Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Bản lĩnh Trần Độ (*)


Tiến sĩ Tô Văn Trường
… Người dân Thái Bình  vẫn  luôn tưởng nhớ đến những tên tuổi lớn thời hiện đại của quê hương như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Văn Thái, Trần Độ, Vũ Ngọc Nhạ, v.v… Nhân kỷ niệm ngày mất của Trung tướng Trần Độ sắp đến (1/7 âm lịch) xin có đôi lời về vị văn tài võ tướng.

Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách sinh ra ở làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải (do Doanh điền Nguyễn Công Trứ khai khẩn từ 1828). Trần Độ tham gia cách mạng từ thuở thanh niên, trải nghiệm, thử thách giữ vững khí tiết của người dân yêu nước qua các nhà tù tàn khốc từ Thái Bình, đến Sơn La.

Ông là một vị tướng nổi tiếng, tài kiêm văn võ, có nhiều công lao đi cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Ông là ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tiến sĩ Tô Văn Trường viếng mộ Ông Trần Độ ngày 01/7 Nhâm Dần (2022)

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét Trần Độ là người nhạy cảm với thời cuộc, tha thiết với yêu cầu “đổi mới” của Đảng để đưa đất nước tiến lên. Với văn nghệ, ông là người đề xuất và thực hiện chủ trương đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

Danh tướng ở nước ta có nhiều, nhưng là tướng tài, “văn –võ song toàn” như ông Trần Độ rất hiếm.

Ông được người đời mến mộ bởi “tâm sáng, chí cao, bản lĩnh phi thường, lập trường kiên định”. Ở mặt trận xông xáo tác chiến, thắng giặc rồi vẫn bền chí trung kiên, thẳng thắn, cương trực, sẵn sàng bút chiến. Cuộc đời ông là ngày đêm trăn trở suy tư hiến kế loại trừ những việc có hại đến uy tín của Đảng, có hại cho dân, bất lợi cho nước.

Tuy ông đã đi xa, nhưng  người dân đều thấy những điều ông nói, suy cảm, những đề xuất ích nước lợi dân nay vẫn còn mang đậm tính thời sự, và giá trị hiện thực. Tâm hồn, bản lĩnh, ý chí của ông như còn tươi nguyên.

Ở cương vị thay mặt Đảng, lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, ông có ý thức “cởi trói”.  Ông nhận thức rằng văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường quản lý bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp. Cần phải biết trọng dụng các tài năng, thuyết phục các tài năng có cá tính độc lập, và tài năng sáng tạo, họ không phải là những kẻ dễ chịu ngoan ngoãn, phục tùng.

Ngay từ năm 1974, sau khi đi tham quan ở Cộng hòa Dân chủ Đức và trải nghiệm thực tế của bản thân, ông Trần Độ viết bức thư tâm huyết 14 trang yêu cầu đổi mới gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chinh và Lê Đức Thọ.

Nội dung chủ yếu, ông kiến nghị đưa ra khỏi Đảng những nhân vật lười biếng, mất phẩm chất, chỉ biết nói về Nghị quyết của Đảng như con vẹt, không có năng lực nhưng chiếm chỗ quan trọng, là đầu mối gây bất hòa trong Đảng. Ông kiến nghị cần tổ chức để đưa nông dân ra đồng làm việc một cách tự giác, để phát triển nông nghiệp. Đưa thanh niên học sinh đi học ở nước ngoài (không phải chỉ làm thuê) để có kiến thức về phục vụ xây dựng phát triển đất nước, v.v…

Thế hệ chúng tôi, những người nay đã trong độ tuổi 60-70, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước luôn háo hức, say sưa và xúc động đọc trên báo, nghe trên đài phát thanh rất nhiều những bài viết, bài nói của ông Trần Độ. Những bài báo, những câu chuyện phần lớn ông dành cho thanh niên, giầu cảm xúc, hấp dẫn, hóm hỉnh và rất lôi cuốn. Cuộc đời binh nghiệp hiển hách của ông càng làm tăng thêm sức thuyết phục của những bài viết và bài nói của ông. Có lẽ những đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai trong số những công thần hàng đầu của nước Việt Nam hiện đại về tướng Trần Độ là đầy đủ, chí tình, chí lý.

Xin mượn câu đối của tiến sĩ Hà Sĩ Phu tặng Trung tướng Trần Độ để thay cho lời kết:

“Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm.

Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm”.

(*) Đầu đề của blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét