Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và số phận của Chuyện Tướng Độ (*)

Nhà văn Võ Bá Cường
(Trích Thời tôi sống, Nxb Hội Nhà văn, 2012)



Nhưng sách Tướng Độ vẫn rơi vào sự im lặng. Tôi tìm cách vô Sài Gòn gặp anh Sáu Dân theo lời dặn của nhà văn Nguyễn Trần Thiết: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới thật sự là người “đổi mới”. Anh Sáu Dân có tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị, tính cách quyết đoán mà bao dung, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết lắng nghe…”

Tôi nhờ anh Nguyễn Giáp Dần điện vô chỗ văn phòng Thủ tướng trước. Hôm vào mạnh dạn ấn máy gọi cho anh Trịnh thư ký. Anh Trịnh cho biết anh Sáu đang ở miền Tây, ngày một ngày hai mới về.
Cách nói “nước đôi” tôi thường gặp ở nhiều cuộc điện thoại. Vì đã không được biết chính thức ngày gặp tôi đâm lo lắng. Đấy cũng là cái lẽ thường tình. Biết đâu cuộc gọi sau tôi lại có một câu “từ chối”. Công tôi bay vào thành “công cốc”. Trong thâm tâm tôi chỉ chăm chăm vào việc tìm ra sự thật về một nhân vật mình nguyện sống chết, cho nên cách ăn nói, đi lại của tôi cũng dễ phơi bày ra cả thói hư tật xấu để đạt được mục đích. Còn người lãnh đạo luôn chú ý tới lợi ích chung của cả cộng đồng, dân tộc, nên có những “vấn đề” đáng nói mà không cất nên lời được. Đành chờ dịp nào đó thuận lời…
Lang thang ở Sài Gòn nghĩ việc nhà việc quê thật là lý thú làm sao? Tôi nguyện sống tâm huyết cho trang viết… Cốc cà phê đá đã nín cạn đáy. Tôi nhảy tắc xi đi tìm người quen ở Quận 2… Bỗng điện thoại trong túi có tiếng chuông đổ. Tôi áp tai nghe. Ngờ đâu là cuộc gọi của anh Sáu Dân. Anh nói chất giọng rất “miền”, tôi không nghe rõ bèn hỏi lại: “Thưa Thủ tướng, vào mấy giờ? ở đâu?”. “Chiều 27/4”. Còn địa điểm ở đâu tôi nghe không rành. Thủ tướng nói lại: “Ở số 2 Lê Duẩn (Văn phòng phía Nam). Lê Duẩn – Tổng Bí thư Đảng. Lúc đó vào 10 giờ 30, đường phố đông nghẹt, tôi kêu tắc xi áp sát lề đường, mở cửa xe nghe cho rõ. Thủ tướng nhắc lại: “2 đường Lê Duẩn”. Âm giọng Thủ tướng hơi nặng. Tôi kịp đáp lại: “Thưa Thủ tướng tôi đã nghe rõ”.
Tôi đến 2 Lê Duẩn với Nguyễn Văn Mạnh, người quê Thái Bình. Một người cao dỏng, tóc bạc, điềm đạm, đứng dưới nắng cạnh xe nhìn tôi hỏi liền: “Có phải nhà văn Võ Bá Cường đó không? Xin mời lên xe về nơi làm việc”. Lên xe tôi mới kịp thưa: “Sở dĩ tôi đến trễ mấy phút là do nhiều đoạn đường đang sửa mừng ngày lễ 30/4, xe bị ùn tắc, đi được vài chục mét phải dừng lại”.
Xe đưa tôi về cầu Sài Gòn – nơi nghỉ của Thủ tướng (không làm việc ở 2 Lê Duẩn). Con đường vòng vo nhiều chỗ bị nghẽn lại mãi mới ra tới bờ sông Sài Gòn. Theo hướng dẫn của anh Dũng – người bảo vệ (quê Bắc) chờ sẵn từ cổng đưa tôi vào nơi Thủ tướng làm việc. Anh Sáu Dân hoan hỉ bắt tay tôi. Những cốc cà phê đá đã pha sẵn, tôi nín một hơi. Thoáng phút không còn sự ngăn cách, anh cười rất tươi, câu chuyện thật có hồn, mắt anh như nheo lại bắt gặp nỗi vất vả của tôi, cử chỉ thân thiện của anh Sáu khuyến khích việc tôi đang làm.
Bắt vào chuyện, anh nói ngay: “Cần có sự công bằng với Tướng Độ”. Anh dành cả buổi nói về kỷ niệm giữa Tướng Độ và anh: “Trong quân đội, tôi dưới anh một cấp. Tôi là Chính uỷ Quân khu không sao, còn anh Độ trong Bộ Chỉ huy Miền - tướng có sao. Anh Độ được cán bộ toàn quân cảm mến. Những cống hiến của Tướng Trần Độ bao gồm 50 – 60 năm đi qua các thời kỳ hoạt động bí mật. Sau Cách mạng tháng Tám (1945) và suốt hai cuộc kháng chiến, sau ngày 30/4/1975, quan trọng nhất là giá trị cống hiến qua mỗi thời kỳ khác nhau với ý nghĩa thực của nó. Đảng ta không chủ trương lấy công thay cho lỗi lầm; ngược lại cũng không vì có lỗi lầm mà phủ định hết giá trị của những cống hiến. Vấn đề ở đây phải rất công bằng, có sức thuyết phục cao.
Hơn nữa, chúng ta cần xem xét việc “đổi mới”. Đổi mới ban đầu và những chặng sau này. Có cái ta cho là đúng trước đây, khi “đổi mới” và càng về sau lại càng thấy nó sai. Trước đây sai nghiêm trọng thì “Đổi mới” lại đúng như trường hợp đồng chí Kim Ngọc (Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú).
Lịch sử sẽ phán xét công minh, nhưng trước tiên mỗi cá nhân cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy, tôi tin việc xuất bản cuốn sách Tướng Độ là việc làm kịp thời và rất có ý nghĩa”. Ông nói tiếp: “Những bộ óc có xu hướng “Đổi mới” đúng đắn muốn bứt phá những gánh nặng cũ là lực lượng không nhỏ. Vấn đề ở đây không phải là nhận thức mà là quan hệ giữa “quyền lực” và “uy quyền”. Thực ra những người có tư tưởng đó chưa muốn dân chủ hóa vì họ sợ mất “Quyền” và “Uy”. Ngược lại những gì mạnh dạn “Đổi mới”, không bằng lòng với cái đã đạt được dễ bị chụp mũ, mất lập trường, chệch hướng xa rời xã hội chủ nghĩa. Ăn phải bả tư sản. Ai bị quy kết như vậy thì khó chống đỡ, thậm chí ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị…”
Hôm sau anh hẹn sẽ viết bài: “Mấy ý kiến về việc xuất bản tập sách Tướng Độ”
Y hẹn, chiều 30/4, tôi nhận được điện từ Văn phòng Thủ tướng: “Anh Sáu Dân đã có bài viết gửi cho chú rồi”. Đúng 10 giờ kém ngày 5/5/2007, cháu Vượng đã ra tới Thái Bình giao tận tay tôi phong bì lớn, trong đó có bài của anh Sáu Dân…
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét