Nhà báo Xuân Ba
Đôi điều về tác giả Xuân Hồng, cộng tác viên của báo Tiền Phong, cũng chính là Trung tướng Trần Độ, nhà văn Trần Độ.
Đôi điều về tác giả Xuân Hồng, cộng tác viên của báo Tiền Phong, cũng chính là Trung tướng Trần Độ, nhà văn Trần Độ.
Tôi không quen ông, lại chưa bao giờ giáp mặt ông cả.
Vốn hậu sinh, tôi chỉ biết ông nhiều năm là cộng tác viên của báo Tiền Phong.
Sau một loạt bài đăng trên Tiền Phong, chủ đề bàn về lý tưởng thanh niên và sống
đẹp, với bút danh Xuân Hồng, nhiều bạn đọc đã gửi thư về báo Tiền Phong hoan
nghênh loạt bài viết ấy và hỏi thêm: Xuân Hồng có phải là Trung tướng Trần Độ
không? Lúc ấy có nhiều lý do chưa tiện công bố công khai trước bạn đọc, Tiền
Phong đành “lờ” không trả lời cụ thể mà chỉ nói đó là một cộng tác viên lâu năm
và thân thiết của Toà soạn.
Cho tới một bữa gần đây, người phụ trách cơ quan đưa
cho tôi cái giấy mời họp có ký tên: Trần Độ. Phía trên chữ ký là chức danh của
người ký giấy: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc Hội. Cái nghề báo,
hàng ngày tiếp xúc với các loại, các kiểu giấy mời là sự thường nhưng coi kỹ tôi
cho đây là một cái giấy mời hơi lạ: Thông qua thuyết trình của Ủy ban Văn hoá
và Giáo dục tại kỳ họp thứ X Quốc hội khoá VIII. Nội dung tất nhiên là bình thường
nhưng lạ là phần ghi chú: Nếu đồng chí thấy nội dung trên cần quan tâm thì mời
tới dự! Có nghĩa là người chủ trì không cho công việc này là bắt buộc mà có
nghĩa là đến cũng được mà không cũng chẳng sao!
Tôi đến dự kèm theo một tẹo sự tò mò. Không như tôi
nghĩ, nội dung của buổi họp đó khá hấp dẫn. Tôi không phải tường trình ở đây.
Khi người ta giới thiệu ông, người chủ trì cuộc họp hôm nay của Ủy ban Văn hoá
Giáo dục, quả thực tôi hơi ngạc nhiên Trung tướng Trần Độ, đã bao lần tôi nghe
cái danh ấy nhưng bây giờ gặp trông ông chả có tướng, có chất “militari” (nhà
binh) tí nào. Ông có chất giọng rủ rỉ vừa nghe mà cũng khúc chiết và lọt tai lắm.
Các thành viên Ủy ban những ông Huy Cận, nhạc sĩ Huy Du,… đều chăm chú nghe ông,
chắc chắn không phải là lịch sự. Tiện có cuốn “Danh sách đại biểu Quốc hội khoá
VIII” để trên bàn của Ban chúng tôi lật giở tìm vần “Đ”. Đây rồi, ảnh ông không
giống lắm như hiện nay. Trên tấm ảnh là mấy dòng: Trần Độ (Tạ Ngọc Phách) sinh
năm 1922. Quê quán: Tiền Hải, Thái Bình (cuốn sách in năm 1987 nên ghi chức
danh lúc đó của ông là Trung ương uỷ viên, Trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương,
Phó Chủ tịch Quốc hội). Bây giờ ông chỉ giữ chức cuối.
Bằng một giọng rủ rỉ trầm ấm ông trình bày thuyết trình
của mình trước các thành viên uỷ ban (sau này những lời nói đó đã được ông công
bố trên diễn đàn của kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá VIII). Tôi dám chắc ai đó, phàm
đã có tí viết lách, có tâm khi nghe những lời ấy đều nhận xét quan điểm của người
đứng đầu uỷ ban là sòng phẳng và nhân hậu. Riêng tôi, đến giờ giải lao vẫn chưa
lắng nghe hết sự xúc động. Thấy ông đứng một mình ở hành lang, tôi đến bên và tự
giới thiệu. Hoá ra làm quen với ông không khó. Ông có một cái gì đó tự tin khiến
người bên cạnh thêm cởi mở chứ không phải xa lánh đề phòng hoặc dè chừng. “À, tên
Trần Độ ấy ư – ông cười hiền lành châm một điếu thuốc khác (ông hút thuốc mới
khiếp chứ, luôn miệng) – tên cha mẹ đặt cho mình là Phách, là Tạ Ngọc Phách. Chả
là hồi cướp chính quyền ở Hà Nội, mật danh của mình là Độ. Có một cuộc họp, khi
vào người soát giấy nói “Đồng chí là Độ hả. Tên hay đấy, thôi lấy luôn họ Trần đi.
Tất nhiên là Trần Độ thôi chứ không phải Trần Thủ Độ đâu nhé”. Mình cũng thấy
hay hay và có tên ấy từ hồi đó…”.
…Tôi tìm đến nhà ông lý do không phải được mời. Các
thành viên Ủy ban đều đề địa chỉ nhà riêng, số điện thoại (nếu có). Biết tôi đến,
một đồng chí phụ trách cơ quan vì bận không tới được đã nhờ tôi chuyển lời hỏi
thăm và chúc sức khoẻ nhân dịp ông năm 1992 này lên lão bảy mươi. Nhà ông ở cuối
đường Trần Hưng Đạo tính từ phía số lẻ gần ga Hàng Cỏ. Người ra mở cửa cho tôi
là ông. “Cậu đấy hả”. Có mỗi lần gặp ngắn ngủi thế mà ông vẫn nhận ra tôi, lại
cả nhớ tên nữa… Ông mời tôi vào nhà. Cố “căng” sự xét đoán thăm dò nhưng tôi
thấy ông tự nhiên, cởi mở không có tý gì cái vẻ khó chịu lạnh nhạt thường gặp ở
những người phải tiếp loại khách không mời mà tới… Bộ pijama và ánh đèn nê-ông
làm chủ nhà càng thêm mảnh dẻ xanh xao, càng không có những nét quắc thước thường
thấy ở các vị tướng.
…Tướng quân mời tôi ngồi. Căn phòng rộng vừa phải, không
có xa-lông. Bàn uống nước của ông bé tý gồm hai mảnh ván ghép lại trên để một tấm
kính. Tôi ngờ vực nhìn những chồng sách xếp tầng tầng lớp lớp từ bàn trà lan ra
giữa nhà, tràn lên cả hộc tường. Báo, tạp chí tiếng ta, tây cũng xếp từng lớp đầy
đặn như thế. Đã hết đâu, thử ngó vào buồng trong chỗ kê chiếc gường đôi. Lại cũng
sách! Ba chiếc giá đóng kiểu thường thấy ở thư viện vây quanh gường đậu đầy sách.
Tấm ri-đô ngăn cách giữa phòng khách và buồng vốn là tấm “tăng” hồi chiến sĩ ta
đi B, anh nào cũng có. Bên cạnh tấm tăng là chiếc võng ni-lông màu Tô Châu, kế
bên có ngọn đèn rủ xuống nằm võng mà đọc thì tiện phải biết. Tôi nói mình ngờ vực
khi nhìn khối lượng sách đáng kể trong nhà ông cũng có lý do đấy. Đến tư gia một
số quan chức trong thành phố, tôi thấy không ít nhà bày rất nhiều sách. Lắm lúc
thích lên ngứa mồm hỏi các “cụ” đã đọc cuốn nọ cuốn khác đang có trên giá kia
chưa thì chỉ nhận được sự cười trừ. “Thời gian đâu mà đọc”. Có điều dễ nhận ra
số sách báo tạp chí ở nhà ông nói hơi lộn xộn kém ngăn nắp so với một số nhà tôi
đã đến. Cái lộn xộn thường thường thấy ở sự làm việc.
Xuân 1984 trong căn phòng của Ông. |
Chiếc kim ngắn của đồng hồ tường cứ nhích dần, nhích dần.
Tôi quên cả thói quen của mình là hay liếc đồng hồ… Chúng tôi đang bén chuyện
thì có tiếng gõ cửa. Cái dáng lòng khòng của nhà viết kịch Tào Mạt xuất hiện.
Hai người trao đổi với nhau chuyện chi đó có vẻ tâm đắc lắm. Tôi lảng về phía góc
phòng thơ thẩn ngắm nhìn tấm Huân chương Quân công hạng Nhất của Nhà nước tặng
trung tướng Trần Độ và la liệt những cuống huân huy chương khác bày ở cạnh giá
sách. Tôi cứ lấy làm lạ cơn cớ chi, con đường nào đưa anh thanh niên Tạ Ngọc Phách
đỗ bằng thành chung có dáng dấp thư sinh từ bé mê say văn học trở thành… ông tướng.
Hồi còn học thành chung, ông đã đóng ba cuốn sổ bằng giấy “pơluya” dày chép kín
những là thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ,… Ông ngốn ngấu các tác phẩm
của Emin Zola, Balzac, Erenbua, Tôn-xtôi,… bằng tiếng Pháp (ngoài tiếng Pháp, ông
còn đọc sách tài liệu bằng tiếng Nga, Trung Quốc). Ông tâm sự sở dĩ ông đến được
với cách mạng, dễ gần với cách mạng là do đọc… nhiều sách… Theo ông, người cách
mạng, người cộng sản, trước hết phải là người tốt.
…Nhà viết kịch Tào Mạt vội vã đi cũng như vội vã đến.
Ông nắm tay khách ân cần tiễn ra cổng. Lát sau quay vào giọng ông hồ hởi “Mình
tưởng bệnh ung thư sẽ cướp đi của nước Nam một nghệ sĩ nữa, nhưng may thay Tào Mạt vẫn khoẻ mạnh.
Hình như chẩn đoán sai thì phải…” Người ta nói và ông cũng tự nhận mình là người
đa cảm? “Có lợi hay có hại cho nghiệp binh?”. Ông cười “Chả có gì là mâu thuẫn
cả. Con người ta tiếp xúc với văn học thì được sống nhiều cuộc đời. Là người lính,
là ông tướng, chính khách hay là gì gì đi nữa nhưng người nghèo nàn về tâm hồn
quả là một sự thiệt thòi nếu không muốn nói đó là thảm hoạ…”. Cái nghiệp văn cứ
đeo đẳng và bám riết ông gần như cả đời. Khi là phó chính uỷ khu II, ông phụ trách
phòng tuyên truyền Việt Bắc, ông được cử phụ trách tờ báo Vệ Quốc Quân. Ông còn
nhớ chỉ non một năm, ngoài công việc chính, ông đã tham gia viết hơn trăm bài báo,
viết cả thơ, truyện ngắn, kịch… Lại vẫn dành thời gian đọc tiểu thuyết tây tàu… Chuyện ông kể khó tin nhưng là sự thực: ông chả qua chức
binh nhất, binh nhì hoặc cấp uý nào cả mà sau khi thôi công việc chính uỷ liên
khu, ông được phong thẳng lên đại tá năm 1947, rồi năm 1958, lúc ông 35 tuổi
“khắc” thành tướng, thiếu tướng. Hàm tướng khi đó chỉ trên dưới chục người. Năm
1964 ông đi chiến trường B vừa đốc trận vừa đảm trách công việc của Phó Chính uỷ
Quân giải phóng miền Nam. Ông nói vui: “Cuộc đời mình có thể nói chia làm ba
giai đoạn: 10 năm đánh Pháp, 10 năm xây dựng quân đội trong hoà bình và 10 năm
ở chiến trường chống Mỹ. Những năm tháng ấy mình thấy có ý nghĩa nhất”. “Thế còn
sau này…”. Tôi rụt rè hỏi… Ông cười không trả lời mà lui cui pha ấm trà mới.
“Tớ không có con gái nhưng bù lại có bốn cô con dâu, mình quý chúng nó lắm. Nhân
buổi gặp mặt gia đình, “một chị chàng” lựa lúc vui vẻ nói với mình thế này “Bố ạ,
con rất quý và nể trọng bố nhưng cũng phải nói thẳng ra rằng bố không làm lãnh đạo
được đâu…”. Mình cười, khuyến khích “Con cứ nói hết ý mình đi”. “Con nói thế vì
bố đa cảm quá, bất kỳ ai bố cũng cởi mở, bộc trực, tính cách không hợp với người
lãnh đạo, nhất là làm chính trị…” Hừm, lúc đó mình giận nó quá nhưng không nói
gì chỉ “faire silence” (im lặng) thôi. Nhưng hơn 10 năm qua, ngẫm lại nó nói có
phần đúng đấy chứ. Mình nhiều lúc ngây thơ thật cậu ạ. Ở đời theo mình cái khó
nhất là biết nghe. Mình học mãi đấy mà vẫn có lúc sượng! Tớ kể câu chuyện này… Hồi còn là Trưởng Ban Văn hoá văn nghệ Trung ương, có một nơi mời mình đến nói
chuyện. Sau phần nói chuyện là chương trình đọc thơ của các tác giả chuyên nghiệp
và không chuyên. “Mình được nói bao nhiêu phút đây?” Cậu trưởng ban tổ chức cười
“Thưa anh, anh muốn nói bao nhiêu cũng được ạ…”. Mình bước lên diễn đàn đầy cảm
hứng thao thao liền một mạch. Nhưng sao thế kia? Vừa nói mình vừa liếc xuống
thấy thính giả mặc dù ra vẻ chăm chú nhưng có vẻ thờ ơ, người thì quay đi hướng
khác, người thì thầm nói chuyện với người ngồi cạnh. Mình chột dạ nhìn đồng hồ: chưa đến mười phút mà… Thử chuyển đề tài xem sao, 5 phút nữa trôi qua. Tình
hình phía dưới vẫn không được cải thiện, có người còn kín đáo lấy tay che miệng
ngáp. Mình quyết định nói thêm 5 phút nữa nếu không “xoay chuyển” được tình thế
thì sẽ kết thúc. Năm phút liền sau đó “cục diện” chẳng khá hơn. Thế là mình quyết
định kết thúc. Bất ngờ một tràng pháo tay ran lên kéo dài tưởng vỡ hội trường.
Mình bước xuống diễn đàn, cậu trưởng ban tổ chức bắt tay mình “Thưa anh, anh nói
hay lắm”. Mình biết tỏng chú chàng nịnh nhưng chẳng nói gì. Liền sau đó là diễn
giả giới thiệu các nghệ sĩ lên đọc thơ. Cậu biết không, những tràng pháo tay
vang lên tuy không dài như trước nhưng nhìn kỹ ánh mắt háo hức say mê biểu hiện
lòng nhiệt thành của các khán giả đối với các nhà thơ và nghệ sĩ, mình hiểu
ngay rằng trước đó người ta vỗ tay “khen” mình biết sớm kết thúc. Người ta đến đây
là nghe thơ chứ không phải nghe mình nói chuyện về một đề tài mà họ chẳng mấy
quan tâm… Này nếu chẳng hạn cậu mà ngáp một cái thì câu chuyện giữa chúng mình
sẽ kết thúc ở đây. Nhưng mà thôi, mười một giờ rưỡi đêm rồi. Hẹn khi khác nhé…”.
Ông khoác thêm cái áo ngoài và đưa tôi ra tận cổng. “Lúc
nào rảnh lại chơi”. Tôi giữ tay ông lâu hơn một chút. Bàn tay ông lão bảy mươi
mềm mà ấm…
31-12-1991
(Báo Tiền Phong, tháng 1.1992)(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
Bài viết hay, giản dị, đúng chất cụ Độ.
Trả lờiXóa