Xoay
quanh việc đổi mới tư duy hiện nay có xuất hiện một số quan niệm lệch lạc. Có
những người mượn “đổi mới tư duy” làm câu mở đầu để “trịnh trọng” khai mạc các
hội nghị, giống như một thời nhiều người đã từng mượn câu “phát huy quyền làm
chủ tập thể …” để vào đề câu chuyện ; biến đổi mới tư duy thành một thứ khẩu
hiệu sáo rỗng, không có nội dung cụ thể.
Một số người khác còn tuỳ tiện gán cho
“đổi mới” những kết quả chẳng có gì liên quan đến nó; có những việc đã bắt đầu
từ lâu, nay có kết quả lại quy cho “đổi mới”, làm như “đổi mới” là một phép
thuật vạn năng. Điều đáng quan tâm ở đây là không được biến “đổi mới” thành một
thứ “mốt” hay một “nhãn hiệu” dán lên các hoạt động xã hội, để rồi có người núp
sau đó mà thực hiện các ý đồ thực chất là bảo thủ, trì trệ. Cũng không đúng khi
chỉ nghĩ “đổi mới” là thay đổi tý chút, là thay đổi trật tự một chương trình
nghị sự, v.v…
“Đổi
mới tư duy” hiện nay là yêu cầu cấp bách của cách mạng, là đòi hỏi của quy luật
phát triển của xã hội. Đại hội Đảng vừa qua đã đề ra những nhiệm vụ mới, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có
cách suy nghĩ mới, cách nhìn mới và phong cách làm việc mới để thực hiện thành
công các nhiệm vụ đó.
Tư
duy hiện nay phải được phát triển ở giai đoạn cao của quá trình nhận thức. Các
suy luận, xét đoán phải dựa trên các dữ kiện có chọn lọc để đạt tới những kết
luận và phán đoán chính xác. Tư duy phải vượt qua giai đoạn cảm tính thường chỉ
dựa trên những sự việc rời rạc, vụn vặt và những kinh nghiệm cảm tính cá nhân.
Lối tư duy cảm tính là một nét đặc trưng của con người ở thời đại tiền công
nghiệp. Đổi mới tư duy chính là quá trình khắc phục những thiếu sót của lối tư
duy cũ đó, xây dựng và phát triển tư duy lý tính, nhằm phát huy sức mạnh của
trừu tượng khoa học, nắm bắt được bản chất của sự vật và hiện tượng, khám phá
ra các quy luật vận động và phát triển của chúng. Đổi mới tư duy, do vậy, cũng
phải đổi mới cách nghĩ. Cách nghĩ cũ là cách nghĩ chủ quan, duy ý chí, không
xuất phát từ thực tế khách quan, bất chấp quy luật khách quan. Đó là cách nghĩ
tủn mủn và trước mắt, là kiểu tư duy kinh nghiệm cảm tính của người nông dân cá
thể vốn quen suy nghĩ chỉ trên thửa ruộng và mảnh vườn nhỏ hẹp của mình.
Trong
Báo cáo chính trị Đại hội VI, có nói rõ:
“Muốn
đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa
Mác – Lê-nin”.
“Đổi
mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ
nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận
đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển
những thành tựu ấy”.
Báo
cáo còn nhấn mạnh : “Mỗi chúng ta, từ người lãnh đạo đến đảng viên thường, dù
hoạt động trong lĩnh vực nào cũng cần kiểm tra lại nhận thức của mình, sớm lĩnh
hội được những quan niệm mới, kiên quyết gạt bỏ những quan niệm sai lầm”.
Như
vậy, đổi mới không phải là đi tìm cái gì “không cũ”, mà là phải đi tìm cái
đúng. Muốn tìm được cái đúng, phải thấy rõ cái sai, phải tự phê bình và phê
bình thật sự nghiêm khắc. Và điều đó chỉ có thể được làm tốt trên cơ sở thực
hiện dân chủ hoá đúng đắn và đầy đủ.
Điều đầu tiên ở đây là, phải chỉnh đốn lại một số quan
niệm, khái niệm trong các lĩnh vực chính trị - xã hội. Có những quan niệm ghi
trên văn bản thì rất đúng, nhưng khi vận dụng trong thực tế lại bị sai lệch đi
qua cách hiểu của người thực hiện. Ví dụ, quan niệm lấy dân làm gốc. Một số cán
bộ trong thực tế hoạt động của mình đã coi dân là gốc và gốc là ở dưới, còn cán
bộ là cành và ngồi lên trên cành đó mà ban phát ân huệ, hay như, nói đến vai
trò con người, ai cũng thừa nhận là quan trọng, nhưng khi bàn tính và giải
quyết trên thực tế các công việc lại đặt các yếu tố nhân, tài, vật lực ngang
nhau, xem nhân lực ngang hàng với vật lực, không tính đến sức mạnh năng động
chủ quan của con người. Ấy là chưa nói tới những
trường hợp nhân lực còn bị đặt thấp hơn đáng kể so với vật lực và nhất là với
tài lực. Một số người không chịu học tập, nghĩ sâu, suy kỹ, nên nhận thức hời
hợt, phiến diện ngay về cả những khái niệm thông thường chẳng hạn như nói chủ
nghĩa xã hội là nghĩ ngay đến sự phân phối bình quân, nói sản xuất lớn là nghĩ
đến những nhà máy đồ sộ, những công trường rộng lớn mà ít quan tâm đến năng
suất lao động, chất lượng sản phẩm, v.v…
Có
những quan niệm trước đây đã đứng trong những điều kiện lịch sử cụ thể nhất
định, nay không thể đứng vững được nữa, đã lỗi thời. Vấn đề không đơn giản chỉ
là phân tích cái gì là cũ, cái gì là mới, mà phải soát xét lại nội dung các
khái niệm chính trị - xã hội thường dùng, phê phán thẳng thắn những mặt sai trong
cách hiểu của mỗi người. Phải triệt để phê phán những quan niệm sai lầm và cũ
kỹ, đồng thời xác định đúng đắn nội dung khoa học và cách mạng của những khái
niệm và quan niệm cần thiết.
Với
cách đặt vấn đề như vậy, ở đây, trong bài này, chúng tôi muốn tập trung đề cập
tới những quan niệm, những cách hiểu chung quanh bốn bài học đã được nêu lên
tại Đại hội Đảng mà mỗi người chúng ta cần quán triệt và áp dụng thật tốt trong
toàn bộ hoạt động xã hội của mình.
1.
Bài học lấy dân làm gốc :
Ông
cha ta xưa kia đã có nhiều ý kiến rất hay về nhân dân, về lòng dân, sức dân.
Lâu nay, chúng ta cũng đã quen dùng nhiều hợp từ : quan điểm quần chúng, đường
lối quần chúng, phục vụ nhân dân, quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Có điều
do ít quan tâm đến ý nghĩa của chúng, nên các thuật ngữ này nhiều khi trở nên
mòn sáo. Nhất là các từ “nhân dân”, “phục vụ” thì thường bị lạm dụng quá nhiều
: “hiệu sách nhân dân”, “nhà hát nhân dân”, “cửa hàng phục vụ ăn uống”, “phục
vụ nước sôi hai đồng một lít”. Tưởng như chỉ cần gắn chữ “nhân dân” hoặc “phục
vụ” vào công việc của mình đang làm là có thể yên tâm về tính chất tốt đẹp, xã
hội chủ nghĩa trong công việc đó.
Có
thể nói, mỗi cán bộ ta đều biết rằng bất cứ hoạt động nào của mình trong chủ
nghĩa xã hội cũng đều phải vì dân và cho dân cả. Thế nhưng trên thực tế, trong
bối cảnh Đảng cầm quyền, điều đó trong không ít trường hợp lại bị hiểu rất sai
lệch là: cán bộ là cấp trên của dân, có nghĩa vụ “ban ơn”, “làm phúc” cho dân.
Nhiều người có chức quyền làm việc gì cũng tưởng rằng “mình hết lòng vì dân”,
và do vậy có thể ngủ yên trên cái trách nhiệm “vì dân” của mình ! Thực ra, để
có quan niệm đúng về “dân làm gốc” thì phải đứng về phía nhân dân mà suy nghĩ
và hành động theo phương châm “vì dân” và “cho dân”. Dân nói ở đây hiển nhiên
là nhân dân lao động, bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức và cán bộ nhân
viên Nhà nước.
Mỗi
người lãnh đạo cần ý thức sâu sắc rằng, mọi của cải và tài năng đều là sản phẩm
của dân và do dân mà có. Người lãnh đạo phải là người biết tập hợp, tổng hợp,
tổ chức và sử dụng những sản phẩm ấy sao cho đạt được hiệu quả xã hội cao, tức
là có ích nhất cho dân. Đó là ý nghĩa thực chất của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, của quyền làm chủ tập thể và cũng là ý nghĩa hàng đầu của câu “cán bộ là
đầy tớ của nhân dân”.
Phải
phê phán và khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng “ban ơn”, “làm phúc” cho dân,
đứng ở bên trên mà lo việc “vì dân”, mà ban phát ân huệ cho cấp dưới. Việc sử
dụng các từ “quan tâm”, “chăm sóc” phải được chấn chỉnh sao cho đúng lúc, đúng
chỗ, tránh dùng tràn lan và giả dối. Những thành tựu của một hoạt động nào đó
có được là do công sức lao động của nhiều người, do sức lao động ấy được tổ
chức và điều hành tốt, chứ không phải là do sự quan tâm hoặc “chăm sóc” của một
“đấng” nào đó ở trên!
Bác Hồ và nhiều lãnh tụ ta có lòng thương dân cao cả. Đó
là điều rất quý. Song thật là không nên khi bất cứ cán bộ lãnh đạo nào cũng có
thể tự ví mình như lãnh tụ để tuỳ tiện ban phát cho dân những “quan tâm” cùng
“chăm sóc”.
Người
cán bộ “vì dân” là người phải thường xuyên gần gũi nhân dân, hiểu biết tâm tư,
nguyện vọng và nhu cầu của từng con người trong nhân dân, phải thực sự tôn
trọng nhân dân, coi lợi ích của nhân dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu mỗi
khi tiến hành các nhiệm vụ của cách mạng. Xưa kia các bậc đại trí từng kêu gọi
nhà vua nên thương dân, khoan dân, nới sức dân, chăm lo cho dân, song điều đó
đã diễn ra trên nguyên tắc vua là bề trên tuyệt đối, là con trời, là cha mẹ của
dân. Còn nay nếu chúng ta cũng “vì dân” theo kiểu như vậy thì quả là ngược lại
với phẩm chất cộng sản của người đảng viên, cán bộ và trở thành “quan cách
mạng”. Đấy là điểm khác nhau cơ bản giữa tinh thần “dân vi bản” của thời đại
phong kiến với tư tưởng “lấy dân làm gốc” của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày
nay.
2.
Bài học tôn trọng và hành động theo quy
luật khách quan
Có thể nói, nêu lên bài học này, về thực chất, Đảng ta
đòi hỏi mỗi cán bộ phải nhạy bén và nhạy bén hơn với thực tiễn nhất là thực
tiễn cách mạng nước ta đang diễn ra cực kỳ sinh động và phong phú, phải theo
dõi để nắm bất cứ các quy luật khác nhau và dựa vào đó mà tổ chức hành động.
Nói gọn lại, cán bộ ta phải có tư duy khoa học. Sự hiểu biết nông cạn và những
quan niệm thiếu chính xác đã chi phối nhiều mặt công tác của chúng ta. Nói về
chủ nghĩa xã hội mà lại nghĩ đến chủ nghĩa bình quân, còn nói về thời kỳ quá độ
thì tưởng rằng đó là một xã hội không còn bóc lột, không có mâu thuẫn đối
kháng, mọi quan hệ xã hội đều tốt đẹp, theo kiểu người với người là bạn, ngược
lại, có ý kiến lại cho là một thời kỳ phức tạp còn có đấu tranh gay go, phải
“đấu tranh giai cấp”, và cái gì và ở đâu cũng phải “đấu tranh giai cấp”. Trong
xây dựng kinh tế thì duy ý chí, nôn nóng, muốn xây dựng nhanh và có kết quả
ngay, kết cục là do thiếu điều tra, nghiên cứu, không nắm vững quy luật khách
quan, nên không những không vận dụng tốt được quy luật mà còn gây ra phản tác
dụng.
Trong
lãnh đạo sản xuất, chẳng hạn, chúng ta đã từng say sưa tung ra những khẩu hiệu
mang đầy tính chất cổ vũ tốt đẹp như “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “vắt đất
ra nước, thay trời làm mưa” … nhưng cũng không ít khẩu hiệu mang đầy tính chủ
quan duy ý chí. Sau một thời gian theo dõi, thấy khẩu hiệu hành động chưa đem
lại kết quả mong muốn, khi ấy người lãnh đạo nên thêm các từ, như “quyết tâm”,
“triệt để”, “ra sức”, “khẩn trương”, … vào các khẩu hiệu cũ, tưởng làm như thế
là đổi mới được hoạt động và gia tăng nổi sức mạnh. Những tình hình tương tự
như vậy trên các lĩnh vực khác nhau không những không đưa lại được kết quả mong
muốn, mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
Để
đổi mới tư duy, phải biết phân tích tình hình một cách sâu sắc, tôn trọng các
sự thật phổ biến trong đời sống thường ngày, tìm hiểu thấu đáo những nhu cầu,
nguyện vọng sâu xa của nhân dân, hết sức tránh lối truy chụp và áp đặt chủ quan
trong đánh giá. Do vậy đổi mới tư duy gắn bó chặt chẽ với dân chủ hoá. Cần thực
hiện dân chủ hoá thật sự trong việc xác định các chủ trương, chính sách, bỏ lối
làm hình thức chủ nghĩa, ưa thích tán tụng ưu điểm, thành tích, trên khen ngợi
dưới, dưới tâng bốc trên, không dám lật ngửa vấn đề để nhìn thẳng tìm ra sự thật.
Trong
công tác tổ chức cán bộ lại càng nhất thiết phải tôn trọng sự gắn bó của đổi
mới tư duy với dân chủ hoá. Khi đánh giá cán bộ, không nên xem xét theo lối
cộng trừ ưu điểm và khuyết điểm, cần nhìn nhận cán bộ như một con người sinh
thể xã hội mang trong mình những giá trị văn hoá lịch sử phong phú và đa dạng.
Đồng thời phải chú ý lắng nghe đầy đủ ý kiến của quần chúng, rồi tổng hợp và
phân tích để tìm ra những nhân tố cốt lõi. Phải khắc phục quan niệm thô thiển
về tập trung dân chủ, coi dân chủ chẳng qua chỉ là tổ chức hỏi ý kiến quần
chúng qua loa hoặc tổ chức thăm dò dư luận có chủ định trước theo kiểu “mớm
cung” cho người được hỏi, còn tập trung là dành quyền để cấp trên quyết định,
hoặc như kiểu gò ép, áp đặt trong bầu cử. Cần hiểu rằng tập trung dân chủ thực
chất có nghĩa là những quyết định của tổ chức, của cơ quan, của lãnh đạo phải
phản ánh được trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân, của tập thể, nhờ đó có được
sức mạnh của sự nhất trí giữa cơ quan lãnh đạo và quần chúng, tránh được tình
trạng những quyết định của cấp trên xa rời ý kiến và nguyện vọng của cấp dưới,
hoặc tệ hơn nữa là ngược lại với ý kiến và nguyện vọng của cấp dưới hay của
nhân dân.
Cần
tổ chức tốt việc nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc và sâu sắc về sự lãnh
đạo dân chủ hoá, về chế độ tập trung dân chủ trong quản lý và điều hành công
việc.
Phải biết tin và đồng thời biết thuyết phục quần chúng,
khắc phục triệt để thói coi thường trình độ và ý kiến của quần chúng. Cần đề
cao cảnh giác cách mạng, nhưng không nên vì thế mà “trông gà hoá cuốc”, quy kết
tràn lan, chỗ nào cũng thấy địch, dẫn đến những hậu quả tai hại đôi khi không
lường nổi.
Tóm
lại, để có tư duy khoa học, phải tạo ra bầu không khí thật sự dân chủ trong mọi
sinh hoạt chính trị xã hội. Người lãnh đạo cần có thái độ cởi mở và vui vẻ thấy
mình được nâng lên, được giàu thêm khi nghe những ý kiến khác với ý kiến của
mình. Người lãnh đạo phải tự đánh giá đúng bản lĩnh và nhân cách của mình,
không thể lấy chức vụ, cấp bậc che đậy những thiếu sót của mình hoặc tiến hành
những quyết đoán tuỳ tiện. Điều cốt lõi để thực hiện đổi mới chính là dân chủ
hoá.
3. Bài học kết
hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại
Trước
hết cần xem xét truyền thống dân tộc một cách khoa học, xác định những mặt tích
cực và tiêu cực trong các truyền thống đó. Cần khắc phục các quan điểm dân tộc
hẹp hòi, tự mãn và tự ti dân tộc, tôn thờ truyền thống một cách mù quáng và cố
chấp. Mặt khác cần thấy rõ tính chất phong phú, hiện đại của các giá trị văn hoá – tinh thần xã hội chủ nghĩa. Chúng ta
đã tìm thấy trong truyền thống của dân tộc không ít những giá trị tinh thần tốt
đẹp, cần được phát huy, xét từ góc độ lợi ích của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa
xã hội.
Chữ
thời đại cũng cần được hiểu một cách toàn diện. Nội dung của nó không phải chỉ
bao hàm các mặt chính trị, kinh tế, mà còn cần tính đến một nội dung quan trọng
là cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Những
thành tựu mới trong tự động hoá, điều khiển học, tin học, xã hội học, văn hoá
học, kinh tế học, tâm lý học, khoa học quản lý, … cần được nhanh chóng vận dụng
trong công tác lãnh đạo. Cũng không nên chỉ thấy ý nghĩa thời đại ở các khoa
học tự nhiên và ở sự phát triển của kỹ thuật, mà phải thấy cả những thành tựu
trong khoa học xã hội, trước hết ở các nước thuộc
cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến những thành tựu
khoa học xã hội nảy sinh từ các nước không xã hội chủ nghĩa, những thành tựu ấy
có thể góp phần hoàn thiện nền khoa học của chủ nghĩa xã hội.
Với cách hiểu thời đại như trên, cần coi trọng việc tổ
chức thông tin khoa học, phải cởi mở trong việc tiếp nhận thông tin. Phải biết
quý trọng và khai thác chất xám của dân tộc, đồng thời mở rộng cửa đón nhận mọi
tinh hoa của nhân loại.
Phải
tạo ra bước ngoặt trong việc học tập và vận dụng những nguyên lý phổ biến của
chủ nghĩa Mác – Lê-nin với yêu cầu là nâng cao sức hấp dẫn của việc giảng dạy
môn học này. Nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục khi học tập, nghiên cứu
thông qua tranh luận, so sánh, đối chiếu, đưa lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin
ra cọ xát mạnh mẽ và rộng rãi với các lý thuyết khác và với cuộc sống thực tiễn
sinh động. Phải khắc phục lối học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ bằng cách
trích dẫn và răn dạy.
4.
Bài học xây dựng Đảng ngang tầm với
nhiệm vụ hiện tại
Về
bài học này đã có nhiều đồng chí phát biểu, ở đây chỉ xin đề cập đến đôi điểm.
Trước hết, trong quan niệm về đảng viên, nên đặt vấn đề bản lĩnh và nhân cách
đảng viên hơn là quy vào đức và tài, hoặc phẩm chất năng lực. Bản lĩnh và nhân
cách đảng viên cũng không nên quy thành những tiêu chuẩn cứng nhắc. Phải hiểu
các tiêu chuẩn đảng viên ghi trong điều lệ một cách toàn diện và biện chứng,
vừa khoa học vừa thực tế. Cần quan tâm đến hiệu quả và chất lượng của sinh hoạt
đảng, làm cho sinh hoạt đảng có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, chứ không phải
chỉ thảo luận những vấn đề thuộc phạm vi sinh hoạt.
Trong
công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, cần xây dựng chế độ làm việc có kế hoạch
cụ thể, thực sự dân chủ khi đề ra các chủ trương công tác và quyết định công
việc theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Cần quan tâm xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ và
khoa học, trên cơ sở của tư tưởng “lấy dân làm gốc” và thật sự tôn trọng quy
luật khách quan.
*
* *
Tóm
lại, để đổi mới tư duy trước hết phải chấn chỉnh lại hàng hoạt khái niệm chính
trị - xã hội, làm cho chúng có nội dung cụ thể và chính xác. Quá trình đổi mới
tư duy và quá trình làm cho tư duy của chúng ta bắt kịp và có thể dự đoán được
sự phát triển của hiện thực khách quan đang diễn ra sinh động trong chặng đường
đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Đổi
mới gắn liền với dân chủ hoá, dân chủ hoá là điều kiện để thực hiện đổi mới và
đổi mới giúp cho quá trình dân chủ hoá ngày càng sâu sắc hơn. Có thể xem đây là
tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá phẩm chất cách mạng của người đảng viên cộng
sản trong giai đoạn hiện nay.
Trong
Báo cáo chính trị tại Đại hội đảng lần thứ VI có đoạn viết: “Đổi mới tư duy
trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời
là việc thường xuyên, lâu dài. Tính bảo thủ, sức ì của những quan niệm cũ là
trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy lại gắn chặt với những người
mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu. Cần tạo những điều kiện xã hội
thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội,
nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học, tinh thần tôn trọng sự
thật, tôn trọng chân lý, hệ thống thông tin chính xác, phê bình và tự phê bình
được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc, v.v… Điều quan trọng là coi
trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy”
(Tạp chí Cộng sản số 1/1987, số đặc biệt về Đại hội VI của Đảng, trang 79).
Có thể nói đổi mới và dân chủ hoá là hai mặt gắn bó biện chứng của quá trình vận động cách mạng đang diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên đất nước ta hiện nay.
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)
Có thể nói đổi mới và dân chủ hoá là hai mặt gắn bó biện chứng của quá trình vận động cách mạng đang diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên đất nước ta hiện nay.
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)
Chuyện tưởng cũ nhưng vẫn rất mới.
Trả lờiXóa