Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

Quan niệm của Trần Độ về đổi mới Văn Nghệ



Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền

1. Quan niệm của Trần Độ về đổi mới

Công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực, cũng như trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ là sự đòi hỏi cấp bách của cuộc sống. Vấn đề đổi mới được khá nhiều người quan tâm hưởng ứng nhưng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.  
 
Quan niệm đổi mới như thế nào cho đúng? Theo nhà văn Trần Độ, phải hiểu đổi mới là sửa chữa khuyết điểm, là làm đúng. Cái gì trước sai bây giờ sửa lại. Đổi mới phải là sửa cái sai. Ông còn chỉ rõ: Đổi mới không phải là đi tìm cái gì “không cũ”, mà là phải đi tìm cái đúng. Muốn tìm được cái đúng, phải thấy rõ cái sai, phải tự phê bình và phê bình thật sự nghiêm khắc. Và điều đó chỉ có thể được làm tốt trên cơ sở thực hiện dân chủ hoá đúng đắn và đầy đủ.

Bên cạnh đó, ông còn đưa ra cách thức đổi mới: Muốn đổi mới thì phải chỉ rõ ra một số bệnh trong hoạt động của nó, tức là chỉ ra những bệnh, chẩn đoán bệnh ấy cho thật nghiêm khắc, chúng ta mới mong đổi mới được. Để làm rõ điều vừa nêu, ông đưa ra ví dụ cụ thể về bệnh hình thức trong hoạt động văn hóa, văn nghệ. “Bệnh hình thức này bao gồm chứng tâng bốc nhau, chứng thành tích chủ nghĩa… Cần phải mổ xẻ tìm ra được bệnh, chẩn đoán trúng bệnh và kịch liệt chữa trị mới có thể đưa hoạt động văn hóa, văn nghệ đổi mới được”. Vậy muốn đổi mới cần làm gì? Trần Độ chỉ rõ: “Tìm ra xem trong nghệ thuật thời gian này xuất hiện bệnh gì, đó là tiền đề cho sự đổi mới, đổi mới một cách có hiệu quả. Đổi mới không phải là tìm cái gì kì quái từ trước đến nay chưa từng có và chúng ta cho là cái mới và đổi theo cái mới đó”.

2. Nguyên nhân đổi mới

Tổ quốc ta đã bước vào giai đoạn mới. Trong điều kiện mới, có những thuận lợi và khó khăn lớn mà chúng ta chưa kịp hiểu biết được đúng đắn và sâu sắc. Văn học nghệ thuật gặp một hiện thực mới, những điều kiện sáng tác và biểu diễn mới, những đòi hỏi mới cao hơn rất nhiều về chất lượng, về tầm cỡ… Như vậy là đứng trước một yêu cầu phát triển to lớn vượt bậc, phải đánh giá lại những gì mình đã làm được và chưa làm được để biết mình sẽ tiếp tục tiến lên từ chỗ nào và như thế nào. Phải tìm những nội dung mới, những cách thức mới nhằm đáp ứng những nhu cầu mới của thời đại. Vì thế đổi mới là phù hợp, cần thiết và nhất thiết phải có để đáp ứng được đòi hỏi khách quan của cách mạng cũng như mong muốn chính đáng của nhân dân ta, của công chúng - đối tượng phục vụ.

3. Các yếu tố cần đổi mới

Lĩnh vực văn hoá, văn nghệ là một lĩnh vực yêu cầu nhận thức và quan niệm vừa phong phú vừa tinh tế. Văn nghệ còn là một chỉnh thể đa diện, nên cần nhìn nhận nó một cách toàn diện, nhìn phiến diện, quá cường điệu và nhấn mạnh mặt này, xem thường hay loại bỏ mặt kia đều là sai lầm. Đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải đặt văn nghệ vào những quan hệ cụ thể, những hoàn cảnh không gian và thời gian cụ thể, những điều kiện và trường hợp cụ thể mà tiến hành xem xét, đánh giá và đề ra những yêu cầu cụ thể. Có làm như vậy mới đúng về phương pháp và nhờ đó có cơ sở đề ra những giải pháp đúng đắn cụ thể, có lợi cho sự nghiệp phát triển văn nghệ và có lợi cho việc sử dụng văn nghệ đối với xã hội.

Cũng theo ông, văn nghệ cần đổi mới một cách toàn diện ở tất cả các khâu, các yếu tố đổi mới trong nhận thức và trên hành động nhưng trước hết và chung cho tất cả các khâu là phải đổi mới tư duy nghĩa là đổi mới suy nghĩ, quan niệm về văn nghệ. Đổi mới quan niệm về bản chất, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của văn nghệ. Quan niệm cho rõ hơn, đầy đủ hơn về đặc thù của văn nghệ. Khắc phục những quan niệm đơn giản, thiếu sót, phiến diện về văn nghệ, nhìn nhận vai trò của văn nghệ đầy đủ và toàn diện hơn.

Tiếp theo, cần đổi mới tầng lớp văn nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo. Ở khâu đổi mới này, Trần Độ yêu cầu cần làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, đổi mới trong nhận thức của mọi người đối với trí thức trong đó có văn nghệ sĩ. Nhận thức sai lầm sẽ dẫn đến đánh giá không đúng văn nghệ sĩ, thậm chí còn đẩy họ vào con đường khó khăn, làm giảm khả năng sáng tạo nghệ thuật. Thứ hai, cần đổi mới trong nhận thức của bản thân văn nghệ sĩ. Trần Độ đã nhìn thấy không ít những dằn vặt, mắc mớ, khó khăn trong nhận thức của văn nghệ sĩ về chính vai trò vị trí, nhiệm vụ của mình. Do đó, văn nghệ sĩ cũng cần có những điều kiện trao đổi học hỏi, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, sự từng trải mới có đủ bản lĩnh để thích nghi và đứng vững trong tình hình mới.

Là người lãnh đạo, đồng thời cũng là người sáng tác, Trần Độ thấu hiểu sự lao động mệt nhọc nhưng vinh quang của người nghệ sĩ. Ông yêu quý và trân trọng họ. Ông nói với họ rằng, không nên kiêu ngạo và huyễn hoặc mình nhưng người nghệ sĩ chân chính cần ý thức được vị trí cao quý của mình trong nền văn hóa dân tộc và trong tình cảm của nhân dân.

Và cuối cùng, từ niềm khát khao công bằng xã hội, căm ghét sự bất công, ông yêu cầu cần xóa bỏ tính chất bình quân trong chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, thực hiện bằng được những điều mà Đảng đã nêu lên ở Đại hội VI: Cải tiến chính sách đối với người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng, động viên sáng tác, khuyến khích tài năng.

Về vấn đề đổi mới tác phẩm văn nghệ, Trần Độ thấy rằng, cần xem xét đánh giá những tác phẩm đã có, cả về chất lượng nội dung và trình độ nghệ thuật, đổi mới toàn diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm; dự kiến nhng yêu cầu cao hơn cho các tác phẩm trong tương lai. Việc đánh giá hay dự kiến đều cần có những tiêu chuẩn, mà đã đổi mới thì không thể căn cứ vào những cách đánh giá và những tiêu chuẩn đã lỗi thời. Xây dựng tiêu chuẩn mới cũng là cả một vấn đề lớn, khó, đòi hỏi nhiều suy ngẫm, khảo cứu, đối chiếu công phu.

Bên cạnh đó chúng ta cần phải phân biệt được đâu là tác phẩm hấp dẫn sâu sắc quý giá và thế nào là tác phẩm hấp dẫn rẻ tiền. Ở khâu này, theo ông “cũng cần đòi hỏi nhiều công phu khảo sát, xem xét đến những chuyển biến trong thị hiếu của công chúng. Còn những gì thuộc thị hiếu lạc hậu, tầm thường, những gì là nhu cầu tinh thần mới mẻ, sâu sắc cần phải đáp ứng.

Trình độ thưởng thức văn nghệ của công chúng ngày càng được nâng cao, phong phú. Nhưng để đáp ứng được đòi hỏi đó thì không thể không ý đến khâu phân phối, xuất bản. Như thế nghĩa là cần đổi mới ở khâu phân phối, xuất bản vì chất lượng nghệ thuật còn phụ thuộc vào chất lượng của kênh truyền đạt, tức là những phương tiện chuyên chở giá trị của tác phẩm đến với công chúng.

Sau nữa, Trần Độ yêu cầu, phải xem xét đến sự chuyển biến của công chúng, những thị hiếu lạc hậu, tầm thường, những nhu cầu mới, tâm lý mới, thị hiếu mới.

Cuối cùng, bao trùm lên tất cả, ông cho rằng, cần phải đổi mới sự lãnh đạo và quản lý của các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Về khâu này, Trần Độ đã có sự nhìn nhận và đánh giá rất thẳng thắn, xác thực: Cần đổi mới về tổ chức và cơ chế quản lý, về cán bộ và phong cách làm việc. Mặt này cũng phải “nhìn thẳng vào sự thật”, chỉ ra được những chỗ “lỗi thời” và “bất cập” mới có thể biết đường mà đổi mới.

Như vậy, nêu cao vấn đề đổi mới văn nghệ, Trần Độ đã dựa trên quan điểm của Đảng, tiếp thu quan điểm của người đi trước và căn cứ vào tình hình thực tiễn, đòi hỏi của thời đại. Đó không chỉ là lời nói suông mang tính hô hào của một nhà lãnh đạo văn nghệ. Trên thực tế, đóng góp cụ thể của ông về vấn đề đổi mới đất nước nói chung, cho nền văn hóa văn nghệ nước nhà nói riêng không hề nhỏ mà ngay tại thời điểm bấy giờ, nhiều người chưa nhận ra, nhưng lịch sử hôm nay đã minh chứng cho điều đó.

Ông đã nhìn thấy văn học cần phải đi trước một bước hay nói cách khác đó là tính dự báo của văn học. Ông nói rằng, các nhà văn có thể có những người do tầm nhìn, họ có thể dự báo, nhìn ra, các vấn đề xã hội mà các nhà chính trị bảo thủ không thấy được hoặc không chịu nghe. Ông hết lòng ca ngợi nhng nhà văn Liên Xô đầy trí năng sáng tạo đã chỉ ra cho xã hội thấy được nhng mâu thuẫn có thể làm chìm đắm cả con tầu cơ chế như Aimatop, Maiakopxki … để rồi viết bài kêu gọi hãy nhìn nhận, đánh giá thành tích, công lao ai đó đừng vì chc tước hay cương vị xã hội của họ.

Quan điểm đổi mới của Trần Độ còn thể hiện rõ ở nhiều mặt trong khi làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ trung ương, ông mạnh dạn thay đổi cơ chế làm việc về văn hóa văn nghệ. Biết làm văn nghệ, hiểu văn nghệ sĩ… là điều không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được, nhưng Trần Độ đã làm được điều đó.

Bên cạnh đó, Trần Độ cũng nhận thấy văn học sau năm 1975 cần đổi mới đa dạng và nên có nhiều xu hướng. Đây cũng là đòi hỏi của cuộc sống của công chúng của thời đại.

Qua tìm hiểu những tác phẩm văn học của Trần Độ người viết nhận thấy Trần Độ thường thường ưu tiên đổi mới nội dung tư tưởng mà chưa chú ý đổi mới cách viết. Đó là mặt hạn chế của nhà văn. Song, lí giải cho nhận xét này, có thể có những lí do sau:

Thứ nhất, Trần Độ không chú trọng việc xây dựng cho mình một sư nghiệp văn chương, ông chỉ yêu thích và say mê văn nghệ, yêu cuộc sống và đồng đội mà cầm bút. Mục đích cao nhất của ông là vì tự do dân chủ, tất cả vì con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, các tác phẩm văn nghệ chủ yếu được Trần Độ sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, tất cả cho mục tiêu vì độc lập Tổ quốc. Vì vậy, người nghệ sĩ, vị tướng, người lãnh đạo Trần Độ ít có điều kiện trau dồi nghệ thuật. Cũng vì thế, văn chương của Trần Độ không trau chuốt, gọt giũa mà dân dã, chân thật như chính con người của ông.
 
*Tiểu kết: Quan niệm về văn học của Trần Độ được thống nhất trong quá trình hoạt động tư tưởng của ông. Ông vừa hoạt động vừa sáng tác văn học. Tuy nhiên, những quan niệm này chủ yếu được viết vào những năm tám mươi của thế kỉ XX. Ông không có những công trình viết riêng bàn về các vấn đề văn học nghệ thuật. Nhưng tản mạn ở một số bài viết, ông đã có sự nhìn nhận và đánh giá văn nghệ rất sâu sắc. Trong quá trình nói về văn hóa văn nghệ nói chung ông vẫn luôn nhấn mạnh lĩnh vực văn học nghệ thuật như một yếu tố hàng đầu của văn hóa. Trần Độ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, từ đó khẳng định ý nghĩa thực tiễn của văn học nghệ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét