Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Ông Trần Độ với lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam



Dịp kỷ niệm 70 thành lập Quân đội, Tổng cục Chính trị tặng cho gia đình bộ sách Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm 2 tập: Tập I (1944 – 1975), Tập II (1975-2014).


 
Trong bộ sách có một số tư liệu về ông Trần Độ, xin lược trích ra đây:

Trong thời gian chiến đấu ở Mặt trận Hà Nội năm 1946 với cương vị Chính trị viên khu Hà Nội, ông Trần Độ còn được Cục Chính trị thuộc Quân sự ủy viên hội giao nhiệm vụ phụ trách Tòa soạn báo Sao Vàng – cơ quan tuyên truyền và huấn luyện binh sĩ. Tòa soạn Báo đặt tại nhà số 28 phố Triệu Quang Phục.

Trên trang nhất số báo đầu tiên là hình chiến sĩ Vệ Quốc quân hùng dũng hiên ngang trong tư thế sẵn sàng xông lên phía trước và bài xã luận “Sao Vàng nói gì”, có viết: “Sao Vàng là dấu hiệu quân Việt Nam. Sao Vàng vạch rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước mắt. Nó muốn cùng anh em nâng cao tinh thần và tư cách của mình để xứng đáng quân đội cách mạng”.

Liên tục trên nhiều số báo, Sao Vàng đã kịp thời đưa nhiều tin tức, sự kiện nóng hổi về hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ… Đồng thời báo cũng đưa tin các hoạt động gây hấn của Pháp ở Sơn La, Hòn Gai, Bắc Ninh…; qua đó lên án Pháp vi phạm Hiệp định Sơ bộ, kêu gọi quân và dân cả nước đoàn kết, biết kiềm chế, để tranh thủ củng cố chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị kháng chiến.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, từ Hà Nội, cùng với các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị chuyển lên huyện Định Hóa, Thái Nguyên.

Ngày 10 tháng 3 năm 1947, báo Vệ Quốc quân – tập hợp báo Sao Vàng, báo Chiến thắng (của Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) – ra số đầu tiên. Đến ngày 27 tháng 8 năm 1947, Phòng Tuyên truyền được thành lập, gồm các ban: Nghiên cứu, Văn nghệ, Văn thư, Tòa soạn Báo Vệ Quốc quân và Đội Tuyên truyền. Ông Trần Độ được bổ nhiệm Trưởng Phòng Tuyên truyền.

Thời gian này thực dân Pháp quyết định tấn công lên Việt Bắc. Nhằm thực hiện chủ trương chống lại âm mưu trên, ngày 07 tháng 10 năm 1947, Cục Chính trị triệu tập Hội nghị tuyên truyền toàn quân lần thứ hai. Ông Trần Độ chủ trì Hội nghị.

Sang tháng 9 năm 1948, các phòng ban Cục Chính trị được biên chế lại, cụ thể Phòng Tuyên truyền và Phòng Huấn luyện sáp nhập làm một với tổng biên chế 228 cán bộ, nhân viên. Ông Trần Độ làm Phó Phòng.

Một số hình ảnh tư liệu trong cuốn sách:


Các đại biểu dự Hội nghị công tác tuyên truyền trong mùa huấn luyện quân, năm 1948


Một số cuốn sách của ông Trần Độ do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Lòng tin (truyện vừa); Vấn đề công tác Võ trang tuyên truyền (huấn luyện quân sự).

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Trần Độ là Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam có rất nhiều bài viết bình luận quân sự sắc sảo về thắng lợi của ta và thất bại của địch trên báo Quân đội Nhân dân như: “Lửa chiến tranh nhân dân đã đốt cháy mùa khô của địch” viết dưới cái tên Cửu Long, số ra ngày 1-6-1966
 
Tháng 11-1974, ông Trần Độ giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đến tháng 11-1976 chuyển ra làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, kết thúc hơn 30 năm quân ngũ.

1 nhận xét: