Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ: 7 – 5



Trận mở màn.

Chiều hôm nay, chiều 13-3-1954, khắp nẻo rừng xôn xao, nhiều đơn vị nhắc lại chuyện căm thù, tiểu đội 2 nhiều đồng chí vẫn còn sụt sùi nghĩ lại cuộc đời của đồng chí Tuất vừa kể: “Đồng chí Tuất là một cố nông ở Thái Bình, năm nay mới hơn 20 tuổi, vì mất mùa, gia đình phải vay của địa chủ một thúng lúa. Thế là gia đình tan nát, bố đi làm thuê, mẹ đi mò cua bắt ốc. Tuất phải đi ở cho địa chủ. Đi ở bị đánh đập nhiều, Tuất không chịu được lại về đi mò cua với mẹ. Khi quân Pháp đánh chiếm vùng Tuất, chúng cấm mò cua ở đồng, mẹ con Tuất đói quá, cứ đi mò, bị chúng bắt giam, đánh chết đi sống lại …”.


Các đồng chí nghiến răng nhìn thẳng ra đồn Him Lam, coi như chính đồn này là nơi đầy máu và nước mắt của đồng chí Tuất và của nhiều đồng chí và nhiều đồng bào khác. Các đơn vị đều hạ quyết tâm, đồng chí Chiêm ở trung đội bộc phá cương quyết: “Gãy một chân còn chiến đấu, gãy một tay cũng hoàn thành nhiệm vụ bộc phá”.

Lệnh xuất phát bắt đầu, các giao thông hào tưng bừng lên như ngày hội. Điện của Hồ Chủ tịch mới đến: “Bác chờ tin các chú, Bác hôn các chú”. Tiếng truyền đi vừa trân trọng vừa phấn khởi, âu yếm. Thư của Đại tướng, của Chính phủ và Đại đoàn trưởng rộn lên những mệnh lệnh đanh thép, những lời tin tưởng.

Dòng người rào rào chạy qua giao thông hào và ra phía trước. Tiếng kèn “Tiến quân ca” của các đồng chí văn công ở bên cạnh chiến hào rần rật như những hơi gió mạnh, lém như lửa rừng. Các đồng chí xung kích xúc động đến gai người lên, nóng bừng mặt, bước đi tưởng chừng như bay bổng.

Trong bảo tàng Điện Biên Phủ năm 2014

Đúng bốn giờ, trọng pháo của ta bắt đầu nổ và cũng từ giờ này bắt đầu đám tang cho tiểu đoàn thứ 3 của trung đoàn lê dương thứ 13, con cưng của quân đội viễn chinh Pháp. Khắp cánh đồng Điện Biên dài mười cây số khói lửa mù mịt, tiếng nổ hỗn loạn, gào thét, lửa toé như một cái đe thợ rèn vĩ đại. Đồn Him Lam bẹp dúm dưới hoả pháo của ta. Cứ hàng trăm quả nện xuống một lúc làm cho ba mỏm đồi trước kia ngạo nghễ, nay như run lên bần bật và tưởng chừng sắp phải nứt rạn. Bộ binh trong các giao thông hào cứ nhấp nhổm tưởng chừng muốn trông rõ xem địch bị chết ngập dưới hoả pháo của ta thế nào, nhiều đồng chí vỗ tay: “Hoan hô pháo binh”.

Trên trời mấy cái máy bay lơ láo, đạn cao xạ của ta vút lên như một cây bông rất lạ, một cái bốc cháy, những cái khác lượn cao tít. Thế là từng đoàn dũng sĩ bộ binh từ các trận địa ào ào tiến ra. Chỉ sau đó sáu tiếng đồng hồ, trước những tràng pháo bất lực của địch bắn vu vơ, đồn Him Lam thành một cái mồ trắng phếch dưới ánh trăng mờ; hơn ba trăm tù binh lốc nhốc ra khỏi đồn dưới mũi súng của các chiến sĩ ta.

Trận đánh thật ác liệt và cũng thật tưng bừng.

Đồng chí trung đội trưởng Diêm chỉ huy phá hàng rào thật đẹp. Diêm đứng với tiểu đội trưởng Sâm bên cạnh hàng rào vẫy tay cho các chiến sĩ lên. Chiêm vụt chạy lên dưới khói đạn, lòng vẫn đinh ninh với quyết tâm thư vừa viết. Bộc phá đầu tiên nổ! Trong chớp loè, Luận chạy lên, nhưng mới ra khỏi công sự thì bị ngã vật xuống. Chiêm xốc xuống gọi Luận. Luận chỉ kịp nói: “Trả thù cho tôi”. Chiêm vằn mặt lên, giật ống bộc phá lại chạy. Vừa gặp Thao vọt theo: “Anh Chiêm đốt lần thứ hai à?” Thao bị thương vào tay rồi nhưng quyết tâm làm trọn nhiệm vụ. Chiêm nói qua hơi thở: “Tớ trả thù cho Luận”.

Thế là chỉ trong mười lăm phút, mười tám tiếng nổ liên tiếp vạch một con đường rộng thênh thang, ba tên lê dương ở lô cốt đầu tiên chạy ra hàng.

Ở chỗ xung phong của chiến sĩ thi đua Nguyễn Hữu Oanh tình thế càng gay, hai hàng rào phá xong rồi mà các chiến sĩ xung kích dán mình trong giao thông hào bốn tiếng đồng hồ liền dưới những trận mưa đại bác.

Trong giao thông hào, trung đội trưởng Tuệ, đồng chí bí thư chi bộ Đảng và là chính trị viên đại đội bò lên lại bò xuống, ghé vào từng người giọng khàn khàn khói súng nói như quát: “Giữ vững quyết tâm nhất định cắm cờ vào đồn địch, trả thù cho các đồng chí đã bị thương và hy sinh”. Các đồng chí bị thương tươi cười: “Các cậu quyết tâm nhé! Trả thù cho tớ!”. Máu như sôi lên trong người, Oanh, người chiến sĩ ngày thường hiền như bụt, rất ít nói mà hay cười, bây giờ thì hăng như con sư tử.

Lá cờ ông Trần Độ trao cho Đại đội chủ công mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ

Hai phát pháo hiệu trắng vọt lên trời, Oanh sửa lại ngọn cờ cắm sau lưng, vút lên nhảy tụt xuống đầu giao thông hào. Chui qua một hàng rào dây thép gai, lại vọt lên mặt đất ném thủ pháo, bắn tiểu liên vào một lô cốt, bịt tắc lỗ súng của địch và nhanh như cắt lợi dụng các mô đất tiến qua các ụ súng vào lô cốt cố thủ của địch cắm cờ, các tổ viên đi sau rất sát.

Trung đội phó Hội thì vẫn có một lối đánh rất bình tĩnh nhưng rất dũng mãnh. Đồng chí bị thương, nhanh chóng tự băng bó lại tiến lên. Đồng chí nhận được hoả điểm của địch rất nhanh, nép người tránh, bắn che chở cho Oanh tiến. Tiểu liên hỏng, đồng chí lại bình tĩnh nép mình ngay trước luồng đạn của địch, chữa lại rồi tiếp tục che chở cho Oanh bắn tịt lỗ châu mai của địch.

Không thể nào không nhắc đến trung đội trưởng Tuệ một mình ném mười bốn quả thủ pháo, bốn quả lựu đạn, bắn đến hai băng tiểu liên và bắt hơn hai mươi địch; tả xung hữu đột, chỉ huy từng tổ, đồng chí lại tự mình xách quả bộc phá mười cân vào lô cốt chỉ huy của tên quan tư Pê-gô, hắn đã bị bắn chết; khắp mình Tuệ bị đến mấy chục mảnh lựu đạn bằng hột ngô rát nóng cả người.

Phấn khởi hơn là chuyện Thi và Can (Trần Can, chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Tây Bắc). Năm ngoái Thi và Can ở một tổ tự động tác chiến chống bảy ụ súng địch ở đồn Bản Hoa trong chiến dịch Tây Bắc thì năm nay tiểu đội trưởng Thi và tiểu đội trưởng Can nắm hai tiểu đội xung kích diệt bảy lô cốt địch ở Him Lam. Can vẫn lối đánh nhanh nhẹn, dũng cảm, bắt tù binh gọi hàng bạn nó, nhảy xuống giao thông hào, nhưng giao thông hào hẹp quá, Can lại nhảy lên như sóc, diệt từ hoả điểm này sang hoả điểm khác, phất lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên lô cốt cuối cùng.

Tuất ghi nhớ mãi mối thù, tuy mới chiến đấu lần đầu nhưng xông xáo theo sát bước tiến của Trần Can. Về sau tổ trưởng của đồng chí hy sinh, đồng chí tự động điều khiển anh em chiến đấu. Diệt xong địch, Tuất vẫn xung phong tiếp tục thu dọn chiến trường.

Còn Thi thì lầm lỳ, chắc chắn. Khi các tổ đánh toả đi các nơi, Thi túm được hai nguỵ binh đứng một mình giữa đồn địch trong khi tiếng súng còn nổ ran. Thi bắt một tên gác phía sau có gì thì phải báo động, còn một tên đi lấy được bảy lựu đạn cho Thi ném. Phải là một cán bộ gan góc, tự tin, có bản lĩnh của chính nghĩa chinh phục và áp đảo được kẻ địch, mới có thể hành động như vậy.

Thi đua với Trần Can, tiểu đội phó Nguyễn Tất Hiếu trước khi lên đường bắt tay mọi người trong tiểu đội, hứa hẹn lập công. Khi xung phong vào tới đồn địch, sau khi diệt một ổ chống cự của địch, Hiếu phát triển rất nhanh, gặp tổ nào cũng tự động phối hợp, gặp một ổ trung liên của địch ngoan cố, Hiếu hô địch vận hai lần, địch vẫn bắn. Hiếu xông vào, một tay nắm lấy nòng súng đang nóng bỏng của địch giật mạnh, một tay lộn ngược tiểu liên đánh vào mặt tên địch một báng mạnh. Hiếu xông xáo tiếp tục cho đến hết trận đánh, lại còn cõng anh em bị thương về vị trí, dùng sức đến nỗi về vị trí bị ngất đi. Hiếu là một trong những anh hùng mới xuất hiện theo nhịp bước trưởng thành về tư tưởng cũng như về chiến thuật của quân đội ta.

Nhưng ở ngay cửa đột phá của tiểu đội trưởng Ngọc Hỷ, chúng tôi đã được thấy hình ảnh của Ma-tơ-rô-xốp Việt Nam. Đó là chiến sĩ anh dũng tuyệt vời Phan Đình Giót. Đánh bộc phá, mở xong đột phá khẩu, đồng chí Giót bị thương nặng, các lô cốt địch chung quanh vẫn dai dẳng bịt cửa đột phá của ta. Giót nhớ lại thư của Hồ Chủ tịch nhắc trước giờ xuất kích: “Các chú đã chỉnh quân, chỉnh huấn, nhận rõ kẻ thù, …”, Giót nghiến răng bò nhanh rồi vụt lên tựa mình vào lỗ châu mai của địch, hiến cả một đời sống đang tươi mạnh cho trận đánh thắng, hiến mình cho Tổ quốc và nhân dân.

Tiểu đội trưởng “dao nhọn” Ngọc Hỷ dẫn tiểu đội vượt qua một lô cốt địch đã bị đại bác ta bắn sụp, đạp nhảy qua ba hàng rào dây thép gai đánh thẳng một mạch trong hai phút qua hai lô cốt khác tiến vào một ổ cố thủ của địch. Địch cậy có công sự, lại ở thế cao liên tiếp ném lựu đạn xuống. Một mình Hỷ xung phong ba lần không được, lại gọi bộ đội khác tổ chức sáu đợt xung phong liên tiếp nhảy xổ vào địch trong ánh chớp của thủ pháo, bắt sống hơn 20 tên.

Xung kích tiến vào đồn từng tốp như mưa bão. Quân lính địch dần dần ra hàng hết. Có đồng chí chiến sĩ về sau tả bọn tù binh: “Chúng nó ra mắt len lét, hai tay giơ lên trên trời rồi mà còn run lẩy bẩy, hét ngồi là ngồi, hét nằm là nằm xẹp xuống hai tay vẫn giơ lên trời. Chúng ngồi lốc nhốc như đàn cua. Khi bắt chúng ra khỏi đồn, chúng sợ quá, vì đại bác lúc đó bắn nhiều. Về sau bắt chúng phải ra và ra lệnh cho chúng nằm bò ra giao thông hào của mình. Chúng nằm bẹp xuống bò ra, trông như đàn giun, đàn rết”.

Đó là “khí phách” của quân đội tinh nhuệ mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từng hết lời ca tụng.

Kể làm sao hết được tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” mà Bác Hồ và Đảng đã giáo dục cho toàn thể bộ đội. Nó đã thấm vào tim gan, thớ thịt của mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ chúng tôi.

Trận đánh kết thúc, chúng tôi không bao giờ quên được những giọt máu, những nụ cười của các liệt sĩ Giót, Hiếu, Luận, v.v… có những đồng chí bị đạn không chắc mình sống nổi nhưng vẫn tươi cười động viên đồng đội. Thật là những nụ cười thiêng liêng bất diệt, những nụ cười nói lên tất cả hạnh phúc và tương lai của dân tộc ta và tội ác ghê tởm của quân xâm lược.

Những giọt máu của đồng chí Giót loang trước lỗ châu mai, phủ trên nét mặt hiền lành là những giọt máu không ức, triệu lời nào ca tụng hết. Nó sẽ kết thành ngàn vạn hoa tươi, quả đẹp, trăm nghìn công trình xây dựng hoà bình của xã hội tương lai.

Các chiến sĩ chiến thắng hoan hỷ nhận được điện khen của Đại tướng Tổng Tư lệnh và lại ráo riết chuẩn bị liên tục chiến đấu.

Trần Độ

Rút báo Nhân dân ngày 19-12-1954

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét