Nghĩ
đến lịch sử quân đội ta 35 năm ròng chiến đấu, trong tôi thường vang lên âm
thanh hùng vĩ và dễ thương của những từ “chiến sĩ” và “lính chiến” và “anh bộ
đội”.
Đã có lúc tôi muốn đặt đầu đề cho bài tùy bút này là “35 năm lính chiến”.
Nhưng rồi ngẫm nghĩ, tôi lại không thích từ lính chiến. Còn từ “chiến sĩ” nó có
vẻ khái quát cao quá, nó là một hình tượng chung cho tất cả mọi người đấu tranh
ở mọi lĩnh vực, nó không còn là một từ để mô tả đặc biệt người chiến sĩ quân
đội. Ta có các chiến sĩ trên các mặt trận nông nghiệp, giáo dục, y tế, các
chiến sĩ văn nghệ, chiến sĩ diệt dốt, v.v… nhưng còn từ “lính chiến” thì đúng
là chỉ nói người chiến sĩ chiến đấu ở các trận địa quân sự. Nó tỏa ra mùi thuốc
súng và mùi vị của các chiến hào, các đường hành quân, nó gợi lên hình ảnh
những bộ quân phục bạc màu, những đôi giày vạn dặm, những cánh tay, bắp chân chai
sạn, đầy thương tích, những ánh mắt căm thù, thông minh mưu trí và yêu đời. Từ
“lính chiến” gợi cho ta tương đối trọn vẹn những dáng vẻ của con người chiến
đấu cụ thể, nhưng khốn nỗi nó lại được nói về đủ các loại người đã trải qua các
chế độ trong lịch sử. Từ xa xưa từ “lính” đã dùng để chỉ những người trong các
quân đội của phong kiến, thực dân và gần đây, cái đám tay sai của thực dân mới
Mỹ lại khuyến khích việc dùng từ “lính” trong nhiều trường hợp với mục đích mỵ
dân lừa bịp, tô vẽ cho hình ảnh những người lính đánh thuê mất hết ý niệm về Tổ
quốc, về quê hương, biến thành những tên nô lệ mù quáng, lao theo một cuộc sống
lưu manh sa đọa, bạt mạng, không đạo lý, không nghĩa tình, thô bỉ cùng cực, kể
cả trong tình yêu. Những con người đáng thương đó đã bào chữa cho mọi hành vi của
mình bằng một câu nham nhở “lính mà em” và “đời lính”. Vì vậy, cái tiếng lính
với lịch sử của nó như thế, nếu dùng nó, nó sẽ xúc phạm đến những phẩm chất
tuyệt vời của các chiến sĩ của quân đội cách mạng đã có những danh hiệu thân
thương của nhân dân và lịch sử cách mạng tặng cho: “anh bộ đội” và “bộ đội Cụ
Hồ”.
Nhân
ngày kỷ niệm này, tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh nổi bật của 35 năm lịch sử
một quân đội. Đó là 35 năm chiến đấu liên tục gần như không có một ngày hòa
bình trọn vẹn; cuộc chiến tranh này chưa chấm dứt đã có một cuộc chiến tranh
khác “gối đầu”, nhiều khi đồng thời một lúc phải làm cả hai cuộc chiến tranh.
Mỗi
cán bộ và chiến sĩ trong quân đội của ta bây giờ phải có nhiều thứ tuổi: tuổi
đời, tuổi Đảng, Đoàn, tuổi quân, tuổi chức vụ, tuổi chiến công,…
Điều
thú vị là hiện nay trong quân đội có những người có đủ 35 tuổi quân và có người
mới có một hoặc chưa đủ tuổi quân thế mà tất cả cũng đều là “anh bộ đội”. Có
nhiều khi “anh bộ đội” này đã có cháu gọi bằng ông cũng đang là “anh bộ đội”
bởi vì không thể có “ông bộ đội” và “cháu bộ đội” được. Tuy rằng có người thì
được các em thiếu nhi gọi là “bác bộ đội” hay “chú bộ đội”, “anh bộ đội” tùy
theo tuổi tác và tùy theo cả hứng thú của các em nữa.
Kể
từ thuở “anh bộ đội” có một hình ảnh gọn gàng thuần nhất, súng trường, bao gạo,
áo trấn thủ, chân đất, mũ lá; đến ngày nay hình ảnh đó đã phong phú lên quá nhiều,
không ai có thể vẽ được hình ảnh một người mà ngày nay có thể là một vị tướng,
là một sĩ quan, một phi công, một chiến sĩ xe tăng, một chiến sĩ tên lửa, pháo
binh, một chiến sĩ thông tin, anh binh nhì, anh hạ sĩ, v.v… và v.v… Anh bộ đội
ngày nay có khi mặc quân phục dã chiến, khi thì có lễ phục đầy huân chương và
phù hiệu rực rỡ. Người ta có thể vẫn lấy hình ảnh anh binh nhất, binh nhì bộ
binh làm tiêu biểu cho cả hình ảnh “anh bộ đội”, nhưng dù sao cũng là không thể
đủ được.
Các
bạn hãy cùng tôi tưởng tượng một anh bộ đội trừu tượng. Anh ta năm nay 35 tuổi
và ngay từ khi anh 1 tuổi, anh đã là một chàng trai khỏe mạnh, hành quân, chiến
đấu, vui hát và lao động. Đời anh giống đời của Thánh Gióng: từ một đến hai
tuổi, anh là một chàng trai âm thầm khiêm tốn, bước chân anh chưa đặt quá vài
vòng núi rừng Việt Bắc. Năm anh hai tuổi anh đã một sự nghiệp phi thường, cùng
nhân dân khởi nghĩa dựng chính quyền độc lập khắp nước, rồi từ đó bất kỳ ở Nam,
Bắc, Tây, Đông, ai cũng biết đến anh, yêu mến anh, anh tiếp tục vừa đánh giặc
vừa lớn mãi lên cho đến khi anh trở thành anh “quân đội nhân dân” hùng mạnh,
anh đã lớn gấp vạn lần khi anh một tuổi. Năm 17 tuổi, anh có hai tên: Quân đội
nhân dân và Giải phóng quân. Anh lại vươn vai lần nữa, anh đánh giặc cả ở ruộng,
ở núi, ở sông, ở trên trời, dưới biển. Và năm anh 31 tuổi, anh lại mang lại một
tên và anh lớn lên gấp 10 lần nữa. Tuy vậy anh vẫn là một anh: anh trai trẻ mà
dày dặn hơn, vẫn ca hát, hành quân và lao động, tuy anh phải đứng canh gác cả
ba bề bốn bên của Tổ quốc. Sau 35 năm anh vẫn như vậy và có lẽ mấy chục năm nữa
anh vẫn như thế, không già đi và cũng không trẻ lại. Trong người anh có cả chất
của vị tướng dày dặn chiến chinh, đầu óc bộn bề binh thư, binh pháp; có cả
chất một anh trẻ tươi vui nghịch ngợm, hành quân xa, mang vác nặng, bắn súng
giỏi, đào công sự cừ, anh có cả một tâm hồn khoáng đạt, mơ ước những nơi xa xăm
ở các nẻo tận cùng đất nước, có cả lòng yêu quê hương gắn bó, không muốn rời
khỏi làng, huyện của mình, có cả sự sỗ sàng nghịch ngợm của một chàng trai, có
cả vẻ e dè duyên dáng của các cô du kích tài ba, có những nét chân thật thơ
ngây của một cậu học trò tỉnh lẻ, thôn quê, có cả những ánh mắt thông minh đầy
suy tư của một nhà giáo, một trí thức, một sinh viên đại học. Đấy muốn nói về con
người bộ đội nói chung, thì cái con người đó bao gồm nhiều vẻ, nhiều nét phong
phú và trái ngược như vậy đấy. Trong anh có cả một lịch sử chiến đấu 35 năm cô
đúc lại. Anh binh nhì một tuổi quân, 20 tuổi đời nhưng cũng mang trọn trong
mình 35 năm tuổi của một anh bộ đội nói chung như vậy.
Tinh
thần thượng võ, tinh thần chiến đấu và quyết thắng của dân tộc hun đúc nên một
quân đội “quyết chiến và quyết thắng”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, “kẻ thù
nào cũng đánh thắng”. Đời sống và chiến đấu của quân đội ta lại càng làm cho cả
dân tộc ta vốn đã là một dân tộc bất khuất, lại càng anh hùng, thành một dân
tộc của những chiến sĩ. Trong ngôn ngữ, trong phong cách, dân tộc ta luôn biểu
lộ khí phách của các chiến sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà trong đời sống hàng ngày
của ta đều phổ biến dùng các ngôn ngữ quân sự. Bất cứ công tác nào, công việc
nào cũng trở thành “mặt trận” và “trận địa”, bắt đầu việc gì ta cũng “tiến
quân”, ai làm việc gì cũng là chiến sĩ, mỗi đợt công việc đều trở thành chiến
dịch, ở một tập thể nào cũng có vấn đề “quân số”, việc gì cũng có “thắng lợi”
và “thất bại”. Những ngôn từ cổ kính nay bỗng được sống lại đầy hào hùng, sinh
khí và với một nội dung thật cao cả, đẹp đẽ : “cảm tử”, “quyết tử”, “dũng sĩ”,
v.v… Chúng ta quen sống như vậy đến nỗi nghiễm nhiên chúng ta thấy như sinh
hoạt quân sự trở thành nếp sống hàng ngày của chúng ta. Và ngôn ngữ quân sự
cũng đã trộn lẫn với ngôn ngữ thường ngày thành một ngôn ngữ chung của dân tộc
trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Anh
bộ đội 35 tuổi quân đã có cháu gọi bằng ông, anh mang trong người cả một lịch
sử và một cuộc sống chiến đấu sôi nổi, một tâm hồn tích lũy đầy những vui,
buồn, lo âu, phấn khởi của cái lịch sử đó. Nhưng anh cũng vẫn đang sống với cái
thời điểm của tuổi thứ 35, giống như anh, chàng trai con cháu anh đang sống ở
tuổi quân thứ nhất.
Anh
vẫn đang sống và lớn lên dưới ánh sáng của trí tuệ của người cha tinh thần:
Đảng tiền phong, với đạo đức tuyệt vời của người sáng lập vĩ đại: Chủ tịch Hồ
Chí Minh, đồng thời với sự nuôi dưỡng và nguồn sức mạnh của người mẹ hiền thân
thương gần gũi: Nhân dân. Anh đã giáp mặt với nhiều loại kẻ thù. Anh đã trở
thành một mẫu người “đấu tranh cho độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội” của thời
đại hiện nay.
Lịch
sử và thời đại đã trao cho anh nhiệm vụ phải đánh bại nhiều kẻ thù khác nhau và
đến bây giờ anh lại đang phải nhận mặt thêm những kẻ thù mới và cũ, mà bản chất
chúng vẫn là kẻ thù của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những kẻ thù ấy,
cả mới và cũ, đang câu kết với nhau một cách hiểm độc, tàn bạo và trắng trợn,
những kẻ thù phản bội và tráo trở. Nhưng anh lại càng được sự ủng hộ, thương
yêu và đoàn kết của vô vàn anh em bạn bè cũ và mới. Tuy cực kỳ gian khổ, cay
đắng, anh vẫn cứ không ngừng lớn mạnh và mạnh hơn bao giờ hết và sẽ càng ngày
càng mạnh phi thường.
Quân
đội ta hiện nay là một quân đội binh chủng hợp thành hiện đại. Khó mà tưởng
tượng ra một “anh bộ đội” tiêu biểu cho hết mọi mặt của quân đội. Nhưng rút
cục, ta vẫn phải có một anh như vậy. Anh ấy đã 35 tuổi và sau này nhiều năm qua
nữa, cũng vẫn là anh ấy. Dù có bao nhiêu tuổi, anh ấy cũng không già. Trải qua
muôn ngàn cuộc chiến đấu, đã nhiều anh hy sinh. Thế mà vẫn còn nguyên vẹn anh
ấy lớn hơn trước, già dặn hơn trước, giỏi giang hơn trước. Và vậy là tất cả
những anh đã hy sinh đều là bất tử và đều đã góp phần làm cho anh bộ đội của ta
giỏi hơn, khỏe hơn, đẹp hơn. Kể cả bao nhiêu người đã già yếu, đã làm trọn
nhiệm vụ trong quân đội, đã nghỉ hưu, đã chuyển đi công tác khác, nhưng rút cục
vẫn để lại cho anh bộ đội một cái gì, một phần nào đó cái lớn mạnh giỏi giang
và vẫn làm tỏa rộng thêm ra trong xã hội những cái hay, cái đẹp của quân đội.
Người
ta có thể lúc này lúc khác, chỗ nọ chỗ kia phàn nàn về điều này, điều khác, bực
về anh, trách anh thậm chí có kẻ xấu mồm xuyên tạc vu cáo, khoét sâu đôi điều
khuyết điểm của anh để hạ thấp giá trị của anh, để kích động sự xa rời giữa anh
và nhân dân, gieo rắc những tâm trạng mất cảm tình, mất tin tưởng đối với anh,
hòng làm giảm sức mạnh của anh, nhưng những con mắt vô tư, những tấm lòng lương
thiện và lành mạnh vẫn nhìn anh, như thấy ở anh một “anh bộ đội” nói chung với
những vẻ đẹp riêng của cả hình thức và nội dung tâm hồn với sự phát triển
trưởng thành đặc biệt của anh và sức mạnh chiến thắng của anh hôm nay và ngày
mai.
Anh
là anh bộ đội của cả một thời đại, là sự báo hiệu những nét đặc trưng của một
loại người mới, con người xã hội chủ nghĩa.
Mọi người vẫn chúc mừng anh với
niềm tự hào chân chính và tin tưởng vào những chiến công của anh sẽ lập trong
tương lai.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét