Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Tình thế cách mạng và nhiệm vụ của Văn nghệ


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng vừa kết thúc thắng lợi. Đó là một sự kiện chính trị lớn trong đời sống của nhân dân ta.


Đại hội lần thứ IV của Đảng đã vạch ra Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Đại hội lần thứ V sau khi tổng kết giai đoạn cách mạng đầy khó khăn và phức tạp vừa qua đã khẳng định lại một lần nữa đường lối đúng đắn đó của Đảng và đề ra những nhiệm vụ cụ thể xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn trước mắt.
Thắng lợi đầu tiên của Đại hội là đã đi tới sự thống nhất trong việc khẳng định những thành tựu căn bản của năm năm qua.
Để có thể nhận thức sâu sắc và đầy đủ nhiệm vụ của văn hoá, văn nghệ trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, trước hết chúng ta phải thấu triệt những nhiệm vụ, nhận định phân tích khách quan khoa học của Báo cáo chính trị về tình hình sáu năm qua, nhận thức thật rõ tình thế trước mắt để có thể hiểu biết thấu đáo những nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra trước chúng ta.
Thành công rực rỡ của Đảng ta và nhân dân ta là đã nhanh chóng thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Không phải chúng ta chỉ thống nhất về mặt dân tộc, xoá bỏ sự chia cắt đất nước do thực dân cũ và mới tạo ra từ hơn một trăm năm nay. Không phải chỉ thống nhất về lãnh thổ, về quốc gia dân tộc mà còn thống nhất về chính trị - Nền chuyên chính vô sản được thiết lập trên toàn đất nước và cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn.
Chúng ta đã đạt được những thành tích có ý nghĩa chiến lược trong việc tăng cường liên minh chiến đấu của cách mạng ba nước Đông Dương và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế tạo nên cơ sở vững chắc và điểm tựa mạnh mẽ cho triển vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trên mặt trận kinh tế, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bên cạnh những cố gắng cao để khắc phục hậu quả của chiến tranh và do thiên tai liên tiếp gây ra để xây dựng một cuộc sống ổn định, bảo đảm được những yêu cầu tối thiểu cho đời sống nhân dân và đặt cơ sở bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị cho việc xây dựng kinh tế từ nay về sau.
Đại hội Đảng cũng khẳng định mặt trận văn hoá, văn nghệ chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Đảng đặt lòng tin thật sự và có thái độ trân trọng đối với đội ngũ văn nghệ. Nhưng nếu so sánh sự phát triển văn hoá, văn nghệ từ sau cách mạng đến chiến tranh chống Mỹ với thời kỳ sáu năm qua, chúng ta cũng thấy những thành tựu của chúng ta chưa thật cân xứng với yêu cầu của cách mạng. Ngoài những đóng góp tích cực mà giới văn nghệ chúng ta vẫn kiên trì xây dựng từ trước, chúng ta phải thừa nhận rằng trong tình hình xã hội có khó khăn phức tạp thì trên mặt trận văn hoá, từ sau ngày hoà bình lập lại, đã có những biểu hiện tiêu cực làm cho cấp bộ Đảng và Nhà nước phải quan tâm lo lắng như sự phục hồi những phong tục cổ hủ, sự phát triển mê tín dị đoan, lối sống không lành mạnh, sự lan tràn của văn hoá đồi truỵ cũ và mới đã ảnh hưởng xấu đến lối sống của một số thanh, thiếu niên …
Tất nhiên không phải văn nghệ đã tạo nên tình trạng đó mà chính là văn nghệ chưa sử dụng sức mạnh của mình như một vũ khí hiệu nghiệm để chống lại những biểu hiện tiêu cực trên mặt trận văn hoá, văn nghệ.
Đại hội lần thứ IV của Đảng đã tổng kết những thành tựu và tiến bộ của nền văn hoá nước ta, đã nêu lên những luận điểm cơ bản của việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới cho giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Tiếp tục đường lối đó, Đại hội V lần này đã khẳng định một lần nữa những thành tựu của văn hoá, văn nghệ và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường và cải thiện sự lãnh đạo cho phù hợp với tính đặc thù của văn hoá, văn nghệ.
Trước hết phải thấy rõ, chúng ta tiến hành công tác văn hoá, văn nghệ trong thời kỳ đất nước đang ở trong một tình thế cách mạng đặc biệt : vừa có hoà bình vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt ; đồng thời phải sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn.
Đó là một tình thế đấu tranh cách mạng cực kỳ phức tạp và gay gắt. Nó đòi hỏi mọi người Việt Nam từ cán bộ, đảng viên, thanh niên, chiến sĩ, đến toàn thể nhân dân phải có những nhận thức sâu sắc, tư tưởng vững vàng. Nhiệm vụ cách mạng đặt ra một nhiệm vụ tư tưởng rất nặng nề.
Trong tình hình như thế, công tác văn hoá, văn nghệ vừa phải hết sức tinh tế, nhạy bén, vừa phải hết sức sâu sắc và có hiệu quả cao. Trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, bước sang giai đoạn hoà bình xây dựng đất nước, nhân dân ta cần phải được bồi bổ cả về thể chất lẫn tinh thần. Lao động khẩn trương, sáng tạo đòi hỏi phải được bù đắp không những bằng vật chất mà còn bằng sự vui chơi, giải trí lành mạnh, phong phú để nâng cao sức lực và tinh thần. Cái đẹp đương trở thành một sức mạnh vật chất góp vào việc tăng năng suất lao động. Nhưng song song với nhiệm vụ xây dựng hoà bình thì vấn đề chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn còn là nhiệm vụ trước mắt. Đất nước ta vẫn đang ở trong tình thế phải thường xuyên chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Cho nên nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ bên cạnh việc giáo dục ý thức lao động vẫn phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, kẻ thù của chúng ta không chỉ ở ngoài biên giới. Những tư tưởng văn hoá của chủ nghĩa thực dân mới, trái với chủ nghĩa xã hội và chống chủ nghĩa xã hội vẫn còn bằng nhiều cách gây tác hại trong đời sống xã hội. Tình trạng tiêu cực trong văn hoá và lối sống hiện nay vừa là do ảnh hưởng của văn hoá và lối sống phong kiến, thực dân cũ và mới, vừa là do tác động của những thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa tạo nên. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vẫn đang diễn ra gay gắt. Cuộc đấu tranh này sẽ phản ánh vào ý thức và lối sống của các tầng lớp nhân dân.
Mỗi người làm công tác văn hoá, văn nghệ đều phải nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ tình thế cách mạng phức tạp trên đây, xuất phát từ đó mà xác định hoạt động sáng tạo của mình phục vụ tích cực cho công cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước.
Rõ ràng đất nước ta đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Và chúng ta có rất nhiều khuyết điểm, sai lầm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nhưng điều đó không cho phép chúng ta bi quan, hoang mang, tiêu cực. Vì những thắng lợi lớn mà Đại hội Đảng lần thứ V đã ghi nhận, nó vạch rõ động lực và triển vọng lớn lao của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới. Nghiên cứu kỹ càng và sâu sắc những thắng lợi cơ bản ấy, chúng ta cần thấy rõ: thấm thía những kinh nghiệm lớn trong mấy năm qua, Đảng ta đang và sẽ trưởng thành lên một cách mạnh mẽ. Như vậy chúng ta sẽ hiểu được xu thế thời đại và lịch sử, khẳng định vững chắc niềm tin và định hướng đúng hoạt động sáng tạo của chúng ta.
Trong văn nghệ, chúng ta thường gặp một tình hình mà các đồng chí lãnh đạo hay nhắc nhở, còn bản thân chúng ta thì lúng túng. Đó là tình hình các tác phẩm và hoạt động của chúng ta chưa có chất lượng cao, chưa gắn chặt với cuộc sống, chưa có những hơi thở của tình thế và nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ, chưa gây được ấn tượng sâu sắc và chưa hướng con người vào những suy nghĩ và hành động đúng đắn. Chính vì thế, văn nghệ chưa làm tròn được sứ mạng lịch sử của mình. Nhiều đồng chí thường chỉ quan niệm “cuộc sống” là tất cả mọi hiện tượng cụ thể ở quanh ta và ở những nơi ta “đi thực tế”, chưa có được một tầm nhìn để thấy và cảm thấy rõ rệt cuộc sống của cả dân tộc, vận mệnh của cả đất nước, chiều hướng phát triển cách mạng của cả thời đại, để từ đó mà nhận biết được các mặt chi tiết của cuộc sống. Chính vì vậy, trong sáng tác, hoặc chúng ta chỉ có thể tái hiện cuộc sống một cách vụn vặt, không tạo ra được những cảm hứng hào hùng ; hoặc rơi vào những triết lý chung chung, những con người và sự việc “được khái quát một cách mơ hồ” ít ăn nhập vào cuộc sống thực ; điều đó chỉ đem đến những hình ảnh và tư tưởng xa lạ, ít gắn bó với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống cách mạng đang sôi nổi, khẩn trương trước mắt.
Như vậy, văn nghệ khó hoàn thành nhiệm vụ tư tưởng của mình, dù mỗi nghệ sĩ có nhiệt tình và tâm huyết đến đâu chăng nữa.
Để hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng khó khăn nhưng rất quang vinh trong giai đoạn mới, việc xây dựng con người mới vẫn là nhiệm vụ trung tâm. “Không có con người mới xã hội chủ nghĩa, không thể có chủ nghĩa xã hội”. Mệnh đề này đã thành chân lý đối với những người làm công tác văn nghệ chúng ta. Con người mới vừa là chủ thể của nền văn hoá mới, vừa là mục đích của việc xây dựng văn hoá mới. Chúng ta như còn nghe vang lên từ diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ IV lời nói đầy ân ái của đồng chí Lê Duẩn về sự quan tâm chăm sóc xây dựng con người mới của chế độ ta: “Phải xây dựng con người mới từ lúc lọt lòng và ở mọi lứa tuổi, trong tất cả các tổ chức quần chúng, các cơ sở kinh tế, văn hoá, các hoạt động xã hội, ở mọi ngành, mọi cấp, trong từng khu phố, thôn xóm, gia đình. Phải xây dựng con người mới từ những con người ra đời trong chế độ mới và những con người do chế độ cũ để lại” (Báo cáo chính trị Đại hội IV, tr.49).
Những nét cơ bản trong nhân cách và phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được hình thành qua đấu tranh cách mạng, qua việc kế thừa tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Anh em bè bạn khắp năm châu khi tiếp xúc với nhân dân ta đều khẳng định và ca ngợi phẩm chất tốt đẹp ấy. “Cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa cái mới và cái cũ, tiên tiến với lạc hậu, tiến bộ với phản động, trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, lối sống đang diễn ra hàng ngày, rất phức tạp và chúng ta không thể nào xem nhẹ”.
Chính vì vậy mà trách nhiệm nặng nề của cách mạng tư tưởng và văn hoá là tiếp tục cải tạo và xây dựng con người mới, đề cao người tốt việc tốt, phê phán cái xấu và không lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phải khẳng định có sức thuyết phục những phẩm giá văn hoá và con người Việt Nam. Biểu dương cái tốt cũng là cách đấu tranh có hiệu quả chống cái xấu.
Văn nghệ chúng ta qua hai cuộc kháng chiến đã đạt nhiều thành tựu. Điều đó đã được khẳng định trong Báo cáo chính trị của Đại hội IV. Đến nay, Đại hội V cũng khẳng định.
Những năm qua, cùng với sự hình thành dần dần chế độ mới và nền kinh tế mới, việc xây dựng nền văn hoá mới và con người mới đã thu được những thành tựu nhất định.
Về văn hoá nghệ thuật, Đại hội V nhận định:
Việc thực hiện những nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng về mặt này thu được một số kết quả khá tốt.
Đó là những nhận định hết sức khách quan và đúng sự thật.
Nhưng chúng ta cũng đều thấy rất rõ là: thành tựu ấy còn chưa cân xứng với thực tiễn vĩ đại và kỳ diệu của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Các nhà văn chúng ta còn nợ cách mạng và kháng chiến những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuât cao, đầy sức sống, sức hấp dẫn và thuyết phục, có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tinh thần của nhiều thế hệ như kiểu “Thép đã tôi thế đấy”, “Thanh niên cận vệ đội”, “Con đường đau khổ”, “Đất vỡ hoang”, v.v… Giai đoạn đấu tranh và xây dựng hiện nay lẽ ra phải có một Ô-vét-xkin với “Chuyện thường ngày ở huyện”, vậy mà chúng ta vẫn chưa có. Sở dĩ tác phẩm của chúng ta chưa có hiệu quả như yêu cầu mong muốn là vì chúng ta chưa nắm vững được yêu cầu của đất nước, chưa hiểu thấu đáo tình thế cách mạng. Trong tình hình hiện nay, chỉ nhiệt tình và ý thức thôi thì chưa đủ mà phải hiểu biết, và sự hiểu biết quan trọng nhất là hiểu biết cuộc sống, tức là quán triệt đầy đủ tình thế cách mạng, gắn vận mệnh của mỗi người vào vận mệnh chung của đất nước, biến nó thành tình cảm máu thịt của nghệ sĩ, từ đó tác phẩm của chúng ta mới mong muốn hướng dẫn được suy nghĩ của nhân dân theo đúng và theo kịp với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó chính là “đi sát cuộc sống”, hiểu cuộc sống một cách đầy đủ, chính xác.
Đại hội Đảng lần thứ V đã đánh giá rất cao vai trò của văn nghệ đối với cuộc sống, tỏ thái độ tin tưởng và khuyến khích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, đồng thời đặt yêu cầu rất nghiêm và rất cao đối với chúng ta. Văn nghệ là một lĩnh vực rất quan trọng và rất phức tạp của văn hoá và đời sống xã hội. Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo đối với lĩnh vực này, đồng thời cải tiến sự lãnh đạo cho phù hợp với tính đặc thù của nó. Đảng tin tưởng và đánh giá cao sự cống hiến của anh chị em văn nghệ sĩ.
Khi nhấn mạnh tính phức tạp của văn nghệ, Đảng ta muốn ngăn ngừa một thái độ đơn giản trong việc lãnh đạo văn nghệ cũng như việc đối với nhận thức đánh giá nó. Tính phức tạp ấy nằm trong chính sự phong phú, phức tạp của thế giới tâm hồn và tình cảm của con người, nằm trong khâu lao động sáng tạo cũng như khâu thưởng thức nghệ thuật.
Chân lý khoa học là do nhà khoa học phát hiện ra nhưng nó không mang dấu ấn tâm hồn và cá tính của nhà khoa học. Còn chân lý nghệ thuật bao giờ cũng mang dấu ấn của người nghệ sĩ. Hiện thực khách quan của cuộc sống được phản ánh trong nghệ thuật thông qua góc độ nhìn, cách đánh giá và biểu hiện tình cảm của người nghệ sĩ. Đối với sáng tác nghệ thuật, không thể “khóc mướn thương vay”, chính vì thế mà người nghệ sĩ phải tự rèn luyện cả về tư tưởng tình cảm cũng như nhận thức. Phải có tư tưởng nhận thức đúng đắn, cảm xúc nhạy bén tinh vi, nghệ sĩ mới có thể là cái phong vũ biểu của thời đại, cái nhiệt kế của cuộc sống, góp phần hướng dẫn tình cảm, tư tưởng quần chúng theo sát sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Do nhận thức rõ tính đặc thù của văn nghệ nên trong tình thế cách mạng phức tạp, khó khăn hiện nay, Đảng nhấn mạnh phải tăng cường và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Đây là biểu hiện đường lối Lêninnít trong việc lãnh đạo văn nghệ. Lê-nin một mặt khẳng định nguyên tắc tính Đảng trong văn nghệ nhưng mặt khác lại nhấn mạnh tính đặc thù của nó. Không thể chối cãi được rằng sự nghiệp văn học ít chịu nhượng bộ hơn cả đối với sự bình quân máy móc, đối với sự san bằng, đối với số đông thống trị số ít. Không thể chối cãi được rằng trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải đảm bảo phạm vi hết sức rộng rãi bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung… Tất cả những điều đó không mảy may bác bỏ cái nguyên lý mà giai cấp tư sản và phái dân chủ tư sản cho là lạ lùng, kỳ quái ; “Sự nghiệp văn học nhất định phải là một bộ phận công tác của Đảng xã hội dân chủ gắn liền với các bộ phận khác” (Mác – Ăng-ghen – Lê-nin. Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, 1977, tr.306).
Dưới ánh sáng Đại hội lần thứ V của Đảng, chúng ta cần quan tâm đầy đủ các mặt sau đây :
1. Trước hết, mỗi người làm công tác văn hoá, văn nghệ chúng ta phải biết nhận thức cuộc sống mà cụ thể là phải thấm nhuần những ý kiến phân tích về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, thấu hiểu đường lối cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội của ta, những điểm cụ thể của đường lối trong giai đoạn trước mắt. Muốn thế phải được trang bị đầy đủ những hiểu biết lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, được nâng cao kiến thức và kinh nghiệm mọi mặt, về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước đây ta thường hay nói nâng cao thế giới quan.
Bây giờ thì yêu cầu cụ thể là như vậy. Chỉ có trên cơ sở đó mới có điều kiện làm tròn nhiệm vụ người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, văn nghệ.
2. Cần coi trọng đúng mức và nâng cao trình độ phê bình nghệ thuật. Trong thời gian qua, công tác phê bình văn nghệ có quan tâm theo dõi và đấu tranh có hiệu quả nhằm chống những sai lầm, lệch lạc trong sáng tác. Nhưng theo tôi, công tác phê bình còn xem nhẹ việc phát hiện những tác phẩm hay, những tác giả có tài mới xuất hiện và hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật. Đã có mấy nhà phê bình phát hiện được và phát hiện đúng, sớm những tài năng văn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh? Những tác phẩm được giải thưởng trong nước và quốc tế phải chăng đã được các nhà phê bình của ta phát hiện ra trước? – Chúng ta còn thiếu những nhà phê bình (chuyên nghiệp) được văn nghệ sĩ và công chúng tin cậy. Cần phải có một đội ngũ những nhà phê bình có phẩm chất, chí công vô tư, vững vàng về chính trị, có trình độ lý luận, có văn hoá, hiểu biết rộng, có vốn sống và nhất là có khả năng mẫn cảm nghệ thuật. Chúng ta vẫn coi trọng công chúng phê bình nghệ thuật nhưng công chúng nghệ thuật lại chính do nghệ thuật, do nghệ sĩ sáng tạo ra. Công chúng muốn phê bình nghệ thuật cho chính xác thì phải nâng cao trình độ văn hoá, thẩm mỹ, phải làm quen với những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau. Ai cũng có thể thưởng thức, đánh giá nghệ thuật xuất phát từ nhận thức, kinh nghiệm và vốn sống của bản thân, song sự phê bình chuẩn xác đòi hỏi nhiều yếu tố, không thể đơn giản, tuỳ tiện, cảm tình và vội vã được.
Đặt yêu cầu cao ở sự tìm tòi sáng tạo, ở trình độ nghệ thuật không phải chỉ xuất phát từ quy luật phát triển của bản thân văn nghệ mà nhằm mục đích chính trị thực tiễn to lớn.
Văn nghệ phải truyền bá tư tưởng đúng, tình cảm đẹp, nhưng nếu trình độ nghệ thuật của nó kém, không hấp dẫn được công chúng, không được người ta thưởng thức, lưu truyền thì cái hay cái đẹp, cái nội dung tốt ấy không thể phát huy được tác dụng, văn nghệ cách mạng phải đấu tranh chống văn nghệ phản động, đồi truỵ. Trong cuộc đấu tranh này phải tiến hành trên nhiều mặt, nhưng một mặt có ý nghĩa quyết định và nó sẽ quyết định sự thắng bại dứt khoát là phải đấu tranh bằng sáng tác và lý luận phê bình. Nghĩa là ta phải có những tác phẩm hay, lành mạnh thay thế, đánh bại các tác phẩm văn nghệ xấu, đồi truỵ. Chống lại một bài hát, một bài thơ lạc hậu phải là một bài hát, bài thơ tiến bộ và có trình độ nghệ thuật cao. Đồng thời, trên mặt trận lý luận phê bình, ta phải kịp thời và nghiêm khắc phê phán những quan điểm mỹ học phản động, đồi truỵ, đấu tranh bảo vệ đường lối văn nghệ đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta, xây dựng một thị hiếu thẩm mỹ cao, trong sáng và lành mạnh của con người mới xã hội chủ nghĩa cho đông đảo quần chúng, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên.
Sự hấp dẫn không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá giá trị một tiểu thuyết, một cuốn phim, một bài ca. Nhưng một bài ca, một cuốn phim, một tập truyện hay thì bao giờ cũng phải hấp dẫn. Một thị hiếu thấp có thể thờ ơ với một nghệ thuật cao nhưng với thời gian, với sự giáo dục thẩm mỹ và văn hoá cho công chúng thì nghệ thuật cao sẽ chiếm lĩnh được tình cảm công chúng và đánh bạt thị hiếu thấp.
Đảng khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, khuyến khích sự phát triển của phong cách và tài năng nghệ thuật.
Sự tiến bộ của cuộc sống biểu hiện ở sự phát triển ngày càng phong phú, phức tạp, ở sự vận động không ngừng của nó. Nếu đối tượng của văn nghệ ngày một đổi mới mà những phương thức và hình thức biểu hiện của văn nghệ không đổi mới thì không thể nào phản ánh đầy đủ và đúng đắn cuộc sống mới.
Tất nhiên trên con đường tìm tòi cái mới trong sáng tạo nghệ thuật chúng ta có thể có sai lầm - Đảng yêu cầu một tinh thần trách nhiệm cao và nghiêm túc, đối với văn nghệ sĩ trong sáng tạo và nếu có sai lầm thì phải thành thật sửa chữa sai lầm. Chúng ta không tán thành thái độ phê bình vùi dập chụp mũ của quan điểm giáo điều, bảo thủ. Nó làm nản lòng mọi cố gắng đổi mới, sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng chúng ta cũng không thể chấp nhận thái độ vô trách nhiệm chỉ biết thoả mãn cảm hứng cá nhân của mình, không quan tâm tới cách mạng, tới quần chúng nhân dân. Sự đấu tranh chống những “lệch lạc” và không lành mạnh vẫn nằm trong tinh thần chung của Đảng: “Đảng tin tưởng và đánh giá cao sự cống hiến của văn nghệ”.
Ở đây có vấn đề phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa với sự đa dạng về phong cách và hình thức biểu hiện. Đại hội V một lần nữa khẳng định phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa như là nguyên tắc sáng tác của văn nghệ chúng ta. Nhưng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không bó hẹp sự sáng tạo. Phải coi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như thế giới quan, như phương pháp luận của sáng tác văn nghệ, nó cho phép sử dụng nhiều hình thức biểu hiện, nhiều phong cách khác nhau.
Phải nghiên cứu vấn đề này trên cơ sở kinh nghiệm của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em kết hợp với truyền thống văn nghệ dân tộc chúng ta. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng sáng tác nghệ thuật.
Vấn đề cuối cùng ta cần nói đến là vấn đề kế thừa di sản và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, văn nghệ tiên tiến thế giới. Đây không phải là vấn đề mới đặt ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc đánh giá di sản của dân tộc và tiếp thu văn hoá nước ngoài vẫn sôi nổi như một vấn đề thời sự, cần phải quan tâm giải quyết.
Không ai phủ nhận sự cần thiết phải bảo tồn và kế thừa di sản dân tộc trong sáng tác nghệ thuật. Nhưng thừa nhận nguyên tắc thì dễ mà đi vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn sáng tác và biểu diễn thì thật khó. Rõ ràng vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại của văn nghệ vẫn còn là vấn đề phải giải quyết về mặt lý luận cũng như thực tiễn sáng tác và biểu diễn. Dân tộc Việt Nam cũ là dân tộc nông nghiệp, tiểu tư sản. Dân tộc Việt Nam hiện nay là dân tộc đang tiến lên chủ nghĩa xã hội có chế độ làm chủ tập thể và công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Vậy tính dân tộc xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa tính dân tộc truyền thống, đồng thời có đổi mới, phát triển chứ không phải mãi mãi như cũ. Đại hội lần này nói đến một nền văn hoá, nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc, tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc, và nói thêm, phải “thấm nhuần tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản”.
Mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế là một điều tất yếu trong sự phát triển văn hoá. Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hoá, văn minh và việc một dân tộc ở trình độ phát triển thấp học tập, tiếp thu những tinh hoa của nền văn hoá, văn minh cao hơn xưa nay là một hiện tượng, một quy luật phổ biến của lịch sử loài người. Văn hoá cổ truyền Việt Nam không chỉ làm bằng những nguyên liệu thuần tuý Việt Nam. Nó cũng đã hình thành trong sự giao lưu hội nhập của nhiều nền văn hoá thế giới phương Bắc và phương Nam, phương Đông và phương Tây, rồi kết tinh lại trên cơ sở bản sắc, bản lĩnh dân tộc. Nền văn hoá văn nghệ của ta muốn tiếp tục phát triển vẫn phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hoá thế giới trên cơ sở những truyền thống văn hoá lịch sử của ta dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Khi nói về những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực văn hoá. Văn kiện đại hội nhận định thêm: “Hiện nay, nước ta xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động. Đó vừa là thực hiện tính quy luật của thời đại, vừa là kế thừa và nâng cao truyền thống văn hoá yêu nước và dân chủ hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam”.
Chung quanh vấn đề này, ta còn nhiều việc phải làm, phải giải quyết cả về mặt lý luận và thực tiễn – và phải qua hoạt động thực tiễn để đúc kết thành lý luận. Ví dụ như: Thế nào là kết tinh và nâng lên tầm cao mới? Thế nào là tiếp thu có chọn lọc? Chọn lọc theo hướng nào? Theo yêu cầu gì? v.v…
Trên đây là mấy ý kiến nhằm góp phần nhận thức những nhiệm vụ mà đại hội lần thứ V của Đảng đề ra cho giới văn nghệ chúng ta. Nếu đặt câu hỏi thái độ của Đảng đối với giới văn nghệ chúng ta là thế nào? – Có thể tóm gọn trong mấy chữ mà tôi đã chú ý trong khi nghiên cứu Báo cáo chính trị  của Đảng. Đảng tin tưởng và đánh giá cao đội ngũ văn nghệ sĩ. Đảng khuyến khích hoạt động sáng tạo của chúng ta, nhưng Đảng cũng yêu cầu rất nghiêm và rất cao ở chất lượng sáng tác và hoạt động văn nghệ. Đảng đòi hỏi văn nghệ giữ vững tính Đảng, với ý nghĩa phải được nâng cao cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật để có thể trở thành vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén, thành công cụ hiệu nghiệm xây dựng con người mới, xã hội mới. Nhiều giải thưởng quốc tế cao mà văn nghệ đã đạt được trong mấy năm qua nói lên tiềm năng to lớn của văn nghệ ta. Dưới ánh sáng Đại hội lần thứ V của Đảng, trên cơ sở nhận thức sâu sắc tình thế cách mạng và nhiệm vụ của văn nghệ trong tình hình mới, nếu được động viên, tổ chức, tạo điều kiện đầy đủ để phát huy, văn nghệ ta nhất định sẽ đạt được những đỉnh cao mới, đáp ứng được yêu cầu của Đảng và sự trông đợi của nhân dân, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc, của thời đại.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét