Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Chuyện kể về tướng Vương Thừa Vũ


Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Chu Phác
Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sang Pháp với tư cách là thượng khách, đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn của ta đàm phán với Pháp nói lên mong muốn hòa bình của dân tộc ta.
Trang bìa cuốn sách.

Từ ngày 6 tháng 7 đến ngày 14 tháng 9 năm 1946, ta lại cử phái đoàn dang Phông-ten-nơ-blô, Pa ri đàm phán với Pháp để cứu vãn hòa bình. Trong khi đó, tại Việt Nam, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm nhiều nơi. Mặc dầu Tạm ước 14-9 đã được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên nhẫn căn dặn: “Còn nước còn tát” nhưng phải chuẩn bị tình hình khó khăn nhất.
Ngừng một lát, anh Trường Chinh nói tiếp:
- Cho đến nay, Pháp vẫn ngạo mạn đánh chiếm nhiều nơi và khiêu khích ta ở Hà Nội. Tình hình ngày càng căng thẳng, khẩn trương, Thường vụ nhất trí giao cho đồng chí Vương Thừa Vũ trở lại Hà Nội làm Khu trưởng Khu 11, Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội. Sau đây, đồng chí Vương Thừa Vũ gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp để nhận nhiệm vụ cụ thể. Đồng chí Giáp là Tổng chỉ huy nên người chỉ huy trực tiếp đồng chí Vũ là đồng chí Giáp.
Đồng chí Phạm Văn Đồng nói thêm:
- Trung ương cử các đồng chí Trần Quốc Hoàn làm đặc phái viên tham gia Đảng ủy theo sát mặt trận, Nguyễn Văn Trân làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Trần Độ làm Chính ủy Khu 11, có vấn đề gì về chính trị cần trao đổi thì gặp các đồng chí ấy.
Đồng chí Lê Đức Thọ cười vui đến bắt tay thân mật đồng chí Vũ tỏ vẻ tin tưởng.
Vương Thừa Vũ về Hà Nội qua phố Hàng Da gặp anh Đặng Kim Giang. Biết tin Vũ được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, anh Giang rủ vào chợ Hàng Da chiêu đãi một bữa bún riêu cua, nhưng chỉ đủ tiền mua mỗi người một bát. Vương Thừa Vũ về Lò Lợn nhận bàn giao của anh Lê Quảng Ba. Sau đó, Vũ về trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương – Hà Nội) gặp Trần Độ - một thanh niên trẻ măng hai mươi ba tuổi nhận nhiệm vụ làm Chính ủy mặt trận Hà Nội.

Trần Độ rất tự hào về quá trình hoạt động cách mạng của mình từ khi được người chị ruột dìu dắt năm mười ba tuổi đến khi bị giam cầm, tra tấn tại nhà tù Sơn La, rồi vượt ngục ra tù tiếp tục hoạt động … Trần Độ gặp Vương Thừa Vũ, một anh chàng đầu húi cua, da đen, lông mày du long, mắt sắc sảo, lầm lì, luôn luôn tỏ ra nghiêm khắc trong sinh hoạt và công việc, lại hơn Trần Độ mười ba tuổi nên Trần Độ rất nể và kính trọng.
Tuy chưa gặp nhau bao giờ, nhưng Trần Độ đã được nghe nhiều chuyện về Vương Thừa Vũ. Từ chuyện học võ, học quân sự ở bên Tàu, chuyện đấu võ chết thôi, Vũ đã hạ gục tên võ sĩ tay sai độc ác ở Hỏa Lò – Hà Nội mà chị Nguyễn Thị Phúc Hằng – vợ Trần Độ được tận mắt trông thấy tên võ sĩ tay sai cao to vạm vỡ ngã gục trước một người tù gầy guộc, mảnh khảnh, rồi chuyện vượt ngục ở nhà tù Nghĩa Lộ, Trần Độ thầm khâm phục. Vì thế hai vị chỉ huy trưởng và chính ủy nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết. Bữa đại tiệc” đầu tiên mà “Tư lệnh” và “Chính ủy” gặp nhau (chỉ có hai người) được bày trên bàn dạy học của thầy cô giáo trường Đồng Khánh. Cơm được đựng trong rổ tre lót lá chuối, món ăn có rau muống luộc, lạc rang mặn và một bát tương, cũng đặt trên lá chuối.
Sau bữa “đại tiệc”, Vương Thừa Vũ cùng anh em tham mưu, văn phòng lao vào công việc đi xem xét bốn mươi lăm nơi trọng yếu mà địch đã gài quân đóng sẵn và một số nơi ở các nhà cao tầng khác binh lính Pháp mặc thường phục giả là kiều dân cất giấu vũ khí ém sẵn.
Đến Liên khu 1, sau khi làm việc với các đồng chí Lê Trung Toản, Hoàng Phương phụ trách công việc đảng và chính quyền, đồng chí Nguyễn Văn Triệu và Toàn Vinh phụ trách quân sự, gặp cán bộ cơ sở như Vũ Lăng, Vũ Yên…, Vương Thừa Vũ và Trần Độ vào thăm gia đình ông Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang thấy tơ, lụa, len dạ, vải vóc vẫn đầy cửa hàng. Tiếng đàn dương cầm từ trên tầng cao vọng xuống, Trần Độ đứng lặng yên để nghe và thốt lên: “Tiếng đàn du dương thánh thót kêu gọi đừng chiến tranh đấy!”.
Lên gác, ông Bô mời nước mọi người rồi kể chuyện về xưởng dệt và cuộn len ở Xã Đàn tạm ngừng. Các ngôi nhà ở 34 Hoàng Diệu, 24 Nguyễn Gia Thiều có lẽ họ sẽ trả lại không thuê nữa.


Đang vui chuyện, cậu con trai cả mặc trang phục Hướng đạo sinh (Hướng đạo sinh – scout – các đoàn Tây Hồ, Hai Bà, Cỏ Lau thường gặp nhau đi làm việc thiện, tham gia Tuần lễ vàng) về lễ phép chào mọi người. Ông Bô nhớ lại chuyện cũ, kể cho Vương Thừa Vũ và Trần Độ nghe. Ông bảo: “Năm ngoái, Cụ Hồ (Bác Hồ theo cha là ông Nguyễn Sinh Sắc ra Hà Nội từ năm mười ba tuổi, đã ở nhà ông Trịnh Văn Bô nghe cha và các cụ nhà ông Bô bàn về phong trào Đông Kinh nghĩa thục) về đây chuẩn bị cùng chính quyền cách mạng ra mắt quốc dân đồng bào. Cụ Hồ nhờ may cho cơ quan chính phủ hai trăm bộ com-lê. Riêng Cụ Hồ yêu cầu Cụ không mặc com-lê ca-vát, trang phục của Cụ cũng không được giống trang phục của Sta-lin và trang phục của Mao Trạch Đông, đặc biệt là phần cổ áo và túi áo”. Ông Bô cùng ông Phú Hinh ở Hàng Bông bàn với nhau mãi mới nghĩ ra được mẫu áo để đo may cho Cụ Hồ, được Cụ ưng ý.
Vương Thừa Vũ lại nghĩ, à, thế ra những người giàu có nhiều người yêu nước. Một số vua quan và những người giàu yêu nước đời xưa chôn giấu vàng bạc châu báu không phải chỉ để dành cho con, cho cháu, cho người sau chia nhau, mà để đề phòng khi sơn hà xã tắc lâm nguy thì đem ra cứu dân cứu nước. Trước lúc ra về, Trần Độ hỏi ông Bô:
- Chiến tranh xảy ra thì vải vóc, tơ lụa, len dạ, ga-ba-đin Ăng-lê,… bao nhiêu thứ quý thế này ông đưa đi đâu?
Ông Bô thản nhiên đáp:
- Đem ra đường làm chướng ngại vật, làm ba-ri-e, cần thì đổ xăng đốt thành bức tường lửa để ngăn cản bước tiến của xe tăng, ô tô của Pháp.
Ông Bô dẫn Vương Thừa Vũ và Trần Độ ra cửa sổ chỉ tay sang dãy phố bên kia thì thầm nói vẻ bí mật quan trọng:
- Cũng theo lệnh của Chính phủ cách mạng, khi nào khởi sự sẽ đục tường nhà nọ sang nhà kia. Quan ta di chuyển trong hai bên dãy phố rất bí mật. Đường phố sẽ đào sâu vài mét không cho ô tô, xe bọc thép, xe tăng của Pháp đi, đắp đất thành ụ, thành núi, thành ba-ri-e. Các gia đình đưa cả giường tủ, tràng kỷ, sập gụ xếp cao lên. Nhà tôi và các nhà cùng phố như ông Huân, bà Hà đã bàn với nhau cả phố đều làm như vậy và đã lễ xin gia tiên đưa cả bàn thờ, hoành phi, câu đối, hương án ra đường xếp thành đống to để ngăn cản giặc.
Khi Vương Thừa Vũ và Trần Độ ra về, ông Bô bảo:
- Nhà có ô tô riêng cậu Nhỡ lái và một ô tô của ủy ban do cậu Thuận lái. Để tôi gọi xe đưa các ông về.
Vương Thừa Vũ, Trần Độ cảm ơn ông Bô, mỗi người một xe đạp lọc cọc đi tiếp về Liên khu 2 và một số vùng ngoại thành. Trở về sở chỉ huy, Vương Thừa Vũ cùng cơ quan tham mưu làm việc với Ái Việt (sĩ quan quân đội Nhật đầu hàng ta, được Bộ Tổng chỉ huy cử xuống góp ý với Mặt trận Hà Nội) ở ngôi nhà hai tầng phía Bắc Ngã Tư Sở khoảng hai trăm mét. Các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn, Trần Độ đi đến các phố phường giáo dục, vận động nhân dân, tổ chức quần chúng, tổ chức các cơ quan nhà máy, xí nghiệp bộ phận tản cư ra vùng tự do, bộ phận lên chiến khu, lực lượng ở lại chiến đấu với địch tại Hà Nội… Công việc bận rộn, cả Bộ Chỉ huy, Đảng ủy Mặt trận quên ăn quên ngủ làm việc không biết mệt mỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét