Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ văn học


Trước hết cần nhấn mạnh rằng trong 35 năm qua, văn học ta đã có những thành tựu to lớn. Đó là một sự thật hết sức rõ ràng. 


Phải có quan điểm đúng đắn mới đánh giá đúng được nền văn học ta. Tất nhiên trong từng thể loại, từng tác phẩm, ta vẫn còn những chỗ yếu kém nhất định. Nhưng nhìn bao quát, chúng ta đã có một nền văn học mới xã hội chủ nghĩa vững vàng, dày dạn về số lượng và chất lượng tác phẩm, về thể loại cũng như về đội ngũ, phù hợp với yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn vừa qua. Với những thành tựu đã đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nước ta “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại hiện nay” (Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng).
Điều đó có nghĩa là văn học ta đã làm tròn sứ mệnh cao quý của nó là phản ánh được nguyện vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, phản ánh được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội và nhân dân ta.
Điều đó có nghĩa là văn học ta mang bản sắc dân tộc khá phong phú, đã có những đóng góp quý báu, tác động khá sâu sắc vào đời sống tinh thần và tình cảm của nhân dân ta.
Và, văn học ta sở dĩ có được những thành tựu như vậy là vì ở nước ta trong giai đoạn vừa qua, nhiệm vụ cách mạng cũng đồng thời là mục tiêu của văn học, thực tiễn cách mạng là đối tượng miêu tả của văn học. Đây là nguyên lý và cũng là kinh nghiệm thực tiễn của văn học nước ta, hướng dẫn cách nhìn và sự suy nghĩ của chúng ta trong tình hình hiện nay.
Trong sáng tác cũng như trong lý luận phê bình nền văn học ta trong bước phát triển mạnh mẽ của nó, đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhưng điều cơ bản nhất vẫn là nhận thức hiện thực - chỗ đứng để nhận thức hiện thực, phương pháp tư tưởng để nhận thức hiện thực.
Nhận thức hiện thực không phải chỉ là học thuộc và nhắc lại mấy câu nhận định về tình hình chung mà phải thấy rõ rệt và sâu sắc kẻ thù và âm mưu của chúng đối với đất nước ta, dân tộc ta, thực chất cuộc đấu tranh tiến lên chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực, những thuận lợi và khó khăn mọi mặt của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay, để cho tình cảm nồng nàn yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội thấm vào mỗi chương, mỗi dòng của tác phẩm chúng ta.
Thực tế là cả nước ta mới đi vào chủ nghĩa xã hội được năm năm. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuyển biến lớn lao của cách mạng, thời kỳ đầu của “một quá trình biến đổi cách mạng toàn diện, liên tục, vô cùng sâu sắc và triệt để”. Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976) đã chỉ ra như vậy.
Trong năm năm qua, thực tiễn cách mạng thật vô cùng sôi động và gay gắt.
Chúng ta quyết tâm đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã thống nhất nước nhà kịp thời và nhanh chóng, xây dựng chính quyền vô sản chuyên chính trên cả nước, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, căn bản xoá bỏ được giai cấp bóc lột. Nhưng hậu quả của ba mươi năm chiến tranh xâm lược rất to lớn, lúc đầu chúng ta chưa lường hết được. Sau cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, lại phải giúp nhân dân Căm-pu-chia khôi phục và giữ vững thành quả cách mạng ở đó, giúp đỡ dân tộc Căm-pu-chia hồi sinh để xây dựng đất nước. Chúng ta đã xây dựng lại được tình đoàn kết cách mạng đặc biệt giữa ba nước Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia, tạo ra một cục diện mới ở Đông Dương và Đông Nam châu Á. Rồi chúng ta lại phải tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, một cuộc chiến tranh lớn, tiếp tục tăng cường củng cố quốc phòng, khôi phục sản xuất và đời sống bình thường ở những vùng bị địch tàn phá, và cho đến bây giờ vẫn còn phải đánh địch, vẫn còn thương vong, vẫn còn phải tiếp tục đối phó với một cuộc chiến tranh ngầm rất thâm độc của địch nữa.
Bọn đế quốc cấu kết với bọn phản động tìm mọi cách gây khó khăn cho ta, bôi nhọ Việt Nam, hạ thấp uy tín của Việt Nam hòng làm cho Việt Nam suy yếu để chúng dễ bề thôn tính. Chúng công kích Việt Nam hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Chúng phá hoại tình đoàn kết đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, v.v… Chúng tập trung mũi nhọn công kích và chống phá Việt Nam bởi vì Việt Nam đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu của độc lập, tự do. Cũng như chúng công kích và chống phá Liên Xô, bởi vì Liên Xô là ngọn cờ tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội, là thành trì của cách mạng và hoà bình trên thế giới.
Những khó khăn về kinh tế và đời sống chưa thể giải quyết sớm được, những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan Nhà nước kéo dài và có chiều hướng phát triển, trật tự trị an không tốt, những hiện tượng tiêu cực trong lối sống của một bộ phận thanh niên, thiếu niên. Tất cả những hiện tượng xã hội ấy có nguyên nhân sâu xa và rộng lớn từ trong đặc điểm tình hình xã hội ta lúc này, từ trong quá trình chuyển biến cách mạng, từ trong những âm mưu thâm độc của mọi loại kẻ thù. Đương nhiên, chúng ta cũng có khuyết điểm là chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho một tình hình chuyển biến cách mạng lớn lao như vậy. Đường lối cách mạng đúng đắn chưa được cụ thể hoá thành những kế hoạch thiết thực, những chính sách có hiệu quả. Trình độ quản lý kinh tế, quản lý xã hội của ta còn thấp, chưa phát triển kịp tình hình và nhiệm vụ mới. Song, những khuyết điểm này cũng có mặt khách quan của nó : khó mà có thể lường hết được tất cả mọi tình hình khó khăn và phức tạp, lại cũng chưa đủ thời gian để rèn luyện được một đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng mới, tức là có một trình độ quản lý kinh tế, quản lý xã hội cần thiết (ngay đánh giặc, chúng ta cũng phải qua ít nhất ba mươi năm mới có được một trình độ chỉ đạo chiến tranh cao như hiện nay).
Hiện thực trên đất nước ta trong tất cả sự phát triển phức tạp của nó, hơn lúc nào hết, đòi hỏi ở chúng ta một cách nhìn và một sự suy nghĩ khoa học toàn diện và tỉnh táo của người cách mạng. Nhận thức đúng đắn hiện thực là điều kiện quyết định đầu tiên để chúng ta bàn tới những vấn đề của văn học ta, tính hiện thực của văn học ta hiện nay.
Ở giai đoạn vừa qua, văn học ta đã là một lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, đã nung nấu ý chí căm thù, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và tinh thần anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt.
Vậy thì ngày nay, văn học ta cũng phải đóng vai trò là một lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh gay gắt, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta muốn hoà bình, nhưng kẻ thù vẫn buộc chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu và tiêu diệt chúng khi chúng xâm phạm đất nước ta. Trong tình hình trước mắt, yêu cầu khách quan của cách mạng phải có là tiếp tục bảo vệ Tổ quốc, chống mọi kẻ thù đang âm mưu từ bên ngoài và từ bên trong, từ phía Bắc và từ phía Nam, tiếp tục động viên sâu sắc hơn nữa tinh thần yêu nước của nhân dân ta hay không ?
Có phải là chúng ta phải kiên quyết giữ vững mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo khó, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, bằng cách nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, đồng thời đẩy mạnh ba cuộc cách mạng nhằm mục tiêu xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa hay không ?
Hơn lúc nào hết, cần nhắc lại luận điểm của Lê-nin về “sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản”, “phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch và thống nhất của Đảng xã hội – dân chủ” (V.I Lê-nin. Bàn về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.75). Cần ngăn ngừa và tránh những khuynh hướng tách văn học ra khỏi sự nghiệp cách mạng nói chung. Trước tình hình phức tạp, khó khăn, có thể xảy ra những tâm trạng bối rối, những xu hướng bi quan, hoài nghi : đánh giá sai lạc tình hình văn học của ta, đem những khuyết điểm bộ phận vẽ lên thành dạng vẻ chung của cả một nền văn học với ngụ ý rằng văn học có khuyết điểm thế là vì văn học bị chèn ép, văn học không được tự do, văn học phải chiều theo ý muốn của lãnh đạo, v.v…
Mặc khác, nếu không giữ vững tính kiên định trong mục tiêu, trong đường lối thì có thể dễ mắc vào âm mưu của địch, lang thang mất phương hướng, làm mồi cho chiến tranh tâm lý của địch, rơi vào một nỗi hoài nghi nguy hiểm : Chủ nghĩa xã hội có thật hay không ? Có nên đi con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không ? (Vậy thì đi con đường nào ?).
Đứng trước kẻ thù mà còn mơ hồ chưa nhận thấy rõ bộ mặt kẻ thù.
Đứng trước mặt anh em, cần được nước anh em giúp đỡ thì lo mình mất tự chủ ; cần giúp nước anh em thì lo ảnh hưởng tới vốn liếng của cải và đời sống của mình.
Muốn mau lên chủ nghĩa xã hội, nhưng lại ngại phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không phát triển được sản xuất, do đó, muốn duy trì và ủng hộ những quan hệ sản xuất cũ, v.v…
Đó là những sự bối rối có thể xảy ra lúc này và thực tế đã xảy ra ở một số ít người. Kẻ địch lợi dụng những khó khăn của ta, đang gieo rắc thêm hoài nghi, gây nên và khoét sâu vào cái tâm lý hoang mang bối rối đó.
Nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: Trần Độ.
 Vậy thì văn học, với tư cách là một vũ khí cách mạng, phải làm gì? Không vạch mặt kẻ thù, động viên ý chí tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta vượt mọi khó khăn, giữ vững đường lối của Đảng, nhằm mục tiêu của cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thì văn học không làm tròn được nhiệm vụ của nó.
Trước đây, cả nước đã chịu đựng những hy sinh ghê gớm, những gian khổ cực kỳ mà vẫn “phơi phới dậy tương lai”. Ngày nay, tại sao ta lại không thể chấp nhận những gian khổ gay gắt để bảo vệ độc lập, tự do, để xây dựng chủ nghĩa xã hội? Trước đây, ta đã đi vào cuộc đấu tranh mấy chục năm, bây giờ ta mới bước vào cuộc đấu tranh mới năm năm, mỗi người cầm bút hãy nhận rõ trận địa, nắm chắc vũ khí của mình, giữ vững và nâng cao hơn nữa nhiệt tình cách mạng, lòng tin vững chắc vào sự nghiệp, vào thắng lợi của cách mạng. Nhân dân ta đang mong chờ những tác phẩm nói về họ, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, xoá bỏ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tạo nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đương nhiên, chúng ta còn phải nâng cao hơn nữa chất lượng văn học, làm cho văn học vừa có tính tư tưởng cao, vừa phải đầy tính sáng tạo, có trình độ nghệ thuật cao.
Phải khẳng định đây là một yêu cầu chân chính của giai đoạn cách mạng hiện nay và cũng là yêu cầu mà trước đây Đảng luôn đặt ra với văn học, nghệ thuật.
Đồng thời đây cũng là một nhiệm vụ mới của văn học. Xã hội ta đang ở trong một giai đoạn có những biến đổi sâu sắc và toàn diện. Đề tài và tư tưởng chủ đề của tác phẩm văn học đang đặt ra nhiều vấn đề mới, kể cả để phản ánh sự nghiệp cách mạng hiện tại và những kỳ tích cách mạng của thời kỳ lịch sử đã qua. Đối tượng miêu tả văn học bây giờ cũng có nhiều vấn đề mới, người thưởng thức văn học cũng có những đòi hỏi mới. Bản thân các nhà văn cũng không thể tự bằng lòng bằng những tác phẩm đã có. Những nhà văn mới bước vào nghề càng có những náo nức mới, sức cảm thụ mới. Đó là một điều rõ ràng. Tuy nhiên, trong lúc có những xúc động như vậy, ta càng cần phải tỉnh táo để xem xét những thành tựu đã qua có những ý nghĩa lịch sử của nó như thế nào ? Cái gì là cái đã lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống mới, cái gì là nền tảng, là cơ bản. Cuộc sống bao giờ cũng có một sự liên tục không thể vì có những yêu cầu mới mà nảy sinh ra khuynh hướng phủ định tất cả những cái đã qua, đi tới phủ định chính cả bản thân mình.
Có đồng chí nói đến văn học phải “dữ dội” hơn, sâu sắc hơn, đa dạng hơn. Chính thực tiễn cách mạng của ta cũng đang đòi hỏi văn học như thế. Nhưng có vấn đề cái gì là dữ dội, cái gì là sâu sắc ? Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do bây giờ có dữ dội không ? Cuộc đấu tranh để kiên định ý chí và đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, chống lại bao nhiêu mưu đồ xuyên tạc, bôi nhọ và phá hoại của kẻ địch có dữ dội không ? Có một số ý kiến làm cho ta có cảm tưởng là văn học muốn dữ dội và sâu sắc thì hình như cứ vướng phải một cái gì đó (?), thành ra văn học phải tránh né ! Không phải đâu ! Đảng yêu cầu văn học xông vào những trận địa dữ dội và sâu sắc : chống kẻ thù của Tổ quốc và của chủ nghĩa xã hội, chống bọn đầu cơ, phá hoại, chống bọn cơ hội chủ nghĩa đủ màu sắc muốn lợi dụng những từ ngữ cách mạng để che giấu những mưu đồ đen tối của cá nhân, để kích động chia rẽ Đảng và quần chúng, chia rẽ cán bộ, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Việt Nam và các nước anh em, gieo rắc các hoài nghi, gieo rắc những ý nghĩ tiêu cực, v.v…
Trong văn học cũng như trong nghệ thuật, nhiều người nói đến cái mới, cái sáng tạo. Vấn đề là cái mới nào và sáng tạo ra cái gì. Hãy nhắc lại câu của Lê-nin mà mọi người đã biết : “Cần phải giữ gìn cái đẹp, lấy nó làm mẫu mực, xuất phát từ nó, dù cho nó là “cũ” đi nữa. Tại sao chúng ta lại cần phải quay ngoắt nó khỏi cái đẹp thật sự, từ bỏ nó, không coi nó là điểm xuất phát để tiếp tục phát triển, chỉ vì nó là “cũ” ? Tại sao phải cúi mình trước cái mới như trước thần thánh, phải chịu khuất phục nó chỉ vì “đó là mới” ? Vớ vẩn, hoàn toàn vớ vẩn ! Ở đây có nhiều cái giả dối và cố nhiên có sự tôn sùng vô ý thức đối với cái mốt nghệ thuật đang ngự trị ở phương Tây. Chúng ta là những người cách mạng tốt, nhưng tại sao chúng ta cứ buộc phải tỏ ra là mình “cũng đứng trên đỉnh cao của nền văn hoá hiện đại”. Tôi dám cả gan nhận mình là “người dã man”. Tôi không đủ sức coi những tác phẩm của chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa tập thể và các thứ “chủ nghĩa” khác như là biểu hiện cao của thiên tài nghệ thuật được” (Lê-nin nói với Cla-ra Dét-kin, trích Hồi ký của Cla-ra).
Chúng ta rất cần phải có những suy nghĩ mới, những tình cảm mới, những hình tượng mới, những thủ pháp nghệ thuật mới. Nhưng cái mới đó phải là mới xã hội chủ nghĩa. Thời đại chúng ta là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi toàn thế giới. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội là một cái gì hết sức mới mẻ, hết sức tốt đẹp. Chúng ta lại tiến thẳng từ một xã hội phong kiến và thuộc địa lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên chúng ta có bao nhiêu điều mới mẻ. Nhưng, chúng ta lại có cả một nửa thế kỷ đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, trong khi cả thế giới đã hình thành một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang phát triển tốt đẹp, đầy kinh nghiệm thành công. Đồng thời, chúng ta có cả bốn ngàn năm lịch sử giữ nước và dựng nước, dân tộc ta đã hình thành phát triển. Tâm hồn và tính cách con người Việt Nam đã được khẳng định, lại được thử thách qua ba mươi năm chiến đấu hết sức quyết liệt để có ngày nay. Vì vậy, chúng ta có đầy đủ một nền tảng đáng tin cậy để tiếp thu những gì là mới mẻ, tiến bộ của loài người. Chúng ta không có lý gì phải nghĩ tới việc “làm lại từ đầu”. Văn học của chúng ta cũng hoàn toàn như vậy. Chúng ta cần phải khẳng định mạnh mẽ dân tộc ta, sự nghiệp ta và văn học ta. Không nên hồ đồ choáng ngợp trước những thứ gọi là mới lạ.
Nói đến mới và sáng tạo, có ý kiến lại kêu gọi chấp nhận cả sự phi lý.
Chúng ta đã xác định thế nào là có lý, cái lý của chúng ta là cái gì? Chúng ta đã có cái lý của chúng ta, vậy tại sao ta lại cần cái gì phi lý, nghĩa là cái chống lại cái lý của ta? Cần đề phòng hai điều:
a) Với lý do tìm cái mới lạ, phi lý để phủ nhận cái lý của ta – và điều này kẻ địch của chúng ta đang mong muốn,
b) Cố gắng đi tìm cái mới lạ, phi lý để rồi đi tới xây dựng những tính cách “dữ dội” khác hẳn những tính cách truyền thống và tâm hồn người Việt Nam, đặt ra rất nhiều mâu thuẫn giả tạo và đẻ ra những nhân vật kỳ quái (chứ không phải mới lạ). Điều này dẫn tới một thứ chủ nghĩa hình thức bệnh hoạn.
Từ những thành tựu của văn học ta trong giai đoạn vừa qua, chúng ta tiếp tục tiến lên mạnh mẽ trên con đường cách mạng của chúng ta, làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra trong bước phát triển của văn học ta, tạo ra những tác phẩm ngày càng hay, càng chân thật và hùng hồn, để văn học ta ngày càng nâng cao được chất lượng yêu nước và xã hội chủ nghĩa cao đẹp.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét