Bút tích Trần Độ tự kể.
TRẦN ĐỘ tự kể:
Tôi xuất thân là học sinh tiểu học ở nông thôn, nghèo. Sau đó, tôi được theo học vài năm trung học ở Hà Nội, do học bổng của một ông bạn của Bố tôi cấp cho.
Thời kỳ học sinh của tôi (thập kỷ 1930 – 1940), là thời kỳ sôi nổi các phong trào Âu hoá, là thời kỳ của “Tự lực Văn đoàn”, “Tiểu thuyết Thứ Bảy”. Tôi quen thuộc ngay những tên tuổi Nhất Linh, Khải Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trong Lư và sau đó là Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao.
Thời kỳ học sinh của tôi (thập kỷ 1930 – 1940), là thời kỳ sôi nổi các phong trào Âu hoá, là thời kỳ của “Tự lực Văn đoàn”, “Tiểu thuyết Thứ Bảy”. Tôi quen thuộc ngay những tên tuổi Nhất Linh, Khải Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trong Lư và sau đó là Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao.
Tôi thoát ly đi làm Cách mạng chuyên nghiệp từ 1941 (17 tuổi), bị tù từ 1942 đến 1944 và sau đó là 30 năm ở quân đội, cho đến 1975. Ngay từ nhỏ, tôi hay mơ mộng. Tôi rất thích câu thơ của Thế Lữ:
Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
Là người mơ ước hão, than ôi!…
Không phải chỉ mơ ước về tình yêu, mà cả những mơ ước về cuộc đời. Khi còn là học sinh Trung học, tôi đã thích văn chương và được coi là một học sinh khá về văn. Có một thày giáo dạy văn (tôi nhớ tên là Thảo) quý tôi lắm. Tôi hay tỏ ra mình không thích công thức, không thích khuôn phép sáo mòn (chứ không phải lập dị). Tôi nhớ khi môn học vẽ (dessin à memoire) vẽ theo trí nhớ, đề tài là một “nải chuối” thì tôi vẽ nải chuối tiêu ăn dở, còn có ba quả và mấy xơ vỏ chuối còn lủng lẳng, quả chuối thì trứng cuốc đã chín mõm ; đề tài là “đôi guốc” thì tôi vẽ đôi guốc mộc cũ, đi đã mòn gót, gót vẹt, bị chẻ xơ ra, quai gần đứt. Đó là “phản ảnh hiện thực” những nải chuối hiếm hoi của nhà tôi và đôi guốc tôi đi.
Tôi không có mơ ước rõ rệt sẽ thành nhà văn mà tôi chỉ thích viết, học viết và đọc sách rất nhiều. Những người Thầy viết đầu tiên của tôi là anh Như Phong, anh Trần Mai Ninh và sau đó nữa là anh Trường Chinh. Tôi không chuyên về một thể loại nào, thể loại ưa thích của tôi là tuỳ bút vì tôi không bị gò bó bởi những quy tắc và công thức nhất định. Hồi Bí mật và ở tù, tôi thường làm công việc “giúp việc” cho các tờ báo “Cờ Giải phóng”, “Suối reo” và cả tờ “Người mới” năm 1939. Bất cứ ở đâu, làm công việc gì, tôi cũng có viết. Năm 1945, tôi được giao làm tờ báo của Quân đội là tờ “Quân giải phóng”. Rồi năm 1947 – 1950, tôi làm Chủ nhiệm báo “Vệ quốc quân” cùng với Thâm Tâm, Tân Sắc, Vũ Cao, Trần Đăng,… Thời gian đó, tôi cũng viết hơn một trăm bài cho báo, từ xã luận, bình luận, truyện ngắn, bút ký, chuyện vui. Tôi cũng có nhiều sách in, nhưng ba tập có tính văn học là “Bên sông đón súng”, “Anh bộ đội” và “Đồng đội”…
Càng về sau, tôi càng phải viết nhiều các bài về loại văn chính luận, bình luận và các tiểu luận tìm tòi giải đáp các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá. Những bài về chuyên đề này cũng được tập hợp in trong 4 – 5 tập sách.
Tôi luôn luôn tự nhận thấy tôi là Hội viên Hội nhà văn vì tôi cũng có làm việc viết lách, không nhiều nhưng không ít lắm. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy tôi là “Nhà Văn”. Vì tôi nghĩ một “Nhà Văn” thì yêu cầu tài năng, nhân cách và bản lĩnh phải lớn và tôi thì chưa có, tôi thấy Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, … mới thật là những Nhà Văn.
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)
Chú Độ viết hay quá! Cháu cũng thích viết và làm đúng theo sở thích của mình.
Trả lờiXóa