Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

Con ngựa chiến của tôi


Khi từ chiến khu 2 lên Việt Bắc, một người bạn tặng tôi một con ngựa, lông màu hồng ánh vàng, mượt mà lắm. Vóc nó vừa phải, lưng vừa tầm vai tôi. Ngực nó nở tròn, bụng thon, chân mảnh. Trông nó đến là đẹp nhưng biết nó thuộc nòi ngựa đua nên tôi chưa dám cưỡi. Việc đi ngựa tôi vốn chưa thành thục. 



Trước đây được ông Vương Thừa Vũ huấn luyện một lần tôi đã dùng ngựa đi họp mà tới nơi chỉ còn nằm không thể nào ngồi dậy được. Toàn thân đau ê ẩm. Không dám cưỡi, cũng không dám dắt, tôi phải nhờ người đưa nó lên Việt Bắc. Tôi giao nó cho cậu bé cần vụ người Tày: “Mày luyện nó giúp tao! Nó dữ lắm, hết sức hăng máu. Tao vừa cầm lấy cương là nó cất tung bốn vó. Cứ lên lưng là nó phi hoặc dừng lại chứ không đi nước kiệu. Mày luyện cẩn thận vào nhé!”. Cậu bé rất chịu khó và thạo việc, mấy tháng sau mới báo cáo đã luyện được rồi.
Lúc đó tôi chưa nhận công tác chính thức. Gia đình tôi ở chợ Chu cách mười cây số, đi về, tôi vẫn thường dùng xe đạp hoặc đi bộ. Hôm ấy tôi tính đi ngựa cho nhanh. Cậu cần vụ giữ cẩn thận để tôi lên ngựa rồi mới trao cương. Mới cầm lấy dây cương, thế là nó bốc, nó đạp. Tôi lúng túng tuột tay. Cậu cần vụ đưa lại dây cương, bảo: “Anh cứ kiên nhẫn vuốt ve nó, tay cương nhẹ nhẹ mà lên lưng đừng để dây cương động vào mõm nó”. Cậu cần vụ lại cẩn thận giữ con ngựa để tôi trèo lên. Cậu ta vừa bỏ tay ra thì con ngựa phóng lên phi vọt. Bị xô trật khỏi yên, tôi rơi uỵch xuống, con ngựa này đặc biệt thú vì là cứ người cưỡi ngã là nó đứng lại ngay lập tức. Không phải ngựa nào cũng có nết đó. Chính ông Phạm Ngọc Mậu đã bị ngựa kéo lê đến hàng cây số, suýt mất mạng. Ông anh kết nghĩa của tôi cũng từng bị ngựa kéo lê mấy chục mét, ê ẩm cả người, về nhà phải phục thuốc mất mấy ngày. Lần thứ hai, chuẩn bị chu đáo tôi lại leo lên. Con ngựa lại lao vút, luồn qua mấy cây tre ngả ngang đường. May mà tôi nhanh mắt cúi đầu bám chặt lưng nó nên không bị thương. Cuối cùng tôi đành đánh bộ đi công tác. Trên đường về tôi bước ung dung, thảnh thơi ngắm cảnh. Ngoảnh lại thấy phía xa có đốm đen di động. Chốc lát hiện rõ một kỵ sĩ hiên ngang phi ngựa tới. Anh ta nằm dán mình vào lưng ngựa đang phi như mũi tên lao. Tôi đứng ngây ra vì nước phi khá đẹp. Đúng là con ngựa của tôi còn kỵ sĩ là Phạm Văn Khoa! Không rõ thời đó ông ta làm gì nhưng chắc chắn là chưa làm phim. Trông thấy tôi, Khoa hét tướng lên: “Ngựa hay quá”. Lần thứ hai, anh chưa dứt lời thì cả người và ngựa vút qua tôi. Bị hơi gió thốc rơi mũ, ông ấy ngoái lại nhờ: “Nhặt hộ tao cái mũ”. Bụng đầy buồn tủi, tôi cúi nhặt mũ mang về cho ông ta. Bóng dáng con ngựa phi và kỵ sĩ khảm khắc tận óc cứ như diễu cợt đùa dai cái vụng về của tôi. Ông Khoa phi thử, phi chơi chừng mười cây số rồi quay trở lại. Đưa ngựa trả cho tôi, ông ấy bảo:
- Ngựa của anh thật tuyệt vời, anh kiếm được ở đâu thế?
- Kiếm đâu! Anh em ở dưới khu III cho tớ làm kỷ niệm, đưa lên để đi đường rừng cho tiện.
- Bán lại cho tớ, tớ xin trả năm ngàn.
- Đã bảo là ngựa kỷ niệm, sao lại bán? Năm ngàn chứ mười ngàn tôi cũng không bán. Không bao giờ bán! Tôi để tôi đi. Nay chưa đi được nhưng rồi sẽ được!
Suốt thời gian tôi ở báo Vệ Quốc quân, con ngựa này luôn gắn bó với tôi trong các chuyến công tác. Nó phi bay mà lại dai sức lắm. Từ Đại Từ về đến khu vực chợ Chu có đến hơn hai mươi cây số. Mặc dù anh em khác đi xe đạp thường khởi hành sớm, mãi lâu sau tôi mới lên đường nhưng con ngựa đưa tôi vượt xa mọi người. Đạp xe hai mươi cây số đường núi, cua dốc hiểm trở quả cũng vất vả khó nhọc. Đi ngựa giúp tôi thảnh thơi, đàng hoàng hơn. Tôi cũng học được của người nuôi ngựa nhiều chỉ dẫn quan trọng:
- Con ngựa này khôn lắm, nhưng anh phải biết chịu khó săn sóc nó. Anh chú ý mấy việc này: Một là khi anh rửa mặt xong thì đem nước ấy cho nó uống. Hai là đi đâu về, áo anh đang đẫm mồ hôi, anh cởi áo trùm lên đầu nó. Để làm gì? Để cho nó quen hơi và nó biết anh là chủ. Từ chỗ quen hơi và hiểu rằng chủ mến yêu mình, anh sẽ thấy nó rất thuần với anh, còn kẻ khác thì hãy xem chừng...
Tôi kiên trì thực hiện điều chỉ dẫn đó. Quả nhiên con ngựa gắn bó với tôi, dù không như con chó nhưng nó rất mật thiết, cả nó và tôi đều cảm nhận rõ. Tôi đặc biệt hiểu nó qua đôi mắt nó nhìn. Ánh mắt nó nhìn mình thể hiện rõ nó thương mình ra sao, hoặc là nó đang buồn hay giận giữ gì đó. Khi tôi đến gần vuốt ve mơn trớn, nó để lộ nỗi vui sướng. Nó giẫm chân, ngoắt đuôi, gục đầu vào mặt tôi mà dụi như mơn trớn tôi. Những lúc tôi đi xa ít ngày, khi trở về cơ quan, còn cách xa trăm thước mà con ngựa đã nhảy cẫng lên hí rất dài. Dù vội, tôi cũng ghé lại với nó chốc lát!
Bấy giờ con ngựa tiện dụng hơn xe đạp nhiều vì đi ngựa nhanh hơn, ít mệt hơn. Chỉ phải có người chăm sóc nó, phải cho ngựa ăn trứng gà, mật ong hoặc lá mán ở trong rừng. Kiếm các thứ đó đâu có dễ. Con ngựa của tôi được nuôi nấng đầy đủ nên rất béo tốt, da bóng lông mượt mà. Đơn vị tôi có ông kế toán trưởng cận thị nặng, nhưng rất ham đi ngựa. Một hôm mượn ngựa của tôi đi chợ cách bốn, năm cây số. Như đã nói trên con ngựa này cứ người lạ cưỡi là nó phi, không thể cho nó đi nước kiệu như khi tôi cưỡi được. Và ông kế toán của chúng tôi đã được phi đi và phi trở về, hình dạng đến thảm hại: quần áo xộc xệch, kính lòng thòng trước ngực, mặt nhăn nhó đau khổ. Gặp tôi, ông ta vừa thở vừa nói: “Thôi, tôi xin cạch ngựa quý của ông! Khiếp quá, điều khiển không được!”. Nguyễn Đắc, giám đốc xưởng phim một lần mượn ngựa của tôi đi, trở về cũng bảo xin cạch không dám mượn nữa vì vừa bị nó hạ xuống đất đánh bịch! Có hôm tôi đến họp ở Văn phòng Tổng cục Chính trị. Đây là cái nhà sàn, người họp phía trên, ngựa nghẽo buộc phía dưới. Xong cuộc họp tôi xuống không thấy ngựa đâu cả. Thì ra có cậu đã lén lấy ngựa tôi đi và vừa bị quật ngã gãy hai xương sườn phải đưa đi điều trị. Hai tháng sau mới trở về và từ đó cũng cạch con ngựa...
Ngày ấy có lão Lê Đức Nhân là một trong các cố vấn binh vận của ta về người Đức, cũng mê ngựa và có ngựa. Con ngựa tay này cao to rất đẹp mã. So với ngựa của tôi nó hiên ngang hơn hẳn - thế mà ông ấy gặp ngựa tôi thì ca ngợi hết lời, tôn xưng là “như gió”. Mỗi lần hai bên gặp nhau dọc đường, ông vui vẻ cho ngựa mình né sang bên rồi đặt tay lên ngực chào: “Bông dua Như gió” mà chẳng thèm chào, thèm nhìn tôi lấy một cái. Lão bao lần gạ gẫm đổi, dĩ nhiên là không được.
Ngành tuyên huấn thời ấy do ông Trường Chinh chủ trì. Các ủy viên gồm có tôi và các ông Lê Quang Đạo, Hà Xuân Trường, Trần Lâm, Hoàng Tuấn, Lưu Văn Lợi. Các cuộc họp thường có đủ mặt các vị này để nghe ông Trường Chinh hướng dẫn tình hình sẽ diễn biến như thế nào? Nên đề cao cái gì? Chú ý cái gì? Dự đoán tư tưởng quần chúng diễn biến ra sao? Công tác tuyên huấn phải làm thế nào. Mỗi lần đi họp tôi có “Như gió” nên cứ ung dung, các bố khác thì ra đi bộ từ sớm. Ước lượng các ông ấy đã đến chỗ bãi cỏ dài độ trăm thước, tôi mới leo lên lưng ngựa phi chỉ vút một cái là đã vượt lên trước mọi người. Trần Lâm đã có lời mô tả: Độ có con ngựa hay thật! Mới nghe tiếng vó lộp bộp, lộp bộp từ xa xa đã thấy đánh ào qua như làn gió và nó biến mất ở phía trước. Lúc bấy giờ các ông Văn Tiến Dũng, Phan Phúc Tường, Lê Tất Đắc, Lưu Văn Lợi... đều có ngựa.
Một dịp Tết, chúng tôi kéo nhau đi mừng Xuân, chúc Tết Cục trưởng Văn Tiến Dũng, mỗi người một con ngựa. Con ngựa của ông Phan Phúc Tường dữ ghê gớm, chỉ tội dữ cắn, dữ đá chứ không dữ chạy. Ông ấy dừng lại ở đâu phải cột ngựa bằng hai xích sắt. Thế mà hễ đánh hơi có ngựa cái là nó giựt đứt cả xích. Lúc đến thì lẻ tẻ từng ông nên không xảy ra chuyện gì. Ngựa tôi là ngựa cái nên tôi phải phòng xa. Khi ra về, Phan Phúc Tường cũng cao giọng cảnh cáo: “Coi chừng ngựa tao! Nó chạy thì xoàng, nhưng đuổi gái thì ghê đấy!”. Tôi vội vã phóc lên phi trước. Thế mà con kia lao lên đuổi. Tôi nghĩ làm sao nó có tốc độ như ngựa của mình được. Chỉ chốc lát thì bị bỏ rơi thôi. Ôi chao nó đuổi! Trước nay, chẳng có ngựa đực nào đuổi kịp con cái của tôi được. Nhưng ngựa Phan Phúc Tường cứ si mê đuổi. Và nó đuổi kịp! Nó bám sát đuôi ngựa tôi rồi cứ chồm chồm tính nhảy lên sau lưng tôi. Phi thì nó phi theo. Đi chậm lại thì nó chồm lên lưng. Bí quá! Tôi đành xuống ngựa tìm mãi mới có được cành tre dài bốn năm thước xua phía sau ngựa, vất vả nhiều lắm mới về tới nhà. Còn Phan Phúc Tường thì bị ngựa hất ngã khi nó chồm lên ngựa tôi.
Con ngựa đực của ông Văn Tiến Dũng thì chết vì nhảy ngựa cái. Trong một ngày nó nhảy đến mười bốn lần và lăn ra chết. Ông Văn Tiến Dũng đang làm việc thấy cậu cần vụ vào thưa:
- Báo cáo đồng chí...
- Báo cáo gì?
- Con ngựa của đồng chí hy sinh rồi ạ.
- Hy sinh vì sao?
- Báo cáo đồng chí, hy sinh vì ái tình!
Lại một lần, tôi một mình dùng ngựa đi. Giữa đường gặp một ông đang ngồi nghỉ. Con ngựa đực của ông ta buộc gần đó. Đánh hơi ngựa của tôi, nó giựt đứt giây cương đuổi theo, bám riết. Đường vắng vẻ chẳng biết nhờ ai cản giúp, mà cứ nhủng nhẳng thì chẳng làm sao đi được, Tôi cố nghĩ cho ra cách cắt cái đuôi nó. Một ý nghĩ tinh nghịch thoảng qua. Tôi xuống ngựa buộc nó vào gốc cây bên đường và bảo: “Thôi cho nó làm cho xong đi rồi mà đi!”. Thế mà xong được đấy!
Có những cuộc họp ở Bộ Tổng tư lệnh đến khuya. Mọi người đều ngủ lại, còn tôi thì cứ ra về. Vài chục cây số đường rừng, tôi leo lên lưng ngựa bảo nó về. Tôi chỉ việc ôm cổ nó mà gà gật, mà tránh các cành cây ngang đường là được. Con ngựa khắc về tới nhà. Tôi cũng thích nói chuyện với nó, buông lời nói khích lệ, khen ngợi và bằng những cái vuốt ve mơn trớn. Nó có vẻ lắng nghe và như hiểu được lòng chủ. Nó cứ lững thững bước, đến đúng cửa chuồng ngựa thì dừng lại. Ít lâu sau nó đẻ một con ngựa con, cũng nhỏ con và tưng tưng như con mẹ. Thế là từ đó tôi có ngoài ngựa cưỡi, còn lẽo đẽo một chú ngựa con phía sau.
Con ngựa gắn bó với tôi đến mức như tôi có thể điều khiển nó bằng ý nghĩ. Nó như đoán được ý muốn của tôi qua một động thái dây cương nhẹ nhàng. Đang phi ào ào, tôi muốn chuyển sang đi thong thả, chỉ cần nhổm đít lên là nó biết ý chuyển sang đi nước kiệu. Còn đang nước kiệu, tôi quặp chặt hai ống chân vào bụng nó là nó phi ngay. Cũng có lần tôi bị ngã, ngã khá đau. Đó là hôm nó đang phi thì trời đổ mưa nặng hạt. Đường trơn, nó đưa cả bốn chân lên tảng đá nên trượt. Cả bốn chân nó chựng lại và tôi bị hất lộn ngược qua đầu nó. Tôi cũng đã bị ngã xe đạp. Ngã xe đạp thì ta biết khi mất đà, còn ngã ngựa thì chỉ khi đã nằm bò trên đất mới hay bị ngã rồi. Lần ngã này khá đau vì lưng tôi lúc đó đeo ba lô, bị ba lô xiết vào xây xát cả lưng.
Sau này tôi ra đơn vị 209, tôi vẫn còn mang con ngựa theo... Đến lần tôi sang Trung Quốc luyện quân mấy tháng trở về, lòng khấp khởi mừng gặp lại ngựa quý. Nhưng được biết là nó đã chết vì những lý do nghe lơ mơ lắm. Điều chắc chắn là sự chăm sóc nuôi nấng nó, ân cần với nó không được như tôi lúc ở nhà, như anh cần vụ vừa nắm vững kỹ thuật vừa rất có trách nhiệm. Nó chết tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn mấy lâu. Về sau tôi còn đi nhiều ngựa khác nhưng không có con nào được như ngựa của tôi. Sang Lào tôi cũng đã chú ý chọn con ngựa hay. Ngựa Lào đặc biệt có nước kiệu đặc biệt, gọi là kiệu Lào, khác với nước kiệu kiểu người Pháp đi. Đi kiệu Tây biết nhún theo thì không sao, không biết nhún thì đau lưng lắm. Kiệu Lào thì không phải nhún không phải nó chạy mà chỉ là bước gấp băng băng và đi từ ngày này qua ngày khác với tốc độ trung bình 7 km/giờ. Ngựa Lào thật dai sức!
Trở lại con ngựa quý của tôi. Dùng nó thì khó đi ngựa đàn. Nó không chịu đi sau con nào cả. Một chuyến tôi đi công tác cùng đoàn của anh Văn, ngựa của anh ấy cũng loại cực kỳ hay. Tôi lùi xuống đi phía sau, anh em không rõ cứ trách tôi sao không nhập đoàn cho vui. Song nếu tôi thúc lên thì không có cách kìm giữ con ngựa tôi cả. Nó cứ bước lên đi trước mọi con khác. Như thế sao tiện với anh Văn.
Đấy con ngựa của tôi lưu lại cho tôi những kỷ niệm như vậy. Tôi cũng không hiểu những điều đó nó thừa hưởng từ nòi giống nó hay là do cậu chăn nuôi đã luyện cho nó. Bây giờ tôi vẫn thương tiếc nó.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Đọc qua bài này, mình ước gì có con ngựa hay mà huấn luyện nó ngay từ đầu!

    Trả lờiXóa