Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Lửa chiến tranh nhân dân đã đốt cháy “Mùa khô” của địch


Mùa mưa năm 1965, bọn xâm lược Mỹ và tay sai ngậm đắng nuốt cay trước những chiến thắng lừng lẫy của nhân dân và Quân Giải phóng miền Nam ở Ba Gia, Sông Bé, Đồng Xoài, Chu Lai, Đà Nẵng, v.v… 



Nhưng đến cuối mùa mưa bỗng nhiên người ta thấy Giôn-xơn, Mác Na-ma-ra, Đin Rát và đồng bọn như hồi tỉnh, nổi gân cổ hò hét về một kế hoạch “phản công mùa khô” vĩ đại của chúng ở miền Nam Việt Nam. Bọn đầu sỏ hiếu chiến ở tòa Nhà trắng và lũ tướng tá Mỹ khát máu ở Lầu Năm góc ra sức đổ vấy vào hai cái “tại” đã làm cho chúng bị thất bại nặng nề là:
- Tại vì quân ngụy hèn yếu quá đỗi,
- Tại vì mùa mưa khắc nghiệt đã bó tay, bó chân không quân và cơ giới của Mỹ không hoạt động được như ý muốn của chúng.
Rồi cứ theo cái điệu ồn ào của những con diều hâu, quạ cái, tớ thầy bọn Mỹ quạc mồm ra thổi phồng cho cái con “ngoáo ộp mùa khô” của chúng. Bọn tay sai cũng hí hửng phụ họa om sòm với những danh từ “tổng phản công”, “giành thắng lợi” rỗng tuếch.
Thật ra miền Nam Việt Nam ta thì năm nào chả có mùa mưa và mùa khô, năm nào nhân dân và Quân Giải phóng miền Nam chẳng đánh ngụy, đánh Mỹ tơi bời suốt cả bốn mùa, mùa nào cũng đánh, mùa nào cũng lập công. Chính những trận Ấp Bắc, Bình Giã nổi tiếng đã chẳng xảy ra trong mùa khô cả sao? Vậy tại sao Mỹ phải đem cái chuyện “mùa khô 66”, làm ồn lên quá xá như vậy? Xem ra thì cũng không ngoài mấy cái ý đồ sau đây:
Một là: Tại quân ngụy quả đã hèn yếu, đến mức Mỹ không cầm lòng được nữa phải nói trắng ra để trói buộc ngụy phải theo phương cứu chữa của Mỹ. Bọn Mỹ tính đem con “ngoáo ộp mùa khô” có thể làm liều thuốc an thần hà hơi cho quân đội tay sai gượng dậy và để xua đuổi bớt nỗi kinh hoảng đang đè nặng trên Nhà trắng và Lầu Năm góc.
Hai là: Kế hoạch phản công mùa khô là “anh em sinh đôi” với việc Giôn-xơn đưa dồn dập một lực lượng chiến đấu lớn của Mỹ vào phục vụ trực tiếp cho âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược của chúng ở miền Nam Việt Nam mà bọn chúng đang cay cú muốn làm thay đổi tỷ lệ so sánh lực lượng chênh lệch hơn hẳn ta để hòng xoay ngược lại tình thế rất bi đát của chúng.
Ba là: Thực chất của cái kế hoạch phản công mùa khô này chính là sự đối phó bị động của một âm mưu chiến lược cũ đã đổ nát tan tành tức là chiến lược chiến tranh đặc biệt mà chúng vẫn lấy quân ngụy làm chỗ dựa chủ yếu, nay đã bị thất bại về căn bản hết đường cứu chữa rồi.
Cũng vì vậy mà đế quốc Mỹ đã nghiến răng nhắm mắt chà đạp hết sức thô bạo lên hiệp nghị Giơ-ne-vơ, bất chấp cả pháp luật quốc tế, giả đui giả điếc trước sự lên án kịch liệt của nhân dân toàn thế giới, liều lĩnh đưa một đội quân viễn chinh Mỹ rất lớn làm chỗ dựa lưng cho quân ngụy, để rồi chết chung cùng một hố với quân đội tay sai của chúng. Trong lịch sử chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam thì mùa mưa 1965 là thời kỳ Mỹ đưa lực lượng chiến đấu vào miền Nam dồn dập nhất, nhiều nhất và nhanh nhất. Tính cho đến tháng 10-1965, lực lượng của Mỹ và chư hầu vọt lên xấp xỉ 17 vạn người: khoảng 4 sư đoàn cùng các đội pháo binh hạng nặng 175 ly và 203 ly được đem vào đặt ở một số căn cứ Mỹ, còn phi cơ cũng tăng lên gấp đôi. Mới ngày nào sau chiến dịch Đồng Xoài, Mắc Na-ma-ra từ Hoa-thịnh-đốn hộc tốc bỏ sang Sài Gòn, đứng chết lặng trước cảnh thua thiệt quá đau rồi buộc phải nói ra mồm một câu mà từ trước đến nay nó vẫn cố ngậm miệng là “quyền chủ động trên chiến trường đã thuộc về tay Việt cộng rồi!”. Đến nay, trước sự tăng quân mạnh mẽ đó, tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tưởng bở, hí hửng nói chắc như đinh đóng cột rằng “bây giờ thì chúng ta đã nắm chắc được cái góc để lật ngược lại tờ giấy”.
Chưa bao giờ lại thấy chúng đặt nhiều hy vọng vào mùa khô đến thế. Tất nhiên bọn Mỹ không phải mơ ước mùa khô vì có nắng xuân ấm áp, có hoa mai vàng nở khắp rừng!
I. Địch vẫn chỉ là bị động và thất bại
Chúng mong đợi mùa khô chính là để đem dùng số máy bay tăng gấp bội và số quân viễn chinh mấy chục vạn tên gây nên những tội ác ghê tởm hòng uy hiếp nhân dân ta và thực hiện dã tâm xâm lược của chúng. Cứ căn cứ vào những lời tuyên bố của những tên đầu sỏ Mỹ và những thực tế đã xảy ra ở chiến trường thì thấy rõ kế hoạch tấn công mùa khô là nước bạc thua buộc chúng phải dốc ra những con chủ bài bự để nhằm vào mấy mục đích thâm hiểm sau đây:
1. Từ đóng chốt ở một số nơi, chúng chuyển sang xây dựng hệ thống phòng ngự thành tuyến, kiên quyết dồn dân và đẩy chủ lực ra xa, bảo đảm an toàn các khu hậu cứ quân sự của Mỹ.
2. Mỹ ngụy liều đánh vào vùng giải phóng và Quân giải phóng, cố tiêu diệt lấy một bộ phận chủ lực ta hòng lên dây cót tinh thần cho ngụy quân ngụy quyền và ổn định một phần tình hình chính trị rối bét của chúng ở Sài Gòn, ở nước Mỹ, ở khắp nơi.
3. Chúng sẽ cố sống cố chết giải tỏa nối liền các trục lộ giao thông thủy bộ quan trọng đã bị lực lượng võ trang giải phóng đánh cho què cụt, đã làm bùng ra những cơn khủng hoảng đột biến gay go về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế.
4. Đi đôi với những hành động tàn sát, tát dân, lấn đất triệt hạ làng mạc, cướp phá mùa màng, chúng sẽ ra sức tiến hành chiến tranh tâm lý, mua chuộc, dọa dẫm, lừa bịp, gom tát đồng bào theo cái mà chúng gọi là “kế hoạch bình định” cũng được bắt đầu từ mùa khô và được bọn Thiệu – Kỳ coi như là quốc sách theo chỉ thị của quan thầy Mỹ.
5. Đế quốc Mỹ còn hòng dùng “mùa khô” gây sức ép cho chiến dịch hòa bình bịp bợm về lập trường 14 điểm ăn cướp của Giôn-xơn. Dù cho bọn chúng huênh hoang khoác lác thế nào thì cứ xem ngay bản thân những mưu đồ của chúng cũng tỏ ra chúng ở vào một thế bị động lớn về chiến lược. Người ta không cần sành sỏi lắm về quân sự cũng có thể thấy rõ vì chúng bị uy hiếp quá lắm nên mới phải cố chết mà “giải tỏa” “an toàn”, vì chúng rối ren thối nát quá nên mới phải “ổn định” và “bình định”, vì chúng bị chia cắt quá, nên mới phải “nối liền”. Có khó gì mà không thấy trên sân cỏ chiến lược, đội bóng Mỹ ngụy bị hãm thành nguy khốn, khung thành nghiêng ngửa quá lắm rồi. Chính vì cả cái “kế hoạch mùa khô” của chúng mang nặng tính chất bị động về chiến lược rồi, nên tất nhiên nó cũng đã mang mầm thất bại.
Cọt kẹt mãi suốt mấy tháng, cái cánh cửa “mùa khô” đã đến lúc phải mở vào tháng 11-1965, bằng hai trận mở màn ở Pơ-lây-me, Dầu Tiếng. Và từ đó nhiều cuộc hành quân lớn nhất, ác liệt nhất, kéo dài nhất đã dồn dập diễn ra ác liệt ở các vùng chiến lược quan trọng từ vùng đồng bằng ven biển liên khu 5, miền Đông Nam Bộ, từ các vùng căn cứ xung quanh Sài Gòn, chiến khu Đ, Tây Nguyên. Tuần nào tháng nào, địch cũng có hành quân lớn và vừa từ lữ đến sư đoàn và có cuộc tới 2 sư Mỹ ngụy và chư hầu.
Tháng 2, tháng 3-1966 là thời kỳ cao điểm nhất của mùa khô. Mỹ đã vét túi tung ra hết mọi lực lượng có trong tay để tính nước ăn thua, rửa mặt cho mấy trận đầu đen đủi.
Tất cả những cuộc hành quân “mùa khô” của địch đều mang rõ rệt mấy tính chất như sau:
Bọn Mỹ cay cú ra mặt. Cay nhất là vừa ra trận đầu đã bị hạ uy thế, đến nỗi không dám mở miệng nói được một câu nào trong các trận Bàu Bàng, Nhà Đỏ, chỉ một đêm mất gọn hết tiểu đoàn bộ binh này đến chi đoàn xe bọc thép khác. Cay đến nỗi như trận Củ Chi, Mỹ giữ bí mật cuộc hành quân cả với ngụy, hoàn toàn không cho ngụy biết, không cho ngụy tham gia, sợ bọn này làm hở ra thì là lại chết cả lũ với “Việt cộng”, nhưng trận này Mỹ vẫn bị nặng nề. Chỉ một tổ du kích đã hốt gọn ổ một đại đội Mỹ ngay trước cửa địa đạo.
Thua quá hóa khùng, bọn xâm lược Mỹ giở thói tàn bạo phát-xít, đổ bom thả xuống trận địa giết hại vô vàn thương binh Mỹ ngụy, giết thêm lần thứ hai những xác chết Mỹ mà chúng còn bỏ lại ngổn ngang trong các trận Bàu Bàng, Hố Đá, Nhà Đỏ, v.v… Thua ở mặt trận, chúng quay về giết hại nhân dân, thả bom đánh chìm chiếc tàu khách “Thuận Phong” ở sông Sài Gòn giết chết hàng trăm đồng bào, trong đó phần nhiều là vợ con thân quyến của binh sĩ ngụy đi thăm nhau trong dịp Tết, chưa được gặp người nhà mà đã bị chết rất thê thảm ở ngang đường. Ở Bồng Sơn chúng dùng hơi độc giết vô kể thường dân lẩn tránh đạn ở dưới hầm.
Chúng hùng hổ độc ác đến đâu thì các cuộc hành quân “mùa khô” vẫn không đưa chúng thoát khỏi thế bị động. Xem ra những cuộc hành quân đó đã diễn ra theo một cái vòng rất luẩn quẩn : vì chúng sợ bị đánh mà phải lao đi đánh trước để khỏi bị động và nói cho oai là đi “tìm địch và diệt địch”, nhưng khốn nỗi chúng chưa đánh được ta thì đã bị ta đánh cho tối tăm mặt mũi, què lê què liệt.
Trận Pơ-lây-me, Mỹ muốn lên mặt quan thầy ra tay cứu ngụy mà lao đầu vào chỗ chết. Trận Dầu Tiếng vì chúng cố chui vào vùng tam giác mà bị ăn đấm sắt của Quân Giải phóng. Trận Củ Chi vì chúng muốn mở rộng vành đai an toàn quanh khu Sài Gòn Chợ Lớn mà bị nhân dân trừng trị. Trận Bình Định, Quảng Nam cũng vì muốn khai thông đường số 1 mà sa lầy hàng tháng, v.v…
Cứ xem tình cảnh đó, chúng ta cũng biết được kết quả “mùa khô” của Mỹ ngụy ra sao rồi. Thật đáng buồn cho chúng đặt ra năm mục tiêu mà chẳng thành đạt mục tiêu nào.
Chúng khoanh vùng an toàn, đem lính Mỹ, chó Mỹ đến củng cố những khu hậu cứ, căn cứ của Mỹ thành những nơi an toàn tuyệt đối, nhưng đất lửa miền Nam có nơi nào để cho giặc Mỹ yên lành. Chỉ từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, từ khách sạn Vích-to-ri-a đến căn cứ Vũng Tàu, An Khê, sân bay Tân Sơn Nhất bị đánh tơi bời. Đạn của Quân giải phóng bắn trúng như người đi bộ từ cổng vào trung tâm sân bay Tân Sơn Nhất vậy.
Những nơi an toàn của chúng đã không được an toàn hơn mà lại còn bị đánh đau hơn. Quân Giải phóng càng vào sát Sài Gòn hơn. Phong trào thanh niên võ trang tự vệ phát triển mạnh mẽ hơn, ngay trong nội thành, …
Chúng đánh vào vùng giải phóng thì có khác chi đem mồi đến miệng hổ. Những chiến thắng lớn liên tiếp trong mùa khô càng làm cho Quân Giải phóng khỏe hơn nhiều. Vệt đỏ của vùng ta vẫn trùm lên những chấm đen do địch kiểm soát trên phạm vi toàn miền Nam.
Không một cuộc hành quân nào của chúng không bị đánh, ít thì cũng du kích diệt hàng trăm, nhiều thì Quân Giải phóng bẻ gãy từng cánh quân, tiêu diệt từng đơn vị làm cho chúng khi thì phải kéo dài cuộc hành quân để lấy xác, khi thì vội vã kết thúc trước thời hạn, cuốn gói chạy dài.
Vì kế hoạch phản công quân sự mùa khô bị bẻ gãy nên công tác bình định nông thôn của chúng cũng ngoắc ngoải nốt.
Bọn cướp nước và bán nước không thể lấy gì mua nổi lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân miền Nam anh dũng kiên cường.
Vùng giải phóng vẫn vững vàng, một ít dân bị chúng lùa đi, phần thì đấu tranh ngay ở nơi chúng tập trung, phần thì lại trở về nơi trú ẩn sau cuộc hành quân. Trong khi đó hàng chục ngàn dân ở các xã miền Tây, miền Trung Nam bộ tiếp tục được giải phóng.
Các đường giao thông thủy bộ quan trọng thì đâu vẫn hoàn đó, trước què thì nay vẫn cụt và càng ngày sẽ càng bị què cụt nặng hơn. Các vết mực của chúng chỉ có hoen thêm máu đen của quân xâm lược, mà không sao nối liền lại được với nhau.
Trong cái trò hề “chiến dịch hòa bình” quảng cáo ồn ào cho cái lập trường 14 điểm láo khoét của chúng, Giôn-xơn đã giở đủ ngón giật gân kiểu Mỹ, nào ngừng oanh tạc miền Bắc một thời gian, nào tung các chính khách đại bịp Mỹ đi khua môi múa mép ở khắp nơi về thiện chí hòa bình của Mỹ, nào nhờ cậy đến phù phép của Giáo hoàng, nào đến cuối năm 1965 đế quốc Mỹ đã thành thật hết mức với hòa bình. Tất cả những lời biện bạch ngọt xớt mà Giôn-xơn đã vắt óc mãi mới sớn ra được như: nào vì miền Bắc xâm lược miền Nam nên buộc Mỹ phải đưa quân vào miền Nam để ngăn chặn xâm lăng của “cộng sản”, nào không đi tìm kiếm đất đai, không đi tìm kiếm căn cứ quân sự ở miền Nam nhưng Mỹ phải ở lại đây vì ba đời tổng thống Mỹ đã hứa bảo vệ cho nền độc lập nước Việt Nam Cộng hòa tức là bọn bán nước tay sai Mỹ ở Sài Gòn, v.v… chỉ làm Giôn-xơn nổi tiếng về tài nói láo. Nhưng trò bịp bợm đó không che đậy nổi hành động xâm lược quá trơ tráo và trắng trợn của Mỹ và chính trong mùa khô qua, Mỹ bị lên án dữ dội hơn bao giờ hết. Khắp nơi trên thế giới đều vang lên lời hô đả đảo, khắp nơi đều phất phới lá cờ chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Những lời kết tội xâm lược vang lên ở khắp nước Mỹ, cả trong quốc hội Mỹ, Mắc Na-ma-ra và Đin Rát bị chất vấn toát mồ hôi, các chiến sĩ hòa bình Mỹ sang tận Sài Gòn phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Mỹ làm cho Mỹ và tay sai bận bịu chống đỡ không nổi. Những khẩu hiệu “Mỹ cút đi” công khai xuất hiện rầm rộ ở khắp các đô thị miền Nam.
Mỗi lần bọn xâm lược Mỹ giở trò “nhân nghĩa bất lương” như vậy thì chỉ làm cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam càng sáng tỏ ngời ngời, càng được nêu cao uy tín trên khắp thế giới.
Chẳng mấy lúc chiến dịch “tấn công hòa bình” 14 điểm của Giôn-xơn đã bị lật tẩy lên, không còn sót một điểm nào và đã bị tắt ngấm ngay từ khi bắt đầu cuộc tấn công quân sự “mùa khô” của chúng.
Nếu tính gộp lại tất cả trong 5 tháng mùa khô từ tháng 11-1965 đến tháng 3-1966, Mỹ và ngụy đã bị tiêu diệt 114.000 tên, trong đó có trên 40.000 Mỹ chết, bị thương.
Trong gần 40 tiểu đoàn Mỹ ngụy bị diệt thì Mỹ nhận lãnh 14 tiểu đoàn một cách rất đích đáng. Khoảng gần 1500 máy bay các loại bị phá hủy, bắn rơi.
Phối hợp tuyệt đẹp với chiến thắng mùa khô của nhân dân miền Nam tính từ ngày 5-8-1964 đến hết tháng 4-1966, quân dân miền Bắc đã bắn tan xác hơn 1000 con quạ sắt Mỹ, bắt sống nhiều phi công Mỹ.
Đến đây, cái con “ngoáo ộp” phản công mùa khô của chúng khổ công nhào nặn mãi coi như đã hạ huyệt xong xuôi, chỉ tiếc “mùa khô” của chúng đã héo sớm trước mùa. Giôn-xơn, Mác Na-ma-ra, Đin Rát, Oét-mô-rơ-len đã dày môi mắm miệng quyết lật ngược lại tờ giấy tình thế, nhưng sức nặng ngàn cân của nhân dân và Quân Giải phóng miền Nam đã đè chặt lên tờ giấy đó làm cho chúng không tài nào giật nổi dù chỉ là một góc nhỏ của tờ giấy.
Mùa khô này sẽ còn làm chúng khát nước mãi đến chết.
Nhiệt liệt hoan hô chiến công oanh liệt của nhân dân và các lực lượng võ trang giải phóng.
Của Sài Gòn – Chợ Lớn với Củ Chi dạ sắt gan vàng, với Tân Sơn Nhất rực lửa chiến thắng.
Của Chiến khu Đ. Oai hùng với Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Hố Đá, Nhà Đỏ mồ chôn giặc Mỹ.
Của Long An gan góc, hiên ngang.
Của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Định với Ba Gia, Vạn Tường, Pơ-lây-me, An Khê, Bồng Sơn anh dũng tuyệt vời, với Núi Thành, Chu Lai, Đà Nẵng phất cờ tiền phong diệt Mỹ.
Nhiệt liệt hoan hô chiến công của Thừa Thiên, Bình Thuận, Phú Yên, Bến Tre, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Rạch Giá, Cà Mau, Vũng Tàu, Đà Lạt, v.v…
Nhiệt liệt hoan hô chiến thắng mùa khô oanh liệt của toàn thể nhân dân và các lực lượng giải phóng miền Nam.
II. Ta đã thắng, địch đã thua
“Mùa khô” đã qua rồi nhưng ý nghĩa lịch sử của nó còn rất đậm nét:
1. Trước hết, “mùa khô” vừa qua là một cuộc đọ sức nảy lửa giữa hai đường lối chiến lược của ta và của địch, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Thêm một lần nữa, lửa của chiến lược chiến tranh nhân dân đã đốt cháy mãnh liệt các cây khô chiến lược của chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Phải nói thất bại “mùa khô” của địch trước hết và sâu sắc hơn hết là sự thất bại về chiến lược.
a) Trước đây, đế quốc vẫn tôn thờ chiến lược, dựa vào sức mạnh không quân, hải quân hùng hậu nhất thế giới của Hoa Kỳ có đủ khả năng đè bẹp cuộc kháng chiến cứu nước chống Mỹ của nhân dân miền Nam. Trải qua một thời kỳ dương oai diễu võ trong 12 năm nay, con ngoáo ộp vũ khí Mỹ quả đã hết thiêng rồi. Chính những tên đầu sỏ hiếu chiến Mỹ đã phải than thở về tác dụng rất “mờ nét” của chiến lược này.
b) “Mùa khô” cũng đập tan chiến lược nham hiểm ném đá giấu tay của đế quốc Mỹ mưu dùng quân ngụy làm lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh xâm lược. Đến nay, quân ngụy đang rã rời sắp chết, chiến lược chiến tranh đặc biệt đã đi đời. Đế quốc Mỹ buộc phải đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào trực tiếp tham chiến nhưng vẫn còn đang bị giày vò, tắc nghẽn trong một âm mưu chiến lược mới.
Hiện nay, bọn xâm lược Mỹ chưa cam chịu thất bại nhưng nhìn thấy trước rằng nếu chúng càng ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tiếp tục leo thang ra miền Bắc thì càng bị thua đau làm cho chúng đang hoang mang chưa biết dùng chiến lược nào cho lợi, chiến lược quân sự hay chính trị, chiến lược công hay thủ, chiến lược mở rộng hay hạn chế, chiến lược leo thang hay xuống thang, v.v…
Giôn-xơn đang rối ruột như tơ vò, gỡ mãi chưa ra, càng gỡ lại càng rối bởi vì xâm lược và phi nghĩa là cái gốc đẻ ra mọi sự rối rắm của chúng đến chết.
Còn chiến lược của ta là chiến lược của chiến tranh nhân dân, xây dựng trên cơ sở hoàn toàn chính nghĩa, có đường lối cách mạng đúng đắn soi đường, dựa vào truyền thống và sức mạnh đoàn kết của toàn dân, được cả thế giới đồng tình ủng hộ. Chiến lược của ta là kiên quyết đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nhưng hết sức coi trọng viện trợ, dựa vào tinh thần chính trị vừa đấu tranh quân sự vừa đấu tranh chính trị vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa đẩy mạnh tác chiến tập trung của chủ lực. Toàn dân đánh, cả ba thứ quân đều đánh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Trải qua 12 năm thử thách trong máu lửa và trong đấu tranh chính trị lại được thể nghiệm sâu sắc trong mùa khô ác liệt vừa rồi, số phận chiến lược của đôi bên hầu như đã được định đoạt dứt khoát rồi.
Bọn xâm lược Mỹ và tay sai nhất định sẽ bị chết chìm trong âm mưu chiến lược ăn cướp tối mò của chúng, còn ta thì cứ thẳng đường tiến bước theo đường lối chiến lược rất sáng tỏ hoàn toàn đúng của chiến tranh nhân dân, nhất định toàn thắng.
Mùa khô cũng cho ta nhiều kinh nghiệm đầu tiên rất hay về chiến thuật.
Hình như ở trên thế giới mọi người đều tin rằng với một sự trang bị cơ giới ngập mặt, làm gì mà quân đội Mỹ không ăn đứt lực lượng võ trang giải phóng về sức cơ động nhanh của nó. Chân thì làm sao vượt nổi xe tăng, xe quân sự M.113, M.114 chứ chưa nói gì đến máy bay phản lực siêu âm, thì còn ghê nữa. Đây chính là chỗ chẳng ai ngờ ; kẻ có vẻ nhanh thì lại rất chậm, còn người nom ra có vẻ chậm thì lại nhanh nhẹn, tháo vát lạ thường.
Chúng ta công nhận cho quân đội Mỹ có một điểm cơ động nhanh, đó là tính cơ động về chiến dịch. Khi chúng mở chiến dịch càn quét ở một vùng nào, chúng có thể đổ quân đến đó rất nhanh, bất kể là sống chết ra sao. Nhưng mới chỉ có điểm đó thôi thì cũng chưa làm nổi trò trống gì. Muốn ăn thua với ta còn phải có tính cơ động về chiến thuật, chiến đấu rất cao mới được. Trong chiến đấu, Mỹ đã giở đủ mọi bài bản của một quân đội xâm lược, nào B.52, pháo hạng nặng chuẩn bị hỏa lực, nào xe tăng tiến trước, nào hiệp đồng cánh nọ cánh kia. Vậy tại sao mà chúng vẫn bị chết nhăn răng không kịp ngáp ? Một bài báo Mỹ đã chê quân đội Mỹ là một võ sĩ hạng nặng to lớn mập mạp lại còn hai tay múa hai con dao lớn dài kềnh càng nhưng mà nhát và mù mắt, cứ khờ khạo quờ hai thanh dao ra chém bậy vào không khí. Còn Quân Giải phóng và nhân dân miền Nam lại là võ sĩ hạng nhẹ có mắt sau gáy, nhanh nhẹn nhảy nhót, cầm cái roi nhỏ thỉnh thoảng lại quật cho võ sĩ hạng nặng một cái nên thân vào vai vào đầu vào mặt. Thật sẽ đại vô phước cho võ sĩ mù hạng nặng khi võ sĩ hạng nhẹ tước được một con dao lớn.
Quân đội Mỹ có hỏa lực mạnh và trang bị kềnh càng cần được hiệp đồng tốt và cần có trận địa tương đối rõ, nhưng ở đây quân đội Mỹ không có một trận địa nào để công kích và cũng không thể hiệp đồng được vì không có mục tiêu cụ thể, không có tinh thần chiến đấu và gặp một đối phương quá linh hoạt luôn luôn làm trật rầy kế hoạch hiệp đồng của Mỹ. Theo sự thú nhận của chính bọn Mỹ thì hồi cuối tháng 3-1966 chúng nắm rất chắc có 2 trung đoàn “Việt cộng” tức là ta đánh Dầu Tiếng rồi rút về ở Bời Lời. Chúng vội mở cuộc hành quân lớn cỡ sư đoàn với một cái tên thật đểu “Chó dữ”. Khốn thay chúng chỉ gặp cây rừng. Trong một trận khác thì hàng lữ đoàn thuộc sư 1 bộ binh nổi tiếng thiện chiến của Mỹ vừa lò mò đến Bông Trang, Nhà Đỏ thì máu quân kẻ cướp nhuộm đỏ lòm khắp cả nơi đó.
Còn ở xung quanh những hậu cứ và căn cứ Mỹ, chúng ra sức phòng thủ, cố giữ cho được sự ổn định quanh vùng căn cứ của chúng nhưng vẫn không ngăn được những cuộc pháo kích, đột nhập liên tiếp của Quân Giải phóng vào bất kể chỗ nào : Chu Lai, Đà Nẵng, An Khê, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Cần Thơ, v.v… bị đánh đi đánh lại không biết bao nhiêu lần. Đến căn cứ Vũng Tàu bị đánh rất đau hồi cuối tháng 3-1966 vừa qua, như vậy là tất cả căn cứ Mỹ ở miền Nam đều bị ăn đạn suốt lượt không còn sót một nơi nào mà tay súng của chiến sĩ Quân Giải phóng không với tới được. Chúng rất sợ đặc công Việt Nam, lo đối phó rất dữ nhưng hết ở tòa đại sứ, tổng nha cảnh sát đến cơ quan bộ tham mưu ngụy, v.v… liên tiếp có những vụ nổ long trời lở đất, quật ngã la liệt bọn Mỹ ngụy ngay tại sào huyệt của chúng. Chỉ bằng hai chân không, Quân Giải phóng đã tạo nên một sức cơ động thần kỳ. Nhưng hoàn toàn không có gì là bí hiểm cả. Chung quy cũng là do con người. Phải có cái đầu cứng mới có được đôi chân vững. Phải dám đánh, khắc phục tìm được cách đánh tốt, đánh giỏi.
Trong chiến cuộc mùa khô vừa qua, Quân giải phóng như một người chơi cờ lão luyện trong tay chỉ có tốt có mã, trong lúc địch có xe có pháo, thế mà ta vẫn điều khiển được đối phương đi vào những nước cờ nhử sẵn của mình, buộc kẻ địch khắc phải đem pháo vào miệng tốt, đặt xe đúng chân mã để bị đá. Tất cả những gì Mỹ vẫn sợ, sợ ở “của” nào thì Quân giải phóng lại có cách bắt chúng phải chịu chết bởi cái “của” đó. Những chiến thuật truyền thống của chiến tranh nhân dân như tập kích, phục kích, vận động, công kiên, v.v… sẽ còn được nhân dân và Quân giải phóng miền Nam ra sức phát triển luôn luôn sáng tạo và mang tính chất hoàn toàn độc đáo của Việt Nam.
2) Mùa khô là một bước ngoặt rất quan trọng của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Với 20 vạn quân trong tay, bọn xâm lược Mỹ hy vọng dạt dào ở kế hoạch phản công mùa khô sẽ tạo ra một bước ngoặt mới hoàn toàn có lợi cho chúng. Những việc gì đã xảy ra trong mùa khô thì đã xảy ra rồi, mùa khô đã chỉ đưa Mỹ vào chỗ chết khát.
Thật ra mùa khô này, quả là một bước ngoặt nghiêm trọng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Về phía Mỹ thì mùa khô qua rồi, những mục đích của Mỹ trong mùa khô không đạt được, Mỹ đã mất vào đó 5 vạn binh lính sĩ quan và hơn 1000 máy bay các loại, tốn hàng chục tỷ đô la, đưa nước Mỹ vào tình trạng rối ren về chính trị và ngay cả về kinh tế.
Thế thì Mỹ phải đưa bao nhiêu quân vào nữa và phải làm gì nữa, làm thế nào ? Mỹ tưởng mình cao tay trong nháy mắt ném vào cán cân lực lượng một sức nặng rất lớn. Nhưng cán cân đó chẳng nghiêng về phía Mỹ và vẫn tiếp tục nghiêng về phía nhân dân Việt Nam. Vậy thì tìm đâu ra lối thoát ? Có một lối thoát tốt đẹp và vinh dự nhất thì Mỹ không muốn là công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng là đại biểu chân chính duy nhất ở miền Nam và rút quân Mỹ về nước. Nhưng Mỹ cứ cố chết bám lấy mục đích xâm lược và quyết tâm lao vào cuộc chiến tranh tàn bạo bẩn thỉu và cứ như vậy thì Mỹ đã bị sa lầy sẽ còn bị sa lầy ngập cổ nữa.
Còn về ta thì mùa khô cũng là một thử thách nghiêm trọng. Nhưng qua thực tế mùa khô ta lại càng hiểu tiền đồ triển vọng của cuộc kháng chiến cứu nước của ta rõ ràng hơn bao giờ hết. Trước đây ta đã thắng, nhưng Mỹ và một số người còn cho rằng đó là do Mỹ chưa ra tay thật sự, nhưng nay Mỹ đã ra cả hai tay rồi ta vẫn thắng. Trong mùa khô, còn có người băn khoăn Mỹ vào đông, quân số, vũ khí nhiều thì đánh làm sao ? Nhưng bây giờ lại càng “ra cái ra nước”, ta quyết đánh và ta có điều kiện đánh thắng quân Mỹ trong bất kể tình huống nào. Hiện nay ta đang đánh và đang thắng một lực lượng Mỹ và chư hầu tương đương 7 sư đoàn hiện đại cộng với hơn 10 sư đoàn ọp ẹp của quân ngụy. Vậy thì thêm 4, 5 sư đoàn Mỹ và chư hầu nữa hỏi có thể làm gì?
Xưa nay quân đội xâm lược thua không phải vì thiếu quân, hụt quân. Dân tộc Việt Nam ngày xưa đã từng đánh bại quân xâm lược mạnh hơn mình hàng trăm lần như nhà Trần đánh quân Nguyên, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đánh quân nhà Minh, nhà Nguyễn đánh quân Thanh và gần đây ta đánh Nhật đánh Pháp. Ta đã nhìn rõ bước đi của cuộc chiến tranh là như sau : sau mùa khô này lực lượng cách mạng của ta sẽ mạnh lên gấp bội, nhất là chính nghĩa càng sáng ngời, kinh nghiệm đánh Mỹ càng phong phú. Vậy thì chỉ có một tình hình diễn ra : quân Mỹ và chư hầu càng ngày bị diệt nhiều hơn, các khu giải phóng càng chiến đấu quyết liệt và được củng cố hơn, quân ngụy sẽ bị diệt tới mức tê liệt từng sư đoàn như sư đoàn 5 “máu và nước mắt” và đến mức tan rã từng mảng lớn hơn nữa, không đủ thời gian mà khôi phục, hậu cứ của địch bị đánh phá nghiêm trọng hơn bằng nhiều đòn “đỡ không nổi” làm cho quân địch chết dở vì mâu thuẫn giữa phòng ngự và tiến công.
Nhân dân ta dày dạn với chiến tranh, rất tha thiết hòa bình, nhưng đã từng chiến đấu hơn 20 năm, sẽ sẵn sàng chiến đấu 20 năm nữa để giữ cho kỳ được độc lập chủ quyền và tiến tới thống nhất đất nước. Hàng ngũ địch ngày càng rối loạn về cả chính trị, kinh tế. Phong trào thế giới ủng hộ ta ngày càng cao càng mạnh, ta có nguồn tiếp sức vô tận. Cứ như thế ta tiến tới đánh tan lực lượng tay sai của địch, đè bẹp ý chí xâm lược của địch, tiến tới thắng lợi hoàn toàn một cách vững chắc và tin tưởng.
Kẻ địch đang gào lên những tiếng kêu tuyệt vọng, giãy giụa điên cuồng, nhưng bản thân chúng đã hoang mang lo sợ mất tin tưởng.
Vì vậy mùa khô 1965 – 1966 quả thật là một bước ngoặt nghiêm trọng và là một bước giành thắng lợi vẻ vang của ta. Vì mùa khô 1965 – 1966 là mùa hạ huyệt cái chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ, là mùa tan rã thối nát cực độ của bọn Việt gian bán nước là mùa ta đánh bại bước đầu chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, đánh một đòn rất nặng vào quân đội viễn chinh Mỹ. Đó là mùa thắng lợi vẻ vang nhất của ta từ khi chống Mỹ đến nay, là mùa trưởng thành vượt bậc của các lực lượng võ trang giải phóng và của nhân dân chiến đấu, là mùa huy động toàn quốc thành chiến lũy, thành pháo đài, toàn quốc đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết trong một mục đích chung giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới thống nhất Tổ quốc. Mùa khô 1965 – 1966 đã quyết định khá rõ ràng số phận cuộc chiến tranh xâm lược dã man và trắng trợn của đế quốc Mỹ vậy.
3. “Mùa khô” còn có ý nghĩa quốc tế rất lớn. Nhân dân thế giới rất nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta, chống Mỹ xâm lược và tay sai.
Nhưng trước sự nỏ mồm lừa bịp về sức mạnh tuyệt đối của không quân Mỹ, của võ khí Mỹ, nhiều bè bạn và anh em ta lo lắng cho chúng ta làm thế nào mà tránh được bom và pháo bầy ác liệt của Mỹ, lấy gì đương đầu nổi hơn 20 vạn quân Mỹ được trang bị không còn hở một kẽ chân răng của chúng. Một số người tốt bụng có, yếu bóng vía có, đã phập phồng lo thay cho ta có đánh nổi Mỹ không.
Chúng ta cũng lo lắng rất nhiều về lòng tin yêu vô hạn của toàn thế giới đã trao phó một sứ mệnh đặc biệt cho dân tộc Việt Nam. Nhưng được cái nhân dân ta đã quá nhẵn mặt con “ngoáo ộp” Mỹ rồi. Phải nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Thật ra không phải đến năm 1965 chúng ta mới đánh nhau với Mỹ, cũng không phải không quân, pháo binh của Mỹ và tay sai ở miền Nam trước đây có ít và không ác liệt. Trước sau, cọp có bao giờ tốt với người. Bản chất “ăn thịt người” của cọp Mỹ thì bao giờ cũng vẫn thế.
Chỉ có mức độ chiến tranh thì bây giờ và càng ngày sẽ càng gay go ác liệt hơn, trước sự giẫy chết cắn càn của bọn xâm lược Mỹ và tay sai. Nhưng vừa qua vì dựa được vào truyền thống vẻ vang của dân tộc ta đã từng là một nước có lịch sử chống ngoại xâm dài nhất, gan góc nhất thế giới và bằng sự thể nghiệm của bản thân mình qua 12 năm và nhất là qua “mùa khô” vừa rồi, nhân dân ta đã có đầy đủ thực tế để báo cáo với anh em, bè bạn và nhân dân thế giới rằng :
“Chúng tôi đánh nổi và có cách đánh được Mỹ !”
Còn thực tế nào rực rỡ bằng các loại máy bay phản lực hiện đại, tối tân của Mỹ đã rụng như sung ở cả miền Nam, ở cả miền Bắc. Riêng ở miền Nam, các đơn vị Mỹ ngụy đã liên tiếp bị tiêu diệt. Có người hỏi : Ta đánh Mỹ bằng gì mà thắng dữ vậy ? Xin thưa : Bằng đủ mọi thứ vũ khí chúng tôi có trong tay, đặc biệt là súng trường “bá đỏ” của du kích đã bắn lộn cổ nhiều máy bay F105, AD6, F4 của Mỹ, v.v… và thứ vũ khí sắc bén nhất giúp chúng tôi thắng Mỹ vẫn là “ta dám đánh, xáp vô Mỹ mà đánh thì khắc đánh được nó”.
Vui mừng trước thắng lợi liên tiếp, rực rỡ của ta, nhân dân thế giới, nhất là phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới đều nói rằng : “nước Việt Nam đánh được Mỹ thì nước nào cũng có thể đánh nổi Mỹ, có thể làm cách mạng dân tộc giải phóng thành công ; miễn là nhân dân các nước đó phải đồng lòng nhất trí có tinh thần dám đánh dám thắng giặc Mỹ xâm lược, không sợ hy sinh, không sợ gì con “ngoáo ộp” Mỹ thì chắc chắn thành công”.
III. Quyết tâm nhất trí, nhất định toàn thắng
Mùa khô cho ta nhiều bài học rất sâu sắc chưa thể nêu hết ngay một lúc. Xin hãy nêu một bài học rất vĩ đại mà chúng ta phải nói đến trước hết là bài học quyết tâm dám đánh, dám thắng giặc Mỹ xâm lược của toàn thể nhân dân và lực lượng võ trang giải phóng miền Nam. Quân Mỹ vừa tăng quân ồ ạt, vừa ra sức huy động bộ máy tuyên truyền tâm lý hiện đại hết sức to lớn hò hét ầm ỹ trên thế giới, vừa khoe khoang sức mạnh quân lực Hoa Kỳ, vừa lải nhải chuyện hòa bình xảo trá hòng lừa bịp dư luận thế giới, hăm dọa những người yếu bóng vía và hòng gây nên những hỗn loạn, mơ hồ trong tư tưởng của nhân dân ta. Nhưng đứng trước phù phép của lũ hung thần, nhân dân Việt Nam bình tĩnh hơn bao giờ hết, càng nắm chặt tay súng, tiếp tục khí thế tiến công của những người đã chiến thắng và đang chiến thắng. Vì chúng ta biết đế quốc Mỹ tuy có tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn hơn hẳn nước Việt Nam ta, nước ta nhỏ hơn và trang bị còn thô sơ hơn. Nhưng chúng ta còn biết rất rõ rằng truyền thống chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam còn dài gấp 5 – 6 lần hơn toàn bộ lịch sử của nước Mỹ. Hẳn Giôn-xơn. Mác Na-ma-ra, Đin Rát thừa biết rằng không phải mãi đến nửa sau của thế kỷ XX này, nước Việt Nam ta mới chạm trán lần đầu với một tên đế quốc hung hãn nhất thế giới đến xâm lược nước mình. Chuyện cũ còn đó. Ngày xưa giặc Mông đã làm mưa làm gió trên thế giới một thời, vó ngựa xâm lược của Hốt-tất-liệt đã xéo nát cỏ từ châu Á đến châu Âu. Nhưng đã có một nước duy nhất đánh cho giặc Mông phải tan tành không còn manh giáp, chỉ còn nước quàng chân lên cổ chạy, giày xéo lên nhau mà chết. Nước đó chính là Việt Nam. Ta bây giờ lại đang đánh và đang thắng giặc Mỹ là một tên đế quốc xâm lược mạnh nhất, phản động nhất, đầu sỏ nhất của thời đại hiện nay và rồi đây đế quốc Mỹ nhất định cũng sẽ bị một thất bại lớn nhất, nhục nhã nhất trong lịch sử tiến hành chiến tranh xâm lược của chúng.
Mấy năm trước đây Mỹ cậy vào sức mạnh vật chất to lớn hòng đè bẹp phong trào cách mạng miền Nam trong 18 tháng. Nhưng đến nay đã quá 80 tháng rồi, tình thế càng dồn thêm Mỹ vào nước bí gấp 80 lần, gấp 100 lần so với trước, Mỹ đang tung hết sức mạnh vào cuộc phản công mùa khô hòng cứu nguy, nhưng hung hãn điên cuồng không làm cho chúng ở vào thế mạnh mà chỉ càng phơi bày tính chất phi nghĩa, càng đẩy chúng xuống thế yếu hơn bao giờ hết.
Còn ta, vì có chính nghĩa trong tay, có quyết tâm cách mạng triệt để, có lòng tin tưởng hoàn toàn ở chiến thắng, lại được sự giúp đỡ cổ vũ mạnh mẽ của nhân dân thế giới. Lúc đầu dù sức ta còn yếu nhưng thế ta rất mạnh nên ta liên tiếp tiến từ chiến thắng này đến chiến thắng khác.
Về điểm này, những thực tế đã xảy ra ở Việt Nam đã đủ chứng minh rất rõ.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Quân Giải phóng miền Nam mới ra đời chưa đầy 10 năm nay trong cao trào kháng chiến chống Mỹ và tay sai, thế mà đã được cả thế giới yêu mến, cảm phục, cổ vũ nhiệt liệt, càng làm ta tin tưởng ở chính nghĩa sáng ngời của mình và càng có quyết tâm chiến đấu sắt đá để giành toàn thắng. Trong chiến dịch đập tan kế hoạch mùa khô của địch, không những chúng ta quyết tâm mà còn nhất trí và hết sức phấn khởi. Chúng ta nhất trí về quyết tâm đánh Mỹ và nhất trí cả về phương pháp đánh Mỹ. Trước một bước ngoặt lớn của chiến tranh theo một phương pháp, đường lối phương châm đã có sẵn, mọi người náo nức đánh Mỹ. Khi chưa có kinh nghiệm cụ thể thì các đơn vị hăng hái đi tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ mà diệt và như thế chỉ trong một thời gian ngắn kinh nghiệm đánh Mỹ đã được phổ biến rộng rãi, các đơn vị địa phương sôi nổi học tập lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Nhiều đơn vị tranh nhau xin nhận nhiệm vụ đánh Mỹ. Nhiều địa phương chưa có Mỹ cũng tìm nơi có Mỹ mà đánh. Nhiều người chưa đánh Mỹ thì còn băn khoăn, khi đánh được Mỹ rồi thì ham đánh Mỹ. Những địa phương có Mỹ phải cho mượn trận địa để địa phương khác tới đánh. Phong trào dũng sĩ diệt Mỹ, anh hùng diệt Mỹ được hưởng ứng sôi nổi hơn bao giờ hết. Đã bắt đầu xuất hiện những kiện tướng diệt Mỹ, một mình trong mấy tháng diệt 70 tên, 80 hoặc 90 tên Mỹ.
Chúng ta lại còn có sức mạnh quyết tâm nhất trí của cả nước đánh Mỹ. Khẩu hiệu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc là một mệnh lệnh chiến đấu thiêng liêng của Tổ quốc, thôi thúc mạnh mẽ chúng ta tiến bước không ngừng. Miền Bắc chắt chiu ủng hộ miền Nam, miền Nam lo lắng bảo vệ miền Bắc. Bắc Nam cùng nhất trí. Giặc gây tội ác ở miền Nam thì càng bị rơi nhiều máy bay ở miền Bắc hoặc khi chúng gây tội ác ở miền Bắc thì lập tức bị trừng trị rất đích đáng ở miền Nam. Miền Bắc thiết tha theo dõi tin chiến thắng ở miền Nam, miền Nam đêm ngày tưởng nhớ miền Bắc, đếm từng chiếc máy bay rơi, theo dõi từng vụ gặt lúa. Quân đội Nhân dân miền Bắc học tập kinh nghiệm Quân Giải phóng miền Nam. Quân Giải phóng miền Nam quyết xứng đáng là người em oanh liệt của Quân đội Nhân dân miền Bắc.
Quyết tâm của nhân dân cả nước ta là sức mạnh vô địch của dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhất định sẽ đè bẹp chiến tranh cục bộ, đè bẹp chiến tranh leo thang của đế quốc trong bất kể tình huống nào và bất kể là phải đánh kéo dài bao nhiêu năm, chúng ta vẫn vững một lòng “quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.
IV. Chúng ta kiên quyết tiến lên
Số phận của kế hoạch mùa khô của Mỹ đã kết liễu âm thầm như một chiếc lá khô đã rụng xuống góc rừng.
Những trận mưa đầu mùa đã đổ xuống, trời miền Nam cũng trớ trêu bọn xâm lược Mỹ. Trong cảnh thất vọng ê chề này, nhân dân Mỹ đang đặt ra cho Giôn-xơn, Mác Na-ma-ra, Đin Rát một câu hỏi rất hỏi rất gay gắt :
Chiều hướng thay đổi chưa? Tình hình này rồi sẽ đi đến đâu? Giôn-xơn uốn lưỡi, trầm lặng, chắc gì đã trả lời được, nhưng thực ra còn phải hỏi chúng làm gì. Chiều hướng đã rõ là Mỹ càng ngày càng thua nặng, thua đau, chiến tranh mở rộng cũng nguy mà chiến tranh leo thang cũng khốn, chiến tranh đặc biệt đã phá sản toàn diện mà chiến tranh cục bộ cũng sơ bộ bị thất bại rồi. Chiều hướng ở miền Nam ngày càng phát triển có lợi cho nhân dân cách mạng miền Nam, rõ ràng như mặt trời mọc ở đàng Đông.
Cứ lấy hai việc này mà xét thì đủ thấy:
1. Trong kế hoạch phản công mùa khô, Mác Na-ma-ra muốn đưa tỷ lệ so sánh lực lượng lên ba phần một hay năm phần một về phía có lợi cho Mỹ. Nhưng quân Mỹ vào nhiều lại chết nhiều, tỷ lệ chưa hề thay đổi. Còn quân ngụy thì năm 1965 bị thương vong 20 vạn, đào rã ngũ gần 12 vạn nữa thì nó cũng chỉ còn vài nước xuống dốc nữa là hết.
2. Mỹ đưa lực lượng chiến đấu lớn vào, quyết tâm mở chiến dịch phản công mùa khô để nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực ta, cố sống cố chết giành lại quyền chủ động đã bị mất trên chiến trường như Mác Na-ma-ra than thở. Nhưng tất cả những mưu toan ác độc đó đến nay đều là ảo mộng hão huyền. Lâu nay ta chưa thấy Mác Na-ma-ra đá động gì về quyền chủ động trên chiến trường về ai ? Nhưng một tờ báo Mỹ đã nói thay cho Mác Na-ma-ra rồi “Việt cộng” (tức là nhân dân và Quân Giải phóng miền Nam) vẫn còn giữ chủ bài !
Rồi đây trên đà chiến thắng mùa khô, chắc chắn nhân dân và Quân Giải phóng sẽ tiếp tục đánh mạnh, đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, diệt thật nhiều ngụy, nhiều Mỹ. Những vành đai thép chống Mỹ sẽ mọc lên ở tất cả mọi nơi có Mỹ đóng chiếm. Chiến tranh du kích sẽ được đẩy mạnh lên một bước mới rầm rộ. Một người ta cũng tấn công, một tổ cũng tấn công, một đội cũng tấn công, chỉ có tấn công, kiên quyết tấn công làm cho quân Mỹ, quân ngụy đi đến đâu là phải bị động, phải đổ máu. Các con đường giao thông thủy bộ của chúng sẽ bị phá dọc, cắt ngang tơi bời trăm mảnh. Các hậu cứ của chúng sẽ bị rung chuyển thường xuyên bởi lửa đạn của lực lượng võ trang giải phóng miền Nam.
Thắng lợi quân sự sắp tới cùng với phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và tất cả các đô thị khác đang dậy lên tiếng thét đánh đổ Thiệu – Kỳ, đuổi Mỹ cút về nước và đòi các quyền lợi dân chủ dân sinh khác, làm cho lực lượng ta càng thêm mạnh mẽ, thắng lợi phát triển không ngừng.
Ba phong trào quân sự, chính trị, binh vận sẽ nắm chắc tay cùng tiến bước rầm rộ, cùng đổ lửa lên ngập đầu bọn Mỹ và tay sai.
Nhân dân và Quân Giải phóng miền Nam đánh Mỹ, đánh ngụy không có kể mùa, đánh cả mùa mưa, đánh suốt mùa khô, mùa nào cũng đánh, mùa nào cũng giành thắng lợi. Trong mùa mưa và mùa khô tới chúng ta kiên quyết đánh mạnh, đánh liên tục, đánh cho Mỹ ngụy phải chịu những đòn thất bại cay đắng, ê chề gấp 3 lần, gấp 5 lần mùa mưa và mùa khô năm trước.
   
        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét