Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Vấn đề xây dựng nhà văn hoá ở huyện và xã


Gần đây, có thể nói ta có một phong trào xây dựng nhà văn hoá sôi nổi, nhất là ở huyện và xã. Đó là một hiện tượng đáng phấn khởi. Nhưng trong phong trào này có những quan niệm chưa hoàn toàn đúng đắn, cần phải nêu lên để bàn bạc.

1. Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, mọi việc xây dựng đều phải tiến hành từng bước hợp lý, phù hợp với tình hình cụ thể từng vùng, từng địa phương. Nhà văn hoá là một công trình tổ hợp có nhiều chức năng văn hoá, nên có nhiều phương thức xây dựng khác nhau:
a) Có thể nhà văn hoá (có nơi gọi là khu văn hoá, cụm văn hoá) bao gồm một tổ hợp nhiều công trình tách rời nhau nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau trong một khu vực như:
- Một công trình để tổ chức các cuộc hội họp lớn, mít-tinh xem biểu diễn văn nghệ, xem chiếu phim,
- Một công trình bảo tàng, hoạt động giáo dục truyền thống,
- Một công trình để làm thư viện và các sinh hoạt câu lạc bộ nâng cao kiến thức,
- Một công trình để tổ chức các cuộc triển lãm, thông tin,
- Một công trình để tiến hành các việc huấn luyện nghiệp vụ văn nghệ, dạy các nghề thủ công mỹ thuật, các lớp năng khiếu nghệ thuật,
- Một công trình để hoạt động dịch vụ, sửa chữa, giải khát, ăn uống đặc sản, vui chơi.
Đại khái có 5, 6 công trình bộ phận như vậy.
b) Cũng có thể tất cả 5 hay 6 mặt hoạt động trên đều được bố trí trong một công trình lớn: Một nhà văn hoá với quy mô kiến trúc đủ độ phân phối các diện tích cho các mặt hoạt động, một cách hợp lý và thuận lợi; nghĩa là, các hoạt động khác nhau đó được tiến hành đồng thời mà không gây trở ngại cho nhau.
c) Sẽ tiết kiệm bằng cách mau chóng đưa vào sử dụng từng phần, nhiều nơi chia bước xây dựng: bước một xây dựng “khu biểu diễn”, bước hai mới xây các khu nghiệp vụ và hoạt động và dịch vụ văn hoá khác.
* * *
2. Từ phương hướng trên, thực tế đã diễn ra các tình hình sau đây:
a) Xây dựng được xong khu vực biểu diễn, nhà văn hoá đi vào hoạt động, chủ yếu là các hoạt động biểu diễn và chiếu phim và chỉ có thế mà thôi. Các khu vực nghiệp vụ, huấn luyện không xây tiếp được. Nhà văn hoá xuất hiện như một rạp hát hay rạp chiếu bóng.
b) Từ đó cũng hình thành một quan niệm nhà văn hoá chỉ là để biểu diễn và chiếu bóng, nên những người chủ trương xây dựng nhà văn hoá đều có xu hướng muốn xây dựng với quy mô lớn nhiều chỗ ngồi xem. Các nhà văn hoá huyện đều muốn có từ 800 đến 1000 chỗ. Người muốn xây dựng quy mô lớn như vậy đều có những lý lẽ sau đây:
- Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân rất lớn, nhà văn hoá cần chứa nhiều người để đáp ứng nhu cầu đó,
- Mỗi khi có phim hay, hay đoàn nghệ thuật có tiết mục hay về thì lượng người đến xem tràn ngập cả, rất khó xử trí. Và về phía đoàn nghệ thuật, các đồng chí phụ trách đoàn thấy diễn một buổi mà số vé bán không bảo đảm doanh thu để bù chi phí cho buổi biểu diễn và cho những ngày không biểu diễn thì không chịu diễn. Địa phương bị thiệt thòi. Trong khi giá vé không thể tăng quá quy định.
Một ví dụ : một đoàn về diễn, nếu chỗ diễn có 800 chỗ ngồi, trừ đi 100 chỗ để mời, còn 700 vé, bán bình quân 20 đồng một vé thì được có 14.000 đồng. Mà yêu cầu của đoàn một buổi phải được từ 30.000 đến 50.000 đồng. Trong thực tế có lúc đoàn đã biểu diễn có buổi thu hơn 100.000 đồng. Cách tính đó đầy thuyết phục làm cho các người chủ trương xây dựng nhà văn hoá  địa phương mình muốn chỗ biểu diễn phải có thật nhiều ghế.
* * *
3. Như vậy, những người có xu hướng trên rơi vào một quan niệm sai lệch về chức năng nhà văn hoá, chỉ quan niệm nhà văn hoá như một rạp hát hoặc một rạp chiếu bóng.
a) Thực ra, cho dù là ở huyện có một rạp hát, thử hỏi một năm được mấy lần có phim hay và tiết mục hay để thu hút khán giả “tràn ngập”. Cứ cho rằng mỗi năm có độ 300 tối diễn thì có thể chỉ độ từ 30 đến 50 tối có khán giả “tràn ngập” còn hơn 200 buổi chắc chắn là thế nào cũng thừa ghế. Số ghế thừa hàng mấy chục hoặc hàng trăm trong mấy trăm buổi như vậy há chẳng lãng phí hay sao? Người ta chỉ nghĩ đến chỗ tiếc rẻ không bán thêm được mấy vé để thu thêm tiền mà không nghĩ đến hàng trăm ghế bỏ trống trong hàng mấy trăm buổi: Tiếc cái này mà không xót cái kia.
b) Nhà văn hoá có hoạt động biểu diễn văn nghệ và chiếu phim, nâng cao kiến thức và các hoạt động chính trị - xã hội khác như các cuộc mít-tinh kỷ niệm, các đại hội Đảng và đoàn thể, các buổi diễn giảng khoa học, văn học nghệ thuật, thời sự, chính sách, v.v…
Phải làm cho nhà văn hoá là nơi nâng cao giác ngộ, nâng cao kiến thức và nâng cao tình cảm. Vì vậy những hoạt động diễn giảng phải được đặc biệt chú trọng. Nhà văn hoá phải là nơi tập hợp những nhà chính trị, những nhà tư tưởng, những nhà khoa học. Các đồng chí lãnh đạo cũng cần thường xuyên tiếp xúc với cán bộ và nhân dân ở đây.
Những cuộc sinh hoạt này đối với một huyện có từ 15 đến 20 vạn dân thì từ 500 đến 600 đại biểu hoặc người nghe là vừa hợp, đối với xã cũng từ 300 đến 400 người họp và nghe là vừa hợp.
Có thể là, nếu ở một nơi nào đó đã có rạp hát và rạp chiếu bóng rồi thì nhà văn hoá có thể xây dựng không có khu biểu diễn mà chỉ có một phòng với quy mô nhỏ, đủ cho các cuộc họp trang trọng thôi. Cho nên nếu người chủ trương xây dựng nhà văn hoá thấy rõ tính chất hoạt động thường xuyên của nhà văn hoá thì sẽ thấy rõ được quy mô thích hợp.
Có người hay tỵ rằng: Tại sao Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh có thể xây một nhà hát 2500 chỗ ngồi. Trước hết phải nói rằng đó là Quận 10 xây rạp hát, chứ không phải nhà văn hoá. Rạp hát này nằm trong tổ hợp văn hoá của Quận. Còn quy mô rạp hát như vậy có thích hợp đối với một quận chưa, có thể chờ thời gian sẽ giải đáp.
4. Tóm lại, muốn chủ trương xây dựng nhà văn hoá huyện và xã, các đồng chí ở huyện và xã cần nhận thức thật đầy đủ và quan niệm thật chính xác về chức năng, tính chất và nhiệm vụ của nhà văn hoá, để hình dung và chỉ đạo các hoạt động của nó. Nhà văn hoá không phải là rạp hát, không phải là rạp chiếu bóng. Nhà văn hoá là nơi để tiến hành hoạt động chính trị, văn hoá và khoa học, để bồi dưỡng tư tưởng, trình độ giác ngộ, kiến thức và tình cảm cho nhân dân, nhằm phát triển toàn diện con người. Quy mô và cấu trúc của nhà văn hoá phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ và các loại hoạt động của nhà văn hoá, đặc biệt chú ý các đại hội, các hội nghị, các buổi diễn giảng. Hoạt động văn nghệ và chiếu phim chỉ là một bộ phận hoạt động của khu vực biểu diễn của nhà văn hoá mà thôi.
Ngoài ra còn có các hoạt động trưng bày bảo tàng, triển lãm, thông tin tổ chức, các lớp huấn luyện, tập huấn, lễ hội, kỷ niệm, v.v…
Chính vì nhà văn hoá có những nhiệm vụ phong phú và nặng nề như vậy, cho nên nó được coi là thiết chế trung tâm trong các thiết chế văn hoá của một địa phương hoặc một cơ sở dân cư.
Có quan niệm như vậy mới có ý thức rõ rệt trong việc chỉ đạo hoạt động, xây dựng bộ máy hoạt động và xác định chương trình hàng năm, hàng tháng của nhà văn hoá. Xây dựng nhà văn hoá với quy mô hợp lý, ta có thể tập trung đầu tư xây dựng nó với chất lượng cao, thật mỹ thuật, thật trang trọng làm cho các hoạt động đều được bảo đảm chất lượng tốt, có trình độ văn hoá cao, tạo bộ mặt văn hoá đáng tự hào cho địa phương. Làm như thế tốt hơn là đua nhau xây dựng thật to, thật rộng, thật nhiều ghế mà chất lượng không bảo đảm, hoạt động thưa thớt, buồn tẻ, mỗi năm chỉ được mấy lần “tấp nập”.
Mong rằng những ý kiến trên góp phần cho các đồng chí ở huyện, xã suy nghĩ kỹ thêm về các vấn đề chức năng, nhiệm vụ của nhà văn hoá để xây dựng nó được hợp lý, có hiệu quả cao hơn.

                                                                                     2 – 1985

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét