Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh



Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (5/1941), Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng xung quanh Hà Nội thành an toàn khu (ATK) của Trung ương, gồm các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Từ Sơn, đại lý Hoàn Long, một phần huyện Gia Lâm và một phần huyện Yên Lãng.

…Đông Anh nằm ở trung tâm ATK. Sau đó các cơ sở cách mạng trong ATK1 (vùng an toàn khu chính thức) ngày càng phát triển rộng, nhiệm vụ càng nặng nề hơn, Thường vụ Trung ương đã tăng cường cho đội công tác nhiều cán bộ: Hoàng Tùng, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trần Độ, Lê Đình Thiệp, Trần Cư, Nguyễn Thị Điệp (Hằng), Nguyễn Thị Hải.

Tháng 7 năm 1943,… đồng chí Trần Độ được cử làm đội trưởng đồng thời làm Bí thư chi bộ đội công tác hoạt động từ Ba Đê lên vùng Võng La, Viên Nội,… đồng chí Nguyễn Thị Hằng (Điệp) tăng cường từ khu vực Ba Đê trở xuống, thường hoạt động tại Văn Tinh, Xuân Trạch, Lại Đà, Hội Phụ, Du Lâm.

…Tại Văn Tinh, gia đình ông Lĩnh, ông Ký là nơi ăn ở và làm việc của các đồng chí Lê Đình Thiệp, Nguyễn Thị Hằng; các đồng chí Trần Độ, Trần Cư còn đến đây trao đổi công tác với Đội công tác, huấn luyện quân sự cho đội tự vệ Xuân Trạch.


Đội công tác ATK gặp mặt tại Đông Anh, ngày 18/8/1987.

 

Tờ mờ sáng ngày 21-8-1945, từng đoàn người xếp theo đội ngũ, từ các ngả tiến về gốc gạo Ba Đê hợp nhất thành đoàn biểu tình vũ trang khởi nghĩa do Ban công tác đội ATK tổ chức và chỉ huy. Đồng chí Trần Độ, chỉ huy trưởng – phụ trách chung; đồng chí Lê Đình Thiệp chỉ huy phó – phụ trách khối tự vệ chiến đấu; đồng chí Nguyễn Thị Điệp (Hằng) chỉ huy phó – phụ trách khối quần chúng. Sau khi chỉnh đốn đội ngũ, chỉ huy trưởng nói vài nét về tình hình, về thời cơ và nhiệm vụ… và ra lệnh xuất phát. Đoàn biểu tình đông tới hàng ngàn người, hành quân dài hàng cây số. Đi đầu là khẩu đại liên Chiêu Hòa do tự vệ khiêng, hơn 10 cây súng trường, rồi đến tự vệ mang vũ khí thô sơ. Tiếp sau là khối các đoàn thể cách mạng hàng ngũ uy nghiêm, khí thế bừng bừng.

Ngay sau khi làm chủ hoàn toàn được huyện, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh thành lập UBND cách mạng lâm thời. Đồng chí Lê Đình Thiệp được cử làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thị Điệp (Hằng), Phó Chủ tịch huyện. Thành lập trung đội lực lượng vũ trang gọi là Giải phóng quân gồm 32 chiến sĩ…

(Trích Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh 1930 – 2005, Nhà xuất bản Hà Nội, 2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét