Khi nêu vấn đề này, trước hết có câu hỏi cần trả lời:
đó là trong khi cần đổi mới toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực, vậy văn nghệ có
cần phải đổi mới không? và văn nghệ đổi mới thế nào? Chắc chắn không có ai nói
rằng văn nghệ không cần đổi mới. Có điều văn nghệ cần đổi mới thì văn nghệ trước
đây có những gì yếu kém và sai trái, có những gì lạc hậu lỗi thời? Chỉ có vạch
rõ được những điều đó, ta mới có thể có sự đổi mới.
Muốn tìm được những điều đó,
ta phải tìm ở nhiều khâu:
- Trước hết ở khâu bản thân văn nghệ sĩ, những chủ thể
sáng tạo, là lực lượng sáng tác,
- Tiếp theo là phải xem xét những tác phẩm đã có đánh
giá chung được tình trạng hay là trình độ chất lượng các tác phẩm. Phải xem xét
từ trình độ nội dung tư tưởng, đến trình độ nghệ thuật, phải có quan niệm chính
xác về chất lượng nghệ thuật, để có căn cứ và tiêu chuẩn đánh giá,
- Lại cần phải xem tình trạng phân phối và phổ biến các
tác phẩm trên các mặt xuất bản, biểu diễn, triển lãm, tiêu thụ các giá trị nghệ
thuật từ quan điểm, quan niệm cho đến các cơ chế tổ chức và kinh tế tài chính,
- Sau nữa phải xem xét đến sự chuyển biến của công chúng,
những thị hiếu lạc hậu, tầm thường, những nhu cầu mới, tâm lý mới, thị hiếu mới.
Phải có sự đối chiếu mọi hoạt động sáng tác và phân phối nghệ thuật với những
nhu cầu chính đáng và thị hiếu phát triển của công chúng, phân tích được chỗ phù
hợp và chưa phù hợp. Có như thế mới thấy chỗ cần đổi mới,
- Cuối cùng, bao trùm lên cả là
xem đến sự lãnh đạo và quản lý của các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà
nước. Mặt này cũng phải biết “nhìn thẳng vào sự thật”, chỉ ra được những chỗ
“lỗi thời” và “bất cập” mới có thể biết đường mà đổi mới. Có nhiều sự việc và
hiện tượng có thể có những điều không vừa ý. Có người cho rằng do khuyết điểm
này khác của lãnh đạo, do người này, cấp này hoặc người khác, cấp khác. Thực ra
có những ý kiến nhận xét chê bai nghe ra có vẻ sát sao, nhưng nếu có hỏi những
người có lời chê đó xem có ý kiến gì khắc phục không, thì chắc chắn rằng họ cũng
chưa có. Hơn nữa, nếu có, mời ngay những người đó gánh vác những trách nhiệm
thực sự thì họ không dám nhận làm, hoặc nếu nhận làm, có khi lại làm cho tình
hình còn tệ hại hơn. Phải nói rằng với đặc điểm cách mạng của xã hội ta, rất
nhiều lĩnh vực ta “chưa biết” làm, trình độ của ta “bất cập”. Vì vậy, Đại hội
Đảng lần thứ VI đề ra yêu cầu “nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý” là đã chỉ
ra một chân lý, đã vạch ra một phương hướng của sự đổi mới rất quan trọng.
* * *
Tuy ở trên kia nói đến bốn, năm mặt, bốn năm khâu cần đổi
mới, nhưng mỗi mặt, mỗi khâu đều có quan hệ đến các khâu khác. Và tất cả các yêu
cầu “đổi mới” trong các khâu cần phải tập trung vào một phương hướng cần thiết
và duy nhất: “Nâng cao chất lượng của hoạt động nghệ thuật”. Những yêu cầu đổi
mới của mỗi khâu có thể khác nhau ít nhiều, nhưng có rất nhiều yêu cầu phải vừa
là yêu cầu chung của nhiều khâu, vừa ở một khâu có tác động đến nhiều khâu khác.
Ví dụ các tác phẩm nghệ thuật cần phải hướng tới một lý
tưởng thẩm mỹ cao đẹp, những tác phẩm đó lại phải mang đến niềm vui cho công chúng,
tức là thoả mãn nhu cầu giải trí của công chúng. Như vậy, đồng thời phải yêu cầu
các nghệ sĩ sáng tác nâng cao được trình độ sáng tạo của mình, có đủ cảm hứng và
năng lực tạo ra được những tác phẩm có giá trị cao. Đồng thời cũng yêu cầu công
chúng phải được nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, biết hưởng ứng náo nhiệt và thưởng
thức sâu sắc những tác phẩm có giá trị cao một cách nghiêm túc. Thông thường công
chúng với những nhu cầu và thị hiếu của mình có thể chi phối nghệ thuật; ngược
lại, nghệ thuật có thể nâng cao công chúng, tác động tốt đẹp vào tâm hồn, tình
cảm công chúng. Nhưng một thứ nghệ thuật nào đó cũng có thể tác động xấu vào tâm
hồn, tình cảm của công chúng, làm hại công chúng, hạ thấp công chúng. Đi đôi với
tất cả những điều vừa nói, quan trọng hơn cả là các lực lượng lãnh đạo xã hội cần
phải hiểu biết tất cả những điều đó và có những chủ trương, chính sách cụ thể tác
động vào lực lượng sáng tác và tác động vào công chúng, để thực hiện được việc
xây dựng xã hội, xây dựng con người ngày càng tốt đẹp, tạo ra cho lịch sử, cho
xã hội những giá trị văn hoá cao đẹp và lâu dài.
Vì vậy ta thử bàn đến những yêu cầu đổi mới văn nghệ ở
tất cả các khâu, có thể có những yêu cầu chung nhất của tất cả các khâu:
Trước hết và quan trọng nhất có lẽ phải là những quan điểm
và quan niệm về bản chất của văn nghệ, về chức năng xã hội của văn nghệ và từ đó
quan niệm về vai trò của văn nghệ. Phải khắc phục những quan niệm đơn giản, thiếu
sót, phiến diện. Đó là quan niệm chỉ coi văn nghệ là chuyện phù phiếm mua vui,
là cái gì có cũng được, không có cũng được, hoặc là cái gì chỉ cần đến khi đời
sống vật chất đã no đủ. Đó là quan niệm coi văn nghệ chỉ là một thứ công cụ hoặc
vũ khí, phương tiện để phục vụ mọi nhiệm vụ công tác khác trong cuộc sống và chỉ
cần khi có các nhiệm vụ công tác phải hoàn thành. Vì vậy nên nhiều khi các cơ
quan quản lý, các cấp lãnh đạo và cả xã hội thường đối xử với văn nghệ như đối
xử với một cái gì đó phù phiếm, ít cần thiết như đối với một công cụ, một phương
tiện. Thậm chí bản thân người văn nghệ sĩ nhiều lúc cũng cảm thấy mình có vai
trò thấp kém trong xã hội, mình chỉ làm những việc mua vui và phục vụ các nhiệm
vụ khác. Điều quan trọng là bây giờ phải quan niệm về vai trò văn nghệ đầy đủ hơn,
toàn diện hơn. Đúng, văn nghệ trong nhiều trường hợp đã là và vẫn sẽ là vũ khí
sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Nhưng văn nghệ không phải chỉ có thế. Văn nghệ
có đời sống sâu sắc hơn, cao rộng hơn, đó là đời sống tinh thần của toàn xã hội,
đó là những giá trị tinh thần của cả nhân loại tích luỹ từ nhiều đời, đó là sự
sáng tạo tinh thần mạnh mẽ của con người. Văn nghệ luôn tạo ra những giá trị
tinh thần mới vừa cao đẹp, vừa lâu dài trong cuộc sống con người. Và chính vì
thế, văn nghệ là sự xây dựng, sự nuôi dưỡng tâm hồn con người, bản lĩnh và nhân
cách con người, là một mặt quan trọng của quá trình sáng tạo ra con người ngày
càng tốt đẹp hơn. Phải đối xử với văn nghệ như là đối xử với mặt đời sống tinh
thần của xã hội, đối xử với những lực lượng sáng tạo tinh thần mạnh mẽ, với những
thứ món ăn và thuốc bổ tinh thần để hoàn thiện con người. Người sáng tạo cần tự
thấy vai trò của mình. Người quản lý, người phân phối thấy rõ vai trò của văn
nghệ. Xã hội đối xử với văn nghệ cho đúng với vai trò vốn có của nó trong lịch
sử, trên thế giới và đặc biệt trong thế giới xã hội chủ nghĩa chúng ta đang xây
đắp và hoàn thiện. Then chốt hơn cả là lực lượng lãnh đạo phải là lực lượng hiểu
biết điều này một cách sâu sắc và chính xác thì mới tác động toàn diện vào các
mặt đổi mới của văn nghệ được. Quan niệm về bản chất và vai trò văn nghệ là
quan niệm quan trọng đầu tiên, nhưng không phải là tất cả. Còn phải quan niệm
cho rõ hơn, đầy đủ hơn về những đặc thù của lĩnh vực hoạt động văn nghệ. Đặc thù
quan trọng nhất của văn nghệ là đặc thù tình cảm. Những sáng tạo phải có sức mạnh
tình cảm, có sự nhạy bén về tình cảm, có sức cảm thụ thế giới và con người bằng
những cảm hứng sâu sắc và độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật tác động vào con
người cũng tác động nhiều nhất về mặt tình cảm, vì thế nó vừa mạnh, vừa sâu, vừa
toàn diện, vừa vững bền. Đối xử với văn nghệ là đối xử với tình cảm. Người làm
văn nghệ phải được bồi dưỡng và nâng cao tình cảm. Người đến với văn nghệ là đến
với tình cảm. Một đặc thù khác là đặc thù sáng tạo, chỉ có sáng tạo mới được
coi là nghệ thuật, sáng tạo phải mới mẻ, phải độc đáo, phải đa dạng. Nghệ thuật
không thừa nhận sự bắt chước, sự lặp lại, sự sao chép, sự áp đặt, sự làm thuê.
Vì vậy lao động sáng tạo là lao động đặc thù, là thứ lao động không phải bất cứ
ai muốn làm cũng được. Lao động nghệ thuật là lao động của tài năng, của năng
khiếu và sự rèn luyện công phu. Năng khiếu và rèn luyện là hai mặt không thể
thiếu của tài năng nghệ thuật. Do đó tài năng là hiếm và quý và sản phẩm của nó
cũng hiếm và quý. Đối xử với sản phẩm nghệ thuật tốt đẹp, phải là đối xử với những
gì quý và hiếm. Đối xử với lao động nghệ thuật phải là đối xử với một thứ lao động
đặc biệt vừa khó, vừa cao, vừa quý.
Cũng chỉ là có những quan niệm như trên mới có những
quan niệm mới mẻ và cơ chế đặc thù của sự quản lý văn nghệ, không thể cào bằng
và bình quân, đồng loạt, như các thứ cơ chế khác trong xã hội. Cũng chỉ từ đó,
mới có những quan niệm đúng đắn và linh hoạt về các thứ chính sách cụ thể của văn
nghệ. Có thể còn phải bàn đến những vấn đề đã cũ nhưng cần có những quan niệm được
đổi mới. Ví dụ như các vấn đề tính đảng, tính nhân dân, tính nhân loại, tính nhân
đạo, tính giai cấp, tính dân tộc và mối quan hệ giữa các tính đó.
Và từ đó còn phải bàn thêm các mối quan hệ như quan hệ
chính trị và văn nghệ, kinh tế và văn nghệ, kinh tế trong văn nghệ, tính kinh tế
của văn nghệ, và tính văn hoá trong các hoạt động kinh tế, phương hướng văn hoá
của đất nước và phương hướng kinh tế của đất nước, v.v…
Đặc biệt còn phải bàn thêm về sự đấu tranh giữa hai
con đường trong văn nghệ, đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ, nghĩa là phải đấu
tranh ngay trong những quan niệm về bản chất và vai trò văn nghệ, đồng thời còn
phải đấu tranh chống những sản phẩm văn nghệ phản cách mạng, phản tiến bộ, phản
dân tộc, phản nhân đạo đã và đang thâm nhập vào nhân dân ta bằng nhiều con đường.
Cuộc đấu tranh này không thể thắng lợi bằng những phương thức đấu tranh của chính
trị, quân sự hay kinh tế. Cuộc đấu tranh này cũng phải giành thắng lợi bằng phương
thức đặc thù của văn nghệ. Về văn nghệ, còn có cả cuộc đấu tranh giữa cái thiện
và cái ác, cái chân và cái giả, cái đẹp và cái xấu,… Đó cũng là cuộc đấu tranh
nhiều mặt của cả xã hội.
Chỗ nào cũng cần phải có những suy nghĩ về những quan
niệm mới mẻ, quan niệm đúng đắn phù hợp với thời đại, phù hợp với sự phát triển
– và như là “đổi mới tư duy” trong văn hoá văn nghệ.
Đó là trách nhiệm của văn nghệ sĩ, trách nhiệm của trí
thức nói chung, trách nhiệm của những cơ quan quản lý văn nghệ, trách nhiệm của
toàn xã hội. Nhưng trước hết và cao hơn cả là trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo.
Cho dù trách nhiệm của lực lượng lãnh đạo có ý nghĩa
quyết định thì đối với văn nghệ, trách nhiệm chủ yếu vẫn thuộc về chủ thể sáng
tạo, các lực lượng văn nghệ. Các lực lượng văn nghệ phải tự nâng mình về mọi mặt
từ nhân cách, tâm hồn đến khả năng lao động và phương thức hoạt động để có đầy đủ
vốn liếng và năng lực tinh thần trong sáng tạo, phải cung cấp cho xã hội, cho
nhân dân những sản phẩm xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ, phải có sức mạnh chinh
phục được sự công nhận, sự ngưỡng mộ của nhân dân, là người làm chủ thật sự của
sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng bộ mặt tinh thần của xã hội, một sự nghiệp
cao quý vô cùng.
Đây là một sự nghiệp khó khăn phức tạp và lớn lao. Nhưng
với những tư tưởng lớn của Đại hội Đảng lần thứ VI, chúng ta đã có phương hướng
rõ ràng, chúng ta có thể vững bước tiến lên!
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét