Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Các quan điểm văn học nghệ thuật của Trần Độ



Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền

Là một chiến sĩ cách mạng, cuộc đời từng vào sinh ra tử và trưởng thành là một nhà cách mạng, Trần Độ là con người không có mơ ước sẽ trở thành nhà văn mặc dù từ nhỏ ông rất yêu thích văn chương nghệ thuật, thích đọc, thích viết. 

Trần Độ tiếp xúc với tinh hoa văn hóa của nhân loại từ nhỏ, qua quá trình dài vừa hoạt động vừa cầm bút, sau này còn là nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, hơn ai hết Trần Độ là người hiểu rất rõ bản chất, đặc trưng, vai trò, chức năng của văn học, nghệ thuật cả về lí luận và thực tiễn. Điểm nổi bật, nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ lí luận về văn nghệ của Trần Độ là: nắm chắc và đưa ra thực trạng về văn nghệ của ta lúc bấy giờ, sự phiến diện, sai lầm trong việc nhận thức về bản chất, vai trò, nhiệm vụ, chức năng của văn nghệ dẫn đến những quan niệm chưa đúng đắn về văn nghệ. Vì vậy, văn nghệ cần phải đổi mới, yêu cầu đổi mới là cần thiết và cấp bách. Từ đó ông đưa ra quan điểm của mình để giải quyết những vấn đề đã nêu ra.


1. Bản chất của văn học nghệ thuật

Vấn đề bản chất của văn học nghệ thuật đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, mỗi người có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong đó có thể thấy quan điểm Mác - xít về văn học nghệ thuật là một trong những quan điểm đúng đắn chi phối sâu sắc nhà văn Trần Độ vì bản chất của văn nghệ được nhìn nhận là một hoạt động tinh thần thực tiễn của con người. Quán triệt những quan điểm của Đảng về văn nghệ, tiếp thu các quan điểm của các bậc tiền bối, dựa trên những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc trong các giai đoạn lịch sử cụ thể, Trần Độ đã chỉ ra bản chất của văn học nghệ thuật một cách đúng đắn.

Trần Độ đã khái quát được thực trạng của văn nghệ nước nhà lúc bấy giờ, đó là những quan niệm đơn giản, phiến diện, thậm chí thực dụng về bản chất của văn nghệ. Qua sự phân tích thấu đáo, ông đã chỉ ra bản chất thực sự của văn nghệ. Theo ông, về bản chất, văn nghệ chính là “vật liệu” tạo nên con người, nó chính là con người - vốn quý, động lực và cũng là mục tiêu - cho tất thảy mọi ngành hoạt động.

Và nếu có lúc, có khi “dùng” văn nghệ để phục vụ một nhiệm vụ nào đó, dù quan trọng đến đâu cũng không thể quên bản chất, vai trò này của nó. Mà cũng không thể “dùng” nó hữu ích nhất khi hiểu được bản chất của nó. Bản chất đích thực của văn nghệ bao giờ cũng giữ vai trò quyết định tạo nên sức mạnh và tồn tại. Sử dụng sai bản chất của văn nghệ thì tác dụng sẽ ngược lại là lẽ cố nhiên.

Về đặc trưng của văn nghệ, Trần Độ cho rằng, văn nghệ có đặc thù quan trọng bậc nhất là đặc thù tình cảm. Ông cho rằng, những tác phẩm nghệ thuật tác động vào con người cũng tác động nhiều nhất về mặt tình cảm, vì thế nó vừa mạnh, vừa sâu, vừa toàn diện, vừa vững bền. Đối xử với văn nghệ là đối xử với tình cảm. Người làm văn nghệ phải được bồi dưỡng và nâng cao tình cảm. Người đến với văn nghệ là đến với tình cảm. Ngoài đặc thù tình cảm văn nghệ còn có đặc thù sáng tạo. theo ông: Chỉ có sáng tạo mới được coi là nghệ thuật, sáng tạo phải mới mẻ, độc đáo, đa dạng liên tục, không rơi vào sáo mòn, nhàm chán thì mới đáp ứng được sự phong phú, đa dạng, tinh tế, uyển chuyển của tình cảm con người.


2. Chức năng của văn học nghệ thuật

Nói chức năng văn học là nói đến mục đích, tác dụng của sáng tác văn chương, nói đến vấn đề viết để làm gì, đến ý nghĩa xã hội của nó. Văn học là một hoạt động tinh thần không chỉ của người sáng tạo mà cả của người tiếp nhận, thưởng thức. Bàn về chức năng văn học nghệ thuật là nghiên cứu văn nghệ tác động vào điều kiện cụ thể của xã hội như thế nào.

Khi tìm hiểu về vấn đề này, Trần Độ cũng  chỉ ra hạn chế trong cách quan niệm về chức năng của văn nghệ. Từ đó ông khẳng định: Văn nghệ ta phải làm đồng thời và đầy đủ các chức năng chủ yếu của nó là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ mới là vũ khí sắc bén của cách mạng và bất cứ xét về chức năng nào nó cũng phải là vũ khí của cách mạng. Không phải chỉ làm chức năng giáo dục, nó mới là vũ khí tư tưởng của Đảng hoặc vì là vũ khí tư tưởng của Đảng nên nó chỉ cần làm một chức năng giáo dục là đủ, không cần làm chức năng nhận thức, thẩm mỹ. Càng không phải là khi làm chức năng thẩm mỹ, nó không cần phải là vũ khí tư tưởng của Đảng. Nếu có người nói đến chức năng giải trí thì ngay cả khi làm chức năng giải trí, văn nghệ ta vẫn phải là vũ khí của cách mạng. Vẫn phải đem lại khoái cảm thẩm mỹ trong sáng lành mạnh, bởi vì chúng ta không cần đến một sự giải trí trống rỗng hoặc buông thả, có hại. Từ việc phân tích ở trên, Trần Độ đi đến kết luận: Văn nghệ với đặc trưng vốn có của nó tác động nhiều mặt vào con người theo cách nhận thức riêng của nó, cùng một lúc nó làm tất cả chức năng chủ yếu của nó là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và chính vì vậy nên nó mới là vũ khí sắc bén của cách mạng.

Nhìn chung, khi bàn về chức năng của văn học, Trần Độ đã có cách nhìn đúng đắn và khá toàn diện, vừa cụ thể nhưng vẫn bao quát được tình hình văn nghệ bấy giờ. Không những thế, ông còn thấy được tính đa chức năng của văn học, sự vận động, biến đổi của nó trong từng hoàn cảnh lịch sử. Đây là cách nhìn tiến bộ, khá toàn diện về chức năng của văn học. Quan niệm ấy của ông cho đến nay vẫn đúng đắn.


3. Nhiệm vụ của văn học nghệ thuật

Trần Độ là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, do đó nhiệm vụ ông đặt ra với văn học nghệ thuật vừa phục vụ mục đích trước mắt vừa phục vụ mục đích lâu dài của cách mạng. Mỗi thời kì lịch sử của đất nước đòi hỏi nhiệm vụ khác nhau của văn học. Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ cách mạng, xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Trần Độ chỉ ra nhiệm vụ của văn nghệ.

* Văn nghệ phải bám sát hiện thực

Hiện thực trên đất nước ta trong tất cả sự phát triển phức tạp của nó, hơn lúc nào hết, đòi hỏi ở chúng ta một cách nhìn và một sự suy nghĩ khoa học toàn diện và tỉnh táo của người cách mạng. Theo Trần Độ, Văn nghệ trước hết phải nhận thức đúng hiện thực. Vì vậy, nhận thức đúng đắn hiện thực là điều kiện quyết định đầu tiên để chúng ta bàn tới những vấn đề của văn học ta, tính hiện thực của văn học ta hiện nay. Từ việc nhận thức đúng hiện thực, ông còn cho rằng, văn nghệ phải bám sát hiện thực. Chúng ta thấy rằng, đưa ra nhiệm vụ văn nghệ bám sát hiện thực, Trần Độ đã thấy rõ được vai trò, sự tác động của hiện thực cuộc sống đối với sức hấp dẫn của tác phẩm văn nghệ. Thực tế cho thấy, tác phẩm văn nghệ càng phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của thời đại, càng thu hút được độc giả.

Trần Độ yêu cầu văn nghệ cần bám sát hiện thực nhưng đồng thời ông cũng cho rằng văn nghệ phải phản ánh đúng hiện thực. Theo ông: Phản ánh đúng hiện thực nghĩa là không được bịa đặt tuỳ tiện, tưởng tượng vô tội vạ, vo tròn, bóp méo thực tại sao cho khớp với ý muốn chủ quan của mình, nhưng cũng không phải là sao chép thực tại từng chi tiết của nó một cách tự nhiên chủ nghĩa, bị động và lệ thuộc vào cái bề ngoài, không đi được vào chiều sâu, vào bản chất, vào xu thế phát triển tất yếu của nó.

Như vậy, với vai trò là một vũ khí cách mạng, văn học có nhiệm vụ bám sát và phản ánh đúng hiện thực, nó còn phải thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống kẻ thù, động viên ý chí tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta vượt mọi khó khăn, giữ vững đường lối của Đảng, nhằm mục tiêu của cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó chính là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của văn nghệ. Từ đó, Trần Độ đặt ra nhiệm vụ tiếp theo của văn học.

* Nhiệm vụ mới của văn học

Ngoài nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, theo Trần Độ, văn học còn phải thực hiện một nhiệm vụ mới: Nâng cao hơn nữa chất lượng văn học, làm cho văn học vừa có tính tư tưởng cao, vừa phải đầy tính sáng tạo, có trình độ nghệ thuật cao.

Đây là một yêu cầu chân chính của giai đoạn cách mạng hiện nay và cũng là yêu cầu mà trước đây Đảng luôn đặt ra với văn học, nghệ thuật. Đồng thời đây cũng là một nhiệm vụ thường xuyên của văn học. Như vậy tất cả những nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra cho văn học đều hướng tới mục đích to lớn và cao đẹp đó là phục vụ cho con người, vì con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét