Theo nghĩa rộng, văn hoá là gồm toàn bộ của cải vật chất
và tinh thần mà loài người đã sáng tạo ra trong quá trình đấu tranh với thiên
nhiên và đấu tranh trong xã hội để sinh tồn và phát triển.
Văn hoá theo nghĩa thường dùng bao gồm những thành tựu
của xã hội trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật và các lĩnh vực
khác của đời sống tinh thần. Nói cách khác, văn hoá là sản phẩm tinh thần sinh
ra trên cơ sở những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Mỗi phương thức sản
xuất, mỗi chế độ xã hội đều có nền văn hoá riêng dựa trên cơ sở sản xuất nhất định,
nó phản ánh và phục vụ cho phương thức sản xuất đó, chế độ xã hội đó. Văn hoá là
công cụ truyền bá tư tưởng, nên tư tưởng là nội dung chủ yếu của văn hoá. Vì thế
ta thường nói: cách mạng tư tưởng và văn hoá.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã ghi rõ:
“…Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một quá trình
biến đổi cách mạng toàn diện, liên tục, vô cùng sâu sắc và triệt để. Đó là quá
trình kết hợp cải tạo với xây dựng, cải tạo để xây dựng, xây dựng để cải tạo,
trong cải tạo có xây dựng, trong xây dựng có cải tạo, mà xây dựng là chủ yếu. Đó
là quy trình vừa xoá bỏ cái cũ, vừa xây dựng cái mới từ gốc đến ngọn. Phải tạo
ra cả lực lượng sản xuất mới lẫn quan hệ sản xuất mới, tạo ra cả cơ sở kinh tế
mới lẫn đời sống tinh thần và văn hoá mới. Đó là quá trình đấu tranh giai cấp
gay go, phức tạp giữa hai giai cấp tư sản và vô sản, giữa hai con đường tư bản
chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa”.
Báo cáo còn ghi rõ: “Quá trình đó là quá trình thực
hiện ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ
thuật và cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật
là then chốt. Quá trình thực hiện ba cuộc cách mạng ấy cũng là quá trình hình
thành từng bước chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nền sản xuất lớn xã hội
chủ nghĩa, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Ba cuộc cách mạng
ấy phải được tiến hành đồng thời, gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn
nhau. Chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa,
nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, toàn bộ chủ nghĩa xã hội cũng
như từng bộ phận của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể ra đời bằng kết quả tổng hợp của
cả ba cuộc cách mạng, của toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa…”.
Rõ ràng, đời sống của xã hội không phải chỉ có vấn đề
chính trị và kinh tế, mà còn có vấn đề văn hoá và tư tưởng, không chỉ có vấn đề
của đời sống vật chất: ăn, mặc, ở, đi lại mà còn có vấn đề đời sống tinh thần,
học hành, vui chơi, giải trí, ước mơ, sáng tạo.
Mục đích cuối cùng và cao nhất của chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa cộng sản không ngoài việc thoả mãn không ngừng đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Đó là sự khác biệt, là sự khác biệt
về bản chất giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, giữa cách mạng vô sản với
mọi kiểu cách mạng trước nó. Sự khác biệt về bản chất này, sự hơn hẳn này đã được
phản ánh một cách trung thực, khoa học và sinh động trong các kế hoạch xây dựng
đất nước của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay và sau này. Hầu như không có
kế hoạch nào không chứa đựng hai nội dung, hai yêu cầu cơ bản của con người “phát
triển kinh tế và văn hoá”.
Từ kế hoạch 3 năm (1958 – 1960) đến kế hoạch 5 năm lần
thứ nhất (1961 – 1965) và bây giờ là kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 – 1980),
không kế hoạch nào không là “kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá”. Tất nhiên,
tuỳ theo tình hình thực tế của đất nước, của nhân dân, của yêu cầu cách mạng từng
giai đoạn trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung này cần đặt nặng hơn, ưu tiên
hơn nội dung kia, nhưng có điều rõ rệt là hai nội dung đó bao giờ cũng gắn liền
với nhau, bồi bổ và tác động qua lại lẫn nhau, để phục vụ cho đời sống đất nước,
đời sống con người.
Nhìn lại những “kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá”
đã được thực hiện, chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào về những thành tích đã đạt
được trên mọi lĩnh vực. Sau hai mươi năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa,
mà phần lớn thời gian phải làm cùng một lúc hai nhiệm vụ chiến lược, dưới sự lãnh
đạo của Đảng, nhân dân ta đang xây dựng một cách vững chắc chế độ xã hội chủ
nghĩa với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa với cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu
của chủ nghĩa xã hội, với hệ tư tưởng và nền văn hoá mới, với cuộc sống mới và
con người mới đang từng bước hình thành.
Thực tiễn cách mạng và đời sống hai mươi năm qua đã chứng
minh đúng đắn và khoa học các kế hoạch Nhà nước được vạch ra, càng chứng minh sự
tất yếu phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, mà cách mạng khoa học - kỹ
thuật là then chốt.
Công tác văn hoá và thông tin là công cụ, là vũ khí tư
tưởng để đẩy mạnh ba cuộc cách mạng. Mặt khác, bản thân nó cũng là một mục đích
chính trị, một nhiệm vụ chính trị của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là nhiệm vụ
thoả mãn nhu cầu về tinh thần và văn hoá của nhân dân. Vì vậy công tác văn hoá
và thông tin không những là vũ khí tư tưởng, là phương tiện phục vụ các nhiệm vụ
chính trị, mà còn là nội dung của nhiệm vụ chính trị. Đây là một nhận thức quan
trọng.
Từ nhận thức trên, chức năng của
ngành văn hoá và thông tin là quản lý và tham mưu, quản lý để phát triển sự
nghiệp của ngành mình, tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành các
giới để phát triển sự nghiệp đó.
Để làm tốt chức trách này, cán bộ toàn ngành văn hoá và
thông tin cần nắm vững tình hình, không ngừng nâng cao kiến thức nghề nghiệp và
phấn đấu để trở thành những chuyên gia hiểu biết về cách mạng tư tưởng và văn
hoá một cách đầy đủ, hiểu biết về nội dung và yêu cầu của công tác văn hoá, thông
tin một cách thấu đáo, hiểu biết nhu cầu về văn hoá của quần chúng một cách tường
tận. Có thế, cơ quan văn hoá và thông tin mới làm được tham mưu, mới đề xuất được
những chủ trương chính sách, chế độ và kế hoạch đúng đắn giúp cấp uỷ Đảng, chính
quyền ra được những quyết định có hiệu lực. Với các ngành, các giới, các đoàn
thể cũng vậy, ngành văn hoá và thông tin phải đề đạt được những ý kiến xác đáng,
phù hợp với tâm lý, thị hiếu của quần chúng để các ngành, các giới, các đoàn thể
đẩy mạnh công tác văn hoá và thông tin trong phạm vi mình. Từ đó sự nghiệp văn
hoá và thông tin có thêm nhiều thuận lợi để phát triển.
Có một số đồng chí chúng ta thường cảm thấy công tác văn
hoá và thông tin chưa được coi trọng đúng mức. Cũng có thể có một số ngành, một
số cấp uỷ địa phương chưa thấy hết được nội dung và ý nghĩa của công tác văn hoá
và thông tin, song ngành văn hoá và thông tin không nên vì thế mà có mặc cảm bị
coi nhẹ. Mặt khác, phải nhận thấy rằng khi cấp uỷ Đảng và chính quyền yêu cầu
thì ngành văn hoá và thông tin lại chưa sẵn sàng, chưa đáp ứng được. Ở Trung ương,
khi thấy phần dành cho phát triển văn hoá trong kế hoạch Nhà nước chưa tương xứng,
Hội đồng Chính phủ (nay là Hội đồng Bộ trưởng) nhắc Bộ Văn hoá và Thông tin bổ
sung, nhưng Bộ cũng lúng túng, chưa chuẩn bị được đầy đủ. Ở địa phương, không ít
Sở, Ty (nay ở địa phương - tỉnh và thành phố - đều gọi là Sở) cũng có những lúng
túng tương tự. Tóm lại, kể cả Bộ lẫn Sở, Ty đều chưa khai thác và tận dụng được
hết sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chúng ta chưa thật sự là “tác giả” của những
kế hoạch, quy hoạch xây dựng và phát triển sự nghiệp của ngành mình trong kế hoạch,
quy phạm chung.
Nhìn lại công tác kế hoạch của toàn ngành văn hoá và
thông tin những năm qua, chúng ta thấy còn nhiều thiếu sót, việc nắm tình hình
văn hoá, thông tin trong cả nước chưa được thực hiện; tỉnh cũng chưa nắm chắc.
Ngành văn hoá và thông tin thành lập đã lâu nhưng so với
nhiều ngành bạn như Giáo dục, Y tế thì việc quy hoạch, tiêu chuẩn hoá cán bộ của
ngành ta chưa được quy củ bằng.
Việc phối hợp với các ngành cũng chưa được khẩn trương,
chặt chẽ. Có những việc, những mặt công tác, Bộ đã phối hợp tốt với Bộ Nông
nghiệp và Bộ Thuỷ lợi, như phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn.
Nhưng cũng có những việc cần quan hệ lâu dài và thường xuyên thì chưa có kế hoạch
cụ thể bàn bạc với các ngành. Ở địa phương, một số Sở, Ty cũng đã làm tốt việc
này, song nhìn chung, toàn ngành vẫn chưa tích cực và chủ động. Từ Bộ đến cơ sở, cần nhanh chóng khắc phục thiếu
sót trên. Có khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, các đoàn
thể, ngành văn hoá – thông tin mới động viên được nhiều khả năng và lực lượng
tham gia xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá – thông tin trong giai đoạn
cách mạng hiện nay.
Sau khi có Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, toàn
Đảng và toàn dân ta đã có những chuyển biến về nhận thức đối với vai trò và nội
dung của công tác văn hoá và thông tin trong cách mạng tư tưởng và văn hoá nói
riêng, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung.
Năm qua mọi hoạt động của ngành đã có những tiến bộ cả
về số lượng lẫn chất lượng, công tác văn hoá và thông tin đã chuyển biến mạnh về
cơ sở. Việc xây dựng ngành cũng có những tiến bộ về tổ chức, trang bị kỹ thuật
và cơ sở vật chất. Mặc dù mức độ có khác nhau, bộ máy của ngành từ Trung ương đến
tỉnh, huyện đã hình thành và đang được củng cố. Tuy vậy, muốn phát triển ngành
mạnh mẽ và toàn diện, một trong những nhiệm vụ cấp thiết là phải tiến hành quy
hoạch và kế hoạch hoá toàn bộ sự nghiệp của ngành từ trên xuống dưới. Phải nắm
thật chắc tình hình văn hoá trong cả nước, phải hiểu rõ tâm lý, thị hiếu, yêu cầu,
nguyện vọng về văn hoá của nhân dân. Trước mắt, cần triển khai điều tra cơ bản
một cách rộng rãi trong phạm vi cả nước và hoàn thành trong một thời gian nhất định.
Toàn ngành từ Bộ đến các Sở, Ty và huyện cùng làm. Có như vậy mới hy vọng có được
những thực tế sinh động, chính xác, những số liệu cụ thể, có giá trị. Tình hình
chung đó, qua điều tra cơ bản, sẽ giúp ta có căn cứ khoa học để xây dựng kế hoạch
một cách vững chắc từ huyện, tỉnh lên toàn ngành.
Khi làm kế hoạch, một điều chúng ta cần đặc biệt chú ý
là mối tương quan giữa ngành mình với các ngành khác, nhất là với kinh tế.
Quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hoá có dựa trên cơ
sở quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế và quy hoạch kế hoạch phát triển kinh
tế có gắn liền với quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hoá thì mới hoàn chỉnh. Đó
là hai mặt thống nhất không thể tách rời, của những kế hoạch xây dựng đất nước,
xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta từ trước đến nay.
Vừa qua, nhìn vào nội dung của kế hoạch Nhà nước, chúng
ta thấy những chỉ tiêu phát triển văn hoá và thông tin chưa nêu được đầy đủ, chưa
có hệ thống chỉ tiêu cho việc phát triển văn hoá một cách toàn diện. Để không
ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, để làm đẹp đất nước, để có phương
tiện và cơ sở vật chất tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, ngành văn hoá và
thông tin cần có nhiều loại công trình và hàng loạt những trung tâm văn hoá, nhất
là những trung tâm văn hoá huyện. Những công trình mới như thư viện, nhà văn hoá,
câu lạc bộ, nhà hát, rạp chiếu bóng, nhà bảo tàng, nhà triển lãm, v.v… và những
công trình của ông cha ta để lại cần được giữ gìn, tu sửa, tôn tạo. Nhưng cho đến
nay, phần lớn những công trình đó vẫn chưa có được một quy hoạch chính thức.
Vả chăng, không phải chỉ những công trình văn hoá mới
mang tính văn hoá, nghệ thuật, ngay những công trình thuộc lĩnh vực kinh tế, những
khu công nghiệp, đập nước, sân bay, nhà ga, … tự nó cũng là những công trình văn
hoá nếu từ trong ý đồ xây dựng cũng như trên phác thảo bản vẽ, có sự phối hợp
chặt chẽ giữa ngành có liên quan với ngành văn hoá và thông tin.
Tóm lại, trong danh mục chỉ tiêu chung của kế hoạch Nhà
nước, những chỉ tiêu về văn hoá vẫn chưa có một hệ thống hoàn chỉnh và một vị
trí ổn định. Đây mới chỉ nói đến chỉ tiêu hưởng thụ văn hoá do Nhà nước đem lại
cho nhân dân, chưa tính đến chỉ tiêu những giá trị văn hoá do nhân dân sáng tạo
cần được nghiên cứu đưa vào kế hoạch chung.
Theo tôi, phần dành cho phát triển văn hoá và thông
tin trong kế hoạch Nhà nước nên có ba loại chỉ tiêu. Loại thứ nhất cho phong trào
quần chúng, loại thứ hai cho những công trình văn hoá và loại thứ ba là loại chỉ
tiêu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Trong lĩnh vực hoạt động này, loại chỉ tiêu về phong
trào văn hoá văn nghệ quần chúng có thể khó chính xác. Vì thông thường phong trào
khi lên khi xuống, có lúc rầm rộ, sôi nổi, có lúc rời rạc, im lìm. Tuy vậy, rất
cần thiết phải ghi vào kế hoạch Nhà nước; một mặt để tăng cường trách nhiệm của
cơ quan Nhà nước đối với phong trào quần chúng; mặt khác có ghi thành chỉ tiêu
kế hoạch Nhà nước, mới cân đối được lao động và vật tư cho các hoạt động văn hoá
của nhân dân. Trong khi chưa ghi được loại chỉ tiêu này vào kế hoạch Nhà nước
thì các tỉnh, thành, huyện nên ghi vào kế hoạch của địa phương mình, vừa để làm
mục tiêu phấn đấu, vừa để hiểu được tốc độ phát triển của sự nghiệp văn hoá ở địa
phương.
Loại chỉ tiêu thứ hai là các công trình văn hoá cần xây
dựng. Hiện nay cũng như sau này, những công trình văn hoá phải xây dựng rất cần
thiết. Có loại công trình dùng cho các hoạt động phục vụ, như : thư viện, nhà hát,
rạp chiếu bóng, nhà văn hoá, v.v… Có loại dùng cho việc nghiên cứu, đào tạo như: các trường học, các viện. Có loại để điểm tô đất nước. Những công trình thuộc
loại sau cùng, muốn xây dựng phải tốn nhiều tiền, nhiều vật tư và phải làm lâu
dài với quy mô lớn. Chẳng hạn như khu di tích đền Hùng, khu thắng cảnh chùa Hương,
khu bảo tàng Tân Trào, Điện Biên Phủ, khu tưởng niệm Trường Sơn, v.v… Trong kế
hoạch Nhà nước, thường những công trình văn hoá đều được ghi chung vào mục xây
dựng cơ bản. Xét về tính chất và đặc điểm, những công trình văn hoá có khác những
công trình khác. Vì vậy, ngành văn hoá và thông tin cần nhanh chóng lên được
quy hoạch tất cả những công trình cần thiết trước mắt cũng như lâu dài của mình
để kiến nghị với Nhà nước cho ghi thành một loại chỉ tiêu riêng.
Loại thứ ba là chỉ tiêu hưởng thụ văn hoá của nhân dân
theo bình quân đầu người sách báo, phim ảnh, nghệ thuật, bảo tàng, triển lãm,
v.v…
Dù chia thành ba loại chỉ tiêu, trong thực tế, cả ba đều
có liên quan mật thiết với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Nếu chỉ chú ý chỉ
tiêu này, xao lãng chỉ tiêu kia, kết quả thu được không tránh khỏi bị hạn chế.
Muốn thực hiện xem phim bình quân đầu người, ngoài việc cải tiến phương thức phục
vụ, tăng thêm buổi chiếu, không thể không chú ý tới việc mở rộng thêm rạp, bãi
và mạng lưới chiếu bóng. Rõ ràng, muốn hay không muốn, chỉ tiêu hưởng thụ vẫn gắn
liền với chỉ tiêu xây dựng các công trình văn hoá.
“… Nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư tưởng và văn hoá
là xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Từ Nghị quyết và đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng trong
giai đoạn mới, Bộ và các Sở, Ty cần quán triệt và cụ thể hoá thành chương trình
hành động, thành quy hoạch phát triển sự nghiệp của toàn ngành.
Xuất phát từ tinh thần và yêu cầu của giai đoạn mới, năm
1979, toàn ngành văn hoá và thông tin cần tạo nên một chuyển biến thật sự trong
tất cả các khâu công tác, trước hết là công tác kế hoạch hoá. Phải cải tiến công
tác kế hoạch hoá một cách toàn diện và đồng bộ. Phải kết hợp kế hoạch hoá theo
ngành với kế hoạch hoá theo địa phương và vùng lãnh thổ, kết hợp chặt chẽ giữa
chỉ tiêu kế hoạch và biện pháp thực hiện, giữa xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu
thực hiện kế hoạch.
1979(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét