Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Tiếng hát trong xà lim


Hồi đó tôi bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Có một câu chuyện xảy ra như sau:


Một tên giám thị vào quát mắng chúng tôi khi chúng tôi nói chuyện vào giờ đã tắt điện. Tôi là “trật tự”, tôi ra phản đối lối quát mắng láo xược của tên kia. Tên đó thù tôi, báo cáo tên giám ngục. Tên giám ngục gọi tôi lên và phạt một tháng nằm xà-lim.


Vì đã thù tức tôi nên tên giám thị kia đã xúi bẩy một tên giám thị Tây cùm hai chân tôi lại. Trời rét, nằm trên sàn xi-măng lạnh, nó lại không cho chăn chiếu gì cả. Tôi mang theo được thêm một bộ quần áo tù, áo thì tôi trùm lên đầu cho kín vừa để đỡ lạnh, vừa để che muỗi – vì muỗi nhiều không thể tả được – còn cái quần tôi trùm xuống hai chân. Ở hai cổ chân bị cái nạn rệp ở khe cùm nó ra thì không có cái gì che được. Tôi đã được nghe chuyện là có đồng chí chỉ vì rệp cắn ở hai cổ chân về sau biến thành sâu quảng rồi không chữa được mà chết. Tôi nghĩ cũng ghê ghê, nhưng chả có cách gì trừ rệp cả. Tôi đành chịu đựng. Trong các xà-lim khác cũng đầy người và đều là anh em thường phạm; một số thì cũng vì đánh nhau hoặc phá đám gì đó, nó nhốt vào xà-lim, có một số là tù “số đỏ” (nghĩa là tù bị bắt nhiều lần quá, bị liệt vào loại nguy hiểm, phải cấm cố).

Lần đầu tiên tôi phải nằm xà lim, cũng bỡ ngỡ, nhưng vì nằm có một mình nên chả biết hỏi ai, nói chuyện với ai, vả lại cũng chả có việc gì. Ăn thì anh em nhà bếp đem cho. Tôi có cái gáo thì anh em cho một gáo nước vối đầy để uống một ít, còn một ít để rửa tay và… để rửa đít. Còn đi ỉa thì có một cái thùng ti-nét con con, không bao lâu tôi đã tìm được tư thế thích hợp để đi. Chỉ hiềm nỗi tôi bị lòi dom, mỗi lần đi xong thì rất vất vả. Bây giờ, nghĩ lại thấy nó phiền, chứ lúc bấy giờ thì cũng coi như chuyện dĩ nhiên vậy.

Tôi nằm im, không có chuyện gì nói, không có việc gì làm, và cứ suy nghĩ mãi về các hình thức khủng bố của đế quốc. Tôi có nghe chuyện là phát-xít Đức nó hại tù chính trị bằng cách giam từng người một trong từng xà-lim. Tường, trần và tất cả mọi chỗ của cái xà-lim đó đều vẽ những vòng tròn các màu sặc sỡ. Tù nhân buộc phải nhìn thấy suốt ngày và cứ như thế cuối cùng loạn óc, phát điên. Tôi nghĩ nếu ở đây nó làm thế thì cũng phải nhìn thật. Nhưng không biết có điên thật không, chợt lại nảy ra ý nghĩ: giá thử một cái xem…

Ngủ mãi cũng chán, tôi quay ra lắng nghe những tiếng động chung quanh để xem có thể bắt chuyện với ai được không. Bỗng ở một xà-lim nào đó có một tiếng rất trẻ đang ba hoa nói một câu chuyện gì đó, tôi quên mất nội dung câu chuyện. Tôi chỉ nhớ đó là một câu chuyện bố láo hết sức và lại còn nói nửa tiếng Tây nửa tiếng ta, mà tiếng Tây nói cũng ba láp không thể tả được. Thế mà những tiếng đáp lại, hưởng ứng lại có vẻ tán thưởng và thán phục lắm thì phải. Tôi nảy ra cái ý nghĩ là phải phá bỏ ảnh hưởng của tên anh chị ba bị này mới được. Tôi liền lên tiếng hỏi:

- Này anh đang nói tiếng Tây ơi, xà-lim số mấy đấy?

- Số 6 đây, thằng nào hỏi gì đấy?

- A, anh số 6 ạ, câu chuyện anh nói bố láo lắm đó và tiếng Tây anh nói nghe không được, thôi biết thì nói, không biết thì thôi, và việc gì không nói tiếng ta lại phải nói tiếng Tây?

Anh chàng kia chắc là lần đầu tiên gặp người phản đối đúng vào lúc anh ta cao hứng, anh ta bèn giãy lên như đỉa phải vôi:

- Ái chà, đéo mẹ thằng nào bảo ông bố láo đấy, thằng nào đấy?

- Này này thôi nói vừa chứ, số 2 đây.

Bỗng giọng số 6 hơi dịu:

- Số 2 hả, mới vào hả, thằng nào đấy, tội gì đấy, ở đâu vào đấy hả?

- Trại D đến đây.

Tiếng trại D (nơi nhốt tù chính trị) có một sức mạnh thần kỳ. Tiếng số 6 bèn xoay ra xuýt xoa và lại thân ái:

- Trại D à, chính trị à, thế thì em xin lỗi anh nhé, thật em không biết. Đúng anh ở trại D đấy à? Thế mà anh đến sao kín tiếng thế!

Và sau đó lập tức các xà-lim khác cũng nhao nhao lên tiếng hỏi thăm vui vẻ. Thế là tôi có bạn rồi. Thú quá. Nhưng cũng đồng thời tai vạ đến với tôi. Sáng hôm sau, lại số 6 lên tiếng trước:

- Anh số 2 ơi, cho chúng em nghe một bài hát đi, rồi dạy chúng em với.
Và các xà-lim khác hưởng ứng náo nhiệt. Cũng là gãi đúng chỗ ngứa của tôi. Tôi bèn lấy giọng thật to hát bài bài “Tam binh” là bài hát tủ của cán bộ lúc bấy giờ. Tôi chỉ còn nhớ đại khái như thế này (không biết có đúng hẳn không):

Bớ công nông, phất cờ lên
Đồng tâm chiến đấu giết loài sài lang
Theo ngọn cờ Mác – Lê-nin
Phen ni mình quyết ra tay
Trừ lũ đế quốc Buốc-joa (Bourgeois: bọn tư sản) phong kiến hết,
Đừng để chúng nó ra tay làm khổ ta
Đừng để chúng nó bắn giết công nông
Rồi an nhiên ngồi ăn không mà ra tay thu góp bạc vàng
Này, trận này là trận sau cùng…”

Tôi vừa đánh nhịp vào cùm vừa hát hết sức phấn khởi. Tiếng hát vang to trong xà-lim, một vẻ vô cùng nghiêm trang, hùng tráng. Các xà-lim bên cạnh đều im lặng. Tôi tưởng tượng thấy tất cả vẻ mặt chăm chú thu hút lời hát, như trước đây tôi đã từng hát trong các cuộc hội họp. Tôi càng hát hăng tợn.

Bỗng trong tiếng hát vang như thế, xen lẫn một tiếng giày êm bước vội, rồi cái miếng sắt nhỏ ở cửa xà-lim tôi kêu “soạch”, một bộ mặt hiện ra, lại biến mất ngay. Tuy đang hát, tôi cũng kịp nhận ngay thấy đôi mắt khốn nạn của tên giám thị thù tôi hôm qua. Tôi biết là sẽ có chuyện. Tôi bình tĩnh hát tiếp và chờ đợi.

Tên giám thị Tây, người Coóc-sơ lánh chánh đi vào, hùng hổ mở cửa và không nói không rằng cứ thế giơ dùi cui đánh tôi một trận túi bụi. Tôi vừa đỡ, vừa phản đối: “Tại sao ông đánh tôi, tôi không làm gì mất trật tự”.

Nhưng nó cứ đánh rồi nó lại hấp tấp đi ra khoá cửa, không nói không rằng. Tôi biết rằng đây lại là một hành động trả thù hết sức hèn nhát của tên giám thị Đ. đây. Tôi bực quá nghĩ cách đối phó mới. Trong khi ấy, từ các xà-lim lại tới tấp hỏi thăm:

- Nó đánh có đau không, anh số 2 ơi?

Sau đó anh em họ yêu cầu tôi dạy họ bài hát đó. Tôi đọc từng câu và họ học nhẩm như kiểu người nói chuyện. Chúng tôi định rồi sau khi nào hát sẽ cùng hát thì bọn giám thị không làm gì được. Tôi đồng ý và dạy anh em từng câu một.

Và hôm sau, tôi lại hát, vì tự nhiên tôi thấy cần phải hát, không những hát để đáp lại nhiệt tình của các anh em thường phạm, mà tôi thấy cần hát như để chiến đấu chống lại một cái gì.

Lại gặp thằng giám thị Tây kia, nó lại xông vào. Lần này tôi ngồi thẳng nhìn vào mặt nó và nói thật to: “Đả đảo khủng bố, đả đảo đánh đập!”.

Sung sướng nhất cho tôi là có một số tiếng đả đảo hưởng ứng ngay ở các xà-lim bên cạnh. Thằng giám thị bực quá, giậm chân giậm cẳng chửi ầm ĩ, nhưng không dám đánh tôi nữa. Thế nhưng nó cũng lại tìm ngay được một thủ đoạn đê hèn khác: nó giật ngay mất của tôi bộ quần áo thứ hai để ở đầu sàn, đem đi mất và tuyên bố tôi bị một tháng cùm hai chân (trước nó chỉ phạt tôi nửa tháng cùm hai chân và nửa tháng cùm một chân).

Thế là tôi thắng lợi một bước, nhưng chúng lại tấn công tôi một đòn khá tai ác. Như thế là tôi cứ nằm dài ba mươi ngày đêm như vậy không được trở mình, và gần ba mươi đêm bị giày vò vì cái rét buốt lưng của sàn xi-măng và đàn muỗi vo vo một cách hết sức khó chịu. Sau đó, tôi dạy một số anh em bên cạnh hát được cả bài hát. Anh chàng số 6 không còn dám hoạnh họe gì nữa mà trái lại luôn luôn gọi tôi hỏi chuyện.

Về sau chúng tôi còn phát triển thêm mục ngâm thơ nữa. Trong đầu tôi nhớ được bao nhiêu thơ của Tố Hữu, tôi đem ra hết. Tôi hay đọc và giải thích bài “Tâm tư trong tù” và bài “Hai đứa bé” và cũng từ đó, chỉ vào những giờ yên tĩnh tôi mới thấy những tên giám thị qua lại nhìn tôi bằng con mắt hằn học. Và những khi chúng tôi hát thì không thấy ai cả.

Tôi vốn có bệnh kiết lỵ. Trong khi nằm xà-lim như thế lại còn bị đi lỵ. Tôi xin đi xin thuốc nó cũng không cho. Tôi bị đi đến gần một tuần lễ thấy người mệt quá. Tôi bèn suy luận để chữa mẹo. Tôi cho rằng trong người còn có phân để đi thì cứ phải đi mãi. Thế là tôi nhịn cơm để không có phân nữa. Sau khi nhịn hai ngày thấy vẫn cứ đi ra mũi mãi, tôi lại nghĩ ta cần phải có phân cho nó cuốn hết cái đám mũi này ra. Tôi lại ăn cơm và chỉ ăn cơm muối thôi. Thế mà quả nhiên sau khi ăn cơm hai ngày nữa thì đi phân tốt không còn mũi máu nữa. Sau này tôi còn áp dụng phương pháp này có hiệu nghiệm một lần nữa trong một hoàn cảnh khác.

Tôi phải sống một tháng cùm hai chân, chỉ được đi tắm và thay quần áo có một lần. Nhưng trong tháng ấy tôi cũng cảm thấy hết sức vui vẻ và hình như có làm một việc gì bận rộn lắm. Trong thời gian này cũng thấy hình như khám phá ra được một cái gì mới mẻ làm cho tôi thú vị. Từ trước tôi chỉ được nghe anh em nhiều tuổi kể chuyện tù thường phạm khâm phục tù chính trị và có cảm tình với tù chính trị mà tôi và anh em thường thường ngồi bàn bạc, trên lý thuyết thì cũng đánh giá “đó là những nạn nhân của xã hội cần phải thay đổi”. Nhưng thực tế, trông thấy những người mặt mũi có vẻ hung ác, tranh ăn cướp uống chửi bậy chửi bạ, ăn nói ba hoa tôi vẫn không tin rằng họ có thể cảm tình với chúng tôi. Lần này tôi được “trực tiếp” họ qua mấy bức tường và có được một lần trông thấy mặt họ thì quả thực tình cảm của tôi có phần thay đổi. Hồi đó tôi cũng còn nhỏ tuổi, ít kinh nghiệm, nên chưa có cách gì sắc bén để tuyên truyền và cũng không có ý thức đi sâu “gây cơ sở” trong họ. Nên tôi chỉ làm cái việc tuyên truyền một cách chung chung như vậy mà thôi. Trong bọn họ cũng chỉ có độ ba bốn người có cảm tình rõ rệt với tôi, mỗi khi có một người hết hạn cùm trước khi về cũng đều chào hỏi thân mật và khi có người mới đến cũng được giới thiệu “anh số 2 là ở trại D và có nhiều bài hát, bài thơ hay lắm”.

Tiếng hát trong xà-lim đã gây một không khí thân mật trong chúng tôi. Cho đến ngày tên giám thị hèn hạ (lại chính hắn) vào tháo cùm cho tôi, nó còn hằn học:

- Cẩn thận! Anh còn bị cùm nhiều!

Tôi còn mải từ giã các bạn mới của tôi và một thứ tình cảm trái ngược với tâm hồn của tên giám thị kia đang dào dạt trong tôi. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rõ giá trị tiếng hát cất lên từ trong lòng xà-lim của mình. Còn hắn, hắn không thể nào hiểu được niềm vui sâu sắc đó của tôi, vì tâm hồn hắn không bao giờ hiểu được những lời ca hùng tráng. Hắn và quan thày hắn tưởng tìm cách ngăn cấm những lời ca đó không vang lên trong xà-lim được. Nhưng chúng có biết đâu những lời ca đó đã vang lên tự trong những trái tim nóng hổi nhiệt tình cách mạng, không có một sức mạnh bất chính nào có thể dập tắt được.

Tháng 12 năm 1959.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)  

1 nhận xét:

  1. quá tuyệt vời đây cũng là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng!

    Trả lờiXóa