(Bài phát biểu tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ
III – tháng 11-1962)
Thưa các đồng chí!
Tôi xin tự giới thiệu tôi là chính uỷ một quân khu tức
là phụ trách một đơn vị có cả lực lượng thường trực và lực lượng hậu bị. Tôi
xin thay mặt tất cả các cán bộ và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thường trực
cũng như hậu bị trong đơn vị của chúng tôi nhiệt liệt chào mừng Đại hội và cảm ơn
Đại hội đã quan tâm đến quân đội, một đối tượng của văn nghệ và cũng là một nhân
vật của văn nghệ.
Tôi có nhiệm vụ giới thiệu với Đại hội một vài nét về đời
sống của bộ đội hiện nay. Những nét khái quát nhất thì đồng chí Lê Quang Đạo đã
nói rất rõ, tôi chỉ xin kể chuyện.
Trước hết tôi xin nói lên một tình hình chung. Miền Bắc
nước ta ngoài sinh hoạt kinh tế văn hoá còn có cả mặt sinh hoạt quân sự. Đó là
nhiệm vụ củng cố quốc phòng và xây dựng quân đội của toàn dân. Việc thi hành
nghĩa vụ quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang thường trực, hậu bị đã trở thành
mặt sinh hoạt chung của toàn thể xã hội. Ở nông thôn có dân quân một, dân quân
hai, dân quân nam, dân quân nữ thu hút hầu hết thanh niên và những người khoẻ mạnh
tích cực, đồng thời còn có các lão dân quân, các hội bảo trợ dân quân và các
gia đình Ba Nhất. Những người dân quân đồng thời lại là thanh niên lao động, là
kiện tướng làm phân, là trai Đại Phong. Ở cơ quan, xí nghiệp và trường học thì
có tự vệ, sĩ quan và binh sĩ dự bị và có các chế độ học quân sự. Hàng năm có mùa
tuyển quân, các thanh niên nô nức đi làm nghĩa vụ quân sự. Cho nên theo ý kiến
tôi nếu phản ánh cuộc sống mới mà không thấy những nét ấy trong đời sống thì chưa
thật đầy đủ.
Riêng trong quân đội thường trực, tình hình bây giờ cũng
có nhiều điểm đổi mới. Hiện nay, quân đội thường trực hình thành hai lớp người
rõ rệt : một là sĩ quan, những người chuyên nghiệp trong công tác quân sự, hai
là binh sĩ và những người luân lưu nhau làm nghĩa vụ trong từng thời gian. Hai
lớp người này thường có những nét khác biệt nhau.
Trên cơ sở phát huy bản chất của quân đội nhân dân, các
mặt quan hệ nội bộ của quân đội cũng biến đổi và các mặt quan hệ quân dân cũng
có những nét mới. Bây giờ giữa cán bộ và chiến sĩ, ngoài quan hệ chỉ huy và bị
chỉ huy còn có quan hệ giữa đảng viên và người ngoài Đảng, giữa lớn tuổi và
thanh niên (có khi giữa cha và con, giữa chú và cháu), giữa cựu binh và tân
binh, giữa thày và trò (bởi vì trong quân đội hiện nay cái sinh hoạt chủ yếu là
huấn luyện). Quan hệ quân dân cũng có những nét khác, ngày xưa quân đội tình
nguyện của chúng ta thì mọi người đều thoát ly hẳn cơ sở sản xuất, cho nên những
quan hệ cá nhân cũng bị hạn chế vì hoàn cảnh chiến tranh và có những quan hệ
chung nhiều hơn. Ngày nay một binh sĩ trước và sau thời gian ở nghĩa vụ vẫn là
nông dân, công nhân, học sinh viên chức, mà trong thời gian ở bộ đội vẫn có nhiều
ràng buộc với nghề nghiệp, với những người thân thích. Mọi cán bộ đều có gia đình,
con cái họ hàng và nếu gia đình ở gần thì vừa làm sĩ quan, vừa phải làm cha, làm
chồng trong những giờ phút không làm sĩ quan. Có những quan hệ chung nhưng cũng
có nhiều quan hệ riêng mật thiết khác nhau.
Quân đội hiện nay đang tiến lên chính quy hiện đại. Đây
là cuộc đấu tranh rất gian khổ để nắm vững khoa học kỹ thuật, một cuộc đấu
tranh để thực hiện được kỷ luật chính quy và tác phong chính quy, một cuộc đấu
tranh giữa cái mới và cái cũ, rất nhiều vấn đề phải đặt ra để giải quyết. Phong
trào thi đua “Ba nhất” ở quân đội chính cũng xuất hiện ở trong cuộc đấu tranh đó.
Phong trào “Ba nhất” kế tục những phong trào tiến nhanh vượt mức kế hoạch và các
phong trào khác trước nó. Ba nhất là ba yêu cầu về mọi mặt của quân đội, tức là
giỏi nhất, đều nhất và nhiều nhất, phải biểu hiện chí khí của thanh niên và
tinh thần quyết thắng của quân đội. Trước đây nhiều người lầm tưởng Ba Nhất là
ba cái nhất nên cứ cố tìm cho đủ ba cái nhất để thi đua. Nhưng ba nhất của bộ đội
yêu cầu ba mặt giỏi, đều và nhiều đều phải nhất. Trong phong trào thi đua Ba Nhất,
thanh niên trong quân đội luôn luôn có những khẩu hiệu rất hăng hái như “căng
buồm rẽ sóng ra khơi”, “trăm người như một cùng bơi cùng chèo” hoặc “lửa thử vàng,
gian nan thử sức, thử xem ai vượt mức chỉ tiêu”, có những khẩu hiệu rất quân sự
như “Vùi kém xuống đất, vất khá sang bên, vươn lên giật loại giỏi” hoặc “Quyết
thắng nắng hè, quyết đè mưa gió, quyết vượt gian khó, vươn lên hàng đầu”, …
Chung quanh phong trào Ba Nhất còn có những phong trào “Toàn năng”, phong trào
“Tổ, tiểu đội tiền tiến”, “Xung phong vượt mức kế hoạch” của thanh niên, phong
trào “Học bạn chiến thắng”, “Pa-ven”, “Ti-tốp”, “Ga-ga-rin”, phong trào “cải tiến
dạy và học”, phong trào “con người mới”, … Trong khung cảnh của đời sống bộ đội
như vậy ta có thể gặp nhiều hình ảnh, nhiều nét của một con người mới, của một
quân nhân cách mạng hiện đại.
Hình như trong văn nghệ có vấn đề thể hiện con người bộ
đội trong hoà bình như thế nào ? Có nhiều người thấy khó khăn, có người nói con
người bộ đội chiến đấu mới là con người bộ đội điển hình, hoàn cảnh chiến đấu mới
là hoàn cảnh điển hình của bộ đội, mới là mũi nhọn của cuộc sống để bộ đội phát
triển hết những nét điển hình phong phú của mình, còn con người bộ đội trong hoà
bình thì rất khó hiểu và rất khó biểu hiện. Có người thấy bộ đội hiện nay tiến
lên chính quy hiện đại thì khô khan, cứng nhắc hay đơn điệu, chỉ có một việc là
học tập, chỉ có một hình thức là quần áo đồng phục, chỉ có một nét sinh hoạt là
theo thời khắc biểu, chỉ có một quan hệ là giơ tay lên mũ chào. Có lẽ cũng có
những khó khăn thật, nhưng tôi thấy hình như khó khăn ấy là khó khăn ở chỗ chưa
nhìn thấy hết vào tâm hồn và nội tâm của con người
bộ đội. Tôi xin thay mặt anh em trong bộ đội tâm sự vài nét với Đại hội:
Hiện nay từng người bộ đội gắn rất chặt với đời sống xã
hội và gắn chặt rất nhiều mặt, trong mỗi người đều có một quá trình, một vận mệnh
riêng và một bầu tâm sự, một tấm bi kịch hay hài kịch riêng của mình, những cái
đó gắn chặt với nhiệm vụ của quân đội và những vấn đề của quân đội. Ví dụ nói về
một con người cán bộ. Mỗi một cán bộ đều có sinh hoạt trong quân đội lại có một
sinh hoạt trong xã hội. Cán bộ có gia đình thì có vấn đề gia đình gần hay gia đình
ở xa, người tiện đường, người không tiện đường, người ít con, người nhiều con,
người chưa có con, người mong con, người con ngoan, người con hư, người có nhà ở,
người chưa có nhà ở, người nhà rộng, người nhà chật, … Những hoàn cảnh riêng biệt
đó lại dính đến vấn đề hoà bình và chiến tranh và vấn đề nhiệm vụ xây dựng quân
đội tức là dính chặt với vấn đề đấu tranh giữa cái sống và cái chết, giữa cái mới
và cái cũ. Cho nên trong từng tâm tư có những phức tạp riêng. Về mặt chính trị
thì rất dễ hiểu, chúng tôi nói với nhau một cách khẳng định rằng : “Các cán bộ
của chúng ta đều có một trình độ giác ngộ chính trị cao, có ý thức và trách nhiệm
sẵn sàng chịu thiếu thốn gian khổ, sẵn sàng hy sinh tính mệnh, hy sinh cả tình
cảm, hy sinh tất cả những thoải mái cá nhân để làm nhiệm vụ cách mạng một cách
khẩn trương gian khổ, các đồng chí đó đã có ý thức đầy đủ về sứ mệnh bảo vệ Tổ
quốc, bảo vệ cách mạng của mình. Nhưng trước những khó khăn thực tế của xã hội
vẫn có những dằn vặt, vì chưa giải thích được hết những hiện tượng của xã hội đang tiến lên nên cũng có nhiều những
thắc mắc. Mỗi người đều thấy rất rõ tiến lên chính quy và hiện đại và biết rất
rõ nội dung của nó phải làm gì nhưng đi vào cụ thể thì năng lực còn ít, văn hoá
kém, sức khoẻ chưa đủ, lại có những quan điểm lạc hậu khác ngăn trở sự tiến bộ.
Chính trong hoàn cảnh mâu thuẫn ấy mới nảy ra nhiều đề tài và vì vậy, những
quan hệ xã hội của người cán bộ trong quân đội nằm trong cuộc đấu tranh giữa
sống và chết, giữa mới và cũ lại có nhiều mặt mâu thuẫn và phức tạp của nó.
Nhưng cuối cùng tất nhiên là tinh thần hy sinh vẫn thắng, cái mới vẫn thắng, nhưng
thắng qua một cuộc đấu tranh rất phức tạp, rất tế nhị. Thỉnh thoảng chúng tôi
có tổ chức những cuộc báo động chiến đấu và những cuộc đó phải làm như thật,
trong đó chúng tôi thấy có những hình ảnh : có một đơn vị báo động thì hơn một
trăm cán bộ đang đi phép nhưng tất cả những điện gọi các đồng chí đi phép về
thì các đồng chí đều về đủ, về rất đúng hẹn và trong khi đó có những đồng chí
vác ba-lô đi chính vào lúc người ta đang đưa vợ đồng chí đi bệnh viện để đẻ. Có
đồng chí tuy ở trong trại thôi nhưng khi nhận được lệnh thì phải giải quyết một
loạt công việc : rút tiền tiết kiệm, thư cho vợ, gửi xe đạp về nhà, v.v…
Tuy rất nhiều khó khăn phức tạp như thế cần phải giải
quyết, nhưng đến lúc người cán bộ đã nhận mệnh lệnh thì lại thấy không còn gì nữa.
Chỉ còn có hình ảnh người cán bộ nhận lệnh nói “rõ”, giơ tay chào rồi xăm xăm đi
làm nhiệm vụ của mình.
Trong một cuộc chiến đấu tiễu phỉ có những hình ảnh mà
về chính trị dễ nói, chỉ vài ba câu là rõ, nhưng về văn nghệ biểu hiện được thì
chắc có rất nhiều cái tế nhị sâu sắc : Một đồng chí cán bộ tác chiến vẽ bản đồ để
đặt một kế hoạch chiến đấu, trong đó đồng chí dự định tiêu diệt bao nhiêu địch,
bạn ta hy sinh, bị thương bao nhiêu người, bố trí quân y ra sao … một cách rất
thản nhiên. Nhưng buông bút xuống đồng chí đã tâm sự với người bạn bên cạnh là
vợ mới viết thư bảo con sốt, không biết có việc gì không ? Tôi có nói đùa :
“Anh vừa đặt kế hoạch giết bao nhiêu người mà con anh sốt một tý anh đã lo”. Đồng
chí đó cười một cách rất tự nhiên và chính bản thân đồng chí đó cũng thấy tình
cảm của mình như thế là rất tự nhiên.
Ngay bản thân chúng tôi, trong khi ở trong hoàn cảnh
hoà bình như thế này, con mình đứt tay một tý cũng thấy xót xa. Nhưng khi ở mặt
trận rồi thì nhìn thấy người chết, người bị thương lại xúc động một cách khác :
đó là sự lo lắng, tính toán cho thắng lợi, một lòng căm thù, một chí diệt địch
chứ không phải những cái lo lắng xót xa bình thường nhỏ bé nữa. Vì vậy, hiện
nay cán bộ chúng ta sống trong khung cảnh đấu tranh giữa cái sống và cái chết.
Mỗi đồng chí cán bộ quân đội đều có ý thức rất rõ ràng và nhận nhiệm vụ một cách
rất hăng hái nhưng nó có những cái đấu tranh rất tế nhị của nó.
Trong cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ cũng có
nhiều cái éo le, cũng có nhiều nhân vật, nhiều phong cách đặc sắc xuất hiện. Có
những người rất muốn “mới”, rất muốn tiến lên, nhưng phải vượt rất nhiều khó khăn
và mỗi đồng chí hình như có một cái kén tằm thành kiến cũ bao vây lấy mình ; có
người muốn mới nhưng lại không đủ năng lực để mà mới, rút cục chỉ hô khẩu hiệu
mà bản thân hành động không mới được, có người không mới được lại đi pha chế cái
mới của người khác để làm ra cái mới của mình, có người cứ gọt đi những cái “mới”
của người khác đưa nó vào những cái “cơ bản”, cái “nguyên tắc”, rút cục nó lại
cùn, lại không “mới” được nữa ; cũng có người trắng trơn đem cái cũ của mình ra
ngoan cố ngăn chặn cái mới của người khác. Chúng tôi trong bộ đội hiện giờ đã có
rất nhiều cái mới rồi, nhưng có những cái muốn mới mãi mà không mới được. Riêng
việc họp cho đúng giờ, làm việc cho có kế hoạch, chúng tôi cũng phải phấn đấu hàng
năm mới thực hiện được mà cũng vẫn còn phải phấn đấu nữa. Những éo le đó xảy ra
trong tất cả các vấn đề cụ thể của quân đội. Có những cán bộ mà hình như trong
mỗi cán bộ không ít thì nhiều đều có những bi kịch như thế cả. Năm 1957 – 1958
rất kiên quyết trong việc chấp hành điều lệnh, chào hỏi, đi đứng … chấp hành rất
đường hoàng nghiêm khắc. Nhưng khi ta phê phán bệnh giáo điều để đề phòng việc
thoát ly quan điểm chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân thì tự nhiên đồng
chí đó trở thành người chửi tất cả những ai chào. Cho đến bây giờ đồng chí đó đã
hơi bình tĩnh trở lại : cũng tán thành chào nhưng không kiên quyết như hồi 1957
và cũng không chửi bới như năm 1959 nữa. Còn có những đồng chí cán bộ khi thượng
cấp đến kiểm tra thì qua báo cáo tưởng chừng đơn vị đồng chí đó làm được nhiều
cái hay, cái đẹp không còn gì đáng giải quyết nữa, những khuyết điểm tồn tại đồng
chí cũng thấy rất rõ và đang có biện pháp khắc phục. Nhưng khi kiểm tra ra thì
thấy nhiều mặt công tác trong đơn vị đồng chí đó còn rất dở. Khi đoàn kiểm tra
nhận xét những mặt dở thì mọi người lo lắng là đồng chí đó sẽ phản ứng và phân
trần. Nhưng ai nấy lại gặp chuyện bất ngờ là đồng chí đó không phản ứng mà nói
là đã biết cả rồi và cám ơn đoàn kiểm tra đã nói cho đồng chí rõ thêm. Thật là
một trận địa phòng ngự của “bảo thủ” rất dày kinh nghiệm có thể biến một cuộc tấn
công thành ra một con số không. Cho nên về mặt này, xoay quanh việc xây dựng quân
đội chính quy và hiện đại chúng tôi phải làm hàng nghìn việc, làm hàng năm, mấy
năm để luôn luôn đào luyện được hàng vạn thanh niên trở thành những chiến sĩ cơ
trí, linh hoạt và dũng cảm. Chúng tôi phải suy nghĩ tính toán, giải quyết hết
việc này đến việc nọ. Để thực hiện và quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng vào
trong huấn luyện hàng ngày chúng tôi phải khắc phục hàng trăm khó khăn về vật
chất và tinh thần. Trong hàng ngũ cán bộ của chúng tôi trong quân đội, ba mặt
quan hệ xã hội, đấu tranh giữa sống và chết, đấu
tranh giữa cái mới cái cũ luôn nảy ra những diễn biến mâu thuẫn rất tế nhị.
Cũng có đồng chí đã viết và phát hiện vấn đề này, tôi đã đọc nhưng thấy các
đồng chí chưa đi vào và chưa nắm hết được các mặt sâu sắc của vấn đề nên không
thể hiện được đầy đủ lắm. Giải quyết những vấn đề về công tác chính trị thì
chúng tôi làm luôn rồi, ngày nào cũng làm, lúc nào cũng giải thích. Nhưng bây
giờ cán bộ nghe giải thích thì nói : “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Nếu bây giờ vũ khí văn nghệ xuất hiện trong cuộc đấu
tranh này của chúng tôi, chúng tôi tin rằng sẽ có tác dụng rất lớn. Thí dụ nhờ
có cuốn Mạnh hơn nguyên tử mà chúng tôi có được nhân vật E-lít-ga-tốp quản lý đại
đội và chúng tôi mở lớp quản lý đại đội, những đồng chí đó rất thích bắt chước
E-lít-ga-tốp. Nhờ có quyển Bạn chiến đấu, chúng tôi giới thiệu những sĩ quan
tham mưu yêu nghề như thế và vì vậy, có những đồng chí trước thắc mắc với nghề
sĩ quan tham mưu có nói: “Ở Liên Xô, người ta đề cao sĩ quan tham mưu như thế không
còn thắc mắc gì nữa nhé”. Và cũng nhờ có Ký sự của O-ve-xkin mà chúng tôi thực
hiện được những cuộc kiểm tra thi đua với nhau giữa các đơn vị. Điều đó cũng có
kết quả rất tốt, làm như việc này thì không ai nói: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nữa mà lại rất hoan nghênh
và rất chờ đợi. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng vũ khí của văn nghệ giá được sử
dụng một cách sắc bén hơn trong cuộc đấu tranh này của quân đội thì sẽ giúp đỡ
được nhiều trong việc xây dựng quân đội. Văn nghệ của ta mới miêu tả mà chưa
đấu tranh được nhiều.
Đó là tôi kể một vài chuyện về lớp người cán bộ trong
quân đội. Bây giờ nói đến chiến sĩ. Trong thời kỳ kháng chiến thường nói chiến
sĩ của ta là nông dân mặc áo lính, nhưng bây giờ bản thân chiến sĩ của chúng ta
là thanh niên, công nhân hoặc nông dân, học sinh mà hiện nay mỗi năm lại biến
chuyển, thành phần công nhân viên chức càng ngày càng đông lên và đặc biệt ranh
giới giữa nông dân và học sinh càng ngày càng bị xoá đi, vì bây giờ không có nông
dân nào lại không đi học lớp 4, lớp 5 mà cũng không có anh học sinh ở nông thôn
nào lại không tham gia lao động đồng ruộng. Các đồng chí đó có những vấn đề của
thanh niên như ước mơ, tình yêu, nghề nghiệp, học tập, có các vấn đề của nông dân
như hợp tác xã, thu hoạch, cải tiến kỹ thuật, phân bón… có các vấn đề của công
nhân viên chức như tiền lương, năng suất, có những vấn đề của học sinh, của thầy
giáo và ngay trong các thanh niên khác hiện giờ đang làm công nhân, nông dân,
thầy giáo và học trò, … cũng có vấn đề chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự và khi đi về
rồi lại phải chuẩn bị để hàng năm tham gia huấn luyện quân hậu bị. Các vấn đề đó
cứ phát triển theo một quá trình của nó. Khi vào bộ đội anh thanh niên gặp biết
bao cái đầu tiên : gặp anh cán bộ đầu tiên, mặc bộ quần áo đầu tiên, ăn bữa cơm
đầu tiên, dự buổi lên lớp đầu tiên, buổi tập thể dục đầu tiên, … Vào bộ đội rồi
bao nhiêu vấn đề mới, vào binh chủng nào ? Gặp ai ? Ở đâu ? Hết thời hạn ở bộ đội
thì tiếp tục thế nào ? Có đi học sĩ quan hay không ? Lại còn các vấn đề học tập,
quan hệ, kỷ luật, công tác, … đặt cho người thanh niên rất nhiều việc phải giải
quyết. Có những thanh niên yêu mến bộ đội, muốn phục vụ trong bộ đội vì nhiều tâm
sự khác nhau. Có người vì thấy vào bộ đội là để có thêm bản lĩnh, thêm nghị lực
hiểu được xã hội mà thích. Có người so sánh với cha anh thấy mình được phục vụ,
được bảo vệ Tổ quốc ít quá xin tái đăng và vẫn chưa thoả mãn với hai năm tái đăng.
Thí dụ có đồng chí tiểu đội trưởng tên là Hoè, đồng chí đó trực tiếp viết giấy
cho tôi xin tái đăng. Cho đồng chí đó tái đăng rồi, gặp tôi đồng chí đó còn phàn
nàn tái đăng có hai năm thì ít quá. Tôi hỏi tại sao đồng chí thích ở bộ đội như
thế, đồng chí đó nói : “Báo cáo đồng chí, tôi còn trẻ lắm. Khi trước các đồng
chí chiến đấu trong kháng chiến 8, 9 năm, bây giờ tôi mới có 3, 4 năm chưa ăn
thua gì cả. Có người mê cuộc đời hiện đại đầy khoa học kỹ thuật của bộ đội : nào
ống nhòm, ô tô, … Có người mê cuộc đời giờ nào việc ấy, ngăn nắp trật tự của quân
đội. Có người mê bộ đội vì bộ đội vẻ vang, vì thanh niên phải sống hùng tráng mạnh
mẽ, vì thanh niên đâu cần thì có, đâu khó thì đến, vì nhiệm vụ thanh niên là phải
bảo vệ Tổ quốc, … Hỏi anh em tại sao lại thích bộ đội, họ đều nói: “Mỗi người
một tâm tư đồng chí ạ!”. Chẳng lẽ những tâm tư ấy lại không phong phú hay sao
? Những tâm tư đó chẳng phải là những biểu hiện chí khí anh hùng của thanh niên
ta, biểu hiện những ước mơ của con người mới, của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, của con em của một dân tộc vẻ vang đó
sao ? Bên trong những bộ quân phục giống nhau có những trái tim và những chí
khí giống nhau mà cũng khác nhau rất nhiều. Mỗi người thanh niên ấy bước vào
đời với một quá trình riêng, một vận mệnh riêng. Quá trình đó rất hay, đó là
một quá trình rèn luyện. Hiện nay đang có phong trào xây dựng “con người mới”
trong quân đội. Phong trào đó nêu lên những nét tiêu biểu cho một thanh niên
trong quân đội.
Thanh niên trong quân đội còn rất nhiều tâm tư khác,
thí dụ làm sao phải làm tròn nhiệm vụ với quân đội, với gia đình, với bè bạn và
xứng đáng với người yêu nữa! Làm sao còn trở thành đoàn viên thanh niên lao động,
trở thành đảng viên. Đó là những mơ ước rất đẹp, nhưng cũng rất nhiều khó khăn.
Có lúc tập đau tay, đau người, bẩn quần áo, có lúc nhận một công tác không thích
hợp như phải làm anh nuôi, đi chăn bò, gặp người yêu thì xấu hổ, có khi gặp thất
bại như bắn kém hay lỡ phạm vào kỷ luật, có khi gặp bạn không hợp tình hợp tính,
…
Mời các đồng chí hãy đến một tiểu đội, mỗi tiểu đội là
một tấn kịch nhỏ, một truyện ngắn hoặc truyện dài phong phú. Những hoạt động khẩn
trương hàng ngày đều thấm nhuần một tư tưởng lành mạnh và cao quý. Tôi kể một câu
chuyện tỷ dụ : có một đồng chí vào bộ đội rồi đào ngũ, anh em rất thắc mắc không
hiểu tại sao, về tận nhà mới rõ, té ra đồng chí đó vào cùng với người anh của
người yêu ở cùng đơn vị, đồng chí này lại nói lắp nên học tập không kết quả lắm,
vì vậy sợ anh kia viết thư về cho em gái thì nguy hiểm, nên xấu hổ mà trốn. Lại
có chuyện: người cháu vào bộ đội đã hai năm, nay đóng hạ sĩ tiểu đội trưởng,
chú thì mới vào năm nay lại làm lái xe, mà lái xe không cẩn thận sẽ bị đồng chí
tiểu đội trưởng quát, phê bình cho cẩn thận. Trước mặt thì đồng chí đó phục tùng
lắm nhưng ra lại phàn nàn với bạn bè chửi thằng cháu tệ, đối với chú cũng không
kiêng nể gì. Hoặc có đơn vị thầy và trò cùng vào một đơn vị, rút cục thầy trò cũng
bắn giỏi nhưng hỏi động cơ ra thì chưa hiểu rõ về nhiệm vụ xây dựng quân đội lắm
nhưng chỉ vì trò sợ thầy chê mình bắn kém mà thầy cũng sợ trò bắn giỏi hơn mình
nên cả hai đều bắn giỏi cả. Hoặc có những cái rắc rối một anh học trò lớp 3 lại
yêu cô lớp 7 nên suốt ngày chỉ lo cô ấy bỏ mất (vì trước anh này học lớp 3 thì
cô ta học lớp 4 nhưng trong 3 năm bộ đội thì cô kia lên lớp 7) nên cứ phải bàn
với tiểu đội trưởng viết thư làm sao cho có khí phách để người yêu không phát
hiện ra cái “văn hoá kém” của mình. Hoặc có đồng chí tiểu đội trưởng là giảng
viên mà trình độ văn hoá có lớp 5 lại giảng cho lớp học viên toàn trình độ lớp
8, lớp 9. Lúc đầu đồng chí đó cũng có hốt và học viên cũng có ý coi thường, nhưng
sau đồng chí tìm cách cho học viên thấy rõ vấn đề kỹ thuật trong quân đội là phải
vận dụng bản lĩnh của từng người như thế nào. Lúc đó các đồng chí học sinh mới
phục tài tiểu đội trưởng.
Thưa các đồng chí,
Thực ra đề tài không thiếu. Những người làm văn nghệ đều
nói là cần phải đi sâu vào tâm tư. Nếu biết đi sâu vào tâm tư, sống thật sự với
cuộc sống của bộ đội thì những ý kiến cho rằng quân đội đơn điệu và khô khan chắc
chắn là không đúng. Hiện nay những nhân vật trung tâm, công nông binh của ta đều
chưa được phản ảnh với hết chiều sâu của nó. Tình hình đó cũng nói rõ văn nghệ
của chúng ta phải đi sâu hơn nữa vào thực tế cuộc sống. Đi sâu vào thực tế bộ đội
thì có rất nhiều khó khăn như vấn đề chuyên môn quân sự… Nhưng những cán bộ chính
trị chúng tôi thấy có thể giúp đỡ các đồng chí muốn đi vào quân đội nhiều lắm.
Chúng tôi sẽ mạn đàm, sẽ giới thiệu các vấn đề, các đề tài, nhân vật, còn vấn đề
sinh hoạt quân sự thì có khó khăn thật, nhưng chúng tôi tin chắc rằng đi rồi nó
sẽ quen vì trong các đồng chí làm văn nghệ có rất nhiều đồng chí là sĩ quan dự
bị.
Rất mong có những tác phẩm phản ánh được sâu sắc nhân vật quân nhân cách mạng trong thời đại cách mạng Việt Nam, con cháu của Trần Hưng Đạo với phong cách độc đáo của Hồ Chí Minh, rất Việt Nam, rất hiện đại. Rất mong có những bức tranh không những chỉ vẽ nên những hình ảnh mà còn nói lên được hết tâm hồn phong phú và đẹp đẽ của bộ đội, chiến sĩ và cán bộ. Rất mong có nhiều những hành khúc hùng mạnh bên cạnh những bài hát trữ tình sâu sắc. Hiện nay trong công tác chính trị, chúng tôi có rất nhiều vấn đề giải quyết, trong đó có vấn đề rất lớn là làm thế nào công tác tư tưởng đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào lòng người và đi sâu vào từng người, bảo đảm giáo dục rèn luyện những quân nhân toàn diện. Chúng tôi mong mỏi Đại hội Văn nghệ lần này có một tác động rất lớn đến công tác của chúng tôi trong quân đội. Hiện nay anh em chiến sĩ rất ham đọc sách, có nhiều chiến sĩ mua riêng sách báo để đọc, có đồng chí mua cả báo Phụ nữ, có đồng chí đọc 6 tháng hết quyển Hồ Chí Minh tuyển tập có ghi chép đầy đủ, các thư viện hoạt động sôi nổi, có thư viện đại đội (đại đội nào cũng có thư viện) có khoảng 200 đến 5000 quyển sách mà phần lớn là sách văn nghệ. Thư viện trung đoàn có từ 1000 đến 2000 cuốn, thư viện của Sư đoàn và quân khu có khoảng vài vạn cuốn. Sách văn nghệ thường được đòi hỏi nhiều nhất. Bộ đội ham thưởng thức và hoạt động văn nghệ. Hầu hết các trung đoàn đều có văn công không chuyên nghiệp, tất cả các đơn vị đều đòi hỏi những bài hát hùng tráng, những hành khúc. Hầu hết các trung đoàn có câu lạc bộ và mong mỏi sự hướng dẫn hoạt động. Những mong mỏi của chiến sĩ và cán bộ rất lớn. Tôi xin báo cáo với Đại hội những lòng mong mỏi đó. Xin chúc Đại hội thành công!
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Rất mong có những tác phẩm phản ánh được sâu sắc nhân vật quân nhân cách mạng trong thời đại cách mạng Việt Nam, con cháu của Trần Hưng Đạo với phong cách độc đáo của Hồ Chí Minh, rất Việt Nam, rất hiện đại. Rất mong có những bức tranh không những chỉ vẽ nên những hình ảnh mà còn nói lên được hết tâm hồn phong phú và đẹp đẽ của bộ đội, chiến sĩ và cán bộ. Rất mong có nhiều những hành khúc hùng mạnh bên cạnh những bài hát trữ tình sâu sắc. Hiện nay trong công tác chính trị, chúng tôi có rất nhiều vấn đề giải quyết, trong đó có vấn đề rất lớn là làm thế nào công tác tư tưởng đi sâu vào tình cảm, đi sâu vào lòng người và đi sâu vào từng người, bảo đảm giáo dục rèn luyện những quân nhân toàn diện. Chúng tôi mong mỏi Đại hội Văn nghệ lần này có một tác động rất lớn đến công tác của chúng tôi trong quân đội. Hiện nay anh em chiến sĩ rất ham đọc sách, có nhiều chiến sĩ mua riêng sách báo để đọc, có đồng chí mua cả báo Phụ nữ, có đồng chí đọc 6 tháng hết quyển Hồ Chí Minh tuyển tập có ghi chép đầy đủ, các thư viện hoạt động sôi nổi, có thư viện đại đội (đại đội nào cũng có thư viện) có khoảng 200 đến 5000 quyển sách mà phần lớn là sách văn nghệ. Thư viện trung đoàn có từ 1000 đến 2000 cuốn, thư viện của Sư đoàn và quân khu có khoảng vài vạn cuốn. Sách văn nghệ thường được đòi hỏi nhiều nhất. Bộ đội ham thưởng thức và hoạt động văn nghệ. Hầu hết các trung đoàn đều có văn công không chuyên nghiệp, tất cả các đơn vị đều đòi hỏi những bài hát hùng tráng, những hành khúc. Hầu hết các trung đoàn có câu lạc bộ và mong mỏi sự hướng dẫn hoạt động. Những mong mỏi của chiến sĩ và cán bộ rất lớn. Tôi xin báo cáo với Đại hội những lòng mong mỏi đó. Xin chúc Đại hội thành công!
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét