Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Một giờ với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu


Trong lúc tôi đi lấy tài liệu viết về tướng Trần Độ, may mắn được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào buổi sáng ngày 27/7/2006. Nhờ có sự đánh giá của nguyên Tổng Bí thư về nhân vật Trần Độ với thái độ khách quan, đúng mực, khiến tôi yên tâm tin tưởng vào việc mình làm và thấm đạo lý của dân tộc mình bao giờ cũng công bằng, nhân hậu.
Nguyên Tổng Bí thư nói : “Cuối năm 1998, nghe tin anh Trần Độ mệt. Hồi ấy, chân anh đã đau lắm, đi lại khó khăn, tôi đến nhà riêng để thăm anh với danh nghĩa là cấp dưới đến thăm thủ trưởng cũ của mình.
Anh em gặp nhau nói chuyện những kỷ niệm về đời lính rất vui, tôi chúc anh cố gắng chữa cho khỏi bệnh. Năm đó, cũng đã có nhiều chuyện ở anh. Lúc ra về tôi có dặn tướng Độ :
- Nếu anh có ý kiến gì cứ viết đàng hoàng, gửi hoặc trực tiếp đến gặp tôi sẽ cùng nhau trao đổi. Khi bắt tay tạm biệt tôi còn dặn thêm “cả cuộc đời hoạt động vào sinh ra tử cho cách mạng cố gắng giữ gìn”. Anh Độ nghe tôi nói vui lắm. Trời cuối năm se lạnh, thoảng có hạt mưa bay, khi ra gần cửa anh Độ nêu ý kiến muốn gặp riêng tôi đề đạt một số ý kiến góp ý với Đảng và Nhà nước về vấn đề đổi mới dân chủ của đất nước. Cuộc gặp gỡ ấy có Trần Thắng là con cả của anh cũng có mặt.
Tết nhất qua nhanh. Đầu năm 1999, tôi vẫn nhớ yêu cầu của anh Trần Độ và y hẹn tôi nhắc anh em Văn phòng Trung ương Đảng cho xe đến nhà đón anh Độ đến số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Khi anh tới nơi có người ra tận xe dìu vào phòng khách. Buổi tiếp kiến tướng Trần Độ lần này có cả anh Trần Đình Hoan lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng cùng dự. Anh Độ phát biểu rất cởi mở với thái độ đàng hoàng, con người anh xưa nay là vậy. Người đàng hoàng thì làm việc gì cũng đàng hoàng.
Anh trình bày một số ý kiến một cách nhiệt huyết với tôi, thời gian khá dài, sau anh gửi lại một số tài liệu nói về “Đất nước cần thực hiện đổi mới dân chủ”. Xong việc, tôi lại tiễn người thủ trưởng cũ của mình lại nhà”.
Tổng Bí thư xoay xoay ngọn bút trong tay, ông nói thêm : “Như nhà văn đã biết trước đó tôi đã nói với báo Tuổi Trẻ “Những ý kiến khác nhau là bình thường kể cả những ý kiến khác với Tổng Bí thư cũng không được nóng gáy”. Cho nên hôm ấy dù anh Trần Độ có ý kiến khác thường với cương vị Tổng Bí thư, tôi vẫn bình tĩnh lắng nghe tiếp thu lấy những ý tưởng mới tốt đẹp trong anh để phục vụ cho nhân dân, đất nước”.
Nghe ông nói vậy, tôi thật sự tâm phục, khẩu phục một Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đương nhiệm. Viết đến đây tôi không khỏi nhắc đến bài của Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh viết về tướng Trần Độ với tiêu đề “Anh Chín”.
… “Anh Độ tự tin và quyết đoán. Nhưng anh biết bình tĩnh lắng nghe ý kiến của người khác, kể cả ý kiến khác mình. Tôi chưa bao giờ thấy anh tỏ vẻ khó chịu khi nghe những ý kiến trái với mình trong hội nghị ; hoặc dùng quyền chủ tọa để cắt đứt ý kiến của người đang phát biểu. Khi nhận thấy ý kiến của người khác đúng hơn, hay hơn, anh chấp nhận vui vẻ, tự nguyện, không chút mặc cảm, sĩ diện, bất kỳ ý kiến đó là của ai...”.
Có lẽ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và tướng quân Trần Độ cả hai đều có sự cầu thị, nên đối xử với nhau kể cả trước kia và sau này khi tướng quân lao đao lận đận, hai ông vẫn giữ được tình cảm ấm áp, chân thực của người lính.
Khi tướng Trần Độ mất, lúc này tôi đã nghỉ, đồng chí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng sang xin ý kiến tổ chức lễ tang như thế nào với tướng Trần Độ, tôi có nêu mấy ý.
Anh Độ là một nhà cách mạng, là Phó Chủ tịch Quốc hội, là Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, là Trung tướng, anh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh cho nên lễ tang anh phải được tổ chức cho đúng với đạo lý của dân tộc”.
Trời bỗng đổ mưa. Trận mưa giữa mùa hơi lớn. Cả Hà Nội đang bức sốt trở nên mát mẻ. Mát mẻ bởi tình cảm của nguyên Tổng Bí thư đối với tôi hay trận mưa bất chợt. Tôi được vinh dự lưu lại phòng khách của nguyên Tổng Bí thư thêm một chút thời gian so với kế hoạch đã định, tôi giở cuốn sách viết về tướng Độ đọc cho ông nghe một số đoạn, trong đó có chương : “Thấu đạo lý – thấu lẽ đời – nén chịu nỗi oan – giữ lấy đạo của người cộng sản”.
Nguyên Tổng Bí thư lặng lẽ, trầm ngâm. Trong ánh mắt, ông như có lửa truyền sang tôi. Ông nhắc về một đoạn hồi ký Trần Độ kể lúc ở nhà tù Thái Bình năm 1939, thằng La néc Chánh mật thám đã bắt ông. Trần Độ thật là một con người kiên cường, qua hành động đó khiến kẻ thù khiếp sợ. Rồi ông nhắc nhiệm vụ của nhà văn là phải viết, nhưng viết thế nào, viết cái gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước thì nên viết.
Bằng một giọng thật ấm, thật nồng hậu, ông quay hẳn về phía tôi nói tiếp : “Cuốn sách viết như thế này nên xuất bản sớm, không ở nhà xuất bản này thì nhà xuất bản khác, miễn là ra mắt được bạn đọc để tuổi trẻ hôm nay học lấy cái chí của người cộng sản thời xưa”. Ông ngẩng mặt nhìn lên trần nhà như khao khát nhìn bầu trời xanh nói với tôi thêm đôi điều về tình hình đất nước đang phát triển và cảnh báo những việc tiêu cực trong xã hội còn tồn tại làm dân ta phải phiền lòng.
Tôi xin phép chia tay nguyên Tổng Bí thư. Ông tiễn tôi ra tận cửa, trời vẫn mưa, tôi cứ đứng mãi dưới những vòm cây to trên đường Phan Đình Phùng, lắng thấm câu ông dẫn khi ở trong phòng của một chính khách nước ngoài : “Đảng ta cần có bàn tay sắt nhưng phải là bàn tay sạch”.
Ngày 27 tháng 7 năm 2006
Nhà văn Võ Bá Cường
Ghi chú : Bên trên bản thảo có ghi “In nguyên bản đã sửa” và chữ ký của Nguyên TBT Lê Khả Phiêu đề ngày 13/8/2006.

2 nhận xét:

  1. Là lãnh đạo thì có nhiều ý kiến - tốt có, xấu có từ nhiều góc độ, nhiều loại người khác nhau. Với chú Phiêu, chắc cũng vậy.
    Nhưng tôi có 1 bài viết về đám tang tướng quân Trần Độ, sau đó vô tình đã đến tay chú Phiêu. Chú đọc và nói (tất nhiên tôi được nghe lại): Viết như thế mới đúng!
    Tôi hiểu về chú Phiêu như thế.

    Trả lờiXóa
  2. hidinhhuyen80@gmail.comlúc 15:37 17 tháng 4, 2013

    Tôi đang làm luận văn Ngữ văn về Trần Độ, ai có tài liệu gì về TĐ xin hãy gửi lên
    giúp. Cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa