Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

Người đại đội trưởng bị thương


Tôi nghe nói hắn bị thương từ lâu, tôi mong gặp hắn lắm vì hắn ít tuổi hơn tôi, khi ở mặt trận Hà Nội, hắn gọi tôi là anh. Tôi cũng thương hắn như em ruột thật, vì hắn vui, ngây thơ và đủ điều kiện là “một thanh niên anh dũng Việt Nam”.


Hôm nay gặp hắn thật. Hắn vẫn cao, cao quá. Trước hắn có 1 thước 78, bây giờ lại lên 1 thước 81, vẫn đội cái mũ Tây vàng bằng nút chai kiểu cổ tròn như quả dưa vành rộng, mặt hắn to hơn, đen hơn, sần sùi thêm. Em tôi mất vẻ măng sữa của Thủ đô rồi. Hắn chống cái gậy tre ở đầu có đính cái mỏ con giang, gọt một cách tinh nghịch. Quần áo lôi thôi, bên hông vẫn lê thê chiếc súng “bats” có dao găm gài kèm, chân đi hơi thập thễnh.
Hắn kéo quần lên quá đầu gối cho tôi xem vết thương. Vết đạn đã thành sẹo, hai cái sẹo nhăn nhúm chạy trên một chỗ thịt ùn ra bằng nắm tay ở bắp chân. Tôi đang xem, có người đàn bà đi qua tò mò hỏi:
- Úi giời, chân ông làm sao thế?
- Ấy chó cắn đấy, chó tây cắn đấy bà ạ!
Người đàn bà thật thà:
- Khiếp quá nhỉ?
Khi người đàn bà đi qua rồi, hắn ranh mãnh cười, nói với tôi:
- Chả nhẽ lúc nào cũng khoe, vì thế nên có lúc tôi bảo là sâu quảng, nhưng khi họ biết mình là “thương binh” thì họ kính phục ghê lắm.
Chúng tôi vào một hàng nước, tôi chăm chú nghe hắn kể:
- Trận ấy là trận MD đánh vào một cái pháo đài của Pháp. Tôi chả kể dài về trận ấy làm gì! Anh chỉ cần biết rằng khi xuất quân, chúng tôi hẹn nhau quyết hạ đồn. Tôi lấy lá cờ đội nho nhỏ buộc vào đầu một cái que, khi đi hành quân thỉnh thoảng phất lên một cái chơi. Lá cờ đỏ giấu kín trong người, thỉnh thoảng giở ra coi, anh chính trị viên trung đoàn thấy tôi thỉnh thoảng giở ra coi cũng thích chí bảo là “đẹp quá”; về sau khi trận đánh xong, tôi bị thương rồi, anh ấy phê bình là “hơi tếu” nhưng vẫn nói rằng: “cũng phải hơi têu tếu thế đánh nhau mới thích”.
Khi bắt đầu đánh vào đồn, tôi vẫn cầm cái cờ đỏ như thường, hai trung đội của tôi bò vào gần đồn được hai mét rồi, tôi vào chính giữa với một người liên lạc viên, ruộng bùn lầy quá, lại trống quá. Liên thanh Pháp bắn cứ như mưa. Chúng tôi cứ lùi lũi tiến. Trong đại đội tôi đã có người chết, nhưng chúng tôi quyết lấy đồn.
Đang bì bõm bò vào sát làng, trên đầu đạn cứ vèo vèo, sạt cả vào mũ. Bỗng tôi thấy đánh chát liền hai cái vào bắp chân, giật mình quay đầu lại, tôi chỉ thoáng thấy một miếng thịt ở chân tôi bay tung lên, cả cái chân tê dại như bị điện. Tôi khẽ gọi đồng chí liên lạc viên lại bảo rằng: “tôi bị thương”, vừa nói xong lại thấy xon xót ở mông, tôi giơ tay sờ thấy lầy nhầy những máu, thế là tôi bị hai chỗ, đồng chí liên lạc tỏ vẻ hoảng hốt.
“Anh, anh có làm sao không? Đau không?”
Tôi lắc đầu, bảo hắn đi báo cho anh đại đội phó biết là tôi đã bị thương và tôi về ở chỗ đài chỉ huy đại đội cũ. Hắn cứ xun xoe đòi đưa tôi về, tôi bắt hắn phải đi ngay và hẹn hắn về tìm tôi chỗ cũ. Sau đó bắt đầu thấy đau. Tôi gấp nhỏ lá cờ giấu kín trong người, không quên được anh à! Rồi tôi lại bò về, sự đau đớn càng ngày càng tăng và tôi cảm thấy tôi mệt dần. Tôi lấy chiếc mùi xoa buộc tạm vào bắp chân.
Khi bò gần đến một ổ súng máy của ta đang nổ tặc tặc, tôi thấy đui-xết của Tây bắn vào đó tợn quá, phải thét gọi dùng mật báo ngừng lại cho tôi vào. Họ không nghe thấy. Đành phải nằm ẹp đến 20 phút cho ngớt nổ, tôi mới lại lê đi. Tuy mệt nhưng tôi vẫn băn khoăn ghê gớm về cuộc đánh vào đồn, lo nghĩ lung lắm.
Cuối cùng tôi đến được chỗ nghỉ. Mấy đội viên xúm xít đến, tôi vẫn cười anh à. Không biết thế có phải là tinh thần cao không? Lúc ấy tôi không nghĩ đến, tôi chỉ biết là đọc sách báo nhiều thấy nói cán bộ khi bị thương vẫn cười, vẫn vui thì tôi cũng thấy tôi vui và tôi vẫn nghe rằng tôi không có quyền tỏ ra đau đớn trước mắt các đồng chí.
Đến lúc có người đưa về trạm cứu thương, tôi đã lả đi và thiếp đi. Đến trạm họ vừa rửa qua, buộc băng tạm lại, lột quần áo tôi đi cho đỡ bẩn, đặt tôi lên băng-ca, phủ kín lại để đưa tôi về quân y viện Trung đoàn. Tôi vẫn mê man không biết, đường về quân y viện xa quá, đi nửa đường thì anh em tải thương để tôi vào nghỉ nhờ ở một quán bên đường. Trước khi ấy, tôi đã tỉnh và biết mình cởi truồng, cho nên lúc đặt băng-ca vào cái nhà kia, tôi lo quá vì nhớ ngay đến một trong mười điều kỷ luật: “Không được tắm truồng trước mặt đàn bà con gái”. Trong quán hàng lại cũng có đàn bà mới chết chứ.
Ông chủ hàng và cả nhà xô lại bên tôi tíu tít hỏi hai anh tải thương về tôi bị thương ở mặt trận nào, có nặng không, có mệt không, rồi hối hả bảo nhau nấu cháo, đun nước. Bỗng ông chủ hàng ngồi ngay bên băng-ca định mở cái chăn phủ ở bên ra. Tôi hoảng quá, muốn giơ tay cản nhưng không đủ sức nữa, tôi liền hét lên: “Đừng, đừng! Tôi không mặc quần”. Ông chủ hàng cười ngây thơ: “Vẽ, để tôi đỡ đồng chí lên giường, gặp những lúc này còn cần gì nữa”. Tôi bỗng hoang mang không biết tôi phải hay ông chủ hàng phải. Tôi hơi thèn thẹn.
Hắn uống hết một cốc nước chanh rồi hút hết một hơi thuốc lá, định dựa lưng vào thành ghế để nghỉ, bỗng lại nhổm dậy:
- À quên, tôi không nói cho anh nghe những sự ủng hộ. Nó chẳng có cái gì quý cả nhưng sao nó cảm động lắm kia. Chuối, thôi quà bánh tôi cứ xếp đầy ở đầu giường, ấy toàn của đồng bào địa phương cho, lại cả phụ nữ địa phương cho bao nhiêu là khăn tay. Tôi có giữ được ba cái đây. Nhất là có kỷ niệm hay tết nhất gì, thì cứ phải ngồi đáp lễ cả ngày kể cũng thú… và nhất là trông thấy các bà già, lòng hơi nao nao, lại có khi trông thấy các đồng chí nhanh nhẹn đi vào thăm lại nhanh nhẹn đi ra thì… nhớ tiếng súng quá.
Im lặng một lúc, hắn lại nói với tôi rất dài để phân tích chỗ hàng tếu và chỗ anh dũng của hắn trong lúc bị thương, qua dư luận nhiều người, hắn đưa tôi xem cả giấy phê bình của khu, giấy khen của Trung đoàn, giấy khen của Khu, của Bộ.
Tôi nhìn hắn rất lâu, tôi muốn nhìn đôi chút thỏa mãn, kiêu căng ở vẻ mặt hắn nhưng không thấy, tôi chỉ thấy hắn nhận nhiều thứ chung quanh rất nhanh, lấy tay hất chiếc cùi dìa cho nó kêu leng keng trong cốc, rồi lại rút chiếc bút chì vẽ xuống bàn hình cái súng liên thanh? Sự trầm lặng suy nghĩ trùm lên trên đôi mắt thanh thanh còn trong suốt và những nét xạm già vẽ sớm quá trên khuôn mặt còn bầu bĩnh và đôi chút ngây thơ. Tôi bất giác thở dài và khi tôi ghi lại những dòng này tôi lại nhớ tới một anh đại đội trưởng khác bị thương ở đùi, đạn vào gân không co duỗi được chân phải nữa, làm ở Bộ thương binh. Một hôm anh ấy gặp tôi, anh ấy cố lấy sức co đầu gối lên một tý; mặt nhăn nhó: “Anh ạ, co được 25 độ rồi, anh làm sao cho em ra mặt trận đi, nóng ruột lắm”.
Và còn bao nhiêu nữa, những thương binh hồn nhiên anh dũng khác, những vì thanh niên anh dũng của dân tộc.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

2 nhận xét:

  1. Phải có những con người như vậy mới tạo ra được những chiến công hiển hách. Khâm phục các vị tiền bối.

    Trả lờiXóa
  2. khâm phục các cụ thật

    Trả lờiXóa