(Lược ghi bài nói chuyện với những người làm công tác
điện ảnh ở Hà Nội, tháng 02-1987)
… Trước hết, ta cần chú ý đến chung quanh vấn đề gọi
là “chính sách xã hội và vai trò con người”. Điều này bây giờ là một vấn đề thú
vị và rất lớn để chúng ta đi sâu vào nghiên cứu những tư tưởng của Đảng, những
tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong việc tổ chức và quản lý xã hội.
Từ trước tới nay, vấn đề xã hội thường nằm trong một
quan niệm rất thô sơ và thiếu sót, thậm chí còn có những lệch lạc. Khi nói đến
những vấn đề xã hội thường ta chỉ nghĩ đến những việc cứu trợ, cứu tế, phụ cấp,
trợ giúp, v.v… Còn những vấn đề xã hội gắn với kinh tế để xây dựng một xã hội mà
trong đó xây dựng con người ngày càng phát triển tốt đẹp thì còn ít nói đến. Vấn
đề xã hội phải được thể hiện trong các kế hoạch Nhà nước, các chủ trương chính
sách, các thái độ đối xử với xã hội. Quan hệ của các vấn đề xã hội với các vấn đề
kinh tế lại là sự quan hệ rất mật thiết và nó đòi hỏi phải được thống nhất. Cho
nên trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ VI có câu : “Cần phải thể
hiện sự thống nhất giữa các vấn đề chính sách kinh tế và chính sách xã hội, vì
chính sách xã hội là chính sách đối với con người, với từng tập thể con người,
với từng cộng đồng con người”. Những chính sách này cũng nhằm mang lại hạnh phúc
cho con người, nâng cao từng bước con người đi tới phát triển toàn diện. Chính
sách xã hội có ý nghĩa là xây dựng con người, chăm sóc và xây dựng con người.
Trước đây, trong nhiều lúc, nhiều chỗ, quan niệm về chăm
sóc đời sống cho con người được coi như là một cái đuôi, một cái hệ quả của các
vấn đề kinh tế. Ta cũng thường nói về sự chăm lo, sự quan tâm, v.v… hàm cái ý
ban ơn, làm phúc mà không thấy nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ chủ yếu của
chế độ xã hội chủ nghĩa là chăm sóc đời sống con người.
Khi nói đến chính sách xã hội, chúng ta phải rời bỏ
quan niệm Đảng là người làm phúc, các cán bộ Đảng là những ông phật đứng lên trên
dân để ban phát hạnh phúc, ân huệ cho dân. Chính sách xã hội là đường lối chính
trị của Đảng, là những chính sách của Đảng, là trách nhiệm của từng người đảng
viên làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, tức là những con người trong xã hội
này ngày càng tốt hơn.
Chính sách xã hội là như thế thì không thể nào nằm ngoài
các chính sách kinh tế được. Nó phải nằm trong các chính sách kinh tế, phải thống
nhất với các chính sách kinh tế.
Một quan niệm không rõ ràng về vai trò của con người
trong xã hội có những tai hại trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế đã
đành, tệ hại hơn nó lại còn phá hoại cả đạo đức xã hội chủ nghĩa nữa. Không phải
ngẫu nhiên cái quan điểm đầu tiên tôi nêu về văn hoá nghệ thuật là cần đặc biệt
chú ý quan điểm về vấn đề chính sách xã hội và vai trò con người. Đây là vấn đề
tư tưởng lớn của Đại hội Đảng lần thứ VI ; đồng thời cũng là chuyện con người,
là chuyện xây dựng và phát triển con người.
Trong văn kiện của Đại hội có nêu lên một yêu cầu là nâng
cao chất lượng của các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các hoạt động đó phải tính
đến hiệu quả xã hội. Các hoạt động văn hoá thì thật muôn màu muôn vẻ. Ở đây tôi
thấy hoạt động nghệ thuật là hoạt động quan trọng nhất. Vì khi ta bàn về chất lượng
cũng như bàn về hiệu quả xã hội thì chủ yếu là bàn về chất lượng của nghệ thuật
và hiệu quả xã hội của nghệ thuật. Nâng cao chất lượng của hoạt động văn hoá
nghệ thuật là một khẩu hiệu có lâu rồi và chúng ta đã “hô” nhiều rồi. Bây giờ
chúng ta vẫn tiếp tục “hô” và có lẽ cũng bắt đầu khản giọng. Vậy, thế nào là nâng
cao chất lượng nghệ thuật và chất lượng nghệ thuật là cái gì, vẫn còn là vấn đề
cần phải bàn thêm.
Quan niệm về chất lượng nghệ thuật còn có nhiều điều
chưa đầy đủ và có nhiều điều còn lệch lạc. Nhiều lúc, nhiều chỗ người ta nói đến
chất lượng nghệ thuật hình như chỉ thiên về tư tưởng của tác phẩm và coi đó là
một tiêu chuẩn quan trọng của chất lượng. Người ta cũng lấy đó làm tính chất
quan trọng nhất để xem xét, đánh giá tác phẩm. Khi đặt vấn đề này cùng với vấn đề
hiệu quả xã hội thì nó lại đặt ra nhiều chuyện khác. Thật ra, nội dung tư tưởng
của một tác phẩm nếu không có chất lượng nghệ thuật bảo đảm thì cũng không có
hiệu quả xã hội mà cũng không thể gọi là chất lượng được. Thậm chí có nhiều lúc
nó lại phản tác dụng.
Mọi tác phẩm gọi là tác phẩm nghệ thuật mà trình độ
nghệ thuật quá thấp, không những quá thấp, nó lại còn lố bịch, lại ngớ ngẩn nữa,
mà nó lại chứa đựng nội dung tư tưởng cao thì bản thân tác phẩm ấy cũng làm cho
những tư tưởng cao này trở nên lố bịch ; không những người ta không tiếp thu được,
không có tác động tích cực đối với những người thưởng thức mà ngược lại, còn tác
động tiêu cực, làm cho người ta có thể dễ dàng đem chế giễu những tư tưởng cao đẹp
định nói trong tác phẩm nghệ thuật lố bịch ấy. Chính điều này là một điều tai hại.
Nó tai hại không những trong sự thưởng thức của xã hội, mà nó tai hại ngay cả
trong những ý định sáng tác của tác giả. Nếu các tác giả bị gò bó trong quan niệm
này thì tuy được trang bị những nội dung tư tưởng rất tốt, rất hay, nhưng khi đem
ra trình diễn trước công chúng thì lại trở nên một tác phẩm nghệ thuật xoàng.
Như vậy thì ý định của tác giả tốt bao nhiêu đi chăng nữa, cũng đem lại những
hiệu quả xấu. Mà những hiệu quả xấu ấy lại tác động trở lại tác giả. Tác giả lại
trở nên một tác giả xoàng tuy rằng có trình độ tư tưởng cao. Vì vậy cho nên chất
lượng của công tác văn hoá hay chất lượng của nghệ thuật cần phải được xem xét
với những quan niệm đầy đủ hơn. Cần phải quan niệm một cách rõ rệt rằng : chất
lượng của một tác phẩm phải có cả chất lượng tư tưởng và chất lượng nghệ thuật,
chỉ có chất lượng nghệ thuật mới đảm bảo cho chất lượng tư tưởng. Chất lượng
nghệ thuật và chất lượng tư tưởng phải trong một thể thống nhất mà những người
sáng tác phải hết sức quan tâm đến chất lượng nghệ thuật.
Đấy là chung quanh vấn đề nghệ thuật, thế nhưng chất lượng
nghệ thuật của một tác phẩm thì nằm ở đâu, nhất là tác phẩm điện ảnh và tác phẩm
sân khấu ? Nó không nằm trong nội dung tác phẩm hay nội dung văn học của tác phẩm
mà nằm trong toàn bộ quá trình xuất hiện của tác phẩm, trong quá trình trình diễn
tác phẩm trước công chúng, trong quá trình công chúng tiếp xúc với tác phẩm. Chất
lượng tác phẩm (kể cả chất lượng tư tưởng và chất lượng nghệ thuật) nó thường ở
trong kịch bản văn học. Và, có một kịch bản văn học để mà diễn đạt nội dung tư
tưởng một cách tốt đẹp rồi, chúng ta có thể yên trí. Nhưng thực ra cái quá trình
để nó biến kịch bản thành tác phẩm điện ảnh hay sân khấu và tiếp xúc với công
chúng, nó còn nhiều yếu tố khác nữa mới quy định được chất lượng nghệ thuật của
tác phẩm. Thông thường trong phần này chúng ta quan tâm đến nó chưa đầy đủ bằng
lúc quan tâm đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Cho nên, gọi là nâng cao chất
lượng nghệ thuật thì phải nâng cao một cách đồng bộ từ nội dung tư tưởng, nội
dung văn học của kịch bản đến toàn bộ quá trình sáng tác ra tác phẩm điện ảnh và
quá trình tiếp xúc của tác phẩm đối với công chúng.
Hiện có một hiện tượng, một cái bệnh trong văn hoá cần
phải tích cực khắc phục, cần phải phê phán một cách nghiêm túc, đó là cái bệnh
tuỳ tiện, dễ dãi và hình thức chủ nghĩa trong nghệ thuật.
Chúng ta tổ chức một cuộc sinh hoạt nghệ thuật, nhưng
ngay trình độ tổ chức, ý thức tổ chức và những yếu tố của buổi sinh hoạt nghệ
thuật ấy thường là quá tuỳ tiện, quá dễ dãi. Điều này có một tác hại là nó làm
cho hiệu quả các tác phẩm nghệ thuật kém đi, đồng thời, nó lại tạo nên những nếp
sống, những thị hiếu không lành mạnh trong công chúng.
Muốn cho nghệ thuật có hiệu quả xã hội hay nói chung là
công tác văn hoá có hiệu quả xã hội thì trước hết những người tạo ra và tổ chức
những sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật phải hết sức nghiêm túc, hết sức khắt khe với
những yêu cầu nghệ thuật. Điều này với từng nghệ sĩ tôi thấy các đồng chí đều có
ý thức đầy đủ. Bởi vì các đồng chí là nghệ sĩ. Nhưng khi đi vào công việc sáng
tạo và công việc tổ chức hoạt động, tôi thấy chính các đồng chí lại giảm đi ở
trong mình cái cường độ của sự khắt khe ấy. Các đồng chí vẫn bị rơi vào cái tình
trạng tuỳ tiện và dễ dãi.
Vấn đề hiệu quả xã hội của nghệ thuật hay hiệu quả của
công tác văn hoá, đều có vấn đề nghệ thuật và có vấn đề công tác văn hoá.
Như đã nói ở trên, công tác văn
hoá bao gồm nhiều mặt hoạt động nhưng trong đó chủ yếu và quan trọng nhất vẫn
là nghệ thuật ; khi đã đề cập đến vấn đề
này ta phải quan tâm đến mấy mối quan hệ của hiệu quả xã hội sau đây:
Trước hết là quan hệ giữa hiệu quả xã hội và hiệu quả
kinh tế. Mọi hoạt động nghệ thuật và văn hoá của ta bây giờ phải tính đến hiệu
quả kinh tế, đặc biệt là ngành điện ảnh của chúng ta. Ngành điện ảnh Cu-ba có cái
tên là Viện công nghiệp và nghệ thuật điện ảnh. Đúng là như thế. Ngành điện ảnh
chúng ta vừa là một ngành công nghiệp, vừa là một ngành nghệ thuật, cho nên có
vấn đề hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Bất cứ hoạt động văn hoá nghệ thuật
nào khác cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế đôi khi nó trùng
hợp với hiệu quả xã hội. Đôi khi hiệu quả kinh tế là chỉ tiêu để ta tính đến hiệu
quả xã hội. Thông thường mà nói thì hiệu quả kinh tế là thứ hiệu quả có thể tính
toán được, còn hiệu quả xã hội thì là một thứ hiệu quả không tính toán được. Nhưng
đôi khi – chú ý là đôi khi chứ không phải là tất cả - có thể đo hiệu quả xã hội
bằng hiệu quả kinh tế. Bản thân hiệu quả xã hội không đo được, không có đại lượng
gì để đo nó được, chưa ai đặt ra được cái đại lượng này. Nhưng đôi khi phải đo nó
bằng cách gián tiếp, bằng cách đo hiệu quả kinh tế, nhưng chỉ đôi khi nó trùng
hợp thôi, còn thông thường thì không phải lúc nào nó cũng trùng hợp. Thậm chí, đa
số nó không trùng hợp.
Không những nó không trùng hợp mà có nhiều khi nó còn
diễn biến theo cái véc-tơ nghịch. Nghĩa là, có những hoạt động văn hoá hay là
những tác phẩm “nghệ thuật” mà hiệu quả kinh tế càng cao thì hiệu quả xã hội càng
nguy hiểm. Tôi xin nhắc lại – đôi khi chúng ta mới có thể đo hiệu quả xã hội của
nghệ thuật, của văn hoá bằng hiệu quả kinh tế, còn đa số thì không thể đo như vậy
được. Đa số trường hợp lại có thể diễn ra là hiệu quả kinh tế nghịch với hiệu
quả của xã hội.
Tất cả các hoạt động văn hoá nghệ thuật phải lấy hiệu
quả xã hội làm chính và hiệu quả kinh tế phải phục tùng, phục vụ cho hiệu quả xã
hội. Ta không thể nói một cách thô sơ như trước đây, rằng lãi chính của ta là lãi
tinh thần và ta phải thu các lãi tinh thần ấy bằng bất cứ giá nào. Lối nói đó là
ấu trĩ, thô sơ mà bây giờ ta phải nói là hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế. Mà
hiệu quả kinh tế, trong đó lại có hai mặt. Một mặt thể hiện ở doanh thu, một mặt
ở sự chi tiêu hợp lý, sử dụng các thiết bị sẵn có trong tay một cách hợp lý, đó
chính là hiệu quả kinh tế. Nhưng hiệu quả kinh tế phải phục tùng hiệu quả xã hội,
phục vụ hiệu quả xã hội. Khi ta cần chi tiêu như thế nào để bảo đảm một hiệu quả
xã hội lớn, hay hiệu quả nghệ thuật lớn thì ta không vì tiết kiệm mà lại coi thường
hiệu quả nghệ thuật cần có. Cho nên hiệu quả kinh tế phải phục tùng, phục vụ hiệu
quả xã hội.
Tôi nghĩ, hiệu quả xã hội của nghệ thuật là sự tác động
của nghệ thuật vào xã hội, vào từng con người, mà sự tác động này là tác động về
mặt tinh thần, tác động tâm lý, tác động tư tưởng và tác động tình cảm.
Bây giờ tôi nói thêm một ít xung quanh vấn đề vai trò
và chức năng của nghệ thuật.
Lần này được Đại hội Đảng ghi vào văn kiện quan trọng
quan niệm về vai trò và chức năng nghệ thuật một cách rõ ràng, đó là một quan
niệm hết sức tiến bộ. Tinh thần khẳng định trong nghị quyết lần này phù hợp, gần
gũi hơn với những kết quả nghiên cứu về vấn đề này của thế giới. Ở đây, trong điều
kiện cụ thể của chúng ta, ta cần nhấn mạnh một khía cạnh là - hoạt động nghệ
thuật không thể là hoạt động tiêu phí, nó không làm phí tổn vô ích của cải xã hội,
mà thực ra nó là hoạt động sản xuất, bởi nó tạo nên nhiều sản phẩm làm giàu đẹp
thêm cho xã hội ; cái tạo nên này không phải nó chỉ làm giàu mà cái quan trọng
là nó làm đẹp. Và đó là chức năng thực sự và cao quý của nghệ thuật.
Những câu văn ghi trong các Báo cáo chính trị của Đảng
ta ở Đại hội Đảng lần này đã thể hiện tinh thần ấy, không nói lại những chức năng
giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ mà nói là phải bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho con
người, bồi dưỡng bản lĩnh, nhân cách cho con người. Hiểu chức năng nghệ thuật
như thế có lẽ đúng hơn.
… Bây giờ nói sang chuyện đổi mới.
Trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và hoạt động nghệ
thuật của chúng ta có phải đổi mới không? Và đổi mới thế nào? Đổi mới cái gì? Đây là vấn đề không dễ trả lời và chúng ta phải làm việc với nhau nhiều mới rõ
ra được. Chúng ta cũng làm nhiều tổng kết rồi.
Trong lĩnh vực này muốn đổi mới thì phải tổng kết và
chỉ rõ ra một số bệnh trong hoạt động của nó, tức là chỉ ra những bệnh, chẩn đoán
bệnh ấy cho thật nghiêm khắc, chúng ta mới mong đổi mới được, ví dụ: bệnh hình
thức trong hoạt động văn hoá, văn nghệ của chúng ta chẳng hạn. Mà bệnh hình thức
này nó bao gồm chứng tâng bốc nhau, chứng thành tích chủ nghĩa, có phải không?
Vậy nếu có thật cái bệnh này thì cần phải mổ xẻ, phân tích nghiêm khắc nó, mới có
thể đưa hoạt động văn hoá, văn nghệ đổi mới được.
Các đồng chí ở trong giới làm sao nhìn lại, ít nhất là
mười năm vừa qua, xem điện ảnh chúng ta nhiễm cái bệnh gì. Tôi chắc là nó có bệnh.
Còn bệnh gì, nặng, nhẹ bao nhiêu thì chưa biết. Phải tìm cho ra cái bệnh ấy thì
mới nói chuyện đổi mới.
Có bệnh gì và chẩn đoán bệnh là chuyện của các đồng chí.
Phải có phương pháp lý luận của vấn đề đổi mới, phải tìm ra được bệnh, chẩn đoán
trúng bệnh và kịch liệt trị chữa bệnh mới đổi mới được.
Tìm ra xem thời gian này trong nghệ thuật xuất hiện bệnh
gì, đó là tiền đề cho sự đổi mới, đổi mới một cách có hiệu quả. Chứ không phải đổi
mới là tìm cái gì kỳ quái từ trước chưa từng có và chúng ta cho là cái mới và đổi
theo “cái mới” đó.
Xin chúc các đồng chí khoẻ, lập nhiều thành tích.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét