Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Khẩn trương và kiên trì xoá bỏ hậu quả của văn hoá thực dân mới


Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ra đời, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước Á, Phi và Mỹ la-tinh ngày càng phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu. Phong trào đấu tranh của nhân dân đòi cải thiện dân sinh, dân chủ ở các nước tư bản Tây Âu và trên thế giới tiếp tục tiến triển mạnh mẽ và rộng khắp.


Trong bối cảnh tình hình thế giới thuận lợi đó, qua chín năm kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp, giải phóng toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Dư luận nước ngoài cho rằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, làm rạng rỡ tên tuổi của dân tộc Việt Nam trên khắp thế giới, củng cố thêm niềm tin của toàn thể các dân tộc bị áp bức hướng về chủ nghĩa xã hội, hướng về Liên Xô, thành trì của cách mạng thế giới.
Trước sự phá sản của chủ nghĩa thực dân cũ và sự phát triển ngày càng vững chắc của lực lượng cách mạng dân tộc, dân chủ khắp mọi nơi, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, buộc phải thay đổi âm mưu, thủ đoạn, chính sách để thích ứng với tình hình của giai đoạn mới, nhằm cứu vãn chủ nghĩa thực dân đang sụp đổ, hòng ngăn chặn bước tiến của ba dòng thác cách mạng. Chủ nghĩa thực dân mới là thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc trong thời đại mới, thời đại mà nội dung cơ bản là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thời đại suy vong của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, thời đại tiến công và thắng lợi của ba dòng thác cách mạng trên thế giới. Do đó, tuy chủ nghĩa thực dân mới, đặc biệt là chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo trá, lừa bịp, nguỵ trang dưới nhiều khẩu hiệu, nhiều tên gọi, nhiều hình thức mị dân tinh vi, hiểm độc, song dù sao chính sách thực dân giấu mặt trá hình đó vẫn là sản phẩm của thế suy yếu của bọn đế quốc trước những đòn tiến công dồn dập của các lực lượng cách mạng trên thế giới.
* * *
Ở Việt Nam, ngay sau khi nhân dân ta vừa chiến đấu chống đế quốc Pháp thắng lợi, đế quốc Mỹ đã âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng bằng cách dựng lên chính quyền tay sai Ngô đình Diệm. Những năm đầu của chế độ này, trong thời gian ngắn từ 1954 đến 1959, bọn cầm đầu Mỹ, nguỵ mong muốn biến miền Nam nước ta thành “một nước riêng biệt”, tích cực tuyên truyền con đường “tự do, dân chủ” mà chúng chọn lựa “bên cạnh người Mỹ”. Từ những năm 1960 trở đi, chế độ thực dân mới mà Mỹ thiết lập tại miền Nam đã đi vào thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng đánh dấu bằng phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam, bằng sự thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng và tiếp đó là bằng sự sụp đổ thảm hại của chính quyền tay sai Diệm – Nhu. Để cứu vãn chế độ tay sai trước nguy cơ sụp đổ, đế quốc Mỹ buộc phải áp dụng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ào ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam. Từ con số gần 20.000 cố vấn, sĩ quan, chuyên viên Mỹ thời Diệm – Nhu, đế quốc Mỹ đã đưa hơn nửa triệu sĩ quan và binh lính trực tiếp xâm lược miền Nam. Bộ mặt cướp nước và bán nước của Mỹ, nguỵ quá lộ liễu. Nước sơn “tự do, dân chủ” của “chính quyền quốc gia” bị bóc trần. Với cuộc chiến tranh cứu nước của nhân dân ta từ Bắc chí Nam, phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam từ nông thôn đến thành thị đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Cuộc kháng chiến anh hùng của toàn thể nhân dân ta đã nhanh chóng làm cho âm mưu xâm lược của địch bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ lại buộc phải thay đổi chiến lược. Đó là chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” - chiến lược báo trước sự phá sản không tránh khỏi của chế độ thực dân mới vào một ngày không xa nữa.
Thực ra, chế độ thực dân mới Mỹ tại miền Nam Việt Nam có những chỗ khác với chế độ thực dân mới ở nhiều nước mà đế quốc Mỹ đã xây dựng tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh. Nó không bao giờ đạt đến trình độ hoàn chỉnh và ổn định, mặc dù đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện cả một hệ thống chính sách chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội thực dân mới.
Nói khái quát, từ năm 1954 đến trước ngày 30-4-1975, đế quốc Mỹ đã cố thực hiện từng bước của chủ nghĩa thực dân mới tại miền Nam nước ta.
Về chính trị, chúng dựng lên bộ máy nguỵ quyền bù nhìn độc lập giả hiệu với cả một hệ thống Hiến pháp, Quốc hội, Toà án, mật vụ, cảnh sát, trại giam … xuống đến tận thôn ấp để kìm kẹp đồng bào ta. Về quân sự, chúng thành lập một quân đội đánh thuê bản xứ với cố vấn, chỉ huy, trang bị Mỹ. Những âm mưu này không thực hiện được. Ở giai đoạn sau chúng phải đem quân trực tiếp xâm lược miền Nam, hòng biến nửa nước ta thành căn cứ quân sự Mỹ.
Về kinh tế, chúng cho phát triển kinh tế tư bản tự do cạnh tranh, bóc lột, với sự đầu tư về vốn liếng, về nguyên liệu của Mỹ và của một số nước tư bản chư hầu. Nền kinh tế miền Nam ngày càng lệ thuộc Mỹ để từ đó dễ bề chi phối xã hội miền Nam cả về chính trị, quân sự và các mặt khác.
Về văn hoá xã hội, chúng thực hiện nhiều chính sách nhằm phá hoại văn hoá dân tộc một cách có hệ thống có sự chỉ đạo chặt chẽ về tổ chức. Chúng cho du nhập bừa bãi tất cả các cặn bã văn hoá, văn nghệ tư bản đồi truỵ phương Tây. Tuy chúng có đưa ra một số cải cách mị dân, nhưng điều chủ yếu là nhằm tạo nên một giai cấp tư sản mại bản trung thành với đế quốc Mỹ, sống chết dựa vào đồng đô-la Mỹ và thông qua giai cấp tư sản cùng chính quyền tay sai và cả đội quân xâm lược Mỹ, để reo rắc “lối sống Mỹ”, chủ nghĩa thực dân Mỹ tại miền Nam Việt Nam, phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Để đối phó với cuộc chiến đấu của toàn thể nhân dân ta chống đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố đây “là một thứ chiến tranh lý tưởng đối đầu với lý tưởng”. Với tiềm lực kinh tế và quân sự lớn nhất trong phe đế quốc, đế quốc Mỹ cố sức thực hiện mưu đồ giành bá quyền trên trận địa tư tưởng, văn hoá. Song song với bạo lực, nhà cầm quyền Mỹ - nguỵ tại miền Nam mở ngay cuộc tiến công chống cách mạng trên trận địa ý thức hệ. Rõ ràng là đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai đã dành cho văn hoá, văn học, nghệ thuật một vị trí đặc biệt quan trọng trong các mưu đồ thống trị nhân dân ta, dùng văn hoá, văn học, nghệ thuật làm một công cụ đắc lực để bảo vệ chế độ thực dân mới.
Những tình hình trên đây đã làm lộ rõ bộ mặt, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của văn hoá thực dân mới, đã bóc trần chính sách văn hoá của Mỹ - nguỵ, đã quy định một số đặc điểm của văn hoá thực dân mới tại miền Nam nước ta.
I. Âm mưu và thủ đoạn của văn hoá thực dân mới
Văn hoá thực dân mới là một âm mưu, là một chính sách của Mỹ tiến hành trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nó còn là một phương tiện xâm lược của đế quốc Mỹ. Âm mưu và phương tiện này được thực hiện trên cơ sở những âm mưu về quân sự, chính trị, kinh tế. Bởi vì, âm mưu về văn hoá của chúng được tiến hành dựa trên sự viện trợ về kinh tế một cách ồ ạt và liên tục trong nhiều năm cùng với việc du nhập “lối sống Mỹ” vào miền Nam.
Âm mưu về chính trị của đế quốc Mỹ là nhằm lập lên một bộ máy chính quyền, một đội quân đánh thuê cũng là để làm cơ sở triển khai âm mưu về văn hoá, tác động vào tư tưởng, đời sống của nhân dân.
Về quân sự, chúng gây nên một cuộc chiến tranh tàn khốc và qua những hành động quân sự, chúng lại thực hiện âm mưu về văn hoá. Chúng dùng hơn nửa triệu quân xâm lược để đàn áp cách mạng, nhưng đây cũng là hơn nửa triệu quân viễn chinh mang “lối sống Mỹ” đồi truỵ, tàn bạo, nguồn gốc của nhiều cảnh tượng xã hội xót xa, đau lòng.
Đối với chủ nghĩa thực dân cũ, sau khi chiếm đất đai, lập xong bộ máy cai trị với những tên thực dân chính quốc cùng với bọn bù nhìn bản xứ, thì coi như nó đã đạt được mục tiêu, và ít ra đội quân xâm lược chiếm đóng vẫn còn đó, có thể làm nốt những gì chúng chưa thực hiện được.
Nhưng với chủ nghĩa thực dân mới, nhất là chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ, mà lại đứng trước Việt Nam, một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm lâu đời, có tinh thần tự lập tự cường, có ý chí bất khuất, đã được tôi luyện trong lịch sử lâu dài đấu tranh chống các kẻ thù xâm lược hung hãn nhất trên thế giới thì việc chiếm đất đai và việc lập xong bộ máy chính quyền chưa phải là mục tiêu cuối cùng của cuộc xâm lược. Chúng còn phải thực hiện được âm mưu về tư tưởng và văn hoá, mà mục đích cụ thể là làm cho nhân dân ta mất ý thức dân tộc, thậm chí mất cả ý thức về bản thân mình. Chỉ đến lúc ấy chúng mới có thể an tâm và xem là đã hoàn thành được mục tiêu xâm lược miền Nam Việt Nam.
Cho nên, âm mưu về văn hoá cũng là một mục tiêu quan trọng trong toàn bộ âm mưu xâm lược đất nước ta của đế quốc Mỹ. Đó cũng là một phương tiện để xâm lược được sử dụng trên cơ sở những âm mưu quân sự, chính trị, kinh tế và những âm mưu này lại làm điều kiện cho phương tiện văn hoá phát huy tác dụng.
Văn hoá thực dân mới lấy ý thức hệ tư sản phản động hiện đại làm nền tẳng. Ý thức hệ tư sản này là ý thức hệ tư sản ở thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng không dừng lại ở mức độ đó, văn hoá thực dân mới còn sử dụng tất cả những yếu tố phản động nhất và lạc hậu nhất, chẳng những của giai cấp tư sản, giai cấp phong kiến, mà của cả các thế lực phản động khác, các phần tử thoái hoá và biến chất trong phong trào công nhân, bọn phản động quốc tế giả danh cách mạng. Văn hoá thực dân mới cũng tiếp nhận và khai thác triệt để những thành quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật trong thời đại hiện nay. Cho nên tính chất văn hoá thực dân mới rất phức tạp và chính bản chất này được thể hiện rõ ở nội dung và thủ đoạn quán xuyến nhất, chủ yếu nhất của nó là chống cộng và nguỵ dân tộc.
Chống cộng gắn liền với nguỵ dân tộc. Chống cộng đồng thời là chống độc lập dân tộc và chống độc lập dân tộc ở đây chính là chống độc lập chân chính, chống thống nhất đất nước, nhằm dựng dậy cái chiêu bài “quốc gia”, “dân tộc” để chống lại cái dân tộc chân chính của chúng ta. Đế quốc Mỹ chống cộng để xâm chiếm miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự của chúng tức là chống lại nền độc lập chân chính của chúng ta. Để thực hiện âm mưu đó, chúng đã tìm cách lừa bịp, giương lên ngọn cờ độc lập giả hiệu, nguỵ dân tộc, nguỵ hoà bình.
Một thủ đoạn khác là chúng tiến hành chiến tranh tâm lý một cách phổ biến và rộng rãi. Chiến tranh tâm lý được tiến hành trong suốt thời kỳ chiến tranh xâm lược. Nó được coi là một thủ đoạn chiến lược. Bộ máy thông tin tuyên truyền của chúng luôn luôn tìm cách đánh vào tâm lý quần chúng, khai thác những mặt tiêu cực nhất của tâm lý xã hội để truyền bá những ý thức tư tưởng phản động trong nhân dân.
Một thủ đoạn hiểm độc khác nữa là chúng cho du nhập và truyền bá vào miền Nam nước ta một lối sống mà ta thường gọi là lối sống Mỹ. Trên cơ sở của sự xâm lược về quân sự và kinh tế, lối sống này có đặc điểm chủ yếu là tạo nên những con người theo cái khuôn mẫu của chúng, nhằm thực hiện cho được mục tiêu xâm lược, xoá bỏ và thủ tiêu tính chất dân tộc, tâm hồn dân tộc Việt Nam. Chúng muốn xoá bỏ mọi ý thức dân tộc chân chính, xoá bỏ ý thức về giai cấp và ý thức về nhân bản, về bản thân từng con người trên tất cả các mặt. Về chính trị cũng như về nhân sinh quan, về lối sống cũng như về cách nhận thức thẩm mỹ, chúng đều cố tạo ra một loại người mà có ý kiến gọi là “người nô lệ hân hoan”, “người nô lệ sung sướng” hoặc là “người nô lệ kiêu hãnh”. Có lẽ, từ ngữ “người nô lệ tự nguyện” là tương đối thích hợp hơn cả. Chúng tôi muốn trích dẫn ở đây ý kiến của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước đây nói về ý nghĩa của từ ngữ này đăng trên tạp chí “Đối diện”, số tháng 3 năm 1972 : “Phải dùng mọi thủ đoạn ồ ạt và tinh vi để tạo nên những đứa con hoang câm và điếc của chiến tranh ; phải xúi giục và đôn đốc, hướng dẫn, khích lệ những đứa con hoang chó đẻ khác, những đứa con nghèo đói của chiến tranh để chúng nó chiến đấu và chết cho chiến thắng của chúng ta (tức là Mỹ - B.T.). Phải làm thế nào để chúng nó hăm hở, bền bỉ chiến đấu cho quyền lợi xứ sở chúng ta mà chúng vẫn cứ nuôi ảo tưởng chiến đấu và chết cho quê hương của chúng nó”. Có thể nói, đây là một câu nói rất láo xược, tiêu biểu cho âm mưu và mục tiêu mà đế quốc Mỹ định đạt được về mặt văn hoá và tư tưởng. Chúng cố tạo nên “những đứa con hoang câm và điếc”, với những đặc điểm chủ yếu sau đây :
Hoài nghi và mất hết tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, đối với xã hội và đối với dân tộc, nghĩa là một loại người hoài nghi, không còn lòng tin và không có lý tưởng.
Mơ hồ, không còn biết và cũng không cần phân biệt phải trái, trắng đen, cho cuộc đời tất cả là phi lý.
Ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa cực đoan, ích kỷ cao độ, chỉ biết sống vì mình, còn thì “sống chết mặc bay”.
Khinh lao động, ngại sản xuất, thích ăn bám người khác, thích hưởng thụ một cách dễ dãi.
Sùng ngoại, kém tinh thần dân tộc, vì đã hoài nghi mơ hồ mọi lý tưởng và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì tất nhiên sẽ dẫn tới sự sùng bái tư tưởng và văn hoá của nước ngoài một cách mù quáng ; không còn phân biệt đâu là tinh hoa, đâu là nọc độc của những nguồn tư tưởng và văn hoá đó nữa.
Chúng tôi vừa nêu lên một cách vắn tắt năm đặc điểm chủ yếu của những “đứa con hoang câm và điếc” mà chủ nghĩa thực dân mới định nhào nặn nên tại miền Nam Việt Nam. Đây là mục đích thực sự của âm mưu văn hoá của đế quốc Mỹ đối với chúng ta. Nhưng toàn bộ âm mưu của chúng là không thể thực hiện được, vì bản thân những âm mưu đó có những mâu thuẫn mà chúng không thể khắc phục được : mâu thuẫn giữa âm mưu về tư tưởng và văn hoá với sự thất bại về quân sự và chính trị của Mỹ. Âm mưu thâm độc như thế nhưng chúng vẫn đi từ thất bại này đến thất bại khác. Mỗi lần thất bại trên chiến trường thì tất cả những gì đạt được trước đó đều bị mất đi, chúng đã phải thay đổi kế hoạch và lại lao vào làm lại. Vì thế mà đế quốc Mỹ luôn luôn ở trong một trạng thái không ổn định, khiến cho nhiều chính khách Mỹ thường than thở là Mỹ đã “chọn nhầm đối tượng, chọn nhầm địa điểm” khi áp đặt chủ nghĩa thực dân mới tại Việt Nam.
Chúng nêu khẩu hiệu “quốc gia dân tộc” (thực chất là nguỵ dân tộc), cho nên chúng gặp một mâu thuẫn giữa nguỵ dân tộc và dân tộc chân chính. Nhân dân ta, các anh chị em trí thức và sinh viên, thanh niên ở các đô thị miền Nam đã lợi dụng sự mâu thuẫn đó làm vũ khí để chống lại các âm mưu tư tưởng và văn hoá của địch.
Chúng muốn tạo nên một lối sống hoài nghi và mơ hồ trong thanh niên, trong quân đội và nhân dân, nhưng chúng lại cần có một ý chí và sức chiến đấu trong quân đội đánh thuê của chúng, điều mà chúng không thể nào tạo nên được. Tất cả, từ bọn tướng tá, sĩ quan cấp dưới cho đến binh lính của địch luôn luôn ở trong một tâm trạng chán chường, hoài nghi không biết mình làm gì, không biết mình chiến đấu cho ai và kết quả sẽ đi đến đâu ? Chúng tạm thời gắn bó với nhau chỉ vì chiến tranh tâm lý, vì sự kìm kẹp của các lực lượng mật vụ, và vì chính sách kinh tế, các khu gia binh, các tổ chức quân tiếp vụ, các chế độ lương bổng và thưởng phạt.
Chúng không thể thực hiện được âm mưu của chúng, vì những thất bại về quân sự, chính trị, ngoại giao đã lôi cuốn theo những thất bại về tinh thần, về tư tưởng và văn hoá.
Sau hết, chúng không thể thực hiện được còn vì sự chống đối dữ dội của nhân dân ta, một nhân dân đã từng được hun đúc trong các truyền thống văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Lực lượng đấu tranh mạnh mẽ nhất để chống lại những âm mưu nô dịch về văn hoá của Mỹ - nguỵ trước hết là chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hậu phương lớn ấy xuất hiện như một căn cứ địa cách mạng về cả vật chất, tinh thần, văn hoá, tư tưởng, là nơi mà nhân dân ta đã xây dựng được một nền văn hoá phát huy các truyền thống văn hoá dân tộc, tiếp thu có sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân loại. Nền văn hoá đó đã toả ánh sáng mạnh mẽ và cổ vũ tất cả những người chiến đấu ở tiền tuyến và cả những người sống ở vùng địch tạm chiếm (bằng nhiều con đường mà vai trò quan trọng lúc bấy giờ là các đài phát thanh của ta).
Một lực lượng khác là lực lượng chiến đấu tại chỗ. Lực lượng chiến đấu tại chỗ có nhiều loại. Một lực lượng có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, của cách mạng. Những lực lượng khác không có sự lãnh đạo trực tiếp, bao gồm những người yêu nước, những người có thiện chí thật sự với cách mạng, tuy chưa tán thành quan điểm của chủ nghĩa cộng sản, họ thấy rõ bộ mặt thật của đế quốc Mỹ nên đã chống đối mạnh mẽ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Một lực lượng khác nữa có tác dụng chống lại văn hoá thực dân mới là truyền thống về ý thức dân tộc rất sâu sắc và rất mạnh trong mỗi người Việt Nam, trong mỗi gia đình Việt Nam. Nhiều ý nghĩ, nhiều hành động về văn hoá và tư tưởng chống lại nếp sống của kẻ thù đã diễn ra hàng ngày hàng giờ trong từng con người, trong từng gia đình và từng tập thể.
Đến bây giờ, chúng ta càng thấy rõ là tuy âm mưu của chủ nghĩa thực dân mới cực kỳ phản động, phức tạp và hiểm độc, phương tiện mà chúng nó sử dụng rất hiện đại và khổng lồ, nhưng chúng không sao thực hiện được âm mưu của chúng. Ngay ở những nơi chúng kìm kẹp, xây dựng được bộ máy thống trị hai, ba chục năm liền, vẫn có sự chống đối một cách mạnh mẽ, gay gắt.
II. Chính sách văn hoá thực dân mới
Với bản chất của một tên đế quốc vô cùng độc ác, với mưu đồ lập ra tại miền Nam Việt Nam một “quốc gia dân chủ” giả hiệu, với những thủ đoạn cực kỳ nham hiểm, chính sách văn hoá, văn nghệ của Mỹ-nguỵ tập trung vào mấy điểm chủ yếu mà trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã bước đầu thấy rõ như sau :
1. Chúng ra sức tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thời thực dân Pháp còn lại, đồng thời đào tạo, xây dựng hẳn một lớp trí thức, văn nghệ sĩ mới, cả già và trẻ, có quan điểm thù địch với chủ nghĩa xã hội khoa học để hợp thành lực lượng chống cách mạng, chống cuộc kháng chiến của toàn dân ta.
Cấp lãnh đạo trực tiếp của các trường đại học công (do nguỵ quyền quản lý) cũng như nhiều trường đại học tư (do tư nhân quản lý) phần lớn đều là những người có quan hệ gắn bó với chế độ thực dân mới. Tiếp cận những người này có đông đảo giáo sư đã tốt nghiệp ở Mỹ về, được nhà cầm quyền rất ưu đãi, trực tiếp dạy những môn học quan trọng như triết học, sử học, xã hội học, giáo dục học, chính trị học, nghệ thuật học, … theo quan điểm của chủ nghĩa tư bản. Tầng lớp giáo sư được biệt đãi này có ảnh hưởng quyết định đối với sinh viên, nhồi nhét vào đầu óc sinh viên những quan điểm thù địch với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đề cao chủ nghĩa tư bản Mỹ, lối sống Mỹ.
Chương trình học tập của sinh viên ở trường công cũng như trường tư đều nhằm phục vụ cho chế độ thực dân mới tại miền Nam. Phần lớn chương trình dựa theo các Viện, các trường đại học Mỹ hoặc Pháp, trong đó các môn ngân hàng, thương mại, quản trị theo lối Mỹ rất được chú trọng. Nếu là chương trình về khoa học nhân văn, thì tư tưởng chỉ đạo quán xuyến vẫn là chủ nghĩa chống cộng hoặc các loại triết thuyết không tưởng, siêu hình nhằm đánh lạc hướng hoặc phá hoại niềm tin của tuổi trẻ vào quê hương, vào tiền đồ của dân tộc. Nếu là trường nghệ thuật, thì chương trình giảng dạy về lịch sử nghệ thuật truyền thống dân tộc rất bị xem nhẹ, còn lịch sử hoặc các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật nước ngoài, kể cả trào lưu nghệ thuật trừu tượng, hình thức, đồi truỵ khác thì rất được coi trọng, đề cao.
2. Chúng ra sức lôi kéo, mua chuộc trí thức, văn nghệ sĩ bằng những điều kiện và phương tiện vật chất hiện đại, bằng việc cho đi tu nghiệp, thực tập dài hạn hoặc ngắn hạn ở Mỹ hoặc ở các nước tư bản có thái độ thù địch với chủ nghĩa xã hội, bằng nhiều giải thưởng văn học, nghệ thuật … nhằm tạo cho họ thành những người sùng Mỹ, sống ích kỷ, ham thích hưởng thụ vật chất, xa rời lý tưởng đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân lao động, vì sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi hoạ xâm lăng.
Phần lớn các cấp lãnh đạo hiệp hội văn hoá, nghệ thuật, các cơ quan thông tấn, báo chí, vô tuyến truyền hình, trung tâm văn học, nghệ thuật, các Viện đại học, Viện văn học, v.v… đều được đi tu nghiệp ở Mỹ hoặc ở các nước tư bản lệ thuộc hoặc chịu ảnh hưởng của Mỹ như Ca-na-đa, Tây Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, …
Nhiều ban hát, múa, đoàn kịch nghệ hay một số đơn vị, tổ chức hoạt động nghệ thuật đều được sự giúp đỡ về tài chính, về phương tiện kinh doanh của nhà cầm quyền Mỹ-nguỵ. Từ năm 1964 – 1965 trở đi, nguỵ quyền đã đề ra “giải thưởng văn học, nghệ thuật” để tặng cho những sáng tác nổi nhất về tinh thần chống cộng, nguỵ dân tộc, nguỵ hoà bình. Nhiều văn nghệ sĩ đã được chúng thưởng cho những tác phẩm thơ, văn, kịch nghệ, ca nhạc, phim ảnh, hội hoạ, điêu khắc, …
Chế độ thực dân mới đã tạo ra một đội ngũ tay sai trong nhiều lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Phần lớn số này xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản, tư sản, địa chủ, được đào tạo ở nhà trường Mỹ-nguỵ, chịu ảnh hưởng nặng ý thức hệ tư sản, được bọn chủ Mỹ nuôi dưỡng, bảo trợ về vật chất và tinh thần. Tầng lớp tay sai thân Mỹ, vong bản này trước đây đã có nhiều ảnh hưởng độc hại trong quảng đại thanh niên, học sinh, sinh viên ở các vùng đô thị tạm chiếm và hiện nay đã gây nhiều trở ngại cho việc xây dựng chế độ mới.
3. Nhờ khả năng có thể tung ra rất nhiều tiền của và các phương tiện khoa học kỹ thuật cao, đế quốc Mỹ khai thác và tận dụng triệt để mọi xu hướng hình thức, mọi thể loại, bộ môn văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp gồm văn, thơ, kịch nghệ, mỹ thuật, ca nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, dàn nhạc trẻ, máy chiếu phim gia đình, ba, sơ-nách-ba, vũ trường, phòng trà, sách báo, hoạ báo tranh ảnh và nhiều hình thức hoạt động văn nghệ khác nhằm cố tạo nên một bộ mặt xã hội tư sản, một không khí phồn vinh giả tạo, nhằm thực hiện mục đích cuối cùng của chúng là truỵ lạc hoá nhân dân ta bằng văn hoá, văn học, nghệ thuật suy đồi, phản động.
Với mạng lưới báo chí, nhà xuất bản, hệ thống phát thanh vô tuyến truyền hình và hình thức hoạt động văn hoá, nghệ thuật rộng khắp ở các đô thị và nhiều vùng nông thôn, lại được một đội ngũ chuyên nghiệp có nghiệp vụ tốt cùng với sự có mặt của quân xâm lược Mỹ với nếp sống phóng đãng, truỵ lạc của chúng, bọn Mỹ-nguỵ đã gây ra từng đợt cuồng phong, tác động mạnh đến nền móng luân lý cổ truyền, làm nhiễm độc cả xã hội vùng tạm bị chiếm trước đây.
4. Sở trường của đế quốc Mỹ và tay sai là thường xuyên gây không khí căng thẳng, đe doạ, vu khống, đánh đập, bỏ tù, ám hại mọi trí thức, văn nghệ sĩ nào dám chống lại chúng. Hàng loạt những việc bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu những trí thức tiến bộ, yêu nước trong hơn hai mươi năm dưới ách thống trị của Mỹ-nguỵ đã chứng minh điều đó.
Như vậy, chế độ thực dân mới Mỹ tại miền Nam đã cố gắng thi hành một chính sách văn hoá thực dân mới. Chính sách văn hoá này được chỉ huy chặt chẽ từ bên trong, thông qua những cốt cán trung thành với chủ nghĩa thực dân mới đã được bố trí nằm trong các trường đào tạo thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, giáo dục, văn hoá khác nhau, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Ngoài việc thực hiện chính sách văn hoá thực dân mới bằng đãi ngộ, khuyến khích vật chất, bằng đô-la Mỹ, chúng còn dùng cả những biện pháp hành chính thô bạo, bằng sắc lệnh, nghị định kiểm duyệt khắc nghiệt và cuối cùng là bằng nhà tù, trại giam và giết chóc người một cách tàn bạo như chúng ta đã biết.
Nếu thấy ở Sài Gòn trước đây, văn nghệ thực dân mới còn cố khoác cái vỏ bề ngoài loè loẹt, thấy sách báo được xuất bản bừa bãi, thấy “mỗi nhà văn, nhà nghệ sĩ là chủ nhân ông của họ”, các quyền sáng tác, suy luận theo ý riêng như báo chí, đài phát thanh Sài Gòn trước đây đã tuyên truyền mà vội nghĩ rằng chế độ thực dân mới đã ban hành quyền tự do của con người, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, … thì đó là một nhầm lẫn lớn. Chính sách văn hoá của chúng không khác gì hơn là huỷ diệt mọi truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mở rộng cửa cho các nguồn tư tưởng, các khuynh hướng nô dịch của chủ nghĩa thực dân cũ lẫn mới tràn vào đầu độc nhân dân ta.
III. Một số đặc điểm của văn hoá thực dân mới
Chủ nghĩa thực dân mới chi phối và quyết định âm mưu, thủ đoạn, chính sách, đặc điểm của văn hoá thực dân mới. Chế độ thực dân mới tại miền Nam Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng cho đến khi sụp đổ. Do tác động của bối cảnh lịch sử trong từng giai đoạn, có lúc trào lưu, khuynh hướng văn hoá, nghệ thuật này xuất hiện, khuynh hướng văn hoá, nghệ thuật kia tạm lắng xuống, song về đại thể, chúng ta vẫn có thể xác định được một số đặc điểm chủ yếu của văn hoá thực dân mới trong hơn hai mươi năm tại miền Nam Việt Nam.
1. Tính chống cộng thô bạo và triệt để
Trong những năm thời Diệm-Nhu, các tên bồi bút văn nghệ chống cộng ra sức xuyên tạc cuộc kháng chiến của dân tộc ta do Đảng lãnh đạo, coi đó là một cuộc chiến tranh “ý thức hệ”, vu khống chủ nghĩa cộng sản giết chết cá tính, thủ tiêu quyền tự do của con người, gieo rắc không khí ngờ vực, sợ hãi những người kháng chiến, những người cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho nhân dân ngày càng xa rời mục tiêu đấu tranh chống Mỹ-nguỵ, để chủ nghĩa thực dân mới dễ bề thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.
Trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ở thời kỳ này, cán bộ kháng chiến, những người cộng sản được chúng mô tả là những người tàn bạo, dâm loạn, vô nhân đạo, hiếu chiến. Mặt khác, bọn bồi bút tâm lý chiến cũng ra sức tô vẽ cho “chủ nghĩa quốc gia”, cho “chủ nghĩa cần lao nhân vị” của Diệm-Nhu, ca ngợi chế độ Mỹ-nguỵ là chế độ nhân đạo, tự do, dân chủ, được lòng dân và trắng trợn hơn, chúng còn hô hào Bắc tiến, “giải phóng quê hương”.
Sau khi Diệm bị lật đổ, nhất là khi quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam, chiều hướng chống cộng được chúng tiếp tục tăng cường, nhưng với những luận điệu tuyên truyền, những khẩu hiệu khác hơn, tinh vi hơn. Chúng khoét sâu hơn sự tàn phá của chiến tranh, dù đó là chiến tranh chống thực dân Pháp trước kia hay chống đế quốc Mỹ hiện nay, nhằm làm cho đồng bào ta chùn bước, không phân biệt giữa chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược, hoài nghi về thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nếu trước kia, chúng kết tội cộng sản chia cắt đất nước, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em thì nay chúng vu cáo rằng “cộng sản miền Bắc xâm lăng miền Nam”, rằng cuộc chiến tranh hiện nay là chiến tranh “huynh đệ tương tàn” do tham vọng của cộng sản gây nên. Chúng tuyên truyền cho sức mạnh vô địch của đế quốc Mỹ về kinh tế, về quân sự, để gây nên sự khiếp sợ trong quần chúng, làm giảm lòng tin ở cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Chúng giả vờ nói tới tình thương, hoà bình, từ bi, bác ái, tuyên truyền một chủ nghĩa nhân đạo mơ hồ không phân biệt đâu là thù, đâu là bạn. Chúng giả bộ khóc than, rên rỉ trước những thảm hoạ của chiến tranh “nồi da xáo thịt” để từ đó mà kết tội cộng sản và ru ngủ đồng bào ta cam tâm sống an phận dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới. Chúng giả vờ chửi Mỹ, chửi nguỵ, hay vừa chống Mỹ vừa chống cộng (giữa lúc nhân dân ta đang chiến đấu quyết liệt chống bọn xâm lược Mỹ) để được lòng dân, tranh chấp quần chúng với cách mạng, để có được uy tín chống cộng sản của ta, bôi xấu chế độ xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, từ ngày đưa Ngô Đình Diệm, sau đó đưa những tên tay sai khác và cuối cùng là đưa Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền ở miền Nam, đế quốc Mỹ luôn luôn nhằm mục tiêu biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới, luôn luôn coi chống cộng là một quốc sách. Chúng đã tận dụng vũ khí văn học, nghệ thuật để phục vụ cho quốc sách đó. Tính chống cộng thô bạo, tinh vi và triệt để đã được thể hiện quán xuyến trong toàn bộ các sáng tác, khảo cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật thuộc các bộ môn văn hoá, nghệ thuật. Tính chống cộng này biểu hiện dưới nhiều màu vẻ, sắc thái khác nhau, ở mức độ nặng nhẹ khác nhau trong các trào lưu văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, giáo dục triết học, tôn giáo, xã hội, … Tất cả đã gieo vào đầu óc thanh niên một sự ngộ nhận về chủ nghĩa cộng sản, tuyên truyền cho chủ nghĩa tự do cá nhân, hưởng thụ, sống gấp để cuối cùng làm tay sai cho Mỹ-nguỵ, cầm súng bắn giết đồng bào.
Nhìn chung, văn hoá nghệ thuật chống cộng tuy không đạt được mục tiêu mà đế quốc Mỹ mong muốn, nhưng nó đã gieo rắc trong một bộ phận nhân dân đô thị một số ảo tưởng về “Quốc gia độc lập”, những hiểu lầm sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản, chí ít cũng làm cho lớp người này ghét hoặc không thích chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Những ảo tưởng và ngộ nhận này phải có thời gian dài mới gột được sạch.
2. Tính nguỵ dân tộc sâu sắc và có hệ thống
Muốn khuất phục một dân tộc, bao giờ cũng vậy, quân xâm lược phải ra sức tiêu diệt được tinh thần của dân tộc đó, mà tinh thần dân tộc lại được kết tinh trong nền văn hoá cổ truyền. Nhưng nếu vấp phải sức phản kháng mãnh liệt và bền bỉ của cả dân tộc như dân tộc Việt Nam ta chẳng hạn, thì ít nhất quân xâm lược cũng tìm mọi phương sách cho nền văn hoá bản địa dần dần biến chất, lai căng, mất dần những bản sắc tốt đẹp của mình. Vì thế một mặt, đế quốc Mỹ cho du nhập vào miền Nam các “món hàng tư tưởng” thuộc ý thức hệ tư sản lạc hậu, phản động, mặt khác, chúng cũng ra lệnh cho bọn tay sai bản xứ bày ra lá cờ dân tộc giả hiệu để tranh chấp quần chúng nhân dân với những người kháng chiến, yêu nước. Vì trong thời đại ngày nay, khi cách mạng giải phóng dân tộc đang liên tục tiến công chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên quy mô toàn thế giới, thì chúng không thể không nói đến dân tộc được.
Chúng khôi phục và triệt để khai thác ý thức hệ phong kiến, tìm mọi cách lợi dụng các tôn giáo, từ Phật giáo, Lão giáo đến Khổng giáo, khuyến khích truyền bá nhiều thứ đạo giáo khác vốn có tại miền Nam hoặc du nhập từ nước ngoài, tạo điều kiện cho những giáo lý lạc hậu, phản động lan tràn hòng trói buộc nhân dân ta, ru ngủ bà con ta sống an phận dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới.
Chúng khai thác các hình thức hội hè, đình đám, tế lễ, tập tục mê tín, dị đoan cổ lỗ, lạc hậu để làm mê muội, bần cùng hoá nhân dân ta. Chúng tích cực khai thác mặt tiêu cực xuyên tạc những truyền thống đạo đức, văn hoá cổ truyền của dân tộc ta để tuyên truyền cho tinh thần dân tộc phong kiến hoặc tư sản phản động.
Chúng nhấn mạnh và thổi phồng “tính độc đáo” của văn hoá miền Nam với cả “hệ thống tư tưởng chính trị, thể chế, phong tục, tập quán riêng” để gây tinh thần chia rẽ Bắc – Nam, tạo nên chủ nghĩa biệt lập trong đồng bào miền Nam. Thực hiện âm mưu thâm độc trên, chúng khuyến khích viết về “Lịch sử văn học miền Nam”, “Pháp thuộc sử”, “Lịch sử nội chiến”, “Lịch sử chiến tranh tại Việt Nam”, Lịch sử thần học, Lão tử, Trang tử, Khổng tử, nguyên tử và hư vô, triết học đông phương, quốc học Việt Nam. Chúng tăng cường giới thiệu có hệ thống các trào lưu, khuynh hướng triết học tư sản phương Tây như chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh, cấu trúc luận, phân tâm học, chủ nghĩa thực dụng và các loại triết lý duy tâm siêu hình khác.
Nhìn chung mọi hoạt động văn hoá của Mỹ-nguỵ đều nói đến miền Nam như một quốc gia độc lập, tự do, một dân tộc có chủ quyền mà đế quốc Mỹ chỉ là bạn đồng minh. Bọn Diệm Nhu đã tổ chức “Đại hội văn hoá dân tộc” và Ngô Đình Diệm đã từng tuyên bố : “Phải phát dương cổ suý vốn văn nghệ dân tộc …”. Trong những năm cuối cùng của chế độ nguỵ quyền, một số trí thức, văn nghệ sĩ trung thành với đế quốc Mỹ đã dốc sức thực hiện chính sách văn hoá giáo dục “dân tộc”, nhân bản, “khai phóng” do chúng đề ra nhằm đối phó với đường lối văn hoá, văn nghệ dân tộc và cách mạng của chúng ta.
Trong suốt hai mươi năm dưới ách thống trị của bọn Mỹ-nguỵ tại miền Nam Việt Nam, đông đảo nhân dân ta ở đô thị và nông thôn vùng tạm bị chiếm đã liên tục chống lại văn hoá, văn nghệ nguỵ dân tộc, phi nhân bản đó, cùng với các loại văn hoá tiêu thụ thương mại khác mà chúng đã tích cực chủ trương và cổ vũ.
3. Tính dâm ô, đồi truỵ
Khuyến khích văn hoá, văn nghệ dâm ô, đồi truỵ bao giờ cũng là một chủ trương của chủ nghĩa nô dịch, dù là của thực dân Pháp trước đây hay đế quốc Mỹ về sau này. Không lôi kéo được con người theo chủ nghĩa quốc gia chống cộng hoặc lý tưởng cần lao nhân vị, thì phải truỵ lạc hoá con người, tạo ra một kiểu người sống không lý tưởng, nói đúng hơn là một kiểu người chạy theo lối sống gấp, lối sống sa đoạ, xem mục đích của cuộc đời, động cơ hành động của con người chẳng qua là vì “dục”, vì “lợi” mà thôi.
Cơ sở xã hội của văn nghệ dâm ô, đồi truỵ nếu trước đây là lối sống của lớp người đã Pháp hoá thì nay là của lớp người đang Mỹ hoá. Nhất là từ năm 1965, khi hơn nửa triệu quân xâm lược Mỹ vào miền Nam thì Sài Gòn và các thành phố đô thị khác xuất hiện hàng vạn vũ trường, phòng trà, quán nhạc, ba, sơ-nách-ba, … của lớp người chuyên sống bám vào đồng đô-la Mỹ, vào các dịch vụ của đội quân xâm lược Mỹ, đồng thời là kẻ truyền bá mọi thị hiếu, nếp sống tồi tệ nhất.
Báo chí, tranh ảnh của nước ngoài như của Mỹ, Tây Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan … xâm nhập vào miền Nam ngày càng nhiều. Phim ảnh khiêu dâm, kích động của nước ngoài cũng tác động đến thị hiếu và nếp sống của một bộ phận dân chúng vùng đô thị. Lúc đầu là phim Nhật với nhiều cảnh chơi đùa, thay quần áo, tắm rửa, làm tình, hiếp dâm, … và sau đó là phim Hồng Công, Đài Loan, Mỹ, Tây Đức, … mà mức độ gợi tình, kích dục còn đậm nét hơn.
Ca nhạc dâm dật, kích động của nước ngoài truyền sang nhiều vùng đô thị trước kia qua sự tuyên truyền của đài phát thanh ngoại quốc, đồng thời qua các chương trình biểu diễn ca vũ nhạc của nước ngoài trên màn ảnh vô tuyến truyền hình của nguỵ quyền Sài Gòn, cùng với cả một hệ thống đĩa hát, băng nhạc của nước ngoài hoặc của nguỵ quyền sản xuất đã tràn ngập thị trường lúc bấy giờ, mà một người cầm bút vùng đô thị tạm chiếm đã lên án : “Đó là loại nhạc dâm dật, kích động tận cùng bản năng nhục dục, rên la ca tụng mấy mối tình hậu phương tiền tuyến, sầu thương mấy cái rốn ái tình được hát hàng đêm trong phòng trà và cái giá bình dân nhất cũng bằng cả tiền lương tháng của anh binh nhì đang đem sinh mạng ra bảo vệ ván cờ “đô-mi-nô” của các chiến lược gia Mỹ” (Văn mới (Sài Gòn), số ngày 15-10-1971).
Trên sách báo, tạp chí, báo ra hàng ngày bằng tiếng Việt, văn chương tình dục và khiêu dâm ngày một bành trướng mạnh. Trong thơ ca, tiểu thuyết, khảo cứu tâm lý, triết học … ta thường bắt gặp những trang mô tả, những định nghĩa về nhục cảm, về tình dục một cách lẩm cẩm, vô lý kéo dài hàng chục trang, thậm chí hàng trăm trang giấy và như có ý kiến đã nói : “tất cả tạo cho người ta cái cảm tưởng tình dục là vấn đề số một, không có không được. Đối với một số người ở thành thị thì tình dục là tất cả và tất cả cho tình dục”.
Một số lớn các nhà làm phim Sài Gòn thi nhau phát hiện những thân hình khêu gợi, nảy lửa (lời của báo chí Sài Gòn) qua các cuộc thi chọn “hoa hậu” do nguỵ quyền tổ chức để tuyển lựa tài tử, diễn viên. Nên kể một số phim truyện tiêu biểu về khuynh hướng sa đoạ này : Hè 72, Bẫy ngầm, Đời chưa trang điểm, Hè muộn, …
Ngoài các loại sách, nhật báo, tạp chí, phim ảnh, ca nhạc, hội hoạ, kịch nghệ, thơ ca, tiểu thuyết mà dư luận công chúng miền Nam đã chê trách, còn phải kể tới những hoạt động thường ngày, rộng lớn, liên tục của các công ty buôn bán tình dục, từ việc bán dụng cụ trợ dâm, máy làm nở ngực, tắm hơi, … đến những hội hoạ khoả thân, hội yêu nhau bằng mồm, những bề hội đồng, những hội bí mật hưởng lạc tập thể, tổ chức CTY (Viết tắt của câu : Cần tình yêu, cho tình yêu, cướp tình yếu – B.T.), bụi đời, các băng híp-pi thác loạn không sao kể hết.
Thực trạng xã hội như thế, sinh hoạt văn hoá, văn học nghệ thuật như thế đã làm biến đổi dần những quan niệm về sống, về thị hiếu thẩm mỹ của từng bộ phận quần chúng đang sống trong vòng vây của chủ nghĩa thực dân mới.
Chúng ta có thể khẳng định rằng văn hoá, văn nghệ chống cộng, nguỵ dân tộc và dâm ô, đồi truỵ đều là công cụ tư tưởng của đế quốc Mỹ và tay sai nguỵ quyền miền Nam dùng để chống lại các phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước nói chung và chống lại nền văn nghệ yêu nước, cách mạng nói riêng. Tính chống cộng, nguỵ dân tộc và dâm ô, đồi truỵ được thể hiện một cách dai dẳng, có hệ thống trong toàn bộ văn hoá thực dân mới, ba trào lưu hay dòng văn hoá, văn nghệ nói trên tuy khác nhau về đề tài, chủ đề, nhưng mục đích và bản chất của chúng đều giống nhau : làm cho con người mất hết lý trí và tình cảm tốt lành, xa rời mọi truyền thống văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, ngày càng lệ thuộc vào chủ nghĩa hưởng lạc, cực đoan, một tinh thần cuồng sát, hiếu chiến phản bội đồng bào, trung thành với chế độ của bọn cướp nước và bán nước.
Tất nhiên những âm mưu và thủ đoạn thâm độc trên của kẻ thù không phải bao giờ cũng thực hiện được, càng không phải đồng bào miền Nam ai cũng tin theo, song nhìn chung ở các vùng tạm bị chiếm và nhất là ở các vùng đô thị miền Nam thì chúng ta phải khẳng định rằng những âm mưu và thủ đoạn ấy đã gây nên những tác hại không nhỏ. Bởi vì tuy chưa có một con số cụ thể cho biết rõ trong số trên một triệu tên lính nguỵ có tất cả bao nhiêu tên đã bị chính sách văn hoá thực dân mới Mỹ đẩy vào con đường tội lỗi chống lại Tổ quốc, chống lại đồng bào, song chúng ta vẫn có đầy đủ cơ sở để kết luận rằng con số ấy nhất định không phải là hàng trăm, hàng nghìn mà là hàng vạn, hàng chục vạn.
Thật vậy, một khi cái nọc độc tư tưởng chống cộng và nguỵ dân tộc đã xâm nhập được vào cơ thể, một khi những đồng đô-la vấy máu đã trở thành vạn năng, thành lẽ sống ngự trị xã hội thì việc biến những con người bình thường thành những tên “nô lệ tự nguyện”, thành những cái máy bóp cò súng lạnh lùng và tàn ác, thậm chí thành những tên ăn gan uống máu đồng loại, là một việc làm không phải là quá khó khăn. Vả chăng, lối sống Mỹ với sự thả lỏng tình dục đến cao độ, với phong trào bụi đời, híp-pi, với thú tính ăn chơi điên loạn, xì-ke, ma-tuý, v.v… đã làm thui chột biết bao khát vọng lành mạnh của tuổi trẻ, đã nhào nặn biết bao nam nữ thanh niên miền Nam thành những tên lưu manh, du đãng, đĩ điếm, những kẻ phạm tội, v.v… mà trước mặt họ chỉ là một con đường đen tối : làm tay sai và đi lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ.
Những con số khủng khiếp sau đây giúp chúng ta hình dung được phần nào những hậu quả cực kỳ trầm trọng và nguy hiểm của chính sách thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã để lại miền Nam nước ta sau khi chúng buộc phải cuốn gói về nước : trên 3 triệu người thất nghiệp, trên một triệu người bị tàn phế, 800 nghìn trẻ em mồ côi, hơn 600 nghìn gái điếm, trên 1 triệu thanh niên nghiện ma-tuý. Riêng thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đã có 150 nghìn gái mãi dâm, trên hai mươi nghìn phụ nữ ghi tên điều trị bệnh hoa liễu, hơn 150 nghìn thanh niên nghiện xì-ke, ma-tuý, 300 nghìn tên du đãng, trộm cướp, 200 nghìn trẻ mồ côi, 8 nghìn trẻ bụi đời, hàng triệu người thất nghiệp, hàng trăm băng cướp theo kiểu găng-xtơ Mỹ, v.v…
Việc khắc phục những hậu quả tai hại trên tất nhiên là gian khổ, phức tạp và lâu dài, song cái gian khổ, phức tạp và lâu dài hơn chính là những di hại về tinh thần, tư tưởng và lối sống của nền “văn minh” Mỹ mà hiện nay chúng ta đang phải khẩn trương và kiên trì xoá bỏ.
IV. Hậu quả và tàn dư của văn hoá thực dân mới
Tuy đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai của chúng đã thất bại về quân sự, chính trị, nhưng cho đến nay, ảnh hưởng, tác hại về mặt tư tưởng và văn hoá do chúng gây ra trong nhân dân còn khá nặng nề. Ảnh hưởng và tác hại này biểu hiện ở hành động hàng ngày, ở thái độ đối xử với gia đình, và với xã hội, với tập thể, với quê hương đất nước, và nói rộng ra là ở những suy nghĩ về cuộc sống, về thế giới quan, ở tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo đồng bào ta trước đây đã sống trong vùng địch.
Nhưng không phải ai cũng thấy rõ như vậy. Hiện nay vẫn còn ý kiến cho rằng ở miền Nam chỉ có một số ít người chịu ảnh hưởng của văn hoá, văn nghệ thực dân mới mà thôi. Chúng tôi nghĩ ý kiến này là không thể đứng vững được. Bởi vì trong những năm trước đây, nhất là trong những năm 1968 – 1970, bọn Mỹ-nguỵ đã chiếm được nhiều vùng đất tại miền Nam, do đó chúng đã khống chế được một số đông đồng bào ta. Số đông đồng bào này lại bị chúng tập trung vào các đô thị và thị trấn là những nơi mà văn hoá thực dân mới có điều kiện phát huy, có các phương tiện hiện đại tác động rộng khắp, thậm chí có thể đi sâu vào tận từng người dân, từng con người, từng giới, từng lứa tuổi. Trong những điều kiện đó, bọn Mỹ-nguỵ đã có thể ít nhiều nhồi nhét được vào đầu óc bà con ta những quan điểm chính trị, đạo đức rất sai lệch.
Dưới sự khống chế gắt gao của quân thù, mọi tin tức, mọi sự kiện tích cực ở bên ngoài đều bị bưng bít, cái đúng bị xuyên tạc, cái sai được khuyến khích lan truyền, do đó người nào thiếu tinh thần cảnh giác chính trị, không có sẵn lòng căm thù giặc cao độ thì sẽ rất dễ bị mất phương hướng trước nhiều luận điệu chiến tranh tâm lý của địch. Bọn Mỹ-nguỵ lại đã xây dựng được một đội quân kìm kẹp với số lượng khá lớn, có lúc lên tới hơn một triệu tên, một bộ máy cai trị với nhiều hệ thống tổ chức, nhiều biện pháp và thủ đoạn tinh vi khiến con người khó tránh khỏi chịu ảnh hưởng của văn hoá thực dân mới với mức độ nhiều ít, nặng nhẹ khác nhau. Mức độ ảnh hưởng này biểu hiện rõ nhất ở tư tưởng và tinh thần của quân nguỵ.
Với tính chất chống cộng và nguỵ dân tộc được núp dưới một lớp sơn hào nhoáng, văn hoá thực dân mới một mặt đã kích thích được phần nào “sĩ khí” của bọn nguỵ quân, tạo cho chúng có một niềm tin mù quáng vào cái gọi là “chính nghĩa quốc gia”, thậm chí đã tạo nên được một số không nhỏ bọn ác ôn say “lý tưởng chống cộng” đến điên loạn. Nhưng mặt khác, với tính chất dâm ô và đồi truỵ, văn hoá thực dân mới lại kích thích mạnh mẽ những dục vọng bản năng thấp hèn, lại kích động cái tâm lý sống gấp, biến những “con người hùng” của nền văn minh Mỹ thành những con thú đội lốt người ngày càng ngập sâu trong cái vũng bùn cá nhân hưởng lạc cực đoan. Điều này đã làm cho cái “sĩ khí” nói trên của quân nguỵ không có cơ sở vững chắc, làm cho cái “lý tưởng chính nghĩa quốc gia” mà thực chất là chống cộng của chúng trở nên vô nghĩa. Và đây chính là lý do giải thích vì sao lại có hai trạng thái dường như trái ngược nhau trong con người của mỗi tên lính nguỵ : vừa ngoan cố nhưng lại vừa hèn nhát và bạc nhược, vừa hung hãn nhưng lại vừa bi luỵ và chán chường, v.v… Mấy câu thơ sau đây (đã được đăng trong một tờ báo ở Sài Gòn hồi còn bị tạm chiếm) có thể giúp ta hình dung được phần nào cái bản chất hai mặt của một tên lính đánh thuê - sản phẩm của chế độ thực dân mới nói chung và của nền văn hoá thực dân mới Mỹ nói riêng :
“Có thằng say thác loạn,
Đêm đêm dưới ánh đèn
Quay cuồng trong tiệm nhạc,
Sống cuộc đời thiêu thân”.
Ngoài ra, qua những thư của gia đình, của bạn bè gửi cho sĩ quan, binh lính nguỵ, ta càng thấy rõ nọc độc tư tưởng và văn hoá của chủ nghĩa thực dân mới đã tiêm nhiễm vào người dân như thế nào. Không kể những bức thư kiểu “em gái hậu phương”, làm cái trò chiến tranh tâm lý ở trên đài một cách trắng trợn, thông thường như thư bắt được của chị, của mẹ, của em hay họ hàng binh lính nguỵ đều được viết bằng những luận điệu rất quen thuộc, sáo ngữ, nhàm chán. Những bức thư đó cũng sử dụng những từ ngữ “chấp nhận”, “dấn thân”, “buồn nôn”, “phi lý”, tức là những từ ngữ, khái niệm của chủ nghĩa hiện sinh - một trong những khuynh hướng triết học phổ biến nhất trước đây tại miền Nam. Những dòng chữ viết nguệch ngoạc của những người ít học, những câu văn  rất cổ như là “dấn thân ra nơi sa trường”, “gối đất nằm sương”, “thông cảm sự vất vả khó khăn của người chiến binh ngoài sa trường”, v.v… (và cuối thư bao giờ cũng có những lời động viên dễ dãi), đã nói rõ mức độ ảnh hưởng của những thứ triết lý thực dân phản động.
Tàn dư của văn hoá thực dân mới ảnh hưởng đến nhiều mặt trong nhân dân, nhưng nặng nhất là quan điểm chính trị, đạo đức lệch lạc, mơ hồ và tâm lý hoài nghi, lối sống thác loạn, ích kỷ, thái độ khinh miệt và sợ lao động, nhất là lao động chân tay.
Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta có thể trong một số năm hàn gắn được vết thương chiến tranh về vật chất, nhưng còn việc hàn gắn vết thương về tinh thần, tình cảm, tâm hồn, tâm lý, về văn hoá thì gay go, phức tạp hơn, và có khi phải mất nhiều năm. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta đã dự kiến như vậy và thực tế bây giờ chúng ta càng thấy đúng là như vậy. Hiện nay, chúng ta chưa hàn gắn xong vết thương chiến tranh về mặt vật chất. Song những việc này rồi đây ta sẽ giải quyết xong trong một thời gian không lâu lắm, nhưng những dấu vết, những tác hại của âm mưu thực dân mới về mặt văn hoá đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn, tư tưởng con người thì không dễ gì giải quyết được trong một kế hoạch 5 năm mà chắc chắn cần phải có thời gian dài hơn, lâu hơn. Lại phải nói rằng, những dấu vết, những tác hại này có trong từng người, trong từng gia đình, tuy vô hình nhưng khá sâu và rộng rãi. Đó là một thực tế mà ta phải thừa nhận, chứ không thể nào đồng tình với ý kiến cho rằng “không còn gì” hoặc “còn vài cái lặt vặt thôi”.
Những tàn dư văn hoá này tồn tại với đặc điểm của nó là tiếp tục tác động, tiếp tục truyền nhiễm, lây lan, chứ không phải như một thực thể vật chất mà ta có thể cắt dần, cắt dần cho đến phần cuối cùng của nó. Chúng ta phải cảnh giác, vì nó còn tác hại hơn cả mọi thứ nọc độc, hơn cả nọc độc của rắn.
Ngoài ra, tàn dư văn hoá thực dân mới còn tồn tại trong một bối cảnh xã hội có những diễn biến đặc biệt. Sau cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, tâm lý chung của nhiều người là muốn nghỉ ngơi. Tâm lý này cũng có mặt chính đáng, cần thiết, nhưng cũng có mặt tiêu cực. Nó nói lên nguyện vọng muốn nghỉ ngơi, muốn sống thoải mái một chút để bù lại những ngày sống và chiến đấu gian khổ, quyết liệt trong chiến tranh, muốn được sum họp, đoàn tụ gia đình, bè bạn thân thuộc để bù lại những ngày xa cách nhau. Bình thường mà nói thì đây là một nguyện vọng chính đáng, song đặt vào hoàn cảnh đang có cuộc đấu tranh mới trên mặt trận kinh tế, văn hoá và bảo vệ Tổ quốc, v.v… diễn ra gay gắt, đang đòi hỏi ở mọi người những hy sinh mới, những gian khổ mới, thì tâm lý muốn nghỉ ngơi nói trên lại là một trở lực. Mặt khác, nước ta lại vốn là một nước sản xuất nhỏ, lạc hậu đang trong quá trình đi lên sản xuất lớn, nên trong xã hội còn tồn tại nhiều tàn dư phong kiến, tư sản. Những yếu tố tiêu cực và lạc hậu ấy còn kìm hãm đời sống xã hội vốn có nhiều khó khăn của chúng ta. Xã hội chưa thật đã hoàn toàn trật tự, ổn định, an ninh. Chúng ta chưa xoá được hết những mặt tiêu cực, những tệ nạn xã hội như tham ô, móc ngoặc, buôn lậu, hối lộ, quan liêu, cửa quyền, v.v… Hơn nữa, tuy đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã thất bại hoàn toàn về chính trị và quân sự, nhưng mưu đồ của chúng vẫn còn, đặc biệt là bọn bành trướng ở phương bắc đang ra sức tìm mọi cách phá hoại ta, ngay cả trong lĩnh vực tư tưởng và văn hoá. Chúng thực hiện mưu đồ đó qua nhiều con đường khác nhau : hoặc qua những người di tản, qua hoạt động ngoại giao, qua những cuộc trao đổi quốc tế, về kinh tế văn hoá, … Đó là chưa nói đến ngay trong hàng ngũ cách mạng cũng vẫn còn những phần tử lạc hậu, thoái hoá, biến chất, không theo kịp tình hình, nhất là lúc chúng ta đang gặp khó khăn, trong những bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tàn dư văn hoá thực dân mới tồn tại trong bối cảnh xã hội như vậy, nên khi muốn giải đáp tương đối thoả đáng vấn đề này, chúng ta cần đặt nó trong các mối quan hệ xã hội để phân tích và nhìn nhận một cách toàn diện, biện chứng. Trong văn hoá thực dân mới có sự xen kẽ của rất nhiều yếu tố phức tạp, phản động, lạc hậu của các giai cấp tư hữu nói chung. Vì vậy nếu không có một chỗ đứng vững để nhìn nhận thực tại xã hội thì ta sẽ đi đến chỗ quy mọi yếu tố tiêu cực trong xã hội cho hậu quả tàn dư của văn hoá thực dân mới. Hoặc ngược lại cho rằng, thực dân đã sụp đổ thì văn hoá của thực dân sẽ tan, rằng một khi nhân dân ta đã tống cổ đế quốc ra khỏi đất nước rồi, thì độc hại văn hoá của nó làm gì còn rơi rớt được nữa, rằng những cái tiêu cực hiện đại là do sự yếu kém của ta, rồi từ đó đi đến hoài nghi bản chất tốt đẹp của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Hai cách nhìn vấn đề như vậy đều không đúng, đều cực đoan. Chúng ta phải tìm hiểu, phân tích sâu sắc nhiều mặt để giúp cho mọi người phân biệt được chỗ nào là văn hoá thực dân mới, chỗ nào là hiện tượng lạc hậu còn rơi rớt lại trong mỗi người chúng ta, trong xã hội chúng ta, trong quá trình tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước vốn là sản xuất nhỏ.
Bên cạnh những yếu tố tiêu cực trong xã hội, chúng ta lại có những yếu tố tích cực rất cơ bản, đó là :
1. Nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn về chính trị và quân sự, đem lại độc lập, thống nhất thật sự, trọn vẹn và vững chắc cho Tổ quốc. Do đó, ý thức dân tộc, ý thức giai cấp, tinh thần trách nhiệm của nhân dân ta được nâng cao một cách rõ rệt. Điều cơ bản ấy ngược lại với ý muốn của bọn đế quốc, bọn phản động, của văn hoá thực dân mới.
2. Chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước bằng cách tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng. Thực hiện ba cuộc cách mạng ấy tức là chúng ta xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền văn hoá mới, khắc phục những hiện tượng tiêu cực sai trái có thể làm chỗ dựa cho tàn dư văn hoá thực dân mới.
3. Truyền thống đấu tranh và ý thức dân tộc của nhân dân ta đã được phát huy rất mạnh mẽ, sâu sắc. Trước đây, khi Mỹ-nguỵ còn chiếm đóng, nhân dân ta đã phát huy truyền thống trên để chống lại văn hoá nô dịch, thì bây giờ chúng ta lại càng có điều kiện để làm việc ấy.
Khi đặt vấn đề xoá bỏ tàn dư văn hoá thực dân mới, chúng ta phải kết hợp chặt chẽ nhiều mặt có liên quan với nhau, vì tàn dư văn hoá thực dân mới rất tinh vi, lắt léo, thậm chí có khi vô hình. Nếu không nhìn thấy các mặt phức tạp của nó thì ta dễ mơ hồ, không phân biệt đâu là tàn dư văn hoá thực dân mới, rồi đâm ra nghi ngờ, đặt vấn đề tại sao ta đã giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ thực dân mới rồi mà vẫn còn hiện tượng thanh thiếu niên hư hỏng, hay là trong chế độ xã hội chủ nghĩa có điều gì chăng ? Chúng ta cần kiên trì tìm hiểu và phân tích cho được đâu là những hiện tượng lạc hậu, tiêu cực còn tồn tại trong xã hội ta. Chúng ta phải phân biệt rõ yêu cầu chính đáng của nhân dân, của quân đội ta sau chiến tranh với những thủ đoạn chiến tranh tâm lý kích động những bản năng thấp hèn của con người do chủ nghĩa thực dân mới tung ra. Chúng ta cần khuyến khích những khát vọng, những nhu cầu về cái đẹp, cái vui của nhân dân, nhất là của thanh niên, trong lao động sáng tạo. Việc thưởng thức cái đẹp và việc giải trí của chúng ta thật cao thượng và lành mạnh, hoàn toàn đối lập với thị hiếu thẩm mỹ tầm thường của giai cấp tư sản. Phải động viên nhân dân sáng tạo và hưởng thụ cái đẹp của nghệ thuật theo quan điểm tiến bộ, cách mạng. Hướng dẫn quần chúng thưởng thức nghệ thuật tức là giúp họ bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng của mình, qua đó thêm yêu quý và cổ vũ người nghệ sĩ sáng tạo nhiều cái hay, cái đẹp trên cơ sở những tinh hoa của nền văn hoá, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc và của nền văn hoá, nghệ thuật tiên tiến trên thế giới. Chúng ta xoá bỏ, không kế thừa và tiếp thu bất kỳ yếu tố gì của văn hoá thực dân mới.
Trong thưởng thức nghệ thuật hiện nay, cũng có nhiều người bị ảnh hưởng của quan điểm lỗi thời, phản động, coi thưởng thức nghệ thuật chỉ là giải trí, “giết” thời gian, chứ không phải để nâng cao, bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, tư tưởng cho mình. Chúng ta rất chú trọng nhu cầu giải trí của nhân dân và phải làm hết sức để đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân và phải làm hết sức để đáp ứng nhu cầu đó, nhưng chúng ta không chấp nhận quan điểm coi nghệ thuật chỉ là thứ giải trí. Quan điểm này đưa đến thái độ coi nghệ sĩ là kẻ làm thuê, xem các tác phẩm nghệ thuật đơn thuần là một loại hàng hoá.
Trong tình hình cụ thể của xã hội ta hiện nay, vấn đề tiếp tục đấu tranh xoá bỏ tàn dư văn hoá thực dân mới được đặt ra không đơn giản. Chúng ta phải có quan điểm đúng để phân tích, phê phán, tránh vơ đũa cả nắm hoặc sơ lược trong việc giải quyết vấn đề. Theo chúng tôi, văn hoá thực dân mới đã ra sức lợi dụng những yếu tố tiêu cực, phản động của văn hoá phong kiến, văn hoá tư sản. Thông thường ta phải kế thừa những yếu tố tiến bộ về một số mặt của các chế độ cũ để xây dựng chế độ mới. Nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa của chúng ta có sự kế thừa yếu tố tiến bộ của văn hoá các thời kỳ trước. Nhưng không phải vì vậy chúng ta lại đặt vấn đề kế thừa văn hoá thực dân mới. Một lần nữa, chúng ta cần dứt khoát trong vấn đề này. Chúng ta kế thừa những cái hay, cái đẹp trong vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc ta. Chúng ta kế thừa những yếu tố tiến bộ, tích cực của các thời kỳ trước. Chúng ta tiếp thu có phê phán và chọn lọc tất cả các tinh hoa của các nền văn minh nhân loại để xây dựng đất nước ta từ một nước kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành một nước nông nghiệp hiện đại có văn hoá, khoa học tiên tiến. Nhưng nhất quyết chúng ta không kế thừa bất cứ một yếu tố nào của văn hoá thực dân mới.
V. Tiếp tục đấu tranh xoá bỏ tàn dư văn hoá thực dân mới
Như chúng ta đều biết, văn hoá, văn nghệ là một bộ phận rất quan trọng của cách mạng tư tưởng và văn hoá. Xét đến cùng, mục tiêu của cách mạng tư tưởng và văn hoá là nhằm cải tạo con người cũ để xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa.
Trong việc xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đấu tranh xoá bỏ những tàn dư về tư tưởng và văn hoá của các chế độ cũ, đặc biệt là phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư tưởng và văn hoá thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam nước ta trong hơn 20 năm qua.
Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, Lê-nin đã từng nói : “Suốt trong thời kỳ quá độ đó, cách mạng sẽ vấp phải sức phản kháng của tư bản cũng như của rất nhiều tay chân của chúng trong giới trí thức tư sản là những kẻ đang chống lại một cách có ý thức và sẽ vấp phải sự phản kháng của khối rất lớn những người lao động – trong đó có cả nông dân - họ đang bị đè quá nặng dưới những phong tục và tập quán tiểu tư sản, thế lực của những thói quen và tục lệ cổ truyền tiểu tư sản và thường phản kháng một cách không có ý thức” (V.I. Lê-nin : Về thời kỳ quá độ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.102).
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI, đồng chí Lê Duẩn đã phát biểu : “Âm mưu độc ác nhất của đế quốc Mỹ là bằng mọi cách tàn phá những giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống lành mạnh của nhân dân ta, truỵ lạc hoá và lưu manh hoá thanh niên, cố xoá những gì là Việt Nam trong tâm hồn họ, làm cho họ mất hết ý thức về phẩm giá con người và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc. Mấy chục năm qua, nhân dân ta ở miền Nam đã kiên quyết chống lại “văn hoá” thực dân mới, giữ vững và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc …”.
Về phương hướng đấu tranh xoá bỏ tàn dư văn hoá thực dân mới, chúng tôi xin nêu hai vấn đề :
1. Về phương châm :
Để quét sạch tàn dư của văn hoá thực dân mới, chúng ta phải kết hợp chặt chẽ cải tạo với xây dựng. Phương châm của chúng ta là : trong cải tạo có xây dựng để cải tạo, mà xây dựng là chính. Phương châm này thể hiện tính ưu việt, bản chất nhân đạo, sức cảm hoá và thu phục lòng người của chế độ xã hội chủ nghĩa mười lần tươi đẹp của chúng ta.
Trước đây, để chống phá cách mạng, đế quốc Mỹ và tay sai đã “bôi đen” hầu hết mọi người sống trong vùng kìm kẹp của chúng bằng nhiều thủ đoạn lừa mị, cưỡng ép và bằng mọi thứ công cụ, kể cả lợi dụng giáo lý và thần quyền.
Ngày nay, khi đế quốc Mỹ đã phải cuốn gói, chính quyền tay sai đã bị “lật nhào” thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là phải giải phóng quần chúng nhân dân khỏi sự trói buộc về tư tưởng, tinh thần, phải kéo họ về phía ánh sáng của cách mạng, đưa họ từ địa vị người nô lệ, người bị áp bức lên địa vị người làm chủ, người tự do.
Với chính sách đúng đắn, đầy lẽ phải và tình thương của Đảng trong lĩnh vực văn hoá và tư tưởng đã được thực hiện trong mấy năm qua ở các vùng giải phóng, đặc biệt là ở các vùng đô thị miền Nam, chúng ta đã thu được những kết quả đáng mừng trong cuộc đấu tranh giành lại những con người đau khổ - nạn nhân của chế độ cũ – trong cuộc phấn đấu kiên nhẫn để xây dựng con người mới trong các tầng lớp nhân dân, tạo nên những cơ sở ban đầu của cuộc sống mới về tinh thần, văn hoá.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hoá, tư tưởng vẫn còn khá phức tạp. Bên cạnh những cái hay, cái đẹp, những người tốt, việc tốt xuất hiện ngày càng nhiều thì những cái hư, cái xấu, những rác rưởi đồi truỵ vẫn còn và đang xâm nhập vào một bộ phận nhất định trong nhân dân.
Để tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa cho cuộc đấu tranh này, chúng ta phải luôn luôn nắm chắc mặt trận văn hoá, tư tưởng. Phải phối hợp tất cả các lực lượng, các phương tiện để tiến hành một cuộc đấu tranh có kế hoạch, thích hợp với từng đối tượng, sát với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội, không chỉ bằng tuyên truyền, giáo dục mà bằng nhiều hình thức phong phú của công tác văn hoá, tư tưởng với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, đặng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh chống các tàn dư văn hoá lai căng, đồi truỵ, phản động của chủ nghĩa thực dân mới.
Cần phát động một phong trào quần chúng rộng rãi, làm cho quần chúng thấy rõ âm mưu thâm độc, các thủ đoạn tinh vi và tác hại độc ác của văn hoá thực dân mới để họ tự giác đấu tranh xoá bỏ tàn tích văn hoá thực dân mới. Đó là nhiệm vụ của toàn dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của một số cơ quan, một số ngành chuyên môn.
Phải đấu tranh một cách toàn diện, đồng bộ, khẩn trương và kiên trì, lấy kết quả tổng hợp của ba cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá) để đấu tranh quét sạch những tàn dư nói trên. Toàn diện và đồng bộ có nghĩa là trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, phải có sự phối hợp của tất cả các bộ máy, các ngành để mặt này tác động mặt khác. Phải khẩn trương nhưng không thể nôn nóng đưa ra một hạn định thời gian nào đó mà phải thực sự kiên trì. Phải rất khẩn trương vì hàng ngày, những tàn dư văn hoá thực dân mới vẫn tác động vào chúng ta. Chúng ta phải khẩn trương tiến hành ba cuộc cách mạng để đấu tranh chứ không phải chỉ dựa vào cách mạng tư tưởng và văn hoá mà giải quyết được các vấn đề.
2. Về nhiệm vụ :
Từ sau khi miền Nam nước ta được giải phóng đến nay, chúng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh chống tàn dư và hậu quả của văn hoá thực dân mới rồi, bây giờ chúng ta tiếp tục làm, chứ không phải đặt lại vấn đề như mở một chiến dịch mới. Chúng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh xoá bỏ văn hoá thực dân mới trong suốt mấy năm nay và đã làm được nhiều việc tốt. Giờ đây chúng ta không đặt ra nhiệm vụ gì mới, mà chỉ đề ra mấy yêu cầu công tác.
Nghiên cứu văn hoá thực dân mới là nhiệm vụ của nhiều cơ quan. Nghiên cứu phải toàn diện : chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, công việc này chúng ta đã và đang làm. Tổng hợp được các công trình nghiên cứu này, chúng ta sẽ có kết quả tốt. Chúng tôi đề nghị các cơ quan đã nghiên cứu cần đẩy mạnh chức năng nghiên cứu của mình về chủ nghĩa thực dân mới. Các ngành, các viện tiếp tục mở hội nghị chuyên đề nghiên cứu sâu vào các vấn đề đã được đề ra. Ngoài ra, các đoàn thể, các tập thể nhân dân cũng nên tổ chức những cuộc hội thảo, toạ đàm đấu tranh chống những tàn dư văn hoá thực dân mới trong phạm vi giới mình, địa phương mình. Chúng ta phải phát động quần chúng một cách rộng rãi để quần chúng tự đứng lên đấu tranh, đây không phải chỉ là công việc của các nhà lý luận, phê bình. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình cũng phải có phong trào của quần chúng, của các đoàn thể để nâng cao nhận thức, tinh thần phấn đấu chung. Chuyên đề nghiên cứu có nhiều, tuỳ theo ngành mà tổ chức. Riêng về mặt văn hoá, nghệ thuật, chúng tôi đề nghị bốn ngành : âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật nên xúc tiến tổ chức những hội nghị chuyên đề về vấn đề này.
Hiện nay, trong công tác nghiên cứu, có ý kiến nêu vấn đề hợp tác. Theo tôi, ta không nên gọi là “hợp tác” mà nên gọi là đoàn kết và thống nhất để nghiên cứu. Hiện nay Đảng và chính quyền là một, thì đội ngũ nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật cũng là một. Cơ sở để chúng ta thống nhất và đoàn kết là một quan điểm, một phương pháp, một mục tiêu chung. Quan điểm của chúng ta là quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, một phương pháp khoa học chân chính. Mục tiêu của chúng ta là xoá bỏ tàn dư văn hoá thực dân mới, đoàn kết thống nhất cả nước để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, còn có vấn đề quan trọng là thái độ và tình cảm đối với nhau, nhưng cái cơ bản vẫn là quan điểm, phương pháp tư tưởng. Mà nói tới quan điểm, phương pháp thì chúng ta chỉ chấp nhận quan điểm và phương pháp dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đường lối mà Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra.
Nói tóm lại, về thái độ, nhận định và cách làm cụ thể đối với những công trình nghiên cứu cụ thể vì có thể có sự khác nhau, nhưng về quan điểm, phương pháp và mục tiêu chung thì có một mà thôi. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc không ai được xa rời. Chúng ta cũng cần đánh giá những công trình, bài viết nghiên cứu đã xuất bản. Chúng có giá trị nhất định vì đã góp phần hướng dẫn tư tưởng và nâng cao hiểu biết của nhân dân. Chúng có giá trị trước hết ở chỗ đã góp phần vào việc chống văn hoá thực dân mới. Song ta không thể cho rằng như vậy là đủ rồi. Các nhà nghiên cứu, lý luận, những cơ quan nghiên cứu nên lắng nghe ý kiến phê bình, phát biểu, cố gắng chấn chỉnh lại những nhận định chưa đầy đủ để nâng cao chất lượng những công trình thêm sâu sắc hơn, hoàn chỉnh hơn.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là phải giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân. Vấn đề giáo dục thẩm mỹ không thể bó tròn vào việc hướng dẫn thưởng thức nghệ thuật và vào cách ăn mặc, mà còn liên quan đến nhiều mặt trong đời sống. Trong giáo dục thẩm mỹ, cái quan trọng nhất là đấu tranh chống quan điểm nghệ thuật phản động trong thưởng thức. Chúng ta lên án quan niệm hưởng thụ, tiêu dùng bị động, coi nghệ thuật là ngành kinh doanh, coi nghệ sĩ là người buôn bán. Phải đưa cái đẹp vào đời sống của nhân dân. Các cơ quan, nhất là các cơ quan văn hoá, nghệ thuật phải hướng dẫn cho mọi người biết yêu, biết quý cái đẹp trong các lĩnh vực để thống nhất với nhau trong nhận định, quan điểm. Chúng ta phải dựa vào ý kiến chung của xã hội để nói lên cái đẹp của ta mà xưa nay dân tộc ta vẫn tự hào (giản dị, thanh lịch, trang nhã) để chống lại những hiện tượng rắc rối, diêm dúa, lố lăng, kỳ quái. Ta có quyền tự hào về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa của văn hoá dân tộc. Chúng ta tiếp thu truyền thống dân tộc có sáng tạo, chứ không bắt chước một cách vụng về mà cứ tưởng là mình sáng tạo thực. Chúng ta khuyến khích cái mới, cái sáng tạo, bởi vì cái mới, cái sáng tạo bao giờ cũng đi liền với cái đẹp. Chúng ta khuyến khích tìm tòi, nhưng chúng ta phải phân biệt cái sáng tạo và bắt chước. Bộ Văn hoá – Thông tin và các nhà nghệ thuật có trách nhiệm tiến hành giáo dục thẩm mỹ trong nhân dân trên hai lĩnh vực: chống quan điểm nghệ thuật phản động trong sáng tác, biểu diễn, hướng dẫn nhân dân quan niệm đúng về cái đẹp, biết sử dụng cái đẹp trong đời sống của mình.
* * *
       Qua những điểm đã trình bày, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta đã đi tới sự nhất trí về những điểm quan trọng nhất, cơ bản nhất trong việc nhận định về âm mưu chính sách, đặc điểm, hậu quả và tàn dư cực kỳ hiểm độc của văn hoá thực dân mới. Ngoài ra, chúng ta cũng đã đề ra một số phương hướng và nhiệm vụ cho các cơ quan, các ngành hoạt động văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt là các cơ quan nghiên cứu, lý luận phê bình. Chúng ta đang làm nhiều việc đó và đang triển khai các phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng mà Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng và Bộ Văn hoá – Thông tin hết sức quan tâm theo dõi. Mong rằng các địa phương, các ngành đề ra yêu cầu cụ thể hơn nữa để đặt kế hoạch hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của ngành mình, địa phương mình.

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét