức, thẩm mỹ,
nghệ thuật, nhằm hình thành nên hệ thống giá trị làm nền tảng cho một đạo lý nhân
văn, đạo lý làm người, tạo ra sự hài hoà giữa người và thiên nhiên, giữa người
và người. Có được những giá trị đó, một nền văn hoá mới được coi là tiến bộ, là
văn hoá cao.
Tóm lại :
1. Cần quan niệm văn hoá là con người, những giá trị văn
hoá là nằm ngay trong từng con người, nó được tích tụ từ lịch sử đã qua, nó cần
được bồi dưỡng phát huy trong hiện tại và trong tương lai. Con người phát triển
toàn diện vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển xã hội.
2. Phát triển xã hội phải nhằm đem lại hạnh phúc cho từng
người. Hạnh phúc là phải bao gồm cuộc sống vật chất no đủ, phong phú, một trạng
thái tinh thần thanh thản, một tình cảm phong phú và một trí tuệ ngày càng được
nâng cao. Tóm lại là một cuộc sống tự do chân chính, phù hợp với các lý tưởng của
chủ nghĩa xã hội.
3. Sự phát triển một xã hội xét đến cùng là sự phát
triển của mỗi con người. Đó là sự phát triển con người toàn diện dựa trên nền tảng
của một nền văn hoá. Sự phát triển kinh tế phải được diễn ra trên một nền tảng
văn hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho văn hoá phát triển. Sự nghiệp giáo dục là
bàn đạp, là bệ phóng của sự phát triển.
4. Văn học, nghệ thuật vừa là một
bộ phận của văn hoá, vừa là một bộ mặt chủ yếu của văn hoá. Văn nghệ, bản thân
nó vừa là sự vận động tinh thần, tình cảm trong một xã hội, vừa là tiếng nói
thúc đẩy sự phát triển tinh thần của xã hội. Tiếng nói văn nghệ là tiếng nói
của nhân dân, nó tập trung biểu hiện ở giới văn nghệ sĩ, là những người tiêu
biểu và đại diện cho tiếng nói đó. Văn nghệ là sáng tạo, là tự ý thức. Không
nên được quy văn nghệ vào một số “công tác” như các công tác cụ thể khác. Cần
tôn trọng sự hành nghề tự do hợp pháp của văn nghệ sĩ và không nên áp đặt đối
với hoạt động nghề nghiệp của họ.
5. Sự phát triển kinh tế phải thúc đẩy phát triển các giá trị nhân văn và nằm trong sự phát triển các giá trị nhân văn, đồng thời phải thường xuyên khắc phục mọi hiện tượng làm tổn thương đến sự cân bằng trong cuộc sống con người.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
5. Sự phát triển kinh tế phải thúc đẩy phát triển các giá trị nhân văn và nằm trong sự phát triển các giá trị nhân văn, đồng thời phải thường xuyên khắc phục mọi hiện tượng làm tổn thương đến sự cân bằng trong cuộc sống con người.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét