Mùa hè năm 1947, bà Nguyễn Thị Phúc Hằng chuẩn bị sinh
con đầu lòng. Vì thế, trong nhiều lá thư gửi cho ông Trần Độ, bà thông báo
những kế hoạch chuẩn bị chu đáo.
Một lá thư từ Thái Nguyên gửi cho ông Độ, bà có viết:
“Sau khi Điệp đẻ xong ở nhà thêm vài ba tháng nữa để cho người nó được khỏe
mạnh đã rồi lại xin đi công tác. Còn con thì làm thế nào được gửi vào đâu lại
phải mượn người nuôi vú thì mấy được”.
Và cũng không khỏi lo lắng trong tình hình kháng chiến
lâu dài và sinh hoạt ở Chiến khu: “ … Điệp cứ phải đi xa mãi, đi đến những chỗ
nước độc quá chỉ sợ bị ngã nước thôi…”
Lá thư đề ngày 17/5/1947, bà viết “Dạo này Điệp ốm nhiều, xanh gầy, người yếu
quá. Có một hôm bị cảm ngất đi đến một tiếng mấy tỉnh lại. Điệp lo quá, đến
ngày đẻ không còn sức thì chết thôi. Hôm nọ anh đốc-tờ Chánh khám cho Điệp thì
nói là đến tháng Năm mới đẻ. Từ nay đến ngày đẻ thế nào cũng phải tẩm bổ cho khỏe chứ
không có thì chết mất. Điệp ốm một dạo,
cái thai bị yếu đi bao nhiêu. Còn về đồ dùng trong lúc đẻ thì đủ rồi”.
Bên cạnh những băn khoăn lo lắng về sức khỏe, bà vẫn
không quên nhắc nhở ông Độ việc rất quan trọng đó là đặt tên cho con.
“Điệp cũng muốn gửi thư cho Độ để hỏi về chỗ đặt tên cho con như thế nào thì Độ đã đặt tên xong rồi. Điệp cũng đồng ý như vậy và sau khi đẻ xong thì ở chỗ nào cũng phải lấy giấy khai sinh ngay”.
Theo lời dặn của ông Trần Độ – lúc này đang là Chủ nhiệm báo “Vệ Quốc quân” (nay là báo Quân đội Nhân dân) – sinh con trai đặt tên là Toàn Thắng, con gái đặt tên là Hòa Bình. Dịp này tình hình quân Pháp đang chuẩn bị chiến dịch Thu – Đông tấn công lên Việt Bắc nên rất căng thẳng, ông Độ được nghỉ mấy ngày vội về với bà Hằng. Ông về được khoảng hai ngày thì bà sinh. Bà tự chuẩn bị cho mình và đẻ xong tự tay cắt rốn cho con. Bà còn nhớ lại lúc đó, khi cả xóm biết bà sinh con trai, đám trẻ con đồng thanh hô ầm ầm lên: Toàn Thắng! Toàn thắng! Toàn Thắng! … Mấy hôm sau, bà được ông bác sĩ Chánh – bác sĩ của Trung ương đến thăm khám. Ông xem xét cẩn thận cho bà và đứa con và làm những việc cần thiết cho bà sau khi sinh mà bà không làm được và không biết làm. Ông nói “Cô cắt rốn cho con cũng khéo nhưng hơi dài nên tôi phải cắt lại”. Ông làm và sát trùng cẩn thận. Một tuần sau, ông bác sĩ lại thăm khám lần nữa. Lần này, ông hài lòng nói “Thế là yên tâm rồi, cả mẹ và con đều tốt. Tôi không đến nữa, nhưng có vấn đề gì cứ cho gọi tôi”.
Nhận được tin của bà Hằng, ông Trần Độ cũng lo lắng mà
không biết xoay xỏa thế nào, chỉ biết viết vào cuốn nhật ký “màu xanh”:
“Ngày 01/9/1947. Công việc mới bây giờ vui, vì tự nhiên mình thấy vui, thế thôi. Chả
giận ai, chả bực ai. Trông ai cũng hay hay, vui vui và tốt lắm. Người ta bảo
rằng mình thế là người sung sướng. Ừ có lẽ. Mình vừa viết thư cho Điệp tả những thú núi rừng
của mình, nhất là sự học tập, mình bằng lòng mình lắm, nhất định phải có tiến
bộ chứ”.
“Thằng Thắng ghẻ lở, mình cũng
ghẻ lở. Bực quá, con nó bé thế nó ghẻ lở thì thật khổ lắm nhỉ. Mà Điệp cứ vò võ
cả đêm cả ngày trông con nghĩ thương hại quá, không biết rồi cuối cùng giải
quyết ra sao? Đem Thắng về quê chăng? Mời bà cụ lên nuôi cho chăng ? Đằng nào
cũng khó nghĩ cả”.
Năm tháng sau khi sinh, bà gửi con vào trại trẻ ở chiến khu và đầu năm 1948 đi nhận công tác do Trung ương giao bà làm quản trị cho cơ quan Phụ nữ cứu quốc Trung ương. Thế là bà vừa nuôi con vừa tham gia công tác trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ của chiến khu kháng chiến.
Lá thư đề ngày 27/7/1948, bà có viết: “Bận luôn tay, lúc nào ẵm T. Thắng thì thôi, không phải ẵm T. Thắng thì lại làm việc khác. Đây là vừa ngồi quạt cho T. vừa viết thư cho Độ đấy”.
“Em T.T. thì không chịu ăn gì cả chỉ bú thôi. Ngoài bú ra thì chẳng chịu ăn gì. T.T. dạo này cao lên được một ít, nhưng gầy đi hay nghịch lắm, biết gọi gà, gọi bà, gì cũng biết, giơ tay chào, vỗ tay hoan hô, đánh dịp, răng mọc chiếc một hàm trên mọc trước mãi mới được 4 chiếc, kẽ răng trước cửa thưa lắm. Trông buồn cười ghê, em ấy càng lớn trông càng giống Độ ghê. Em ấy thích đi xe đạp lắm. Ai vào có xe thì em chỉ muốn ngồi thôi, đặt em lên thì em cười lắm. Em chưa khỏi ghẻ, hãy còn mấy mụn nữa. Em bị đau mắt mất hơn một tuần em quấy quá, lớn thì có như em bệu quá, chưa chạy đi được, hèn lắm”.
Trong thư viết ngày 02/8/1948, có đoạn:
“Dạo này em Toàn Thắng bị đau mắt nhiều quá cả ho nữa, Điệp cũng bị đau mắt. Khổ quá, hai mẹ con cùng bị đau mắt gần một tháng rồi. Dạo này Toàn Thắng hơi gầy đi một ít nhưng vẫn chơi như thường, vẫn nghịch ghê”.
Tháng 10/1951, bà được điều sang làm cán bộ của Bộ Tài chính, giữ chức thủ kho thóc Chợ Chu và Quán Vuông (thuộc xã Trung Hội, huyện Định Hóa, Thái Nguyên). Khi đã tương đối ổn định công việc, ngày 02/11/1951 bà lại viết thư cho ông Trần Độ.
“May quá hôm nay Hằng về nhận công tác ở Thái Nguyên,
Hằng lợi dụng giấy công lệnh còn dài ngày, nên rẽ về chơi với con một ngày.
Sáng mai sớm Hằng lại lên đường đi về Chi sở Kho thóc ở Quan Triều. Hằng nhận
công tác cân thóc và đi thu thóc ở các kho hoặc là đi giải thích thuế thóc nông
nghiệp. Trong mấy việc đó, Hằng đã nhận và Hằng sẽ làm công tác của Hằng hiện
nay như vậy”.
“Dạo này con vẫn khỏe việc con đi trại thì hiện nay
Hằng không công tác ở bên LH-PN (Hội Liên hiệp Phụ nữ) nữa lẽ dĩ nhiên là con
cũng không được gửi ở đó nữa. Bây giờ Hằng sang hẳn bên sở kho thóc rồi, không
còn liên lạc gì với LH-PN tức là sang chính quyền không còn ở bên đoàn thể nữa,
nên cũng hơi khó khăn …”
“Chi sở Kho thóc Thái Nguyên. Thân mến”.
(Trích Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ Nữ, 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét