Nhân dịp kỷ niệm ngày Quân đội 22-12-1964
Một thanh niên 20 tuổi của thế hệ hiện nay ở miền Bắc nước ta thường đã trải qua mấy thời kỳ. Ngày mới ra đời, anh được nhìn ngay lá cờ đỏ sao vàng như một dấu hiệu của vui tươi phấn khởi, anh học câu nói đầu tiên: "Bác Hồ!", và anh học câu hát đầu tiên: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng...".
Nhưng rồi những ngày vui đó không dài lắm. Giặc Pháp trở
lại xâm lược nước ta, gây bao tang tóc cho nhân dân ta. Thế là tuổi thơ ấu của
anh phải trải qua những ngày cực khổ nhọc nhằn: hoặc anh lớn dần lên bên hầm
chiến đấu luôn giật mình vì bom đạn, hoặc lớn dần lên bên đồng ruộng với những
thiếu thốn đói nghèo, hoặc anh lăn lóc trong vùng địch tạm chiếm, cạnh mỏ than,
hè phố, gầm cầu, v.v… chịu đựng bao nỗi bất công.
Miền Bắc được giải phóng. Thời kỳ niên thiếu của anh
đầy rộn ràng tươi vui. Anh vỗ tay reo tiếng hòa bình. Anh đến trường học chữ và
học múa hát. Anh cố gắng để được quàng khăn đỏ, làm cháu ngoan Bác Hồ. Anh lớn
dần lên, anh biết thế nào là chủ nghĩa xã hội, anh phấn đấu để vào Đoàn thanh
niên lao động, anh sống say sưa với những ý nghĩ rất cách mạng: “Đâu cần thanh
niên có, đâu khó có thanh niên”. Anh sôi nổi với lý tưởng phục vụ nhân dân, đem
sức mạnh của thanh niên để “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Anh đi xem Bảo
tàng cách mạng, nghe kể chuyện anh hùng “ngày xưa”, nghe chuyện Bác Hồ. Anh mơ
tưởng sự nghiệp anh hùng, anh nghe chuyện áp bức bóc lột thuở trước của địa
chủ, đế quốc, anh nghe chuyện đế quốc xâm lược giày xéo quê hương anh, tàn sát
những người thân thích của anh, đốt phá nhà cửa, trường học của cha anh và của
anh. Và cho đến lúc anh thật sự trở thành người thanh niên, với sức lực đầy đủ,
tâm trí rộng rãi, anh nghe biết giặc Mỹ cùng tay sai chém giết đồng bào miền
Nam, anh đang ra tay xây dựng chủ nghĩa xã hội mà tâm hồn vẫn rực cháy ngọn lửa
cách mạng trong tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ miền Nam: Lê Quang Vịnh,
Nguyễn Văn Trỗi, Lê Hồng Tư, v.v…
Rồi anh khoác bộ quân phục, anh trở thành “Anh bộ
đội” và anh cũng 20 tuổi cùng với “Anh bộ đội”.
Thế nhưng “Anh bộ đội” nói chung thì 20 tuổi lại
khác. Thời kỳ thơ ấu của anh là thời kỳ anh đánh Phai Khắt, Nà Ngần, tiến chiếm
Thái Nguyên, Bắc Cạn và hùng dũng tiến về Hà Nội, rồi Nam tiến, rồi giữ Hà Nội,
đánh trận Việt Bắc, trận Sông Lô, v.v… mới chưa đầy 10 tuổi anh đã làm nên sự
nghiệp vẻ vang Điện Biên Phủ.
Cho nên “Anh bộ đội” cụ thể với tuổi 20, má tròn
căng, mắt sáng trong, ngực nở, chân tay chắc lẳn đang nhẩm từng bài học bắn
súng, bài học bản chất Quân đội nhân dân, cũng đã mang trong người cả một lịch
sử oai hùng, cần cù, đầy gian khổ và đầy chiến thắng của “Anh bộ đội” nói chung
cũng vừa tròn tuổi 20.
Măng mọc
thẳng đã thành tre khỏe đẹp
Tôi rất thích nói về một anh bộ đội 20 tuổi đời mà
lại có trong người 20 năm lịch sử vẻ vang của một quân đội cách mạng để khi nói
“Anh bộ đội” 20 tuổi thì có cả hai nghĩa, mà cái nghĩa quan trọng là không phải
anh bộ đội chỉ có một sức khỏe của tuổi 20 mà có cả một sức mạnh lịch sử, sức
mạnh truyền thống của 20 năm chiến đấu và chiến thắng. Từ nay về sau, anh bộ
đội cụ thể của ta vẫn cứ trẻ mãi với trên dưới 20 tuổi đời, còn “Anh bộ đội”
nói chung thì sẽ mỗi năm một nhiều tuổi lên và mỗi năm một tăng thêm sức mạnh
già dặn của mình.
Tôi không muốn bình luận về anh bộ đội, mà chỉ muốn cảm xúc về anh.
Bất cứ ở thao trường, trong doanh trại, trên trận
địa hay ở quảng trường, ta thoáng nhìn vào các anh bộ đội, ta cũng thấy những
con người đại thể giống nhau. Đó là những chàng trai trẻ, gọn ghẽ trong bộ quần
áo màu xám bạc, đội chiếc mũ cứng, đi đứng nhịp nhàng, mạnh mẽ, hăm hở, hăng
say, hoặc tươi cười, vui vẻ. Và ai cũng có cái tên “Anh bộ đội”. Nhiều trường
hợp nhân dân hoan nghênh hoặc giúp đỡ là hoan nghênh giúp đỡ các “Anh bộ đội”.
Anh bộ đội làm việc tốt người ta hỏi họ tên, anh cũng chỉ bảo anh là “anh bộ
đội”. Nhưng ta thử nhìn kỹ vào từng anh mà xem, không phải đơn giản, không phải
đồng nhất, các anh có nhiều tên tuổi khác nhau, và có nhiều chuyện khác nhau
lắm.
Đây là những anh T., V., N., X… thân hình nhỏ nhắn
nhưng rắn chắc, hiền lành nhưng không kém phần hoạt bát, là con các bác xã viên
hợp tác xã nông nghiệp. Anh thì bố trước là bần nông, anh thì trước đi ở, anh
thì chú bác hoặc cha hoặc mẹ, hoặc anh hoặc chị bị chết đói năm 1945, hoặc bị
giặc tàn sát trong thời kỳ ta đánh Tây, anh thì học lớp 5, anh thì học lớp 7. Ở
hợp tác xã anh là lao động chính, làm việc hăng hái, đạt nhiều công điểm, là
lao động tiên tiến, v.v… Anh thì đi học nửa ngày, nửa ngày làm việc hợp tác xã
mà công điểm cũng chẳng kém ai.
Đây nữa là anh A. ở nhà máy xi măng, anh B. ở nhà
máy dệt, anh C. ở nông trường, v.v… Có anh trước khi đi bộ đội đã từng lĩnh
lương mỗi tháng 70, 80 đồng, đã là người chủ chốt trong gia đình. Lại còn anh
Đ., anh H. vốn là thợ mộc, thợ may của các hợp tác xã thủ công ; anh K., anh P.
đã từng là giáo viên cấp 1, cấp 2 ; anh Th., anh Ch. đã là nhân viên cửa hàng,
nhân viên cơ quan ; anh Q. là Việt kiều, mê bộ đội từ lúc còn ở nước ngoài ;
anh Kh. ở xa xôi nơi núi rừng, nói tiếng phổ thông chưa sõi, nhưng rất thích đi
bộ đội để được học tập nhiều, được đi đây đi đó.
Và thú vị hơn nữa khi nghĩ về những anh học trò cấp
3, học sinh trung cấp. Có anh ở một trường trung cấp mà tất cả 300 học sinh đều
tình nguyện làm đơn đi bộ đội, chỉ có anh và 99 bạn khác được lấy đi. Có anh học
lớp 9 con một công nhân nhà máy xi măng, có tài đá bóng và bắn súng cao su, đi
bộ đội rồi nhớ bạn quá còn trốn về để chơi với bạn một đêm. Có anh lớp 10, con
một cán bộ huyện, bạn của đại đội trưởng đại đội anh. Anh có tài kể chuyện,
đánh đàn, vẽ và múa rối, có nhiều bạn đang học đại học hoặc đã đỗ kỹ sư. Có anh
học sinh là con một bác bần nông, liền ba khóa làm bí thư một chi đoàn thanh
niên hơn 80 đoàn viên. Có anh con một đồng chí đại tá ở ngay đơn vị của bố,
đóng gần nhà bố, thỉnh thoảng còn tạt về ăn thêm bát cơm với bố. Có anh con một
vị tướng, đã thích mặc áo bộ đội ngay từ khi còn đi học. Có anh con một bác sĩ
bố anh tự tay dẫn anh đi khám sức khỏe qua từng khoa để bảo đảm cho con trúng
tuyển, v.v…
Đấy, các anh ấy là như thế đấy ! Cha mẹ các anh ấy
là công nhân, nông dân, cán bộ, … Bản thân các anh ấy là những cây “măng mọc
thẳng” nay đã lớn thành những hàng tre trong rừng tre bộ đội.
Bề ngoài, người nào cũng có một vẻ đẹp riêng. Anh
thì mắt trong, lông mày đậm thẳng, mũi môi thanh tú, má tròn căng. Anh thì má
cằm vuông vức, người rắn rỏi, mặt hiền lành. Anh thì lại có đôi má còn phụng
phịu, cằm còn lông tơ, đôi mắt còn ngơ ngác, … Nhưng nếu tìm đến tâm hồn của
các anh thì không sao tả hết được. Tâm hồn các anh phong phú như hoa xuân, bát
ngát như biển khơi, cao xa như cánh nhạn, thắm đẹp như núi Tam Đảo in trên nền
trời xanh trong những buổi đẹp trời.
Yêu cầu chiến
đấu của tuổi trẻ cách mạng
Các anh không thể không suy nghĩ, không xúc động
trước cuộc đời đầy mới mẻ, hấp dẫn đối với tuổi thanh xuân. Các anh vào bộ đội
với tất cả niềm say sưa và vui thích thơ ngây của tuổi trẻ. Các anh thấm nhuần
chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hàng năm, các hội đồng nghĩa vụ quân sự nhận được
hàng vạn lá đơn xin gia nhập quân đội, các anh bộ đội đã viết đơn nói nguyện vọng
của mình một cách tha thiết, xin cấp trên “chiếu cố”. Anh thì “không thể khoanh
tay bó gối” trước cảnh “miền Nam
ruột thịt sa đẩy vào cảnh bị giày xéo của Mỹ và tay sai”. Anh thì “muốn đem sức
lực của mình cống hiến cho công cuộc giải phóng miền Nam
và bảo vệ miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Anh thì vì “những gương hy
sinh dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng để giải phóng cho dân tộc, cơm áo của
nhân dân, đã thấm sâu vào trái tim” cho nên anh tha thiết “cống hiến cả tuổi
trẻ đầy sức xuân … để góp phần rất nhỏ vào sự nghiệp cách mạng”. Có anh đã để
cả hàng mấy trang giấy kể rõ tội trạng của kẻ thù đế quốc xâm lược, và thấy
rằng mình “không thể không góp sức mình cùng nhân dân miền Nam
tiêu diệt bọn đế quốc Mỹ và tay sai”. Có anh thì nói rõ cha anh “đã mất và đã
đóng góp cho sự nghiệp của nhân dân” nên anh “mong mỏi được góp phần trách
nhiệm của mình để nối gót cha”.
Có anh không biết cách nào bày tỏ nhiệt tình của
mình, đã trích tay lấy giọt máu nóng của mình để ký tên vào đơn. Nhiều anh đã
chú thích tỉ mỉ hoàn cảnh gia đình để cấp trên yên tâm rằng gia đình anh không
có gì khó khăn lo ngại, anh có thể thoải mái ra đi.
Những dòng chữ đó có khi trịnh trọng trang nghiêm,
có khi bay bướm nhảy nhót, có khi vội vàng nguệch ngoạc như còn mang theo cả
những xúc động mạnh mẽ của trái tim trẻ, đều nói lên một yêu cầu – yêu cầu
chiến đấu của tuổi trẻ cách mạng. Những suy nghĩ và xúc động ấy lắng sâu trong
lòng các anh là nguồn động lực thúc đẩy các anh. Tuy vậy, với tuổi trẻ, anh còn
mải mê nhiều thứ.
Nếu có ai hỏi anh vào bộ đội thích gì nhất thì các anh trả lời :
- Thích nhất là được bắn súng !
- Thích nhất là được đi đây
đi đó !
- Thích nhất là được học
nhiều !
- Thích nhất là được đá
bóng, v.v… !
Nếu bạn chê rằng như thế là động cơ sai lầm, thì lập
tức các “Anh bộ đội” sẽ phật lòng mà trả lời lại : “Đi bộ đội để chiến đấu giải
phóng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng đã thành lẽ sống tất nhiên ăn sâu
vào máu thịt chúng tôi rồi ! Đây là nói ngoài ra còn cái gì thích nhất thôi chứ
! …”.
Hạnh phúc của tuổi trẻ cách mạng là cống hiến : cống
hiến sức lao động, cống hiến trí tuệ và cao nhất là cống hiến cả cuộc sống của
mình.
Trong xã hội, có nhiều người đã quên mình cống hiến
hết trí tuệ, hết sức lao động. Và với nhiệt tình cao, họ có đủ dũng khí cống
hiến cả sinh mệnh cho sự nghiệp cách mạng. Thật cao quý vô cùng.
Nhưng dù sao cũng phải thấy tuổi trẻ bao giờ cũng
muốn cống hiến cao nhất và vì vậy tuổi trẻ thiết tha được làm “Anh bộ đội” để
chiến đấu. Bởi sự cống hiến của “Anh bộ đội” là sự cống hiến toàn diện bắt đầu
từ yêu cầu cao nhất. Đã là “Anh bộ đội” thì điều trước tiên anh khẳng định là
nếu cần, hiến dâng cả cuộc sống của mình cho Tổ quốc, cho cách mạng. Do đó suốt
quá trình chiến đấu anh đã cống hiến tất cả sức lực và trí tuệ, anh đã làm việc
không kể thời gian, không kể chỉ tiêu, định mức và không tiếc cả tính mệnh. Anh
chỉ có một yêu cầu : phải chiến thắng kẻ thù. Và muốn vậy thì phải chiến thắng
hết thảy.
Yêu cầu chiến đấu của tuổi trẻ cách mạng của “Anh bộ
đội” không phải là một sự liều thân vô ý thức nhằm thỏa mãn tính hiếu động hoặc
hiếu thắng. Yêu cầu chiến đấu của anh là do sự thúc đẩy của một động cơ lý
tưởng cao đẹp : vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
Ở đơn vị, anh
thấy gần Đảng hơn bao giờ hết
Bước vào là “Anh bộ đội”, anh thanh niên có những
thay đổi kỳ diệu. Hôm qua, người ta còn gọi các anh là cu Tân, cu Minh, thằng
Vinh, thằng Nhã, thằng Lộc, … nhưng mặc bộ quân phục xanh xám gọn gàng, đội cái
mũ có ngôi sao … thì những “cu”, “thằng” biến đi đâu mất mà các anh hiển hiện
lên thành những “Anh bộ đội” chững chạc ra trò.
Mặc cho có anh còn thẹn thùng ngượng nghịu, ai cũng
nhìn các anh với con mắt khác, và đồng chí sĩ quan đứng trước mặt các anh dõng
dạc gọi các anh : “Các đồng chí !”. Ái chà, mình đã là “đồng chí” ! Anh thấy
mình lớn lên một bậc. Một cảm giác vui sướng tự hào râm ran chạy khắp người
anh. Anh thấy anh … cũng “khá quan trọng” và đã hơi có phần “vĩ đại”.
Nhưng không phải chỉ có thế ! Từ khi là “Anh bộ đội”
thì cả một lịch sử vẻ vang bao trùm lên anh. Bất cứ cụ già nào cũng gọi anh là
“Anh bộ đội”. Bất cứ cô gái nào (có khi lớn tuổi hơn) cũng gọi anh là “anh” và
xưng “em” với anh. Các em bé quấn lấy chân anh, ríu rít gọi : “Anh bộ đội”.
Những đồng chí cấp trên kể cả các đồng chí cấp tướng cũng gọi anh là “đồng
chí”. Anh và bạn cùng ngõ, cùng xóm, cùng lớp với anh hôm qua, hôm nay cũng gọi
nhau “đồng chí”. Anh đã là “Anh bộ đội”. Hôm qua anh là “nhân dân” anh thấy
“Anh bộ đội của nhân dân” một cách chung chung bình thường. Nhưng hôm nay anh
là “Anh bộ đội” anh lại thấy anh là người của nhân dân một cách nặng tình nặng
nghĩa khác thường.
Cái sức mạnh kỳ diệu ấy được toát lên ngay từ cái
ngày đầu tiên anh bước chân về đơn vị, từ những quyết định đầu tiên của chi bộ
đơn vị anh, từ những buổi họp đầu tiên của chi đoàn anh, từ những lời ân cần
tha thiết đầu tiên của những đồng chí cán bộ và những đồng chí cựu binh mà sau
này anh biết là những đảng viên trong chi bộ, từ những lời dặn dò ân cần và đôi
khi nghiêm khắc của cha, chú, anh của anh, những lời gửi gắm thân mật của bà
con xã viên, hàng xóm của anh, …
Anh biết Đảng từ lâu, anh biết Đảng đã tổ chức ra bộ
đội, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, anh biết có Đảng mới có Cách mạng
tháng Tám, anh biết có Đảng mới có nhà máy, hợp tác xã và trường học của anh
ngày nay. Nhưng
đến đây, ở đơn vị bộ đội, anh thấy gần Đảng hơn bao giờ hết.
Anh thấy Đảng quan hệ với anh trong tất cả mọi sinh
hoạt của anh và nhất là quan hệ chặt chẽ với tư tưởng, tình cảm anh. Anh biết
chi bộ họp bàn nhiều vấn đề. Qua lời anh chính trị viên và các anh đảng viên,
“Anh bộ đội” thường được biết rằng : “Chi bộ quyết định đề phòng tư tưởng này,
khắc phục tư tưởng nọ ; chi bộ quyết định đẩy mạnh học tập, cải tiến phương
pháp … ; chi bộ quyết định tổ chức đời sống … ; chi bộ quyết định phát động phong
trào thi đua … ; chi bộ quyết định lãnh đạo giáo dục bản chất, giáo dục truyền
thống … ; chi bộ nhận xét những tiến bộ của đồng chí này, đồng chí kia … ; chi bộ phê bình đồng chí
cán bộ nọ có khuyết điểm với chiến sĩ, v.v… và v.v…
Chỉ có những
lúc lạc hậu chứ không có người lạc hậu
Đôi khi anh nhớ nhà quá muốn về, lại cũng chính chi
bộ đặt vấn đề giúp anh đạt thành tích cao để được thưởng phép … Có nhiều việc,
anh bộ đội tưởng là ngẫu nhiên, nhưng về sau thì anh cũng biết rằng đó là do
chủ trương của chi bộ, anh thấy Đảng ở với anh cả lúc ăn, lúc ngủ ; mấy đồng
chí đảng viên ngồi với nhau rất khuya thầm thì bàn bạc đến cả những điều thầm
kín nhất trong lòng anh, tìm cách cho anh củng cố tình yêu, tìm cách cho anh
đạt được tiến bộ từng bước, lo lắng việc anh sút cân, vô ý đánh mất viên đạn,
để gỉ súng …
Có đồng chí bí thư chi bộ đã tổng kết được kinh
nghiệm công tác đối với các anh bộ đội mới trẻ tuổi này : “Chỉ có những lúc lạc
hậu, chứ không có người lạc hậu”. Đó là một kết luận sâu sắc, thiết thực, đầy
sức mạnh.
Các anh bộ đội tuy có bản chất tốt đẹp nhưng sẵn cái
bồng bột nông nổi của tuổi trẻ, không khỏi có lúc nghĩ chưa chín.
Có anh vì không đạt được nguyện vọng vào không quân, pháo binh mà sinh
ra thắc mắc, chán nản chẳng muốn học tập về bộ binh. Có anh cậy mình văn hóa
cao, coi thường đồng đội, tự kiêu tự đại. Có anh bất mãn với cán bộ đâm ra chây
lười. Có anh vì bạn bè, người yêu phụ tình đâm ra lo lắng không yên tâm. Có anh tính nóng, có anh
lì xì, có anh không thích nghe phê bình, v.v…
Có một anh bộ đội nọ không đạt được mục đích trở
thành sĩ quan có kỹ thuật cao, buồn vì nỗi “công cốc mười năm đèn sách”, hổ
thẹn với bạn bè là sinh viên, kỹ sư, ngượng ngùng với bà con hàng xóm, thường
ngưỡng mộ mình là “người trí thức”, anh không đeo phù hiệu, cấp hiệu, anh ăn
mặc cho sai quy cách đi, lý sự với cán bộ, không tham gia công tác chung, lười
học tập. Nhưng rồi cũng không ai mắng anh, phạt anh. Những buổi kể chuyện khổ
ngày xưa làm cho anh thấm thía hơn : cách mạng đã đổi đời cho nhân dân, cho cha
mẹ anh thoát cảnh “quanh năm nghèo đói” ; những cuộc bình sách, đọc báo, những
buổi học tập truyền thống quân đội, truyền thống đơn vị, v.v… đã làm cho anh
thấy rõ hơn bộ đội là lực lượng vũ trang của cách mạng, thấy rõ hơn vinh dự và
trách nhiệm của mình. Các đồng chí cán bộ và đảng viên còn nói là anh mang theo
dòng máu cách mạng. Chi đoàn thảo luận sôi nổi nhiệm vụ của thanh niên, ai nấy
hăng say lập thành tích mới. Anh cảm thấy mình trơ trọi, anh muốn hoạt động
chút ít, chi bộ đã trao ngay công tác cho anh, anh tập hơn ngày thường một tý
(tuy chưa bằng anh em khác) đã được khuyến khích. Cán bộ lo lắng cho sức khỏe
của anh ; ngày càng trao nhiều nhiệm vụ và vinh dự cho anh, anh cảm thấy anh
quan trọng và có vinh dự thật sự. Thế rồi ngày đêm nghiền ngẫm với những ý nghĩ
tươi sáng, anh thấy đời “binh nhì” của anh không còn tẻ nhạt nữa. Anh trở nên
một người tích cực, một đoàn viên.
Đây chính là
trường Đại học Bách khoa mà mình hằng mong ước
Anh gặp một người bạn cũ làm kỹ sư. Bạn cũ tỏ ra ái
ngại cho anh lao động vất vả, da anh đen, má anh sạm. Anh cười và đáp lại :
“Nếu Tổ quốc cần những người như cậu đi học làm kỹ sư để xây dựng đất nước thì
Tổ quốc cũng rất cần những tớ da đen má sạm để cầm chắc tay súng bảo vệ đất
nước”. Thế rồi anh
từ biệt anh bạn cũ không hề thắc mắc mà chỉ ái ngại lại cho anh bạn đã có những
nhận thức và động cơ không phù hợp với yêu cầu cuộc sống mới.
Anh ước mơ một ngày kia, nếu không được gánh vác
nhiệm vụ chiến đấu thì trở về hợp tác xã của anh, anh sẽ góp ý kiến về kỹ thuật
ương cây, cải tiến việc vận chuyển và tổ chức đội văn nghệ nghiệp dư làm tươi
đẹp hơn xóm làng thân yêu của anh. Chính tri thức của anh đã giúp anh một buổi
lấy được ba mươi cây chuối cho đơn vị, trong khi các bạn khác chỉ lấy được sáu
hoặc bảy cây.
Luồng ý nghĩ đẹp đẽ ấy chẳng phải ở riêng anh. Trong
một đơn vị khác, một anh lớp mười cũng đã kiêu hãnh trả lời thư một người bạn
là sinh viên đại học, vì bạn này tỏ vẻ “ái ngại” cho anh : “Cậu nghĩ quẩn rồi !
… Cha, anh mình ngã xuống mới có những ngày chúng mình cắp sách tới trường.
Hiện nay mình cầm súng và sẽ cầm súng mãi để giữ trường đại học của các cậu …
Đời bộ đội, đấy chính là trường Đại học Bách khoa mà mình hằng mong ước ! Văn
hóa lớp 10 vào đây chưa đủ đâu nhé ! … Có những khoa mục học bằng máu nữa kia
!”.
Nhưng cũng rất đáng yêu những anh tuy tri thức có
phần chưa cao, nhưng đã từng sống với lao động từ tấm bé ; bắp thịt của anh là
bắp thịt lao động, đôi mắt anh là đôi mắt nhìn thẳng vào lao động, những ý nghĩ
của anh xoay quanh các đối tượng lao động. Anh vui buồn trước kết quả lao động,
anh cảm thấy thật sự được tự do trong lao động ; anh thấm thía nhiệm vụ bảo vệ
thành quả cách mạng, thành quả lao động ; anh thấy rõ anh đang bảo vệ cuộc sống
của anh, của gia đình anh, của bà con thân thuộc của anh. Anh đơn giản nhưng
sâu sắc.
- Có nhớ nhà không ?
- Lúc đầu có nhớ, nhưng sau
quen đi. Trong đơn vị cũng vui vẻ ấm cúng như ở nhà.
- Có gian khổ không ?
- Ở nhà lao động quen rồi. Đồng bào miền Nam còn gian khổ hơn nhiều.
- Gia đình có gì khó khăn
không ?
- Có gì mà khó khăn ? Có
sức làm thì có ăn, gặp khó khăn bà con hợp tác xã và Đảng chả bao giờ để chết
đói.
- Có ngại hy sinh không ?
- Các đồng chí trước hy
sinh nhiều rồi bây giờ mới có ngày nay. Không hy sinh nữa thì làm sao có ngày
mai. Đồng bào miền Nam
còn hy sinh bằng mấy mình.
- Thế không có thắc mắc gì
à ?
- Có chứ ! Thắc mắc là làm
sao học cho được nhiều. Thắc mắc là chưa được chiến đấu.
Thế rồi anh lao vào học tập, anh phấn đấu trở thành
đoàn viên tiên tiến, thành đảng viên. Đôi khi chơi quá trớn, vô ý mắc khuyết
điểm, và có anh nhiều khuyết điểm nổi tiếng là “phó ngang” … Nhưng cán bộ phê
bình, anh hối hận gắng công sửa chữa. Thỉnh thoảng, bố mẹ ra thăm, anh em vui
vầy thật phấn khởi. Có thành tích được thưởng phép, khi lên đơn vị anh khệ nệ
mang theo quả mít, nải chuối, cân lạc để liên hoan với đồng đội.
Và … Nguyễn Văn Trỗi đến
với các anh như một đồng chí thân yêu
Ai chẳng có khi nghĩ nhầm, nghĩ sai một chút. Có anh
công nhân mất mất thói quen hàng tháng lĩnh mấy chục đồng lương đem về đưa cho
mẹ bỗng cảm thấy thiếu thốn, túng bấn. Có anh giáo viên, nhân viên quen gặp cán
bộ cấp cao, đọc nhiều sách báo, bỗng cảm thấy thiếu những lý luận mà anh cho là
cần thiết. Có anh học sinh trông hoa phượng còn nhớ trường da diết, bỗng cảm
thấy gò bó gay go. Có anh mới cưới vợ nhớ vợ đêm mất ngủ. Có anh mải đá bóng
quên việc tăng gia sản xuất, có anh lo báo động xoay ra đối phó, có anh luộm
thuộm, bừa bãi, hay để mất đồ lặt vặt, v.v…
Nhưng tất cả sẽ qua đi, những ý nghĩ sai lầm, những
thói quen không tốt dần dần mất đi trong một nếp sống tập thể nghiêm túc mà
thân ái ; những ý nghĩ còn nông cạn, chưa rõ, dần dần ngày càng rõ nét sâu sắc
thêm.
Một anh Việt kiều mới về nước đã sớm yêu cầu được
tham gia bộ đội. Các anh bộ đội khác tò mò muốn anh kể chuyện ở cái nước xa xôi
kia có gì lạ. Anh kể không biết mỏi cái cảm giác sung sướng và thấm thía nhất
của anh : anh về nước thấy được hoàn toàn tự do. Ở cái nước kia (chỉ quân đội
đế quốc), chúng nó ngang tàng hống hách, hay đánh nạt nhân dân, ai cũng ghét. Ở
đó, anh muốn nói yêu nước, muốn cùng nhau hội họp, học tập thì bị cấm đoán,
cuộc đời làm ăn thì như đánh bạc, bấp bênh. Cha mẹ anh trước đây không sống nổi
ở quê hương, phải “tha phương cầu thực”, vẫn nói cho anh nghe về đất nước của
anh đã đổi mới. Anh mong về nước ; anh mong làm “Anh bộ đội”. Và nay anh được
sống trên Tổ quốc anh, anh được làm “Anh bộ đội” thật rồi, lúc nào anh cũng cảm
thấy anh chưa đủ sức hoạt động để tận hưởng cái quyền tự do mà cách mạng mang
lại cho anh. Anh được tự do yêu nước, anh được họp, được học, được vào Đoàn,
anh biết bắn súng, lái xe, lên được một lớp văn hóa, anh được nhân dân yêu mến,
anh luôn được khen. Anh muốn anh có đến hai, ba sức lực nữa mà làm việc, mà học
tập và chiến đấu. Anh náo nức muốn được vào miền Nam để đánh giặc, được làm các
chiến sĩ 5-8, anh say sưa nghe chuyện Điện Biên Phủ, chuyện rừng Pác Pó, chuyện
chiến khu, anh muốn có hai, ba đôi tai mà nghe, có hai, ba khối óc mà ghi nhớ,
suy nghĩ. Anh thật sự cảm thấy vinh dự và tự hào sau những giờ lao động, học
tập căng thẳng và mệt nhọc.
Và cứ như thế, Nguyễn Văn Trỗi đến với các anh như
một đồng chí thân yêu. Các anh nhảy dài thêm một tấc, cao thêm một phân cho anh
Trỗi, các anh ngắm thêm mấy ngắm, tranh thủ bắn cao thêm mấy điểm cho anh Trỗi,
các anh tranh thủ chạy thêm mấy cây số để chóng hết đoạn đường viếng mồ anh
Trỗi.
Anh Trỗi thật sự ở trong phân đoàn anh, trong tiểu
đội anh. Và trái tim các anh nóng bỏng những chiến công miền Nam, những hình
ảnh miền Nam, rạo rực một quyết tâm lập công như 5-8 để thật sự bảo vệ quê
hương.
Lẽ sống của các anh cao xa, rộng lớn và thể hiện rõ
ràng trong những nhiệm vụ nhắc nhở hàng ngày :
Bảo vệ miền Bắc
Giải phóng miền Nam
Đánh đổ Mỹ - ngụy
Bảo vệ hòa bình.
Những cuộc hành quân, những lá ngụy trang, những
đoạn chiến hào, những chiến công … trở thành nội dung cuộc sống thanh xuân của
các anh, các anh bộ đội đang say sưa với tuổi 20 đầy sức sống. Nguyễn Văn Trỗi
đang ở với các anh ! Phan Đình Giót, Trần Cừ, Cù Chính Lan … cũng đang ở với
các anh !
Chữ “Quân đội nhân dân”
thật đẹp đã viết nên bằng xương bằng máu
Quân đội nhân dân anh hùng là con em của nhân dân
anh hùng làm cách mạng. Trước đây các chiến sĩ của các đội Cứu quốc quân, Việt
Nam tuyên truyền giải phóng quân, Du kích Ba Tơ, v.v… đã là những người dân
theo cách mạng, rồi theo chỉ thị của Đảng mà cùng nhau tổ chức thành lực lượng
vũ trang, nhận từng nắm cơm, lon gạo từ những bàn tay trìu mến của từng gia
đình, ngày đêm sống bên cạnh những người đồng chí cách mạng trong nhân dân.
Những đồng chí ấy đã trực tiếp cảm thấy mình là người cầm súng của nhân dân, là
người dân cách mạng đi cầm súng.
Trong kháng chiến cùng nhân dân chiến đấu, các cán
bộ và chiến sĩ trong quân đội đã học đi học lại nhiều lần: “Quân đội là con em
nhân dân lao động”, “Quân đội là những người nông dân mặc áo lính”, v.v… Khi
trú quân, quân đội ở trong nhà dân. Khi hành quân, hàng đoàn dân công hỏa tuyến
sát cánh tiếp đạn, tải thương, thu chiến lợi phẩm; khi bị thương nằm gối trên
tay các mẹ, các chị, nuốt từng ngụm cháo trong tay các mẹ, các chị; cùng nhân
dân chữa lại xóm làng, đào lại mương máng, gặt những mảnh ruộng lúa thơm, có
khi tản ra nấp trong những hầm bí mật nhân dân đào cho, đứng sau những ụ chiến
đấu của nhân dân đắp cho mà cùng dân quân du kích chống càn, v.v… Trong hoàn
cảnh đó, chữ “Quân đội nhân dân” thật viết nên bằng xương bằng máu, ý nghĩa
quân đội của nhân dân thật đã khắc bằng lửa thép vào trong tim óc của các chiến
sĩ. Quân đội nằm trong nhân dân thành một khối thống nhất, là một bộ phận có vũ
trang được tổ chức chặt chẽ của toàn thể nhân dân, cùng chung một mục đích,
cùng chung nỗi buồn vui, miếng ngọt bùi, tình sâu nghĩa cả không biết nói sao
cho hết.
Đến ngày nay các anh bộ đội trẻ tuổi trút bộ quần áo
thường phục, mặc bộ quân phục, rời những căn nhà ấm tình cha mẹ, anh em, bà
cháu, đến ở những lớp nhà lớn với những hàng giường thẳng tắp rộn tình đồng
chí, đồng đội, ăn những bữa cơm tập thể, mải miết tập luyện ở thao trường.
Các anh vẫn hiểu rõ các anh là quân đội của nhân
dân, vì nhân dân phục vụ, các anh sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ quyền lợi, bảo
vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, các anh tôn trọng nhân dân, coi các bậc lớn
tuổi như cha mẹ, anh chị, yêu các thiếu nhi như em, cháu trong nhà.
Nhưng dù sao các anh cũng hiểu nghĩa quân đội của
nhân dân với những nét khái quát bao trùm hơn và như có chiến sĩ đã nói – “có
phần nào lý thuyết” nhiều hơn.
Các anh đã sinh ra trong thời đại cách mạng sôi nổi,
sinh ra trong thời đại mà nhân dân lao động đã đứng lên làm chủ vận mệnh của
mình và đã biểu dương lực lượng vô địch của mình. Đảng của giai cấp công nhân
lãnh đạo nhân dân đã hiểu rõ sức mạnh đó và đã chăm sóc đến tâm hồn những “Anh
bộ đội” trẻ tuổi hết sức tận tình. Đảng đã có nhiều cách trực tiếp và gián tiếp
chỉ cho “Anh bộ đội” thấy mối quan hệ ruột thịt giữa anh và nhân dân, và nhân
dân được thấm nhuần quan điểm “lực lượng vũ trang nhân dân” của Đảng, đã thường
xuyên trở thành người nuôi nấng quân đội, bảo vệ quân đội và giáo dục quân đội
nữa.
Cảm ơn Đảng
đã cho tôi một cuộc sống đầy khí phách anh hùng !
Nhân dân luôn coi các “Anh bộ đội” là “người nhà”
rất mực thương yêu của mình, luôn mong có dịp được chăm sóc, hỏi han, giúp đỡ.
Mỗi lần “Bộ đội về làng”, các cụ, các mẹ nhất định phải cố kéo cho nhà mình mấy
anh, xóm nào không có, nhà nào không có thì các cụ, các mẹ thắc mắc rất nhiều
và những thắc mắc này rất khó “đả thông” cho hết. Và sau những ngày bộ đội ở
làng vừa rộn ràng, vừa đầm ấm, bộ đội có nhiệm vụ phải ra đi thì các buổi tiễn
đưa thật là bịn rịn ; có nơi cán bộ bộ đội và cán bộ xã phải đi từng nhà giải
thích rất vất vả để dẹp bớt những cuộc liên hoan. Thế nhưng tình cờ những ngày
đó những bữa cơm có thịt con gà, con vịt, con cầy hoặc những bữa phụ có mớ
khoai luộc, nắm ngô rang, nồi chè ngọt vẫn xuất hiện với những lý do kỵ, giỗ…
không ai bác bỏ được. Những
khi bộ đội hành quân đêm qua làng có những mẹ già cứ tay xách chiếc đèn dầu,
tay cầm ấm nước, cái bát mà đứng từ chập tối cho đến gần sáng lúc bộ đội đã đi
qua hết. Những ngày bộ đội ở làng, dân quân tập báo động sẵn sàng phối hợp với
bộ đội để canh gác cho bộ đội. Các nữ dân quân là những người hoạt động nhiều
nhất, báo cáo mọi tình hình cho xã đội. Các cụ ông, cụ bà kể chuyện ngày xưa,
các cán bộ xã kể lịch sử đấu tranh… mỗi câu chuyện là một bài học sống sâu sắc
và thấm thía đến nhớ đời: nào là những câu chuyện đời sống cực nhục của nhân
dân trước đây được minh họa bằng những hiện vật cụ thể; nào là đảng viên ở xã
bị địch bắt đốt chân, đốt tay và giết hại một cách thảm khốc ngay ở đầu cầu mà
không chịu khai báo; nào những chuyện bộ đội cùng nhân dân đánh giặc, có trung
đoàn tổng kết lịch sử chiến đấu đánh 150 trận không trận nào không có nhân dân
cùng đánh; nào là những cụ, những mẹ lật đật đun nước, vá áo cho bộ đội mà các
cụ và các mẹ nói rằng đó là công việc rất vẻ vang của các cụ, các mẹ từ mấy
chục năm nay.
Thế rồi, những buổi tập ở sân trường, bãi bóng, cánh
đồng, có các cụ già đi ra khẽ rỉ tai anh bộ đội chú ý mấy tên lạ mặt lảng vảng
đầu kia, sau đó các cụ đi ra đuổi khéo những con người khả nghi đó đi xa chỗ bộ
đội tập, hoặc có những anh dân quân đứng tuổi tham gia ý kiến về một khoa mục
tuần tra, nói lại kinh nghiệm chiến đấu trước đây cần phải đề phòng địch như
thế nào, v.v…
Các anh, các chị thương “Anh bộ đội” trẻ tuổi hòa
bình mà vẫn vất vả tập luyện. Mặc cho mưa gió, rét buốt, đêm đang ngủ có lệnh
phải bật dậy, bất cứ ao, hồ, bãi lầy cũng xung phong nhảy xuống, vượt qua. Cho
nên các anh các chị bảo nhau làm đường làng cho sạch để bộ đội tập đỡ vất vả.
Các cụ thương các anh tuy ăn uống no đủ nhưng chả được ăn gạo mới cơm mới cho
thích miệng, phải ăn cơm trộn ngô. Các cụ các bác quý anh bộ đội lễ phép, hiền
lành kỷ luật nghiêm minh, làm việc, hoạt động nhất nhất đều theo hiệu lệnh,
những tiểu đội trưởng trẻ măng mà cũng chỉ huy giỏi ra trò, thật là bộ đội
“khéo bảo nhau”, cả hàng trăm người ngồi họp hay học bất cứ ở sân nhà, gốc đa,
hay bãi tập đều nghiêm chỉnh, yên lặng, không ồn ào lộn xộn ; chỗ ăn chỗ ở luôn
gọn gàng sạch sẽ. Các cụ các bác quý các anh luôn chân luôn tay săn sóc đến mảnh
sân, chuồng gà, chuồng lợn, tự coi mình như con trai cả trong nhà, v.v… Đặc
biệt là các cụ, các mẹ, các anh, các chị hết sức tự hào về lớp bộ đội trẻ tuổi
của ta đã rất anh hùng ghi được chiến công rực rỡ ngày 5-8 và 18-11, đánh thẳng
vào mặt đế quốc Mỹ; mọi người tranh nhau săn sóc các anh bị thương, xông ra
trận địa để giúp bộ đội. Và rồi trên khắp đất nước, bất cứ chỗ nào, gặp anh bộ
đội nào, nhân dân cũng đều coi và đối xử như chính anh đó đã ở trận địa chiến
đấu ngày 5-8 và 18-11.
Tất cả những sự việc bình thường nhưng thấm thía cứ
diễn ra liên tiếp và sôi nổi trong đời sống của “Anh bộ đội”, làm cho anh cảm
thấy rõ ràng khẩu súng anh cầm trong tay không thể có nếu không có tinh thần
cách mạng quật khởi của nhân dân, không có tình thương yêu thắm thiết của nhân
dân, anh thấy rõ khẩu súng của anh là của ai, anh cần phải sử dụng nó như thế
nào ? Chính vì thế anh bộ đội đã ghi sâu vào cuốn nhật ký thầm kín nhất của
mình : “Tôi là quân nhân cách mạng, con em của một nhân dân cách mạng, cảm ơn
Đảng đã tạo cho tôi một cuộc sống vẻ vang đầy khí phách anh hùng, đầy sức mạnh
hùng vĩ và tình thương yêu trong sáng”.
Quyết thắng
trên thao trường để quyết thắng trên chiến trường
Quân đội nhân dân miền Bắc với Quân giải phóng miền Nam
đều là quân đội cách mạng của nhân dân. Sức mạnh chiến thắng của Quân đội nhân
dân Việt Nam
cũng là sức mạnh của Quân giải phóng. Anh bộ đội giải phóng trong miền Nam
hiện nay là hình ảnh anh bộ đội Vệ quốc đoàn ngày trước và anh bộ đội nhân dân
ngày nay ở miền Bắc cũng là hình ảnh anh bộ đội giải phóng trong miền Nam.
Hai anh cũng chỉ là một, cùng chung một thế trận, một kẻ thù, một mục đích,
cùng là con đẻ của dân tộc Việt Nam.
Nếu ở trong Nam có những anh Trừ Văn Thố, Nguyễn Văn Lễ, những chiến sĩ Ấp Bắc,
Điện Ngọc, Biên Hòa, thì ngoài Bắc cũng có Lò Văn Panh, những chiến sĩ 5-8,
v.v… “Anh bộ đội” trẻ tuổi của chúng ta được nguồn sức mạnh kỳ diệu của cách
mạng tiếp cho từ sự giáo dục của Đảng, từ truyền thống chiến đấu vẻ vang của
các lực lượng vũ trang nhân dân, từ lòng thương yêu tin cậy của nhân dân, vẫn
ngày đêm rèn luyện tăng thêm sức mạnh của mình.
Nhiều sự việc tuyệt vời đến với anh bộ đội nơi thao
trường mà kẻ thù của ta chẳng sao hiểu nổi. Anh bộ đội nắm chắc súng trong tay,
mắt và lưỡi lê cùng phóng về một phía, trước mắt anh hiện ra những hình ảnh đau
thương của nhân dân lao động trong chế độ cũ, của những cảnh tàn phá đầy máu và
nước mắt mà địch gây ra cho đồng bào miền Nam và trong anh sôi lên lòng căm thù
sâu sắc. Một anh đang lao vào “trận địa địch”, cán bộ ra tình huống: “Đồng chí
bị thương”, anh ngã xoài ra rồi lại tiếp tục lao lên miệng hô: “Tôi bị thương
nhẹ còn chiến đấu được!”. Anh cán bộ lúng túng trước tình huống bất ngờ, hô
tiếp: “Đồng chí bị gãy hai chân”. Anh chiến sĩ nằm xuống rút lựu đạn để tiếp
tục chiến đấu. Các cán bộ thông cảm với ý chí của người đồng chí trẻ tuổi nêu
lên thành bài học nhỏ liên hệ với truyền thống quân đội ta để cùng học tập. Một
đồng chí khác tiến trong ruộng lầy, anh bị tụt mất một bên giày, khi anh nằm
nấp ở bờ ruộng để chiến đấu, thì hàng đàn đỉa toàn những con to bằng ngón tay
lúc nhúc chui vào chỗ chít quần ở cổ chân anh. Anh khẽ ngọ nguậy cái chân xong
lại nằm im, mắt không rời phía trước. Nếu ta hỏi anh tại sao lại chịu như thế,
anh chỉ trả lời đơn giản: “Như thế mới chiến đấu được”, và nếu ta soi vào tận
phía sâu kín những ý nghĩ của anh, thì ta sẽ thấy anh đang tự hỏi và đáp về vấn
đề thế nào là quyết chiến quyết thắng: “Nếu một khó khăn bình thường mà không
quyết thắng nó thì quyết thắng làm sao được kẻ địch hung bạo trước mắt; các
đồng chí trước đây đã quyết chiến với nhiều khó khăn gian khổ gấp trăm ngàn lần,
mới có được truyền thống vinh quang như ngày nay”. Anh bộ đội không bỏ qua dịp
nào không rèn luyện cho mình ý chí quyết chiến và quyết thắng như vậy.
Những Thạch
Sanh mới của chiến công ngày 5 tháng 8
Ngày 5-8-1964 là một ngày đáng ghi nhớ trong đời
sống hòa bình ở miền Bắc. Phối hợp chiến đấu với tiền tuyến lớn miền Nam, những
anh bộ đội trẻ tuổi ở miền Bắc đã nhận những phần thưởng xứng đáng.
Này đây Lê Sĩ Hằng và Phạm Văn Điều, tuổi đời xấp xỉ
với tuổi cách mạng. Cha mẹ của cả hai anh đều bị cuộc đời tàn khốc trước cách
mạng cướp đi từ khi các anh đang trứng nước. Ngày nay các anh là những chiến sĩ
hải quân đã quyết tâm bảo vệ lấy cách mạng, lấy cuộc đời của anh. Hằng bị
thương vào chân còn vừa chiến đấu vừa động viên bạn. Điều bị thương vào bụng
còn lấy tay giữ chặt khúc ruột tiếp tục chiến đấu. Này đây Phan Đăng Cát sinh
ra ở nơi quê hương của Xô-viết Nghệ - Tĩnh, là khẩu đội trưởng phòng không ở
Vinh, anh có giấy phép trong tay, nhưng còn ở lại chiến đấu, bị thương ba lần
không rời trận địa. Đây nữa Nguyễn Văn Sát, hai mươi hai tuổi, là con một gia
đình bần nông cùng quê với anh hùng Cù Chính Lan, khi ở nhà đã là kiện tướng
làm phân bón, kiện tướng thủy lợi, nêu gương anh dũng tuyệt vời: bị thương hai
lần vẫn bình tĩnh chiến đấu. Rồi lại còn tiểu đội trưởng hải quân Nguyễn Sinh,
con một gia đình công nhân bến Cảng, bị thương mà vẫn dũng cảm làm nhiệm vụ.
Tống Trường Sơn, chiến sĩ thông tin bị bom đổ cả máu mồm, vẫn quên mình giữ
vững đường dây. Và rất nhiều những anh bộ đội khác đã lấy tinh thần quyết thắng
mà quật ngã máy bay hiện đại của địch.
Bên cạnh các anh còn là những chiến sĩ tự vệ, dân
quân ở Sông Gianh, Bến Thủy, Vĩnh Linh, Lạch Trường, Hòn Gai với những thiếu nữ
anh hùng như cô Mến, cô Thủy; những cụ, những mẹ xót ruột thương các con và
hết lòng che chở giúp đỡ các con; tất cả sống lại những ngày khói lửa, kết với
nhau thành bức tường thành vĩ đại đập nát mõm kẻ thù xâm lăng lăm le nhòm ngó
quê hương đã giành lại bằng máu và đang được xây dựng bằng mồ hôi.
Bảo cho mày, giặc Mỹ xâm lăng! Đừng hòng đem khủng
khiếp ra dọa người không biết sợ, đem chết chóc ra mà dọa những người mà chúng
mày đã từng không để cho sống!
Mãng xà và đại bàng càng hung ác thì tài năng của
Thạch Sanh mới lưu truyền mãi mãi. Chúng mày càng hiểm độc tàn bạo thì chiến công
của bộ đội cách mạng càng sáng chói muôn đời!
Anh bộ đội ơi!
Sao mà yêu anh thế!
Hỡi anh bộ đội trẻ tuổi, anh thật hiền lành mà dũng
cảm, chân thật mà lại cơ mưu, anh thật yêu đời mà biết hy sinh gian khổ, hoạt
bát mà lại kỷ luật nghiêm minh. Anh đã đúng lắm, anh nghĩ đúng, làm đúng, anh
đang là chân lý và mãi mãi là chân lý, vì Đảng đã mang chân lý cho anh. Thật
vậy, muốn ngọt bùi thì phải trải đắng cay, muốn được bông lúa chín anh phải vất
vả chân tay sớm chiều.
Anh là con
nhà lao động anh hiểu chân lý ấy. Anh căm thù những kẻ phá hoại chân lý ấy. Đời
anh đẹp lắm, không phải đẹp cơm đẹp áo mà là đẹp chân lý sáng ngời.
Năm nay anh hai mươi tuổi, là hai mươi năm giành
nước và giữ nước, hai mươi năm giành cuộc sống và bảo vệ cuộc sống.
Cuộc đời của anh là một bài thơ hay, một bức tranh
hùng vĩ. Anh là anh bộ đội Cụ Hồ. Các anh giống nhau như cùng một khuôn đúc của
cách mạng, mà khác nhau như muôn hồng ngàn tía của những đóa hoa xuân.
Các anh là niềm tin của nhân dân, Tổ quốc. Các anh
vừa tươi đẹp vừa có sức mạnh phi thường. Đó là sức mạnh “đoạt giáo bến Chương
Dương”, “bắt giặc cửa Hàm Tử”; sức mạnh của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ; sức
mạnh của Sông Lô, Biên Giới, Điện Biên Phủ, Ấp Bắc, Biên Hòa, …
Anh hãy luôn luôn xứng đáng với anh: Anh bộ đội tuổi hai mươi – Anh bộ đội Cụ Hồ!
“Anh bộ đội ơi, sao mà yêu anh thế!”.
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)
Ngày 22 tháng 12 năm 1964, mình vừa tốt nghiệp Trường lái xe Quân khu 4 (Đô Lương, Nghệ An) được 2 tháng và cũng vừa tròn 20 tuổi, cầm vô lăng đi chuyến công tác đầu tiên trên tuyến đường 12A vượt Trường Sơn qua đèo Mụ Dạ sang đất bạn Lào. Tướng Trần Độ, một nhà văn của quân đội lúc đó rất được bọn lính trẻ bọn mình yêu kính!
Trả lờiXóa