Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Đẹp thay “cộng sản”


Cứ mỗi lần có sự kiện gì trong sinh hoạt của Đảng là tôi không thể không nhớ lại một kỷ niệm nhỏ của tuổi thơ. Hình như đó là một cái mốc để mỗi bước đi lên, tôi lại quay trở lại nhìn nó để mà ước lượng được cái khoảng cách của sự phát triển; sự phát triển của bản thân nhận thức và tâm hồn mình, sự phát triển của cuộc sống xã hội.





Lúc ấy vào khoảng năm 1930, tôi mới bảy tuổi, bắt đầu biết đọc, biết viết, tôi sống với bố tôi, một công chức nhỏ trong một căn nhà ở một phố nhỏ của Hà Nội. Tôi hay la cà chơi ngoài phố và thích lượm lặt các mẩu giấy vụn về đọc (vì mới tập đọc, nên ham đọc). Một hôm, bố tôi gọi tôi về, với vẻ mặt nghiêm trọng dặn: “Từ nay, ra phố gặp giấy rơi vãi chớ có nhặt! Nhỡ gặp phải truyền đơn cộng sản thì khốn đấy!”. Tôi kính cẩn tuân theo lời dạy đó, mỗi lần gặp một mảnh giấy, tôi đều cẩn thận tránh xa. Tôi không hỏi bố tôi “truyền đơn cộng sản” là gì, mà căn cứ theo vẻ nghiêm trọng của bố tôi, tôi suy đoán đó là một loại giấy “nguy hiểm”, đụng vào nó có thể xảy ra những vụ nổ chết người, ai cũng phải sợ. Và tôi chưa được biết rằng truyền đơn cộng sản có một sức mạnh thật sự. Những kẻ xâm lược, bọn thực dân thống trị sợ nó một cách ghê gớm. Nhưng cũng chính truyền đơn cộng sản thì lại mang lại cho nhân dân lao động một sức mạnh để đoàn kết, để đấu tranh. Cho đến bây giờ tôi vui sướng nghĩ lại rằng: Ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, lý tưởng và học thuyết của Đảng ta đã lập tức có ngay một sức mạnh lớn, có ảnh hưởng vang xa rộng rãi và làm cho kẻ thù run sợ.
Sau này, khi tôi lớn lên, đứng trước những bế tắc của cuộc sống, tôi được các anh, các chị lớn tuổi nói cho nghe về chủ nghĩa cộng sản, được đọc những sách nói về chủ nghĩa cộng sản và những tác phẩm văn học nói về những người cộng sản, tôi như người ngủ mê được bừng tỉnh với một sự say sưa náo nức lạ thường. Tôi nhận mọi công việc của đoàn thể trao cho và tìm mọi cách làm cho thật tốt một cách tận tuỵ say mê. Tôi còn tìm thêm việc ra làm, tự động tổ chức những việc làm thêm: dạy bình dân học vụ cho anh chị em lao động chung quanh, tích cực tuyên truyền cách mạng ở mọi nơi, mọi lúc, hăm hở xây dựng các tổ chức cách mạng để thu hút thanh niên, thiếu niên. Và cứ làm như vậy, tôi yên trí, tôi đã là “một người cộng sản”.
Tôi chưa hiểu gì về tổ chức của Đảng. Tôi cứ cho rằng mình hiểu chủ nghĩa cộng sản như vậy, mình hăng hái hoạt động như vậy thì mình cũng là cộng sản. Cho đến khi chị tôi (một đảng viên lúc ấy phụ trách giúp đỡ tôi) hỏi tôi: “Em có muốn được hoạt động trong một tổ chức cao hơn, em có muốn trở thành cộng sản không?” thì tôi ngạc nhiên hết sức và hỏi lại: “Em làm như thế này mà còn chưa là cộng sản sao?”. Chị tôi cười, trả lời: “Chưa phải! Em rất tốt và làm việc khá, nhưng chưa phải như thế đã là cộng sản. Chính vì em tốt và làm việc khá, nên Đảng mới chú ý đến em và muốn em còn tiến lên nữa. Em phải gia nhập Đảng, vào một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và hoạt động theo điều lệ của Đảng cho thật tốt mới có thể trở thành người cộng sản thực sự được”.
Lúc ấy tôi mới hiểu thêm: cộng sản không phải chỉ là lý tưởng, tình cảm, mà cộng sản còn phải là hành động, là tổ chức.
Hiện nay, mỗi khi có dịp gặp gỡ nhau, một số anh chị em đã cùng nhau hoạt động từ “thời kỳ bí mật” trước Cách mạng tháng Tám, thường tâm sự với nhau, ôn lại trạng thái tinh thần cao đẹp của các chiến sĩ cách mạng lúc đó, để phân tích, đối chiếu với những điều kiện xã hội hiện nay và những yêu cầu về phẩm chất của những chiến sĩ cộng sản khi Đảng đã lãnh đạo chính quyền.
Tuy chúng tôi biết rất rõ là ở hai hoàn cảnh: lúc Đảng còn phải hoạt động bí mật và khi Đảng đã nắm và lãnh đạo chính quyền là khác hẳn nhau, nhưng hầu như ai cũng có một niềm tự hào về một thời kỳ hết sức đẹp đẽ đã có trước đây, một trạng thái tinh thần cao đẹp và quý giá hơn tất cả của cải của thế gian. Chúng tôi thường nhắc lại với nhau mấy chữ “tình cảm cách mạng” và “tình đồng chí” một cách trân trọng và trìu mến lạ lùng.
Thực vậy, lúc đó rủ nhau đi làm cách mạng, mỗi người đều không có một chút gì gọi là gia tài, hành lý phải lo toan, mà thực sự là chỉ có một tấm lòng. Cuộc sống cần chờ đón là gian khổ, thất thường, thiếu thốn, trốn chạy, mạo hiểm, tù đày và chết chóc. Mỗi khi bước đi làm cách mạng đều tính toán trước đến thời gian bị bắt, bị tù,… Vì sống chỉ có “một tấm lòng” cho nên đối với nhau cũng bằng tất cả “tấm lòng” đó, không có gì khác. Từ đó mà bao nhiêu kỷ niệm về tình đồng chí đẹp đẽ, sâu sắc “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng” cứ luôn luôn còn giữ mãi cái hương vị ngọt ngào cao quý của nó trong tâm hồn. Câu chuyện “tấm áo trong tù” mà đồng chí Lê Duẩn đã nhắc lại nhiều lần, có thể là câu chuyện điển hình, tiêu biểu và tập trung nhất của “tình cảm cách mạng” lúc bấy giờ.
Lúc ấy quả thực không có gì phải to tiếng, không có tự tư tự lợi. Ai có những hiện tượng bị phê bình là có “đầu óc tư hữu”, tức là ngược lại với lý tưởng cộng sản, thì đó là điều hết sức sỉ nhục. Trong các tổ chức cách mạng, không có vấn đề mất đoàn kết nội bộ, không có ganh tỵ, kèn cựa, không có “đầu óc địa vị”. Không có tình trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, không có vấn đề trù úm, truy chụp,… Bất cứ ở đâu cũng có vấn đề lợi ích chung, lợi ích cách mạng bao trùm lên trên hết và là tiêu chuẩn đạo đức hằng ngày để xem xét các hành vi, các ý nghĩ, chỉ có thương yêu nhau, nâng đỡ nhau. Không có tính toán thiệt hơn. Quả thật trong toàn bộ cuộc sống, tình cảm cách mạng là trên hết, xuyên suốt, trong sáng và sâu sắc, rất ít gợn những điều gì khác lạ vào đó. Lúc ấy, trước mắt là kẻ thù, sống, chết, từng giờ mỗi người đều ở trong cuộc chiến đấu một mất một còn. Chỉ có một vũ khí là lý tưởng và lòng tin. Trong cuộc chiến đấu đó không ai mất gì, chỉ có mất đi ách nô lệ, còn được thì được cả thế giới. Hoàn cảnh đấu tranh cụ thể đó đã tạo nên cho mỗi người một tinh thần thực sự là cộng sản trong sáng, cao đẹp.
Ngày nay, tình hình khác hẳn, mỗi người đều có những ràng buộc từ nhiều phía, cả xã hội và mỗi người đều có những điều kiện khách quan cụ thể, những mối quan hệ vật chất cụ thể phải giải quyết, phải xử lý.
Trước đây, mọi người không có gì để làm chủ, trừ lý tưởng và tình cảm cách mạng của mình. Ngày nay tất cả những người cộng sản phải cùng với nhân dân làm chủ tập thể cả một xã hội, một quốc gia và mỗi người còn có đời sống riêng phong phú hơn, nhưng cũng phức tạp hơn. Những tiêu chuẩn đạo đức không đơn giản và tập trung như trước, mà phát triển ra nhiều mặt hơn, đa dạng hơn.
Người “cộng sản trẻ tuổi”, những tiếng ấy lúc nào cũng có âm sắc đầy ý nghĩa tươi đẹp, cao quý, hùng dũng. Do những đặc điểm của phong trào cách mạng, nên những chữ “thanh niên cộng sản” tự nó bao hàm nhiều ý nghĩa kỳ diệu, tuyệt vời, nó bao hàm cả lý tưởng cao đẹp, tình cảm đạo đức trong sáng, tiên tiến, cả lịch sử đấu tranh vô cùng anh dũng hào hùng, những chiến thắng chói ngời, lừng lẫy, bao hàm vai trò xung kích trong các nhiệm vụ cách mạng mỗi ngày một mới mẻ, nặng nề và cả những hình ảnh tương lai hết sức rực rỡ, huy hoàng.
Cuộc chiến đấu ngày nay là một cuộc chiến đấu để xây dựng. Ngày nay không phải đánh Tây, đánh Mỹ, mà phải đánh trời, đánh đất, đánh biển và cũng phải dám đánh, biết đánh và biết thắng.
Mỗi người đi vào cuộc chiến đấu hiện nay lại với một gia đình, một gia tài (tuy rằng hết sức nhỏ nhẹ), với bao sự lo toan riêng tư. Những điều đó lại gắn chặt với lương bổng, ngành nghề, chức quyền, tiêu chuẩn, v.v… và nhiều chuyện của nhân tình thế thái mới.
Thanh niên cộng sản ngày nay không có được cái hạnh phúc trong việc tìm lý tưởng và phụng thờ lý tưởng một cách thiêng liêng tuyệt đích, không được nếm trải cái tình cảm cách mạng trong lành, thuần chất của những tuổi trẻ thời xưa. Nhưng thanh niên cộng sản ngày nay lại bước vào cuộc chiến đấu từ những thắng lợi vĩ đại với những mục tiêu vĩ đại và cụ thể, được nâng sức bằng cả một chế độ xã hội tiên tiến, được trang bị bằng những tri thức và kiến thức mới mẻ, rộng rãi, những phương tiện làm việc phong phú và nhiều hiệu quả, được có những niềm hạnh phúc của việc chinh phục thiên nhiên, chiến thắng nghèo nàn, có niềm hạnh phúc của việc hằng ngày mang lại những đổi thay cụ thể cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Tuy vậy, chẳng có thể chia lịch sử ra từng khúc được. Lý tưởng của thanh niên cộng sản trước đây và thanh niên cộng sản ngày nay cũng chỉ là một. Thanh niên cộng sản ngày nay cũng là những người đã được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh sục sôi cách mạng của cả nước, cũng được đóng góp và chào mừng những thắng lợi vĩ đại, cũng đã tự nguyện hiến dâng cả cuộc sống cho lý tưởng.
Ngày nay, không phải là day dứt dằn vặt đi tìm lý tưởng mà là phải biết nuôi lửa nhiệt tình đối với lý tưởng và phải biết ham mê và say sưa với lý tưởng, lấy lòng ham mê và say sưa đó vượt qua được những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh, vừa biết hăng say chiến đấu trên mọi mặt trận, lại vừa biết xử lý đúng đắn mọi quan hệ phức tạp giữa tình và lý, chung và riêng, lý tưởng cao đẹp và các vấn đề “thực tế” hàng ngày. Thanh niên không thể phủ nhận và bỏ qua các vấn đề thực tế phức tạp hàng ngày. Nhưng, quyết không nên để những vấn đề thực tế phức tạp hàng ngày che mờ mắt nhiệt tình vì lý tưởng.
Phải chăng có một số thanh niên hiện nay quá đơn giản hoá và thông tục hoá vấn đề lý tưởng. Họ cho rằng lý tưởng rõ rồi, không cần bàn cãi, không cần tìm tòi, không cần day dứt. Cứ việc yên tâm học tập cho tốt, yên tâm với một vị trí công tác ổn định và làm tròn nhiệm vụ để “phục vụ nhân dân”, thế là đủ. Vô tình, những thanh niên đó coi như không cần có vấn đề lý tưởng trong cuộc sống và từ đó rơi vào tình trạng “không cần lý tưởng” để bị vướng mắc vào một mớ bòng bong các vấn đề cụ thể của cuộc sống hàng ngày. Nếu quả thật như vậy, các bạn đó đã mất một mặt chủ yếu nhất trong đời sống tinh thần, tình cảm của một thanh niên, khó tìm thấy nhiệt tình cách mạng trong cuộc sống và lao động từng ngày. Các thứ học thuyết triết lý tư sản phản động ở những vùng Mỹ - nguỵ tạm chiếm trước đây ra sức phổ biến một lối sống “đếch cần lý tưởng” trong thanh niên, giễu mọi thái độ trân trọng và say sưa đối với lý tưởng của các thanh niên cách mạng, tạo nên một nếp sống, nếp nghĩ “thực dụng”, chạy theo sự hưởng lạc, chạy theo một lối sống ích kỷ, lặn ngụp trong những suy tính hưởng lạc nhỏ nhen hàng ngày, một lối sống thấp hèn làm tê liệt mọi khả năng sáng tạo đầy năng động của thanh niên, biến thanh niên thành công cụ gây trở ngại cho cách mạng, cho tiến bộ xã hội.
Thanh niên cộng sản ngày nay mang trách nhiệm nặng nề với Tổ quốc, với nhân dân, vừa phải giương cao hơn nữa ánh sáng của lý tưởng cộng sản vĩ đại, vừa phải có đủ nhiệt tình và bản lĩnh vượt qua được bao nhiêu khó khăn phức tạp của thực tế cuộc sống hàng ngày; phải ngay từ bây giờ tự mình tạo nên một nếp sống cộng sản, một tình cảm cách mạng ngày càng trong sáng, ngày càng cao đẹp. Và đó cũng là một mặt chủ yếu của sự nghiệp xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cuộc sống hạnh phúc không phải chỉ có ấm và no. Cuộc sống hạnh phúc còn phải bao gồm cả đời sống tinh thần cao đẹp, tình cảm cách mạng nồng nàn, tình thương yêu rộng rãi và trong sáng. Mà muốn có đời sống hạnh phúc – đúng với ý nghĩa hạnh phúc – như vậy, phải hàng ngày đấu tranh và chiến thắng những hiện tượng ngược lại, không cần phải chờ đến lúc thừa ấm, thừa no. Thanh niên cộng sản cần có và phải có cuộc sống hạnh phúc như nói trên ngay từ bây giờ, và hoàn toàn có thể tự mình tạo nên một cuộc sống như vậy. Nói như vậy hoàn toàn không phải duy tâm, không phải “lý thuyết suông”, nếu quả thực những người cộng sản tìm thấy được niềm vui trong công việc lao động và phấn đấu từng ngày từng giờ trong cuộc sống của mình.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ:
“…Mục đích cao quý của chủ nghĩa xã hội là thoả mãn ngày càng đầy đủ không những nhu cầu vật chất mà cả nhu cầu văn hoá của toàn xã hội; là biến mọi giá trị văn hoá thành tài sản của nhân dân và tạo mọi điều kiện để nhân dân trực tiếp sáng tạo ra mọi giá trị văn hoá; là làm cho các quan hệ đối xử giữa người và người thể hiện lẽ sống tốt đẹp: Mỗi người vì mọi người…”
“…Con người mới vừa là sản phẩm của xã hội vừa là chủ thể có ý thức của xã hội. Tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và tạo ra những điều kiện xã hội hết sức quan trọng để có con người mới. Song, con người mới không thể hình thành một cách tự phát mà phải trải qua quá trình xây dựng một cách tích cực và chủ động. Hơn nữa, hoàn cảnh nước ta đòi hỏi chúng ta xây dựng sớm, xây dựng từng bước con người mới, không phải chờ đến sau khi đã có sự phát triển cao của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.
Những ý kiến trên là những ý kiến có ý nghĩa rất quan trọng đối với thanh niên ta. Thanh niên phải là “chủ thể có ý thức cao của xã hội” một cách tự giác và tích cực nhất.
Những mục tiêu cách mạng của ta lúc này thật vĩ đại. Phải có một đội ngũ thật hùng hậu những thanh niên cộng sản tiến quân mạnh mẽ với tấm lòng cộng sản. Như vậy núi phải cúi đầu, sông phải tránh bước, nghèo nàn lạc hậu nhất định phải bị đẩy lùi.
Cộng sản là tuổi thanh xuân của nhân loại. Thanh niên cộng sản là những cánh bay cho tuổi thanh xuân đó bay cao lên mãi.
         20 – 12 – 1976

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét