Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Đang có thêm nhiều Hải Hậu


Những ngày 12, 13, 14 tháng 01 năm 1983, Bộ Văn hoá đã tổ chức một hội nghị rất có ý nghĩa về phong trào thi đua “xây dựng văn hoá huyện” với Hải Hậu. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hoá cùng đại biểu 6 huyện có phong trào hoạt động văn hoá xuất sắc trong năm 1982 là Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), An Nhơn (Nghĩa Bình), Hoằng Hoá (Thanh Hoá), Đồ Sơn (Hải Phòng), Đông Anh (Hà Nội) và Hưng Hà (Thái Bình) cùng với 3 huyện tham dự với tư cách “quan sát viên”.
          
          Tất cả đều họp ở huyện Hải Hậu nghe huyện Hải Hậu báo cáo tình hình phát triển và hoạt động văn hoá trong 3 năm qua. Các đại biểu chia nhau đi tham quan các cơ sở văn hoá ở huyện và phong trào hoạt động văn hoá ở 4 xã. Các đại biểu vừa nêu câu hỏi chất vấn đại biểu huyện Hải Hậu, vừa thông báo tình hình phát triển của huyện mình để trao đổi kinh nghiệm. Cuộc họp đã diễn ra hết sức sôi nổi hào hứng và phong trào thi đua “xây dựng văn hoá ở huyện” đã diễn ra với sắc thái mới mẻ, nhiều triển vọng. Nhìn lại, ta có thể thấy mấy nét tình hình đáng chú ý:
1. Phong trào được Bộ Văn hoá xây dựng từ năm 1978. Lúc ấy, Bộ chọn Hải Hậu làm lá cờ đầu để thi đua là căn cứ trên tình hình thực tế huyện Hải Hậu tự mình đã tạo được nền của một phong trào hoạt động văn hoá khá vững vàng và đều khắp trong huyện. Tất cả các xã đều có văn nghệ quần chúng, thư viện, đội thông tin lưu động và phong trào nếp sống mới, không cần có sự đầu tư và giúp đỡ gì nhiều của cấp trên. Tuy nhiên, Hải Hậu còn yếu về hai mặt: các bộ máy chỉ hoạt động từ huyện đến xã còn kém, cán bộ chưa được đào tạo và bồi dưỡng đúng mức, cũng do đó chưa có cơ sở vật chất và bộ máy nhà văn hoá huyện. Sự chỉ đạo nghiệp vụ chưa được tốt, chưa có trung tâm văn hoá huyện tương đối hoàn chỉnh để thu hút phong trào và tác động phong trào toàn huyện.
Những việc đã đạt được của Hải Hậu năm 1978 là tốt đẹp, tiến bộ, thiết thực, cụ thể, dễ thấy nhưng yếu kém cũng cụ thể, rõ ràng: Bộ đã nêu lên như thế và từ những điểm đã đạt được và chưa đạt, vạch ra một “mô hình văn hoá huyện” để các huyện thi đua.
Việc thi đua của các huyện có thể theo mấy mức độ:
- Vượt các mặt của Hải Hậu,
- Đuổi kịp những mặt mạnh của Hải Hậu,
- Theo hướng mô hình văn hoá huyện rút ra từ tình hình Hải Hậu.
Đó là một chủ trương hết sức đúng đắn và thiết thực. Lúc đầu rất nhiều huyện cũng tự ty, thấy rằng phong trào Hải Hậu đã đạt mức cao, nên không dám đăng ký thi đua, hoặc có những huyện chưa đăng ký thi đua ngay, thấy rằng bản thân mình còn phải chuẩn bị và tích luỹ các điều kiện đến mức nào đó mới đăng ký thi đua và cứ ngấm ngầm thi đua, trong một nỗ lực không ầm ĩ. Vì các huyện đó cho rằng đã thi đua thì phải kịp hoặc vượt Hải Hậu, chứ thi đua mà đuổi mãi không kịp thì chán.
Vì vậy, những năm 1978, 1979, số huyện đăng ký thi đua với Hải Hậu rất lẻ tẻ. Tuy nhiên, huyện nào cũng đều chú ý đến tình hình của Hải Hậu và đều nỗ lực xây dựng phong trào theo hướng của Hải Hậu. Cho đến năm 1982 mới có 60 huyện trong toàn quốc đăng ký thi đua với Hải Hậu và có những huyện dự định đến năm 1983 mới bắt đầu đăng ký thi đua và tự thấy đã có đủ điều kiện để theo kịp và vượt Hải Hậu.

Một cây cầu độc đáo ở chợ Lương, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh : Trần Độ



 Những huyện thuộc vào loại xuất sắc của tỉnh, trong đó có 6 huyện về dự hội nghị kiểm tra thi đua lần này đều thừa nhận phong trào Hải Hậu tiếp tục vững và phát triển và cũng đang có những yếu tố mới : số cán bộ được bồi dưỡng khá hơn, bộ máy Nhà văn hoá đã hình thành và hoạt động tuy còn yếu, cơ sở vật chất Nhà văn hoá đang được xây dựng và trong năm 1983 sẽ hoàn thành. Những yếu tố mới này tạo đà cho Hải Hậu có những bước tiến mới chắc chắn là mạnh hơn. Tuy vậy, có huyện đã có thể nhận xét có mặt hơn Hải Hậu ; ví dụ về hoạt động Nhà văn hoá huyện của Thủ Đức, Hưng Hà ; về thư viện của Hoằng Hoá, Đồ Sơn ; về tốc độ tiến mạnh của An Nhơn, Thủ Đức ; về tổ chức chỉ đạo ở cơ sở xã của Hưng Hà.
Như vậy cuộc thi đua bước vào một giai đoạn mới hào hứng hơn. Rất có thể Hải Hậu sẽ không còn là ngọn cờ đầu duy nhất về văn hoá cấp huyện nữa, mà còn xuất hiện nhiều ngọn cờ thi đua ở nhiều huyện, quận khác.
2. Phong trào thi đua này là một phong trào được kiên trì về chủ trương, được bền vững về sự phát triển và có hiệu quả cụ thể. Tất cả các huyện về dự Hội nghị đều nói rằng việc thi đua với Hải Hậu là một sự kích thích rất mạnh mẽ sự nỗ lực của các huyện. Nội dung thi đua rất cụ thể, rõ ràng, các huyện coi phong trào thi đua này là một trong những nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự tiến bộ của công tác văn hoá trong các huyện.
Sự kiên trì được thể hiện qua các lần sơ kết : năm 1980, Bộ cũng có Hội nghị sơ kết họp ở huyện Hải Hậu và hết năm 1982 cũng có Hội nghị sơ kết theo kiểu kiểm tra thi đua. Mỗi lần sơ kết đều rút ra được những thành tích rõ rệt và những kinh nghiệm cụ thể, gây phấn hứng mới cho phong trào.
Một phong trào có mục tiêu cụ thể, có sơ kết tổng kết với nội dung rõ ràng và thiết thực, luôn luôn tạo được không khí mới mẻ, là một phong trào thi đua rất tốt. Chính vì thế, nó có tác động có hiệu quả đến công tác văn hoá ở cấp huyện, quận trong cả nước, là một dấu hiệu tích cực rất đáng quan tâm của công tác văn hoá.
3. Hải Hậu là một huyện nông nghiệp vùng đồng bằng ven biển có nhiều đồng bào theo đạo Thiên Chúa, có những đặc điểm về kinh tế, xã hội, địa lý khác các quận ở thành phố, các huyện có công nghiệp lớn, các huyện miền núi. Nhưng không phải vì thế mà các quận, huyện có điều kiện khác không thi đua được. Tuy tất cả các huyện, quận có những sự khác nhau đó tác động đến sự phát triển của phong trào, đến nội dung và hình thức hoạt động văn hoá, trong những việc Hải Hậu đã làm được và chưa làm được thì lại là những việc mà bất cứ quận nào, hay huyện nào cũng cần phải làm. Nó là những nét chung giống nhau của tất cả các huyện, quận. Tất nhiên sau này, trong sự phát triển có những mô hình phát triển mới để làm mẫu cho từng loại quận, huyện khác nhau thì tốt hơn và phong trào ta mạnh lên nhiều.
4. Phong trào thi đua “xây dựng văn hoá ở huyện” với Hải Hậu rất phù hợp với Nghị quyết của Đại hội V của Đảng về tổ chức đời sống văn hoá ở cơ sở. Bản thân phong trào có những yếu tố tích cực, lại được Nghị quyết Đại hội V của Đảng soi sáng, cổ vũ và thúc đẩy có một triển vọng rất tốt đẹp, góp phần thực hiện một mục tiêu chiến lược của văn hoá mà Hội nghị lần thứ 3 của Trung ương Đảng (khoá V) đã ghi rõ là năm 1985, tất cả mọi cơ sở phải có đời sống văn hoá.
Những kinh nghiệm cụ thể, những vấn đề đặt ra cần giải quyết đã xuất hiện trong phong trào thi đua bốn năm qua, chính cũng là những vấn đề phải giải quyết để xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Những kinh nghiệm đó là:
a) Việc trung tâm phải giải quyết là việc xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ.
Thủ Đức đã nêu cao tấm gương về kinh nghiệm này. Bộ cũng một lần nữa nhắc Hải Hậu phải tích cực hơn trong mặt này.
Việc bồi dưỡng cần được phân cấp cụ thể, có những phần trách nhiệm của Bộ, phần trách nhiệm của tỉnh và phần trách nhiệm của huyện. Huyện và cơ sở lại phải phát huy cao độ tinh thần tích cực tranh thủ học tập. Nhà văn hoá huyện Thủ Đức có 9 cán bộ, có lúc đã cử 8 cán bộ đồng thời đi học, mà vẫn duy trì được hoạt động là một việc làm đối lập hẳn lại một số địa phương, lúc nào cũng kêu thiếu cán bộ, nhưng không bao giờ chịu sắp xếp cho cán bộ đi học, dù chỉ là những lớp ngắn hạn.
b) Bất cứ hoạt động nào cũng phải có các điều kiện:
- Cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật,
- Bộ máy tổ chức, biên chế, cán bộ và chế độ chính sách bảo đảm cho bộ máy hoạt động,
- Nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp, kinh phí cho hoạt động.
Hiện nay các cơ quan có trách nhiệm cần lưu ý đến đời sống và chế độ cho cán bộ hoạt động văn hoá ở cơ sở. Ở rất nhiều địa phương, các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền ở cơ sở (mà chủ yếu là xã và hợp tác xã nông nghiệp) đã mạnh dạn giải quyết vấn đề trong quyền hạn của mình. Điều đó cho thấy chế độ đảm bảo đời sống và hoạt động của cán bộ văn hoá ở cơ sở là có thể giải quyết được. Trên cơ sở kinh nghiệm cụ thể của địa phương lúc ấy, mới có các yếu tố để xây dựng những thể chế chung cho cả nước được. Vì vấn đề xây dựng văn hoá còn quá mới mẻ, hoạt động văn hoá lại nhiều ngành, nhiều vẻ.
Ở các cơ sở của thành phố, các xí nghiệp, công trường, cơ quan, đề nghị Công đoàn cần có trách nhiệm rõ rệt hơn trong việc xây dựng đời sống văn hoá và ở các cơ sở này, Công đoàn có nhiều điều kiện để thực hiện trách nhiệm này hơn rất nhiều cơ quan khác.
Đối với ba điều kiện này không nên tuyệt đối hoá điều kiện nào, nhưng cũng không nên coi nhẹ điều kiện nào.
Có ý kiến cho rằng không cần cơ sở vật chất, không cần kinh phí cũng có thể tổ chức đời sống văn hoá được, chỉ cần có quyết tâm.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng không có kinh phí, dứt khoát không làm được việc gì, không có cơ sở vật chất, nhất định không có đời sống văn hoá được.
Cả hai loại ý kiến trên đều cực đoan cả. Nhưng có một sự thực khá rõ là trong các điều kiện trên thì điều kiện trung tâm là cán bộ và bộ máy và phải là cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng biết làm, có tinh thần làm việc kia. Tuy vậy, không thể coi là chỉ có cán bộ là xong, mà không cần đến cơ sở vật chất và kinh phí. Những điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí phải được giải quyết trên cơ sở thực tế của tình hình kinh tế. Và có những đòi hỏi cao xa, lãng phí hoặc “đứng núi này, trông núi nọ”, hoặc “con gà tức nhau tiếng gáy” là không đúng.

Nhìn lại phong trào thi đua xây dựng văn hoá với Hải Hậu, ta thấy rõ  lá cờ Hải Hậu đã được nhân lên nhiều, có thực chất của nó, ta có thể rất vui mừng và rất tin tưởng đối với sự nghiệp xây dựng văn hoá của ta.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét