Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Quân đội của nhân dân


(Ghi chép sau Nghĩa Lộ giải phóng)
Bước vào thu đông năm 1952, với nhiệm vụ tiến quân lên Tây Bắc, bộ đội được cấp trên căn dặn: “Chiến trường này nhiều đồng bào miền núi, giặc Pháp nói xấu Chính phủ và quân đội ta, mưu chia rẽ dân tộc ta. Chúng lại âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, lừa bịp đồng bào ta ở Tây Bắc để ra tay tàn sát, bóc lột, phỉnh phờ và bắt buộc thanh niên đi lính cho chúng. 


Cho nên bộ đội phải giữ vững chính sách của Chính phủ, của Đảng, làm cho nhân dân thấy rõ Chính phủ và quân đội ta là của nhân dân”. Thực hiện đúng mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch : “phái quân đội đến tiêu diệt giặc Pháp và bè lũ bù nhìn phản động để giải phóng cho đồng bào khỏi ách nô lệ và giúp đỡ đồng bào xây dựng một đời sống tự do sung sướng hơn”.
Cán bộ và chiến sĩ ra sức học tập, nghiên cứu những âm mưu của giặc, nguyện vọng của nhân dân, những phong tục tập quán miền núi. Ai nấy đều thấy rõ ý nghĩa vĩ đại của quân đội “chiến đấu mang lại quyền lợi và hạnh phúc cho nhân dân”.
* * *
Rừng núi Tây Bắc trùng điệp xanh ngắt, những chỏm núi biếc cao từng đợt từng đợt nhấp nhô trên những biển mây trắng xoá bát ngát. Có những thung lũng ở Điện Biên, Than Uyên, Nghĩa Lộ, Quang Huy và những vũng nhỏ như Gia Hội, Tú Lệ, Mường La, v.v… Mùa đến những bông lúa vàng rực chĩu hạt, thoăn thoắt thu vào tay những cô gái áo chàm, vòng bạc.
Bộ đội vác trên vai hơn hai mươi cân vũ khí, lương thực vượt qua hàng trăm đèo dựng ngược, trơn như mỡ, lội qua hàng trăm suối chảy xiết, tiến vào. Bộ đội qua từng khu vực lớn dài năm sáu chục cây số chỉ thấy những vết cột cháy kèo xiêu, những bãi cỏ lớn còn dấu vết những bờ ruộng phì nhiêu, những nền nhà um cỏ, cau xơ xác, chuối rụi tàn. Bao nhiêu làng bị phá, bị dồn. Những cây bưởi, cây ổi chiu chít quả xanh, vàng không ai trông nom, hàng rừng quế cây cao ngất, đều tăm tắp, thơm phức, những rừng vầu, nứa bạt ngàn, … Ôi! Bao nhiêu là của cải núi rừng Tây Bắc.
Bộ đội xót xa, trông thấy những đồng bào ở khu vực trắng, quần áo xơ như bươm bướm, tay khẳng khiu ngơ ngác, nhìn bộ đội, có anh chiến sĩ đã ứa nước mắt nghĩ tới quê hương, mỗi bước nặng thêm mối căm thù.
* * *
Bộ đội giữ vững kỷ luật quần chúng “không phạm đến tài sản của nhân dân”. Hàng mấy ngày, bộ đội đi qua các rừng quế vẫn giữ nguyên vẹn. Một vài cây quế lẻ bị bóc đôi miếng bằng bàn tay, lập tức những đồng chí phạm lỗi phải tự kiểm thảo trước những cuộc bình công và bị trừ điểm công. Những quả bưởi, quả bí bơ vơ, khêu gợi vẫn an toàn. Những quả ổi chín vô chủ chỉ bị trẩy khi cấp chỉ huy cho phép. Đồng bào ở một bản đầu tiên bộ đội qua có ngay hai nhận xét rất tinh tế:
- Bộ đội Chính phủ mang nặng thế mà không bắt phu như Tây,
- Bộ đội vào nhà không sục sạo, không lấy cái gì của dân cả.
Một bản khác, bộ đội ở ba hôm, đồng bào xì xào bảo nhau:
- Cán bộ nó tốt đấy. Vào nhà, nó làm cái gì, lấy cái gì nó cũng hỏi. Giá mà ngày xưa lính Tây nó ở thế này thì không còn quả trứng, con gà nào đâu. Mà con gái thì cũng chả dám ở nhà. Bây giờ thì tha hồ.
Có anh bộ đội cẩn thận, vào nhà đồng bào bảo phải ngủ cách bàn thờ từ hai thước. Anh đứng dang tay, rồi lại đo bước, ngắm nghía cho đúng hai thước mới đặt ba lô.
* * *
Nhân dân phần đông chưa hiểu bộ đội, vì bị cách bức với vùng tự do hàng trăm cây số rừng núi, bị giặc bưng bít mê hoặc. Mọi người chỉ biết mang máng: “Bộ đội vào đánh Tây”. Các làng xã bỏ nhà chạy lên rừng, tránh tên bay đạn lạc, nhưng không ai liên lạc với giặc.
Tiếng súng giải phóng vừa dứt, bộ đội đi tìm ngay nhân dân. Ở Gia Hội, bộ đội tìm không thấy dân, thấy một chú bé chăn trâu. Nhưng chú bé lập tức có cảm tình với anh bộ đội và đi tìm hết người già, người lớn về. Nhân dân vẫn yên ổn và thấy ngay một cảm giác đầu tiên: “Bộ đội lành quá!”. Một cô thanh niên tìm bộ đội nói chuyện. Nhi đồng đã tập hợp ngay từng tốp tập hát “Tiến quân ca” và “Một mùa thu…” Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ được truyền đi nhanh chóng. Ảnh Hồ Chủ tịch được dán cẩn thận ngay vào chỗ tôn nghiêm nhất. Một cụ già người Mèo đi lục một cái ảnh cũ ra so mãi từng nét, từng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” rồi mới tin và nhận xét là “Cụ Hồ già hơn trước”. Một cụ già người Thái tính nhẩm “Cụ Hồ năm nay 64 tuổi rồi đấy!”, bộ đội bảo không phải, cứ nhất định không chịu. Một cụ già người Mán viết ngay thư chữ Nho tên Hồ Chủ tịch.
Bộ đội bàn tán: “Bác nói cái gì cũng đúng: đồng bào căn bản vẫn tốt, đúng thật!”.
Cái bỡ ngỡ đầu tiên bị phá tan! Buổi tối, bên bếp lửa tất cả các nhà sàn, dăm anh bộ đội, vài cụ già nói chuyện rất khuya. Những cuộc họp giải thích được tổ chức luôn luôn… Những buổi liên hoan rộn rã ở các bản. Ở bản Phày, dân xem bộ đội xong, có ba, bốn bà ngoài 30 tuổi cũng tự động ra “xoè” (điệu múa đặc biệt của Tây Bắc) cho bộ đội xem. Nhân dân Tú Lệ đi hàng hai cây số dự mít tinh, lúc đầu còn sợ hãi, sau vui phá lên cười nói. Phụ nữ đến sửa khăn áo cho mấy anh bộ đội giả đàn bà diễn kịch mặc áo vụng về. Giữa cánh đồng Thạch Lương, mấy anh thanh niên gặt lúa thấy anh bộ đội đi qua, chạy xô lên rồi giơ cả hai tay ra giật lấy tay anh bộ đội nắm mạnh: “Hoan hô bộ đội giải phóng!”
Mươi anh thanh niên Mèo Phình Hố dắt bò xuống núi bán cho bộ đội. Những anh thanh niên Mèo ở Rằm Pằng gặp anh bộ đội nào cũng bắt tay, cười rất tươi và chỉ nói một câu “đồng chí!”.
Chỗ nào cũng có tiếng hát đồng ca mạnh mẽ; ban ngày trẻ con vừa chăn trâu, vừa ôn lại bài hát “Đoàn quân Việt Nam đi…” và “Một mùa thu…”. Các cán bộ, bộ đội xô nhau đi các bản họp với nhân dân…
* * *
Chính phủ thả hết nguỵ binh địa phương ngay. Bản thì 5, bản thì 10 người đi lính cho Pháp, nay được về cả, các bà mẹ, các chị vợ nô nức đi đón con, đón chồng về, rước thày mo về làm lễ lấy vía cho những người “lạc vía” ấy. Ai chưa thấy con về, sục đến tìm bộ đội. Một chị chờ chồng mãi không thấy, khóc mất hai ngày. Bộ đội bảo: “Vài ngày “nó” khắc về thôi!”. Quả nhiên, chồng chị về thật, chị lại cười suốt ngày và tìm mọi cách để mời bộ đội ăn cơm.
Một anh nguỵ binh về đến nhà, lập tức vứt bỏ bộ quần áo vàng và nói: “Em bị chúng nó bắt buộc thôi! Không đi chúng nó làm tội!”. Chiều đến anh mặc bộ quần áo trắng mới còn cứng, đứng tựa cột giã gạo với vợ, vừa giã vừa đùa với con trên tay vợ và cười với những anh bộ đội đi qua.
Hàng trăm nguỵ binh lẩn trong rừng nghe tin cũng lần lượt về nhà, không ai chạy theo giặc. Một cụ già Mèo ở Khâu Phạ đi tìm, dắt ra nộp cho bộ đội được 10 người và 10 súng.
* * *
Nhiều người chưa biết, gặp bộ đội còn chắp tay vái, anh bộ đội hết sức ngạc nhiên, xua tay đỡ dậy. Cử chỉ ấy làm cho nhân dân kinh ngạc và so sánh:
“Úi chao! Ngày xưa Tây nó vào không kịp lạy nó, nó còn đánh cho chết đấy. Nó vào đến nơi, nó sục ngay vào chuồng gà, nó chỉ vào gà, không cho nó giơ lựu đạn nó doạ. Nó bắt làm cơm, chậm một tý nó lại đánh, khổ lắm. Bây giờ bộ đội đến giải phóng tốt quá, hoan hô quá!”
Ảnh: Tuổi già rong ruổi với những người thân cận nhất.
 Đồng bào gặp bộ đội, thổ lộ hết những uất ức với bộ đội. Một đồng bào ở Hạnh Sơn tố cáo:
“Nó vào nhà, mẹ nằm với con gái mà nó gạt mẹ ra, nó nằm vào giữa, khóc lóc, không nghe, nó giơ dao, nó doạ đâm. Vào làng, nó thấy con gái chạy, nó bắt ông già dìm đầu xuống suối, đè đá lên đầu. Không đi tìm con gái về lại chết với nó. Cứ 5, 10 ngày nó lại bày trò trên đồn, bắt các làng phải nộp con gái lên. Con giai ông lý trưởng, nó bắt đi lính, bây giờ còn chưa biết ở đâu, con dâu Tây nó hiếp, nó đổ bệnh cho, bây giờ đẻ con như con khỉ ấy…”
Ở giữa những làng chung quanh Nghĩa Lộ, bộ đội chua xót trước cảnh một số thanh niên nam nữ đú đởn nước hoa, đèn pin, kèn hát. Người dân nghẹn ngào, ngượng ngập hỏi dò cảnh sống vùng tự do, ngắm nghía anh bộ đội.
Bên bếp lửa, một cụ già người Thái ở bản Lầm kể lể với bộ đội:
- Thằng Tây nó ác lắm vớ! Các đồng chí xem: đất của dân, nó không cho ở, nó dồn về ở với nhau, nó rào chung quanh. Sáng sáng dậy ra khỏi cổng đi làm đồng, tối lại kéo nhau về như đàn lợn ấy. Trong làng bẩn bẩn, thỉu thỉu, không nuôi nấng gì được nhiều. Thỉnh thoảng nó lại về làng, nó gác, nó bắt nộp trâu. Nhà tôi có hai con trâu, mình mới cày xong, chưa bừa được, nó bắt cả. Thế là mình không có trâu làm. Ở đây không được làm nhiều gạo đâu vớ! Nó bảo làm nhiều tiếp tế cho Việt Minh à? Nó còn cấm đi săn, cấm đốt lửa đêm, mấy hôm nó sợ các đồng chí, nó lại càng cấm ngặt, tối đi làm về phải mò sờ mà ăn cơm đấy…
- Cụ có biết cụ Hồ không?
- Có chứ, có lắm chứ! Hồ Chí Minh mà, Hồ Chí Minh muôn năm mà. Bọn trẻ con nó có sổ hát đấy! Cụ Hồ thương dân, bộ đội thương dân lắm. Bây giờ ai có thổ cũ tha hồ mà về, không phải ở tập trung nữa, sướng quá. Đến cả bọn đi lính cho “nó” là có tội mà cụ Hồ cũng tha, bộ đội cũng tha đấy! Úi giời, mấy ngày nay thật là thoả thuê sung sướng. Mấy hôm nay dân Mán tha hồ đi gặt nương. Trước kia không dám gặt đâu. Ra gặt gặp “nó” đi “pa-chui” (patrouille – đi tuần) là “nó” bắt đấy. Đàn ông thì đi khiêng đồ, đàn bà thì nó hiếp. Mấy hôm nay, các bạn ta sướng lắm đấy. Nó cười đấy!
Một chị phụ nữ ở Sai Tương bảo bộ đội:
- Chúng nó không chết hết với các đồng chí thì chúng em cũng chết hết với chúng nó đấy.
Một cụ già ở phố Nghĩa Lộ nói với bộ đội:
“Tôi quê ở Chấn Thịnh đấy! Năm 49 nó càn, nó đốt hết làng tôi, bắt hết trâu rồi bắt tôi vào đây. Làng tôi hàng trăm con trâu. Riêng tôi có 9, 10 con, 5 mẫu ruộng. Bây giờ thì sạch sành sanh, tôi phải đi làm thuê. Ruộng ở nhà bỏ hoang, muốn về mà nhà cửa không còn. Khi “nó” giam tôi ở bốt Đông Bồ, mỗi ngày tôi thấy nó mổ một con trâu. Các đồng chí bảo thế thì làm gì còn trâu làm ruộng. Nói vô phép các đồng chí, đéo mẹ nó, nó đánh tôi 5 báng súng, bây giờ giở giời chỉ có nằm mà khóc. Khiếp lắm các đồng chí ạ. Mong các đồng chí như mong mẹ về chợ, nhưng cứ để bụng thôi. Nói ra là chết tươi với nó, 5, 6 năm bây giờ mới hả được cái tức.
* * *
Vừa gặp mùa gặt. Bộ đội đổ ra đồng đông như kiến. Khoảnh ruộng nào cũng có từ 5, 10 anh đến 20 anh. Những áo trấn thủ xen lẫn với áo chàm, áo trắng, mũ nguỵ trang xen lẫn với khăn xanh, nón lá. Chỉ có những câu chuyện dóng một và nhiều tiếng cười vì bộ đội không nói được tiếng địa phương. Ở đây, gặt rất đặc biệt: cấu từng bông hay dùng dao cắt từng bông như hái hoa, sau đó túm lại từng túm, chất đống phơi ngay ngoài đồng. Anh bộ đội miền xuôi thiếu liềm hái, lúng túng. Nhưng đã có cách khắc phục khó khăn, có anh dùng dao díp của mình, có anh quấn khăn mặt vào tay để rút cho nhanh và đỡ đau tay. Kết quả gặt nhanh không kém gì dân mà lại còn hơn nữa.
Có đơn vị tiểu đoàn, một ngày giúp dân được 100 công gặt; một đơn vị cơ quan trong ba ngày gặt được 1000 công.
Ở bản Lầm, giặc không cho khai mương lấy nước tưới ruộng và giã gạo bằng cối nước. Bộ đội đến, đồng bào bỡ ngỡ. Hôm sau, bộ đội dậy sớm xếp đá đường đi ra suối, khai mương cho đồng bào giã gạo. Nhiều cụ già rớt nước mắt. Đơn vị thiếu gạo, tiểu đội trưởng Chong ăn cháo đi gặt rất chăm và rất hăng. Đêm ngủ, Chong cựa mạnh đạp tung chăn trấn thủ ra, bà cụ chủ nhà khẽ lấy chiếc chăn bông thật mới đắp lên cho Chong. Sáng dậy, Chong sợ quá, vội gấp lại định cất đi. Bà cụ tủm tỉm cười: “Cứ nằm ngủ đi!”.
Đồng chí Tuệ nghiện thuốc lào nặng mà sẻ nửa phần thuốc của mình biếu ông cụ chủ nhà mà nhất định không lấy tiền, vì: “bộ đội không buôn bán”. Ở Sòng Pèng, anh bộ đội gọi trẻ đến cùng ăn cơm, biếu cụ chủ nhà chén rượu chiến lợi phẩm. Cụ chủ biếu lại rượu và sắn, anh em không nhận và nói:
- Cụ Hồ dặn: đồng bào ở đây bị bóc lột nhiều, bộ đội không được quấy nhiễu đồng bào.
Cụ già quay mặt đi để giấu hai hàng nước mắt cảm động, khẽ thở dài rồi bắt con kiếm nhiều củi cho bộ đội nấu cơm.
Bà cụ Bôn thấy bộ đội ăn cháo luôn hai bữa mà cháo loãng, đem bơ gạo tự tay đổ luôn vào nồi cháo, rồi tự tay quấy cháo cho anh em…
* * *
Càng ngày dân càng gần bộ đội, nhất là đám nhi đồng ngây thơ hồn hậu. Xóm làng rộn rã. Anh bộ đội hôm qua xông pha đuổi địch còn hô nhau:
“Bài 4 (bài học về nhân dân lao động) học rồi, tiến lên! Trả thù cho nhân dân lao động!”
Hôm nay làm đường, đi gặt, giã gạo, đùa với trẻ, kính trọng người già, thủ thỉ với dân:
“Chúng tôi cũng như đồng bào thôi, ở nhà có ruộng, có trâu, có cha mẹ, vợ, con. Nhưng giặc ăn cướp ác lắm, phải đi bộ đội đánh nó…”
Càng ngày dân càng thấm thía, quanh đường ngõ, bên bờ ruộng bảo nhau: “Bộ đội nó cũng như con cháu ta trong nhà thôi! Nó đánh giặc về nó lại giữ gìn nhà cửa, làm ruộng, làm vườn. Cụ Hồ tốt quá! Bộ đội tốt quá!” và tha thiết với anh bộ đội:
- Các đồng chí mà không ở đây giữ cái đất này, Tây nó về lần nữa thì dân không sống được đâu!
Anh bộ đội nặng lòng, lại ra đi hăm hở thực hiện mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch và sứ mệnh của nhân dân.
Tây Bắc, đêm 07-11-1952

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét