Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Một vài thu hoạch về kinh nghiệm lãnh đạo văn hoá văn nghệ ở Liên Xô


Cách mạng tháng Mười thành công, sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của Liên Xô bao giờ cũng là nguồn cảm hứng sâu sắc cho lương tri loài người, là tiêu điểm của mọi suy nghĩ lành mạnh về cuộc sống. 




Lịch sử đấu tranh và xây dựng của Liên Xô luôn là kho kinh nghiệm vô giá và vô tận cho mọi người và cho mỗi người. Người ta có thể học được ở đó vô số bài học khác nhau, có thể không ai giống ai. Để kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại, tôi cũng nêu lên một vài thu hoạch về kinh nghiệm lãnh đạo văn hoá văn nghệ ở Liên Xô.
 Qua nhiều lần tiếp xúc ngắn ngủi với cuộc sống của xã hội Xô-viết, qua sự tiếp xúc với các tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, v.v… của Liên Xô, trong tôi hình thành một ấn tượng sâu sắc về một nền văn hoá tinh thần đặc biệt cao đẹp, đó là nền văn hoá Xô-viết. Đó là một nền văn hoá thấm đượm tính nhân đạo, tinh thần nhân ái, bình đẳng chính trị của những con người lao động tự do và trung thực. Cho dù hiện nay Liên Xô đang tự phê bình nghiêm khắc một cách rộng lớn, phát hiện nhiều điều tiêu cực trong lãnh đạo, quản lý, trong đạo đức xã hội, thì nền văn hoá đã được hình thành ở Liên Xô vẫn là một thành tựu vững chắc và rõ rệt không thể phai mờ, không thể phủ nhận. Mọi sự cải tổ chỉ có thể làm cho nó ngày càng rực rỡ thêm, trong sáng thêm, toàn vẹn thêm. Đúng như đồng chí Goóc-ba-chốp đã nói : “Càng làm cho Liên Xô nhiều chủ nghĩa xã hội hơn”.
Nền văn hoá tinh thần Xô-viết tốt đẹp ngày nay không thể là cái gì khác hơn là thành quả tuyệt vời của những cuộc đấu tranh quyết liệt và những sự lãnh đạo tuyệt diệu của các lãnh tụ chính trị kiệt xuất có trình độ văn hoá rất cao như Lê-nin, Sta-lin, Ka-li-nin, những người nắm vững và sâu sắc chủ nghĩa Mác, hiểu biết đầy đủ những thành tựu văn hoá nhân loại và lịch sử văn hoá đất nước. Đó cũng là kết quả của sự đấu tranh của trí tuệ, của sức lao động sáng tạo của các chiến sĩ văn hoá lỗi lạc của đất nước Xô-viết như Ma-xim Goóc-ki, Mai-a-kốp-xki, Lu-na-trác-xki, Sô-lô-khốp, v.v… những người mà toàn bộ cuộc đời và trái tim đã hiến đầy trọn vẹn cho cách mạng vô sản và giai cấp vô sản, cho Đảng cộng sản. Đối với một lịch sử đấu tranh, xây dựng rộng lớn và lâu dài nhường ấy, phong phú và kỳ diệu nhường ấy, muốn tìm hiểu kinh nghiệm, chắc phải có những bộ sách dày do những tập thể học giả uyên thâm soạn nên, mới có thể phần nào nói lên được những bài học cần thiết. Ở đây, nhân những xúc động cá nhân, nhân dịp kỷ niệm, tôi chỉ xin tóm tắt một vài thu hoạch cá nhân, tập hợp một cách khá tuỳ tiện, không có hệ thống, không có bố cục với hy vọng góp một tiếng nói ngắn và nhỏ để bày tỏ một tấm lòng, một khát vọng, một hoài bão.
* * *
Điều nổi bật trong các điều tôi thu nhặt được là Đảng cộng sản Liên Xô luôn tôn trọng, đi sâu phân tích tinh thần bản chất vai trò văn hoá và nghệ thuật trong đời sống xã hội theo đúng tư tưởng của Mác và Lê-nin để làm căn cứ lãnh đạo sự nghiệp văn hoá văn nghệ. Chính điều này là xuất phát điểm quan trọng cho mọi công tác lãnh đạo của Đảng về văn hoá văn nghệ.
Các nhà nghiên cứu khoa học của Liên Xô hàng năm đều cung cấp thêm cho Đảng những phát hiện mới, những kết luận mới về các vấn đề lý luận văn hoá văn nghệ, các nhà khoa học khai thác không ngừng, không mệt mỏi kho tàng lý luận Mác – Ăng-ghen và Lê-nin về những vấn đề văn hoá văn nghệ, các công trình nghiên cứu đều được xuất bản, công bố, được các cơ quan lãnh đạo của Đảng quan tâm chú ý và khuyến khích. Họ rất chú ý đến những ý kiến của Mác và Ăng-ghen về bản chất của nghệ thuật, về tổ chức, về xã hội của văn học nghệ thuật và phương hướng sáng tác của văn học nghệ thuật, về vai trò con người trong lao động, trong xã hội. Họ cũng đặc biệt chú ý đến những ý kiến của Lê-nin về vai trò của văn hoá trong khi đề cập đến các nhiệm vụ kinh tế khi bắt đầu thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, về thái độ của giai cấp vô sản đối với di sản văn hoá của nhân loại, của dân tộc, về việc phải đưa các giá trị văn hoá cao đến với nhân dân lao động. Họ đặc biệt chú ý ý kiến của Lê-nin về cách mạng văn hoá, nhiệm vụ của cách mạng văn hoá, ý kiến phê phán thứ tư tưởng văn hoá vô sản (prolêcum). Nổi bật nhất là họ phát triển ý kiến Lê-nin về tính đặc thù của văn học nghệ thuật, tính đảng của văn học …
Ngay trong những ngày đầu xây dựng đất nước, trước tình hình bề bộn, thiếu thốn, đói kém, Lê-nin đã có những ý kiến chỉ đạo các vấn đề nhà hát, âm nhạc, vấn đề thư viện, vấn đề bảo tàng và nhất là vấn đề điện ảnh, nên làm phim gì, chiếu phim gì, v.v… Và tiếp tục truyền thống đó của Lê-nin, Ủy ban trung ương Đảng cộng sản hàng năm đều có những nghị quyết cụ thể về từng lĩnh vực cụ thể của văn nghệ. Tôi có trong tay những tài liệu cho thấy rõ trong những năm 70 và 80, mỗi năm bình quân Ủy ban trung ương và Hội đồng Bộ trưởng đều ra chung 2 nghị quyết về văn hoá văn nghệ. Trong các nghị quyết đều chỉ rõ nhiệm vụ rõ rệt của từng ngành, từng bộ, từng cơ quan Đảng và Nhà nước có liên quan trong việc phát triển một công tác văn hoá nào (như công tác thư viện, công tác văn hoá quần chúng) hay việc phát triển một môn nghệ thuật nào (như âm nhạc, sân khấu hay điện ảnh, văn học, phê bình lý luận hay công tác đối với các nhà sáng tác trẻ …). Đây là văn kiện lãnh đạo chung của Đảng và Nhà nước có giá trị chấp hành cả về mặt Nhà nước và về mặt Đảng.
Chúng ta thử chỉ lấy một sự kiện này xem xét, nếu một năm, Bộ Chính trị thay mặt Trung ương, mỗi tuần ra một nghị quyết thì có 52 nghị quyết. Riêng lĩnh vực văn hoá văn nghệ có 2 nghị quyết thì lĩnh vực này chiếm 4 % toàn bộ các nghị quyết lãnh đạo của Bộ Chính trị (TW). Như vậy là một sự hoạt động lãnh đạo ổn định, điều hoà, cân đối và thoả đáng trên cơ sở một quan niệm đầy đủ về vai trò, chức năng xã hội của văn hoá văn nghệ và các vấn đề của nó. Bình quân 6 tháng có một nghị quyết, vì vậy các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan tham mưu của Đảng phải hoạt động khẩn trương và hiệu quả đến chừng nào mới phục vụ nổi nhịp độ lãnh đạo đó. Kinh nghiệm cho thấy chuẩn bị một dự thảo nghị quyết có nội dung tốt và thiết thực không thể ít hơn 4-5 tháng, sau đó cần có thời gian cho các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị đọc, suy nghĩ, nghe báo cáo để chuẩn bị ý kiến thảo luận mà thông qua. Và được như vậy thì trong thực tế tất cả những gì nảy sinh trong đời sống văn hoá văn nghệ, Bộ Chính trị (TW) đều có thể biết và có ý kiến lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng là thường xuyên, bình thường và có hiệu quả, không có hiện tượng “bỏ trống trận địa”, không cần có vấn đề phải hô “chống buông lỏng” và kêu gọi “phải nắm chặt” một cách suông rỗng, không căn cứ và không hiệu quả.
Đảng Cộng sản Liên Xô thường xem xét, phân tích để đánh giá vai trò của văn hoá văn nghệ trong quá trình phát triển xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ XXVI của Đảng Cộng sản Liên Xô đã đề ra một nhận định : “vai trò văn nghệ ngày càng quan trọng” trong sự phát triển xã hội ở Liên Xô. Trong một bài giảng, giáo sư Lu-kin, chủ nhiệm khoa văn hoá xã hội chủ nghĩa của Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô đã lý giải nhận định này, tóm tắt như sau :
Điều đó có rất nhiều nguyên nhân, có thể nêu lại trong mấy nguyên nhân ngắn gọn.
1. Chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên trái đất này là vì sự phát triển hài hoà và toàn diện của con người, thoả mãn tối đa mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của con người trong xã hội. Do đó nhu cầu thẩm mỹ của con người ngày càng tăng.
2. Cơ sở vật chất kỹ thuật của văn hoá tinh thần ngày càng cao và làm môi giới rất tốt giữa nghệ sĩ và công chúng, mỗi ngày 18 triệu lượt người xem phim, hàng trăm triệu người xem vô tuyến truyền hình, tiểu thuyết hay in mỗi cuốn 2 triệu bản, còn không đủ. Sự quan tâm của nhân dân đối với văn hoá nghệ thuật làm cho trách nhiệm người nghệ sĩ phải được nâng cao. Điều đó ấn định vai trò ngày càng tăng của văn hoá nghệ thuật, ngày càng đòi hỏi chất lượng nghệ thuật phải cao.
3. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa cần tính đến tính tích cực xã hội và lao động của mọi công dân. Văn học nghệ thuật có nhiệm vụ đặc thù là giáo dục tinh thần sáng tạo, tinh thần lao động với ý thức làm chủ cho nhân dân. Không có một hình thức nào tác động đồng bộ vào con người có thể xếp ngang hàng với nghệ thuật. Điều này quy định vai trò ngày càng tăng của nghệ thuật trong xã hội ngày nay (trích trong bài giảng cho lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo văn hoá văn nghệ Việt Nam năm 1981).
Chính trên cơ sở những nhận định và phân tích khoa học như vậy mà Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô không lúc nào nhãng quên vai trò của văn hoá văn nghệ trong hoạt động lãnh đạo của mình.
* * *
Một ý kiến rất thích thú mà tôi thường được nghe từ các giáo sư giảng bài đến các cán bộ lãnh đạo các cấp, cho đến cả cán bộ lãnh đạo ở cơ sở là nôn nóng và thô bạo là kẻ thù của văn hoá.
Đây là một kinh nghiệm có ý nghĩa nguyên tắc trong việc xử lý với các hiện tượng văn hoá. Ở ta, có nhiều trường hợp đối với các hiện tượng văn hoá có một số đồng chí đã tỏ ra nôn nóng, đơn giản và do đó xử lý thô bạo. Các đồng chí đó xuất phát từ động cơ muốn nhanh chóng “lành mạnh hoá” xã hội, nên rất muốn nhanh chóng và ngay lập tức “xoá bỏ” hoặc “chấm dứt” một số hiện tượng như tóc dài, quần loe, nhậu nhẹt, nói tục, mê tín, v.v… thế rồi ra lệnh cắt, cấm, bắt, … Thực tế, những biện pháp đó thông thường không có hiệu lực và lại hay gây nên những hậu quả không cần thiết làm cho tình hình phức tạp thêm. Các đồng chí lãnh đạo nói cho biết ở một số địa phương Liên Xô có cả những tình hình phức tạp như “nhạc kích động”, “đua đòi mốt”, v.v… Các đồng chí ấy tuy có ý không tán thành những tình hình đó, nhưng đều nói một cách bình tĩnh là “chúng tôi đang phân tích hiện tượng này …”, không ở đâu, chúng tôi nghe thấy câu trả lời là chúng tôi “đang ngăn chặn”, “đang xoá bỏ” hay thậm chí “chủ trương chấm dứt”. Đối với mỗi hiện tượng phức tạp, họ đều phải phân tích vì nó có rất nhiều loại nguyên nhân và các nguyên nhân có những mối quan hệ chằng chịt rất phức tạp không phân tích thì không có phương pháp làm việc thích hợp được, đặc biệt bao giờ cũng có nguyên nhân tâm lý, thế mà khắc phục một tâm lý thế này, tạo nên một tâm lý khác đi là một việc khó khăn và lâu dài không thể chỉ mong ở một vài biện pháp đơn giản. Các biện pháp văn hoá bao giờ cũng phải đầy tính thuyết phục, kiên trì, hấp dẫn. Đó là bài học kinh nghiệm. Mà thực sự đó cũng là quy luật của cuộc sống xã hội.
* * *
Một kinh nghiệm khác có thể được hiểu như sau : lãnh đạo văn nghệ không thể là sự lãnh đạo đồng loạt, bình quân, phải tôn trọng cá tính của văn nghệ sĩ, phải lãnh đạo từng người riêng. Đó là một sự thấm nhuần tư tưởng của Lê-nin đã phát biểu trong bài báo nổi tiếng nói về tính Đảng của văn học, chắc nhiều người đã thuộc, tôi không trích dẫn lại, chỉ xin kể lại câu chuyện tôi được nghe từ một giáo sư già, chuyện về nhà văn Sô-lô-khốp :
Có một hồi Sô-lô-khốp có chuyện gì buồn bực, ông ấy chỉ uống rượu và đi săn ở một nơi hẻo lánh tránh mọi sự tiếp xúc, ông ấy không thông một điều gì đó trong các chủ trương của lãnh đạo. Cơ quan lãnh đạo muốn có sự tiếp xúc với ông ấy để giải thích, động viên ông ấy an tâm vui vẻ trở lại, nhưng đều thấy rằng không thể khinh suất đối với một nhà văn như Sô-lô-khốp. Cơ quan lãnh đạo phải tìm người thích hợp để đi gặp. Đó là người phải có sự quen biết cá nhân với nhà văn, phải biết uống rượu, phải biết cưỡi ngựa và đi săn để có thể gần gũi tâm tình thân mật mà nói chuyện. Người này đến với nhà văn, không phải với tư cách là đại diện cơ quan lãnh đạo mà phải là người nhà văn có thể coi là bạn.
Lãnh đạo một nhà văn, cơ quan lãnh đạo phải biết đến những điều như thế.
Một chuyện khác, có lần tôi gặp một đồng chí Trưởng ban văn hoá của một tỉnh lớn. Đồng chí đó cho biết mình vừa phải “đích thân” đi gặp một đạo diễn. Đạo diễn này sắp thực hiện một chuyến đi nước ngoài theo một hợp đồng đã ký. Nhưng vì cần có những tiết mục hay cho kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, đồng chí Trưởng ban văn hoá phải đến gặp để thuyết phục ông đạo diễn ở nhà dựng tiết mục. Ông đạo diễn ra một điều kiện : ông ấy sẽ ở lại, nếu như ông ấy được dựng một tiết mục đã có nhiều người dựng, theo phong cách của mình, đừng ai can thiệp vào kể cả Trưởng ban và giám đốc nhà hát. Và khi đồng chí Trưởng ban văn hoá đồng ý, tôn trọng quyền tự do sáng tạo của ông đạo diễn thì ông ấy huỷ bỏ hợp đồng ngay.
Những câu chuyện như trên có thể còn nhiều, nó nói rõ lên tính đặc thù trong lãnh đạo văn hoá văn nghệ. Về cơ bản văn nghệ sĩ là những trí thức, họ đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, có thể nói họ đọc nhiều hơn cả một số người lãnh đạo, cho nên những buổi “đả thông” đồng loạt ở hội trường đối với họ thường ít bổ ích. Tôi đã được nghe một trí thức ở một huyện tâm sự : thời gian một buổi ở hội trường, tôi tìm sách báo cần để đọc, tôi thu lượm được một số lượng thông tin gấp 2, gấp 3, lợi thời gian hơn chứ.
Những buổi nói chuyện riêng, gặp gỡ riêng ngắn hay dài nghe được những lời tâm huyết của họ, nói được với họ những lời tâm huyết, điều đó hiệu quả và bổ ích rất nhiều. Kinh nghiệm này liên quan mật thiết đến một kinh nghiệm khác có tính nguyên lý mà ở Liên Xô nhiều đồng chí nhắc đến.
Tài năng là của hiếm, tài năng là tài sản của nhân dân.
Đây cũng là tư tưởng của Lê-nin. Cần phải hiểu biết thế nào là tài năng. Cần phải nhận biết được tài năng. Nhận biết được tài năng khi nó chưa bộc lộ là điều cực kỳ khó. Hơn nữa ở đời có những thứ tài năng thật và tài năng giả, có những thứ tài năng giấu kín và tài năng phô trương rỗng tuyếch, tài năng chân chất và tài năng ngộ nhận (tưởng rằng mình có tài). Tuy vậy, điều quan trọng là có quan điểm tôn trọng tài năng thật sự. Đành rằng như thế không có nghĩa là sẽ phát hiện được tài năng ngay. Trong thực tế có thể gặp đôi lần (thậm chí nhiều lần) thất bại, nhưng rồi thế nào thái độ đúng ấy cũng có tác dụng thu hút, phát hiện và khuyến khích được tài năng, nếu nó có thật, còn như thái độ khinh suất, phũ phàng với tài năng thì gạt bỏ được tài năng giả nhưng cũng vùi dập luôn cả những tài năng thật, và như vậy là làm mất đi của đất nước, của nhân dân những tài sản không gì mua được. Tài năng là của hiếm, không phải lúc nào cũng có, ở đâu cũng thấy, phải biết tìm, biết trọng. Tài năng không phải của riêng ai, không phải của riêng người có tài, càng không phải của người phát hiện và đỡ đầu. Nó là của nhân dân. Cơ quan lãnh đạo vun đắp khuyến khích và bồi dưỡng tài năng là vì nhân dân, vì lịch sử chứ không phải vì cá nhân và gia đình người có tài. Có người còn ngại nói đến tài năng, ngại đề cao tài năng, cứ lướng vướng rằng như thế là “đề cao cá nhân”. Thực ra đó là tính đố kỵ, ngại người khác hơn mình.
Đây là kinh nghiệm mà cũng là quan niệm, là nguyên lý trong lãnh đạo văn hoá văn nghệ.
Từ những kinh nghiệm có tính nguyên lý nói trên dẫn đến một kinh nghiệm bao quát hơn và cũng là một nguyên lý bao quát hơn là vai trò xã hội của các nghệ sĩ và các hội sáng tác.
Về thực chất mà nói đó là một vai trò hết sức cao, hết sức vẻ vang, rất đáng kính trọng và rất đáng yêu mến.
Có lần đi công tác, trong đoàn mà tôi làm trưởng đoàn có các anh Chế Lan Viên, Anh Đức, Huy Du, Chu Văn, Đào Hồng Cẩm, tôi đã gặp vai trò thực chất này. Khi đoàn đến thăm các cơ sở giáo dục, gặp một xã hội rất hồn nhiên là học sinh và thày giáo, cô giáo, chúng tôi nhận thấy rằng việc giới thiệu chức vụ xã hội thường chỉ được hoan nghênh vừa phải, ví dụ tôi là Trung ương uỷ viên, là Trung tướng, Chủ nhiệm uỷ ban …, các anh khác là Tổng thư ký nọ, Uỷ viên thư ký, Uỷ viên chấp hành kia, v.v… Tuy vậy, lúc đó tên Chế Lan Viên, Anh Đức, Chu Văn cũng làm người ta xôn xao nghiêng ngó hơn là tên Trần Độ. Nhưng đến lúc tôi giới thiệu lại : tác giả “Điêu tàn”, tác giả “Hòn Đất”, tác giả “Bão biển”, tác giả “Nổi gió”, tác giả “Nổi lửa lên em” thì cử toạ thật sự nổi gió và nổi lửa, người ta chồm dậy, chen chúc đến vây quanh nhìn ngắm và cho đến lúc ra về các văn nghệ sĩ vẫn bị bao vây, không ra khỏi, người ta đòi chụp ảnh, đòi chữ ký, đòi bắt tay, đòi được hỏi một câu, nghe một lời, đòi hẹn gặp, v.v… Đó vai trò thực sự của văn nghệ sĩ là như vậy. Có phải đâu là chức tước cao thì tự nhiên vai trò cao. Thế nhưng hiện nay thái độ của ta nói chung đối với văn nghệ sĩ và các hội sáng tác còn quá bất công, ta vẫn coi văn nghệ sĩ như một thứ “công chức quèn”, các hội sáng tác như một thứ “ái hữu nghề nghiệp” lèm nhèm, nhất là trong các cuộc hội họp lớn của cơ quan Nhà nước tổ chức và thái độ xử lý công việc của các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm.
Ở Liên Xô và các nước Đông Âu, mỗi khi người ta được giới thiệu một văn nghệ sĩ, đại diện các hội sáng tạo, bản thân người giới thiệu đã có một niềm tự hào rất rõ rệt. Nhưng người được làm quen cũng tự thấy một vinh dự đặc biệt của mình.
Tôi có gặp mấy chuyện :
Đồng chí Trưởng ban Văn hoá của Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc hai lần lỡ hẹn ăn cơm với tôi và gửi lời xin lỗi. Một lần vì đồng chí đó phải đến mừng sinh nhật một nghệ sĩ nhân dân. Một lần khác đồng chí phải đi đón một bà bạn là nghệ sĩ nhân dân Liên Xô sang Tiệp biểu diễn.
Tôi đều thành thật nghĩ rằng đồng chí ấy cần các cuộc gặp gỡ kia hơn là cuộc ăn cơm với tôi và tôi rất vui lòng.
Tôi lại đọc báo biết một chuyện rằng, khi đồng chí Sê-vát-nát-dê còn là Bí thư thứ nhất Ủy ban trung ương Đảng cộng sản Gru-di-a, có người hỏi đồng chí ấy rằng có phải đồng chí ấy là bạn thân của nhà văn X. (tôi quên mất tên) không ? thì đồng chí trả lời :
- Tôi có biết nhà văn X., nhưng tôi chưa có vinh dự được là bạn của nhà văn, được là bạn của nhà văn là một vinh dự lớn lắm.
Tất cả vai trò của nghệ sĩ và của các đoàn thể của họ là do xã hội nhận xét, xã hội đánh giá, xã hội đòi hỏi, xã hội mong muốn. Đảng và Nhà nước cần thấu hiểu điều đó trong lòng nhân dân, đánh giá đúng vai trò của văn nghệ sĩ. Đó là một sự lãnh đạo tốt và đẹp, hợp lòng dân. Đặc biệt các cơ quan trong bộ máy của Đảng và Nhà nước phải hoạt động đúng tinh thần của Đảng và Nhà nước, vừa củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước vừa giúp ích thiết thực cho sự nghiệp xây dựng đất nước - Mỗi biểu hiện quan liêu đều cần lên án vì nó có hại rất nhiều mặt.
* * *
Những kinh nghiệm thu hoạch trên được trình bày như những cảm xúc trong dịp kỷ niệm là biểu thị tấm lòng của tôi đối với Cách mạng tháng Mười, với Liên Xô, với Lê-nin. Đồng thời những thu hoạch trên tôi cũng cho là những thu hoạch có tính nguyên tắc, đó là ý nghĩa nguyên lý, ý nghĩa khoa học và cách mạng.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, những kinh nghiệm trên cũng đặc biệt có những ý nghĩa thời sự và thú vị.
Tháng 5.1987

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét