Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

LUẬN BÀN QUÂN SỰ QUA GIỌNG VĂN CỦA TƯỚNG TRẦN ĐỘ


Lĩnh vực quân sự cao siêu tôi đâu dám xen vào mà chỉ xin ngó ngàng tới các bài viết của tướng Trần Độ vì cho rằng ông đã lấy giọng văn chương bàn chuyện súng ống. Bài đầu tiên trên lĩnh vực này tôi được đọc là: Vấn đề công tác vũ trang tuyên truyền, ông ghi phía dưới viết xong đêm 14 tháng 2 năm 1949 tại BV. Chữ viết tắt kia chẳng hiểu có phải là đặt ngược Việt Bắc hay không nhưng ông viết ở đâu nào có quan trọng gì bằng những vấn đề được nói tới. 

Chúng ta đều biết đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời ngày 22 tháng 12 năm 1944 và chứng tỏ nhiệm vụ cách mạng khi đó là tuyên truyền đi trước rồi mới tới vũ trang. Nhưng tới năm 1949 tình hình đã khác, kháng chiến đã vượt qua giai đoạn phòng ngự sau khi bẻ gẫy cuộc hành quân đầy tham vọng lên núi rừng Việt Bắc của thực dân Pháp. Năm 1949 quân đội ta đã trưởng thành một bước, chuẩn bị cho việc xây dựng những đơn vị tập trung và tiến hành các chiến dịch lớn trên chiến trường chính. Nhưng ở thời điểm tác giả viết bài này trở về trước, theo tôi biết, ta chủ trương xây dựng các đại đội độc lập, phù hợp với tương quan lực lượng và phương châm tác chiến lúc đó… Tôi không dám bàn sâu vào vấn đề này mà chỉ muốn nói rằng ngòi bút Trần Độ đã đi từ hiện tượng cụ thể, từ những sự kiện đã xẩy ra, để rồi đúc kết thành nhận thức và đôi khi dường như có ý để người đọc suy ngẫm mà rút ra kết luận. Ông dẫn chứng ra ở đây trường hợp trừ khử Việt gian Xuân Nhu ở Bình Gia – Bắc Cạn. Người đọc qua sự kiện giắt dẫn mà hiểu rằng, cách mạng không trả thù cá nhân, cũng không lấy ám sát cá nhân làm phương châm hành động, nhưng ở từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể, cần phải cảnh cáo sự ngoan cố, chặn những mần mống của âm mưu và tội ác. Bài: Tính ưu việt của khoa học quân sự Xô viết được tác giả diễn đạt khá công phu. Cái nhìn từ thời kì ấy tới hôm nay là bước đi khá dài và đôi khi tư duy cũng như hoàn cảnh đã đổi thay, song người đọc vẫn nhận ra tâm huyết của người viết. Chắc chắn khi ấy ông chưa sang Liên Xô học tập hay dự một hội nghị nào mà chỉ qua tài liệu, sách vở, cùng với hiểu biết, suy nghĩ của bản thân mình. Ông tỏ ra cho bạn đọc biết qua những trang viết về lí luận quân sự của Lênin, của Mác, của Stalin và của nhà quân sự Clausevitz. Ông đồng tình với quan điểm của các bậc tiền bối, để rồi tỏ rõ thái độ ủng hộ Ai Cập và phản đối Anh, Pháp trong việc tranh chấp kênh đào Xuyê, ông phản đối Thổ nhĩ kì trong mối quan hệ với Xiri. Thời ấy cái nhìn của chúng ta còn mang nặng ý thức hệ và hai phe đang tồn tại trên thế giới, nên không bàn đúng sai ở đây, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới cách hành văn dễ hiểu, đễ đọc của nhà văn Trần Độ. Toàn bộ các bài viết của ông không hề có đoạn văn hay câu chữ nào ta thường gọi là đao to búa lớn mà người viết thời ấy rất dễ gặp phải. Ở bài viết trên ông đã phân tích câu của Clausevitz làm tư tưởng chỉ đạo nội dung: Quyết định thắng lợi của chiến tranh không phải là phương tiện mà là cách dùng những phương tiện ấy.
Những chuyên luận về quân sự đề tài thường tập trung nhiều hơn vào thời kì chống Mĩ cứu nước, cụ thể là từ ngày ông vào chiến trường miền nam tháng 2 năm 1965. Ngày 19 tháng 2 ông lên đường để ngày 27 tháng 2 năm 1965 có mặt ở Quảng Châu. Ngày 28 tháng 2 lên tầu biển từ Quảng Châu để ngày 6 tháng 3 năm 1965 cập cảng Xihanúcvin của Campuchia. Từ đây ông qua Phnôngpênh rồi về sở chỉ huy B2 mà ta quen gọi là miền. Vừa kịp thời dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua của miền, ông gặp chị Quyên vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và nhiều anh hùng chiến sĩ thi đua khác. Tiếp đến ông cùng các tướng lĩnh như Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Hoàng Cầm,… đi tới các trận đánh. Không biết bài: Lửa chiến tranh nhân dân đã thiêu cháy mùa khô của địch, có phải là những trang viết đầu tiên của ông về thể loại này trên chiến trường miền nam đánh Mĩ hay không nhưng tiêu đề to tát có tính chiến lược như vậy chữ nghĩa lại nhẹ nhàng giúp người đọc dễ cảm thụ chứ không lên gân lên cốt chút nào. Ông say sưa đúc kết. Và say sưa ghi chép. Thời kì này có nhiều bài đúng là văn chương, thể kí hay thể truyện, như: Lớn lên trong bão táp, Anh hùng và chân lí,… nhưng cũng nhiều chuyên luận về quân sự bằng bút pháp của một nhà văn. Những năm tháng chiến tranh ấy, qua mỗi chiến dịch hay mỗi trận đánh, vì ở thế giằng co, nên bên nào cũng nói là mình thắng cùng với những lập luận theo ý riêng có lợi. Tỉ như một cuộc hành quân Giangxơnxiti, kẻ thù tập trung lực lượng to lớn để thực hiện âm mưu to tát là chụp Bộ chỉ huy ta và diệt các đơn vị chủ lực. Chúng chẳng làm nổi việc ấy, nhưng cứ la rõ to là thắng lợi vì có gây cho ta vài tổn thất và một số khó khăn. Phía ta rõ ràng bảo vệ được cơ quan đầu não và đánh lại gây cho địch thương vong nhiều. Luôn luôn có những chuyện như vậy. Ông Trần Độ suy ngẫm. Ông tổng kết chiến trận theo cách riêng của mình và viết bài: Những con số Mĩ. Ông đã sử dụng phương pháp so sánh để đáp lại những gì mà các tướng lính Mĩ và chính quyền Sài Gòn đang cho là thắng lợi. Ông đã đánh giặc bằng cả ngòi bút của mình.
Nhìn lại quá trình hoạt động của nhà văn Trần Độ, ta thấy rõ ràng nhiệm vụ vận động cách mạng và chỉ huy chiến đấu luôn song song đi cùng ngòi bút. Đôi chân ông không mệt mỏi và chữ nghĩa trong đầu óc ông lúc nào cũng nồng nàn sức sống. Từ những bước đi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông với cương vị người chỉ huy chắc chắn cùng những vị chỉ huy khác rút ra bài học kinh nghiệm, đúc kết thành lí luận, nhưng với ông còn ngòi bút phải hoạt động trên tư cách nhà văn. Ông viết tổng kết và viết luôn bút kí, phóng sự, truyện. Ở ông dường như hai thể loại này không mâu thuẫn nhau. Những bài viết dưới thể kí hay truyện cũng giúp người đọc rút ra điều gì đó có tính tổng kết và chính luận của ông hành văn nhẹ nhàng, câu chữ giản dị, có hình tượng, khiến nó gần gũi với các thể loại khác của văn học. Bài: Mấy kinh nghiệm về giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hay: Chiến tranh tâm lí của Mĩ nguỵ rất sảo quyệt nhưng nhất định thất bại,… Chỉ đọc đầu đề ta hiểu ông viết vì mục đích gì, đối tượng nào, nên phải hành văn theo cách nào. Với cương vị phó chính uỷ miền, rõ ràng ông đang nói điều này với cấp dưới và các chiến sĩ. Nhưng mà giọng văn lại cứ như bàn luận, để cùng xem xét, để cùng nâng cao nhận thức và cùng phân định đúng hay sai chứ không áp đặt hiểu biết. Ông nhận thức rõ hiểu biết là kết quả của quan sát tư duy và có như vậy nhận thức mới bền, mới thấm. Tại đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua miền đông nam bộ tháng 9 năm 1971, ông nói chuyện với đại biểu có chủ đề chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mĩ đã thất bại, đang thất bại và nhất định thất bại. Sao lại có đã, đang, và sẽ như vậy? Chắc mọi người chúng ta chưa quên, mùa khô đầu tiên của chiến tranh cục bộ, với trên 20 vạn quân Mĩ và nửa triệu quân Sài Gòn cùng nhiều đơn vị Rồng xanh, Rồng đỏ… của Thái Lan, Nam Triều Tiên, Philippin,… Bộ chỉ huy Mĩ tuyên bố sẽ đánh gẫy xương sống Việt cộng. Nhưng rồi chiến tranh nhân dân ở miền nam càng phát triển để mùa khô tiếp theo số quân Mĩ lên trên 40 vạn, quân đội Sài Gòn và quân đội tay sai lên tới một triệu, mục tiêu của Mĩ vẫn là đánh quị chủ lực quân giải phóng và giành thắng lợi quyết định, để rồi sau đó quân Mĩ lên tới trên 50 vạn và cuộc tấn công Mậu Thân nổ ra… Nixsơn buộc phải thực hiện cuộc điều chỉnh chiến lược và chiến thuật bằng chủ trương Việt Nam hoá chiến tranh với phương châm giành dân, giành đất, tràn ngập lãnh thổ… Năm 1969 qua đi, năm 1970 qua đi, chúng chẳng thực hiện được điều ấy, bèn nhẩy sang Cămpuchia và mở cuộc hành quân ước mơ Lam Sơn 719 ra đường chín – nam Lào hòng chặn đứng mọi nguồn tiếp tế cho chiến trường làm cho lực lượng cách mạng ở miền nam không nhận được hỗ trợ từ miền bắc mà tàn lụi dần… Điều muốn bàn ở đây là nhà văn tướng lĩnh của chúng ta phát biểu những nội dung to tát trên và được ghi lại bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, như một bài bút kí quân sự. Tôi cứ mạo muội nói rằng, chất văn chương có cả trong những bài phát biểu chính luận và bài viết về các vấn đề thời cuộc của ông. Cũng như phê bình văn học, ông lúc thì đi từ phương pháp dẫn giải, lúc thì đi từ phương pháp qui nạp, để người nghe và người đọc cùng mình rút ra kết luận.
Chuyên luận quân sự của ông hầu như không thấy những lời lẽ buộc người nghe hay người đọc phải chấp nhận, kiểu như: Có chiến công hiển hách này là do đường lối và phương pháp lãnh đạo tài tình… hay nhờ có nghị quyết nọ, nghị quyết kia soi sáng,… Nhưng đọc ta vẫn thấy không có sự tổ chức và chỉ huy đầy sáng suốt, dũng cảm, kiên định và tài ba, của đội ngũ cán bộ dầy dạn kinh nghiệm qua quá trình hoạt động cách mạng thì làm gì có chiến thắng huy hoàng thống nhất đất nước. Một lần nữa muốn nhấn mạnh rằng chỉ nhân nói tới văn chương của nhà văn Trần Độ mà đề cập tới vấn đề này. Hiểu biết kém cỏi, vị trí trong quân đội thời kháng chiến chống Mĩ của tôi được xếp vào loại anh em vẫn vui đùa gọi là đầu binh cuối cán, biết gì mà trao đổi về công việc của một vị tướng. Nhưng văn chương thì trước tiên tôi là bạn đọc, và cũng là nhà văn như ông, cho dù là lớp đàn em đi sau, tôi cứ nhìn những dòng chữ ông viết ra mà nói. Bài cuối cùng tôi được đọc về nội dung này là phát biểu tại hội nghị tổng kết chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tổ chức tháng 9 năm 1986, nghĩa là 18 năm sau của sự kiện và do Đào Thân ghi lại. Ông không gọi là tấn công và nổi dậy mà chỉ coi đây là trận tập kích chiến lược. Như trên đã thanh minh, tôi không có ý bàn về đúng hay chưa đúng của nhận định và đánh giá của ông, mà chỉ muốn nói, ngay với vấn đề lớn lao như thế, ngôn ngữ của ông khiến ta thấy như đang đọc một bài bút kí hay ghi chép. Giọng văn ấy đi suốt cuộc đời, từ bài viết đầu tiên thời cách mạng tháng tám tới những ngày cuối cùng của một con người hoạt động. Với hơn 900 hội viên nhà văn, kể cả những bậc đã quá cố, không thiếu những vị chỉ loé sáng nhất thời, có tên tuổi, rồi tới mấy chục năm tiếp theo, còn sức khoẻ, vẫn không thấy có lấy một dòng chữ. Có thể họ chuyển sang nghề khác hay vì lí do gì đó và là chuyện riêng của mỗi người. Nhà văn Trần Độ nồng nàn và đau đáu với đời đã suy ngẫm cùng ngòi bút tới khi trái tim ngừng đập. Phải chăng có thể nói gọn lại: Ông là nhà văn chân chính!
Tô Đức Chiêu
(còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét