Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Bác yêu bộ đội


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh Hồ Chủ tịch

           Khi tình cảm của con người rộng lớn mà chân thành thì nó dạt dào, sâu sắc vô cùng, nó không phải chỉ rung động trong một con người mà nó đi thẳng vào lòng tất cả mọi con người, mạnh mẽ và xao xuyến lạ thường. Tình cảm ấy phải là thứ tình cảm mãnh liệt trong sáng mênh mông như biển cả, rực rỡ ấm áp như những tia nắng ban mai…


            Đó là tình cảm của Bác Hồ đối với bộ đội. Vị Chủ tịch kính yêu ấy ngay từ buổi đầu xuất hiện ở vườn hoa Ba Đình đã thu phục được tấm lòng chân thành của tất cả mọi người. Mọi người đã vô cùng yêu mến tiếng nói ấm áp, đôi mắt sáng và chòm râu thưa của Người, đã tự nhiên quây quần chung quanh Người như đàn con gặp Cha lâu ngày xa vắng.

Ảnh : Lễ “phong tướng” tháng 3 năm 1958
           Những ngày cuối năm 1945 và đầu năm 1946 tôi đã được gặp Bác nhiều lần ở Hà Nội. Mỗi lần gặp, không phải là để nghe những lời kêu gọi giải thích mà thường là để tiếp thu những bài học cụ thể, thiết thực nhưng sâu sắc phải nhớ suốt đời.
            Một lần Bác vào thăm trại Vệ Quốc đoàn. Tôi ăn mặc chỉnh tề để cùng các cán bộ khác đón tiếp Bác. Nhưng rồi chúng tôi không được đón tiếp Bác ở phòng khách, mà cứ phải chạy theo Bác từ bếp ăn đến vườn rau, nhà ngủ của đơn vị. Bác khen bộ đội có trồng rau. Bác chê nhà xí bẩn. Bác hỏi bộ đội: “Có được ăn no không?”. Thế rồi khi tôi tiễn Bác ra về. Bác cười, hỏi đùa tôi: “Chú đi đâu mà “cổ cồn, ca-vát” ghê thế?”, rồi Bác nói tiếp: “Chú định tách thành một giai cấp riêng à? Chú xem bộ đội ăn mặc thế kia! Chú phải đồng cam cộng khổ với các chiến sĩ chứ!”.
           Tôi không biết nói sao, chỉ biết “vâng dạ” lúng túng, coi đó là bài học đầu tiên trong đời mình. Cũng từ dạo ấy cứ mỗi lần được gặp Bác, tôi lại nhận được ở Bác những bài học sâu sắc về quan điểm quần chúng, về tình thương yêu giai cấp…
            Cuối năm 1946, những ai đã được đọc bức thư của Bác gửi bộ đội “Quyết tử quân” Hà Nội chắc hẳn cũng cùng ý nghĩ như tôi: tình thương yêu bộ đội của Bác Hồ quả là mênh mông như trời biển. Thú thật, khi đọc xong tôi rưng rưng nửa như muốn khóc, nửa như muốn kêu to lên những tiếng kêu sung sướng. Tôi không thể không chép lại đây bức thư đó.
            “Gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô
            Cùng các chiến sĩ yêu quý trung đoàn Thủ đô,
           Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ! Tôi và các nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Còn chín mươi phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt chín mươi phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.
           Các em là bộ đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.
             Chí kiên quyết dũng cảm các em đã sẵn có, đây tôi chỉ nhắc lại một vài điều mà các em phải nhớ luôn luôn:
         1. Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết cách hóa chỉnh vi linh.
           2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày, hàng giờ. Phải đề phòng việt gian trinh thám.
          3. Phải hết sức cẩn thận, phải luôn luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ.
             4. Tuyệt đối đoàn kết.
          Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em.
          Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi các em lời chào thân ái và quyết thắng.
             Ngày 27 tháng 1 năm 1947
             HỒ CHÍ MINH
           Những dòng chữ này không chỉ là một bức thư nữa mà trở thành một dòng máu ấm lan chảy vào mỗi con người bộ đội chúng tôi, cổ vũ chúng tôi rất mạnh, làm chúng tôi nếu được gặp Người thì có thể ôm lấy Người mà hôn vào râu vào tóc của Người, mà nói to lên tấm lòng trung thành, quyết chí của mình để xứng đáng với Người, xứng đáng với tình yêu thắm thiết của Người.
            Tôi nhớ có một lần Bác đến thăm bộ đội – và cũng nhiều lần như thế - cấp chỉ huy không thể nào giữ được trật tự, tất cả cán bộ và chiến sĩ hết sức nhiệt tình, chạy ùa ra vây quanh lấy Bác. Anh thì đòi hôn, anh thì nắm lấy tay Bác. Có anh len lỏi cố nắm cho được vạt áo của Bác dù chỉ chốc lát. Trong khoảnh khắc thoáng hiện ra một cảnh đầm ấm sâu sắc giữa một người Cha vừa uy nghi vừa hiền hậu với đàn con hết sức đáng yêu.
            Suốt mấy năm kháng chiến, càng ngày tôi càng thấu hiểu tình yêu sâu sắc của Hồ Chủ tịch đối với bộ đội, kể sao cho hết. Cho đến những ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác lại viết cho bộ đội:
             “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ.
             Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.
          Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc quyết tâm giành được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.
          Bác quyết định khao các chú, khao thế nào tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao.
           Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.
           Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, các chú tán thành không?
             Bác dặn các chú một lần nữa:
          Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn mọi nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
             Bác hôn các chú.
             Ngày 19 tháng 5 năm 1954
             HỒ CHÍ MINH
             “Bác hôn các chú”
           Đây có phải là những lời lẽ bình thường nữa không? Không! Tôi thấy ở đây tất cả trời cao, gió lộng, tất cả mặt trời, mặt trăng, sông biển, tất cả vạn triệu trái tim của cả dân tộc, của những dòng nước mắt mẹ già, của những bàn tay, những ánh mắt chào đón, vỗ về săn sóc chúng tôi.
          Đọc những lời này trên đất Điện Biên năm ấy, chúng tôi đã nhảy lên chảy nước mắt mà gào thét hoan hô, chúng tôi hoan hô mãi mãi, muốn cho tiếng nói được thật sự bật ra từ trái tim, vang động ngay đến tai Hồ Chủ tịch, muốn thốt lên niềm sung sướng và lòng biết ơn của chúng tôi. Tôi còn nhớ trong buổi họp mặt mừng thắng lợi năm ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng dừng lại hồi lâu để chúng tôi hò hét hoan hô mong bộc lộ được một phần nhiệt tình đang bừng cháy trong lòng chúng tôi.
          Từ “Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ!” đến “Thế là Bác cháu ta cùng vui”, tình yêu của Bác đối với bộ đội cũng phát triển. Sự phát triển ấy nhịp nhàng với sự phát triển thắng lợi của dân tộc. Từ lòng ân cần săn sóc khuyến khích đến những lời vui mừng chiến thắng, từ lúc ân cần nhưng còn đôi chút dè dặt đã đến chỗ thân tình ruột thịt! Quá trình chiến đấu cách mạng của dân tộc ta đã đưa các cháu đến với Bác, dẫn Bác đến với các cháu và ngày càng gắn chặt với nhau không bao giờ rời ra được nữa.
          Tôi không biết ai đặt ra cái tên “lính Cụ Hồ”, “Bộ đội Cụ Hồ”, và đặt ra từ bao giờ, những tiếng đó hiện nay đã thành ra ngôn ngữ chính thức của ta, chính thức một cách rất đáng yêu. “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là một cái gì kiêu hãnh, trong sáng, phấn khởi, mà lại thân mật, thú vị.
            Trong lịch sử, những anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, đã trực tiếp chỉ huy quân đội diệt xâm lăng oanh liệt một thời, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định đã có những quan hệ mật thiết với binh sĩ. Nhưng tất cả các vị anh hùng ấy đều không thể nào là người hòa hợp triệt để với nhân dân lao động, vì quyền lợi giai cấp ngăn cách. Các vị anh hùng ấy có thể kích động tướng sĩ xông pha trận mạc, đánh đuổi xâm lăng. Nhưng các vị đó chưa hề thực sự “đồng cam cộng khổ” với binh sĩ, nhân dân, chưa thấu hiểu được nguyện vọng sâu xa của người lao động, chưa dốc lòng yêu mến nhân dân, vì vậy chưa thể có một tình yêu sâu xa đằm thắm với nhân dân được.
           Hồ Chủ tịch ở vào thời đại cách mạng của giai cấp vô sản. Gần trọn đời Người nung nấu, hun đúc một tình yêu bất diệt đối với lớp người cùng khổ, hiểu sâu sắc khát vọng chân chính của con người, đem hết tâm can nâng niu dìu dắt sự sống. Hồ Chủ tịch đã là Bác thân yêu của thiếu nhi toàn thế giới, đã là người trồng cây gần khắp thế giới, sự sống ở muôn nơi đều đã được hấp thụ sự săn sóc yêu thương của Người.
          Vì vậy trong cuộc đấu tranh giành quyền sống, giành sự sống của nhân dân Việt Nam, Người là một chiến sĩ cao niên bình dị nhất và vĩ đại nhất trong tất cả các chiến sĩ, Người “bình dị đến nỗi không còn lợi ích gì là của riêng” nữa cả, Người là tấm gương vĩ đại mà mọi người soi thấy mình trong đó; đồng thời Người lại là một hình ảnh kỳ diệu trong nơi tôn kính nhất của trái tim mọi người.
         Chiến sĩ luôn biểu thị lòng trung thành vô hạn đối với Người; ai đã trung thành với nhân dân, Tổ quốc, tất nhiên là trung thành với Người, vì Người là hiện thân trong sáng nhất, đặc sắc nhất của nhân dân, Tổ quốc.
        “Bộ đội Cụ Hồ” đó là cái tên âu yếm thân mật để chỉ rằng quân đội ta là một đội quân từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu.
         Trong cuộc kháng chiến có nhiều việc vĩ đại, nhiều việc thần kỳ rung động lòng người mãi mãi. Một trong những sự kiện có ý nghĩa nhất ấy đối với đời người chiến sĩ Quân đội nhân dân thường là những lần được gặp Hồ Chủ tịch.
        Trong những ngày chuẩn bị chiến dịch Biên Giới, mọi người đang hăm hở khắc phục trăm nghìn khó khăn trước mắt, mọi người vừa kiêu hãnh, vừa tin tưởng thấy mình đã qua một thử thách : vượt chặng hành quân gian khổ và đang gối đất nằm sương, cơm nắm, áo manh để giành công đầu dâng lên Tổ quốc mà Người là người đại diện kính yêu đang lo lắng mong chờ nơi căn cứ xa xôi. Giữa lúc ấy tin đến như kèn vang sấm động: “Hồ Chủ tịch lên thăm mặt trận”. Trong buổi họp mặt thân mật với Người ở chân một vòm núi đá với những hàng cây cổ thụ trang nghiêm. Người xuất hiện như một ánh sao rực rỡ, như một tiên ông thanh cao nhưng đầy phép thần kỳ diệu. Tôi còn thấy trong sổ cũ của tôi mấy dòng nhật ký như sau:
        “12 tháng 9… Tối đến, nghe tin Cụ đến, muốn gặp từ cán bộ tiểu đoàn trở lên! Rợn cả người. Ông Cụ thật vĩ đại! Giờ nào vĩ đại quan trọng nhất của quốc gia, bất cứ ở tiền tuyến hay hậu phương đều có mặt ông Cụ…”
        “Gặp ông Cụ! Vui! Sướng! Hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, thấy Cụ khỏe, vẫn giản dị thân mật, quen thuộc ấm áp, vững vàng. Hôm qua anh Văn lại gặp 130. Nhớ lại không khí quyết tử ở Hà Nội năm 1946…”
        Hoàn cảnh tíu tít trước giờ chiến đấu có lẽ chỉ cho phép ghi nhanh được như vậy. Nhưng cho đến nay nghĩ lại tôi vẫn còn thấy được cái “rợn cả người” sung sướng, kích thích, hăng say.
       Hình ảnh Hồ Chủ tịch ở chiến dịch Biên giới trở thành một hình ảnh bất diệt trong lịch sử chiến đấu của ta: Hình ảnh một cụ già quắc thước, có khuôn mặt hơi gày, cặp mắt đăm chiêu, chòm râu nghiêm nghị, quần xắn đến đầu gối, ngồi bên một chiến sĩ đang cầm ống nhòm quan sát và một chiến sĩ khác đang cầm máy nói; chỉ có hình người, nhưng phảng phất cả hình ảnh núi rừng cổ kính thân yêu của Việt Bắc, hình ảnh tươi sáng của cả non sông ta.
        Năm 1955 tôi đi xem triển lãm quân đội vào một buổi vắng người. Từ xa, tôi đã nhìn thấy tấm ảnh phóng lớn, và cũng từ xa tôi thấy một ông cụ nông dân cứ vào gần ghé mắt nhìn, rồi lại lùi ra xa nghiêng đầu ngắm. Ông cụ cứ ra ra vào vào rồi băn khoăn nhìn chung quanh tìm kiếm. Tôi đoán ông cụ có điều gì muốn nói, tôi thong thả lại gần; ông cụ vồ lấy tôi, sôi nổi như có một cái gì không cầm nổi trong lòng:
       “Anh xem! Anh xem! Thật là nước cờ xuất tướng! Nước cờ xuất tướng! Thật là…”. Ông lắc đầu chép miệng không tìm được chữ gì để diễn tả cho hết. Chợt có một bà lại gần hỏi: “Cái gì thế, ông?”. Ông ta gần như bực dọc: “Đây! Bà không trông thấy ư? Thật là nước cờ xuất tướng, nghĩa là Cụ, Cụ Hồ ra tận mặt trận với bộ đội đây này! Thế là xuất tướng mà lỵ, là quyết thắng, một mất, một còn mà lỵ! Ối giời ơi! Chậc chậc…”.
        Đấy, hình ảnh Bác với bộ đội, với vận mệnh quốc gia đã đi thẳng vào lòng nhân dân như vậy đó ! Nhưng ông cụ nông dân kia làm sao biết được hết hoạt động của Bác ở mặt trận Biên Giới ! Tôi chưa có dịp kể cho ông cụ ấy nghe chuyện sau đây:
Sau khi ta toàn thắng ở chiến dịch Biên Giới, một buổi tối trong một cánh rừng bên cạnh đường số 4, Bác đến thăm một đơn vị bộ đội. Vẫn với dáng điệu nhanh nhẹn, khẩn trương nhưng hết sức nồng hậu, vui tươi, ấm áp, Bác khoát tay chấm dứt những tràng vỗ tay nhiệt liệt rộn rã. Bác vui vẻ nói:
         - Các chú có vui không?
         - Có ạ!
         - Các chú ăn có no không?
         - Có ạ!
         - Các chú có khỏe không?
         - Có ạ!
         - Các chú có… có ỉa bậy không?
         Tiếng cười rộ lên, chen lẫn những tiếng “có” rụt rè như thú tội, ngượng ngùng.
           Bác nói tiếp: “Có phải không? Thế là các chú làm sai. “Đi ỉa” cũng phải có chính sách đấy! Ví dụ bộ đội A. đến đóng một làng, suốt thời gian đóng quân, giữ gìn sạch sẽ, làm chuồng xí cẩn thận, khi đi lại quét dọn đường sá cẩn thận. Dân làng ai cũng khen là bộ đội tốt.
          Trái lại bộ đội B. đến ở thì không có chuồng xí, chỗ nào cũng “bậy” ra, cả làng hôi thối. Khi kéo quân đi dân làng phàn nàn, chê trách. Thế bộ đội nào đúng?
          - Bộ đội A. ạ!…
         (Chỉ ghi lại tinh thần câu chuyện chứ không phải nguyên văn – T.G.)
         Sự thực trong chiến dịch Biên Giới, lần đầu tiên ta tập trung một số lượng quân đội và dân công rất lớn, chưa có kinh nghiệm, nên đường sá, rừng, suối đều bị bẩn nhiều. Trong buổi gặp bộ đội đó, cố nhiên nội dung chính là Bác nói về ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi, khuyến khích động viên bộ đội. Nhưng ở đây tôi muốn nói tới cách giáo dục bộ đội thật sinh động, đầy tình thương yêu của Cha dạy con. Và chỉ cần vài câu dặn dò âu yếm ấy là tất cả các chiến dịch sau, việc giữ vệ sinh chung bảo vệ sức khỏe của bộ đội và dân công được chú trọng hơn, tránh được rất nhiều hiện tượng bừa bãi.
        Những ai đã chiến đấu ở Biên Giới cho đến bây giờ vẫn còn giữ được cảm tưởng sung sướng như được chiến đấu trực tiếp bên cạnh Bác vậy.
        Suốt trong thời gian kháng chiến, Bác ngày đêm nghĩ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam, Bác luôn có thư khuyến khích, thăm hỏi, dặn dò. Mỗi chiến dịch Bác đều đến thăm hội nghị cán bộ quân sự để dặn dò, khích lệ, trao giải thưởng thi đua, và sau buổi nói chuyện, không bao giờ Bác quên gửi lời thăm hỏi và khích lệ chiến sĩ.
        Bác hết sức theo dõi thành tích lập công của các đơn vị, các chiến sĩ chủ lực cũng như du kích, Bác luôn luôn gửi thư khen hoặc gửi tặng phẩm cho trung đội du kích này, cho lão du kích kia, cho thiếu niên anh dũng nọ. Bác thưởng huy hiệu, gửi quà cho cán bộ tích cực gương mẫu, tặng danh hiệu cho các đơn vị có thành tích đặc biệt như: “Trung dũng”, “Tất thắng”, “Quyết thắng”, v.v… Bác ân cần gặp gỡ các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua.
         Bác có những hoạt động hết sức rộng rãi, phong phú và bền bỉ, để động viên bộ đội chiến đấu giết giặc. Bác động viên hết sức tỷ mỉ, thiết thực. Mỗi khi Bác nói đến bộ đội là Bác đều nói với sự quan tâm sâu sắc, với một giọng thiết tha thương mến. Bác khuyến khích phong trào “Mùa đông binh sĩ”, khuyến khích phong trào “Bán gạo khao quân”, phong trào “Đón thương binh về xã”. Bác tặng bộ đội ca uống nước mà bây giờ mọi người thường gọi “Ca Hồ Chủ tịch”.
         Bác đặc biệt thương yêu thương binh. Luôn luôn Bác theo dõi, thăm hỏi. Bác luôn luôn nhắc nhở Bộ Thương binh, luôn luôn nhắc nhở quân y, nhắc nhở dân công, nhắc nhở nhân dân phải săn sóc thương yêu thương binh. 
         Trong thư chia buồn với bác sĩ Vũ Đình Tụng khi bác sĩ có một con trai hy sinh, Hồ Chủ tịch đã nói đến tình yêu của Người đối với thanh niên chiến đấu giết giặc ở tiền tuyến rất rõ ràng, cảm động: “… Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì tôi như đứt một đoạn ruột.
         Những người cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước, thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi…”
         Bác dặn cán bộ và nhân viên quân y phải “Lương y kiêm từ mẫu”.
          Ngày 27 tháng 7 hàng năm Bác gửi thư cho Bộ Thương binh và có quà cho thương binh, thường là Bác bớt tiền lương của Bác và thu góp các vật phẩm mà đồng bào gửi biếu Bác, để tặng thương binh.
        Thời gian giữa các chiến dịch Bác thường đến thăm bộ đội học tập. Sau các chiến dịch Bác cũng thường có mặt trong các hội nghị tổng kết. Bác biết rất nhanh những từ ngữ riêng của bộ đội và cán bộ thường dùng. Có một hồi, khi đến hội nghị Bác thường hỏi: “Thế nào, hội nghị này “văn hóa” có cao không?”. Hồi ấy, mỗi khi bữa cơm có thêm chất tươi thì thường được gọi là “văn hóa cao”.
        Lại có một hội nghị Bác đến, sau khi nói chuyện, đến đoạn phê bình khuyết điểm, Bác nói: “Trên kia là khen các chú, bây giờ Bác “đì” các chú một trận”. Lúc ấy cán bộ ta hay gọi phê bình là “đì”.
         Bác rất nhớ những đồng chí đã từng làm việc gần Bác trong những ngày bí mật. Trong các hội nghị, hễ Bác gặp là Bác hỏi ngay và thường nhắc lại những kỷ niệm xưa.
         Khi thì Bác gặp đồng chí Tài, Bác hỏi: “Tài, bây giờ chú hói như thế kia à?”. Khi thì Bác nhắc chuyện một đồng chí ăn nhiều, ăn khỏe. Khi Bác nhắc chuyện một đồng chí đã qua một cơn gian khổ, thử thách đặc biệt…
         Hễ tới hội nghị, hay trong những cuộc gặp gỡ như vậy, ai nấy đều cảm thấy lòng mình hồ hởi ấm áp như quyện chặt lấy Người. Ai cũng thấy khoan khoái, gần gũi, sẵn sàng tiếp thụ mọi điều chỉ dạy, sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh của Người.
        Một lần Bác đến thăm đơn vị tôi. Bác đến rất thình lình. Bộ đội tập hợp trong một khu rừng và đốt lửa trại lên để đón Bác. Có một đơn vị vì ở quá xa không đến được, chỉ có một số cán bộ đang họp ở sư đoàn thay mặt anh em gặp Bác. Bác rất biết nỗi thiệt thòi đó của đơn vị. Nên sau khi nói chuyện xong, Bác giơ hai ngón tay lên môi và âu yếm nói rằng Bác gửi cho đơn vị ở xa đó “mỗi chú một cái hôn”. Một cán bộ của đơn vị đó hết sức xúc động chạy ra xin phép được thay mặt đơn vị nhận chiếc hôn của Bác và hôn lại Bác. Bác rất vui lòng niềm nở ôm hôn đồng chí cán bộ hồi lâu giữa tiếng reo hò vang dậy của tất cả đơn vị. Ôi! Trong ánh lửa hồng, mái tóc, chòm râu bạc phơ với vầng trán cao vời vợi đang áp vào một mái đầu xanh run lên như thổn thức nghẹn ngào; hình ảnh ấy trong sáng, thiêng liêng lạ thường. Đó là biểu hiện rõ rệt nhất, đẹp đẽ nhất về tình yêu của Bác: Vị Chủ tịch của cả nước với các chiến sĩ thân yêu của Người. Núi rừng Việt Bắc đã ghi nhớ mãi hình ảnh ấy. Quân đội nhân dân Việt Nam sung sướng giữ gìn mãi hình ảnh cao quý ấy như là một tấm huân chương cao nhất, chưa hề có trong lịch sử một quân đội nào.
         Các cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam thường nuôi một ước mơ trong cả cuộc đời mình là được gặp Bác. Muốn gặp Bác thường rất khó nhưng lại rất dễ. Và hạnh phúc ấy thường đến với chiến sĩ bất thình lình như là tiên ban phép vậy.
         Một lần sau ngày hòa bình lập lại, Bác đến thăm đơn vị tôi cũng bất thình lình. Trời tối, một đồng chí đứng gác ở đường đi vào không biết là phái đoàn nào. Đến lúc chúng tôi đưa Bác về, đồng chí chiến sĩ đứng nhìn chúng tôi. Qua ánh đuốc tôi để ý xem đồng chí đó có nhận ra Bác hay không? Tôi cũng muốn tìm cách để đồng chí chiến sĩ đơn vị tôi được hưởng hạnh phúc lớn lao hiếm có này. Nhưng tôi đã thấy đồng chí đó sững người, rồi dán mắt vào Bác, chân bước loạng choạng như không điều khiển được nữa. Mấy chục giây sau, bỗng nhiên đồng chí đó khoác vội súng vào vai, hai tay đập vào nhau đánh đét và hét lên: “Thôi chết tôi rồi!”, và cứ như thế, hai tay vỗ vào nhau anh chạy vọt lên trước rồi vừa đi giật lùi vừa ngắm Bác. Bác mỉm cười vẫy lại và chìa tay ra bắt. Đồng chí đó rưng rưng nước mắt, hai tay nắm lấy tay Bác, mắt chăm chăm nhìn Bác, mồm lắp bắp: “Bác! Bác! Thế mà cháu không biết!”. Lần Bác thăm ấy là vào dịp Tết. Sau này các chiến sĩ được gặp Bác còn bàn tán mãi, tỏ ý tiếc hộ cho những người về phép Tết và tự cho mình có vinh dự được hưởng một cái Tết có ý nghĩa nhất đời.
         Tất nhiên là các chiến sĩ ta rất thích gặp cấp trên. Gặp vị Chủ tịch nước là một vinh dự đặc biệt. Nhưng các chiến sĩ mơ ước gặp Hồ Chủ tịch không những là để gặp vị Chủ tịch nước, gặp vị Thống soái của mình, gặp đồng chí Chủ tịch của Đảng lãnh đạo, mà thực sự còn gặp một cái gì như linh hồn của dân tộc, của giai cấp được kết tinh ở Người; gặp một vị Cha già thương yêu, kính mến; gặp cả tình yêu của nhân dân, gặp một tấm gương anh hùng vô cùng vĩ đại.
          Nhiều người nước ngoài thường nói với chúng ta: “Các anh có Hồ Chủ tịch quả là một diễm phúc cho các anh”. Thật đúng như vậy!
           Năm nay kỷ niệm năm thứ 70 của cuộc đời đầy hy sinh gian khổ nhưng đầy vẻ vang và đầy tình thương yêu cao cả của Người, làm sao mà nói hết được những cái vĩ đại độc đáo và phi thường của Người? Tôi chỉ biết ghi vội lại vài hình ảnh và vài ý nghĩ sâu sắc nhất đời của tôi trong muôn ngàn hình ảnh và ý nghĩ sâu sắc khác.
          Bác Hồ yêu bộ đội. Bộ đội xin cố gắng đáp lại tình yêu cao cả tinh khiết của Người!

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Cụ Hồ giản dị, gần gũi quân, dân như thế nên cán bộ của Cụ cũng như thế. Còn nay lãnh đạo thì chả giản dị, chả gần dân, xa vời dân 1 trời 1 vực nên cán bộ dưới cũng thế. Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa?

    Trả lờiXóa